Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Suy Niệm Các Ngày Trong Tuần Đón Mừng Lễ Chúa Giáng Sinh

Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng Năm C

Dc 2, 8-14; Lc 1, 39-45

DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA NHƯ GIOAN TẨY GIẢ

          Có 3 nhân vật nổi bật trong Mùa Vọng và 3 nhân vật đó thường được nhắc đến: Đó là ngôn sứ Isaia loan báo Đấng Cứu Độ sẽ đến; nhân vật thứ hai (cũng được ngôn sứ Isaia báo trước) mang danh hiệu “Tiếng hô trong hoang địa” là thánh Gioan Tẩy Giả đến dọn đường đón mừng Đấng Thiên Sai. Nhân vật thứ ba và là nhân vật quan trọng nhất trong 3 nhân vật, là Đức Trinh nữ Maria, vì qua Mẹ và nhờ Mẹ, Đấng Thiên Sai đã đến để thực hiện công trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người.

          Mỗi nhân vật có một hoàn cảnh, có một cương vị khác nhau và đóng vai trò khác nhau nhưng đều chung một mục đích loan báo, dọn đường đón Đấng Cứu Độ trần gian.

          Có thể nói 3 nhân vật đó tuy có những phương cách hoạt động khác nhau, nhưng đều cùng chung một sứ vụ là loan báo, dọn đường sửa lối đón mừng nhân vật mà cả nhân loại chờ mong : Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ giáng trần.

          Ta thấy Maria vất vả vượt đường xa đến thăm gia đình ông Dacaria là để chia sẻ một niềm vui trong gia tộc. Thế nhưng, bên dưới ý nghĩa cuộc thăm viếng đó chính là Mẹ Maria cùng với người chị họ chúc tụng Thiên Chúa. Đơn giản là vì cả 2 chị em đều được ân thưởng đặc sủng của Thiên Chúa.

          Hình ảnh cô thôn nữ Maria băng qua miền núi đến tận nhà chị họ Êlisabét thăm viếng để đem ơn giải thoát cho Gioan Tẩy Giả hãy còn trong lòng mẹ, là hình ảnh đẹp tuyệt vời của ơn cứu độ trong Mùa Vọng. Gioan nhỏ bé sống trong đêm tối chờ thấy được ánh sáng, cũng giống như toàn thể nhân loại đang sống trong thất vọng tội lỗi chờ ơn cứu độ của Đấng Cứu Thế.  Đấng Cứu Thế mới có quyền năng phá đi ranh giới giữa bóng tối và ánh sáng, sửa chữa và cứu độ những gì hư mất.

          Thế nhưng, xét cho bằng cùng thì lý do chính nhất của cuộc viếng thăm đó là Đức Mẹ bày tỏ Tình Yêu và vì Tình Yêu.

          Chính là vì Tình Yêu mà Mẹ nhận từ Thiên Chúa, Mẹ đã lên đường tới thăm gia đình người chị họ neo đơn, cả hai ông bà đã già yếu, rất cần sự giúp đỡ trong những tháng cuối cùng của thai kỳ và cả khi sinh nở. Mẹ đã ở lại với người chị họ tới 3 tháng cũng là vì thế. Như vậy, có thể nói Đức Mẹ đã ra đi thi hành sứ vụ truyền giáo là đem niềm vui đến cho tha nhân. Mẹ đã đem Đấng Cứu Thế đến cho bà Êlisabét, kể cả người con mà bà đang cưu mang trong lòng là Gioan Tẩy Giả. Vì thế, khi thấy Đức Mẹ thì Gioan Tẩy Giả đã vui mừng nhảy lên trong lòng bà mẹ (Lc 1, 44).

          Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế đã cho Gioan cảm nhận niềm hy vọng ánh sáng sự sống thật dù còn trong lòng mẹ tăm tối. Sự nhảy mừng trong lòng mẹ của Gioan đã khiến mẹ ông, do tác động của Chúa Thánh Thần, nhận ra quyền năng Thiên Chúa hiện diện trong lòng cô thôn nữ Maria. Hình ảnh Gioan trước đó nằm im lìm trong khoảng không gian chật chội tối tăm đang diễn tả thân phận từng cá nhân khốn cùng vì xiềng xích tội lỗi. Ông sống được nhờ sức sống giới hạn của mẹ ban cho, cũng giống như nhân loại sống còn nhờ vào lời hứa của Thiên Chúa cho sự sống vụt lên từ người trinh nữ bao ngàn năm trước.

          Điểm hay trong câu chuyện thăm viếng này là trước những lời chân tình và khiêm tốn của bà Êlisabét, Đức Mẹ không nói gì ngoài những lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa trong bài ca Magnificat. Mẹ cảm tạ Chúa không chỉ cho riêng mình, nhưng cho hết thảy nhân loại. Những lời chân tình của bà Êlisabét xuất phát từ một tâm hồn thực sự khiêm tốn, nhìn nhận những gì Thiên Chúa làm cho bà và đứa con trong bụng qua cuộc viếng thăm của cô em họ Maria.

          Cả hai bà mẹ đều cảm nhận được tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa dành cho mình và cho nhân loại. Cả hai đều bày tỏ lòng khiêm nhường tin tưởng vào công trình cứu độ của Thiên Chúa giải thoát loài người khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết đời đời. Mẹ Maria đã thay mặt cho toàn thể nhân loại, cất lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa bắt đầu thực hiện kế hoạch lấy tình yêu làm vũ khí “dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, hạ bệ những ai quyền thế, nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, kẻ đói nghèo được ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng”.

          Lời hứa đó hôm nay, sau Mẹ Maria được thực hiện trên Gioan, dụng cụ dọn đường cho ơn cứu độ mà Thiên Chúa sẽ ban cho mỗi cá nhân con người. Đấng Cứu Thế vừa phá đi ranh giới của bóng tối và ánh sáng trong trái tim thơ bé của Gioan, vừa khắc ghi nơi ông sứ mệnh Tiền Hô cho Ngài.

          Sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế thực ra là công tác cộng tác vào việc phá đi bóng tối bao phủ nhân gian. Gioan Tẩy Giả đến để giới thiệu Đấng Cứu Thế. Chính Ngài là nguồn sức mạnh ánh sáng sẽ tiêu diệt tối tăm tội lỗi và sự chết cho cả nhân loại đang mong chờ Ngài. Những người không biết đợi chờ ánh sáng cứu độ của Ngài sẽ lần bước trong tối tăm và sự chết; ngược lại những ai khắc khoải mong chờ ánh sáng sẽ cảm nhận vui mừng khôn tả khi Ngài xuất hiện.  

          Như thế ơn cứu độ của Đấng Cứu Thế chỉ có thể tác động hữu hiệu nơi những tâm hồn muốn nhận ánh sáng của Ngài. Và khởi đi từ biến cố cô thôn nữ Maria viếng thăm chị họ Êlisabét, các Mùa Vọng tâm hồn cũng bắt đầu xuất hiện, và sẽ còn tiếp tục mãi cho đến khi toàn thể nhân loại nhận ra ánh sáng cứu độ thực của Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế. Khi chúng ta nhận ra Đấng Cứu Độ đời ta là Chúa Kitô, ta hãy cùng nhảy mừng với Gioan Tẩy Giả và can đảm đứng lên bước đi dọn đường cho Ngài.

 

Thứ Ba Tuần IV Mùa Vọng Năm C

HÃY CHÚC TỤNG CHÚA

1 Sm 1, 24-28; Lc 1, 46-56

          Lời cầu nguyện được cấu tạo bằng nhiều lời trích dẫn Thánh Kinh mà nhiều người biết đó chính là Lời kinh của Mẹ Maria - lời Kinh ngợi khen Magnificat.

          Cùng nhau và cùng với Mẹ Maria, ta suy niệm nội dung của lời kinh nguyện của Mẹ.         

          Khởi đầu lời nguyện, ta thấy niềm vui của con người được được lên hàng đầu và nâng cao lên tầm của ơn cứu rỗi: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng Cứu Chuộc tôi" (Lc 1, 46-47).

          Thật vậy, ơn cứu độ hay sự cứu rỗi có nguyên do và nguồn gốc phát xuất từ Thiên Chúa và cùng đích được định hướng về con người bởi lẽ đơn giản con người đã phạm tội, đã đánh mất tình nghĩa với Thiên Chúa.

          Ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa hứa trao ban cho con người nay trong vườn Địa Đàng không phải là một sự tưởng tượng, một ảo tưởng, một hy vọng mông lung, mà là sự đón nhận, cử hành một biến cố.

          Trải dài lịch sử cứu độ, ta thấy biến cố giải thoát được Thiên Chúa thực hiện cho con người ngay trong thời kỳ Xuất Hành khỏi Ai Cập. Chuyện tưởng chừng ngày xưa nhưng giờ đây được hiện thực với biến cố Đấng Cứu Thế đến thật trong trần gian.

          Dẫu rằng ta không thấy sách Thánh đưa ra những cứ điểm để định chuẩn trực tiếp, biến cố Đấng Cứu Thế đến nhưng qua trang Tin Mừng theo Thánh Luca, ta thấy Luca đề cập đến trong ý niệm liên kết lời kinh chúc tụng của Mẹ Maria liên quan đến biến cố Chúa Giêsu được sinh ra, được cậu Gioan nhận ra và "nhảy múa" vui mừng ngay lúc còn trong bụng mẹ.

          Với lời cầu nguyện chúc tụng Magnificat của Mẹ Maria, với lời nguyện mộc mạc, đơn sơ để mọi người có thể nhận ra Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử con người: "Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường: Kẻ nghèo đói, Chúa ban dư đầy, người giàu có lại đuổi về tay trắng" (Lc 1, 51-53).

          Thiên Chúa đến trần gian, can thiệp tác động để làm xã hội được bình an, được hạnh phúc hơn. Nhưng, ta thấy điều quan trọng nhất là Chúa lập lại trật tự mà con người tội lỗi đã làm cho trở thành rối loạn, bất công, đàn áp, do hành động tội lỗi của họ gây ra.

          Lời kinh hát lên để ngợi khen Chúa, nói lên giá trị nổi bật của những kẻ "ánauwim" (kẻ có tâm hồn khó nghèo), bởi lẽ họ đặt tất cả hy vọng vào Thiên Chúa, mở rộng không gian và tâm hồn cho Thiên Chúa hành động.

          Cử chỉ vừa kể của những kẻ "có tâm hồn khó nghèo" (Mt 5, 3) làm cho Thiên Chúa có thể tái lập lại trật tự mà Người đã đặt vào bản tính của tạo vật, ấn tính tốt lành, khi Người dựng nên vũ trụ.

          Thật ra, kinh Magnificat không chứa đựng điều gì mới mẻ, đặc biệt, hay tư tưởng cao siêu chưa ai đề cập tới cho bằng là lời cầu nguyện nói lên lại những gì đã được nói đến trong Cựu Ước, nhất là trong các Thánh Vịnh.

          Điều quan trọng mà ta cần để tâm chứu ý đó là những gì phát xuất ra từ con tim và từ cuộc sống, mặc dầu vẫn được diễn tả ra bằng những ngôn ngữ thông thường.

          Hằng ngày, ta vẫn thấy có bao nhiêu lần chúng ta đã được nghe câu nói "anh yêu em", hay "em yêu anh" nhưng kỳ thực chữ "yêu" đó ở mức nào và độ đậm đặc của tình yêu là bao nhiêu.

          Mỗi ngày một cặp uyên ương, đôi nam nữ thốt ra không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần thốt ra là những gì mới mẻ mà cả hai đều thốt ra và chấp nhận không bao giờ chán.

          Cũng thế, Mẹ Maria đề cập lại các chủ đề không có gì mới lạ trong Thánh Kinh, nhưng với tâm tình, cung giọng và cường độ mới lạ, phát xuất từ lòng khiêm tốn, đặc biệt là lòng tin tưởng vào Thiên Chúa : "Đấng ngự trên ngai phán: Này đây, Ta đổi mới mọi sự". Rồi Người phán: Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật" (Kh 21, 5).

          Như vậy kinh Magnificat của Mẹ Maria làm dồi dào thêm những ý nghĩa mới mẻ những lời đã được viết ra trong Cựu Ước, cũng như phép Rửa đổi mới con người, làm cho con người đang sống được hội nhập vào sống trong một cuộc sống mới, đặt con người tạo vật đã được dựng nên vào cuộc sống mới, thông hiệp với đời sống Thiên Chúa mà Chúa Ba Ngôi đang sống: "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần..." (Mt 28, 19).

          Với lời kinh Magnificat, qua kinh Magnificat, Mẹ Maria vui mừng cảm tạ Chúa về những gì Chúa đã thực hiện nơi Mẹ.

          Cũng vậy, nơi mỗi người tín hữu Chúa Kitô, ta hãy bắt chước gương của Mẹ, ngợi khen và cảm tạ Chúa, qua Phép Rửa chúng ta được thông hiệp với Thiên Chúa.

          Đó là đặc sủng của Kitô giáo, mà không ai có thể tìm được ở bất cứ một tôn giáo nào khác.

          Qua phép Rửa, con người chúng ta được dìm vào nước và rồi được đổi mới, trở thành người tín hữu Chúa Kitô, trở thành con Thiên Chúa, thông hiệp vào đời sống Cha con với Thiên Chúa.

          Niềm hân hoan và lòng biết ơn là những đặc điểm của kinh Magnificat, kinh ca ngợi ơn cứu độ, vinh danh Thiên Chúa cao cả và đồng thời cũng nói lên địa vị cao cả của Mẹ Maria và của những ai hát lên ca ngợi, chúc tụng và cảm tạ Chúa.

          Hãy noi gương Mẹ, bắt chước Mẹ, ta cùng Mẹ chúc tụng Chúa đã yêu thương, đã chọn và đã cho trở thành nghĩa tử của Ngài qua phép Rửa.

 

Thứ Tư Tuần IV Mùa Vọng Năm C

Ml 3, 1-4; 4, 5-6 (Hr 3, 1-4, 23-24); Lc 1, 57-66

HÃY LÃ TIỀN HÔ CHO CHÚA GIỮA ĐỜI

          Gioan Tiền hô là một người hết sức đặc biệt và ông cũng được Thiên Chúa chọn cách đặc biệt qua lời giới thiệu của Chúa Giêsu về ông :  "Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông" (Lc 7, 28). Và, đơn giản ta có thể hiểu Gioan chính là người của Thiên Chúa.

          Nhìn vào bối cảnh ông cất tiếng khóc chào đời thì ta thấy ông đã được sinh ra một cách lạ lùng từ một người mẹ thuộc hàng son sẻ và đã cao niên. Son sẻ là một nỗi, tủi nhục đối với người phụ nữ Do Thái vào thời bấy giờ. Bởi vậy, bà Êlisabéth khi biết mình mang thai đã thốt lên: Chúa đã làm cho tôi như thế, vào thời Ngài cất nỗi khổ nhục của tôi giữa người đời. Bởi vì lòng dạ không mang thai là một lòng dạ đã chết. Nhưng chính nơi những cái chết ấy mà Thiên Chúa thi thố quyền năng của Ngài.

          Thiên Chúa vẫn thường làm những việc lạ lùng cách lạ lùng. Thiên Chúa đã cho trỗi dậy những khuôn mặt lỗi lạc nơi những cuộc đời của những người đàn bà không may rơi vào cảnh hiếm muộn.

          Đơn giản là tư tưởng và đường nẻo của Thiên Chúa thì khác với tư tưởng và đường nẻo của con người. Giản đơn mà ta thấy nhất đó chính là từ cung lòng Đức Trinh nữ Maria, vị cứu tinh muôn dân mong đợi sẽ ra đời. Và đặc biệt hơn nữa, sự tủi nhục của cái chết trên thập giá, Thiên Chúa đã làm nảy sinh sự sống mới. Công trình cứu chuộc hoàn toàn là một sáng kiến của Thiên Chúa xuất phát từ tình thương bao la của Ngài.

          Ông Giacaria, cha của Gioan Tiền hô, trong lúc phấn chấn vì được chứng kiến những việc lạ lùng Thiên Chúa làm khi khởi đầu thời cứu độ, đã nói về vai trò của Gioan trong bài ca chúc tụng: Con sẽ là tiên tri của Đấng Tối cao. Con sẽ loan báo việc Thiên Chúa và dọn đường cho Ngài.

          Dọn đường để chào đón một nhân vật quan trọng là một hình ảnh quen thuộc. Đường sá thì ghồ ghề khó đi, dân làng được huy động để san bằng những chỗ lồi lõm. Thế nhưng Chúa Giêsu không phải chỉ đi trên những con đường xứ Palestine, mà Ngài còn muốn đến với cõi lòng của mỗi người. Và như thế, công việc dọn đường của Gioan có nghĩa là rao giảng sự hoán cải trong dân để được tha thứ: lưỡi rìu đã kề sẵn gốc cây, cây nào không sinh hoa kết trái thì sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa.

          Trang Tin Mừng hôm nay đã đã mô tả Gioan như một vị ngôn sứ. Gioan Tẩy Giả được xức dầu một cách thiêng liêng ngay từ trong lòng mẹ để hiến dâng cho Thiên Chúa. Ông được đầy tràn Thánh Thần và có được những đặc điểm của một vị tiên tri. Và như các vị tiên tri khác, ông có nhiệm vụ rao giảng sự sám hối ăn năn. Và theo cái nhìn của Chúa Giêsu, ông còn hơn cả vị ngôn sứ nữa, bởi vì ông là sứ giả của Thiên Chúa: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt ngươi.

          Không những thế, ta thấy Chúa Giêsu còn lớn tiếng khẳng định: Trong những kẻ bởi người nữ, thì không có ai lớn hơn Gioan. Nhưng người nhỏ hơn trong nước Thiên Chúa, lại lớn hơn ông.

          Điều đó có nghĩa là Gioan thuộc về giai đoạn chuẩn bị và trong giai đoạn chuẩn bị này, thì ông là người lớn hơn cả. Nhưng người đến sau ông, tức là Đức Kitô Con Thiên Chúa làm người, vị cứu tinh của thời buổi sau hết, lại lớn hơn ông. Cái lớn lao của ông là cái lớn lao của công việc chuẩn bị, dẫn người ta đến với Đức Kitô, vì thế khi Đức Kitô bắt đầu xuất hiện trước công chúng để rao giảng Tin mừng, thì lập tức ông lui vào bóng tối vì vai trò của ông đã hoàn tất như lời ông đã nói: Ngài cần phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.

          Nhìn vào cuộc đời Gioan Tẩy Giả là thế, cuộc đời của ta thì sao? Giản đơn khi nhìn đến Gioan, mỗi người chúng ta cũng phải là một Gioan Tiền hô giữa lòng cuộc đời, nghĩa là chúng ta cũng phải dẫn đưa mọi người đến tìm gặp Chúa. Với tất cả những điều đó, phải chăng một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, ta cũng sẽ là những tiền hô, giới thiệu khuôn mặt đích thật của Đức Kitô cho những người chung quanh chúng ta.

 

Thứ Năm tuần IV Mùa Vọng Năm C

2 Sm 7, 1-5. 8b-12. 16

BÀI CA TẠ ƠN

          Hôm nay, chúng ta đang bước dần đến ngày đại lễ Giáng Sinh. Ngày cuối cùng của mùa Vọng trước lễ Giáng Sinh, a được mời gọi suy niệm về lời chúc tụng của Zacaria trong ngày người con trai của ông là Gioan Tiền Hô chào đời.

          Bởi tính cách đặc biệt quan trọng của lời chúc tụng của Zacaria nên lời chúc tụng này được Hội Thánh lặp lại hằng ngày trong giờ Kinh Sáng.

          Lời kinh Benedictus là một bài ca tạ ơn. Cũng như bài ca Magnificat của Mẹ Maria, thì bài ca Benedictus ca tạ ơn vì Thiên Chúa đã đến cứu độ.

          Lời kinh Benedictus đã gợi lại cũng như diễn tả rõ công trình cứu chuộc mà Thiên Chúa đã chuẩn bị từ ngàn xưa cho con người, một lời kinh tràn ngập niềm vui của hồng ân Cứu Độ.

          Lời kinh này gồm hai phần rõ rệt:

          Phần thứ nhất đó là lời chúc tụng của ông Zacaria. Zacaria đã nhắc lại khởi đầu lịch sử cứu độ biến cố Thiên Chúa kêu gọi ông Abraham. Ông ca khen chúc tụng Chúa đã đoái thương nhìn đến dân tộc của ông, dân tộc được tuyển lựa để rồi từ dân tộc này sẽ xuất hiện Vị Cứu Tinh cho toàn thể địa cầu. Ngài đến cứu muôn dân khỏi tội và sự chết.

          Phần còn lại của là lời chúc tụng, là lời mang sứ vụ mà ông nhắn nhủ cho người con trai yêu dấu của ông là Gioan vừa mới cất tiếng khóc chào đời.

          Trẻ thơ Gioan sẽ nên vị ngôn sứ cao cả, có sứ mạng khai đường mở lối cho Vị Cứu Tinh sẽ đến. Người con này sẽ giới thiệu Chúa Giêsu – Đấng mà muôn dân đang mong đợi theo lời hứa. Khi Đấng Cứu Tinh đến, người sẽ ban ơn cứu độ cho toàn thể dân tộc của ông và cho cả nhân loại của chúng ta hôm nay.

          Lời kinh chúc tụng chính là cảm nghiệm của Zacaria trong tư cách là một tư tế chuyên chăm cầu nguyện. Đó cũng là cảm nghiệm của người trải qua một biến cố trọng đại đòi hỏi ơn đức tin phải siêu vời.

          Lời kinh của Zacaria là lời kinh của người đã có lần nản chí, chậm tin Lời Chúa mà nay thấy Lời Chúa được thực hiện cách nhãn tiền. Lời kinh của Zacaria là hoa trái của thinh lặng trong một thời gian dài đau xót vì yếu tin.

          Trong ngày chuẩn bị áp lễ Giáng Sinh hôm nay, mọi sự mọi vật bên ngoài đều náo động, vui tươi, réo rắt, màu sắc sặc sỡ.

          Thật vậy, việc chuẩn bị cho ngày đại lễ Giáng Sinh thật ồn ào vất vả. Thế nhưng, giữa cái ồn ào náo động đó Zacaria vẫn dạy chúng ta “giá trị của cầu nguyện và việc suy niệm mọi sự trong lòng” như Mẹ Maria và như bà Elisabet.

          Ta được mời gọi trở lại cõi lòng trong thinh lặng khi suy niệm trang Tin Mừng rất ngắn hôm nay. Khi ta dọn lòng đón mừng Chúa Giáng Sinh đến trong đêm hồng phúc này ta cũng phải lắng đọc tâm hồn mình lại.

          Cuộc sống hôm nay đầy dẫy những tiếng ồn và những hoạt động náo nhiệt. Lễ Giáng Sinh là một biến cố mời gọi chúng ta đi vào chiều sâu nội tâm chiêm niệm cho dù bối cảnh bên ngoài rất náo động. Dẫu ồn ào như thế nhưng ta hãy để Thiên Chúa thăm viếng chúng ta trong niềm vui và hy vọng. Ta hãy mở lòng để ơn Cứu Độ đến cho chúng ta.

          Để làm sống với Chúa, để nhận ra sự điều khiển của Chúa trong mọi sự, để có thể ca vang lời chúc tụng, để tuyên xưng niềm tin vào Chúa cách xác quyết như Zacaria, đòi hỏi phải thinh lặng, phải đặt trọn niềm tin tưởng và tín thác vào Chúa như Zacaria đã từng tin và tín thác.

          Trong những giờ phút gần kề lễ Giáng Sinh của Con Chúa, mỗi người chúng ta đã xưng tội, đã chuẩn bị tâm hồn để mừng Chúa đến. Cùng với ông Dacaria, chúng ta cũng hãy hát lên lời tạ ơn Chúa sắp đến với chúng ta trong đêm Noel. Khi người ta vui người ta mới hát. Tiếng hát đó phát xuất từ một tâm hồn rộn ràng niềm vui.

          Có thể nói, đến giờ này gia đình ta, họ đạo ta đã và đang hoàn tất những nét đẹp trang trí cuối cùng chuẩn bị cho đêm mừng lễ Giáng Sinh. Niềm vui bề ngoài đó phải phát xuất từ niềm vui của một tâm hồn bình an, bình an vì đã làm hòa với Chúa và với mọi người, và vui vì Chúa sắp đến trong tâm hồn, trong gia đình của chúng ta. 

          Và nếu như tâm hồn của mỗi người chưa có niềm vui đó thì hãy quay trở về với Chúa; và nếu một ai đó trong gia đình của chúng ta vẫn chưa có niềm vui đó, ta hãy giúp họ để họ tìm được niềm vui ấy, để rồi trong đêm Noel cùng với mọi người, mỗi người có thể đứng trước hang đá, đứng trước Hài nhi thánh, mà cùng hát lên niềm vui của đất trời: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”.

 

LỄ GIÁNG SINH

Is 9, 2-4. 6-7 (Hr 1-3. 5-6);  Tt  2, 11-14; Lc 2, 1-14

ĐÓN CHÚA VỚI TẤM LÒNG ĐƠN SƠ

          Thánh Luca muốn diễn tả một sự kiện diễn ra tại Bêlem thời César Augustô mà ông đã nghe kể và hiểu theo truyền thống của Giáo Hội. Thánh Luca chú ý đến sự kiện này như một biến cố rõ ràng, xảy ra ở một nơi nhất định

          Ngày ấy, bỗng dưng khi Hoàng đế Augustô với sắc lệnh của mình, ông không nghĩ rằng say sắc lệnh đó, lại có một biến cố lịch sử đó là việc giáng sinh của Chúa Giêsu được tác thành và lồng vào lịch sử thế giới. Người ta xác định được nơi chốn và thời kỳ xảy ra việc đó. Đây là một biến cố lịch sử đích thực (chứ không phải là chuyện hoang đường hay thần thoại) có chỗ đứng trong không gian và thời gian.

          Bên cạnh Hoàng đế Augustô, muốn mang lại cho thế giới cơm no áo ấm, với thứ ‘hoà bình của Rôma’, thì Chúa Giêsu đúng là vị Cứu tinh thực sự của vũ hoàn vì đã mang đến ‘bình an của Thiên Chúa’.

          Thế nhưng, trong cái biến cố lịch sử đó lại kèm theo chuyện hết sức đặc biệt đó là Belem ngày hôm ấy không còn chỗ cho Đấng Cứu Độ trần gian để rồi Đấn Cứu Độ trần gian phải sinh trong chuồng bò lưà.

          Khi nói đến chuyện Hài Nhi Giêsu không có chỗ trong quán trọ, điều đó có thể hiểu là, thực sự thì những người lang thang, không còn chỗ ở trong quán đó. Nhưng cũng có ý nói, và đúng hơn, quán trọ là nơi những người khách lạ tạm trú, thì không phải là nơi xứng hợp đối với mầu nhiệm Thánh Chúa sinh ra.

          Và rồi, ta thấy Đấng Cứu Độ trần sẽ đến trần gian trong cung cách không mái nhà, trong cảnh đơn côi và nghèo nàn của chuồng bò lừa. Nôi của Ngài là cái máng khô, đục vào ngay trong tảng đá để cho bò lừa ăn. Tin Mừng đặc biệt nhấn mạnh tới việc Hài nhi được bọc trong khăn. Cho thấy rằng bên cạnh cảnh nghèo hèn còn có nhân tính hoàn toàn, cùng với tất cả sự yếu đuối của tính con người.

          Khác với những người học cao hiểu rộng, những mục đồng nhỏ bé đơn sơ đã sẵn lòng đón nhận cũng như tin nhận Chúa. Những người nghĩ rằng Chúa đến trong vinh quang để mang lại sự hoành tráng cho dân tộc thì họ không bao giờ nghĩ cũng như tin nhận Đấng Cứu Độ trần gian đến trong trần gian nghèo như vậy.

          Con đầu lòng của Thiên Chúa, hay nói cho gọn là Con Một Thiên Chúa đã đến thế gian này như là một trẻ nhỏ. Khung cảnh thật đơn giản, thanh bạch, nghèo hèn.

          Sự đơn giản và nghèo hèn này ai sánh được; tuy vậy, lại chẳng có biến cố nào đáng kể hơn, và tất cả mọi phú túc sẽ được trao cho Đấng vừa sinh ra. Trước nhan Chúa, đâu cần vẻ hào nhoáng bên ngoài với tất cả những gì liên hệ tới nó. Mà phải trái lại, cái vẻ bên ngoài càng lui đi thì mới càng thấy rõ vẻ lớn lao bên trong. Tất cả những gì phồn vinh, giả tạo, khoa trương, chỉ có bên ngoài thôi thì đi ngược lại bản tính của Chúa Giêsu ngay từ giờ đầu tiên của ngày Giáng Sinh của Ngài cho tới lúc cuối cùng với cái chết nghèo hèn và trần trụi trên cây thập tự.

          Đức Giêsu, từ cái ngày Ngài sinh ra cho đến khi chết đi Ngài vẫn thế cho đến muôn đời vẫn hoàn toàn khiêm hạ.

          Luca kể lại câu chuyện các mục tử, Luca nghĩ đến tất cả những ai đã rao truyền sứ điệp thời các tông đồ, nghĩ đến tất cả những người đã đón nhận sứ điệp ấy. Vì thế ngày nay, câu chuyện đó liên quan đến chúng ta. Đối với Luca, mầu nhiệm kết hợp cách bất khả phân ly với lịch sử. Thánh Luca tin rằng ơn cứu rỗi đã được ban trong biến cố Đức Giêsu. Và vì thế ông đã viết cuốn sách này.

          Đức tin của Luca, cũng như của chúng ta, không chỉ dựa trên câu chuyện ấy. Đức tin ấy phát xuất từ việc biết Đức Giêsu trong tất cả mầu nhiệm của Ngài, trong nhân cách huyền nhiệm được mặc khải dần dà, trong sứ điệp cứu rỗi muôn đời, trong việc Ngài luôn toả sáng. Bởi lẽ sự mặc khải về Đức Giêsu là một sự kiện duy nhất đã xảy ra trong thời Đức Giêsu và kéo dài cho đến chúng ta, thời của Giáo Hội.

          Mỗi người chúng ta đều được mời gọi đưa ra một chọn lựa trước sự kiện này. Quyết định như thế thật khó khăn vì nó đòi chúng ta phải hoàn toàn dấn thân. Sự quyết định đó cũng không bao giờ hoàn tất, bởi vì Đức Kitô vượt xa hơn bất kỳ ai khác, nên sự hiểu biết về Người là một khám phá của tất cả cuộc đời.

          Câu chuyện giáng sinh ở Bêlem chỉ có ý nghĩa đối với những ai đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu độ, là Kitô Đức Chúa. Sự Giáng Sinh làm lộ rõ điều nghịch lý nơi con người giàu: sự nghèo hèn song hành với vinh quang. Điều nghịch lý này làm cho người Do Thái thời Ngài cũng như mọi người chưng hửng: một bên là sự trần trụi của một Hài nhi yếu ớt, từ lúc mới sinh đã phải tùng phục sắc lệnh của một hoàng đế ngoại giáo, và trong cảnh xa nhà, chỉ được một người mẹ tứ cố vô thân, một bác thợ mộc và mấy người chăn chiên tiếp đón... bên kia là sự xuất hiện của cả một đạo binh ngời sáng trên trời, vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện và lời tung hô Đấng Cứu thế, Kitô Đức Chúa.

          Sự gặp nhau giữa nỗi khốn cùng của loài người và vinh quang của Thiên Chúa chính là sự kiện Thiên Chúa đến trong lịch sử chúng ta: một sựï hiệp thông với cả nhân loại, để dấy lên niềm hy vọng, một sự hiện diện trong tình yêu cho đến muôn đời.

          Cuộc gặp gỡ này không chỉ diễn ra trong mầu nhiệm của đêm Giáng Sinh mà còn kéo dài trong tất cả cuộc đời Đức Giêsu, từ những phép lạ và thử thách của cuộc sống trần gian cho đến vinh quang phục sinh, toàn thắng mà thế gian không biết đến.

          Trải qua bao thế thệ, sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại chính là Giáo Hội. Giáo Hội này tuy còn đầy dấy sự yếu hèn của chúng ta nhưng lại là nguồn mạch ơn cứu độ muôn đời của Thiên Chúa.

          Chỉ khi ta mở lòng và tin thật thì khi đó ta mới đón nhận Đấng Cứu Độ trần gian vào đời ta.

 

2291    21-12-2015 07:51:54