Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Suy Niệm Tuần III Thường Niên năm 2015

THỨ HAI TUẦN 3 TN
ThánhTi-mô-thê và Ti-tô, giám mục

Mc 3, 22 - 30

TRUYỀN GIÁO VÀ CỘNG ĐOÀN

Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Chúa sẽ đến. (Lc 10,1)

Suy niệm: Đối với Chúa Giê-su, công việc truyền giáo không phải là việc riêng lẻ của cá nhân, mà là việc của toàn thể Giáo Hội, của cộng đoàn. Vì thế, Chúa chọn bảy mươi hai môn đệ, sai họ đi từng hai người một. Chọn bảy mươi hai môn đệ để những người truyền giáo không phải là những cá nhân rời rạc, nhưng là một cộng đoàn cùng chung một sứ mạng; sai đi từng hai người một để giúp đỡ lẫn nhau trên con đường truyền giáo; không cần chuẩn bị thức ăn riêng, nhưng cứ dự phần với cộng đoàn. Người Pha-ri-sêu mỗi khi đi đường, họ thường chuẩn bị thức ăn riêng cho mình, vì họ sợ những thức ăn khác không "thanh sạch", không phù hợp với luật Do Thái, hoặc mang theo tiền để có thể tìm kiếm thức ăn thanh sạch. Người truyền giáo không như thế, họ được mời gọi chia sẻ với cộng đoàn mình được sai đến, "cứ ăn những gì người ta dọn cho," cứ ngồi chung bàn với cộng đoàn và không sống tách biệt. Điều duy nhất nhà truyền giáo phải mang theo là bình an; và sự bình an cũng là điều trước tiên mà Chúa Giê-su muốn các môn đệ đem đến cho thế giới.

Mời Bạn: Trong năm Tân Phúc Âm hóa giáo xứ, bạn quyết định tham gia vào một sinh hoạt hay một hội đoàn nào trong giáo xứ của bạn để nâng đỡ nhau sống đức tin, sống cộng đoàn và sống sứ mạng truyền giáo? Chúa đang kêu mời bạn đấy!

Sống Lời Chúa: Tham gia hội đoàn hoặc công tác tông đồ trong giáo xứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết cộng tác với mọi người trong giáo xứ của con, để sống ơn gọi Ki-tô hữu.

THỨ BA TUẦN 3 TN
Mc 3, 31 - 35

AI LÀ THÂN NHÂN CỦA CHÚA?

Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi."(Mc 3,34-35)

Suy niệm: Động cơ thúc đẩy Mẹ và anh em đến tìm Ngài là: có dư luận dân chúng cho rằng Ngài bị 'điên' (c. 21b), nên họ tìm đến để lôi kéo Ngài từ bỏ sứ vụ rao giảng Lời Thiên Chúa. Tuy nhiên, chẳng những không từ bỏ, Chúa Giê-su còn tận dụng cơ hội này để loan báo một sự thật khác trong Nước Thiên Chúa, dù 'nói thật mất lòng', một sự thật 'khó nghe', 'chướng tai gai mắt', ngay cả cho thân nhân của Ngài. Ngài muốn nhấn mạnh mối liên hệ đích thực với Ngài không hệ tại ở huyết thống, mà là ở việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Đó chính là tiêu chí xác định mối tương quan giữa Chúa Giê-su với chúng ta: tôi đích thực là thân nhân của Chúa Giê-su hay tôi đang từ chối, hoặc chỉ liên hệ với Ngài bề ngoài thôi?

Mời Bạn: Là một Ki-tô hữu, mối tương quan hiện nay giữa bạn và (gia đình bạn) với Chúa Giê-su là gì? Bạn đang từ chối hay đón nhận Ngài? Bạn chỉ liên hệ với Ngài bề ngoài hữu danh vô thực... hay liên hệ đích thực bằng việc thực hành, sống Lời Chúa, làm theo ý muốn của Chúa...?

Chia sẻ: Từ chối Đức Kitô, tức là đồng ý rằng Ngài bị 'điên'; ngược lại, đón nhận Đức Kitô, tức là chấp nhận bạn bị 'điên' vì Ngài. Mời bạn lựa chọn!

Sống Lời Chúa: Trong Năm Tân Phúc hoá này, quyết tâm đọc, suy niệm và thực hành đoạn Lời Chúa này bằng việc quyết định gắn bó với Đức Ki-tô mỗi ngày, vì "không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô" (T. Giêrônimô).

Cầu nguyện: Hát "Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài...".

THỨ TƯ TUẦN 03 TN
Thánh Tô-ma A-qui-nô, tiến sĩ HT
Mc 4, 1 - 20

ĐÓN NHẬN TRONG TỰ DO

Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều... Rồi Người nói: "Ai có tai nghe thì nghe."(Mc 4,2.9)

Suy niệm: Không có nhiều dụ ngôn vừa được Chúa kể, vừa được Ngài giải thích như dụ ngôn người gieo giống này. Câu chuyện cùng với lời giải thích giúp ta hiểu rõ sứ điệp kép của Chúa Giê-su: một mặt Thiên Chúa quảng đại gieo Lời của Ngài trên mọi mảnh đất tâm hồn, mặt khác Lời của Ngài sinh hoa kết quả tuỳ theo thái độ sẵn sàng đón nhận của người nghe. Câu nói "Ai có tai nghe thì nghe" cho thấy không phải mọi hạt giống Lời Chúa đều được đón nhận và sinh kết quả. Cũng không có ý nói ai muốn hiểu sao thì hiểu. "Ai có tai nghe thì nghe": Chúa Giê-su cho thấy người ta hoàn toàn tự do trong sự lựa chọn thái độ đón nhận Lời Chúa cho mình. Lời Chúa vẫn được gieo bằng nhiều cách và luôn mời gọi đón nhận... phần còn lại là thái độ đón nhận của mỗi người chúng ta, để cho tâm hồn mình là mảnh đất màu mỡ hay mảnh đất khô cằn.

Mời Bạn: Thánh Âu-tinh nói: "Thiên Chúa sinh ra bạn không cần bạn, nhưng Ngài không thể cứu rỗi bạn nếu bạn không muốn cộng tác với Ngài." Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn sẵn sàng lắng nghe và để Lời Chúa biến đổi tâm hồn mình trở nên mảnh đất tốt.

Chia sẻ: Tôi làm gì để Lời Chúa thấm nhuần và biến đổi tâm hồn tôi?

Sống Lời Chúa: Chuẩn bị tâm hồn xứng hợp trước khi nghe Lời Chúa: giữ thinh lặng - hồi tâm - hướng về Chúa và thưa: "Lạy Chúa xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe."

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con ơn Thánh Thần, để tâm hồn chúng con được biến đổi khi nghe Lời Chúa và để chúng con đem Lời ra thực hành trong cuộc sống thường ngày.

THỨ NĂM TUẦN 3 TN
Mc 4, 21 - 25

TOẢ SÁNG BẰNG ÁNH SÁNG CHÚA KI-TÔ

"Chẳng lẽ đem đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?" (Mc 4,21)

Suy niệm: Chuyện kể rằng có một ngôi chùa kia quanh năm suốt tháng vắng vẻ "như chùa Bà Đanh". Vị sư trụ trì liền thỉnh một tượng Phật to về đặt trong chùa. Thế nhưng tình thế vẫn không thay đổi. Vị sư liền tìm đến một thiền sư ẩn tu trong núi sâu vấn kế. Vị thiền sư trả lời: "Vì thầy chỉ thỉnh tượng Phật chứ không thỉnh Phật." Các ki-tô hữu có khi cũng rơi vào tình huống tương tự khi nghe Chúa Giê-su nói "Các con là ánh sáng thế gian" rồi tưởng rằng mình đã nắm gọn chân lý trong tay và tự đặt mình "trên đế cao" mà quên rằng mình mới chỉ là cái đèn chưa có ánh sáng. Phải toả sáng bằng ánh sáng Chúa Kitô thì sự hiện diện của ngọn đèn trên đế cao mới có ý nghĩa.

Mời Bạn: Dù là đèn dầu hay đèn điện... cũng phải tiếp xúc với nguồn năng lượng mới có thể toả sáng. Ngọn đèn kitô hữu toả sáng bằng ánh sáng Chúa Ki-tô bằng cách sống những giá trị Tin Mừng một cách dạn dĩ, không mặc cảm, không sợ sệt. Cũng như năng lượng phải được đốt cháy, người ki-tô hữu phải dám chấp nhận hy sinh, thập giá, theo gương Thầy Giê-su thì mới toả sáng được.

Chia sẻ: Xã hội ngày nay đang cần phát huy những giá trị Tin Mừng: khiết tịnh, khó nghèo, công bằng, tôn trọng sự thật, tôn trọng sự sống. Bạn cần chấp nhận những thập giá nào để những giá trị đó được toả sáng?

Sống Lời Chúa: Chọn thực hiện một giá trị Tin Mừng liên quan trực tiếp đến công việc, cuộc sống hằng ngày của bạn.

Cầu nguyện: Xin Chúa thắp sáng lên trong trái tim con tình yêu của Chúa.

THỨ SÁU TUẦN 3 TN
Mc 4, 26 - 34

KIÊN NHẪN TRONG HY VỌNG

"Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên ... người ấy không biết." (Mc 4,27)

Suy niệm: Chúng ta đang sống trong thời đại thức ăn nhanh, mì ăn liền, cà phê hoà tan 3 trong 1 uống ngay, thức ăn chế biến sẵn, vài phút kết nối mạng hay điện thoại, là có thể liên lạc với cả thế giới. Nhịp sống hối hả này phần nào ảnh hưởng đến cái nhìn về toàn bộ cuộc sống, đặc biệt cuộc sống tinh thần. Có những bậc cha mẹ nổi nóng khi thấy con cái không tiến bộ ngay về học vấn hoặc tính nết. Có những hội viên các tổ chức tông đồ buồn lòng khi nhìn các nỗ lực truyền giáo chưa đạt kết quả. Và cũng có bao tâm hồn thiện chí dao động sau vài năm tháng tập luyện nhân đức, sống Lời Chúa, mà sao 'vũ như cẩn'. Đức Giê-su nhắc nhở chúng ta cần kiên nhẫn tựa như người nông dân, sau khi gieo giống và chăm sóc, kiên nhẫn chờ mùa gặt, bởi vì ông không thể đốt giai đoạn.

Mời Bạn: Thử đọc câu nói của Maia-kovski (Mai-a-kốp-xki): "Trên đường đời, hành lý con người cần mang theo là lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng." Đối với người Ki-tô hữu, đúng hơn là lòng kiên nhẫn và niềm hy vọng, bởi vì tin tưởng vào Thiên Chúa quyền năng và cũng là Cha nhân lành, Ngài sẽ làm mọi sự có kết quả, qua thời gian.

Chia sẻ: Tôi sẽ làm gì để điều chỉnh nếp suy nghĩ muốn đốt giai đoạn?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu sửa chữa một tính xấu nổi cộm, kiên trì tập mỗi ngày và hy vọng từng giây phút.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã dạy chúng con bài học kiên nhẫn để thành công trên đời và nhất là thành người con Chúa. Xin cho chúng con không nóng vội đốt giai đoạn, nhưng kiên trì hoạt động trong hy vọng và phó thác vào Chúa. Amen.

THỨ BẢY TUẦN 3 TN
Th. Gio-an Bốt-cô, linh mục

Mc 4, 35 - 40

NGÀI LÀ CHÚA CỦA ĐỜI TA

Các môn đệ hoảng sợ và nói với nhau: "Vậy Người là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh?" (Mc 4,41)

Suy niệm: Đài CNS Mỹ đã thực hiện cuộc phỏng vấn ca sĩ Bono của ban nhạc lừng danh U2 với tựa đề "Đức Giê-su là ai?" Trong bài phỏng vấn của đài này cũng như nhiều đài khác, Bono bày tỏ niềm tin vào Đức Giê-su là Thiên Chúa, là Đấng phục sinh từ cõi chết, những lời hứa của Ngài sẽ thành sự thật. Người ca sĩ nổi tiếng về việc từ thiện ấy cũng cho biết vợ chồng anh và con cái thường cầu nguyện, đọc Kinh Thánh để học biết ý Thiên Chúa. Trước Bono, bao con người cũng đã phải đối diện với câu hỏi sinh tử này, các môn đệ trên thuyền trong bài Tin Mừng hôm nay chẳng hạn. Là những ngư dân dày dạn kinh nghiệm, vậy mà các ông cũng kinh sợ sóng gió khủng khiếp của hồ Galilê. Thế nhưng, chỉ cần một tiếng ra lệnh của ông thầy Giê-su kia, là sóng gió thinh lặng. Ngài là ai mà quyền phép như vậy?

Mời Bạn: Ca sĩ nhạc rock Bono tin rằng Ngài là Đấng Mê-si-a, nghĩa là Đấng Cứu Thế, một Đấng Cứu Thế chịu đau khổ để bày tỏ lòng yêu thương nhân loại. Là Thiên Chúa quyền năng, Ngài không cần phải chịu đau khổ, chịu chết cũng cứu được nhân loại. Thế nhưng, Ngài đã làm người, và muốn liên đới với con người trong mọi sự, trừ tội lỗi.

Sống Lời Chúa: Tôi dâng một lời cầu nguyện ngắn cảm tạ Thiên Chúa, rồi cố gắng đáp trả bằng cách sống đạo siêng năng, nhiệt thành, tích cực hơn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã hạ mình xuống làm người như chúng con. Xin cho chúng con luôn ghi khắc lòng yêu thương bao la ấy, rồi thể hiện lòng biết ơn qua một niềm tin tuyệt đối vào Chúa, một niềm cậy trông vững vàng, và một lòng mến sắt son.

889    28-01-2015 08:59:26