Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Suy Niệm Tuần VIII Thường Niên, Thứ Tư Lễ Tro và Các Ngày Trong Tuần

THỨ HAI TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN
Mc 10, 17 - 27    
 
Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy được hai cái nhìn của Chúa: một cái nhìn với ánh mắt yêu thương trìu mến, và cái nhìn kia với ánh mắt buồn sầu, đau khổ, vì người được nhìn đã bỏ đi, không đáp lại lời mời gọi của Ngài.


Buồn và vui là hai khía cạnh gắn liền với cuộc sống của con người. Ở đời, ai cũng có lúc vui lúc buồn. Có những vui buồn chóng qua như kiểu nói thông thường của người thanh niên thời đại: buồn 5 phút, vui 5 phút. Thế nhưng, cuộc đời nhiều khi cũng gặp phải những nỗi buồn sâu thẳm, buồn day dứt, buồn triền miên gây đau khổ tái tê. Một nhà văn hào nổi tiếng đã định nghĩa đau khổ như sau: "Nỗi buồn thâm sâu nhất của cuộc đời, nỗi buồn day dứt nhất của con người là chưa trở nên Thánh". Lời nhận xét của nhà văn hào này thật sâu sắc, đáng khâm phục, và làm cho tất cả những người tận hiến cho Chúa phải suy nghĩ.

Còn về niềm vui, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã định nghĩa như sau: "Niềm vui lớn nhất của con người là được thành công trong cuộc sống. Và thành công lớn nhất là được trở nên Thánh. Có thể nói trở nên Thánh là tác phẩm vĩ đại nhất của một con người".

Như vậy, chúng ta đã có hai định nghĩa về nỗi buồn và niềm vui.
Trở lại bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy nói đến vấn đề tiền tài, vật chất. Thời còn niên thiếu, Cha thường nghe các cha giảng cấm phòng tại các giáo xứ -thường gọi là Tuần Đại Phúc- nhắc đến câu này: "Được lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?". Giáo dân nghe vậy cảm thấy lo sợ lắm, nên tìm mọi cách để sống đạo tốt hơn. Thật ra, điều này không có nghĩa Chúa đòi buộc chúng ta phải bán hết của cải cho kẻ nghèo, rồi sống nghèo hết cả với nhau. Nhưng Chúa chỉ muốn nhấn mạnh đến việc đừng dính bén của cải. Nói cách khác, sống đầy đủ, tiện nghi, giàu sang không phải là điều xấu nếu chúng ta biết sử dụng của cải một cách phù hợp.

Từ lời Chúa nói: được thế gian mà mất linh hồn thì chẳng có ích gì, chúng ta có thể suy diễn ra nếu mất thế gian để được linh hồn chắc là chuyện tốt. Rồi suy luận tiếp, nếu được cả thế gian và được rỗi linh hồn chắc càng tốt hơn. Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta nhận thấy anh thanh niên thực sự là một con người đáng khen. Còn trẻ mà anh đã giữ trọn lề luật và bây giờ đang lo lắng tìm đến Chúa để bước lên đường trọn lành. Thái độ của anh thật chân tình cởi mở chứ không giả dối. Nhưng ở đây có một điều đáng cho ta chú ý: chỉ giữ trọn lề luật thôi chưa đủ để nên Thánh. Người thanh niên này được Chúa vạch ra cho con đường nên Thánh là từ bỏ hết mọi của cải. Chúa mời gọi anh hãy bán đi tất cả của cải đang có, không phải để lấy tiền mặt cất vào tủ sắt hay gởi ở ngân hàng để sinh lợi, nhưng để giúp người nghèo khổ, rồi thảnh thơi theo Chúa. Anh đã buồn rầu bỏ đi. Anh đi vì anh không thể bỏ được của cải, bỏ sự giàu sang và cuộc sống thoải mái của mình. Và vì thế, anh chưa làm Thánh được. Cũng vậy, một linh mục chỉ chu toàn những bổn phận của mình như dâng thánh lễ, làm các Bí Tích, giảng dạy, đưa Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt... thì cũng đáng được vào Nước Trời, nhưng chưa làm Thánh được. Và bao lâu chưa làm thánh thì vẫn còn là một điều thiếu sót đáng buồn.

Làm thánh là một sự lựa chọn tuyệt đối: chọn Thiên Chúa hay chọn tiền tài. Cuộc đời mỗi người chúng ta luôn được đặt trước sự chọn lựa quan trọng này: Thiên Chúa hoặc một cái gì khác. Có điều lạ là khi chọn vật chất, người ta có thể chọn tất cả, nhưng khi phải chọn người, người ta lại giới hạn. Ví dụ trong chủng viện, khi chọn bạn, không phải chúng con ôm hết tất cả mọi người, nhưng chọn những ai thích hợp với mình thôi. Còn của cải thì ít cũng tốt, nhiều cũng tốt. Tiền "Mac" (tiền Đức) cũng được và đồng "Dollar" thì tốt hơn. Chúng ta không chê loại tiền nào cả. Chúng con nên nhớ: của cải để phục vụ con người, phục vụ anh em. Chúng ta phải làm chủ của cải, xử dụng của cải theo ý tốt lành của mình. Đừng để của cải làm ông chủ sai khiến mình một cách mù quáng. Của cải có thể là phương tiện giúp nên Thánh, khi chúng ta biết dùng tiền bạc để góp phần vào công việc của Chúa ở trần gian. Nhưng quan trọng là chúng ta phải theo Chúa hoàn toàn, không dính bén của cải. Đó là điều Chúa đòi hỏi nơi những ai Ngài yêu mến.

Khi tham dự cuộc tĩnh tâm linh mục thế giới ở Roma, Cha thấy có hai vợ chồng lớn tuổi cũng rất tích cực tham dự cuộc tĩnh tâm. Hai ông bà đến tham dự tất cả các giờ kinh và giảng tĩnh tâm ấy. Sau đó Cha được biết hai ông bà đó là một gia đình tỷ phú người Hòa lan. Họ là người khởi xướng và thực hiện khóa tĩnh tâm linh mục thế giới. Câu chuyện bắt đầu như sau: trong một cuộc tĩnh tâm dành cho linh mục ở Hòa Lan, họ nghe một linh mục giảng: chúng tôi ước ao có những cuộc tĩnh tâm từng nhóm linh mục như thế này. Nghe vậy, hai ông bà đến xin gặp linh mục đó và góp ý: cha thấy cuộc tĩnh tâm cho linh mục như vậy là rất tốt, sao cha không triệu tập đông hơn. Linh mục đó hỏi: Đông hơn tức là cho tất cả các linh mục Hòa Lan hay sao? Hai ông bà đáp lại: thế vẫn chưa đông. Linh mục đó hỏi dò: hay cho cả Âu Châu? Hai ông bà nói vẫn chưa đông. Cuối cùng, linh mục hỏi lại: thế thì hai ông bà nghĩ phải như thế nào mới gọi là đông? Hai ông bà mới nói: cả thế giới. Linh mục nói: vậy thì tôi lấy đâu ra kinh phí để lo cho một cuộc tĩnh tâm lớn như  vậy? Hai ông bà trả lời: cha cứ cầu nguyện đi, chúng con cũng cầu nguyện và chúng con sẽ giúp.

Sau khi cầu nguyện, họ quyết định tổ chức cuộc tĩnh tâm linh mục thế giới. Lần đầu tiên tổ chức được rất đông các linh mục trên thế giới về dự. Tất cả những ai muốn tham dự, đều được hoan nghênh đón nhận. Linh mục nào không có khả năng, hai ông bà sẵn sàng đứng ra giúp. Trong cuộc tĩnh tâm linh mục thế giới đầu tiền đó, hai ông bà đã giúp tất cả một triệu dollars. Cuộc tĩnh tâm Cha tham dự vừa rồi là lần thứ hai, gồm 5000 linh mục khắp nơi trên thế giới. Được biết trước đó, hai ông bà đã cầu nguyện xin Chúa soi sáng để biết sử dụng của cải. Hai ông bà đã bỏ tiền xây dựng một trại giúp những người mắc bệnh phong và vẫn còn tiếp tục giúp đỡ trại ấy. Mặc dù chỉ là người giáo dân, hai ông bà đã biết luôn cầu nguyện để xin Chúa soi sáng cho biết cách sử dụng của cải mình có. Thật đáng phục! Chắc Chúa cũng vui lòng khi thấy cách sử dụng tiền bạc của hai ông bà người Hòa Lan đó.

Phần chúng con, mỗi khi đến trước Nhà Tạm hay Tượng Chúa, chúng con hãy hỏi xem: Lạy Chúa, hiện trạng con bây giờ thế nào, con đang làm cho Chúa buồn hay vui? Nếu cuộc sống chúng ta chưa trở nên Thánh thì chắc Chúa còn buồn, vì ước mong của Chúa là muốn tất cả chúng ta đều trở nên Thánh.

Nói tóm lại, Lời Chúa nói trong bài Phúc Âm hôm nay không phải để cảnh cáo người giàu có, nhưng để hướng dẫn và thức tỉnh họ, giúp họ biết ý thức sử dụng của cải Chúa ban cho để mở mang nước Chúa. Giáo Hội Công Giáo không phải là một Giáo Hội nghèo nàn và lạc hậu, đóng khung với chủ nghĩa khắc kỷ, nhưng là một Giáo Hội sống tinh thần nghèo của Đức Kitô, một Giáo Hội đang nỗ lực để xóa đói, giảm nghèo, đem lại công bằng, hòa bình và nhân phẩm cho mọi người. Như thế, tất cả mọi người Kitô Hữu, đặc biệt những người theo Chúa, càng phải sống tinh thần của Giáo Hội, để canh tân thế giới và làm cho Nước Chúa được mở rộng trên trần gian này.

Chỉ còn ba ngày nữa là hết tháng kính Đức Mẹ. Theo yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi mọi người hiệp ý cầu nguyện để dâng Đất Nước và Giáo Hội cho Mẹ, chúng ta dùng ba ngày này như Tuần Tam Nhật để tôn kính và cầu xin Mẹ đặc biệt gìn giữ và ban ơn lành cho Tổ Quốc và Giáo Hội Việt Nam. Và để tỏ lòng yêu kính Mẹ, chúng ta cố gắng biến đổi đời sống mình, sống quảng đại và biết từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa đến cùng. Amen.

THỨ BA TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN
Mc 10, 28 - 31
 
Bài Phúc Âm hôm nay tường thuật câu chuyện Phêrô hỏi Chúa về phần thưởng của những người đi theo Chúa. Ông là một người bộc trực, có gì nói đó. Ông muốn biết rõ theo Chúa thì được lợi lộc gì. Một câu hỏi cụ thể, đơn sơ. Nhưng khi các nhà thần học suy ngắm kỹ, lại xem đó là một câu hỏi thật hóc búa khó trả lời. Phúc Âm ghi lại: "Ông Phêrô thưa Chúa: vậy phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì?". Và câu trả lời của của Chúa Giêsu cũng thật khó hiểu: "Ai đã bỏ nhà cửa, cha mẹ... vì Ta, sẽ được gấp trăm về nhà cửa, cha mẹ... cùng sự bắt bớ ngay ở đời này và đời sau được hạnh phúc vĩnh cửu". Chắc Phêrô và các Tông Đồ khác vẫn còn thắc mắc về câu trả lời này. Có thêm một trăm ngôi nhà nữa thì được, chứ có thêm một trăm Bố, một trăm Mẹ, một trăm vợ... thì rắc rối lắm. Ấy là chưa kể đến phần sau của câu trả lời. Theo Chúa mà bị bắt bớ thật chẳng ham chút nào. Còn chuyện hạnh phúc đời sau là gì? Có giống như đời này không? Thật ra, Chúa muốn nói điều gì?

Trước hết, điều Phêrô nói với Chúa không phải là quá đáng. Ông đã thật sự bỏ hết mọi sự để đi theo Chúa. Ông bỏ vợ con, nhà cửa, và ngay cả chiếc ghe đánh cá làm ăn sinh sống ông cũng bỏ luôn để theo Ngài. Ông thật sự quảng đại trước lời mời gọi của Chúa. Mạo hiểm thật! Chưa biết rõ người mình đi theo như thế nào mà đã bỏ tất cả rồi. Và Chúa đã không thua lòng quảng đại của Phêrô. Tình yêu thương của Chúa luôn vượt đến vô hạn. Bài đọc hôm nay đã đề cập đến vấn đề này: ngươi dâng cho Chúa một, Chúa sẽ ban cho gấp bảy lần. Con số bảy có nghĩa là hoàn hảo, đầy đủ. Vậy mà trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu lại hứa: không những chỉ có bảy lần mà còn gấp 100 lần, nghĩa là vô cùng, vô hạn định không thể so sánh được.

Chúng ta là con người. Chúng ta yêu Chúa có hạn, vì tất cả những gì chúng ta từ bỏ, chúng ta dâng cho Chúa, đều có thể tính được. Còn Thiên Chúa thì vô hạn, nên phần thưởng Ngài ban cho cũng vô hạn. Vì thế, ngoài những phần thưởng ở đời này, Thiên Chúa còn thương ban hạnh phúc vô hạn, vĩnh cửu cho những ai tin theo Ngài. Mặc dầu không thấu hiểu phần thưởng vô hạn đó như thế nào, nhưng chúng ta tin rằng Chúa là Đấng Chân Thật, nên lời hứa của Chúa đáng cho chúng ta tin tưởng và hy vọng. Và điều này càng giúp chúng ta sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Chúa một cách không tiếc nuối.

Thánh Phanxicô Assisi là mẫu gương của sự từ bỏ tuyệt đối này. Mặc dầu được sinh trưởng trong một gia đình giàu có, Phanxicô đã từ bỏ gia đình, từ bỏ cuộc sống sung túc, để hoàn toàn theo Chúa bằng một cuộc sống nghèo khó thật sư, vì nhận ra chính Thiên Chúa toàn năng đã trở nên nghèo khó nơi Đức Giêsu xuống thế làm người. Cuộc sống của Phanxicô đã thu hút một số anh em và họ cùng sống theo tinh thần khó nghèo do chính Ngài chủ xướng. Giống như Phanxicô, họ cũng từ bỏ mọi sự, sống cuộc sống hành khất, để tâm hồn hoàn toàn thuộc về Chúa... Thấy Phanxicô sống như vậy, gia đình hết sức tức giận, tìm mọi cách để bắt Phanxicô về lại nhà. Nhưng mọi cố gắng đều vô ích. Thời đó, và thật sự thời nay cũng vậy thôi, nghề ăn xin bị xã hội khinh dễ, nên gia đình của Phanxicô càng tức giận vì bị mất thể diện với xóm làng. Cuối cùng, ông bố của Phanxicô đến xin gặp Đức Giám Mục. Và trước mặt Đức Cha, ông bố xin phép được từ đứa con bất tuân này. Từ đây không còn xem Phanxicô là con nữa. Phanxicô liền cởi ngay áo chiếc choàng đang mặc trao lại cho bố và nói: từ nay con được tự do hơn vì bố không nhận con nữa. Con chỉ còn một Cha trên trời thôi...

Hằng ngày Phanxicô đi ăn xin từng nhà này qua nhà khác. Gia đình có ý muốn làm xấu hổ Ngài nên sai đầy tớ mang đồ ăn thừa đổ lên đầu Phanxicô mỗi khi Ngài đến xin ăn. Lần đầu, vì không để ý, nên Ngài bị bẩn hết. Nhưng hôm sau, Ngài đưa một Thầy đi cùng và khi bị đổ thức ăn dư thừa như trước, Thầy dòng kia liền nói: hỡi Phanxicô, ngươi đã bỏ mọi sự mà theo Chúa thì Chúa sẽ cho ngươi được gấp 100 ở đời này cùng với sự khinh bỉ, ghen ghét và ngày sau được hưởng hạnh phúc trên trời. Phanxicô muốn mình được lời Chúa nhắc nhở về hạnh phúc vĩnh cửu, để có thể chịu đựng được mọi sự sỉ nhục đắng cay. Cứ thế mãi, từ từ người đầy tớ đổ thức ăn cảm thấy thương Phanxicô và cảm phục Ngài. Và cũng từ đó, mọi người trong thành Assisi đều kính trọng Phanxicô, vì đức tính hy sinh, khiêm nhường và nhẫn nại chịu đựng của Ngài. 

Đức tính từ bỏ của Phanxicô thật đáng cho chúng ta học tập và bắt chước. Cho đi tất cả vì Chúa, chúng ta sẽ gặp được chính Chúa, là nguồn hạnh phúc bất diệt. Hôm nay, chúng ta cũng cầu xin Mẹ Maria cho chúng ta biết bỏ mình hoàn toàn để theo Chúa một cách kiên trung. Chính Mẹ cũng là tấm gương của sự từ bỏ mình vì Chúa một cách cao cả và anh hùng nhất. Ngày xưa, Mẹ đã bỏ đi mọi sự để được Chúa đời đời. Mẹ đã phải chịu thử thách, đau khổ tột độ dưới chân Thánh Giá để hiến dâng con mình. Nhìn con mình chết dần với một tinh thần vâng phục hoàn toàn. Vì thế, Mẹ được Chúa thưởng vinh quang hạnh phúc muôn đời và đáng được mọi lời khen ngợi, ca tụng tốt đẹp nhất. Xin Mẹ chỉ dạy mỗi người chúng ta biết từ bỏ mọi sự để theo Chúa trọn vẹn như Mẹ đã sống ngày trước. Amen
 
THỨ TƯ LỄ TRO
 Mt 6, 1 - 6, 16 - 18  

1. Ghi nhớ: "Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh" (Mt 6,4)

2. Suy niệm: Hôm nay Giáo Hội mời gọi các tín hữu anh chay hãm mình, hy sinh cầu nguyện và làm việc bác ái. Lý do nào phải ăn chay? Ăn chay để nhớ các tổ phụ chúng ta đã phải vất vả như thế nào nơi Ai Cập, nơi hoang mạc... cũng như trong sự vất vả gian lao đó Chúa đã đoái thương họ như thế nào. Ngày nay, ăn chay là chúng ta chống lại khuynh hướng hưởng thụ ngày một tăng trong xã hội chúng ta, cũng như ăn chay để có thể cầu nguyện gắn bó với Chúa hơn, và để có gì đó làm việc bác ái cho anh chị em thiếu thốn hơn mình. Như thế mục đích của ăn chay là để có thể gắn bó với Chúa cách mật thiết hơn. Chúa là Đấng thấu suốt tâm can con người, Ngài sẽ ban cho ta hơn nhiều những gì mà chúng ta có thể ước mong. Và ta nên nhớ rằng khi ta khoe khoang hay tự phụ là mình đạo đức... thì lúc đó chúng ta đã lạc xa Thiên Chúa vì nơi Chúa chỉ là khiêm nhường, là hiến thân vì yêu.

3. Sống Lời Chúa: Sống vui tươi khi giúp đỡ người khác

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngày hôm nay Giáo hội khởi đầu Mùa Chay để chúng con tiết chế hầu có thể quên đi bản thân mình mà có thể dể dàng đến với Chúa. Xin cho con biết làm mọi việc mà Chúa muốn với tâm hồn vui tươi hớn hở. Amen.  

 THỨ NĂM SAU THỨ TƯ LỄ TRO
 Lc 9, 22 - 25  

1.Ghi nhớ: "Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo " (Lc 9, 25)

2. Suy niệm: Việc đi theo Chúa không phải là một việc dể dàng. Nó đòi hỏi ta phải có hai thái độ này: từ bỏ mình và đi theo. Thường thì ai cũng có cái tôi của mình, bỏ đi cái tôi của mình là một điều rất khó. Ở đây Chúa mời gọi bỏ đi cái tôi mà đi theo Chúa vì chúng ta có một cái tôi lớn hơn, đúng đắn hơn là cái tôi trong Chúa. Khi ta biết nhìn về một tương lai xa hơn ta sẽ thấy mọi sự đều phải quy hướng về Chúa. Điều này là lẽ đương nhiên vì Chúa là cùng đích của mọi sự. Bỏ đi cái tôi đã khó theo Chúa còn khó hơn: đi theo tức là có hành động, có chủ ý. Thường ta sợ có sự thay đổi, ta muốn trong sự an nhàn, ta ngại khó khăn. Nhưng theo Chúa phải là bước đi, là tiến về Thập Giá Chúa. Vậy khi bỏ mình theo Chúa thì được gì? Không được gì cả ngoài chính Chúa. Mà trên trần gian này có ai ban thưởng đấng có quyền thưởng ban không? Thế thì còn ngại gì mà ta không theo Chúa bởi có Chúa là có tất cả.

3. Sống Lời Chúa: Vững bước đi theo Chúa mỗi ngày.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thường nghi ngờ, chúng con thường so đo tính toán trong việc đi theo Chúa. Xin cho chúng con luôn vững tin rằng Chúa luôn ưu ái cho những ai hằng tin cậy Chúa. Amen.

THỨ SÁU SAU THỨ TƯ LỄ TRO
 Mt 9, 14 - 15

1.Ghi nhớ: "Ngày chàng rể bị đem đi rồi họ mới ăn chay " (Mt 9,15)

2. Suy niệm: Theo sự tính toán thường tình, ta vẫn luôn xác tín rằng Chúa công minh. Nhưng ta thường hay nghĩ tại sao ta phải rửa tội trước, phải giữ đạo trước. Tại sao ta không đợi đến lúc gần chết hãy rửa tội, vì khi đó ta được sạch tội ta sẽ được vào ngay thiên đàng. Còn bây giờ ta phải có gắng sống tốt, tránh xa tội lỗi... lại còn biết đâu có những tội quên xót mà mình chưa đền tội đầy đủ.... Thật là thua thiệt cho những ai được rửa tội từ nhỏ? Nghĩ như vậy có đúng không? Khi được rửa tội có phải ta được trở thành con của Chúa không? Khi vào thiên đàng có phải ta là con của Chúa không? Vậy thì thời gian ta được làm con của Chúa ngay tại trần thế này có phải là thiên đàng không? Tại sao ta lại có sự phân biệt trần gian và thiên đàng? Nếu ta sống tốt ngay tại trần gian này thì thiên đàng chỉ là bước tiếp nối cho thiên đàng mà ta đang sống ngay tại thế này. Chúa cho ta sống hạnh phúc bên Chúa ngay tại thế này thì còn lẽ gì mà ta so đo tính toán.

3. Sống Lời Chúa: Trân trọng thời gian Chúa ban như là quà tặng đầy ân sủng của Thiên Chúa.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa cho con được sớm biết Chúa. Xin cho con biết nhận ra niềm hạnh phúc lới lao được làm con Chúa ngay tại thế này để sau này con không lạ lẫm khi được giáp mặt Chúa. Amen.

THỨ BẢY SAU THỨ TƯ LỄ TRO
 Lc 5, 27 - 32  

1.Ghi nhớ: "Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người " (Lc 5, 28)

2. Suy niệm: Các Trong một câu rất ngắn mà thánh Luca sử dụng đến 3 động từ "bỏ tất cả", "đứng dậy", "đi theo" để nói lên sự dứt khoát với con đường tội lỗi mà Lêvi đang theo. Chọn môn đệ, Chúa Giêsu không ngần ngại chọn người mà xã hội cho là tội lỗi. Ngài chọn theo ý Ngài và Ngài để cho con người tự do đáp trả. Chúa cũng đang mời gọi chúng ta để ta được trở nên tốt hơn. Tình trạng của ta hiện nay không quan trọng, nhưng quan trọng là khi nghe tiếng Chúa mời gọi ta có dám đáp trả cách dứt khoát như Lêvi không? Chúa mời gọi Lêvi làm môn đệ Chúa cho chúng ta một sự an ủi. Cho dù chúng ta có là gì, có tội lỗi thì Chúa vẫn sẳn sàng kêu gọi chúng ta. Bởi đó ta chẳng nên thất vọng vào tình trạng của mình mà hãy vững tin vào lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa và năng đáp trả lại lời mời gọi của Chúa.

3. Sống Lời Chúa: Trông cậy mãnh liệt vào lòng khoan dung của Thiên Chúa.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con là những kẻ tội lỗi, nhưng được Thiên Chúa thứ tha, và mời gọi làm môn đệ Chúa. Xin cho chúng con biết trân trọng ơn cao cả này và dùng trót cuộc đời mà ca ngợi Chúa. Amen.

879    03-03-2014 07:39:11