Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Rao Giảng Tin Mừng Cho Á Châu - Tháng 08 năm 2001

Chủ đề: RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO Á CHÂU

 

I. LỜI CHÚA: Mc 5,1-18

Đức Giêsu và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghêrasa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám, liền ra đón Người. Anh nầy thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích .Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gảy xiềng xích và đập tan gông cùm. Và không ai có thê kềm chế anh được. Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình. Thấy Đức Giêsu tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng : “ Lạy ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông ? Nhân Danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi! ” Thật vậy, Đức Giêsu đã bảo nó : “ Thần ô uế kia, xuất khỏi người nầy ” Người hỏi nó : “ Tên ngươi là gì? ” Nó thưa : “ Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm ” . Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. Ở đó, có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. Đám thần ô uế nài xin Người rằng : “ Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia ” . Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo “ chừng hai ngàn con “ từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. Họ đến cùng Đức Giêsu và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo , chính người nầy đã bị đạo binh quỉ nhập vào. Họ phát sợ. Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỉ ám và chuyện bầy heo. Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỉ ám nài xin cho được ở với Người. Nhưng người không cho phép, Người bảo : “ Con cứ về nhà với thân nhân và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho con, và Người đã thương con thế nào ” . Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Đức Giêsu trừ quỉ cho một người tại vùng Ghêrasa, là vùng đất của lương dân, nằm phía Đông Nam Biển Hồ Galilê. Ngài chứng tỏ quyền năng Thiên Chúa trên ác thần. Điều nầy khiến lương dân kinh sợ quyền lực của Ngài. Người được chữa khỏi quỉ ám muốn theo Ngài, nhưng Ngài khuyên anh ta ở lại loan báo Tin Mừng cho bà con lương dân của anh ta về sự xuất hiện của Đức Giêsu, Đấng Quyền năng.

III. CHUYỆN MINH HỌA

LỜI GỌI YÊU THƯƠNG

Dan Clark kể lại một câu chuyện ngắn nhưng rất ấn tượng như sau :

Vào một buổi tối trời tuyết lạnh, một em bé đang đứng trước một siêu thị sang trọng. Đứa bé đi chân không, quần áo rách tả tơi, trông rất là tiều tụy. Có một bà sang trọng đi ngang qua, trông thấy đứa bé, như đọc được nổi ao ước trong đôi mắt của em, bà liền đến cầm tay đứa bé, dẫn vào siêu thị và mua cho em đôi dép mới, bô quần áo mới và những thứ bánh kẹo mà em yêu thích. Sao đó, họ bước ra phố và bà sang trọng nói với em :
- Chúc cháu vui vẻ và một đêm ngủ ngon.
Đứa bé trố mắt nhìn bà sang trọng và rụt rè hỏi :
- Thưa bà, bà có phải là Chúa không ?
Bà cuối xuống mỉm cười với đứa bé, vỗ nhẹ vào vai em và trả lời :
- Con ơi, không phải đâu, bà chỉ là một trong những đứa con của Ngài thôi !
Cậu bé như khám phá ra điều gì mới lạ và thơ ngây nói :
Cháu đã biết ngay là bà có bà con với Chúa mà.

IV. DIỄN NGHĨA

Người đàn bà sang trọng trong câu chuyện trên đây đã đáp lại lời mời gọi yêu thương của Chúa bằng hai việc cụ thể : đọc ra được nổi lòng của cậu bé và chia sẻ cho cậu những nhu cầu mà cậu ta ao ước. Yêu thương và chia sẻ cho anh em mình là mệnh lệnh của Chúa. Người ta nói : món quà quí ở cách cho, nhưng nếu là món quà đúng với sở thích của người nhận thì tuyệt diệu biết bao. Là anh em với Chúa, là bà con với Chúa khi chúng ta biết chia sẻ hạnh phúc của mình cho người thân cận. Có hạnh phúc nào lớn lao hơn hạnh phúc làm con Thiên Chúa ! Có quà tặng nào quí giá hơn là đem Chúa đến với anh em mình, theo cách thế sao cho họ dễ đón nhận.

Thử tìm hiểu về
Tông Huấn Giáo Hội tại Á châu:
Đức Giêsu Cứu Thế :
Một quà tặng cần loan báo cho mọi người biết.

Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giáo Mục tại Á châu (Thượng Hội Đồng Giám mục diễn ra từ 18.04 đến 14 .05 năm 1998 tại Vatican) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ban hành tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 06.11.1999 gửi các giám mục, linh mục và phó tế, nam nữ tu sĩ sống đời thánh hiến và toàn thể giáo dân về Đức Giêsu Kitô Cứu Thế, sứ mạng yêu thương và phục vụ của Ngài tại Á châu : ... “ để họ được sống và được sống dồi dào ” (Ga 10,10).

Đây là Tông Huấn, trong đó, Đức Thánh Cha đúc kết và chuẩn nhận những suy tư sâu sắc, những nhận định và những phương hướng hành động của Thượng Hội Đồng Giám Mục bàn về Châu Á của mình với những nét đa dạng và phức tạp, những khó khăn và thách đố trong đời sống cá nhân và xã hội cũng như trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Đức Thánh Cha đã tập họp tất cả thực tại phong phú ấy một cách kỳ diệu và đầy khôn ngoan rồi qui tụ về Đức Giêsu Kitô như là Đấng Cứu Độ duy nhất của toàn thể loài người và vũ trụ . Ngài giới thiệu và chỉ dẫn cho chúng ta cách thế khôn ngoan và hữu hiệu để loan báp Đức Giêsu Kitô, cũng như để thực hiện sứ mạng yêu thương và phục vụ của chúa tại Á châu nầy (Lời Giới Thiệu TH. GHAC)

” Á châu là lục địa rộng nhất thế giới và là quê hương của gần hai phần ba dân số thế giới... là chiếc nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới như Do thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và ấn Độ giáo, là nơi khai sinh của nhiều truyềnthống tâm linh khác như Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo... ” .

” Á châu có một cảm thức bẩm sinh về tâm linh và có một nền minh triết về luân lý. Đó chính là cốt lõi mà xoay quanh đó ta có thể xây dựng một ý thức ngày càng đậm đà thế nào là “ bản sắc Á châu ’ . Ta sẽ khám phá và khẳng định “ bản sắc Á châu ” không phải bằng cách đối chất và đối chọi nhau, nhưng bằng cách bổ sung và phối hợp hài hòa với nhau. Trong tinh thần bổ sung và phối hợp hài hòa ấy, Giáo Hội sẽ tìm cách giới thiệu Tin Mừng sao cho vừa trung thành với truyền thống của mình vừa không phản bội cái hồn của Á châu (GHAC số 6).

Đức Giêsu là người Á châu, là quà tặng cho dân Á châu, thế mà hiện nay chỉ có 2% dân số Châu Á nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa. Do đó, nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho Giáo Hội tại đây là loan báo “ Đức Giêsu Kitô là Chúa thật và là người thật, là Vị Cứu Tinh duy nhất cho mọi dân tộc ” đặc biệt cho người dân châu Á trong bối cảnh văn hoá, xã hội, truyền thống, tôn giáo của họ, sao cho họ có thể đón nhận Tin Mừng, như Đức Thánh Cha mong ước “ nếu trong thiên niên kỷ thứ nhất của Kitô giáo, Thánh giá đã được trồng trên đất của Châu Âu, trong thiên niên kỷ Kitô giáo thứ hai, thánh giá được trồng trên đất Mỹ Châu và Phi Châu, thì chúng ta có thể cầu xin trong thiên niên kỷ thứ ba, Giáo Hội sẽ gặt được mùa gặt lớn trên lục địa vừa rộng lớn, vừa tràn trề sức sống nầy ” (GHAC số 1)

Truyền giáo là gì? Là loan báo Đức Giêsu Kitô cho muôn dân, để nhờ tin vào Ngài mà họ được cứu độ. “ Điểm khác biệt giữa Giáo Hội với các cộng đồng tôn giáo khác là niềm tin Giáo Hội đặt vào Đức Giêsu Kitô. Niềm tin của Giáo Hội vào Đức Giêsu là một quà tặng vừa nhận được vừa để chia sẽ; đó chính là món quà lớn nhất mà Giáo Hội có thể tặng cho Á châu. Chia sẽ sự thật về Đức Giêsu Kitô cho người khác là nghĩa vụ cao cả của những ai nhận được đức tin ” .

Tại sao phải truyền giáo ?

Trong Thông Điệp “ Sứ Vụ Đấng Cứu Thế ” (Redemptoris Missio, 1991) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nêu ra ba lý do mà Giáo Hội phải cấp bách truyền giáo :

- Lý do thứ nhất : là việc truyền giáo chưa hoàn thành “ Sứ mạng truyền giáo cho muôn dân vẫn còn ở những bước đầu ” (RM số 40).

- Lý do thứ hai : là “ sự mới mẻ triệt để của sự sống do Đức Kitô đem tới mà các môn đệ Ngài đã sống ” . Sự mới mẻ triệt để nầy chính là ơn cứu độ do Đức Kitô đem đến cho nhân loại, vì “ Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất ” (RM 5).

- Lý do thứ ba là : Đức tin vào Đức Giêsu Kitô đòi hỏi chúng ta phải loan báo niềm tin ấy cho người khác. Truyền giáo là thước đo đức tin của chúng ta : “ Truyền giáo là vấn đề đức tin, nó rõ ràng là thước đo lòng ta tin vào Đức Giêsu Kitô và vào tình yêu Ngài dành cho tất cà mọi người ” (RM 11)

- ĐGH Phaolô VI dạy : Truyền giáo là căn tính của Giáo Hội, là lý do tồn tại của Giáo Hội ; “ Thực vậy, Phúc Âm hóa là ân huệ và ơn gọi riêng, là căn tính sân xa nhất của Giáo Hội, Giáo Hội hiện hữu để Phúc Ân hóa... ” (Evangelii Nuntiandi 14)

Theo Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, Giáo Hội loan báo tin mừng cho lục địa nầy vì :

- Vâng theo lời Đức Kitô chứ không vì một động lực nào khác: “ Giáo Hội rao giảng Tin Mừng chỉ vì muốn tuân theo mệnh lệnh Đức Kitô, bởi biết rằng ai cũng có quyền nghe Tin Mừng của một vị Thiên Chúa đã sẳn sàng tự mặc khải và tự hiến mình nơi con người Đức Kitô ” (GHAC 20).

- Đáp ứng nguyện vọng sâu xa của con người với sự tôn trọng và yêu mến : “ Giáo Hội luôn công bố Tin Mừng với sự tôn trọng và quí mến đối với những người nghe. Loan báo mà vẫn tôn trọng các quyền lương tâm, sẽ không xâm phạm tự do con người, vì đức tin luôn đòi phía cá nhân phải có sự hưởng ứng tự do, tự nguyện ” (GHAC 20).

- Tôn trọng các tôn giáo khác tại Á châu, nhưng “ không có nghĩa là không được phép công khai loan báo Tin Mừng ! ... “ các nghị phụ Thượng Hội Đồng sẳn sàng nhìn nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi các xã hội, văn hóa và tôn giáo Á châu, vì qua đó, Chúa Cha chuẩn bị tâm hồn các dân tộc Á châu đón nhận sự sống sung mãn nơi Đức Kitô (GHAC 20)

Truyền giáo như thế nào ?
Theo các Nghị Phụ có những khó khăn sau đây cho việc loan báo Tin Mừng tại Á châu :

- Tín đồ một số các tôn giáo lớn tại Á châu dễ chấp nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Tuyệt đối, nhưng lại khó chấp nhận Ngài là vị Thần Minh duy nhất;

- Dù Chúa Giêsu là người Á châu, nhưng do được truyền đạo bởi các nhà truyền giáo Phương Tây, nên người Á châu có khuynh hướng coi Ngài là người Phương Tây hơn là người Á châu;

- Khó khăn nữa là làm sao cho các dân tộc Á châu “ có thể đón nhận Đức Giêsu Kitô mà vẫn trung thành được cả với giáo lý và thần học của Giáo Hội lẫn với gốc gác Á châu của mình ” (GHAC 20).

Theo ĐGH Gioan Phaolô II, cần phải có phương pháp sư phạm : “ Phúc Âm hóa sơ khởi cho những người ngoài Kitô giáo và tiếp tục loan báo Đức Giêsu cho những người đã tin là hai công việc khác nhau ” (20) :

1) Khi loan báo Đức Giêsu Kitô lần đầu, phương pháp kể chuyện : “ phải giới thiệu Đức Giêsu Kitô như Đấng thỏa mãn những khát vọng sâu xa của con người, được diễn tả qua các thần thoại và văn chương dân gian cũa các dân tộc Á châu ” (20) .

2) Việc giảng dạy tiếp theo nên theo phương pháp gợi ý, bằng ngôn ngữ thích hợp : “ nghĩa là vận dụng các câu truyện, dụ ngôn và biểu tượng là những điều hết sức đặc thù trong phương pháp giảng dạy của người Châu Á ” (20).

3) Cần phải hội nhập văn hóa : “ giới thiệu mầu nhiệm Đức Kitô cho dân tộc mình theo những mô hình văn hóa và theo những cách tư duy của họ ” (20). Điều nầy có nghĩa là “ tìm ra những phương cách mà nhờ đó các nền văn hóa Á châu có thể nắm bắt được ý nghĩa cứu độ phổ quát của mầu nhiệm về Đức Giêsu và về Giáo Hội Người ” (20).

a) Văn hóa là gì ?

Tông huấn định nghĩa : “ Văn hóa là kết quả xuất phát từ cuộc sống và sinh hoạt của một tập thể nhân loại nào đó. Nên những người thuộc tập thể ấy cũng được nền văn hóa trong đó họ sinh sống khuôn đúc lên tới một mức nào đó. Nếu con người và xã hội thay đổi văn hóa cũng sẽ thay đổi theo. Ngược lại, nếu văn hóa đổi thay thì con người và xã hội cũng được văn hóa ấy biến đổi theo ” .

b) Hội nhập văn hóa là gì ?

Hội nhập văn hóa là một từ mới được dùng vào năm 1977 trong bối cảnh Phúc âm hóa khi Thương Hội Đồng Giám Mục nói về sự nhập thể của đức tin trong các nền văn hóa. Từ mới nầy cũng được đề cập đến trong Thông điệp “ Slavorum Apostoli ” của ĐGH Gioan Phaolô II, theo Ngài sự hội nhập văn hóa là : “ Sự nhập thể của Phúc âm trong các nền văn hóa bản xứ, đồng thời cũng đưa các nền văn hóa nầy vào đời sống của Giáo Hội ”.

Thông điệp “ Sứ vụ của Đấng Cứu Thế ” (1991) định nghĩa: “ Hội nhập văn hóa là sự biến đổi tự bên trong của các giá trị văn hóa chính đáng khi chúng sáp nhập vào Kitô giáo, và là sự bén rể của Kitô giáo trong các nền văn hóa khác nhau của nhân loại ” (RM 52) .

Tông Huấn GHAC giải thích : " Trong quá trình gặp gỡ các nền văn hóa khác nhau của thế giới, Giáo Hội chẳng những truyền đạt các chân lý và giá trị của mình, cũng như đổi mới các nền văn hóa ấy từ bên trong, mà còn thu dụng nhiều yếu tố tích cực tìm thấy được từ các nền văn hóa ấy...Ngược lại, các nền văn hóa khác nhau ấy, một khi đã được tinh lọc và đổi mới lại dựa vào Tin Mừng, sẽ trở thành những cách biểu đạt rất xác đáng đức tin Kitô giáo ” (GHAC 21).

Ba định nghĩa trên đây về hội nhập văn hoá của ĐGH Gioan Phaolô II, tuần tự theo thời gian, ngày càng rõ nét hơn.
Việc Phúc âm hóa và hội nhập văn hóa có liên hệ với nhau cách tự nhiên và mật thiết :
- Giáo Hội truyền đạt các chân lý và những giá trị của mình và đổi mới các nền văn hóa từ bên trong;
- Giáo Hội cũng tiếp thu từ các nền văn hóa khác nhau, những yếu tố tích cực có sẳn trong các nền văn hóa đó;
- Khi các nền văn hóa khác nhau được hoàn thiện và canh tân dưới ánh sáng của Tin Mừng, chúng có thể trở thành những cách thế diễn tả đích thực đức tin duy nhất của Kitô giáo.
Cần phân biệt giữa hội nhập văn hóa và nội dung của việc truyền giáo. Hội nhập văn hóa chỉ là con đường hoặc một cái nhìn mới để truyền bá Tin Mừng. Nội dung của việc truyền giáo chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ.

Việc hội nhập văn hóa của Tin Mừng là công việc của Chúa Thánh Thần : “ Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc đưa đức tin Kitô giáo hội nhập văn hóa vào Châu Á ” .

Đức Thánh Cha lưu ý chính đời sống thánh thiện của người Kitô hữu là bằng chứng hữu hiệu rao giảng Tin Mừng vì “ người ta chỉ có thể đốt lửa bởi một vật gì đó đang cháy ” (GHAC 23).

4) Để việc truyền giáo đạt được kết quả tốt đẹp cần phải có tinh thần đối thoại. Tinh thần nầy bắt nguồn từ sự đối thoại cứu rỗi đầy yêu thương của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đối thoại xét theo hai phương diện : đối thoại đại kết và đối thoại liên tôn.

a) Đối thoại đại kết là khôi phục sự hiệp thông giữa những kẻ trong đức tin, đã nhìn nhận Đức Giêsu Kitô là Chúa.

b) Đối thoại liên tôn là tiếp xúc, đối thoại và hợp tác với những người theo các tôn giáo khác.

Khi tham gia đối thoại liên tôn, người Kitô hữu cần xác tín vững chắc rằng ơn cứu độ trọn vẹn chỉ đến từ Đức Kitô và cộng đoàn Giáo Hội mà họ thuộc về. Chính Giáo Hội là phương thế thông thường để được cứu độ. Mặc dù tín đồ các tôn giáo khác “ vẫn có thể nhận được ơn Chúa và được Đức Kitô cứu độ ngoài phương thế thông thuờng mà Ngài đã lập ra, điều ấy không loại bỏ việc họ được kêu gọi đến lãnh nhận đức tin và phép Rửa như Chúa hằng mong muốn cho hết mọi người ” (GHAC 31).

Cần phải đối thoại “ bằng cuộc sống và bằng con tim ” nghĩa là với một tấm lòng hiền lành và khiêm nhượng như Đức Giêsu, với một thái độ cởi mở, sẳn sàng lắng nghe, ước muốn kính trọng và hiểu biết người khác trong sự khác biệt của họ và với một thái độ thương yêu dẫn đến sự hợp tác, hòa hợp và làm giàu cho nhau.

5) Phục vụ cho sự thăng tiến con người : Cả ba yếu tố “ hội nhập văn hóa “ đối thoại - thăng tiến con người - gắn bó mật thiết với nhau. Thiếu một trong ba yêu tố nầy việc truyền giáo khó đạt được kết quả mong muốn.

Trong việc phục vụ gia đình nhân loại, Hội Thánh tìm cách tiếp cận với mọi người nam nữ không phân biệt, ra sức cùng với họ xây dựng một nền văn minh tình thương, đặt nền móng trên những giá trị phổ biến như hòa bình, công lý, liên đới và tự do; những giá trị đó tìm thấy sự viên mãn trong Đức Kitô.

Giáo Hội Á châu được mời gọi sống tình hiệp thông qua việc yêu thương và giúp đỡ những người nghèo khổ, không được ai bênh đỡ.

Học thuyết xã hội của Giáo Hội nhằm phát triển con người, chứ không phải của cải hay kỷ thuật và phải ưu tiên phục vụ những người nghèo, những người không có tiếng nói bởi vì Chúa Giêsu đã đồng hóa với họ một cách đặc biệt.

6) Cuối cùng, lời chứng cao cả nhất để cho thế giới thấy rõ bản chất thật sự của sứ điệp Kitô giáo chính là sự Tử đạo. Trong dòng lịch sử, Á châu đã và vẫn còn đang cống hiến cho Giáo Hội và thế giới vô số các vị tử đạo. Các vị nầy biểu lộ tình yêu của mình dành cho Đức Kitô và anh chị em mình một cách hùng hồn nhất.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Thánh Thần, xin cho các dân tộc Á châu, trong đó có quê hương Việt Nam thân yêu chúng con, nhờ ơn Chúa soi sáng thúc đẩy, biết tin nhận Đức Giêsu Kitô, Con Một Chúa Cha, là Đấng cứu độ, để mọi người chúng con được sống muôn đời. Amen

VI. HỌC LỜI CHÚA: Mc 5, 19

” Con cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho con, và Người đã thương con như thế nào ” .

VII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

GIÁO DỤC ĐỨC TIN CHO GIỚI TRẺ

Khoảng 10 năm về trước, tình hình kinh tế “ xã hội đã ảnh hưởng đến đời sống đức tin của giới trẻ Âu “ Mỹ. Ngày nay, khủng hoảng này cũng lan tràn đến những cộng đoàn Giáo Hội địa phương ở Châu Á. Đâu là hướng đi để giúp cho giới trẻ sống đức tin ?

Khi bàn đến mục vụ giới trẻ, nhiều người ngày nay cảm thấy khó gắn bó với niềm tin Kitô và cho rằng giữa nền văn hóa hiện nay và sứ điệp của Giáo Hội có một khoảng cách quá lớn. Để trả lời cho vấn nạn này, Đức Hồng Y Jean Luy Lustiger, Tổng Gián Mục Pháp trong một bài phát biểu được đăng trong nhật báo Công giáo “ La Croix ” đã nói : Có và không. Có, bởi vì trong Giáo Hội hiện nay, các thế hệ trẻ ít hơn so với 20 hay 30 năm trước. Nhưng vấn đề không phải là khoảng cách giữa Giáo Hội và người trẻ, mà là giới trẻ không tìm được chổ đứng trong Giáo Hội. Đức Hồng Y phân tích vấn đề dưới ba khía cạnh :

1- Cần được yêu thương.

Trước hết Ngài nói rằng giới trẻ ngày nay không được yêu thương, họ đang đi vào một giai đoạn trong đó Tây Phương bắt đầu cằn cỗi, bởi vì Tây Phương không còn đón nhận tuổi trẻ như một hồng ân của Thiên Chúa, như một hậu duệ hay như một tương lai được Thiên Chúa ban cho một cách nhưng không.

Nếu người ta đón nhận tuổi trẻ như một hồng ân của Thiên Chúa, thì bổn phận đầu tiên là phải thông truyền tình yêu, sự sống và những giá trị mà người ta tin tưởng. Ngày nay tại Tây Phương, người ta kiếm một đứa con như mua một chiếc xe hơi, đứa con trở thành đối tượng mà người ta có thể chiếm hữu hay khước từ.

Trong tương quan với niềm tin, ĐHY Lustiger nói về hiệu quả của sự kiện này như sau : Giới trẻ biết rằng họ không được yêu thương, không được mong muốn, cho nên họ cũng nghĩ rằng không còn một chổ đứng cho họ nữa. Như vậy, họ cũng không còn muốn tiếp nhận những giá trị mà chúng ta muốn thông truyền cho họ, bởi vì họ cho rằng những giá trị ấy khước từ họ, đối nghịch với họ. Nếu người ta muốn giới trẻ có niềm tin, thì trước hết cần phải cho thấy họ được yêu thương.

2- Cần có được một nền giáo dục cơ bản.

Tiếp tục phân tích về chổ đứng của giới trẻ trong xã hội hiện nay, ĐHY Tổng Giám Mục Paris cho rằng các thế hệ trẻ ngày nay bị tổn thương nặng nề trong tình cảm, tâm lý và trong việc xây dựng nhân cách.

Chúng ta đang đứng trước một sự kiện tương tự tại Mỹ, tại Đức, và ngay cả tại Anh nữa. Những dấu hiệu rõ ràng nhất của sự kiện này chính là nạn nghiện ngập, phạm pháp, chối bỏ xã hội. Chúng ta hiện đứng trước một lớp người trẻ đang phải hứng chịu những gì mà họ không gây ra, đang phải hứng chịu những vết thương mà họ không tự gây ra cho mình : gia đình bất ổn, cuộc sống xã hội bấp bênh, xung đột ở mọi qui mô. Theo ĐHY, tình trạng này khiến giới trẻ khó đón nhận đức tin, bởi vì thiếu một nền giáo dục cơ bản; để có thể đón nhận đức tin, người trẻ cần được khỏe mạnh cả thể lý lẫn tinh thần.

3- Cần có những mẫu gương sống đức tin.

Điểm thứ ba mà ĐHY Lustiger nêu bật khi nói đến chổ đứng của giới trẻ trong xã hội và Giáo Hội chính là nguy cơ của nền văn minh tiêu thụ. Ngài nói : Chúng ta đang sống trong một xã hội sản xuất chỉ nhắm đến tiêu thụ, tất cả động cơ nội tại của xã hội này là đẩy mạnh lòng ham muốn của con người.

Hiện tượng dâm đãng là một sự kiện xã hội cũng nằm trong chiều hướng này. Cái gọi là giải phóng phong hóa cũng hiển nhiên là sản phẩm của một xã hội duy thương mại. Giữa dâm đãng và thương mại có một liên hệ mật thiết, vì cả hai đều tìm cách kích thích lòng ham muốn của con người. Nói khác đi, người trẻ là miếng mồi ngon của tiêu thụ; xã hội không mang lại cho họ một lẽ sống và cha mẹ của giới trẻ ngày nay cũng thuộc về xã hội ấy.

Như vậy, mấu chốt của vấn đề chính là niềm tin của bậc phụ huynh: đức tin chỉ có thể truyền đạt cho giới trẻ khi nào các bậc phụ huynh nhận thức được rằng họ cần phải có đủ can đảm để sống đức tin của họ trong mọi chiều kích cuộc sống, chẳng vậy, họ sẽ thấy có mâu thuẩn giữa những khát vọng thiêng liêng của họ và đời sống cụ thể của người lớn.

Nhưng thế nào là một niềm tin bao trùm cuộc sống con người ? ĐHY Lustiger nói : Cuộc sống Kitô hữu cụ thể đòi hỏi rất nhiều nơi con người. Người Kitô hữu có những chọn lựa khác với những người không có niềm tin. Họ không được sống theo thời, mà phải sống theo luân lý của Thiên Chúa. Họ phải có can đảm để sống với nhau như anh em, để chia sẻ của cải với người nghèo. Họ phải có can đảm để không những biết cầu nguyện, mà còn dấn thân nữa.

KẾT

Tựu trung cần phải có thêm nghị lực và tình yêu để sống một hình thức thánh thiện mới, đòi hỏi phải đi ngược dòng. Đối với người qủa quyết, trong các nước Tây Phương, không có niềm vui, nhưng tôi hy vọng rằng tình yêu đang bị dấu ẩn, chỉ cần châm ngòi là ngọn lửa yêu thương sẽ bùng cháy và ngọn lửa yêu thương ấy có thể là một người trẻ.
(Theo Thời Sự Công Giáo, 1994)

VIII. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

”Con hãy về nhà, với thân nhân con…” (Mc 5, 19)

PHÚT SÁM HỐI

Xin Chúa tha thứ những khi, trong độ tuổi, trong hoàn cảnh của tôi, tôi không làm sáng danh Đạo Chúa. Trái lại tôi còn lạnh nhạt và ngại xưng mình là kitô-hữu.

Xin Chúa tha thứ những việc xấu, những đua đòi, chạy theo danh lợi trần gian mà quên mất “Món Quà” Chúa ban.

Xin Chúa tha thứ những thiếu ý thức trách nhiệm loan báo Chúa cho chính mình và cho người khác.

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em, các bạn trẻ thân mến,
Chúa Kitô và Giáo Hội qui tụ chúng ta về đây để cùng hiệp thông và chia sẻ “Món Quà” Chúa ban; người trẻ chúng ta nhận ra mình là tương lai của Giáo Hội và xã hội, nhận ra phương hướng cuộc sống, nhận ra sứ vụ của chúng ta hôm nay và ngày mai, một trọng trách quả thật quá lớn, chúng ta sẽ không hoàn thành nếu không có thật nhiều ơn Chúa. Vậy chúng ta hãy khẩn thiết nài xin Chúa:

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, hàng Linh mục và Tu sĩ trong Hội Thánh, hằng quan tâm chăm sóc người trẻ, mang chứng tá Tin Mừng đến khắp mọi nơi.

Hiện nay có nhiều người trẻ đang hăng say dấn thân vào các hoạt động đón nhận và loan báo Chúa Kitô; chúng ta cầu nguyện cho những người này có được nhiều khả năng hồn xác, để các hoạt động của họ đạt nhiều kết quả như lòng Chúa mong ước.

Vẫn có những người trẻ Kitô-giáo mất phương hướng, trụy lạc, sa đọa theo những đam mê thế tục, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người bạn này: bừng tỉnh dậy, quay về với Chúa, với Hội Thánh, tiếp tục bước đi trên con đường ngay chính.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho chính chúng ta là những người trẻ của Họ Đạo, của Giáo Phận, biết tích cực cộng tác với hàng giáo sĩ để sống đạo đức, gìn giữ và mở mang Đạo Thánh Chúa, trong mọi hoàn cảnh sống của mình.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu là Bạn đồng hành với những người trẻ, Chúa mời gọi chúng con tin và đi theo Chúa trên mọi nẽo đường trần gian, mà sống và loan báo Tin Mừng của Chúa. Chúng con nài xin Chúa ban Thánh Thần giúp chúng con kiên vững thi hành sứ vụ Chúa trao để chúng con luôn vui sống trong Chúa, là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

THƯ MỜI

Vĩnh Long, ngày 25.7.2001
Kính gởi: Qúi Cha Sở, Cha Phó
Thuộc Giáo Phận Vĩnh Long

Kính thưa Cha,

Hàng năm vào ngày 15 tháng 8, Giáo Hội mừng kính Trọng thể lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và Đức Thánh Cha thường chọn làm Ngày Giới Trẻ Thế giới. Năm nay ngày lễ này còn có ý nghĩa đặc biệt đối với Giáo Phận Vĩnh Long chúng ta : Ngày Giáp năm Tấn phong GM của Đức Cha Tôma.

Dịp lễ này, Ban Mục Vụ Giới Trẻ Giáo Phận muốn mời gọi các Bạn trẻ trong Họ đạo của Cha về nhà thờ Chánh Toà để Mừng lễ của Đức Cha Tôma. Đây là dịp để Đức Cha Tôma gặp gỡ, giảng dạy và cùng cầu nguyện với các Bạn Trẻ, cũng là dịp để các Bạn Trẻ học hỏi Tông huấn, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm Sống Đạo cho nhau.

Vậy, chúng con kính thư này đến Cha, nếu có thể được, xin Cha vui lòng qui tụ nhóm Trẻ nơi Họ đạo của Cha, thông báo và chuẩn bị giúp các Bạn Trẻ học hỏi, chia sẻ chủ đề của ngày lễ và mời họ đến tham dự lễ vào ngày 14 tháng 8 năm 2001, tại nhà thờ Chánh Tòa Vĩnh Long, theo đối tượng, chương trình và chủ đề tổng quát ở trang bên.

Thân ái kính chào Cha trong Chúa Kitô.

Ban Mục Vụ Giới Trẻ

Chương trình
NGÀY GIỚI TRẺ GIÁO PHẬN Năm 2001


Chủ đề :
“Con hãy về nhà, về với thân nhân của con…”(Mc 5, 19)


1. Lý Do Tập Họp : Mừng Kỷ niệm Giáp năm Tấn Phong Giám Mục của Đức Cha Tôma.
2. Địa Điểm : Nhà Thờ Chánh Toà Vĩnh Long.
3. Đối tượng : Giới trẻ thuộc giới Học sinh, Sinh viên , Giáo viên: Tuổi từ 16 đến 30, ở các họ đạo Giáo phận VL
4. Thời gian : từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều, ngày 14/8/2001
5. Thánh lễ Đồng tế : do Đức Cha Tôma Chủ sự , lúc 10 giờ .
6. Học hỏi : tinh thần Tông huấn GHAC : Chuơng 4 và chương 7, Số 47 Giới trẻ sống chứng nhân, trong bối cảnh cụ thể .
7. Chia sẻ : chứng từ cuộc sống của các bạn trẻ
8. Các câu hỏi gợi ý về các họ đạo :
Bạn hiểu chủ đề : “Về Nhà” là ở đâu ? “Thân nhân” của bạn là ai ?
Tông huấn GHAC dạy : “Chúa Giêsu là món qùa châu Á”, Vậy bạn đã nhận và trao món qùa ấy cho người chung quanh thế nào ?
Bạn là người Kitô hữu Bạn có thái độ nào trước tệ nạn xã hội(ma túy…) và có kinh nghiệm gì để làm chứng cho niềm tin ? (Chia sẻ những từ chối, sa ngã, chổi dậy….)
Bạn có những nhu cầu nào, những đề nghị nào để thăng tiến bản thân và củng cố niềm tin ?

1346    17-04-2012 10:15:24