Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Suy Niệm Lời Chúa Các Ngày Trong Tuần 2 Phục Sinh

Jos. Vinc. Ngọc Biển

THỨ HAI

ĐỨC TIN SẼ GIÚP TA NHẬN RA PHÉP LẠ

(Ga 3,1-8)

Ngày nay, chúng ta vẫn thường nghe, hay chứng kiến đây đó những phép lạ nhờ sự can thiệp của đấng này hay đấng nọ... Tuy nhiên, phép lạ có cần thiết cho đức tin của chúng ta hay không? Có phải do phép lạ mà chúng ta mới có đức tin hay nhờ đức tin mà chúng ta nhận ra phép lạ? Đây là điều chúng ta cùng nhau tìm hiểu qua bài Tin Mừng hôm nay.

Thánh sử Gioan trình thuật câu chuyện giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô. Sau khi Nicôđêmô chân nhận uy quyền của Đức Giêsu và tuyên xưng Ngài là Đấng bởi Thiên Chúa, ngay lập tức, Đức Giêsu đã dẫn ông từ những cảm nghiệm bên ngoài qua các dấu lạ đến việc đưa ông vào trọng tâm, nội dung và hệ quả của niềm tin.

Vì thế, điều cần đối với Nicôđêmô ở đây không phải là dừng lại ở những dấu lạ hay đưa ra một vài lời nhận định về Đức Giêsu, bởi những thứ đó chẳng đi đến đâu nếu không dẫn ông đến mầu nhiệm Nước Trời qua việc tái sinh bởi Nước và Thánh Thần. Tái sinh để trở về với một cuộc sống mới, lối suy nghĩ và hành xử mới. Nhất là cần có một tâm hồn thánh thiện, đơ sơ của trẻ thơ.

Tại sao Đức Giêsu lại đòi hỏi Nicôđêmô một điều kiện lớn lao như vậy? Thưa, bởi vì ông vốn là một Pharisêu, vì thế, cần phải đi đến hành động cách chân thực, chứ không chỉ có niềm tin khơi khơi trên giấy tờ, sách vở như các đồng môn của ông!

Như vậy, điều cần đối với Nicôđêmô lúc này là: nhạy bén để nhận ra Chúa và thi hành những điều Ngài truyền dạy chứ không phải chỉ là người đứng bên ngoài để nhận định về những phép lạ cũng như những lời dạy của Ngài. Đồng thời, cần khám phá ra ý nghĩa sâu xa nơi các phép lạ và thay đổi đời sống, chứ không dừng lại ở những chuyện phi thường trước mắt.

Bài Tin Mừng hôm nay gợi lại cho chúng ta cốt lõi về Bí tích Thánh Tẩy. Thật vậy, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được trở nên tạo vật mới nhờ mặc lấy Đức Kitô và thuộc về Ngài. Đây là điều hãnh diện cho mỗi chúng ta. Tuy nhiên, điều làm nên hạnh phúc lại không phụ thuộc hoàn toàn dựa trên dấu chỉ bề ngoài cho bằng một cuộc sống đạo thực sự được thúc đẩy từ bên trong nơi lòng mến.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban cho chúng con ơn can đảm để dám sống theo tinh thần của Chúa, và xin cho chúng con được ơn biến đổi từng ngày để xứng đáng là con Chúa và trở nên anh chị em với nhau. Amen.

THỨ BA

TIN ĐỂ HIỂU

(Ga 3, 7b-15)

Tin Mừng hôm nay tiếp nối trình thuật hôm qua, vì thế, vẫn trong bối cảnh giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô xoay quanh câu chuyện tái sinh và sự sống đời đời.

Thật vậy, vấn đề sự sống đời đời là một chủ đề lớn và vấn nạn ấy khiến cho con người ở mọi thời không ngừng suy tư!

Thấy được Nicôđêmô là một người chân chính, lòng dạ ngay thẳng, không có gì gian dối, nên khi ông chân thành đến với Đức Giêsu và tin tưởng Ngài là vị thầy tâm linh sẽ giúp ông đạt được điều mà ông hằng thao thức! Đức Giêsu đã không ngần ngại để mặc khải cho ông biết phải làm gì và phải làm như thế nào để đạt được sự sống ấy. Ngài nói: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Ngài thì được sống muôn đời”. Nói như thế, Đức Giêsu đã mặc khải thiên tính của Ngài cách cụ thể, để như một con đường và mời gọi Nicôđêmô đi trên con đường ấy thì được cứu độ.

Tiếp theo, Đức Giêsu muốn củng đức tin thêm cho ông, nên Ngài khẳng định: “Thật, tôi bảo thật ông: ‘Chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy”.

Con đường cụ thể mà Đức Giêsu đề ra cho Nicôđêmô là con đường sinh lại từ ơn trên, nghĩa là cần được tái sinh, đổi mới nhờ Thần Khí. Ai đi trên con đường ấy là đi theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mà đường lối của Chúa Thánh Thần chính là đường lối từ trên cao, con đường Gongotha, con đường thập giá, con đường cứu độ bằng cái chết...

Qua cách thức của Đức Giêsu, Ngài đã dẫn Nicôđêmô từ chuyện cố hiểu để tin, sang tình trang tin để hiểu.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn để Lời Chúa được thấm vào trong tâm hồn của mình. Bởi vì nếu không khiêm tốn, thì hồng ân đức tin không thể đến với những người kiêu ngạo.

Sự sống đời đời được trao ban là do phát xuất từ lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không phải do kiến thức mà ta có được. Vì thế, cần phải sám hối để đón nhận mạc khải của Chúa và trung thành đi theo đường lối ấy thì mới mong được cứu độ.

Mong sao mỗi người chúng ta hiểu rằng: có ba điều cần thiết cho phần rỗi con người, đó là: hiểu biết điều nào phải tin; hiểu biết điều nào phải ước ao; và hiểu biết điều nào phải thực hiện. (Thánh Thomas Aquinas)

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và sẵn sàng đi trên đường lối cứu chuộc mà Chúa mạc khải cho chúng con. Xin cho chúng con được ơn biến đổi hằng ngày để được trở nên con người thánh thiện nhờ được ơn Chúa thanh tẩy. Amen.

THỨ TƯ

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

(Ga 3, 16 – 21)

Khi yêu nhau, người ta có thể làm mọi việc vì nhau và cho nhau. Họ sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của người mà họ thương để mong sao người yêu được hài lòng. Như vậy, yêu là chấp nhận tất cả vì người mình yêu.

Thiên Chúa cũng vậy, Người yêu thương con người bằng một tình yêu trọn vẹn. Vì thế, Người chấp nhận tất cả để cho con người được hạnh phúc.

Điều này đã được Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta biết khi nói:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đây là một mạc khải quan trọng, cốt lõi, vì nó tóm gọn nội dung của Tin Mừng.

Mạc khải này vượt lên trên những suy tư triết học hay lý luận của con người, bởi vì chỉ nhờ mạc khải của Đức Giêsu, Ngài là Con Một Thiên Chúa, Đấng từ Thiên Chúa mà đến và là hiện thân của tình yêu mới giúp cho chúng ta hiểu thấu được.

Thật vậy, thế gian là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, vì thế, Người không chỉ yêu thương có một lần trong quá khứ, nhưng Ngài vẫn còn yêu thương luôn mãi, Qua cuộc đời nhập thể làm người của Đức Giêsu, nhất là nơi cái chết và sự phục sinh của Ngài, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người cách trọn vẹn. Nhưng không chỉ có thế, Đức Giêsu tiếp tục hiện diện với con người trong suốt dòng lịch  sử, nhất là qua các Bí tích, để làm bảo chứng tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.

Ước gì chúng ta luôn cảm nhận và tin tưởng vào tình thương của Chúa, và sẵn sàng đi trên cùng một con đường yêu thương mà Thiên Chúa đã đi.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa, để chúng con sống và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống của chúng con hằng ngày. Amen.

THỨ 5

GIỮ LẤY BẢN SẮC CỦA MÌNH

(Ga 3, 31-36)

Ngày nay, trên thế giới, người Việt Nam của chúng ta gần như có mặt hầu hết nơi các quốc gia! Để gợi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về nguồn gốc, văn hóa Việt!

Trong các buổi hội họp đó, gần như không thể quên, người ta luôn nhắc nhớ nhau hãy giữ gìn bản sắc, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt, cho dù hiện diện ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì!

Tại sao vậy? Thưa, con người chỉ có thể lớn lên cách quân bình khi người ta còn giữ được bản chất, văn hóa, truyền thống của dân tộc mình. Nếu không, họ là một người thiếu trưởng thành!

Là người Công Giáo, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở thành Kitô hữu, tức là chúng ta mang trong mình hình ảnh Đức Kitô. Nói cách khác, chúng ta thuộc về Đức Kitô. Vì thế, bổn phận của chúng ta phải làm sao cho Đức Kitô được hiện tại hóa trong lời nói, hành động và cử chỉ của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải khước từ những gì không phù hợp với bản chất của mình.

Hôm nay, vẫn trong trình thuật giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô, nhưng câu chuyện ngày càng đi sâu vào cốt lõi của vấn đề, đó là, Đức Giêsu cho Nicôđêmô biết được bản chất của Ngài và những công việc Ngài làm do được lãnh nhận từ Chúa Cha, Ngài nói: “Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người (Ga 3, 34 - 35).

Với câu chuyện trên, qua Nicôđêmô, Đức Giêsu mở rộng ra cho mọi người thấy được tầm quan trọng và giá trị cho những ai được hạnh phúc thuộc về Đức Giêsu, đồng thời cũng mạc khải cho biết hậu quả của những kẻ không tin: “Ai tin vào người Con, thì được sự sống đời dời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con, thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3, 36.

Xin Chúa ban cho chúng ta biết luôn luôn ý thức mình thuộc về Đức Kitô và phải có trách nhiệm làm cho Đức Kitô lớn lên và rạng ngời ngang qua cuộc sống của chúng ta. Amen.

THỨ SÁU

PHÉP LẠ DO TÌNH THƠNG

(Ga 6,1-15)

Xem lại CN 17 TN B .

Trong bài hát “để gió cuốn đi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ngay ở đầu bản nhạc có viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.

Thật vậy, trong cuộc sống, nếu ai ai cũng có tấm lòng, dù chỉ một chút thôi, thì chắc con người sẽ sống với nhau trong cảnh hòa bình, ấm no và hạnh phúc! Nhưng tiếc thay, xã hội ngày càng phát triển, nhiều người giàu có, nhưng cùng lúc, phát sinh nạn phân biệt giàu nghèo rõ rệt hơn bao giờ hết! Vì vậy, vẫn còn đó chuyện “nơi ăn không hết, chỗ lần không ra”.

Hôm nay, Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Khởi đi từ lòng thương xót của Ngài: “Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: ‘Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?’" (Ga 6, 5).

Tiếp theo là tấm lòng quảng đại của một em bé: “Có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá”, và, Đức Giêsu đã tiếp nhận tấm lòng nhỏ bé nhưng tinh thần lớn lao của em để kết hợp với lòng thương xót của Ngài, Ngài làm nên chuyện phi thường là làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng (x. Ga 6, 11).

Ai nấy đều được no nê nhờ vào tấm lòng của vị Mục Tử Giêsu và sự quảng đại của em nhỏ.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chia cơm sẻ bánh cho nhau, tức là sống với nhau trong tinh thần liên đới, trách nhiệm. Đạo Công Giáo không bao giờ chấp nhận chuyện mạnh ai nấy sống. Sống như thế là ích kỷ, là chỉ biết đến cái bụng mà không hề làm cho trái tim lớn lên trong tình yêu.

Bên cạnh đó, chúng ta còn học được bài học tin tưởng, phó thác nơi Chúa, vì có Chúa là có tất cả, không chỉ vậy, mà còn dồi dào. Hình ảnh các môn đệ thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúngcó ý muốn nói và củng cố cho chúng ta về lòng tín thác nơi Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết sống quảng đại, biết nghĩ đến người khác hơn là nghĩ đến bản thân mình. Biết sống tình bác ái huynh đệ để trở thành môn đệ của Chúa đích thực. Xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con luôn vững tin vào quyền năng Chúa. Amen.

THỨ BẨY

“THẦY ĐÂY ĐỪNG SƠÝ”

(Ga 6, 16-21)

Ai đã từng chứng kiến cảnh biển động hay nhất là khi nó dậy sóng mà vẫn ở ngoài khơi, thì mới thấy sự sợ hãi là dường nào!

Thật vậy, nếu chẳng may đi biển mà gặp phải bão tố, cảnh biển gầm sóng thét, con người mới thấy giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau bằng gang tấc!

Những lúc như thế, ta thấy mình quá nhỏ bé và mong manh trước sự hùng vĩ của thiên nhiên... mạng sống của con người lúc này được ví như:  “Ngàn cân treo sợi tóc”; hay “chỉ mành treo chuông”.

Tin Mừng hôm nay cũng trình thuật việc các Tông đồ gặp phải hiểm nguy khi đang lênh đênh trên biển.

Cuộc đi biển của các ông lần này không có Đức Giêsu hiện diện, bởi lẽ Ngài đã đi trước một mình vì dân chúng đang muốn tôn Ngài lên làm vua theo ý của họ.

Đang đi theo lộ trình và khi trời đã tối, họ bị trận cuồng phong bất ngờ ập tới. Tuy các ông là những người có nhiều kinh nghiệm về biển cả, họ là những tay nghề lão luyện trong giới thủy trình. Ấy vậy, khi sóng gió nổi lên, họ cũng trở thành bé nhỏ và yếu ớt trước sức mạnh của cuồng phong. Sự sợ hãi đó được cộng thêm với hình bóng của Đức Giêsu đi trước mặt thuyền mà họ không biết... Vì thế, trong đầu các ông đang hốt hoảng, hoang mang, và ai nấy đều run sợ, thì Đức Giêsu lên tiếng trấn an các ông: “Thầy đây đừng sợ”.

Đọc lại bài Tin Mừng này trong thánh lễ hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta ý thức rằng: cuộc đời lữ thứ trần gian của mỗi người như một hành trình của các thuyền nhân đi biển. Sống lênh đênh trên biển, mới thấy mình nhỏ nhoi. Đối diện với bão táp phong ba mới thấy mình bất lực, và được Chúa yêu thương, hiện diện thì ngay lập tức được bình an.

Xét về góc độ luân lý, cho phép chúng ta liên đới với đời sống đức tin của mình để nhận ra rằng: có những lúc trong cuộc đời, chúng ta gặp không ít khó khăn, thử thách đến từ nhiều phía, nhất là do tội lỗi, ích kỷ, kiêu ngạo gây nên. Những khó khăn đó được khởi đi từ lòng mến lạnh nhạt của chúng ta với Chúa, làm cho đức tin bị hao mòn, lòng trông cậy bị lung lay. Những lúc như thế, chúng ta hãy xin Chúa ban cho mình được bình an nhờ nhận ra có Chúa hiện diện trong cuộc đời mình.

“Thầy đây, đừng sợ” chính là điều mà chúng ta phải xác tín trong cuộc sống hiện tại của mình.

Lạy Chúa Giêsu, con thuyền của Giáo Hội luôn gặp phải những sóng gió do ma quỷ gây nên. Con thuyền cuộc đời của chúng con cũng vậy. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết khiêm tốn, tín thác vào Chúa để lời Chúa nói với các Tông đồ khi xưa: “Thầy đây đừng sợ” cũng là niềm an ủi cho chúng con hôm nay. Amen.

 

 

 

 

2898    03-04-2016 00:02:55