Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Sách GLHTCG_Phần 1_Đoạn 2_Chương 1_Mục 1_Tiết 7

TIẾT 7:  SA NGÃ

385 309 457 1848 539.           Thiên Chúa vô cùng tốt lành nên mọi công trình của Người đều tốt đẹp. Tuy nhiên, không ai thoát được kinh nghiệm về đau khổ, về những sự dữ trong thiên nhiên, những sự dữ này hình như gắn liền với các giới hạn riêng của loài thụ tạo, và nhất là sự dữ luân lý. Sự dữ từ đâu đến? Thánh Âu-tinh nói : "Tôi đã tìm căn nguyên của sự dữ và tôi không thấy có giải đáp nào" ( x. Conf 7,7,ll), và cuộc tìm kiếm đau thương của thánh nhân chỉ tìm được lối thoát lúc người hoán cải trở về với Thiên Chúa hằng sống. Vì "mầu nhiệm của sự gian ác" (2 Tx 2,7) chỉ được sáng tỏ qua "mầu nhiệm của lòng thành tín" (l Tm 3,l6). Tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải trong Đức Ki-tô đã biểu lộ một trật cả trương độ của sự dữ và sự vĩ đại của ân sủng (x. Rm 5,20). Vậy chúng ta phải nghiệm xét vấn đề căn nguyên sự dữ với đôi mắt đức tin hướng về Đấng duy nhất đã chiến thắng nó (x. Lc.ll,2l-22; Ga l6,ll; lGa 3,8).

I. NƠI ĐÂU TỘI LỖI NGẬP TRÀN, Ở ĐẤY CHỨA CHAN ÂN SỦNG

Thực tại của tội lỗi

386 1847.        Tội lỗi hiện diện trong lịch sử loài người. Thật là vô ích khi kiếm cách làm ngơ hoặc tránh né thực tại bi đát này bằng cách gán cho nó những tên khác. Muốn hiểu tội là gì, trước tiên phải nhận chân mối tương quan mật thiết giữa con người với Thiên Chúa. Bởi vì, ngoài mối tương quan đó, chúng ta không thể hiểu căn tính đích thực của tội là chối bỏ và chống đối Thiên Chúa, cho dù tội lỗi vẫn đè nặng trên đời sống và lịch sử của con người.

387 1848 1739.           Thực tại của tội lỗi, nhất là của nguyên tội, chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa. Mặc khải này giúp ta nhận biết Thiên Chúa; không có mặc khải này ta không thể nhận chân tội lỗi là gì và sẽ tìm cách giải thích nó như một khiếm khuyết trong quá trình phát triển, một nhược điểm tâm lý, một sai lầm hoặc là hậu quả tất yếu của một cơ cấu xã hội không tương xứng v.v... Chỉ khi nào nhận biết được ý định của Thiên Chúa về con người, lúc đó người ta mới hiểu tội là lạm dụng sự tự do Chúa ban cho con người được sáng tạo để yêu mến Chúa và yêu mến nhau.

Tội Nguyên tội - một chân lý chính yếu của đức tin

388 431 208 359 729. Qua quá trình mặc khải, người ta hiểu rõ thực tại của tội hơn. Mặc dầu trong Cựu ước, dân Thiên Chúa đã đề cập đến thân phận đau thương của kiếp người qua ánh sáng lịch sử của sự sa ngã được thuật lại trong sách Sáng Thế, họ vẫn không thể nắm bắt được ý nghĩa tối hậu của lịch sử đó; lịch sử này chỉ được bày tỏ trong ánh sáng của sự chết và phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô mà thôi. Phải biết Đức Ki-tô là nguồn ân sủng mới nhận ra A-đam là căn nguyên của tội lỗi. Được Đức Ki-tô Phục sinh cử đến, Chúa Thánh Thần - Đấng Bào Chữa đã "tố cáo tội lỗi thế gian" (Ga l6,8) bằng cách mặc khải Đấng Chuộc Tội.

389 422.          Có thể nói giáo lý về nguyên tội là "mặt trái" của Tin Mừng loan truyền Đức Giê-su là Đấng Cứu thế, mọi người đều cần được cứu độ và ơn cứu độ được ban cho tất cả nhờ Đức Ki-tô.Nhờ có cảm thức về Đức Ki-tô ( x. lCr.2,16), Hội Thánh biết rõ không thể động chạm đến mặc khải về nguyên tội mà không động chạm đến Mầu Nhiệm Đức Ki-tô.

Để hiểu trình thuật về sự sa ngã

390 289.          Trình thuật về sự sa ngã (St 3) sử dụng một ngôn ngữ tượng hình, nhưng xác định một biến cố hàng đầu xảy ra vào thời khởi nguyên lịch sử nhân loại(x.GS 13,1). Mặc khải giúp chúng ta xác tín rằng tất cả lịch sử nhân loại đều mang dấu tích nguyên tội mà nguyên tổ đã cố tình phạm ( x. Cđ. Tren-tô: DS 1513 ; Pi-ô XII; DS 3897; Phao-lô VI bài giảng 11/7/ 1966).

II.  SA NGÃ CỦA CÁC THIÊN THẦN

391 2538.        Đằng sau sự lựa chọn bất tuân của các nguyên tổ có một tiếng gọi quyến rũ chống lại Thiên Chúa ( x. St 3,1-5), vì ganh tị với con người, đã đưa nguyên tổ sa vào cõi chết ( x. St 2,24). Thánh Kinh và Truyền Thống của Hội Thánh đã cho nhân vật đó là một thiên thần sa ngã gọi là Xa-tan hay ma quỷ ( x.Ga 8,44; Kh 12,9). Hội Thánh dạy rằng thoạt đầu đó là một thiên thần tốt do Thiên Chúa tác tạo. "Chắc chắn quỷ dữ và các thứ ma quỷ khác đều được Thiên Chúa sáng tạo với bản tính tốt lành, nhưng tự chúng đã trở nên xấu" ( x. Cđ. La-tran IV năm 1215 : DS 800).

392 1850 2482.           Kinh Thánh có nói đến một tội của các thiên thần này ( x. 2Pr 2,4). Việc sa ngã là do các thụ tạo thuần linh ấy đã tự do chọn lựa từ chối Thiên Chúa và Vương Triều của Người cách triệt để và dứt khoát. Cuộc nổi loạn này được phản ánh trong lời của tên cám dỗ nói với các nguyên tổ : "Các người sẽ trở nên như Thiên Chúa" (St 3, 5). Ma quỷ là kẻ "phạm tội ngay từ thuở sơ khai" (1 Ga 3,8), là "cha sự dối trá"

(Ga 8,44).

393 1033- 1037 1022. Không phải vì Thiên Chúa thiếu lòng thương xót nhưng vì các thiên thần ấy đã chọn lựa dứt khoát, cho nên tội của họ không thể tha thứ được. "Sau khi sa ngã, các thiên thần không còn có thể hối cải, cũng như con người không thể ăn năn sám hối sau khi chết" (T.Gio-an Đa-ma-sô f.o.2,4).

394 538- 540 550 2846- 2849.            Thánh Kinh xác nhận ảnh hưởng tai hại của kẻ mà Đức Giê-su gọi là "tên sát nhân ngay từ lúc sơ khai"(Ga 8, 44), kẻ đã xúi giục Người bỏ sứ mệnh Chúa Cha trao phó ( x. Mt 4,1-11). "Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỷ" ( 1 Ga 3,8). Điều tai hại nhất trong các công việc của ma quỷ là dùng sự dối trá để quyến rũ con người bất tuân Thiên Chúa.

395 309 1673 412, 2850- 2854.          Thế nhưng sức mạnh của Xa-tan không phải là vô hạn. Nó chỉ là một thụ tạo, có sức mạnh vì là thuần linh nhưng vẫn là thụ tạo: nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Vương Triều của Thiên Chúa. Xa-tan hành động nơi trần thế do thù hận Thiên Chúa và Vương Quốc Người được thiết lập trong Đức Giê-su Ki-tô. Hành động đó gây tác hại rất nghiêm trọng về mặt tinh thần và gián tiếp cả về mặt thể lý, nơi mỗi người và nơi xã hội; hành động ấy được Chúa quan phòng để cho xảy ra, Người là Đấng điều khiển lịch sử loài người và thế giới cách mạnh mẽ mà cũng rất dịu dàng. Việc Chúa để cho ma quỷ hành động quả là một mầu nhiệm lớn, nhưng "chúng ta biết rằng : Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người" ( Rm 8, 28).

III. TỘI NGUYÊN TỔ

Thiên Chúa thử thách tự do của con người

396 1730, 311 301.     Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài và cho họ sống trong tình thân với Người. Là một thụ tạo tinh thần, con người chỉ có thể sống tình thân đó khi tự do tùng phục Thiên Chúa. Điều đó được diễn tả trong lệnh cấm con người ăn trái cây biết lành, biết dữ "vì ngày ngươi ăn nó, ngươi sẽ chết" (St 2, 17). "Cây biết lành biết dữ" (St 2, 17) nói lên một cách biểu tượng ranh giới mà con người là thụ tạo không thể vượt qua nhưng phải tự ý nhìn nhận và tôn trọng với lòng tín thác. Con người tùy thuộc vào Đấng Sáng Tạo, phải tuân theo các định luật tự nhiên và các tiêu chuẩn luân lý qui định việc sử dụng tự do.

Tội đầu tiên của con người

397 1707,2541 1850 215.       Con người bị ma quỷ cám dỗ, đã đánh mất lòng tín thác vào Đấng Sáng Tạo, và khi lạm dụng sự tự do, con người đã bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Đó là tội đầu tiên của con người ( x. Rm 5,l9). Từ đó mọi tội lỗi đều là do bất tuân Thiên Chúa và thiếu tín thác vào lòng nhân hậu của Người.

398 2084 2113.           Trong tội này, con người đã chọn chính mình thay vì Thiên Chúa và do đó đã khinh mạn Thiên Chúa: Con người đã chọn mình bất chấp Thiên Chúa, bất chấp những đòi hỏi của tình trạng thụ tạo và do đó bất chấp cả điều tốt lành cho bản thân . Khi tác thành con người trong tình trạng thánh thiện, Thiên Chúa đã dành sẵn ơn "thần hóa" sung mãn trong vinh quang. Do ma quỷ cám dổ, con người đã muốn "nên như Thiên Chúa" ( x. St 3,5) mà "không cần Thiên Chúa, qua mặt cả Thiên Chúa, và không theo Thiên Chúa" ( Th: Niaxime le Confesseur, ambig).

399.     Kinh Thánh cho thấy những hậu quả bi đát của sự bất tuân đầu tiên đó. A-đam và E-và đã tức khắc đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy ( x. Rm 3,23). Họ sợ hãi trước vị Thiên Chúa ( x. St 3,9-l0) mà họ quan niệm cách sai lệch, như một Thiên Chúa ganh tị, sợ mất các đặc quyền của mình ( x. St 3,5).

400 1607 2514, 602, 1008.     Trước kia nguyên tổ sống trong sự hài hòa do tình trạng công chính nguyên thủy, nay tội đã phá hủy sự hài hòa đó, làm cho những khả năng điều khiển của linh hồn trên thể xác bị thương tổn ( x. St 3,7); sự kết hợp nam nữ trở nên căng thẳng ( x. St 3,11-13); mối quan hệ giữa họ đầy những ham muốn và thống trị ( x. St 3,16). Sự hài hòa với vạn vật bị phá vỡ : thế giới hữu hình trở nên xa lạ và thù nghịch với con người ( x. St 3,17-19). Vì con người, muôn loài đã "lâm vào cảnh hư ảo" (Rm 8, 20). Cuối cùng, hậu quả đã được báo trước rõ ràng cho tội bất tuân, nay thành hiện thực : "Con người là tro bụi sẽ trở về bụi tro" (St 3,19). Sự chết đã xâm nhập vào lịch sử nhân loại ( x. Rm 5,l2) .

401 1865, 2259 1799. Từ tội đầu tiên này cả trần thế bị chìm trong tội lỗi: huynh đệ tương tàn, khởi đầu là Ca-in giết A-ben (St 4,3-15); tiếp đến là sự sa đọa của cả loài người; cũng vậy, trong lịch sử Ít-ra-en, tội thường xuyên xuất hiện, nhất là dưới dạng bất trung với Thiên Chúa Giao Ước và sự vi phạm luật Mô-sê; cả sau biến cố cứu độ của Đức Ki-tô, tội xuất hiện dưới nhiều dạng ngay giữa người Ki-tô hữu (x. 1Cr 1-6; Kh 2-3). Thánh Kinh và truyền thống Hội Thánh không ngừng nhắc nhở tội hiện diện khắp nơi trong lịch sử loài người :

Điều Thiên Chúa mặc khải cho ta biết, cũng được kinh nghiệm của ta xác nhận. Bởi vì nếu nhìn sâu tận đáy lòng, con người cũng khám phá ra mình hướng về sự dữ, và ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hóa tốt lành . Nhiều khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên uỷ của mình, con người cũng đã phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích tối hậu, đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thụ tạo (GS 13,1).

Hậu quả của tội A-đam trên nhân loại

402 430, 605.  Mọi người đều liên lụy với tội A-đam. Thánh Phao-lô khẳng định : "Do một người bất tuân, muôn người (nghĩa là mọi người) đã mang tội" (Rm 5,19): "Cũng như vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi đã gây nên sự chết. Như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội" (Rm 15, 12). Thánh tông đồ đối chiếu tính phổ quát của tội lỗi và sự chết với tính phổ quát của ơn cứu độ trong Đức Ki-tô : "Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được làm cho nên công chính, nghĩa là được sống" (Rm 5,18).

403 2606 1250.           Theo chân thánh Phao-lô, Hội Thánh luôn dạy rằng chúng ta không thể hiểu được nỗi khốn khổ lớn lao đang đè nén con người cũng như việc họ hướng chiều về sự dữ và sự chết, nếu không nối kết chúng với tội A-đam và việc nguyên tổ đã truyền lại cho chúng ta một tội mà mỗi người phải mang lấy từ khi sinh ra và tội này là "cái chết của linh hồn" ( x. Cđ Tren-tô; DS. 152). Với xác tín do đức tin này, Hội Thánh ban phép Thánh Tẩy để tha tội cho cả những trẻ em chưa từng phạm tội riêng ( x. Cđ Tren-tô : DS 1514).

404 360 50.     Bằng cách nào tội A-đam đã trở nên tội của cả nhân loại ? Toàn thể nhân loại đều ở trong A-đam "như một thân thể duy nhất của một con người duy nhất" ( T.Tô-ma A-qui-nô, mal 4-l). Do "thể thống nhất của nhân loại", mọi người đều liên lụy với tội A-đam, cũng như đồng hưởng sự công chính của Đức Ki-tô. Tuy nhiên, việc lưu truyền nguyên tội là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu thấu trọn vẹn. Nhưng nhờ mặc khải chúng ta biết rằng A-đam đã được hưởng nhận sự thánh thiện và công chính không phải cho riêng mình, mà cho cả bản tính nhân loại : khi chiều theo cám dỗ, A-đam và E-và phạm tội với tính cách cá nhân nhưng tội đó ảnh hưởng đến cả bản tính con người mà nguyên tổ đã truyền lại trong tình trạng sa đọa ( x. Cđ Tren-tô: DS.1511-1512). Tội đó đã truyền lại cho hết nhân loại qua sinh sản nghĩa là truyền lại một bản tính loài người đã mất sự thánh thiện và công chính nguyên thuỷ. Do đó, nguyên tội được gọi là "tội" do loại suy : đó là một thứ tội con người bị "nhiễm" chứ không phải đã "phạm"; một tình trạng, chứ không phải một hành vi.

405 2515 1264.           Tội ấy mặc dầu truyền đến mỗi người ( x. Cđ Tren-tô: DS.1513), nhưng không hề mang tính cách một tội riêng nơi bất kỳ ai trong con cháu A-đam. Nguyên tội làm mất đi sự thánh thiện và công chính ban đầu, nhưng không làm hư hoại hoàn toàn bản tính loài người : Bản tính loài người chỉ bị thương tổn trong các khả năng tự nhiên, bị lâm cảnh mê muội, đau khổ và phải chết, ( hướng chiều về tội lỗi, hướng chiều này được gọi là "vật dục"). Khi ban cho con người đời sống ân sủng của Đức Ki-tô, bí tích Thánh Tẩy cũng xóa bỏ nguyên tội và quy hướng con người về Thiên Chúa; nhưng hậu quả của nguyên tội trên bản tính bị suy yếu và nghiêng chiều về sự dữ, vẫn tồn tại nơi con người và đòi buộc con người phải chiến đấu luôn mãi.

406.     Giáo lý của Hội Thánh về sự lưu truyền nguyên tội đã được minh định, vào thế kỷ V, đặc biệt là qua tư duy của Thánh Âu-tinh chống lại giáo thuyết Pélagiô, và vào thế kỷ XVI, chống lại cuộc cải cách Tin Lành. Theo Pélagiô, với khả năng tự nhiên của ý chí tự do, con người không cần ơn Thiên Chúa trợ giúp cũng có thể sống tốt lành về mặt luân lý. Ông giản lược ảnh hưởng tội A-đam thành ảnh hưởng của một gương xấu. Ngược lại, những nhà Cải Cách đầu tiên chủ trương nguyên tội đã làm con người hoàn toàn sa đọa và tiêu hủy sự tự do của con người; họ đồng hóa tội truyền đến mỗi người với xu hướng về sự dữ mà họ cho là không thể khắc phục được. Hội Thánh làm nổi bật ý nghĩa công bố đã xác định nội dung mặc khải về nguyên tội đặc biệt tại công đồng Orange II năm 529 ( DS 371-372) và Công Đồng Tren-tô năm 1546 (x.DS 1510-1516).

Một cuộc chiến cam go...

407 2015 2852 1888.  Giáo lý về nguyên tội gắn liền với giáo lý về ơn cứu chuộc nhờ Đức Ki-tô, giúp ta biết nhận định sáng suốt về hoàn cảnh và hành động của con người nơi trần thế. Vì nguyên tổ phạm tội, ma quỷ đã phần nào thống trị trên con người, mặc dầu con người vẫn còn tự do. Hậu quả của nguyên tội là con người phải làm nô lệ dưới quyền kẻ bá chủ sự chết là ma quỉ ( x. Cđ Tren-tô : x.DS.1511 - Dt 2,l4). Nếu không biết bản tính con người đã bị thương tổn, nghiêng chiều về sự dữ, người ta có nguy cơ mắc phải những lầm lẫn nghiêm trọng trong lãnh vực giáo dục, chính trị, hoạt động xã hội ( x. CA 25) và luân lý.

408 1865.        Các hậu quả của nguyên tội và của tất cả các tội riêng của con người đưa toàn bộ thế giới vào một tình trạng tội lỗi mà chúng ta có thể dùng cách nói của Thánh Gio-an để diễn tả : "tội trần gian" (Ga l,29). Với thành ngữ này, người ta muốn nhấn mạnh ảnh hưởng tiêu cực trên con người do các hoàn cảnh và cơ cấu xã hội, vốn là hậu quả của những tội lỗi ( x. RP l6).

409 2516.        Hoàn cảnh bi đát của trần thế "nằm dưới ách thống trị của ác thần" (1Ga 5,19) ( x. 1Pr 5,8) làm cho cuộc sống con người trở nên một cuộc chiến đấu.

Một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối tiếp diễn suốt trong lịch sử nhân loại; khởi đầu từ lúc khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như Lời Chúa phán... Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn luôn chiến đấu để gắn bó với sự thiện và chỉ đạt được sự thống nhất nội tâm, sau khi hết sức cố gắng với sự trợ giúp của ơn Chúa (x. GS 37,2 ).

IV. "THIÊN CHÚA ĐÃ KHÔNG BỎ MẶC CON NGƯỜI DƯỚI QUYỀN SỰ CHẾT"

410 55, 705 1609, 2568 675.  Sau khi sa ngã, con người không bị Thiên Chúa bỏ rơi. Ngược lại, Thiên Chúa kêu mời con người và tiên báo cách huyền nhiệm sự dữ sẽ bị đánh bại và con người sa ngã sẽ được nâng dậy. Đoạn này trong sách Sáng Thế được gọi là "Tiền Tin Mừng" vì đó là lời loan báo đầu tiên về Đấng Mê-si-a cứu chuộc, về cuộc chiến đấu giữa con rắn và người nữ và về chiến thắng cuối cùng của một hậu duệ người nữ này.

411 359,615 491.        Truyền thống Ki-tô giáo nhận ra trong đoạn trên lời tiên báo một "A-đam mới" (x. 1Cr.15,21-22.45), Đấng "vâng phục cho đến chết trên thập giá" (Pl 2,8), đã sửa lại sự bất tuân của A-đam mà còn mang lại ân sủng tràn đầy. Vả lại, có nhiều giáo phụ và tiến sĩ Hội Thánh nhận ra Đức Ma-ri-a, Mẹ Đức Ki-tô, là người nữ được tiên báo trong Tiền Tin Mừng và được xem như "E-và mới". Mẹ là người đầu tiên đã thừa hưởng một cách độc nhất vô nhị chiến thắng của Đức Ki-tô trên tội lỗi : Mẹ đã không hề nhiễm vết nhơ nguyên tội (x. Pi-ô IX - DS 28O3) và nhờ ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa, Mẹ đã không hề phạm một tội nào trong suốt cuộc đời trần thế (Cđ Tren-tô. DS.1573).

412 310, 395 272 1994.          Nhưng tại sao Thiên Chúa lại không ngăn cản con người đầu tiên phạm tội ? Thánh Lê-ô Cả trả lời : "Ân sủng khôn tả của Đức Ki-tô, đem lại cho ta những điều tốt đẹp hơn những gì mà vì ganh ghét ma quỉ đã cướp mất" (Bài giảng 73,4), và thánh Tô-ma A-qui-nô cũng nói : "Sau khi con người đã phạm tội, không có gì ngăn cản bản tính loài người đượchướng về một cứu cánh cao đẹp hơn". Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra để từ sự dữ rút ra sự lành tốt hơn. Do đó, thánh Phao-lô nói : "Ở đâu tội lỗi ngập tràn, ở đấy ân sủng cũng được thông ban dư dật" (Rm 5,20); và Hội Thánh hoan ca khi chúc lành nến Phục Sinh : "Nguyên tội hỡi, tội hoá thành hồng phúc, nhờ có ngươi, ta mới được Đấng Cứu Tinh cao cả dường này" (T.Tôma S.th III,1,3 ad 3).

TÓM LƯỢC

413.     "Thiên Chúa không tạo ra sự chết. Người chẳng vui thích gì khi các sinh linh hư mất ...Cái chết đã xâm nhập vào trần thế do lòng ghen ghét của ma quỷ (Kn 1,13; 2,24)".

414.     Sa-tan hoặc ma quỉ và các ác thần khác là những thiên thần sa đọa vì đã tự ý khước từ phục vụ Thiên Chúa và ý định của Người. Đây là một lựa chọn dứt khoát chống lại Thiên Chuá. Chúng đã có dụng ý lôi kéo con người cùng với chúng nổi loạn chống lại Thiên Chúa.

415.     "Được Thiên Chúa đặt trong tình trạng thánh thiện, ngay từ phút đầu của lịch sử, con người nghe theo thần dữ nên đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa"

(GS l3,1) .

416.     A-đam, con người đầu tiên, vì phạm tội đã đánh mất sự thánh thiện và công chính nguyên thủy được Thiên Chúa ban, không những cho mình mà cho cả nhân loại.

417.     A-đam và E-và đã truyền lại cho hậu duệ một nhân tính bị tội đầu tiên làm tổn thương, không còn sự thánh thiện và công chính nguyên thủy. Sự mất mát đó được gọi là "nguyên tội".

418.     Hậu quả của nguyên tội là bản tính loài người bị suy yếu trong các khả năng, lâm cảnh mê muội, bị sự chết thống trị, hướng chiều về tội lỗi (hướng chiều này gọi là "vật dục") và như thế, mỗi người đều mắc nguyên tội.

419.     "Cùng với Công Đồng Tren-tô chúng tôi xác quyết nguyên tội được lưu truyền lại cùng với bản tính nhân loại "không phải do bắt chước mà do sinh sản" và từ đó, nguyên tội trở nên của mỗi người" (SPF 16).

420.     Đức Ki-tô chiến thắng tội lỗi đã mang lại cho chúng ta những ân huệ cao đẹp hơn những gì tội lỗi đã làm mất đi : "Ở đâu tội lỗi ngập tràn, ở đấy ân sủng được thông ban dư đầy" (Rm 5,2O).

421.     "Người Ki-tô hữu tin rằng thế giới này đã được thiết lập và giữ gìn nhờ tình yêu của Đấng Sáng Tạo, tác thành và bảo trì. Thế giới ấy đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi; nhưng Đức Ki-tô đã nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh bẻ gẫy uy quyền của ác thần và giải thoát thế giới" (GS 2,2).

2363    10-10-2014 16:55:17