Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Sống Tin Mừng Phục Sinh - Tháng 04 năm 2001

Chủ đề: SỐNG TIN MỪNG PHỤC SINH

 

I. LỜI CHÚA : Lc 24, 46 - 53

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng : “Như đã ghi chép là Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy, Thầy sẽ sai đến với các con Đấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho dến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”. Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xãy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng; các ông luôn luôn ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen.

II. Ý CHÍNH BÀI PHÚC ÂM

Trước khi về trời Chúa Kitô đã giao phó lại cho các Tông Đồ sứ mệnh chủ yếu là làm chứng về cuộc Phục Sinh của Đức Kitô (Lc 24, 48) và sau đó tất cả đời sống công khai của Ngài. Để hỗ trợ cho lời chứng của các ông được chân thật và mạnh mẽ, các ông đã được nhận lãnh Thánh Thần, hơn nữa, chính Thánh Thần làm chứng trong các ông.

III. CHUYỆN MINH HỌA

TIN MỪNG

Vào khoảng thập niên 60, một nhóm chuyên gia nghiên cứu về tâm lý quần chúng tại Hoa Kỳ đã làm một cuộc thăm dò độc đáo. Đó là xem thử có bao nhiêu người nhặt được ví và đem trả lại.

Nhóm nghiên cứ đã chọn một khu phố để làm việc. Họ cho rải những chiếc ví dọc theo các đường phố. Chỉ trong vài ngày sau, họ nhận thấy hơn nữa số ví được mang trả lại. Nhưng tỉ lệ nầy chỉ kéo dài tới ngày bào huynh của cố tổng thống Kennedy là Robert Kennedy bị ám sát. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng trong ngày hôm đó không một cái ví nào được đem trả lại. Họ đi đến kết luận rằng : những tin buồn có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống xã hội của con người.

Thật vậy, khi nghe một tin mừng, con người cảm thấy phấn khởi và mau mắm để thi hành điều thiện. Trái lại, khi nghe tin buồn thì con người dễ cảm thấy chán nản, và từ đó trách nhiệm trong lãnh vực luân lý cũng bị giảm sút.

Kết quả của cuộc nghiên cứu đã gióng lên một lời cảnh cáo về tác động nguy hại của tin tức và hình ảnh xấu của các phương tiện truyền thông xã hội trên đời sống luân lý của con người.

IV. DIỄN NGHĨA

Các Tông đồ là những nhân chứng về cuộc tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô, nghĩa là họ đã thấy và đã nghe những biến cố xãy ra trong cuộc đời Đức Giêsu Kitô (Cv 22, 15 và tt) và giờ đây, các ông được Chúa mời gọi làm chứng nhân cho Chúa trước mặt muôn dân : loan báo, sống và ngay cả chịu chết cho Tin Mừng Phục Sinh. (Từ martyr : tử đạo trong tiếng Pháp phát xuất từ từ marturein trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là làm chứng). Như vậy, làm chứng cho Chúa Kitô thường phải thể hiện bằng cả máu mình nữa. Lời chứng có giá trị cao nhất là lời chứng của máu. Điều nầy thường vượt sức con người, nhưng có Chúa Thánh Thần luôn ở cùng để phù trợ các chứng nhân Tin Mừng.

1. Loan báo Tin Mừng.

Mỗi người sinh ra trên cõi đời nầy với một sứ mệnh phải hoàn thành : đạt cho được cùng đích tối hậu cuộc đời mình. Với người Kitô hữu, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi trở nên môn đệ Chúa Giêsu. Như Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời, về tình thương và chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng sai các môn đệ của Ngài vào giữa xã hội để tiếp tục rao giảng Tin Mừng cho mọi người qua mọi thế hệ, và đến tận cùng trái đất.

Phải ý thức rỏ ràng chúng ta được sai đi để thi hành sứ mạng của Chúa Kitô, có như vậy chúng ta mới ý thức mình sẽ phải làm gì cho Chúa : làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh chứ không phải tìm vinh hoa, lợi lộc cho mình. Thực tế cho thấy nhiều lúc chúng ta tự cho mình có quyền lựa chọn sứ mạng phù hợp với tư lợi của mình hơn là phải rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Phục Sinh . Thánh Phaolô Tông đồ quả quyết rằng : “ Nếu Đức Kitô đã không chổi dậy, tức là không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng. Nhưng thực sự, Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết theo như Thánh Kinh đã chép ” .

Việc Đức Kitô Phục sinh khải hoàn là tột đỉnh của mặc khải tình thương Thiên Chúa đối với loài người, là lời mời gọi cuối cùng cho tất cả mọi người không trừ một ai, nếu họ sẳn sàng đón nhận ơn cứu độ của Ngài. Một lời mời gọi dẫn tới một quyết định tối hậu : hoặc là tin Chúa thì sẽ được sống lại với Người trong ngày sau hết; hoặc là khước từ Chúa thì sẽ phải lãnh lấy án phạt muôn đời.

2. Sống tin Mừng.

Là tín hữu, chúng ta đồng thời cũng là những người loan báo Tin Mừng, vì Đạo của chúng ta là Đạo Tin Mừng; nhưng không thể loan báo Tin Mừng nếu chúng ta không sống Tin Mừng, không trở nên Tin Mừng.

Chúa Giêsu là chính Tin Mừng và Ngài muốn Tin Mừng đó được loan báo qua đời sống của người Kitô hữu. Do đó, để trở thành Tin Mừng người tín hữu cần phải kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, để Chúa Kitô sống và hoạt động trong họ, nhờ đó Tin Mừng được tiếp tục loan báo, ngang qua hoàn cảnh cụ thể của mỗi người trong những hoàn cảnh và môi trường khác nhau.

Giữa một xã hội chỉ có tin buồn của thất vọng, người tín hữu sẽ loan báo Tin Mừng của hân hoan, phó thác. Giữa một xã hội chỉ có tin buồn của dối trá lường gạt, người tín hữu phải loan báo Tin Mừng của lòng chân thật vị tha. Giữa một xã hội chỉ loan báo tin buồn ích kỷ, nhỏ nhoi, người tín hữu sẽ loan báo Tin Mừng của quảng đại, yêu thương, tha thứ và cảm thông (Thiên Phúc).

Hơn nữa, là tín hữu, chúng ta đón nhận Tin Mừng cứu rỗi của Chúa, điều đó nhất thiết làm cho cuộc sống chúng ta vui tươi vàhạnh phúc : vui sống. Vui sống bởi vì tin tưởng vào tình yêu Chúa. Có tin tưởng vào tình yêu Chúa, chúng ta mới có những suy nghĩ tích cực, dẫn đến những hành động tích cực của những con người muốn sống hạnh phúc. Đàng khác, cuộc sống đời nầy trở nên dễ chịu hơn, đáng sống hơn, bởi vì chúng ta có một điểm tựa vững chắc là chính Thiên Chúa, Ngài dìu dắt chúng ta trong cuộc sống đời nầy và đưa dẫn chúng ta mai ngày vào hạnh phúc vĩnh cữu với Ngài.

Bác sĩ Meiyer cho biết rằng giữa niềm tin tôn giáo và niềm vui sống có mối liên hệ rất mật thiết. Không phải có niền tin tôn giáo thì đuơng nhiên được may mắn, thịnh vượng hơn người khác, nhưng có một điều hiển nhiên là những ai sống niềm tin tôn giáo một cách thành tín là những người hạnh phúc. Họ cũng gặp thử thách và khổ đau như mọi người, nhưng nhờ niềm tin tôn giáo, họ vượt qua thử thách khổ đau ấy một cách dễ dàng hơn.

3. Chết cho Tin Mừng

Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại rằng : Phêrô và Gioan bị người Do thái tống giam vì đã rao giảng về Chúa Giêsu . Ra trước công nghị, các ngài đã bị xét xử và nghiêm cấm không được rao giảng về Chúa Giêsu nữa.

Mặc cho những lời đe dọa và viễn ảnh của những ngày tù tội. Phêrô đã dõng dạc tuyên bố như sau : “ Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời con người ” . Chắc hẳn Phêrô đã nghĩ đến sự vâng phục của Chúa Giêsu mà Thánh Phaolô đã mô tả bằng một công thức : “ Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá ” . Sự vâng phục Thiên Chúa, đáp trả lại lời mời gọi làm chứng cho Ngài, đích thực bao hàm cái chết. Cái chết của Thánh Phêrô, của thánh Phaolô, của các Tông đồ và của biết bao vị thánh trải dài suốt dòng lịch sử của Giáo Hội đều thể hiện sự vâng phục tuyệt đối đối với Thiên Chúa, minh chứng hùng hồn cho đời sống chứng tá cho Tin Mừng mà các thánh và Giáo Hội mang trọng trách rao giảng bằng chính đời sống của mình.

Sứ mạng của Giáo hội nơi trần gian là rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô Phục Sinh bằng chứng từ là đời sống vâng phục Thiên Chúa theo mẫu gương vâng phục của Đức Kitô, là sống và chết cho Đấng mà Giáo Hội rao giảng. Có những cái chết đẫm máu, có những cái chết tức tưởi, nhưng cũng có những cái chết dai dẳng, chết từng ngày dưới nhiều hình thức khác nhau...hầu đưa nhân loại trở về với gia đình Thiên Chúa : nhận biết và tôn thờ yêu mến Ngài.
Là Kitô hữu, chúng ta tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội, làm chứng cho Chúa bằng đời sống vâng phục hằng ngày:
Chết đi từng ngày khi phải suy nghĩ theo cách thế hoàn toàn ngược lại với cách thế thông thường của thế gian;
Chết đi từng ngày khi phải hy sinh những quyền lợi riêng và sống cho tha nhân;
Chết đi từng ngày khi phải đứng trước những ngược đãi, hành hạ, mà vẫn tiếp tục tha thứ và thi ân.
Chết đi từng ngày khi đứng trước những thử thách, mà vẫn tiếp tục tri ân, tin tưởng và hy vọng.
Bởi vì tin là dấn thân trọn vẹn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và chấp nhận để Chúa Giêsu hoạt động trong cuộc sống của mình, là đón nhận mọi biến cố của từng giây phút hiện tại như là hoạt động của Chúa Giêsu.

4. Để cho Chúa Thánh Thần hoạt động.

Kết quả của sứ mạng tông đồ không phải là nói nhiều, nói hay. Kết quả đó không dựa vào tài hùng biện của người nói, cũng không lệ thuộc vào trí nhớ của người nghe, nhưng dựa trên sức mạnh của Lời Chúa, Lời hằng sống, Lời ban sự sống, Lời có sức chữa lành và đỗi mới.

Việc sống đạo của người tín hữu không chỉ căn cứ trên việc thu thập cho nhiều kiến thức về đạo, thuộc được nhiều kinh, nhưng để cho sự hiểu biết chân lý, sự tiếp xúc với Lời Chúa dần dần biến đổi tâm hồn chúng ta. Trong việc phát triển đức tin, thiện chí và sự đóng góp của chúng ta chỉ chiếm phần bé nhỏ, phần lớn còn lại hầu hết là do ơn Chúa. Chúng ta cần mở rộng tâm hồn sẳn sàng đón nhận ơn thánh Chúa, nhờ đó, Thánh Thần sẽ thanh tẩy, biến đổi và trợ lực cho đời sống đức tin của chúng ta.

Do niềm xác tín nầy mà các Tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng với lòng khiêm tốn đầy tin tưởng. Họ tin rằng chính Chúa là Đấng làm cho hạt giống đức tin nẩy mầm. Các Ngài rao giảng Lời của Chúa và chỉ có Lời của Chúa thôi. Chính Lời Chúa làm cho đơm bông kết trái tùy theo hoàn cảnh riêng biệt mà mỗi người, với sự đáp trả tự do của mình đón nhận.

Vậy để có thể sống xứng danh Kitô hữu, chúng ta không chỉ hiểu biết về Chúa mà thôi, điều đó chưa đủ, mà còn phải sống với Chúa nữa. Với người rao giảng Tin Mừng cũng vậy, nói về Chúa mà thôi, chưa đủ, nhưng còn phải nói với Chúa nữa.

V. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin cho con vững tin rằng Chúa đã sống lại thật, Chúa đang hiện diện với con và trong con một cách sống động; Xin cho con biết làm chứng về Chúa, Đấng Phục Sinh, cho anh em con bằng nếp nghĩ, lời nói và lối sống của con như thấy Đấng vô hình. Amen

VI. HỌC LỜI CHÚA : Lc 24, 46

” Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại ” .

VII. SUY NIỆM PHỤC SINH CỦA CÁC BẠN TRẺ

Ga 20, 1-9

”Nhìn chân tay Thầy, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? … Vì quá mừng, các ông vẫn chưa tin, và còn đang ngỡ ngàng …” (Lc 24,39+41a).

Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, Chúa đã chết đi và sống lại. Qua cách nhìn đức tin của con, con biết rằng không có ai từ cõi chết sống lại, ngoại trừ chỉ có một mình Thiên Chúa mà thôi.

Lạy Chúa, Chúa đã sống lại để chứng tỏ Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Đó là một biến cố siêu lịch sử, mà con đã cảm nhận ra. Nhờ sự cảm nhận đó, con nhận ra Chúa có quyền trên sự sống và sự chết, vì Chúa là Đấng quyền phép vô cùng, là Chúa tể muôn loài.

Lạy Chúa, chúng con lắm lúc giống như các môn đệ, đi theo Chúa đã lâu, nhưng vẫn không hiểu, không tin tưởng Thầy mình. Cũng như các Tông đồ khi xưa, chúng con yếu lòng tin, dễ sa ngã khi gặp những cám dỗ thử thách, không biết chạy đến cùng Chúa, lại còn mất lòng trông cậy nơi Chúa. Lạy Chúa Giê-su, xin ban Thánh Thần xuống tràn ngập trên con, để con đón nhận được dồi dào Thánh Thần, hầu biết tin tưởng và phó thác nơi Chúa.

Ôi! niềm vui Phục Sinh đã tràn ngập lên trong tâm hồn con. Vui sướng biết bao! Xin Chúa cho con được phục sinh với Chúa. Qua những việc con làm, xin cho con ngày sau được phục hồi lại danh hiệu làm con Chúa. Tình thương Chúa quá cao vời! Con tin Chúa, con vui mừng vì được đặt tin tưởng nơi Chúa. Niềm tin đó, niềm vui đó đã ghi khắc vào tâm trí con đến trọn đời. Amen. (Phao-lô Trần Hữu Đảm).

Ga 20 19-29

”Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em ” (Ga 20,19b).

Lạy Chúa Ki-tô, Chúa cả trời đất! Hòa cùng trời đất, con hân hoan chúc tụng Danh Ngài! Vì Chúa uy quyền, qua đau khổ Ngài đã phục sinh.

Trần hoàn ơi! Chúa đã sống lại thật rồi. Hỡi muôn loài thọ tạo! Hãy vui lên! Chúa rạng ngời! Cho các Tông đồ bỡ ngỡ, cho vũ hoàn rạng rỡ hào quang, để Hội Thánh vững vàng triển nở, vì Hội Thánh đặt nền tảng đức tin vào Chúa. Nền tảng ấy thật vững bền và chính đáng biết bao!

Con người ơi! Đừng tin và đừng đi tìm ai nữa, vì có ai bằng Thiên Chúa của ta. Hỡi người! Ai còn ngơ ngác đó, ai ưu sầu? Hãy gạt lệ đau thương. Ai bơ vơ không nơi nương tựa, ai tội tình, quay trở lại đi thôi. Hãy cùng tôi hòa với đất trời, cùng Thiên Thần cung chúc tiếng Halleluia! Halleluia!

Ôi lạy Chúa, niềm vui làm con quên mất con phận hèn mà sống giữa thế gian. Chúa Phục sinh ơi! Xin hãy hà hơi ban cho con và các bạn con ơn Thần Khí, như thuở nào Chúa tuôn đổ trên các Tông đồ. Xin giúp con biết kết hợp với Chúa để can trường xa lánh tội mà tìm về nẻo chính đường ngay. Xin dùng ánh sáng vinh quang của Chúa mà giúp con minh chứng cho đời đen bạc này rằng: hãy cùng tôi tin vào Thiên Chúa, các bạn sẽ hạnh phúc tràn trề, “ vì Đấng bị treo nay đã sống lại thật rồi ” . Amen. (Agatha Nguyễn Thị Hồng Hạnh).

Ga 6,22-29

”Thật, tôi bảo thật các ông: Ai nghe Lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống”.(Ga 6,24).

Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sống lại vinh quang, đem lại cho chúng con sự sống mới, để chúng con luôn biết chiến đấu với tội lỗi và nhờ Chúa, con chiến thắng thể xác yếu đuối và tội lỗi của con. Qua bài Phúc âm hôm nay, Chúa đã nói với người Do thái ngày xưa, và con cũng cảm tưởng như Chúa đang nói với con vậy. Chúa ơi! Con nhìn lại bản thân con, đúng như Lời Chúa đã nói, không biết con đi theo Chúa có phải vì sự sống trường sinh không? Trong cuộc sống hôm nay, lúc nào con cảm thấy buồn phiền và thất vọng, con lại chạy đến với Chúa để xin Chúa giúp con. Vì đối với con, Chúa là chỗ dựa duy nhất đời con và là thành lũy che chở con. Nhưng ngược lại, những lúc con thành công vui tươi thì con lại quên Chúa mất. Con là như vậy đó, nhưng Chúa vẫn yêu thương con, vẫn luôn tha thứ và sẵn sàng chờ đợi con, để chia sẻ những khó khăn với con. Vâng, lạy Chúa, tình yêu của Ngài dành cho con là như vậy đó. Ngài đã chết cho con và đã sống lại cho con được sống lại với Ngài. Chúa Giê-su ơi! Nhiều lúc con lại làm cho Chúa buồn và phải tủi hổ vì con. Con không xứng đáng làm con Chúa. Xin Chúa cho con biết từ bỏ tính hư nết xấu của con, nhất là trong năm thánh này, để con biết đi đến với những người nghèo khó và bệnh tật, để chia sẻ những khó khăn và những nỗi thất vọng cùng họ. Con xin dâng họ lên cho Chúa. Xin Chúa thương nhậm lời con. Amen. ( Anna Đinh hồng Nga)

Ga 20,1-9

”… tảng đá đã lăn ra khỏi mộ ” (Ga 20,1b).

Lạy Chúa, Chúa là vị Vua trên tất cả các vua. Vậy mà, vì tình thương, Chúa đã khiêm tốn hạ mình xuống, chia sẻ kiếp người với chúng con, gánh vác mọi đau khổ tủi nhục, trở nên như “ vị thần cuồng si, mù quáng ” , mặc cho loài người khinh khi, chê cười, kết án. Bằng cái chết trên Thập giá, Chúa đã gánh chịu mọi tội lỗi do loài người gây ra. Nhưng cuộc đời trần thế của Chúa không chỉ dừng lại ở bóng tối của sự chết, mà chính từ trong bóng tối của sự chết, Chúa đã mở ra bước ngoặc mới: Chúa đã chiến thắng sự chết và sống lại vinh quang, đem lại cho thế gian biết bao niềm vui, sự đổi mới, và tràn ngập tình mến thương, nhờ đó, mọi người cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống hằng ngày. Chúa ơi! Trước sự việc đó, con chỉ biết dâng lên Chúa lời chúc tụng, ngợi khen tôn vinh, cảm tạ. Và con muốn hét to lên cho Chúa biết rằng con đây rất yêu mến và cảm phục Chúa.

Nhưng Chúa ơi! Còn một điều nữa Chúa biết không? Cái chết và sự sống lại của Chúa gieo vào lòng con sự tủi nhục, đau buồn, sám hối , xen lẫn những vui mừng và quyết tâm. Con tủi nhục, đau buồn, sám hối vì tội lỗi của con là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Chúa; con vui mừng vì Chúa đã sống lại; và từ đó, con có được quyết tâm chỗi dậy bước ra khỏi bóng tối tội lỗi, để cùng Chúa bước vào vinh quang của sự sống mới.

Xin Chúa Thánh Thần hãy đến cùng con, khơi lên trong con sự sống mới của năm thánh này, để từ nay con không còn sống trong tội lỗi nữa, mà chết và sống cho Đức Ki-tô Phục Sinh. Xin Chúa thương nhậm lời con. ( Ma-ri-a Huỳnh Thị Ánh Nguyệt).

Lc 24, 35-39. 41-48

”… và phải nhân Danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này ” (Lc 24,47-48).

Lạy Chúa, bài Phúc âm hôm nay nói về việc các Tông đồ chậm tin vào sự Phục sinh của Chúa, và Chúa đã tìm mọi cách khơi dậy niềm tin của các ông. Như thế, chúng con thấy rõ lòng Chúa thương chúng con biết là ngần nào. Chúa muốn chúng con tin theo Chúa để được cứu rỗi. Nhưng Chúa cho chúng con hoàn toàn tự do. Chúa kêu gọi, ban ơn, giúp sức, rồi chúng con muốn tin Chúa hay không là tùy ý chúng con. Vì thế Chúa cần nhiều người để làm chứng cho Chúa, cần nhiều người đem Tin Mừng Chúa sống lại. Nhưng muốn làm chứng cho Chúa, con cần tin Chúa sống lại thật, con cần thân mật tiếp xúc với Chúa nhiều hơn. Xin Chúa cho mọi người chúng con biết tin rằng: Chúa đã sống lại thật. Để từ đó mọi người biết hằng ngày sống kết hợp mật thiết với Chúa qua những lời cầu nguyện và việc lãnh nhận các Bí tích. Xin cho chúng con biết dùng những lời nói, việc làm hằng ngày mà làm chứng Chúa đã sống lại, để mọi người tin vào Chúa mà được hưởng ơn cứu rỗi đời đời. Amen.Xin Chúa nhậm lời con. (Phê-rô Đinh Thanh Phú).

Lc 24,13-35

” Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất ” (Lc 24,30-31).

Lạy Chúa, Chúa thật là Nguồn Sống của người công chính, là Nguồn Hy Vọng của kẻ ngã lòng nản chí.

Để củng cố niềm tin cho các phụ nữ và các Tông đồ, để giúp các Ngài ra đi làm chứng rằng Chúa sống lại, Chúa đã cho các Ngài thấy ngôi mộ trống, thấy khăn liệm khăn quấn đầu xếp để đó, thấy Thiên Thần, và chính Chúa đã hiện ra nhiều lần cho các Ngài.

Hôm nay, đối với hai môn đệ - những người đang ngã lòng thất vọng - Chúa cũng hiện ra giải thích cho họ hiểu Kinh Thánh, bẻ bánh trao cho họ, để họ nhận ra Chúa và tin rằng Chúa đã sống lại.

Xin Chúa thương giúp chúng con, vì lắm lúc, chúng con cũng thấy ngã lòng nản chí, cảm thấy mệt mỏi chán ngán trong việc thờ phượng Chúa, làm tôi Chúa; nhất là khi chúng con gặp gian nan thử thách . Xin Chúa thương nuôi dưỡng chúng con bằng Mình Máu Thánh Chúa và Lời Chúa trong Kinh Thánh, để chúng con được bền lòng vững chí tin theo Chúa. Xin cho chúng con biết chia cơm sẻ áo với mọi người, để họ nhận ra Chúa qua cử chỉ bẻ bánh của chúng con. Xin Chúa nhậm lời chúng con. (Stê-pha-nô Hình Quốc Phi).

Mc 16,1-7

”Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa! ” (Mc 16,6b).

Lạy Chúa, trong ngày mừng lễ Chúa Phục Sinh này, con không biết con có thực sự tin vào sự Phục Sinh của Chúa không? Con có thực sự yêu Chúa không? Nhưng mà Chúa ạ! Con không biết tại sao, trong ngày Phục Sinh, con cảm thấy rất vui, một niềm vui mà con không thể nào diễn tả được. Con mong muốn tiếng chuông mừng Phục Sinh cứ kéo dài mãi và sẽ in sâu vào lòng con, để tiếng chuông đó đánh thức con, nhắc nhở con. Tiếng chuông đó cứ vang vọng trong tâm hồn con, nói cho con về một niềm tin, một niềm vui và niềm bình an vô tận không bao giờ hết được. Nhờ đó, con người con luôn giữ được sự bình an và vững tin vào Mầu nhiệm Phục Sinh một cách mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn.

Lạy Chúa, khi con nói rằng: không biết con có tin vào mầu nhiệm Chúa Phục Sinh không? Điều đó nói lên rằng: con chưa có lòng tin, con chưa thực sự là đứa con ngoan của Chúa. Nhưng Chúa ơi! Nếu con nói rằng con tin vào mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và tin vào tình thương của Chúa, thì lúc đó con cảm thấy con không nói lên sự thật lòng mình, con đã nói dối. Vì Chúa ạ! Con chưa sống theo Phúc Âm, con chưa sống theo Lời Chúa dạy. Vì những tính xấu: ganh tỵ, ghen ghét, hận thù, con vẫn chưa bỏ được; con vẫn chưa thương yêu những anh em của con được, con vẫn chưa hòa hợp với anh em bạn bè quanh con được.

Chúa ơi! con cảm thấy con chưa thực sự củng cố được niềm tin của con. Vì nếu niềm tin của con đã có, thì tại sao con không thể tha thứ, tại sao con không biết hết lòng giúp đỡ anh em bạn bè xung quanh con. Nhưng Chúa ạ! Con sẽ giữ mãi niềm vui của như mầu nhiệm Phục Sinh để củng cố niềm tin của con hơn.

Chúa ơi! Con muốn sẽ mãi mãi là đứa con ngoan và dễ thương của Chúa. Chúa hãy giúp con để con biết yêu Chúa và tin vào mầu nhiệm Phục Sinh. Con biết mầu nhiệm Chúa Phục Sinh là điểm chủ chốt của Đạo Công Giáo mà con cần phải tin. Con xin Chúa cho con một niềm tin, một niềm tin thực sự xuất phát từ đáy lòng con. ( Tê-rê-xa Trần Ngọc Thảo).

Ga 20,19-31

”Đặt ngón tay con vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin” (Ga 20,27).

Lạy Chúa Giê-su, khi Chúa chết trên Thập giá, các môn đệ mất hết lòng tin. Có người bỏ về quê, có người chạy trốn. Trước tình cảnh đó, trong một ngày, Chúa đã hiện ra với các môn đệ, khi các ông đang cầu nguyện. Chúa đã hiện ra giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Chúa còn thổi hơi vào các ông. Bấy giờ các ông mới tin. Bữa đó, không có ông Tô-ma. Mặc dù các môn đệ khác đã kể lại cho ông biết Chúa đã sống lại, nhưng ông Tô-ma vẫn không tin. Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra, lần này có ông Tô-ma, và Chúa đã nói với Tô-ma: “hãy đặt ngón tay vào đây, đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”. Ông Tô-ma nghe Chúa nói như vậy, vui lên, và ông nói: “lạy Thiên Chúa của con”. Ông đã tin. Con rất cám ơn ông Tô-ma. Qua ông mà Chúa đã dạy cho con một bài học: “ai không thấy mà tin, còn có phúc hơn”. Cám ơn Chúa đã cho con một lòng tin như vậy. Amen. ( Phê-rô Trần Hữu Thành).

Ga 20, 19-31

”Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22).

Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, là Chúa muôn loài. Con không diễn tả được hết nỗi vui mừng. Như mặt trời rạng rỡ tỏa chiếu ánh hào quang; như mặt trăng dịu dàng lung linh lấp lánh; như muôn hoa đua nở thắm tươi; như trái đất tưng bừng reo vui - chúng con - những người Ki-tô hữu đang cùng Hội Thánh hân hoan mừng ngày trọng đại - ngày Chúa Phục Sinh. Chúng con ca ngợi! Chúa của con đã Phục sinh! Chúa sống lại thật rồi! Halleluia! Halleluia!

Chúa ơi! Ngày xưa Chúa đã ban Thánh Thần cho các Tông Đồ, nhờ Chúa Thánh Thần tác động, mà Hội Thánh được sống động và triển nở như hôm nay. Con xin chúc tụng, cảm tạ tình thương bao la của Chúa. Chúa đã chết để đem ơn cứu độ, đem Nước Trời cho chúng con. Nhìn lại bản thân, chúng con nhận thấy con người chúng con rất yếu đuối tội lỗi, không xứng đáng hưởng lòng nhân từ của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã chết đi vì tội lỗi chúng con; Chúa đã sống lại vinh quang. Thì xin Chúa cho chúng con biết chết đi; chết đi qua việc từ bỏ tính hư nết xấu; biết chết đi để rồi biết sống theo chân lý của Chúa; biết dâng những hy sinh nho nhỏ trong ngày để bù đắp lại những phút giây con làm cho Chúa buồn lòng. Con tin tưởng rằng: Chúa sẽ cho con sống lại muôn đời trong Nước Chúa. Amen. (I-sa-ve Nguyễn Thị Thanh Trang).

Ga 20,1-9

”Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi”(Ga 20, 6-7).

Ngôi mộ trống! Đức Giê-su gọi: “Maria!”. Mác-đa-la quay lại: “Ráp bô-ni!” (nghĩa là lạy Thầy).

Chúa đã sống lại thật! Y như lời Ngài đã nói trước. Và cho đến tận cùng, Chúa vẫn yêu thương loài người chúng con. Chúa đã sống và đang sống ở trong con, trong anh em con, qua Bí tích Thánh Thể, trước khi chịu chết, Ngài đã thông ban sự sống cho chúng con rồi. Ngài yêu thương chúng con, Ngài còn ban Thánh Thần để bảo trợ chúng con, để cho chúng con tin và được sống lại với Ngài. Tất cả những điều chúng con có được, chỉ nhờ ơn Chúa mà thôi! Mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa vẫn mãi mãi biểu lộ cách rõ ràng trong Bí tích Thánh Thể; Sự Sống của Ngài vẫn mãi mãi trao ban tuôn tràn để chúng con lãnh nhận Sự Sống của Ngài. “Ai ở trong Thầy thì Thầy ở trong người đó”- Lời Chúa vẫn nhắn nhủ con hoài. Xin cho con ơn đức tin, luôn cậy nhờ vào ơn Chúa, và luôn thực thi Thánh ý Ngài. (Phao-lô Phan Văn Thôn).

VIII. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

“Con đã làm được gì cho Cha”.

Một buổi tối, vừa khi từ Marốc trở về, Charles de Foucauld say mê kể chuyện cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm kỳ thú của anh, qua những khu rừng Châu Phi. Người chăm chú theo dõi câu chuyện hơn cả là đứa cháu gái chưa đầy 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì bất thần cô bé hỏi:

- Thưa cậu, cháu thấy cậu làm được nhiều việc quá. Thế cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu chưa?

Câu hỏi ấy như một luồng điện giật, khiến anh bất động. Từ bao lâu nay, chưa ai đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế: “Anh đã làm được gì cho Chúa Giêsu”.

Charles de Foucauld lục soát tâm hồn mình để chỉ thấy một lỗ hỏng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ và tuổi thanh xuân cho những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm. mắt anh bỗng mở ra để thấy được nỗi khốn khổ nghèo hèn của mình.

Ngày hôm nay, anh tìm đến xưng tội với một vị Linh mục. Anh vào dòng khổ tu. Rồi ít lâu sau, anh xin đến Nazarét để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.

Một ngày kia, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng rên rỉ của một người Hồi Giáo. Nhớ đến gương Bác Ái của Chúa Giêsu, anh tự hỏi anh có thể giam mình cầu nguyện giữa lúc có những người anh em đang rên rỉ trong đau thương thất vọng được chăng?

Thế là anh quyết định đến sống giữa họ, trở thành những người anh em của họ, nhất là của những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn hơn cả.

Những năm cuối đời, Charles de Foucauld sống trong sa mạc Sahara , chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những cùng khổ. Và anh đã chia sẻ tới giọt máu cuối cùng. Khi phát súng oan nghiệt của kẻ sát nhân bắn gục anh, đang lúc anh cầu nguyện.

A. Những chặng đường Vượt Qua:

1. Vượt qua từ tự nhiên đến siêu nhiên:

Charles de Foucauld mê say những thành công vật chất, những cuộc thám hiểm kỳ thú. Anh hãnh diện khoe khoang những thành tích của mình. Nhưng rồi, tiếng nói của Chúa Giêsu, qua miệng đứa cháu gái: “Cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu”, đã làm anh thức tỉnh, và nhận ra rằng thành công vật chất chẳng ích lợi gì trước mặt Thiên Chúa.

2. Vượt qua từ tội lỗi đến “sự sống”:

Anh đã phí phạm thời giờ và tuổi thanh xuân cho những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm. Nhưng rồi, tiếng nói của Chúa Giêsu, qua miệng đứa cháu gái: “Cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu”, đã làm anh thức tỉnh, anh đã tìm đến Bí tích Giải tội, để nhận lại “sự sống” thần linh.

3. Vượt qua từ chổ sống cho chính mình đến chổ sống cho tha nhân:

Anh nghĩ rằng sống đời cầu nguyện, chiêm niệm là con đường tốt nhất để mình sống với Chúa và cho Chúa. Nhưng rồi, tiếng nói của Chúa Giêsu, qua tiếng than van, rên rỉ của người nghèo khổ, đã đưa anh đến quyết định sống giữa, sống cho, sống vì tha nhân, nhất là những người cô đơn, lạc lõng, đau khổ, nghèo hèn.... và anh đã sống giữa họ, vì họ và cho họ đến giọt máu cuối cùng.

B. Tại sao anh thực hiện được những cuộc vượt qua này?
1. Nhờ hồng ân và các dấu chỉ của Thiên Chúa:
- Lời Chúa của đứa cháu gái: "Cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu".
- Tiếng rên rỉ của người nghèo khổ.
2. Nhờ anh biết lục soát tâm hồn, từ đó anh đã nhận ra những giá trị cao quý siêu nhiên, mà Thiên Chúa muốn anh thực hiện.
3. Nhờ anh biết lắng nghe và chấp nhận mình, từ đó anh sửa đổi và vươn lên.
P. Doncocur đã nói: “Không một vĩ nhân nào đã thành công, mà không đắm mình trong tĩnh lạng để hồi tâm và cầu nguyện”.
C. “Tôi đã làm được gì cho Chúa Giêsu”.
Trải qua bao năm tháng cuộc đời, với bao nhiêu nghĩa vụ, bổn phận tôi đã đảm đang, cùng với biết bao hồng ân tôi đã lãnh nhận, hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh đang nói với tôi, qua từng biến cố của cuộc đời: “Con đã làm được gì cho Cha”.
Không phải tôi làm cho Chúa Giêsu đang ngự mãi đâu trên trời, mà tôi làm cho Chúa Giêsu Phục Sinh đang tiếp tục ngự đến, đang tiếp tục hiện diện trong cuộc đời tôi, trong tâm hồn tôi, nơi những người anh em tôi, nhất là những người cùng khổ thấp hèn.
D. “Các con sẽ làm chứng nhân...” (Lc 24,48)
Tôi được nên người, nhất là được nên con của Thiên Chúa, nhờ ân huệ lớn lao mà tôi đã nhận được nơi vị Thầy Tối Cao là Đức Giêsu Kitô.

Bằng lời nói và hành động của mình, Chúa Giêsu đã dạy tôi con đường đến với Thiên Chúa, để lãnh nhận sự sống và trở nên con cái Người.

Khi sống lại, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ, cũng là cho tôi: “Các con sẽ làm chứng nhân cho Thầy...” (Lc 24,48). Lời nói và gương mẫu của Chúa Giêsu không phải là một kỷ niệm xa xưa, nhưng luôn là một thực tại trong tâm hồn của mỗi người Kitô hữu. Nếu thực tại ấy được thể hiện đầy đủ nơi cuộc sống của tôi, bằng cách tôi sống đúng như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống, thì đó chính là tôi đang làm chứng nhân cho Chúa.

Cha Charles de Foucauld đã giải quyết: “Chỉ có một số người có khả năng làm chứng bằng lời nói, nhưng mọi người đều có thể làm chứng bằng đời sống lượng thiện, gương mẫu, và bằng đời sống Kitô hữu sinh động”.

IX. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

PHÚT SÁM HỐI.

Xin Chúa tha thứ những tư tưởng, lời nói, việc làmkhông xứng với người Kitô-hữu.
Xin Chúa tha thứ những người vì những lý do khác nhau đã không tham dự vào Mùa Phục sinh.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em và các bạn trẻ thân mến,
Chúa Phục sinh đem đến cho chúng ta ơn cứu độ muôn đời, cho chúng ta đời sống mới, đời sống làm con Thiên Chúa. Chúng ta hân hoan vui mừng đón nhận hồng ân trọng đại này. Giờ đây chúng ta hãy thành khẩn dâng lời cảm tạ và cầu xin cho mọi người sống đức tin vào Chúa Phục sinh.

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ, nhằm giúp các ông tin rằng CHÚA ĐÃ PHỤC SINH. Chúng ta cầu xin cho mọi người trong Hội Thánh vừa mạnh tin, vừa biết dùng lời nói và việc làm, giúp nhiều người cùng tin Chúa đã sống lại.

Chiều ngày Chúa sống lại, Chúa hiện ra ban Thánh Thần và bình an cho các môn đệ. Chúng ta cầu xin cho chúng ta biết sống hợp nhất với nhau, và bằng việc cầu nguyện chung, xứng đáng lãnh nhận Chúa Thánh Thần và ơn bình an.

Chúa Phục sinh giải thích Kinh Thánh cho các môn đệ và cùng ngồi ăn với các ông. Chúng ta cầu xin cho mọi người siêng năng học hỏi và tận tâm thực hành Lời Chúa, đồng thời hết lòng yêu mến và tôn sùng Thánh Thể Chúa.

Trên bờ Biển Hồ, Chúa Phục sinh chỉ cho các môn đệ thành công “lưới cá”; Chúa hỏi Phêrô: “con có yêu mến Thầy không?”. Vậy YÊU MẾN là tâm quyết Chúa phục sinh muốn truyền dạy chúng ta. Chúng ta cầu xin cho cộng đoàn họ đạo chúng ta biết hết lòng kính mến Chúa và tận tình yêu thương nhau.

Chúa phục sinh bảo các môn đệ: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân và làm phép rửa cho họ…” Chúng ta cầu xin cho người trẻ chúng ta biết dấn thân phục vụ công cuộc rao giảng Tin Mừng khắp nơi.

Kết thúc: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã phục sinh để cứu độ chúng con, chúng con vui mừng cảm tạ Chúa. Xin cho chúng con tận hưởng nguồn vui ơn cứu độ, là biết gìn giữ và loan truyền Tin Mừng tình thương của Chúa cho mọi người ở khắp mọi nơi. Chúa hằng sống và hằng trị muôn đời. Amen.

X. HỌC HỎI

PHỤC SINH BIẾN CỐ LỊCH SỬ VÀ MẦU NHIỆM

Đức Giêsu phục sinh là chân lý tuyệt đỉnh của đức tin Kitô giáo, được cộng đoàn tín hữu tiên khởi tin và sống như là chân lý trung tâm, được Truyền Thống lưu truyền như chân lý căn bản, được các văn kiện Tân Ước xác lập, được rao giảng như phần chủ yếu của giáo lý.

1. BIẾN CỐ LỊCH SỬ

ĐK phục sinh là một biến cố có thật với những chứng từ có giá trị lịch sử, được Tân Ước xác nhận dựa trên hai sự kiện mồ trống và những lần hiện ra của ĐG.

1) Mộ trống :

Trong biến cố phục sinh, yếu tố đầu tiên mà ta gặp là ngôi mộ trống. Tự nó, sự kiện này không phải là một bằng chứng trực tiếp. Việc thân xác Đức Kitô không còn ở trong mộ có thể được giải thích cách khác, như các thượng tế mua chuộc lính canh mộ để phao tin rằng các môn đệ đã ăn cắp xác Đức Giêsu (xem Mt 28, 11-15). Dầu vậy, mọi người đều coi mộ trống là dấu chỉ chủ yếu. Việc phát hiện mộ trống là bước đầu dẫn các môn đệ đến chỗ nhìn nhận chính sự kiện Chúa sống lại.

Đó là trường hợp các phụ nữ đạo đức ( x. Lc 24, 22-23)
Tiếp đến là Phêrô (x. Lc 24, 12)
khi vào mộ trống và thấy những băng vải để đó, người môn đệ Đức Giêsu yêu quí khẳng định rằng : ông đã thấy và ông đã tin. Theo ông, đây không phải là việc của loài người (x. Ga 20, 5-7)

2) Những lần hiện ra :

Cả 4 Tin Mừng đều nói đến những lần hiện ra của Đức Giêsu.

Những người đầu tiên được gặp Đấng Phục Sinh là bà Maria Magđala và các phụ nữ đạo đức. Các bà này đến mộ sớm để hoàn tất việc ướp xác Đức Giêsu ( x. Ga 19, 31-42). Các phụ nữ này là những sứ giả đầu tiên loan báo Đức Kitô sống lại cho các tông đồ (Lc 24, 9-10).

Về phần các tông đồ, Đức kitô hiện ra trước hết với Phêrô, sau đó với nhóm Mười Hai (x. 1Cr 15,5)

Đức Giêsu phục sinh có những tương quan trực tiếp với các môn đệ của Người, qua tiếp xúc (x. Ga 20, 27) và việc chia sẻ bữa ăn (x. Lc 24, 30, 41-43). Nhờ đó, Người muốn cho họ thấy Người không phải là ma (x. Lc 24, 39); và thân xác phục sinh của Người chính là thân xác đã bị đóng đinh, còn mang dấu vết cuộc khổ nạn (x. Ga 20, 20, 27). Trong thân xác sống lại, Người chuyển từ trạng thái chết sang cuộc sống khác, vượt trên không gian và thời gian.

2. BIẾN CỐ SIÊU VIỆT

Không một ai chứng kiến tận mắt biến cố phục sinh và không một thánh sử nào mô tả nó. Không ai có thể nói Phục sinh đã diễn biến như thế nào về mặt thể lý. Tuy Phục Sinh là biến cố lịch sử, có thể ghi nhận được nhờ biến cố mộ trống và những lần gặp gỡ thực sự giữa các tông đồ với Đức Kitô sống lại, nhưng Phục Sinh vẫn là trung tâm mầu nhiệm đức tin. Do đó Đức Kitô Phục Sinh không tỏ mình cho thế gian (x. Ga 14, 22) mà chỉ cho các môn đệ của Người. “Cho những kẻ từng theo Người từ Galilê lên Giêrusalem, giờ đây chính họ làm chứng cho Người trước mặt dân” (Cv 13, 31).

3. ẢNH HƯỞNG CỨU ĐỘ CỦA PHỤC SINH

”Nếu Đức Kitô không chổi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14).
Trên hết mọi sự, Phục Sinh xác nhận tất cả những gì chính Đức Kitô đã làm và đã dạy.
Đức Kitô Phục Sinh hoàn tất những lời hứa của Cựu ước (x. Lc 24, 26-27, 44-48) và của chính Người khi còn sống tại thế (x. Mt 28, 6 ; Mc 16,7 ; Lc 24, 6-7). Thuật ngữ “đúng theo Kinh Thánh” có ý nói Đức Kitô Phục Sinh hoàn tất các lời tiên báo ấy.
Cuối cùng, Đức Kitô là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của chúng ta mai sau.
ALLELUIA. ALLELUIA. ALLELUIA

1305    17-04-2012 10:31:32