Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Suy Niệm Tuần Thánh Năm A - Gp Vinh

Thứ Hai tuần thánh
Ga 12, 1-11: Xức dầu thơm

Xức dầu thơm

1.      Lời Chúa :

"Sáu ngày sau lễ Vượt qua, Chúa Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, quê hương của anh La-da-rô. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối, thiết đãi Chúa Giê-su. Cô Mát-ta hầu bàn, còn La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Ngài. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu cam tùng nguyên chất và quí giá, xức chân Chúa Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm.. Chúa Giê-su nói : Hãy để yên cho cô ấy làm. Cô làm vậy có ý dành cho ngày táng xác Thầy"(c 1-3.7)

2.      Suy niệm :

Việc thứ nhất chúng ta tìm hiểu là cô Ma-ri-a xức dầu thơm cho Chúa Giê-su là ai ?

Cô nầy là chị của La-da-rô, người được Chúa Giê-su cho sống lại.

Cô Ma-ri-a nầy quê ở Bê-ta-ni-a, tức khác với cô Ma-ri-a Mác-đa-la quê ở Ga-li-lê.

Thứ đến, chúng ta tìm hiểu về việc xức dầu thơm : "Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu cam tùng nguyên chất và quí giá xức chân Chúa Giê-su, rồi lấy tóc mình mà lau"(c 3).

Việc đổ dầu thơm lên chân Chúa Giê-su cho thấy lòng mến cao độ của Ma-ri-a. Cô ta đã dùng thứ nước hoa hảo hạng rút từ cây tùng hương : Đáng lý cô ta chỉ nhỏ vài giọt là đủ. Nhưng ở đây, cô ta đổ cả bình lên chân Chúa Giê-su.

Việc đổ dầu thơm lên chân Chúa Giê-su là dấu nói đến việc táng xác của Ngài.

3.      Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con thêm lòng mến Chúa mỗi ngày một hơn. Chúng con biết, với lòng mến Chúa, chúng con sẽ hiểu Chúa hơn và tích cực hơn trong cuộc sống. Amen.

4.      Sống đạo : Tôn trọng người tàn tật

Trong năm 1997, nhân dịp kỷ niệm lễ giỗ 20 năm nhà văn công giáo Ra-un Phôn-lờ-rô (Raoul Follereau 1903-1977) tại Đại học Xoóc-bon, nước Pháp (Sorbonne, Paris) tôi được mời nói chuyện về ông. Được thúc đẩy bởi niềm tin tôn giáo, Raoul Follereau xác tín rằng "không ai có quyền hưởng hạnh phúc một mình"; và vì thế, cùng với bà Raoul Follereau, ông đã lên đường chăm sóc phục vụ những người bạn phong cùi trên thế giới, khắp các lục địa. Một hôm, tại một trại cùi, Raoul Follereau đến trước một cô gái đang bị bệnh và đưa tay bắt; nhưng cô gái đứng khựng lại, không phản ứng. Giám đốc trại nhắc Raoul Follereau rằng nội qui không cho phép người bệnh bắt tay khách. Raoul Follereau trả lời: "Cấm bắt tay, nhưng có cấm hôn không?". Vừa nói, ông vừa đến ôm hôn cô gái. Mọi người sững sờ. Tất cả những người bệnh trong trại lúc bấy giờ nhào đến gần ông, một người trong họ nghẹn ngào lên tiếng : "Hôm nay, tôi cảm thấy chúng tôi là người".

Thứ Ba tuần thánh
Ga 13, 21-33.36-38: Chúa Giê-su loan báo về cái chết của Ngài.

Giu-đa bán Chúa

1.      Lời Chúa :

"Chúa Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Ngài tuyên bố : Thật, Thầy bảo thật anh em : Có một người trong anh em sẽ nộp Thầy. Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Ngài nói về ai.. Ong Gio-an nghiêng mình vào ngực Chúa Giê-su và hỏi : Thưa Thầy, ai vậy ? Chúa Giê-su trả lời : Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy. Rồi, Ngài chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa"(c 21-22.25-26)

2.      Suy niệm :

Đoạn lời Chúa hôm nay nhắc đến 3 điểm nơi con người của Giu-đa: Thứ nhất, Giu-đa ham tiền : Từ ham tiền rồi mê tiền và cuối cùng bán Chúa vì tiền.

Thứ hai, Giu-đa phản bội :

Sự phản bội của Giu-đa làm cho cái chết của Chúa Giê-su thêm bi đát.

Tuy nhiên, nếu Giu-đa không phản bội thì chương trình cứu chuộc của Chúa vẫn tiến hành theo một cách khác.

Thứ ba, Giu-đa thiện chí :

Chúa Giê-su chọn Giu-đa làm môn đệ, vì nơi anh ta cũng còn chút thiện chí là muốn theo Ngài. Chúa Giê-su không muốn dập tắt chút thiện chí của Giu-đa và việc đó nói lên lòng Chúa yêu thương và tôn trọng tự do. Tuy nhiên, Giu-đa đã không vượt qua được bản tính yếu đuối của mình nên đã phạm tội ô nhục là bán Chúa.

3.      Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giê-su, theo quan niệm của người đời, tội phản bội là tội đáng nguyền rủa. Xin Chúa giúp con luôn sống trung thành với Chúa và với mọi người chung quanh. Amen.

4.      Sống đạo : Kiên cường giữ đạo

Tối hôm ấy, cha vào tù thăm cụ già An-rê cũng mới bị bắt giam trong nhà tù tối tăm khó chịu. Ngài thuật lại: "Cổ ông cụ đeo gông nặng như các tù nhân trọng tội ở nước này, nhưng ông lại coi đó là một cây kiềng danh dự. Ông không cho đó là cực nhọc mà lại lấy làm vinh hạnh. Ông tỏ ra vui mừng trong xiềng xích, khác nào một Thánh Phaolô thứ hai trong ngục tù vậy".

Cũng tối hôm ấy, bọn lính giải Thầy An-rê đến trước mặt ông nghè. Thấy người thanh niên trẻ tuổi, ông sừng sộ với toán lính sao lại bắt người hiền lành như thế mà không bắt I-nha-xi-ô. Bọn lính thưa lại: "Inhaxiô đi vắng, nhưng người trẻ này cũng thuộc hạng như Inhaxiô, dọc đường vẫn còn cố chấp giảng đạo cho chúng tôi".

Ông nghè lấy lời ngon ngọt dụ dỗ và hứa hẹn giúp An-rê xây dựng một tương lai sáng lạn. Nhưng gặp thái độ cương quyết và say mê đạo của thầy giảng trẻ tuổi, quan nghè phải khựng lại và tức tốc ra lệnh đóng gông thật nặng và giam chung với cụ già An-re.

Sáng ngày 26-7, ông nghè triệu tập phiên họp các quan để ra án tử. Ngay sau khi các quan đồng lòng lên án, họ mới đưa hai tù nhân ra để nghe án. Cha Đắc Lộ thuật lại thái độ của hai người: "Họ bước đi vững mạnh, không hề sợ hãi, lại hân hoan như đi dự tiệc cưới vậy. Vai mang gông nặng, nhưng họ vẫn tỏ ra khoan khoái dễ chịu, vì đó là xe chở họ về nước thiên đàng".

Giu-đa phản bội, còn An-rê già và An-rê trẻ quyết tâm làm chứng cho Chúa (Lm. Nguyễn Hồng, Lịch sử Truyền giáo tại Việt Nam)

Thứ Tư tuần thánh
Mt 26, 14-25: Giu-đa nộp Chúa Giê-su

Không ngăn cản

1.      Lời Chúa :

"Bấy giờ, một người trong nhóm 12 tên là Giu-đa, đi gặp các thượng tế và nói : Tôi nộp ông ấy cho quí vị, thì quí vị cho tôi bao nhiêu ? Họ quyết định cho hắn 30 đồng bạc. Từ đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Chúa Giê-su"(c 14-16)

2.      Suy niệm :

Hai vấn đề chúng ta đặt ra :

Chúa Giê-su có biết việc Giu-đa sẽ bán Ngài không ? Chúng ta hãy đọc các câu lời Chúa sau đây :

-          "Kẻ chấm cùng đĩa với Thầy sẽ nộp Thầy"(Mt 26, 23).

-          "Thà người đó đừng sinh ra thì hơn"(Mt 26, 24).

-          "Chính anh nói đó"(Mt 26, 25).

Như vậy, Chúa Giê-su quá biết, nhưng tại sao Ngài không ngăn cản ?

Đây là mầu nhiệm của tự do :

Với con người : Cha mẹ bắt con lớp 12 ở nhà học bài để thi. Tuy mất tự do, nhưng khi thi đậu thì con lại cám ơn cha mẹ.

Với Chúa Giê-su, Ngài không thể can thiệp Giu-đa vì tôn trọng tự do của con người. Họ chỉ là con người khi họ có tự do.

3.      Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giê-su, chúng con biết tự do là đáng quí. Nhưng hình như chúng con không biết dùng tự do, hình như chúng con lạm dụng tự do. Chính vì lạm dụng tự do, nên chúng con dễ làm điều sai trái. Xin Chúa giúp chúng con biết hạn chế tự do để sống tốt hơn. Amen.

4.      Sống đạo : Gương hãm mình của cha thánh Gio-an Vi-an-nây

Hai giờ sáng, cha dậy nguyện ngắm đọc kinh Nhật Tụng; bốn giờ sáng, cha ra nhà thờ chầu Mình Thánh, đọc các kinh dọn mình làm lễ cho đến bảy giờ. Làm lễ xong, cha ở lại cám ơn rước lễ, đọc kinh Nhật Tụng, lần hạt, dạy giáo lý cho đến trưa mới về nhà xứ ăn một hai miếng. Ban chiều, cha đi thăm viếng yên ủi con chiên, đi thăm kẻ liệt cho đến gần tối. Sau đó, cha lại vào nhà thờ, đọc kinh chung, giảng dạy, chầu Mình Thánh cho đến khuya mới về nhà xem sách và hành xác. Mỗi đêm, cha chỉ ngủ độ một tiếng, có đêm cha không ngủ chút nào. Ngày nào cũng như ngày nào, cha luôn giữ chương trình đúng như vậy quanh năm cho đến suốt đời.

Giu-đa vì lạm dụng tự do mà thành kẻ phản bội. Cha Gio-an Vi-an-nây nhờ hãm mình mà nên thánh.

Thứ Năm tuần thánh
Ga 13, 1-15: Yêu thương

Tinh thần phục vụ

1.      Lời Chúa :

"Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Chúa Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau"(c 12-14)

2.      Suy niệm :

Việc Chúa Giê-su rửa chân nói lên tinh thần phục vụ : Ngài phục vụ vô vị lợi, không điều kiện. Ngài phục vụ mọi người, phục vụ Phê-rô chối Ngài và cả Giu-đa phản bội.

Sau đây là vài nguyên tắc giúp chúng ta phục vụ tốt :

-        Người phục vụ phải nhạy bén và sáng kiến thì việc phục vụ mới hiệu quả.

-        Người phục vụ cần sự khiêm nhường.

-       Người phục vụ không nghĩ đến chuyện được đền ơn mới phục vụ lâu bền.

3.      Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giê-su, người đời muốn người khác phục vụ mình, nhưng Chúa dạy mình phải phục vụ người khác. Điều Chúa dạy tuy trái ngược, nhưng lạ là dấu yêu thương. Xin cho chúng con biết xã thân phục vụ vì hạnh phúc của mọi người. Amen.

4.      Sống đạo : Đổi đời

Hôm đó, trên chuyến bay từ Ý qua Mỹ, mang theo một số Giám mục, mới đi dự Công đồng Vatican II về, có một cô chiêu đãi viên rất đẹp. Suốt chuyến bay, cô rất bực mình vì một đôi mắt cứ nhìn chòng chọc vào cô, và đôi mắt đó là của Đức Cha Phun-tơn Sin (Fulten Sheen) vị tông đồ lừng danh của nước Mỹ. Khi phi cơ hạ cánh, và đợi cho các hành khách xuống hết, vị Giám mục mới tiến đến trước mặt cô, nói nửa nghiêm trang nửa bông đùa: "Cô đẹp lắm! Cô hãy cám ơn Chúa vì đã cho cô đẹp!"  

Vài hôm sau, có tiếng gõ cửa văn phòng làm việc của Đức Cha Fulten Sheen, cô chiêu đãi viên hôm nọ xuất hiện. Nàng vào đề liền:  

-    Câu nói của Đức Cha làm cho con suy nghĩ mãi. Con phải cám ơn Chúa thế nào?  

-    Cô biết trại phong cùi Di Linh ở Việt Nam chứ?  

-    Vâng, con đọc báo và có nghe đến!  

-    Chúa đã lấy hết sắc đẹp của những người cùi ở đó mà ban cho cô. Cô hãy qua bên đó mà an ủi họ.  

Chỉ từng ấy! Cô chiêu đãi viên sau đó trút bỏ cả tương lai huy hoàng, khoác bộ áo nữ tu, và sau một thời gian tập sự học hỏi, đã tình nguyện sang Việt Nam phục vụ, ngay giữa những người cùi Di Linh, để cám ơn Chúa vì đã ban cho mình sắc đẹp. 

Thứ Sáu tuần thánh
Ga 18, 1-19: Cuộc thương khó của Chúa Giê-su

Thánh giá

1.      Lời Chúa :

"Bấy giờ, toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Do Thái bắt Chúa Giê-su và trói Ngài lại. Trước tiên, họ điệu Chúa Giê-su đến ông Kha-nan là nhạc phụ ông Cai-pha. Ong Cai-pha làm thượng tế năm đó. Chính ông nầy đã đề nghị với người Do Thái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn"(c 12-14)

2.      Suy niệm :

Xét theo phạm vi nhân loại, thì thánh giá là cực hình dân Do Thái phạt những người nặng tội nhất.

Xét theo phạm vi siêu nhiên:

-         Thánh giá tượng trưng cho sự cứu chuộc, cho sự xóa bỏ tội lỗi.

-         Thánh giá là sự hòa giải giữa Thiên Chúa và con người.

Như vậy, thánh giá là ơn cứu chuộc chúng ta, là nguồn sống đời đời cho chúng ta.

3.      Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giê-su, đối với người đời, thánh giá là sự ô nhục của các tội nhân. Nhưng Chúa vô tội. Ngài chịu nhục để đền thay tội lỗi chúng con và giao hòa chúng con với Thiên Chúa Cha. Chúng con cảm tạ ơn cứu độ của Chúa. Amen.

4.      Sống đạo : Yêu mến Thánh giá

Thánh nữ An-nê bị bắt lúc 15 tuổi.
Quan dỗ, cô không nghe.
Quan dọa, cô không sợ.
Quan không ngã lòng. Ông truyền dẫn An-nê đến đền thờ bụt. Quan mở trói cho cô để cô được tự do lấy một tí hương rắc vào lửa. Như thế, cô sẽ được tha vì có tỏ dấu tôn kính bụt thần.
Thấy hai tay được tự do, An-nê liền chấp lại và làm dấu Thánh Giá. Cô biết mình yếu đuối. Cô biết quan sẽ căm tức. Cô biết quân lính sẽ giết chết mình. Nhưng với Thánh Giá Chúa Giê-su, cô được tràn đầy sức mạnh để chiếm lấy vòng hoa tử đạo.
Lạy Chúa Giêsu, từ khi Chúa chết vì yêu con trên Thánh Giá, thì Thánh Giá là phần rỗi của con, là nguồn hy vọng và an ủi của con, là con đường dẫn đưa con về trời.

MÙA PHỤC SINH

PHỤC SINH LỄ VỌNG, NĂM A
Mt 28, 1-10 : Ngôi mộ trống

Chúa đã sống lại

1.      Lời Chúa :

"Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló dạng, bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. Thình  lình, đất rung chuyển dữ dội : Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên. Diện mạo ngài như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy ngài, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ : Nầy các bà, các bà đừng sợ. Tôi biết các bà tìm Chúa Giê-su, đấng bị đóng đinh. Ngài không còn ở đây, vì Ngài đã sống lại như Ngài đã nói"(c 1-6)

2.      Suy niệm :

Có hai điều chúng ta nên tìm hiểu qua đoạn lời Chúa hôm nay :

Thứ nhất, Chúa Giê-su sống lại trong cảnh huy hoàng :

-         "Thình lình, đất rung chuyển dữ dội"(c 2)

-         "Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra rồi ngồi lên trên : Diện mạo ngài như ánh chớp và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẫy chết ngất đi"(c 3-4).

Thứ hai, tại sao thánh sử Mát-thêu lại tả cảnh huy hoàng trên đây?

Cảnh huy hoàng trên đây đã có tả trong những lần Thiên Chúa xuất hiện thời Cựu Ước (St 22, 11-13; Xh 3,1-6).

Thánh Mát-thêu muốn dùng cảnh huy hoàng đó để tuyên xưng Chúa Giê-su là Thiên Chúa : Ngài sống lại vì Ngài là Thiên Chúa.

3.      Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giê-su, sự kiện Chúa sống lại đem lại phấn khởi cho chúng con. Xin giúp chúng con vững tin nơi Chúa, để luôn vui sống trong cảnh đời thương đau, chờ ngày sống lại với Chúa trên trời. Amen.

4.      Sống đạo : Chúa sống lại

Trong một gian hàng bày bán ảnh tượng, người ta thấy, qua cửa kính, một bức tranh rất lớn vẽ lại biến cố tử nạn của Chúa Giê-su trên thập giá. Bức họa đập vào mắt và gây chú ý cho người qua lại.

Có một ông cụ dừng chân để xem, rồi một em bé đi ngang qua đó, cũng dừng lại để xem. Ông cụ muốn thử kiến thức tôn giáo của em bé nên hỏi:

Cháu nhìn xem, bức tranh tuyệt đẹp, nhưng cháu có thể nói cho ông biết về những nhân vật ở trong tranh đó không ?

Em bé chỉ vào tranh và trả lời:

Đây là Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá và kia là Đức Maria, Mẹ Ngài,đang đứng bên cạnh. Còn người đàn bà khóc lóc kia là Maria Ma-đa-lê-na, đang quì gối dưới chân thánh giá. Người đàn ông đứng gần đó là thánh Gio-an. Chung quanh là những binh lính. Họ là những kẻ đã giết Chúa .

Ông cụ rất cảm phục. Cụ gật đầu tán thưởng rồi bước đi. Nhưng khi cụ vừa tới khúc rẽ, thì nghe những bước chân chạy đuổi theo. Nhìn lại, cụ thấy em bé đang vội vã chạy theo. Cậu vừa chạy vừa thở hổn hển. Gặp lại được cụ, em mừng quá nắm tay cụ nói:

Thưa cụ, cháu quên nói với cụ một điều quan trọng hơn hết. Đó là Chúa Giê-su đã sống lại vào ngày thứ ba.

PHỤC SINH LỄ VỌNG, NĂM B
Mc 16, 1-8 : Ngôi mộ trống

Các bà đi thăm mộ Chúa

1.      Lời Chúa :

'Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Chúa Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ. Các bà bảo nhau : Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây ? Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà  thấy tảng đá đã lăn ra một bên rồi, mà tảng ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng. Các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên ấy nói : Đừng sợ. Các bà đi tìm Chúa Giê-su Na-da-rét chứ gì. Ngài đã sống lại rồi, không còn ở đây nữa"(c 1-6)

2.      Suy niệm :

Có 3 điều chúng ta cần tìm hiểu :

Thứ nhất, các bà sợ :

-         Các bà sợ vì "các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi mà tảng đá ấy lớn lắm"(c 4).

-         Các bà sợ vì "khi vào trong mộ, các bà thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng"(c 5).

-         Các bà sợ nên "Thiên thần bảo : Đừng hoảng sợ"(c 6).

Thứ hai, tại sao các bà sợ ?

-         Vì các bà không hề nghĩ đến việc Chúa sống lại, nhưng nay thiên thần bảo "Ngài đã sống lại rồi, không còn ở đây nữa"(c 6) : Việc Chúa sống lại vượt quá suy nghĩ của họ nên làm họ sợ.

-         Vì các bà không thể tưởng tượng làm sao lại có chuyện Chúa sống lại. Do đó, "Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi"(c 8).

Các bà càng sợ, càng lấy làm lạ về việc Chúa sống lại thì sự việc lại càng rất thật : Chúa Giê-su đã thực sự sống lại.

3.      Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giê-su, có nhiều chuyện con người không thể làm, không thể hiểu, nhưng với Chúa, mọi sự đều có thể. Việc Chúa sống lại là chuyện con người không bao giờ nghĩ đến, nhưng Chúa đã thực sự sống lại. Xin Chúa giúp chúng con luôn tin vào quyền năng của Chúa. Amen.

4.      Sống đạo : Con người cần Thiên Chúa siêu việt

Ong Ghép-tơ (D. Webster) lúc trên đỉnh vinh quang, được mời dự một buổi sinh hoạt của các văn nhân. Trong bữa ăn, câu chuyện lan man chuyển sang đề tài tôn giáo. Webster thành thật nhìn nhận là ông tin vào thần tính của Đức Kitô cũng như sự lệ thuộc của ông vào công trình cứu chuộc của Ngài. Một người hỏi : "Thưa ngài, ngài hiểu thế nào về chuyện Đức Kitô vừa là Chúa vừa là người ?" Webster mau mắn trả lời : "Thưa ông, tôi không hiểu. Nếu tôi hiểu Ngài thì Ngài đâu có gì cao cả hơn tôi. Tôi cảm thấy mình cần có một Thiên Chúa siêu việt con người."

PHỤC SINH LỄ VỌNG, NĂM C
Lc 24, 1-12 : Ngôi mộ trống

Các tông đồ không tin

1.      Lời Chúa :

"Khi từ mộ trở về, các bà kể cho nhóm 11 và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, bà Gio-an-na và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà nầy cũng nói với các tông đồ như vậy. Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin. Dầu vậy, ông Phê-rô cũng chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ong trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra"(c 8-12)

2.      Suy niệm :

Các tông đồ không tin Chúa Giê-su sống lại :

-         "Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn nên chẳng tin"(c 11).

-         "Ong trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra"(c 12). Phê-rô ngạc nhiên vì ông chỉ còn thấy những khăn liệm thôi, không thấy xác Chúa Giê-su.

Thế rồi các tông đồ đã tin. Tại sao chúng ta dám chắc la sau nầy các ông tin Chúa Giê-su đã sống lại ?

Thứ nhất vì các ông biết Ngài hiện ra nhiều lần, vơi nhiều người, ở nhiều nơi..

Thứ hai vì các ông đã dám chết khi rao truyền việc Chúa sống lại. Điều đó chứng tỏ các ông rất vững tin một chuyện mà trước đó các ông cho là không thể tin.

3.      Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giê-su, chuyện Chúa sống lại khó tin, nhưng có thật. Xin giúp chúng con tin và sống niềm tin đó trong hân hoan, vì chúng con biết rằng đau khổ đời nầy sẽ làm cho chúng con sống lại đời sau. Amen.

4.      Sống đạo : Chúa sống lại

Ong Lơ-Pô (Carrevellière Lepaux) một nhân viên Thượng Hội Đồng quốc gia Pháp. Ong không ưa công giáo. Ong lập một đạo rất triết lý, rất khoa học. Ong đào tạo những người có học đi giảng đạo, nhưng không mấy ai theo. Ong nói với ông Ba-ra (Barras) : Đạo tôi triết lý và khoa học, lại do các nhà thông thái truyền bá mà ít người theo, còn ông Giê-su chỉ dùng mấy tay chài lưới thất học mà cả thế giới theo đạo của ông ấy ? Ong Ba-ra trả lời : Nếu ông muốn thiên hạ theo đạo mình, ông cứ để người ta đóng đinh ngày thứ Sáu, rồi sáng Chúa nhật ông sống lại, rồi người ta sẽ theo đạo của ông.

Tác giả Mi Trầm Lm (nguồn Gp Vinh)

1716    18-04-2011 15:13:11