Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Sứ Vụ Dạy Giáo Lý Của Hội Thánh - Tháng 05 năm 2010

LỜI CHỦ CHĂN

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2 VĩnhLong

Vĩnh Long, ngày 25.04.2010

V/v Hội Thánh và Sứ mạng dạy Giáo lý

“Các con hãy dạy họ giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,20)

Vào cuối sách Phúc Âm, các Tông đồ đã lãnh nhận lệnh truyền của Chúa Giêsu là giáo dục đời sống đức tin, một cuộc sống Kitô hữu. Họ không sáng tác một học thuyết, nhưng truyền lại cho người khác những gì mình đã lãnh nhận nơi Chúa, những gì đã biến đổi đời mình và cũng muốn làm cho người khác có thể trở nên môn đồ của Chúa Cứu Thế.

1. Sách Tông Đồ Công Vụ cho thấy rằng các Tông đồ đã trung thành với ơn gọi và sứ mạng đã lãnh nhận. Các ngài đã bắt đầu với việc loan báo Đức Giêsu bị đóng đinh, đã chết thật và đã sống lại thật: ‘Xin toàn thể nhà Israel hãy biết chắc rằng Thiên Chúa đã đặt làm Chúa và làm Kitô, Đức Giêsu mà các ngươi đã đóng đinh’(Tđcv 2,36). Và mời gọi đáp trả một cách cụ thể dứt khoát : ‘Hãy hối cải, và mỗi người hãy chịu thanh tẩy nhân Danh Đức Giêsu Kitô để được tha thứ tội lỗi , và các ngươi sẽ được lãnh ơn Thánh Thần’(Tđcv 2,38).

2. Tin Chúa Giêsu Kitô là khởi điểm của đời sống mới được khai mở do Bí Tích Rửa Tội. Một khi đã trở thành Kitô hữu (Tđcv 11,26), các tín hữu được qui tụ thành cộng đoàn, chuyên cần với giáo huấn của các Tông đồ, sống hiệp thông với nhau, tham dự việc Bẻ Bánh và cầu nguyện (x. Tđcv 2,42). Đó là những đặc điểm của Giáo Hội sơ khai.

Giáo lý của Hội Thánh mang đặc tính tông truyền. Thánh Phaolô quả quyết ‘Tin Mừng tôi rao giảng không phải là một Tin Mừng do loài người. Vì chưng tôi đã không chịu lấy hay đã thụ giáo nơi một người nào, nhưng nhờ mạc khải của Đức Giêsu Kitô’ (Gal 2,11-12).

3. Việc dạy giáo lý, theo bản chất, được gắn liền với tất cả hoạt động phụng vụ Các bí tích nhất là Bí Tích Thánh Thể là nơi Chúa Giêsu Kitô hoạt động cách sung mãn để biến đổi con người (x. Gioan Phaolô II, CT, 23).

Lời giảng đưa đến hồng ân đức tin. Tuyên xưng đức tin và lãnh nhận các Bí Tích liên kết với nhau. Bởi vậy, trong Giáo Hội nguyên Thủy, giáo lý khai tâm cần thiết để chuẩn bị người dự tòng bước vào đời sống Kitô hữu với việc lãnh nhận các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể.

Hội Thánh còn nhờ nhưng buổi họp nhau cử hành Phụng Vụ để tiếp tục giáo dục đức tin của các tín hữu: “Họ chuyên cần với giáo huấn của các Tông Đồ, sống hiệp thông với nhau, tham dự việc Bẻ Bánh (Thánh Lễ) và cầu nguyện” (Tđcv 2,42) .

4. Đức tin mà Hội Thánh truyền dạy đã được gồm tóm trong Kinh Tin Kính của các Tông Đồ. Trong Nghi Thức Rửa Tội cho người lớn được tái lập và canh tân sau Công Đồng Vaticanô II, có Nghi Thức Trao Kinh Tin Kính, cử hành vào tuần III Mùa Chay, để các dự tòng học thuộc lòng và tuyên đọc công khai trong ngày Thứ bảy Tuần Thánh, trước khi họ sẽ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh.

Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo được soạn thảo theo nguyện vọng của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1985 và được ban hành năm 1992, trình bày đầy đủ và trọn vẹn giáo lý Công Giáo, cho phép mỗi người nhận ra điều Hội Thánh tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện trong cuộc sống hằng ngày của mình (Gioan Phaolô II, Tông Thư Laetamur magnopere).

Giáo dục đức tin qua việc dạy giáo lý là sứ mạng của Hội Thánh, và cũng là sứ mạng của mỗi tín hữu. Làm thế nào để Chúa Giêsu Kitô được mọi người nhận biết là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chỉ nơiù Chúa Kitô mới có giải đáp cho khát vọng sâu xa của con người là sống hạnh phúc.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
                       Giám mục Vĩnh Long

THƯ MỤC VỤ

CHỦ ĐỀ: SỨ VỤ DẠY GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH

Sau khi thực hiện sứ mạng Chúa Cha trao phó, trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các mô đệ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy d0ã truyền cho anh em.” (Mt 28, 19-20) Để giúp họ chu toàn sứ mạng này, Chúa Giêsu hứa sẽ xin Chúa Cha gửi Chúa Thành Thần xuống: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là nhân chứng của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 2,42).

Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, sau bài giảng của thánh Phêrô, khoảng ba ngàn người đã trở lại và chịu phép Rửa. Cộng đoàn Hội Thánh đầu tiên, theo như sách Công vụ Tông Đồ mô tả, “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (Cv 2,42)

Như vậy, việc Dạy Giáo lý đã là một trong những hoạt động quan trọng của Hội Thánh ngay từ đầu. Hội Thánh không ngừng dốc mọi tâm lực để chu toàn sứ vụ hàng đầu này của mình. Mọi tín hữu đều có bổn phận truyền đạt kho tàng đức tin mà mình đã lãnh nhận, bằng lời rao giảng, bằng đời sống yêu thương, và bằng các cử hành phụng vụ và cầu nguyện.

Những thời kỳ Hội Thánh được canh tân cũng là những thời điểm nổi bật về việc Dạy Giáo lý. Chẳng hạn như trong thời các giáo phụ, tiếp theo là Công đồng Trentô với sách Giáo lý Rôma. Mới đây nhất là công đồng Vaticanô II (x.GLHT 8-9)

Sau Công đồng Vaticanô II, việc Dạy Giáo lý được quan tâm cách đặc biệt. Các văn kiện Toà thánh thời gian gần đây cho thấy rõ điều nầy1.

Những văn kiện trên đã thúc đẩy và định hướng đường hướng canh tân việc Dạy Giáo lý khắp nơi trên thế giới. Hội Thánh Việt Nam trong những năm vừa qua cũng đã có những hoạt động hỗ trợ cho việc dạy giáo lý: từ tổ chức, điều hành cho đến việc biên soạn các bộ sách Giáo lý phù hợp với từng lứa tuổi, từng môi trường và đào tạo Giáo Lý Viên (TMV số 10-11).

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Nhà hiền triết Uddalaka giáo huấn con ông là Sretaketu cách thế nhận ra Đấng Duy Nhất đàng sau dáng vẻ bên ngoài của hữu thể phức tạp (nhiều). Một trong những bài học minh hoạ đó được kể lại như sau:

Một hôm Uddalaka nói với con trai.
Con hãy bỏ nắm muối này vào chậu nước, rồi sẽ gặp lại cha vào sáng ngày mai.

Người con làm đúng lời cha dặn và sáng hôm sau người cha hỏi:

Bây giờ con hãy đưa cho cha nắm muối con đã bỏ vào nước hôm qua.
Sretaketu đáp:
- Con không thể tìm lại được, nó tan mất rồi.

Người cha liền nói:

Con hãy thử nếm nước ở bên trái chậu xem nó có vị gì?

- Nó có vị mặn của muối.

- Thế bên phải của chậu nước có vị gì?

- Cũng là vị muối, thưa cha.

Người cha liền nói rằng:
- Bây giờ con hãy đổ nước ra khay.

Cậu con đổ nước ra và nhận thấy chỗ nào nước bốc hơi nhanh thì muối lại xuất hiện. Bấy giờ hiền triết Uddalaka mới kết luận.


Con à! ta không nhìn thấy Chúa vì Ngài siêu hình. Nhưng Ngài vẫn thực sự hiện hữu. Và nếu ta tìm kiếm Ngài chân thành thì ta có thể nhận ra Ngài nơi các vật thụ tạo.

Anthony De Mello S.J - Lời Ếch Dâng Kinh

Dạy giáo lý là dạy cho con người biết và tin vào Chúa để được hạnh phúc. Thiên Chúa luôn luôn hiện diện nơi các thụ tạo mà Ngài đã tạo dựng. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận biết được sự hiện diện này nên rất cần sự hướng dẫn của Giáo hội mà Chúa Giêsu thiết lập.

Thiên Chúa cũng như sứ mạng Người giao phó cho Giáo hội vẫn là một nên Giáo hội phải luôn tìm ra những phương cách hữu hiệu giúp con người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa cũng như tình yêu của Người.

Trước khi diễn giải Thư mục Vụ, chúng ta tóm lược một vài ý về chủ đề hôm nay:

Khi sắp về trời Chúa Giêsu đã trao sứ vụ dạy giáo lý cho Hội Thánh.

Nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng cho con người nhận biết, tuân giữ, sống đạo và làm chứng cho cả thế giới.

Thánh Phêrô đã khai diễn sứ mạng trước tiên, thu hoạch cả 3.000 tín hữu.

Hội thánh luôn nhận biết dạy giáo lý là sứ vụ quan trọng hàng đầu. Nói Hội thánh là nói các thành phần tín hữu cũng đều phải cố gắng hành động và cầu nguyện.

Qua lịch sử, có thế nói thời kỳ Hội thánh canh tân là thời kỳ nổi bật công trình dạy giáo lý: Thời kỳ các Tổ phụ, các công đồng và gần đây Vatican II.

Hội thánh Việt nam chúng ta hiện nay cũng cố gắng thực hiện và hoàn hảo hoá việc dạy Giáo Lý.

LM. Robert A. Pesarchick, STD, trong tài liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2009 của HĐGMHK nói về việc Tổ Chức Dạy Giáo Lý Trong Hội Thánh Địa Phương với những lưu ý như sau:

Truyền Giáo và Dạy Giáo Lý
Vì yêu, Thiên Chúa Ba Ngôi đã tạo dựng nên loài người với ý định mời gọi họ trở nên con cái Chúa Cha qua Đức Kitô, Con của Ngài, trong Chúa Thánh Thần. Loài người là đối tượng đặc biệt của tình yêu Thiên Chúa và ngay từ đầu đã được tạo dựng với một ơn gọi siêu nhiên là chia sẻ sự sống nội tại của Thiên Chúa, để hiệp thông với Chúa Ba Ngôi (x. Eph 1:33tt; Col 1:15tt; Gal 4:4tt; 1 Ga 4:7tt, và xem Gaudium et Spes, số 22). Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Hội Thánh là mầu nhiệm hiệp nhất và hiệp thông trực tiếp của con người với Thiên Chúa Ba Ngôi được khởi đầu bằng Đức Tin. Nghĩa là Hội Thánh là một sự hiệp thông được cấu trúc cách hữu cơ và được hợp thành bởi việc thông phần vào sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi, là Đấng ban cho Hội Thánh, như một cộng đoàn, những yếu tố vô hình và hữu hình, và như thế biến Hội Thánh thành “bí tích cứu độ”.

Việc Hội Thánh hiệp thông vào đời sống của Chúa Ba Ngôi được thể hiện qua Bí Tích Thánh Thể, là nơi Đức Kitô hiến Mình cho chúng ta để biến chúng ta thành Thân Thể của Người là Hội Thánh. Chính sự hiệp thông chiều dọc của Hội Thánh với Chúa Ba Ngôi được thể hiện trong Bí Tích Thánh Thể đã tạo nên một sự hiệp thông chiều ngang giữa các phần tử Hội Thánh với nhau. Tự bản chất, Hội Thánh là một sự hiệp thông được tạo thành qua việc tham gia vào đời sống của Chúa Ba Ngôi nhờ Bí Tích Thánh Thể: “Hội Thánh được xây dựng qua sự hiệp thông bí tích với Con Thiên Chúa, là Đấng đã hy sinh vì chúng ta” (ĐTC Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia, số 21).


Bởi vì Hội Thánh được thiết lập trên sự hiệp thông với Con Thiên Chúa, cho nên nguồn gốc và cùng đích của Hội Thánh lệ thuộc vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thực thể này, là việc Hội Thánh là một cộng đồng nhân loại được mời gọi và thật sự được chia sẻ sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, được Thiên Chúa trù liệu từ muôn đời. Hội Thánh được báo trước ngay từ khi loài người được tạo dựng, bởi vì ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc tạo dựng, loài người đã được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa qua việc được Ngài cho “làm nghĩa tử” (x. Eph 1:3tt; Col 1:15tt; Gal 4:4tt; Ga 4:7tt). Như thế tự bản chất Hội Thánh đã liên can đến việc cứu độ nhân loại, nghĩa là, giúp con người chu toàn ơn gọi siêu nhiên đặc biệt mà họ, như những tạo vật của Thiên Chúa, được mời gọi để hiệp thông với Ba Ngôi. Sự hiệp thông chiều dọc này (với Chúa Ba Ngôi) xảy ra trong và qua sự hiệp thông chiều ngang (với Hội Thánh) mà nó đem lại.


Hành vi Đức Tin, được ân sủng của Thiên Chúa mang đến, đưa con người vào sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, xảy ra nhờ được nghe Lời Thiên Chúa (x. Rm 10:17). Chính vì lý do này mà Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng được Chúa Cha “sai đến” để hoàn tất chương trình cứu độ của Ngài, đã truyền cho các Tông Đồ là các sứ giả của Người: “Các con hãy đi…và làm cho muôn dân thành môn đệ... dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28:19-20). Qua các Tông Đồ và những đấng kế vị các ngài, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu tiếp tục sứ vụ cứu độ của Người trong thời gian cho đến tận cùng trái đất. Mệnh lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu liên quan không những đến thừa tác vụ tông đồ mà cả sứ vụ căn bản của Hội Thánh là làm cho muôn dân trở thành môn đệ.


Như thế bản chất của sứ vụ Hội Thánh là Phúc Âm hóa mọi dân tộc. Toàn thể Hội Thánh và những người thi hành mục vụ tông đồ trong cộng đồng Hội Thánh phải làm cho mọi người biết Chân Lý cứu độ, là Lời Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã đến để tỏ bày qua con người và sứ vụ của Người. Việc rao giảng và truyền lại Lời cứu độ của Thiên Chúa được xảy ra qua sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh. Ngay từ lịch sử sơ khai của Hội Thánh, từ ngữ được dùng để chỉ toàn thể tiến trình làm (cho muôn dân) thành môn đệ và phổ biến giáo huấn của Lời Chúa được gọi là “dạy Giáo Lý” (Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo [GLCG] số 4-5). “Truyền giáo và dạy Giáo Lý là hai trong những phương tiện chính mà Hội Thánh dùng để truyền lại Đức Tin” (Chỉ Nam Quốc Gia về Dạy Giáo Lý của HĐGMHK, 2005, số 15). Trong cả truyền giáo lẫn dạy Giáo Lý, Mặc Khải của Thiên Chúa, là việc Thiên Chúa tự tỏ Mình ra trong lịch sử được đạt đến tột điểm nơi Đức Chúa Giêsu Kitô, giữ địa vị chính yếu. Thực ra, Mặc Khải của Thiên Chúa là Chân Lý mà Thiên Chúa đã dạy chúng ta. “Nguồn mạch của môn Giáo lý được tìm thấy trong lời của Thiên Chúa được Đức Chúa Giêsu Kitô mặc khải” (NDC, số 18). Dựa vào giáo huấn của Thiên Chúa, người ta có thể nhận ra một tiến trình hay “phương pháp sư phạm của Thiên Chúa”. Một cuộc điều nghiên bản chất của việc Thiên Chúa tự mặc khải cho thấy rõ tiến trình này. Như vậy, chung cuộc thì việc truyền lại giáo huấn của Thiên Chúa trong truyền giáo và dạy Giáo Lý phải thích hợp với chính phương pháp sư phạm của Thiên Chúa trong việc tự tỏ Mình ra của Ngài.

Dạy Giáo Lý và Phương Pháp Sư Phạm của Thiên Chúa
“Đặc tính riêng của việc dạy Giáo Lý, khác với việc rao giảng lần đầu để đem đến việc hoán cải trở về, có hai nhiệm vụ là làm cho Đức Tin ban đầu được trưởng thành, và giáo dục các môn đệ chân chính của Đức Kitô bằng cách cung cấp cho họ một sự hiểu biết sâu xa và có hệ thống hơn về con người và sứ vụ của Đức Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (ĐTC Goan Phaolô II, Catechesi Tradendae, số 19).

Để đạt được mục tiêu này, các Giáo Lý viên không những chỉ cần chú ý đến nguồn mạch chính của Giáo Lý là Lời Chúa được Huấn Quyền giải thích, mà còn phải chú ý đến đường lối sư phạm hay phương pháp mà Thiên Chúa đã dùng để tự tỏ Mình ra cho chúng ta trong lịch sử (x. CT, số 58; NDC, chương 4). Việc dạy Giáo Lý, trong khi chắc chắn phải dùng một số phương pháp được dùng trong tiến trình giáo dục nói chung, cũng phải nhìn đến phương pháp sư phạm của Thiên Chúa và coi đó như là một khuôn mẫu và nguồn mạch cho phương pháp sư phạm Đức Tin. Việc Thiên Chúa tự tỏ Mình ra như Chúa Cha, Chúa Con va Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa Duy Nhất, xảy ra trong thời gian và lịch sử, và kết quả, đã xảy ra trong một tiến trình được tỏ bày theo từng giai đoạn đạt đến cao điểm nơi con người và sứ vụ của Đức Chúa Giêsu Kitô. Đó là một phương pháp sư phạm tiệm tiến theo bản tính. Ngay cả với Mặc Khải cuối cùng được Đức Kitô ban cho, Hội Thánh vẫn tiếp tục tiến triển trong việc hiểu biết và tìm hiểu sự đầy đủ của Mặc Khải. Như thế phương pháp dạy Giáo Lý phải phản ảnh sự bày tỏ tiệm tiến này trong tiến trình giáo dục vá giúp các tín hữu trưởng thành trong Đức Tin của Hội Thánh.

Mặc Khải của Thiên Chúa đã xảy ra qua những việc làm và lời nói thấm nhập vào nhau và giải thích lẫn nhau. Điều này đặc biệt đúng với Mặc Khải cuối cùng đã xảy ra nơi Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể và Đấng Trung Gian hoàn hảo của Mặc Khải. Trong việc Nhập Thể, Thiên Chúa đã dùng “tất cả mọi bình diện nhân loại”, hành động, cử chỉ, và cách cư xử, mọi khía cạnh của đời sống con người, cá nhân cũng như cộng đồng, để truyền thông mầu nhiệm của đời sống nội tâm sâu thẳm của Mình (x. Latourelle, Theology of Revelation, 359tt). Như thế việc dạy Giáo Lý phải chú ý đến những thực trạng cụ thể của đời sống con người và sử dụng những thực trạng này trong khi tìm cách truyền đạt một sự hiểu biết sâu xa về Đức Tin trong Đức Kitô. Một đằng, dạy Giáo Lý phải sử dụng phương pháp phân tích (suy diễn) bằng cách dùng những tài liệu về Đức Tin làm khởi điểm và đưa ra lời rao giảng Đức Tin qua việc áp dụng nó vào những kinh nghìệm riêng biệt của con người (x. NDC, số 28, Chỉ Nam Chung về Dạy Giáo Lý [GDC], số 151).

Đàng khác, đi đôi với phương pháp phân tích, việc dạy Giáo Lý cũng phải dùng phương pháp tổng hợp. Phương pháp này nhìn vào những biến cố riêng biệt của lịch sử cứu độ, các cử chỉ trong Phụng Vụ, và các dữ kiện trong đời sống Hội Thánh, đồng thời cũng chú ý đến những biến cố trong đời sống con người, tìm cách hiểu biết ý nghĩa của những thực tại nhân loại này dưới ánh sáng của Mặc Khải của Thiên Chúa và các giáo huấn về Đức Tin. Trong phương pháp tổng hợp, những quan tâm và thắc mắc, những hy vọng và âu lo, của kinh nghiệm thường nhật của con người được xem xét dựa theo sự hiểu biết về các chân lý của Đức Tin mà Thiên Chúa đã mặc khải (x. NDC, số 28; cũng x. René Latourelle, Man and His Problems in the Light of Jesus Christ [New York, Alba House, 1983]). Việc dạy Giáo Lý không những chỉ nhắm đến việc hướng dẫn các tín hữu hiểu biết sâu xa hơn về Đức Tin của mình nơi Đức Chúa Giêsu Kitô và các giáo huấn của Hội Thánh, mà còn phải giải thích và làm sáng tỏ kinh nghiệm của con người qua các dữ kiện thuộc về Đức Tin (x. GDC, số 153).

Trong sự đóng góp của mình vào tiến trình Phúc Âm hóa (Truyền Giáo), là trọng điểm đối với sứ vụ của Hội Thánh, việc dạy Giáo Lý có nguồn mạch là Lời Chúa, được mặc khải trọn vẹn nơi Đức Chúa Giêsu Kitô và được bảo vệ và giải thích bởi Huấn Quyền. Việc dạy Giáo Lý cố gắng làm cho người ta thành môn đệ của Chúa Giêsu và giáo dục cùng dạy dỗ họ trong những giáo huấn của Hội Thánh, nhưng không chỉ làm thế qua việc chú tâm đến những phương pháp giáo dục, mà trên hết qua việc chú tâm đến phương pháp sư phạm của Thiên Chúa, phương pháp sư phạm Nhập Thể: “Ngay từ buổi ban đầu, Thiên Chúa đã thích ứng sứ điệp của Mình vào những điều kiện trần thế để chúng ta có thể chấp nhận sứ điệp ấy. ‘Đối với các Giáo Lý viên, điều này ám chỉ công tác không ngừng là tìm một ngôn ngữ có khả năng truyền thông Lời Chúa và Kinh Tin Kính của Hội Thánh, đó là việc khai triển ngôn ngữ này trong những hoàn cảnh khác nhau của những người nghe’” (NDC, số 28.B; GDC, số 146). Trong việc dạy Giáo Lý cần phải nhớ đến sự liên hệ này bởi vì Đức Tin là khởi điểm của ơn cứu độ và là sự thông phần vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, “đến bởi những điều được nghe, và điều được nghe đến qua Lời của Đức Kitô” (Rm 10:17).

Bất cứ một sự phát triển Giáo Lý chân chính nào phải được sự hướng dẫn và chuẩn y của Huấn Quyền Hội Thánh. Nói cách khác nguồn mạch chính của môn Giáo Lý là “Lời Chúa, được hàm chứa và truyền lại trong Thánh Kinh và Thánh Truyền cùng được giải thích bởi Huấn Quyền” (NDC, số 18).

(Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ)

Từ những nhận định trên, chúng ta thử kiểm điểm cách nhìn nhận và thực hiện việc dạy Giáo lý của mỗi người như thế nào?

Chúng ta có hiểu, dạy giáo lý là truyền giáo không?

Là thành phần của Hội thánh chúng ta có nhận định: mình có sứ mạng dạy giáo lý không?

Không tham gia việc dạy giáo lý, chúng ta có làm những việc liên hệ đến công cuộc truyền giáo không?

Có biết lợi dụng những cuộc giao tiếp chueỵ6n trò thân thiện nên như phương tiện truyền giáo không?

Sống tốt, sống mẫu mực, đạo đức, cũng là phương tiện truyền giáo, dạy giáo lý đặc biệt. Có ý thức không?

Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết vâng phục những điều Hộâi Thánh dạy để đời sống đức tinc ủa ch1ung con ngày con thăng tiến hơn, gắn bó mật thiết với Chúa hơn. Amen

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo định nghĩa Hội Thánh là dân Thiên Chúa được tập họp trong toàn thế giới, trong Hội Thánh, Thiên Chúa tập họp dân Người từ khắp cùng bờ cõi trái đất. Theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã thiết lập Hội thánh khi rao giảng tin mừng và tuyển chọn 12 tông đồ và đặt Phêrô làm thủ lãnh để làm nền móng cho Hội thánh Người thiết lập tại thế. Như thế, Chúa Giêsu là đầu và là sự sống của Hội thánh. Hội thánh tiếp tục sứ mạng cứu rỗi của Chúa Giêsu với quyền năng và sức mạnh được đón nhận từ nơi Thiên Chúa.

Trước khi về trời Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ…”(Mc 16, 15). Lời của Chúa Giêsu không phải chỉ là một gợi ý mà là một lời nhắn bảo, một mệnh lệnh đòi hỏi các môn đệ phải thi hành. Như thế, Sứ mạng rao giảng tin mừng trước tiên là một ơn gọi đến từ Thiên Chúa dành cho các người được chọn, sau là một mệnh lệnh mà Thiên Chúa muốn cho những người môn đệ phải thực hiện. Hội thánh tiếp nối sứ mạng ấy từ nơi Đức Kitô, qua các tông đồ, rồi đến những người tiếp nối sứ mạng các tông đồ gìn giữ đức tin của Hội Thánh. Hội thánh chỉ là Hội thánh của Chúa Kitô thật sự khi Hội thánh rao giảng tin mừng.

Nhưng phải rao giảng tin mừng cách nào? Trong những bối cảnh văn hoá xã hội khác nhau, đòi hỏi phải có những phương cách rao giảng tin mừng khác nhau. Nhìn cách Chúa Giêsu rao giảng tin mừng ta có thể thấy được Chúa Giêsu là nhà sư phạm đại tài, Người lấy từng cảnh huống của cuộc sống để làm cho giáo lý của Người thêm sống động và gần gũi, những dụ ngôn, những câu chuyện rất thường ngày trong đời sống được Chúa Giêsu cho mặc vào những ý nghĩa thâm sâu. Đến thời các tông đồ, các ông đi rao giảng tin mừng trước tiên đâu phải bằng chữ viết mà là “lời chứng” (rao giảng và làm chứng) cho việc Đức Kitô phục sinh….

Trên mảnh đất Việt nam của chúng ta cũng vậy, nếu nhìn lại những bài giáo lý đầu tiên được rao giảng trên quê hương, chúng ta ngày nay sẽ nghĩ: sao mà đơn giản quá, sao mà thiếu thuyết phục quá…nhưng nhìn kết quả ta phải nhìn nhận rằng: những cái đơn giản, cái thiếu thuyết phục lại mang những kết quả lớn lao. Nói tóm lại, mỗi thời đại, mỗi nền văn hoá khác nhau có những phương cách rao giảng khác nhau “miễn sao Đức Kitô được rao giảng”.

Chính vì thế, Hội thánh lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin mừng từ Đức Kitô nên Hội thánh phải luôn luôn biết chu toàn bổn phận của mình bằng những cách thức xứng hợp. Tin mừng Chúa Kitô vẫn là một nhưng nếu được trình bày bằng những hình thức lôi cuốn gần gũi thì chắc chắn sẽ dễ dàng được đón nhận hơn là khô cứng trong mớ giáo điều. Như đã nói ở phần đầu, Hội Thánh là dân Thiên Chúa được tập họp trong toàn thế giới nên mọi người trong Hội thánh phải ý thức sứ mạng mình đã lãnh nhận mà chu toàn trong đời sống của mình. Cách riêng với những người được mời gọi đặc biệt để rao giảng tin mừng nước Thiên Chúa thì phải luôn biết tìm ra những phương cách thích hợp, gần gũi, hiệu quả để tin mừng của Chúa được dễ dàng đón nhận.

Xin Chúa Thánh Thần Đấng làm cho Giáo hội được đổi mới đến ở với mọi người Kitô hữu và biến đổi để họ trở thành những khí cụ mang tin mừng cứu độ của Chúa cho mọi người.

HỌC KINH THÁNH

BÀI 52: SÁCH GIU-ĐÍCH

1/ Lược truyện

Sách kể về một người đàn bà tên là Giu-Đích ở xứ Do thái, là một góa phụ đạo đức, khôn ngoan, cương quyết và tin tưởng vào Thiên Chúa. Bà đã dùng mưu cơ và sắc đẹp chém được đầu tướng chỉ huy đạo quân xâm lăng và do đó cứu được thành Bê-thu-li-a cùng cả xứ Giuđa.

2/ Mục đích tập sách nầy

Đây không phải quyển sách kể lại lịch sử, nhưng là một loại dụ ngôn để khích lệ dân Do thái đang bị bách hại thời ấy. Từ đó ta rút ra được những bài học:

- Đề cao lòng yêu nước và kháng chiến chống kẻ thù của Tổ quốc và của Lề Luật MôiSen.

- Đề cao niềm tin tưởng hoàn toàn vàoua1 Israel. Họ sẽ là một dân hùng mạnh nếu họ trung thành với lề luật Thiên Chúa.

Lời Chúa: “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn. Ai bất lương trong việc nhỏ thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16, 10).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết nương tựa vào Chúa, tìm đến Chúa trong những lúc khó khăn, vì có Chúa con sẽ không còn cô đơn, sợ hãi. Amen.

SỐNG ĐẠO

HÀNH HƯƠNG

Giáo phận chúng ta có định lệ Hành Hương hai ngày 13 tháng Năm và tháng Mười nơi Trung Tâm Fatima, để học hỏi sâu xa hơn việc tôn sùng Mẹ Maria và thể hiện theo huấn lệnh Mẹ đã loan truyền nơi linh địa Fatima.

Hành hương nghĩa là đi đến linh địa dâng hương, để tôn kính Mẹ Maria và xin Mẹ ban cho mình được những ơn mình mong muốn và thể hiện huấn lệnh của Mẹ.

Đừng để cho tâm trạng có những ý nghĩ không hay: Người ta đi có vẻ phấn khởi vui tươi, mình đi theo cho vui; nghe nói nơi đó có nhiều hiện tượng lạ gợi tính tò mò, đi coi cho biết; tín hữu đến đó, cũng có người tỏ lòng sùng mộ đặc biệt, mình đến để thấy họ quay cuồng ra sao!

Như thế thì còn gì việc hành hương. Ít ra nhờ bạn đồng hành nhiệt tình khuyến khích để thêm lòng tôn sùng Mẹ Maria.

Cũng vì thế, vì mình hèn kém quá, chưa biết tôn sùng Mẹ, nên Mẹ chưa ban cho mình những điều mình ước nguyện. Đến Trung tâm Hành hương là nơi Mẹ tỏ lòng thương xót bao la, rộng tay ban phát nhiều ơn - có thể những ơn lạ thường nữa - mong nhờ nơi nầy được Mẹ ban những điều mình mơ ước.

Trước tiên chúng ta nên nhớ: Hành hương là một việc đạo đức, lành thánh. Cho nên khởi điểm của chúng ta phải có lòng đạo đức loại bỏ những tà niệm, những hoài bão không cần ích cho cuộc sống thiêng liêng; cũng nên dẹp đi những lo âu thường ngày nơi gia đình, xã hội để chú tâm đến nơi mình cầu nguyện.

Với bạn đồng hành, đạo đức, tôn trọng, liên kết, thân thiện và thương yêu… sẳn sàng phục vụ những ai thiếu sức khoẻ, hay kém vật chất. Đó là sự chuẩn bị tốt, đáng nhận ơn ban của Mẹ.

Nơi linh địa, đừng cố tình quan sát cảnh trí, cách tổ chức, nhộn nhịp, ồn ào mà phải cảm nhận được bầu khí thiêng liêng. Những biểu lộ lòng nhiệt thành sùng kính của nhiều tín hữu có thể thúc đẩy chúng ta hướng tâm hồn lên Chúa.

Cố công tham dự vào chương trình Hành hương: thường có những giờ diễn giảng, suy niệm, học hỏi, Chầu Mình Thánh Chúa và Thánh lễ. Chúng ta có thể nhờ Hành hương, lãnh Bí tích Hoà giải và xét mình kiểm điểm đời sống theo nhịp điệu cầu nguyện trong cuộc hành hương.

Tương tự như một cuộc tĩnh tâm, Hành hương như thế chắc đẹp lòng Mẹ và chắc được Mẹ ban cho mình những ơn mình khẩn xin. Cho đi sở cầu của mình không thích hợp, nếu Mẹ không ban cho thì Mẹ cũng thay thế bằng những ơn ích khác cho đời sống đạo đức.

Về lại làng quê, ít nhiều đời sống chúng ta được kiên trì nên thánh thiện hơn

VỀ CHUỖI MÔI KHÔI

Trải qua nhiều thế kỷ, gần như toàn thể Hội thánh đã lần chuỗi môi khôi để tôn sùng Đức Mẹ. Gần đây, việc tôn sùng này không còn nhiệt thành như trước, tín hữu ít người lần chuỗi, chỉ còn lại nơi linh mục, nơi các nhà tu.

Có lẽ, vì đọc nhiều quá, lại lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng làm cho khó chú ý, rốt cuộc đọc theo lệ, đọc như máy. Cũng có lẽ vì không đọc đúng cách, không suy gẫm theo chỉ dẫn và dĩ nhiên không cảm nhận được tánh cách cao siêu lợi ích của lần chuỗi.

Đọc Kinh Môi Khôi, đâu có phải chỉ để tôn sùng Mẹ thôi! Đọc kinh Môi khôi chính là nhờ Mẹ để đến với Chúa Giêsu, giao tiếp với Chúa, biết Chúa (Per Mariam et Jesum). Đó là cốt yếu của việc lần chuỗi.

Nhờ chuỗi Môi Khôi mà chúng ta đón tiếp, gặp gỡ Chúa Giêsu là đón gặp cả chương trình cứu chuộc, nận thực được nhân phẩm của chính con người.

Nhờ lần chuỗi và những mầu nhiệm hàm chứa trong việc lần chuỗi mà chúng ta khám phá ra đức độ thương yêu và nhờ Chúa chết trên Thánh giá, đúng hơn là nhờ Chúa sống lại, mà chúng ta chiến thắng được sự chết.

Chính chuỗi Môi Khôi hàm chứa những suy niệm về cả cuộc đời Chúa Giêsu - mà Mẹ Maria đã hướng dẫn, dạy dỗ chúng ta - là lối sống an toàn, đẹp lòng Chúa, giúp chúng ta vững tâm đạt an rỗi và vĩnh phúc.

Chúng ta nghĩ thế nào về lần chuỗi?

Chúng ta luôn mong mỏi được rỗi, hãy cố gắng dúng tốt những phương pháp Mẹ yêu của chúng ta đã dạy bảo: Lần chuỗi Môi Khôi.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- TỔ CHỨC NỘI BỘ CỦA GIÁO PHẬN –

Bộ Giáo luật 1983 chỉ phát hoạ cho chúng ta những nét đại cương trong việc tổ chức nội bộ của Giáo hội địa phương, vì việc tổ chức nầy còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố cụ thể của mỗi nơi. Chẳng hạn như số linh mục, số giáo dân và hoàn cảnh địa lý của mỗi Giáo phận mà Giám mục có cách tổ chức cho phù hợp với Giáo phận của mình. Dưới đây và những bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu những tổ chức chính trong Giáo phận cũng như vai trò của những giáo vụ trong mỗi tổ chức ấy.

- Tổ chức Giáo phủ

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành tông hiến Vicariae Potestatis trong AAS. số 69, năm 1977, phát hoạ ra một kiểu mẫu tổ chức Giáo phủ đặc sắc cho Giáo phận Rôma và cũng có ý để cho các Giáo phận khác canh tân Giáo phủ của mình. Điều nầy cũng nói lên Đức Giáo Hoàng có giáo triều để trực tiếp giúp đỡ ngài trong việc cai quản Giáo hội hoàn vũ (x. đ.360); cũng vậy, Đức Giám mục Giáo phận cũng cần một cơ chế giống như thế (curia dioecesana) để giúp ngài trong việc cai quản toàn Giáo hội địa phương mà ngài đứng đầu, cách riêng là trong việc điều hành mục vụ, quản trị Giáo phận và thi hành quyền tư pháp (x. đ.469).

Những người, theo luật, phải luôn luôn là nhân viên của Giáo phủ như Tổng đại diện, Đại diện Giám mục, Đại diện tư pháp với toà án Giáo phận, Chưởng ấn, Lục sự, Hội đồng kinh tế và Quản lý Giáo phận (x. CĐ/Vat. II, CD. 27). Chúng ta có thể dể hình dung hơn với sơ đồ dưới đây:

Đức Giám Mục Giáo Phận và Tổng Đại Diện (curiaemoderator)  

Nhiệm vụ chung: tất cả những người nhận một giáo vụ trong giáo phủ có tước vị, để thể hiện tính hợp pháp là giáo vụ đã được trao phó, cũng như mình tự nguyện lãnh nhận, phải tuyên xưng đức tin thể hiện sự hiệp thông trong Giáo hội (x. đ. 833 §5, 1289); làm việc nhân danh Giáo hội (x. đ. 1285); hứa trung thành và chu toàn nhiệm vụ theo quy tắc do luật hoặc Giám mục ấn định (x. đ. 471§1, 1283§1, 1285, ); giữ mí mật theo thể thức do luật hoặc do Giám mục ấn định (x. đ. 471§2). Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu các ngành và những người có tước vị trong các ngành đó.

- Ngành Tài Chánh:
a. Hội đồng Tài chánh

Nhiệm vụ: hội đồng tài chánh có chức năng tư vấn cho Giám mục Giáo phận trong những việc quản trị thông thường và quan trọng tài sản của Giáo phận (x.đ. 1277); quyết định trong những việc quản trị ngoại thường của Giám mục (x. đ.1277). Ngoài ra, cũng có những chức năng kiểm soát và lập chương trình thu chi chung của Giáo phận sao cho hợp lý (x. đ. 493). Cuối năm xem lại thực trạng thu-chi do quản lý Giáo phận thực hiện trong năm qua, chứng thực bản báo cáo của quản lý (x. đ.493 và 494§4). Chỉ thị chung cho quản lý Giáo phận chu toàn nhiệm vụ của mình (x. đ. 494§3). Thẩm quyền của hội đồng trải rộng trên tất cả tài sản của Giáo hội có trong Giáo phận thuộc quyền Giám mục. Đôi khi Giám mục Giáo phận có thể giao cho Hội đồng kinh tế duyệt xét sổ sách chi tiêu của tất cả các họ đạo và cơ sở trực thuộc Giáo phận.

Thiết lập: trong mỗi giáo phận phải thiết lập một hội đồng kinh tế mà chủ tịch chính là Giám Mục Giáo phận hoặc là người được ngài ủy nhiệm; hội đồng này gồm ít nhất là ba Kitô hữu (Giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ và giáo dân) thực sự thông thạo trong lãnh vự kinh tế cũng như luật dân sự và nổi tiếng là thanh liêm, do Giám Mục bổ nhiệm (x. đ. 492§1).

Nhiệm kỳ: các thành viên của hội đồng kinh tế phải được bổ nhiệm với nhiệm kỳ là năm năm, nhưng khi mãn hạn, vì lý do chuyên môn để công việc không bị dỡ dang, Giám mục Giáo phận có thể tái bổ nhiệm cho những nhiệm kỳ năm năm khác (x. đ.492§2).

Chính Giám mục Giáo phận sẽ chủ toạ các phiên hợp của hội đồng kinh tế, hoặc ngài uỷ quyền cho một ai khác chủ toạ (x. đ.492§1). Những người nầy có thể là: Giám mục phó, Giám mục phụ tá, Tổng đại diện, Đại diện giám mục, linh mục, tu sĩ hoặc cả giáo dân nam nữ nũa. Nhưng lưu ý rằng vị thừa uỷ nầy không phải là thành viên của hội đồng kinh tế.

b. Quản lý Giáo phận

Ngoài hội đồng kinh tế, trong mỗi Giáo phận, Giám mục Giáo phận còn phải bổ nhiệm một người, có thể là giáo dân hay giáo sĩ, làm Quản lý Giáo phận, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội đồng tư vấn và Hội đồng kinh tế, vị nầy phải thông thạo trong lãnh vực kinh tế và nổi tiếng là thanh liêm (x. đ.494§1).

Nhiệm vụ: là quản trị các tài sản của Giáo phận dưới quyền của Giám mục và dựa theo kế hoạch của Hội đồng kinh tế (x. đ.494§3); thi hành việc chi tiêu theo lệnh của Giám mục, hoặc những người được Giám mục uỷ thác (x. đ.494§3); hàng năm Quản lý phải tường trình lên Hội đồng kinh tế sổ thu-chi (x.đ. 494§4); ngoài ra, Quản lý cũng phải tuân giữ những điều luật dành cho những người quản trị tài sản Giáo hội nói ở quyển V của Bộ Giáo luật ở các điều 1278-1289.

Nhiệm kỳ: Quản lý Giáo phận được bổ nhiệm với hạn kỳ là năm năm, nhưng khi mãn hạn có thể được tái bổ nhiệm (x. đ.494§2). Chức vụ Quản lý không chấm dứt khi Toà Giám mục trống ngôi; Quản lý vẫn tiếp tục nhiệm vụ mình dưới quyền của Giám quản Giáo phận. Nếu trong thời gian trống toà, Quản lý được bầu làm Giám quản Giáo phận, thì Hội đồng kinh tế phải bầu ra một Quản lý tạm thời (x. đ. 423§2).

Cách chung, Hội đồng kinh tế và Quản lý Giáo phận nhằm giúp Giám mục trong việc quản trị tài sản của Giáo phận. Hội đồng nầy có quyền cố vấn và cũng có quyền quyết định nữa. Điều đáng chú ý là Hội đồng kinh tế làm việc có tính cách tập thể, và có tính lãnh đạo, trong khi Quản lý Giáo phận làm việc cá thể và có tích cách thi hành hơn là những quyền hạn tự quyết (communicationes, năm 1973, tr. 228, số 4,1). Quản lý không nhất thiết là thành viên của Hội đồng kinh tế nhưng là thành viên của văn phòng Toà Giám mục.

TRANG LINH MỤC

Có một linh mục lớn tuổi khuyên tôi thế này : Được cộng tác với Giám mục là cha đang cộng tác với các Tông đồ đấy. Tôi giật mình vì lời khuyên ấy, bởi lẽ xưa nay mình đã học,đã làm nhưng chưa ý thức cho đủ về sứ mạng được trao phó, đặc biệt là trong việc dạy giáo lý.

Trước khi về trời Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông đồ: Làm cho mọi dân tộc trở nên môn dệ và dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Người đã truyền (Mt 28,19-20). Như vậy các Tông đồ được Chúa trao cho sứ mạng và quyền năng loan truyền cho nhân loại điều mà các ông đã được nghe, được thấy tân mắt, được sờ về Ngôi Lời ban sự sống(1Ga 1,1). Nhưng các Tông đồ không sống mãi ở trần gian nên phải có người kế vị, đó là các Giám mục.

Giám mục là người kế vị các Tông đồ, Ngài có trách nhiệm trước tiên về việc dạy giáo lý, và là giáo lý viên đúng nghĩa nhất. Linh mục là cộng sự viên đắc lực và là cánh tay nối dài của Giám mục đến các họ đạo trong Giáo phận của Ngài. Linh mục gắn bó,chia sẻ trách nhiệm với Giám mục và làm sao cho việc dạy giáo lý đến được với mọi người. Để làm tốt nhiệm vụ này linh mục cần có người cộng tác : Các tu sĩ nam nữ rất tận tụy; các giáo lý viên nhiệt thành hăng say quảng đại và nhất là các bậc làm cha mẹ là thầy cô thứ nhất của trẻ.

Trong thực tế có lúc mình ôm đồm hết mọi sự mà không nhờ ai và than mệt! Ngược lại có những khi mình lại khoán trắng cho người khác để mình có giờ rảnh làm chuyện khác. Thực tình mà nói bao sân cũng chẳng hay và khoán trắng cũng chẳng nên . Tốt nhất là biết phân bổ và chia sẻ trách nhiệm cho các cộng sự viên, và giúp họ hoàn thành trọng trách được trao phó. Được như vậy việc dạy giáo lý mang tính cách phổ cập hơn và mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Việc dạy giáo Lý vẫn là và sẽ còn là công cuộc mà mọi thành phần Hội Thánh phải quan tâm gánh vác. Linh mục là cầu nối các cộng sự viên của mình với Giám mục, và cộng tác với Giám mục là được cộng tác với các Tông đồ đem Tin Mừng của Chúa Giêsu đến mọi nơi và mọi người.

TRANG TU SĨ

“Hãy đi khắp thế gian, công bố tin mừng cho muôn dân” (Mc 16,15)

“Vậy hãy đi làm cho mọi dân tộc thành môn đệ, rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và dạy cho họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền. Và đây Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20)

“Các con sẽ nhận một sức mạnh, sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Người sẽ xuống trên các con. Bấy giờ các con sẽ là những chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Đã hơn 2000 năm qua, lệnh truyền của Thầy Chí Thánh vẫn còn là một thực tại sống động trong lòng Giáo Hội, vì việc loan báo Tin Mừng nằm trong khuôn khổ lớn lao nhất của Giáo Hội. Đọc lại sách Tông Đồ Công Vụ ta mới thấu cảm được lòng hăng say của các Tông đồ như thế nào?. Sứ vụ Thầy trao quá lớn lao, một Tin Mừng cho cả nhân loại khiến các Ngài không thể ngồi yên. Sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các Ngài đã lao mình vào công tác rao giảng. Các Ngài nhất quyết phải làm cho mọi người nhận biết và tôn vinh danh Chúa Kitô “Đấng đã chọn các Ngài, huấn luyện và sai đi để các Ngài sinh nhiều hoa trái…(Ga 15,16). Không phải bằng lời rao giảng suông nhưng bằng chứng tá sống động của các Ngài đã khiến dân chúng mến phục và tin theo. Qua bài giảng đầu tiên của Phêrô đã có khoảng 3000 người theo đạo (Cv 2,14 – 41) và đi tới đâu các Ngài đều rao giảng Tin Mừng ở đó (Cv 8,4). Đó là sứ vụ của Giáo Hội sơ khai. Còn Giáo Hội hôm nay?

Qua dòng thời gian, Giáo hội vẫn mãi ôm ấp lời tâm quyết của Thầy, tiếp tục sứ mạng của các Tông Đồ để lại. Vì thế, Giáo Hội lúc nào cũng cố gắng để làm tròn dù bất cứ cảnh ngộ nào, và Giáo Hội không ngừng canh tân cách giảng dạy sao cho phù hợp với hoàn cảnh của thế giới hôm nay. Cách giảng dạy hôm nay không giống như cách rao giảng như các Tông Đồ xưa nữa nhưng đã được thích nghi theo từng thời điểm và từng nơi chốn, trong đó dạy Giáo lý là một trong những cách phổ biến nhất trong Giáo Hội để nuôi dưỡng linh hồn, tăng lên lòng mến yêu tin thờ Chúa, ý thức hơn về đức tin của mình và sống cho phù hợp với đức tin ấy. Từ đó, dạy giáo lý không còn là của riêng ai mà trở thành một sứ mạng của từng người trong Giáo Hôi. Vậy sứ vụ dạy Giáo lý của Giáo Hội hôm nay là gì?. Chúng ta đã có trong tay một kho tàng quý báu của Giáo hội ban tặng, đó là quyển “Giáo lý Rôma”, một nền tảng đức tin vững chắc không sợ lạc hướng. Điều quan trọng là ta biết thích nghi kho tàng đó trong mọi môi trường thực tại của cuộc sống

“Các ngươi nghe đây! Kìa người gieo giống đi gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường,chim trời đến ăn hết

Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay vì đất không sâu; nhung khi nắng lên, nó liền bị cháy,và vì thiếu rễ nên bị chết đi

Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó nghẹt và không sinh hoa kết trái

Có những hạt rơi xuống đất tốt,nó mọc và lớn lên,sinh hoa kết trái: hạt được ba mươi,hạt được sáu mươi,hạt được một chăng” (Mc 4,3 -8)

Xin được ví sứ vụ dạy giáo lý của Giáo hội như là một người ra đi gieo giống. Vì trong chính

Dụ ngôn “Người gieo giống” vừa là nguồn cảm hứng vừa giúp ta hiểu đúng về sứ vụ dạy giáo lý trong thế giới hôm nay. Người gieo giống là Đức Giêsu, Người đã gieo Tin Mừng tình thương của Chúa Cha cho dân tộc Do thái cách đây hơn 2000 năm. Trong Giáo hội qua Chúa Thánh Thần, Người mời gọi Giáo Hội tiếp tục loan truyển tin mừng đó. Vì thế, Giáo hội phải biết rõ phẩm chất của mảnh đất mình gieo luôn luôn rất đa dạng, đủ mọi loại đất tốt xấu nhưng dù thế nào việc gieo giống vẫn phải gieo.

Với vai trò là người tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu, người gieo giống phải có một sự đồng cảm sâu xa, biết chia sẻ những niềm vui và những hy vọng,những buồn rầu và những lo lắng, những khát vọng, sự đơn độc, đau khổ, bần cùng của con người hôm nay bằng con mắt đức tin thật bén nhạy. Với ánh sáng đức tin đó, người gieo giống cho con người nhận ra rằng: con người và vũ trụ này được dựng nên và được sống trong tình thương của Thiên Chúa, Người làm nên mọi sự điều tốt lành. Mặc dù con người rơi vào cảnh nô lệ của tội lỗi nhưng được cứu độ bởi Đức Kitô chịu chết và Phục sinh, và trở thành con Thiên Chúa

Sứ vụ dạy Giáo lý của Giáo Hội là một sứ vụ cao cả nó làm khơi dậy trong lòng người kitô hữu một sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu, và theo lời Người dạy họ phải là ánh sáng soi và là muối ướp đời.

Một nữ tu (Cái Nhum)

Nói đến việc dạy giáo lý cũng có nghĩa là nói đến sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, một nhiệm vụ quan trọng nhất đã được chính Chúa Giêsu trao phó trước khi về trời. Ngay từ buổi đầu, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã trung thành dốc hết nhiệt tâm để thực hiện lệnh truyền của Thầy Chí Thánh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt. 28, 19). Từ nhóm nhỏ mười hai, rồi bảy mươi hai; dần dần theo thời gian con số này đã tăng lên đáng kể. Cho đến hôm nay, theo niên giám mới ngày 20-02-2010, được Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đệ trình lên Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, số tín hữu Công Giáo trên thế giới là l tỷ 166 triệu trên 6 tỷ 800 triệu người của dân số thế giới. Dù chiếm chưa đến 18% dân số thế giới nhưng cũng đã nói lên sự phát triển không nhỏ của hạt giống truyền giáo được chính Chúa Kitô gieo trồng, được lớn lên trong mảnh đất Giáo Hội và được Chúa Thánh Thần chăm sóc bằng ân sủng.

Để có được ngày hôm nay, Giáo Hội Chúa đã phải trải qua không ít những tháng năm thăng trầm, hy sinh và đau khổ trong việc đem giáo lý và tình yêu Chúa đến cho muôn dân. Những mất mát về tinh thần và cả mạng sống do ảnh hưởng của xã hội qua các thời kỳ lịch sử đã không cản được ý chí và lòng trung thành đối với Chúa nơi các nhà truyền giáo. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn đối với Giáo Hội Việt Nam trong khi cử hành Năm Thánh 2010: kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận Tông Tòa Đàng Ngoài và Đàng Trong và 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại và tạ ơn, để suy nghĩ và quyết tâm hơn trong ơn gọi Mầu nhiệm – Sứ vụ - Hiệp thông của mình.

Nghĩ đến dây, tôi phải tự hỏi mình:

- Nếu không có các nhà truyền giáo không biết sợ gian nan và bạo lực thì liệu dân tộc Việt Nam có được biết đạo Chúa không?

- Nếu không có các vị tiền bối, những bậc cha ông kiên trì với đức tin ban đầu và sẵn sàng hy sinh mạng sống để gìn giữ và loan truyền Lời Chúa, liệu tôi có được thừa hưởng gia sản đức tin quý báu như hôm nay không?

- Nếu như các thành phần của Giáo Hội không chung sức góp phần trong sứ vụ dạy giáo lý nơi môi trường của mình, thì liệu đức tin của chúng ta và các thế hệ mai sau có được duy trì và củng cố không?

- Nếu như bản thân tôi không tham gia vào sứ vụ này bằng đời sống chứng nhân, cầu nguyện và đóng góp khả năng của mình, liệu tôi có sống tốt ơn gọi làm con Thiên Chúa của mình chưa?

Và còn bao nhiêu chữ “nếu như” khác đang rất cần tấm lòng và đôi tay của tôi, của tất cả mọi người tin Chúa, để Lời Chúa ngày càng được mở rộng đến những nơi, những người đang khát khao chân lý Chúa.

Việc dạy giáo lý là một nhiệm vụ liên tục và lâu dài, nhưng “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.” (Mt. 9, 33) Sứ mạng dạy giáo lý của Hội Thánh đang rất cần những tâm hồn quảng đại đóng góp khả năng, ý chí, tình yêu và sự nhiệt thành vào công việc rất cần thiết và cấp bách này. Chúng ta phải cám ơn Chúa vì sự phát triển của Giáo Hội nhưng không tự mãn và dừng lại ở những con số được đưa ra ở trên; mà ngược lại phải thấy rằng mình là thành phần của Giáo Hội, sứ mạng của Giáo Hội cũng chính là sứ mạng của chúng ta. Việc dạy giáo lý không phải chỉ là bổn phận của riêng các Giám Mục, Linh mục hay tu sĩ, nhưng là bổn phận của tất cả chúng ta, những người có cùng một niềm tin và một phép rửa trong Chúa Kitô. Mỗi kitô hữu chúng ta phải là những người rao giảng Tin Mừng Chúa trong khả năng và nơi chính môi trường của mình.

Ước gì mỗi chúng ta đều nói được như thánh Phaolô:“Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cor. 9, 16) Ước gì đời sống chúng ta thể hiện lời loan truyền đó.

Xin Chúa Thánh Thần luôn gìn giữ và nâng đỡ Hội Thánh Chúa trong việc bảo vệ đức tin loan truyền tình yêu Chúa qua sứ vụ dạy giáo lý trong hoàn cảnh hiện nay

Một Nữ Tu (Cái Mơn)

TRANG SỐNG ƠN GỌI

GIÁO DỤC ĐỂ BIẾT ĐẶT CÂU HỎI ĐÍCH THỰC

“Thiên Chúa là tình yêu”, đó là lời khẳng định của Thánh Gioan, khi ngài được sống với Chúa Giêsu - Thiên Chúa làm người. Cảm nghiệm ấy giúp Thánh Gioan luôn nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện. Đồng thời, cảm nghiệm này cũng giúp Gioan chu toàn được sứ mạng mà trước khi về trời Chúa Giêsu mời gọi: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.”

Lời mời gọi này không chỉ dành riêng cho một mình tông đồ Gioan hãy chỉ các môn đệ, nhưng là lời mời gọi dành cho tất cả chúng ta, những người sống trong Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Đặc biệt là Linh mục những người dấn thân cho tình yêu của Chúa. Nhờ liên kết với Chúa Giêsu, người Linh mục có nhiệm vụ giảng dạy, soi lòng mở trí cho người tín hữu hiểu biết, xác tín và sống đạo theo Tin Mừng tình thương của Chúa Giêsu. Hơn thế nữa người Linh mục phải chú tâm vào việc huấn luyện những chiến sĩ cho cánh đồng truyền giáo của Chúa Kitô.

Đời sống và lời giảng dạy của Linh mục phải khơi lên trong lòng tín hữu, đặc biệt là các bạn trẻ câu hỏi đích thực của cuộc sống. Nhờ đó, các bạn trẻ có được một chọn lựa lối sống dấn thân cho những cánh đồng truyền giáo. Đoạn văn sau đây được trích trong “Thầy Đã Làm Gương Cho Anh Em” của tác giả Enrico Masseroni giúp chúng ta một phần nào trong việc giáo dục này.

Trong cuộc gặp gỡ giữa chàng thanh niên với Đức Chúa Giêsu, một câu hỏi bộc phát nhưng rất sâu xa, rõ ràng, đích thực và trọng yếu đã được đưa ra: “Thưa Thầy nhân lành. Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10, 17).

Ngày nay, dường như con người không có khả năng nêu lên câu hỏi đích thực, và đây cũng không phải là việc dễ dàng. Con người đang sống trong nền văn hóa thiên về sự đáp trả cho những nhu cầu tức thời, nhanh chóng. Vì thế, lương tâm họ cũng trở nên bất định và thiếu nhạy bén. Lắm lúc người ta gặp nhiều vấn đề trong những điều kiện trì trệ hoặc lộn xộn, nên họ thường hẹn lại hoặc bỏ qua những vấn đề cần thực hiện.

Bối cảnh văn hóa tạo nên môi trường sống hằng ngày của thừa tác vụ không giúp cho những quyết định của cuộc sống con người, nhất là những gì mang tính chất nhất định. Cách riêng các bạn trẻ ngày nay thích sự tự do như sự tự do của chim rừng, không muốn bay về một nơi nhất định nào đó, và quên rằng chỉ có Đức Giêsu mới có thể thỏa mãn được lòng khao khát vô biên cho sự tự do của họ.

Tiếp xúc với các bạn trẻ, chúng ta nhận thấy họ, có rất nhiều dự tính cho tương lai và không thiếu sự say mê nhẹ nhàng hay mạnh mẽ đối với một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa. Nhưng một khi thiếu sự đồng hành thiêng liêng của người hướng dẫn, thường đó là công việc của các Linh mục, thì trực giác ấy bị vùi dập theo tính chủ quan quá khích và rồi sẽ bị phôi phai theo thời gian.

Nghệ thuật giáo dục của Linh mục cần phải có khả năng khơi dậy những câu hỏi đích thực. Nghệ thuật ấy giúp cho các vị hướng dẫn thiêng liêng thái độ sẵn sàng lắng nghe, đối thoại và gợi lên những bối cảnh tốt, giúp họ được tự do hơn trước những chuyện đàm tiếu, chỉ trích, châm biếm, lo ra, để khơi dậy những câu hỏi đích thực về cuộc sống và những quyết định mang chiều kích vĩnh cửu.

Khoa sư phạm về chọn lựa đòi hỏi phải có sự giáo dục đến nguy cơ của đức tin. Cần có những động lực cao cả để hướng tự do đến việc can đảm bước theo Thầy.

“Hãy theo Thầy”, được nâng đỡ nhờ động lực của Tin Mừng: “Vì Thầy và vì Tin Mừng”, được khuyến khích bởi một cuộc sống viên mãn, thật sự được thực hiện: “Được gấp trăm ngay ở đời này…cùng với sự bắt bớ, và sự sống vĩnh cữu mai hậu”.

Chính Chúa Giêsu là trọng tâm cho sự lực chọn ơn gọi, với cả những gì có được nơi Đức Giêsu: “niềm vui bước theo Người không thiếu vắng thập giá, nhưng là một kinh nghiệm làm cho cuộc đời được tươi đẹp trong hiện tại cũng như tương lai”.

Sự chọn lực Đức Giêsu không phải là chuyện bất ngờ, nhưng phải được chuẩn bị trước qua một loạt khổ chế như việc từ bỏ một cái gì đó. Chàng thanh niên kia nghĩ là mình có thể đặt chung Thiên Chúa với tiền của, Đức Giêsu với sự giàu có.

Nhưng khoa sư phạm phối kết ấy không mang tính chất Tin Mừng. Cần phải có một khoa sư phạm chọn lựa: ai có thể làm điều đó được thay cho tôi? Đức Giêsu, lý lẽ của Tin Mừng, chính Người là cội nguồn của việc gấp trăm về niềm vui.

Giáo dục về những chọn lựa, đồng hành và đi vào trong mầu nhiệm tự do của người khác, có nghĩa là luôn sẵn sàng để đón nhận sự thất bại giáo dục.

Trong chương 10, Thánh Marcô kể lại hai câu chuyện về sự mời gọi bước theo Thầy: câu chuyện trước về chàng thanh niên giàu có, lời mời gọi bị thất bại; câu chuyện thứ hai về Phêrô và các bạn của ông, lời mời gọi đạt được sự thành công.

Không gì khó khăn hơn trong cuộc sống thường ngày của Linh mục cho bằng việc giáo dục về tự do của con người, nhất là đối với những chọn lựa theo đường hướng Tin Mừng.

Thật ra, thừa tác vụ giáo dục luôn là một bổn phận giải phóng tự do, trong một bối cảnh văn hóa làm cho tự do bị sai lệch, không đề nghị cho tự do những gì là chân thật, nhưng những gì thích hợp; không giúp thực hiện tự do, nhưng chỉ nhìn nhận tự do.

Giải phóng tự do: đó là cuộc mạo hiểm của việc bước theo Thầy, Đấng mời gọi người môn đệ không tuân theo một quy luật, nhưng đi vào trong tương quan với một con người. Không phải đơn thuần là một con người mang nhân tính, nhưng là chính Thiên Chúa, Đấng Duy Nhất có thể làm thỏa mãn ước vọng vô cùng và niềm vui sâu xa của con người.

Phải chăng thừa tác vụ hằng ngày đầy tế nhị và khó khăn này đòi hỏi một phẩm chất thiêng liêng khác biệt với đời sống của con người Linh mục?

TRANG THIẾU NHI

GHÉT CỦA NÀO TRỜI TRAO CỦA ĐÓ

KHI CUỘC SỐNG DIỄN RA không như mong đợi người ta lại thường kêu trời và có khi trách cứ. Ông trời đóng vai trò điều khiển cho thế sự xoay vần nhưng ít khi nhận được lời tạ ơn nơi con người đang hạnh phúc. Trái lại có không ngớt những lời trách cư,ù thở than luôn vọng lên tới trời khi chuyện đời không êm xuôi: “trời ơi có thấu”, “trời có hay chăng?”.

Có người xem trời như ở vị thế đối nghịch. Trời không ưa thích gì con người, “ghét của nào trời trao của đó”. Nguyễn Du trong truyện Kiều cũng mạnh mẽ khi nhận định: “Lạ gì bỉ sắc tư phong, trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Oâng trời mà lại ganh ghét với con người hay sao?

Đối với người kitô hữu ông trời chính là Thiên Chúa, một Thiên Chúa có khi được con người diễn tả là hay ghen tương. Nhưng tự bản tính Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người là chân lý không ai chối cải. Nhưng không vì thế Thiên Chúa loại bỏ những khó chịu khỏi cuộc sống con người. Ngài vẫn chấp nhận để những cái đáng ghét xảy ra.

Cái ghét  “trời trao” đến từ bên ngoài

Có những điều mình không hẹn mà sao cứ gặp, không tìm nhưng nó cứ hiện diện ngay bên. Ta mong được an bình thì cuộc đời gặp nhiều sóng gió. Ta muốn sống ẩn dật nhàn cư thì lại phải bon chen nơi chốn đông người. Ta muốn cộng đoàn luôn hiệp nhất trong yêu thương thì ngày càngù xuất hiện thêm nhiều bè rối. Có những lúc ta cảm thấy ngoại cảnh và con người luôn nghịch lại với ta. Cảm giác ngao ngán chán đời là chuyện thường tình khi gặp phải những gì xảy ra không vừa ý.

Phải chăng ngày nay ông trời đánh ghen với hết mọi người chứ không riêng gì với kẻ hồng nhan? Thật ra trời nào mà lại đánh ghen, chỉ có con người hay ganh ghét mà thôi. “Bỉ sắc” là cái bên kia thua sút, “tư phong” là cái bên này trội hơn. Chính con người cứ lo so sánh thiệt hơn nên cuộc sống trở nên nặng nề đáng ghét. Khi không bằng lòng với những gì xảy đến trong hiện tại người ta lại đi tìm những thứ đâu đâu đến mức không có thật trong đời. Cuộc sống là một quà tặng lớn lao nhưng nhiều kẻ đã phớt lờ không trân trọng. Vô tình họ xem hoàn cảnh hiện tại là một trở ngại và tha nhân chỉ là đối thủ để tranh giành và xâu xé.

Cái ghét hiện hữu ngay chính bản thân

Một cảm nhận không hài lòng về bản thân thỉnh thoảng dấy lên là kẻ thù lớn nhất của mỗi người. Ta muốn làm gì cũng nhanh lẹ dứt khoát nhưng sao bản thân lại cứ ù lì chậm châp. Ta vẫn thích những con người sống hiền lành, biết cảm thông nhưng bản thân thì đầy tính nóng nảy, cọc cằn. Ta muốn mọi người khen tặng ta trong khi bản thân chẳng bao giờ biết khích lệ một ai. Ta muốn người khác lúc nào cũng vui tươi nhưng riêng ta thì chẳng khi nào nở một nụ cười. Thánh Phaolô đã sớm nhận ra mâu thuẫn nơi chính bản thân: Điều tốt tôi muốn làm nhưng tôi không làm, điều xấu tôi không muốn làm nhưng tôi lại làm.

Người ta thường ước muốn điều mình không có. Nhìn người khác với những ưu thế vượt trội, ta lại càng trách mình sao quá nhỏ nhoi. Mặc cảm tự ti có khi rất tại hại vì nó cứ kiềm hãm và khiến ta tự đánh mất chính mình. Ta đâu biết rằng có nhiều kẻ cũng đang khen tặng và đang ước muốn giống như ta. Ta không bằng lòng với dáng vẻ của mình, không chấp nhận khả năng mình đang đắc thủ để rồi có khi tự chán ghét chính mình. Thì ra, kẻ thù lớn nhất của ta lại là bản thân thân.

Đối diện với những cái ghét “trời trao”

Thông thường người ta không nhận ra những ưu thế mà mình đang sở hữu để rồi cái mình vốn có cũng dần dần bị mất đi. Biết vui mừng đón nhận những biệt tài Chúa trao gửi thì cũng biết hài lòng với những hạn chế mà Ngài ban cho. Để thoát khỏi cái ghét trời trao nơi bản thân ta cần biết chấp nhận mình. Chấp nhận mình không phải là bằng lòng trong tuyệt vọng. Nhưng biết rõ mình để nỗ lực từng ngày mà hoàn thiện bản thân.

Tiếp đến ta cần đón nhận tha nhân như là món quà quý giá. Nói như J. P Sartre “Tha nhân là địa ngục” thì không còn gì để nói. Dẫu ai đó đã từng làm ta đau hãy nhìn về Thiên Chúa mà biết thứ tha cho người. Tất cả chúng ta là anh em với nhau, cùng chung môt Cha, một niềm tin và ơn cứu độ. Những so bì thiệt thua chỉ gây khổ con người chứ không đưa đến sự trưởng thành trong đời sống.

Sau cùng ta cần can đảm nhận ra tất cả là hồng ân. Nhừng gì ta đang sở hữu, những hoàn cảnh ta đang đối mặt, nhừng người ta găp gỡ hằng ngày tất cả là quà tặng mà Thiên Chúa trao ban. Can đảm nhận ra điều đó mới thấy cuộc sống không gì đáng ghét. Ông Trời không trao ban điều gì ngoài ý định là yêu thương. Trời không trao điều gì đáng ghét chỉ tại bản thân con người không nhận thấy tất cả là hồng ân.

TRANG GIỚI TRẺ

Trước khi về trời Chúa Giêsu đã trao sứ mạng cho các Tông đồ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20). Đây là sứ mạng chung của toàn thể Hội thánh. Chúa Giêsu tin tưởng trao phó sứ mạng cao cả này cho Hội thánh vì Người không còn hiện diện hữu hình trong Hội thánh nữa.

Chúa Thánh Thần hiện diện trong Hội thánh soi sáng và thúc đẩy Hội thánh chu toàn sứ mạng này.

Có nhiều cách dạy giáo lý. Dầu vậy, có lẽ cách dễ thuyết phụ nhất là thực hiện một trong ba sứ mạng mà các tín hữu được trao ban trong ngày chịu phép Rửa tội. Đó là sứ mạng tiên tri. Nghĩa là với sứ mạng ấy những người tín hữu có trách nhiệm giới thiệu Chúa cho người khác, có trách nhiệm đem Chúa đến cho người khác bằng chính đời sống chứng tá của mình.

Người khác ở đây có thể là những người trong gia đình mình. Người khác ở đây cũng có thể là những người đang sống gần gũi với mình trong khu xóm hay trong cùng một cơ quan, xí nghiệp với mình.

Một đời sống chứng tá ấy được thể hiện qua ba việc làm mà Đức Thánh Cha Beneđictô XVI đã đề cập trong sứ điệp ơn gọi ngày 25. 4. 2010:

- Đời sống cầu nguyện là chứng tá đầu tiên. Đời sống thường xuyên gắn bó với Chúa qua các giờ kinh và việc tham dự Thánh lễ.

- Một đời sống tin tưởng và phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa là khía cạnh thứ hai trong việc giới thiệu Chúa cho người khác. Với tất cả biến cố vui buồn trong cuộc sống, ta luôn biết tìm ra và đón nhận thánh ý Thiên Chúa một cách vui vẻ.

- Khía cạnh thứ ba không kém phần quan trọng là biết sống hiệp thông với mọi người. Tự bản chất con người được dựng nên để sống chung, sống cùng, sống với và sống cho người khác. Cho nên, người tín hữu được kêu mời sống chan hòa với mọi người.

Đối với người trẻ chúng ta ba việc làm nay không phải là quá khó nếu mỗi người ý thức được sứ mạng được trao ban ngày chịu phép Rửa tội. Và có thể nói đây chính là những lời dạy giáo lý sống động và không bao giờ lỗi thời.

TRANG GIA ĐÌNH

Đứa con trai 12 tuổi sau buổi học các bài Kinh Thánh được trích đọc vào Chúa Nhật kế ra về với sự thắc mắc trong đầu: “Giáo Hội có sứ vụ rao giảng Tin Mừng hay dạy giáo lý?”. Tối hôm đó, sau giờ kinh hôm, gia đình còn ngồi lại bên nhau, Bé Ngoan hỏi cha mình:

- Ba à, trong bài Phúc Âm hôm nay, Cha sở có đọc đoạn: “Đức Giêsu đến gần nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,18-20a) và cha sở sau khi giải thích, Ngài nhấn mạnh: mọi người trong họ chúng ta phải rao giảng Tin Mừng. Vào đầu năm học, Ngài bảo chúng con hằng tuần phải đi học giáo lý, xin cha mẹ nhắc nhở, thúc đẩy và đưa con cái đi học giáo lý, kiểm tra bài của chúng. Vậy Ba cho con biết Giáo Hội có sứ vụ rao giảng Tin Mừng hay dạy giáo lý?

Người cha nghe con hỏi thgì thấy thắc mắc của con là có lý, vì đây là công việc Giáo Hội đang làm song hành. Nhưng cắt nghĩa rành rọt cho con thì quả là bí. Ông bèn hoãn binh chi kế:

- Con ơi! Con hỏi có lý lắm. Muốn trả lời rõ ràng cho con phải có nhiều giờ. Ba hứa sẽ trả lời cho con và cắt nghĩa cho cả gia đình, nhưng không phải ngay tối hôm nay, vì tối hôm nay, mỗi người còn có công việc phải làm trước khi đi ngủ.

Trả lời cho con xong, ông vào bàn làm việc bóp trán suy nghĩ. Ông mỉm cười một mình: “cái này phải hỏi cha sở mới hy vọng có câu trả lời chính xác”. Ông quyết định mai tôi sẽ tìm giờ gặp cha sở để xin Ngài chỉ bảo. Rồi ông đã làm điều đó. Nắm được ý nghĩa đại khái ông hẹn với gia đình là sau giờ kinh tối Chúa Nhật tới ông sẽ trả lời cho Bé Ngoan trong bầu khí yêu thương hiệp nhất của cả gia đình. Riêng Bé Ngoan, em chờ đợi giờ phút hẹn hò ấy.

Ba của Bé Ngoan đã cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng giúp ông làm tròn trách nhiệm giáo dục đức tin cho gia đình, cho ông biết trả lời làm sao mà cả nhà đều thấy là đúng, chấp nhận dễ dàng. Rồi ông nói:

- Gia đình nhà ta dễ thương, Bé Ngoan cũng dễ thương, điều con thắc mắc cũng là thắc mắc của cả gia đình, không ai nói ra, riêng con con đã nói ra. Con can đảm lắm. Con ạ, Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, đã đi rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “ Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mac 1,14-15). Qua việc truyền đạt Tin Mừng bằng hành động (các phép lạ) và lời nói, Chúa Giêsu khơi gợi niềm tin mọi người vào “ sự nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô”. Việc rao giảng Tin Mừng vừa làm chứng vừa loan báo; vừa lời nói vừa bí tích; vừa giáo huấn vừa dấn thân để mạc khải cho nhân loại những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúa hiến cả cuộc đời trần thế cho sứ vụ đó, các môn đệ cũng đã làm như thế và gia đình chúng ta hôm nay cũng làm như vậy “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài…để mời gọi và đón nhận họ hiệp thông với Ngài” (Dv 2)

- “ Còn việc dạy giáo lý thì truyền đạt mạc khải qua những sự kiện và lời nói: bằng việc công bố và thuật lại, đồng thời soi sáng những mầu nhiệm thâm sâu hàm chứa trong đó. Mặt khác, việc dạy giáo lý không chỉ nhắc nhở những kỳ công Chúa đã làm trong quá khứ, mà còn nhờ mạc khải là nguồn ánh sáng soi cho loài người, để giải thgích những dấu chỉ thời đại và cuộc sống hiện nay của con người, bởi vì chính nơi họ mà Thiên Chúa hoàn tất chương trình cứu độ thế gian” ( DGC1971,11b). Cụ thể việc dạy giáo lý giúp người tin Chúa hoàn thành sự trở lại với Chúa Kitô và đặt nền tảng cho việc gắn bó với Chúa Kitô. Nhờ dạy giáo lý, người tân tòng, các trẻ em học giáo lý khai tâm, các bạn thanh thiếu niên được huấn luyện sống đời Kitô hữu toàn diện, tập sự đời sống kitô hữu thích đáng, đi sâu vào các mầu nhiệm cứu độ và sống theo lối sống Tin Mừng đưa họ vào cuộc sống kitô hữu sung mãn. Việc dạy giáo lý đặt nền móng và tiếp tục xây dựng toà nhà đức tin của môi trường tâm hồn, giúp họ gặp gỡ, tiếp xúc thân mật, thông hiệp gắn bó và tích cực cộng tác với Chúa Giêsu Kitô.

- Bé Ngoan ạ! Loan Tin Mừng là đem con người đến với Chúa tin vào Chúa, dạy giáo lý là giúp đào sâu đức tin đã lãnh nhận để con người sống gắn bó và hiệp thông với Chúa. Như vậy Giáo Hội vừa phải chu toàn sứ vụ rao giảng Tin Mừng vừa phải hoàn thành sứ vụ dạy giáo lý. Gia đình ta sẽ sống đức tin và tuyên xưng đức tin sống động của mình.

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

Bài Kiểm Tra Giáo Lý

Nguồn: VietCatholic News

Mùa hè sắp đến, các lớp giáo lý đang chuẩn bị bế giảng. Kiểm tra giáo lý và thi giáo lý là những hoạt động cần thiết trong tiến trình giảng dạy giáo lý, nhất là trước khi vào hè. Thế nhưng việc kiểm tra giáo lý dường như chưa được quan tâm đúng mức, đề kiểm tra còn nhiều vấn đề cần bàn. Và đối với nhiều giáo lý viên, việc ra đề thi hay kiểm tra là gánh nặng, đối với người khác, việc ra đề thi có thể là qua loa chiếu lệ. Đã đến lúc chúng ta nên nhìn lại một lần về mục đích và phương pháp ra đề thi hay kiểm tra giáo lý.

I. THI HAY KIỂM TRA GIÁO LÝ ĐỂ LÀM GÌ?


Xin khẳng định ngay rằng việc thi hay kiểm tra giáo lý hoàn toàn không phải để thử thách, đánh đố hay thanh lọc các em. Tất cả các em học viên giáo lý đều được Chúa Kytô mời gọi sống cuộc sống thân tình với Người.

Như thế, không giống như các môn học ở trường ngoài đời, các kỳ thi giáo lý không có ý định loại trừ bất cứ thí sinh nào. Việc kiểm tra cũng hoàn toàn không phải là giờ để giáo lý viên giải lao, bớt giảng bài! Do đó, để soạn đề thi giáo lý hữu hiệu và có thể giúp các em thăng tiến, thiết tưởng chúng ta cần xác định mục đích của việc thi hay kiểm tra giáo lý.

1. Để giúp các em nhớ lại bài học

Một cách lý tưởng, đề kiểm tra giáo lý phải làm cho các em nhớ lại bài đã học trong một thời gian nào đó, một tháng, nửa học kỳ, một học kỳ hay một năm học. Vì bài thi có mục đích gợi nhớ bài học, giúp các em đến gần với Đức Kytô nhờ hiểu biết Người, việc kiểm tra giáo lý không thể là những câu đánh đố hay làm rối trí các em.
Những câu hỏi như “Tin Mừng Thánh Gioan dùng hình ảnh “đoàn chiên” bao nhiêu lần?” rõ ràng mang tính đánh đố hay chuyên môn quá hơn là câu hỏi: “Hãy kể dụ ngôn về con chiên lạc trong Tin Mừng Matthêu”. Hoặc câu hỏi: “Năm Chúa Giêsu ra đời có đúng là năm 1 của Công Nguyên hay không? Tại sao?” có lẽ không cần thiết cho bằng ý nghĩa của Mầu Nhiệm Nhập Thể.

2. Để kiểm tra kiến thức, tâm tình các em và khích lệ các em học giáo lý

Bài thi hay kiểm tra giáo lý là một trong những cách giúp giáo lý viên biết các em đã học được những gì, mình dạy thế nào, hiệu quả ra sao… Không phải hễ các em ngồi yên trong lớp, mắt nhìn lên bảng là đương nhiên các em hiểu bài và hiểu về Đức Kytô cũng như sống gắn bó với Người. Mặt khác, có khi các em nhớ thuộc lòng bài học, nhưng cách dạy của giáo lý viên có những sơ hở làm các em học bài y như học ở trường ngoài.

Nếu như thế thì việc nhớ bài vở sẽ không có mối liên hệ nào với cuộc sống các em. Kiểm tra giáo lý có mục đích xem các em hiểu bài được bao nhiêu, nhớ bài đến mức nào và nhất là các em sống mầu nhiệm được bao nhiêu phần trong đời các em. Vì vậy cần thiết phải có những câu “Em hiểu như thế nào… em có tâm tình gì… em quyết tâm thế nào khi em học bài…”.


Những kỳ thi giáo lý sôi nổi cũng là dịp khích lệ các em hăng say học hỏi Lời Chúa. Thi giáo lý thành công là sau kỳ thi, các em đi học đầy đủ và chuyên cần hơn.


3. Để giúp giáo lý viên điều chỉnh việc dạy giáo lý của mình.

Xin lưu ý ngay rằng có thể anh chị có cách dạy hay, phù hợp sư phạm và đã thành công nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn, trình độ các em, hoàn cảnh các em và tâm hồn các em ở từng thời điểm và từng khu vực không giống nhau. Do đó không thể nói rằng vì tôi đã dạy thành công lớp Thêm Sức năm học X ở giáo xứ Y thì tôi cũng sẽ thành công ở lớp Vào Đời năm học Z ở giáo xứ A.
Bởi vì có nhiều yếu tố chi phối kết quả giảng dạy, trong đó có yếu tố đời sống đạo của các em, thì việc giáo lý viên nhìn lại mình và nhìn lại công việc giảng dạy của mình là điều cực kỳ cần thiết. Bài kiểm tra giáo lý là một trong những cách đánh giá hiệu quả. Nhờ đó, giáo lý viên sẽ điều chỉnh dần dần và ngày càng dạy giáo lý có kết quả tốt đẹp hơn.

4. Để phụ huynh hiểu biết hơn về con em mình.

Hầu như lớp giáo lý nào cũng có phiếu liên lạc giáo lý để giúp trường giáo lý cũng như từng giáo lý viên thông báo cho phụ huynh biết về tình trạng học hành của các em. Trong phiếu liên lạc, có ghi số ngày nghỉ của các em, nhận xét của giáo lý viên, và của Cha Phụ Trách giáo lý nếu cần.

Có một chi tiết quan trọng mà phụ huynh nhìn vào sẽ biết con em mình học hành thế nào, ấy là điểm bài kiểm tra giáo lý và kinh bổn. Như thế, bài kiểm tra giáo lý là công cụ hữu ích để giáo lý viên và phụ huynh có cách liên lạc với nhau và thông tin cho nhau dễ dàng nhất. Cũng chính vì tiện ích này mà bài kiểm tra cần phải được chăm chút kỹ lưỡng.

II. THẾ NÀO LÀ MỘT ĐỀ THI GIÁO LÝ HOÀN HẢO?

Ra đề thi không phải là việc dễ dàng, cứ nhìn vào bài học rồi đặt câu hỏi. Trước khi đặt bút viết hay mở máy tính đánh máy đề thi, giáo lý viên nên làm hai điều quan trọng: cầu nguyện và đặt ra mục tiêu cho bài kiểm tra.


Giáo lý viên nào cũng biết rằng cầu nguyện để Chúa giúp chúng ta thực hiện điều Chúa muốn một cách hữu hiệu và lợi ích cho các em. Và mục tiêu cũng cần phải đặt ra để không hỏi lan man, hỏi những điều không cần thiết hay quá khó. Ít ra người ra đề kiểm tra phải nhớ rằng một đề thi hoàn hảo phải bảo đảm ít là những điều sau đây:


1. Tính đáng tin cậy

Một đề thi đáng tin cậy là một đề thi mà bất cứ giám khảo nào chấm cũng đồng ý với đáp án và cho điểm giống nhau. Một đề thi gây tranh cãi hoặc một đề thi mà mỗi người có thể chấm mỗi kiểu thì không phải là đề thi đáng tin cậy. Ví dụ “Có bao nhiêu vị thánh Tông đồ?” Câu trả lời là mười hai là đúng. Nhưng nếu có em lý luận rằng thêm Thánh Matthia thay thế cho Giuđa Iscariốt thì thành mười ba. Rất có lý. Em khác nói mười bốn, bởi vì Thánh Phaolô được gọi và chọn làm Tông đồ dân ngoại. Chính xác.

Vậy câu hỏi “Có bao nhiêu vị thánh Tông đồ” chưa đáng tin cậy. Có thể đặt lại câu hỏi như sau: “Trong khi đi giảng đạo, Chúa Giêsu chọn bao nhiêu vị Thánh Tông đồ? Em hãy kể tên (giáo lý viên ra đề có thể ghi: tất cả mười hai vị, bốn vị đầu tiên hay những vị mà em nhớ, tuỳ bài thi).


Hoặc nếu ra câu hỏi: “Hãy kể hai mầu nhiệm chính trong Đạo”, rồi đáp án là mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Phục Sinh, và khi các em nêu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi hay mầu nhiệm Thánh Thể lại cho là sai, thì e rằng đó chưa phải là câu hỏi giáo lý hoàn hảo và cách chấm bài ấy cũng không đúng và không công bằng.


2. Tính hợp lý

Một đề thi hợp lý trước hết phải là đề thi gồm những câu hỏi về chương trình đã dạy và đã học. Trừ khi giáo lý viên dặn kỹ trước rằng các em hãy ôn lại chương trình năm trước để làm bài đầu năm, còn thì các đề thi phải hỏi về các bài đã học. Không thể hỏi bất cứ câu nào giáo lý viên nghĩ ra tuỳ hứng.

Chẳng hạn chương trình giáo lý Rước Lễ Lần Đầu chưa nói nhiều về Chúa Thánh Thần, thì khoan hãy hỏi: “Chúa Thánh Thần làm gì trong thế giới?”. Cũng đừng hỏi những điều mà chính giáo lý viên cũng không biết trả lời thế nào. Mới đây có một giáo lý viên hỏi thế này: “Em hãy cho biết Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể ngày tháng năm nào.” Chúa ơi, lúc nào thì trả lời được chứ ngày tháng năm nào thì chúng con không biết và không tính nổi. Chẳng lẽ phải nói là ngày X tháng Y năm thứ mấy Philatô làm quan tổng trấn (?!)


Một đề thi cũng chưa được coi là hợp lý khi làm cho các em lúng túng. Những điều Chúa đã dạy rõ ràng trong Tin Mừng thì đừng hỏi các em là điều ấy có quan trọng không. Hỏi như vậy vô tình chúng ta chưa tôn kính Lời Chúa và làm cho các em không thấy được tính cách tuyệt đối của Lời.

III. MỘT SỐ HÌNH THỨC RA ĐỀ THI.

Cũng như các kỳ thi ở trường học ngoài đời, bài thi giáo lý có thể có nhiều hình thức khác nhau. Giáo lý viên có thể chọn một, hai hoặc nhiều hình thức hỏi trong một bài thi hay kiểm tra.


1. Đưa ra câu hỏi và thí sinh trả lời.

Đây là hình thức thi truyền thống. Đề thi dạng này có lợi ích là dễ ra đề, cứ muốn kiểm tra phần nào là đặt câu hỏi cho phần đó. Nhưng đề thi dạng này có hai cái bất tiện: một là chấm bài rất mất thời gian, nhất là khi các em trả lời dài dòng hoặc để chắc ăn, các em chép nguyên bài học! Ví dụ câu hỏi: “Em hãy cho biết có mấy bí tích. Hãy kể ra.” Thế là có em trả lời xong còn định nghĩa từng bí tích, kể luôn các nghi thức, điều kiện lãnh nhận v.v…
Bất tiện thứ hai là người ra đề không kiểm soát được các em sẽ trả lời thế nào, chẳng hạn có khi chẳng biết đúng hay sai, hoặc câu trả lời vượt ra ngoài dự tính của người ra đề, và khi chấm chỉ còn cách ngồi cười! Có lần tôi ra đề kiểm tra: “Em hãy kể vắn tắt việc thiên thần truyền tin cho Đức Maria”. Một em trả lời bắt đầu thế này: “Lúc Đức Maria đang làm việc trong bếp thì có thiên thần đến gọi…” Tôi ngớ ra vì theo nếp nghĩ bình thường, chắc lúc thiên thần truyền tin thì Mẹ đang cầu nguyện. (Nhưng nghĩ lại cũng hay, nhờ những câu trả lời bất ngờ mà chúng ta hiểu hơn về các em và có khi cũng nảy sinh ra ý mới!)

2. Trắc nghiệm khách quan.
Trắc nghiệm khách quan được hiểu là bài thi có câu hỏi và có các câu trả lời sẵn được đánh thứ tự A, B, C, D, thí sinh phải chọn một câu đúng hoặc một câu đúng nhất. Ví dụ: “Chúa Giêsu phán rằng lương thực của Người là: A. cơm bánh mỗi ngày. B. châu chấu và mật ong. C. Thánh Ý Chúa Cha. D. bánh và rượu nho. Câu trả lời đúng là câu C.

Ra đề thi dạng này rất mất giờ, nhưng được hai cái lợi: chấm bài nhanh và đáng tin cậy. Bất cứ giám khảo nào cũng chấm giống nhau và cho điểm như nhau. Dạng bài thi này hiện rất phổ biến trên thế giới và cũng đang được áp dụng trong nhiều kỳ thi ở Việt nam. Tuy nhiên chúng tôi thiển nghĩ, không phải lúc nào cũng có thể áp dụng loại đề thi này trong giáo lý một cách hiệu quả, vì những lý do sau đây:


a) Có những kiến thức giáo lý không thể ra đề dạng này, vì có nhiều nguy hiểm. Chẳng hạn nếu chúng ta ra đề thế này: “Đức Chúa Trời có mấy ngôi: A. hai ngôi. B. ba ngôi. C. bốn ngôi, thì rõ ràng đề thi có vẻ ngây ngô quá. Đó là chưa kể những câu trả lời sai lạc hiển nhiên như thế sẽ là điều rất phản giáo dục trong giáo lý, có thể ăn sâu vào trí óc non nớt các em với những hậu quả rất tai hại.


b) Một đề trắc nghiệm khách quan được coi là hay và hữu hiệu là khi có những câu trả lời song song về cấu trúc và về ý, và những câu trả lời đó tương tự về nhiều mặt, để thí sinh không thấy câu trả lời đúng ngay tức khắc. Trong giáo lý, điều này rất khó thực hiện, và như đã nói ở trên, việc làm cho các em hoang mang về các chân lý là rất không nên khuyến khích. Do đó đề thi dạng này phải được soạn kỹ, có khả năng chuyên môn và chỉ nên ra thi cho các kỳ thi giáo lý dành cho các em giỏi.


c) Thi giáo lý cần phải có phần tìm hiểu tâm tình và thái độ sống của các em. Do đó nếu một bài thi mà chỉ gồm toàn những câu trắc nghiệm A, B, C thì mục đích này hoàn toàn không đạt được. Chẳng lẽ lại đi hỏi các em: “Sau khi học bài về Hội Thánh, em cảm thấy: A. Em yêu mến Hội Thánh hơn. B. Em cũng không có tâm tình gì v.v… nghe ra có vẻ hơi ngô nghê và cũng nguy hiểm!


3. Điền vào chỗ trống.

Một hình thức ra để kiểm tra giáo lý có lẽ hiệu quả hơn hết là cho các em điền vào chỗ trống. Có thể điền vài từ hay cả câu. Đề thi này có nhiều thuận lợi.
Thứ nhất, người ra đề kiểm soát được câu trả lời của các em. Chẳng hạn như: “Chúa ban cho Đức Mẹ bốn đặc ân cao trọng, một là ____, hai là _____, ba là______, và bốn là_____”. Chắc chắn các em sẽ dễ trả lời đúng, ít là một phần.

Thứ hai, loại đề này giúp các em nhớ bài học ngay cả khi nhìn vào đề bài. Như trên đã nói, một trong những mục đích của bài thi giáo lý là giúp các em nhớ bài học, do đó giáo lý viên nên tận dụng mọi cơ hội để đạt mục đích này. Dĩ nhiên không phải là gợi ý cho các em trả lời mà không cần học bài.


Thứ ba, loại đề thi này dễ chấm, và quan trọng hơn, việc chấm bài mang độ tin cậy cao. Vì câu trả lời đã được kiểm soát ngay từ khi ra đề, giáo lý viên không sợ các em sẽ viết lung tung vô nghĩa.


Tuy nhiên, loại đề thi này cũng giống như trắc nghiệm khách quan, rất cần suy nghĩ cẩn thận để các câu hỏi được rõ ràng và hợp lý.


IV. KẾT LUẬN


Bài kiểm tra giáo lý cần thiết về nhiều mặt, và giáo lý viên cần chuẩn bị đề thi kỹ càng như khi soạn bài dạy giáo lý. Nhưng cũng như khi dạy giáo lý, chúng ta nên chú ý, chính Chúa Giêsu là Thầy dạy, chúng ta là người phát ngôn cho Người. Cũng vậy, các em nhớ được Lời Chúa là do Thánh Thần của Người hoạt động: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Tuy vậy, việc cộng tác với Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần để làm cho các em hiểu và nhớ các mầu nhiệm là điều cần thiết. Cầu xin Chúa Phục Sinh cho giáo lý viên chúng ta cảm nhận và sống các mầu nhiệm để rao giảng hữu hiệu.

Gioan Lê Quang Vinh

TRANG QUỚI CHỨC

BÀI HỌC VỀ LÒNG TRUNG THỰC

Một buổi chiều đầy nắng ở thành phố Oklahoma, tôi cùng một người bạn và hai đứa con của anh đến vui chơi tại một câu lạc bộ. Bạn tôi tiến đến quầy vé và hỏi :
- Vé vào cửa là bao nhiêu ? Bán cho tôi bốn vé .

Người bán vé trả lời :
- 3$ một vé. Chúng tôi đặc biệt miễn phí cho trẻ em dưới sáu tuổi. Các cậu bé này bao nhiêu tuổi ?
- Đứa lớn 7 tuổi và đứa nhỏ thì bốn - Bạn tôi trả lời .
- Như vậy phải trả ông 9$ tất cả .

Người đàn ông đứng gần đấy ngước lên với cặp mắt ng?c nhiên :
- Sao ông không nói rằng đứa lớn chỉ mới sáu tuổi? Như thế có phải là tiết kiệm được 3$ không?

Bạn tôi nhìn người bán vé rồi chậm rãi nói :
- Dĩ nhiên, tôi cũng có thể nói như vậy và ông cũng sẽ không nhận ra. Nhưng bọn trẻ thì biết đấy. Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của những đứa con và lòng trung thực của mình chỉ với 3$ . (Sưu tầm)

Trong cuộc sống, việc giáo dục có tầm quan trọng biết bao. Nhờ giáo dục mà con người ta biết nhận định tốt xấu, phân biệt đúng sai, hành động theo đúng với ơn gọi Thiên Chúa muốn. Giáo dục như uốn một cây non được trở nên xinh đẹp, nên vóc dáng đòi hỏi phải người nghệ nhân dầy công để tạo nên một thành quả tốt đẹp. Việc giáo dục con người cũng vậy, cũng đòi hỏi thời gian và thường xuyên, phải quan tâm hướng dẫn, phải hao tổn sức lực…mới có thể đào luyện nên những con người thực sự.

Việc giáo dục không phải chỉ bằng những giáo điều, những chỉ dẫn trên giấy viết, sách vở … mà rất cần sự hướng dẫn bằng chính đời sống cụ thể, bằng gương sáng của người giáo dục. Như câu chuyện ở trên, để giáo dục lòng trung thực cho con cái, người cha đã không thể bán rẻ nó chỉ vì 3$. Một bài học quý giá về lòng trung thực nói riêng và về cách giáo dục nói chung.

Quả thật chúng ta đang sống trong một thời đại, một xã hội mà ngay cả tín hữu Công giáo cũng bị lầm đường lạc lối. Chúng ta dễ dàng thoả hiệp với cái xấu với mục đích đi tìm cái dễ dãi cho bản thân, hay tự nhủ rằng mình phải giống như những người khác để không bị loại trừ ra khỏi xã hội…dần dà chúng ta không còn nhạy cảm với điều xấu, điều ác nữa. Chúng ta không còn biết phân biệt đâu là thiện đâu là ác, đâu là đúng đâu là sai. Nếu chúng ta, những Kitô không đứng vững trong các vấn đề liên quan đến luân lý và đức tin, thì làm sao chúng ta có thể giáo dục và thông truyền đức tin cho con cái chúng ta?

Vì thế, khi Giáo hội nhận lãnh sứ mạng loan báo tin mừng từ nơi Chúa Kitô thì Giáo hội cũng có sứ mạng giáo dục cho toàn thể thế giới về Chân lý. Sứ mạng ấy đòi hỏi nơi Giáo hội phải có những phương cách thích hợp với thời đại và mang tính thường xuyên hầu mang lại những thành quả tốt đẹp.

Con người phải luôn luôn được giải thích, được hướng dẫn để có thể đi đúng đường, chọn đúng lối. Tầm quan trọng của nền giáo dục của Giáo Hội Công Giáo là hướng dẫn con người sống đúng với phẩm giá quý trọng của con người, qua đó có việc mỗi người biết sống trung thực với chính mình và với người.

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

THU VỢ NGƯỜI XEM PHÁO HOA GỬI CHỒNG

Anh thân mến!

Em đã đọc kỹ lá thư anh viết cho em tuần trước. Anh đã dành phần lớn các chữ trong đó để trách móc em không đi cùng với anh đến tham dự lễ hội pháo hoa vĩ đại vừa qua.

Anh đã không kết tội em đủ điều. Nào là keo kiệt về tiền bạc, nào là đơn sơ về thẩm mỹ, cuối cùng thấp kém về tâm hồn.

Anh thân yêu!

Đúng em có hà tiện về tiền bạc thật sự. bởi một lý do đơn giản mà đanh thép: Nếu không hà tiện chúng ta sống bằng gì? Đồng lương của hai đứa mình cộng lại ít đến mức việc gia đình tồn tại nhờ vào nó cho tới tận hôm nay rõ ràng là điều kỳ diệu nhất của thế kỷ, là một câu hỏi mà các nhà dinh dưỡng học, kinh tế học lẫn sử học không khi nào có thể trả lời.

Với đồng lương đấy, em đành thú nhận với anh, lúc nào trong đầu em cũng chỉ chứa những màu sắc của hàng ngàn thứ linh tinh khác chứ không phải của pháo hoa.

Với đồng lương ấy, mỗi chuyến du lịch với em, dù chỉ ra ngoài thành, cũng vĩ đại như lên mặt trăng, và mỗi ngày ở khách sạn, nếu có, sẽ là cơn ác mộng khi nhìn bảng giá tiền phòng.

Anh cảm xúc khi pháo hoa bay lên. Còn em cảm xúc khi được thả miếng thịt vào chảo kêu xèo xèo. Anh vỗ tay khi pháo hoa nở bung ra, em vỗ tay khi vớ được chai nước tương giá rẻ. Anh ngây ngất khi ngồi bên bờ sông lộng gió, còn em ngây ngất khi cầm lên một ký cá khô.

Nhưng em cam đoan với anh rằng, thật ra đấy vẫn không phải là lý do quan trọng nhất. Dù tâm hồn em có bị đồ ăn thức uống và giá cả thị trường xâm chiếm đến mức nào đi nữa, nó cũng không thể khô cằn hoàn toàn được. Điều lớn lao nhất, buồn bã nhất và mỏi mệt nhất của em không đi xem bắn pháo hoa cùng anh chính ở chỗ: bao nhiêu năm nay anh đã bắn pháo hoa (“nổå”!!!)!

Phải, anh ơi, bao nhiêu năm nay. Từ khi quen biết nhau cho tới một thời gian dài sau ngày cưới, anh không ngày nào không bắn pháo hoa với cá nhân em.

Anh hứa hẹn hết chuyện nọ tới chuyện kia. Anh vẽ ra tương lai hết thứ này tới thứ khác. Anh đã làm cho em lóa mắt, đã tin tưởng rằng nếu gắn bó cuộc đời với anh thì cuộc đời chúng ta chỉ toàn rực rỡ.

Nhưng trên thực tế chả có gì xảy ra hết. Trên thực tế, sau khi gắn bó với anh, em vẫn khổ như xưa và vẫn cứ tiếp tục vất vả như xưa.

Anh ơi!

Pháo hoa tuyệt đẹp khi nổ trên trời. Nhưng chúng mình lại sống dưới đất. Chúng mình không sống rồi rơi xuống lả tả, không sống bằng những ánh chớp lung linh tồn tại chả tới ngàn giây. Chúng mình sống bằng thực tế, thực tế của hôm nay, thực tế giữa ban ngày, anh có hiểu không? Hoặc anh thả hồn và thả số tiền ít ỏi của gia đình theo những mục đích mông lung, những phút giây mờ ảo. Anh cứ nhìn lên trời và bắt em nhìn theo trong khi đáng ra anh phải chỉ cho em cả cách nhìn ngang nữa.

Anh thân yêu, dù pháo hoa có đẹp tới đâu thì pháo hoa cũng không ăn được, không mặc được và chữa bệnh được. Mà em lúc nào cũng cần cho cả nhà mình ăn mặc, thuốc thang. Nếu chỉ nhìn pháo hoa là hạnh phúc, em xin thề sẽ trèo trên cây và nhìn suốt đời chứ không cần một tối. Anh cứ tin đi.

Em không phải là một cô gái xấu. Cũng luôn mơ về một thứ pháo hoa trong mắt mình, trong nồi mình và trong tủ lạnh, tủ quần áo của các con mình. Em cần một thứ pháo hoa không bắn, nhưng vẫn rực rỡ trên từng mâm cơm, từng miếng bánh của con cái, ông bà.

Sao anh chỉ nhìn người ta bắn pháo hoa mà không bao giờ tự hỏi lý do gì mình không có pháo hoa? Sao anh cảm thụ cái đẹp trên các đám mây mà không tự hỏi cái đẹp đang ở đâu dưới nóc nhà? Em muốn những cái đẹp cụ thể như vậy biết bao, sao anh không mang về mà cứ phải chạy ra thật xa để ngắm?

Em không muốn dùng thư này để trách móc. Nhưng em mong anh nhìn thẳng vào thực tế là cuộc sống hai ta còn rất khó khăn, anh hãy cố gắng kéo pháo hoa trên trời xuống đường phố, xuống vỉa hè cho em thì em sẽ nở nụ cười rạng rỡ bên anh mãi mãi.

Yêu anh
Vợ Tèo

LÊ HOÀNG (Báo Thanh niên)

TẢN MẠN

SỨC MẠNH CỦA NỤ CƯỜI

Tôi viết ra điều này từ kinh nghiệm bản thân mình. Một ngày nọ, mệt mỏi sau một ngày làm việc, tôi bước từ sở làm về với khuôn mặt nặng trĩu. Thế rồi một người chẳng quen biết gì trên xe điện mỉm cười với tôi, và theo phản xạ, tôi cũng cười đáp lại. Đột nhiên, mọi mệt nhọc trong tôi dường như tan biến.

Có một câu chuyện của Saint Exupéry mà tình cờ tôi đọc được. Những người say mê văn học không xa lạ gì với tác giả cuốn Hoàng tử bé. Ông từng là phi công tham gia chống phát xít trong Thế Chiến II. Từ những năm tháng này, ông đã viết ra Nụ cười. Tôi không biết đây là một tự truyện hay một truyện hư cấu, song tôi tin rằng nó có thật. Trong truyện, Saint Exupéry là một tù binh bị đối xử khắc nghiệt và ông nghĩ rằng nay mai mình sẽ bị xử bắn như những người khác. Ông viết :

"Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi co giật và rút từ túi ra một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm. Qua chấn song, tôi nhìn thấy người cai tù. Anh ta không thấy tôi, nên tôi đành gọi:

- Xin lỗi, anh có lửa không ?

Anh nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Ngay lập tức, tôi mỉm cười. Tôi chẳng hiểu tại sao mình lại làm như thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười.

Lúc này, dường như có một đốm lửa bùng cháy ngang kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, song do tôi cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh bật diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây, trước mặt tôi không còn là một viên cai tù phát xít mà chỉ còn là một con người.

- Anh có con không ? - Anh ta hỏi tôi.

- Có - Tôi đáp, và lôi từ túi ra chiéc bóp có hình gia đình mình. Đoạn anh ta cũng lôi từ túi ra tấm hình của những đứa con và bắt đầu kể những hi vọng của anh đối với chúng.

Đôi mắt tôi nhòa lệ. Tôi biết rằng mình sắp chết và chẳng bao giờ gặp lại người thân. Anh ta cũng khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khóa và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi thành phố, thả tôi ra rồi quay trở về.

Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi nhờ một nụ cười. Từ khi đọc được câu chuyện này, tôi nghiệm ra được nhiều điều. Tôi biết rằng bên dưới mọi vỏ bọc mà chúng ta tạo ra để bảo vệ mình, bảo vệ phẩm giá và vị thế của mình, bên dưới những điều này còn có một cái thật quý giá mà tôi gọi là tâm hồn. Tôi tin rằng nếu tâm hồn bạn và tâm hồn tôi nhận ra nhau thì chúng ta chẳng còn gì phải sợ hãi hay căm thù nhau. Nếu bạn từng có khoảnh khắc gắn bó với người khác qua sức mạnh của nụ cười, thì tôi tin bạn cũng đồng ý với tôi đó là một phép lạ nho nhỏ, một món quà tuyệt vời mà chúng ta có thể dành cho nhau. Mẹ Theresa đã cảm nhận điều này trong cuộc sống và bà đưa ra một lời khuyên chân thành : "Hãy mỉm cười với nhau, mỉm cười với vợ bạn, với chồng bạn, với con bạn và với mọi người - dù đó là ai, vì điều này sẽ giúp bạn lớn lên trong tình yêu của nhau".

(Halnoch McCarty)

SỐNG ĐẸP

Thư Của Mẹ Gửi Con Gái

Có lẽ nụ hôn chiều nay vẫn làm con ngây ngất. Tim mẹ như ngừng đập khi nhận ra đó là con, và cậu bạn vẫn đến giúp bố sửa máy vi tính! Vậy là con gái mẹ, 18 tuổi, đã yêu và đã hôn!

Thực lòng, điều đầu tiên mẹ muốn là ngăn cấm con. Mẹ muốn nói với con về kỳ thi đang lúc nước sôi lửa bỏng. Về chuyện “hãy đợi” đến khi đủ chín chắn. Nhưng cuối cùng, mẹ quyết định để con tự lựa chọn. Bởi nếu đó không phải là những cảm xúc thoáng qua mà là một tình yêu thực sự thì sẽ là điều đáng tiếc...

Tình yêu thật sự là gì?

Tình yêu thật sự không phải là cảm xúc, dù nó thường đến cùng những cảm xúc mạnh đến mức làm con người choáng ngợp. Tình yêu không thể kéo dài nếu hai người chỉ có cảm xúc với nhau.

Sự hiểu biết lẫn nhau mới là nền tảng của tình yêu thật sự. Con có thể “phải lòng” một chàng trai thậm chí chưa bao giờ nói chuyện. Nhưng để có một tình yêu thật sự, con cần phải tìm hiểu về người ấy. Bởi biết về tư cách và cá tính người mình yêu là vô cùng quan trọng.

Cùng chung một mục đích sống sẽ giúp cho con và người ấy có được tình yêu dài lâu, bởi các con sẽ đi cùng hướng suốt cuộc đời. Nếu tham vọng của con trở thành một doanh nhân quốc tế, còn điều duy nhất người ấy mong ước là một mái ấm sum vầy, no đói có nhau, thì chắc chắn là xung đột sẽ nảy sinh. Nếu con khao khát một cuộc sống đổi thay, đầy thử thách, còn người ấy yêu một cuộc sống tĩnh lặng, thanh thản, thì dù cảm xúc có lớn đến mấy, sẽ cũng có lúc những cá tính sẽ va chạm. Và tình yêu sẽ tan vỡ cho dù hai người vẫn còn cảm xúc với nhau.

Tình yêu không phải là tình dục. Tình dục được tạo ra cho hôn nhân - một sự cam kết lâu dài. Nếu vượt ra ngoài hôn nhân, tình dục chỉ mang lại hậu quả khắc nghiệt: có thai ngoài ý muốn, những căn bệnh lây lan qua đường tình dục, điều tiếng dư luận, và có thể cả sự xấu hổ tủi thẹn. Một mối quan hệ chỉ dựa trên sự ham muốn. Con có hiểu không?

Tình yêu là sự lựa chọn. Là một sự cam kết. Mặc dù cảm xúc là một phần không thể thiếu được của tình yêu, mặc dù tình dục là một phần của hôn nhân, thì tình yêu cũng không thể tồn tại nếu chỉ dựa vào những điều đó. Nếu con hỏi mẹ tình yêu là gì, thì mẹ sẽ nói với con:

  • Yêu, là nhìn thấy ở người đó những điều không hoàn hảo mà vẫn yêu.
  • Yêu, là muốn mang lại cho người mình yêu những điều tốt đẹp nhất.
  • Yêu, là không mất trí, vẫn học quên mình, vẫn dành trái tim cho gia đình và bè bạn...
  • Yêu, là dành thời gian, công sức để tìm hiểu tâm hồn và tính cách của nhau.
  • Yêu, là dành thời gian và công sức để tìm hiểu và yêu quý những gì mà người con yêu gắn bó.
  • Yêu, là tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau.
  • Yêu, là nếu tranh cãi thì không thường xuyên và cũng không nghiêm trọng.
  • Yêu, là nếu tranh cãi chỉ giúp hiểu nhau hơn và tình yêu bền vững hơn.
  • Yêu, là hướng tới một mối quan hệ lâu dài.
  • Yêu, là khi xa cách, chỉ thấy yêu hơn và gắn bó hơn.

Tình yêu là vậy, con ạ!
Chỉ yêu nếu đó là tình yêu thật sự. Mẹ tin vào sự lựa chọn của con.

Mẹ của con.

Nguồn: petalia.org

1451    24-04-2012 09:50:09