Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Suy Niệm Tuần X Thường Niên 2012

THỨ HAI TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Thánh Barnaba, Tông Đồ.
Mt 5,17 - 19

1. Ghi nhớ: "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môisen hoặc các lời ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện tòan" (Mt 5,17).

2. Suy niệm: Trong thời Cựu Ước luật Môisen và những lời giáo huấn của các ngôn sứ là nền tảng cốt yếu trong Thánh Kinh. Vì thế Đức Giêsu không bãi bỏ hoặc thay đổi lề luật nhưng Ngài chỉ nhằm kiện tòan cho nên tốt hơn. Đức Giêsu luôn tôn trọng và coi luật cũ như là nền tảng. Trong thực tế cuộc sống ngày nay mỗi chúng ta khi nhận một nhiệm vụ, hay nhiệm sở khi thay thế một người trong một chức vụ nào đó, chúng ta đừng ỷ lại vào tài trí, sức lực và ý riêng của mình mà phá đổ, bãi bỏ cái cũ, người cũ, tương quan cũ ... Nhưng chúng ta hãy biết xây dựng một mối tương quan mới tốt đẹp hơn dựa trên nền tảng cái cũ.

3. Sống lời Chúa: Không tự hào, tự mãn

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, Xin cho con biết tôn trọng những thành qủa mà tiền nhân để lại. Để con có thể kết hợp hài hòa giữa cũ và mới. Amen

THỨ BA TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Mt 5,13 - 16

1. Ghi nhớ: Chính anh em là ánh sáng cho trần gian (Mt 5,14)

2. Suy niệm: Chúa Giêsu dùng hình ảnh muối và ánh sáng để nói về các môn đệ, Ngài không có ý đề cập đến những tư tưởng, những chân lý mang tính lý thuyết nhưng là cuộc là chính cuộc sống của họ. Muối và ánh sáng mà Chúa Giêsu nói đến không dừng lại ở những hình ảnh gây ấn tượng để đời cho bằng là một cuộc sống, một cuộc sống với những công việc tốt đẹp mà các môn đệ Chúa Giêsu phải làm. Công việc tốt đẹp chính là hoa trái thánh Thần mà Thánh Phaolô nói đến. Tất cả những công việc đó đều phụng sự Chúa Cha và tôn vinh Chúa Cha.

Để muối có thể mang đến ích lợi cho đời và ánh sáng có thể đem đến sức sống cho trần gian đòi buộc phải có đủ 2 điều kiện là : chấp nhận hao mòn và phát toả muôn nơi. "Anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian" lời này vừa là lời khen tặng, vừa là lời mời gọi mỗi người chúng ta ý thức sứ mạng và ơn gọi của mình trong thế giới hôm nay là phải cho mọi người nhận biết Chúa Kitô; phải đem ánh sáng Tin Mừng Ngài chiếu soi, hướng dẫn mọi người trên thế giới. Bao lâu con người chưa nhận biết Chúa Kitô và ánh Tin Mừng của Ngài, bấy lâu con người còn do dẫm trong tối tắm lầm lạc. Bao lâu chúng ta còn đông cứng với chính mình, không chấp nhận hao mòn và lan toả là bấy lâu con ngươiø tiếp tục sống trong thất vọng và lo âu.

3. Sống lời Chúa: Chúng ta hãy tiếp đón Chúa Giêsu vào tâm hồn và vào cuộc sống của ta để Ngài biến đổi chúng ta thành muối ướp đời và ánh sáng soi cho trần gian

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, con muốn dấn thân làm chứng cho danh Ngài, xin Ngài thêm sức mạnh cho con để việc làm của con mang lại cho cuộc sống mỗi ngày thêm tươi mới và đầy sức sống nhờ Tin Mựng của Chúa. Amen.

THỨ TƯ TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Thánh Antôn Pađôva, linh mục

Mt 5,17-19

1. Ghi nhớ: "Thầy đến không phải bải bỏ nhưng là để kiện toàn" (Mt 5,17b)

2. Suy niệm: Chúa Giêsu đã xác định rõ ràng, Ngài đến không phải để phá luật pháp nhưng là để làm cho trọn luật pháp. Ngài đến chỉ cho con người thấy rõ ý nghĩa của luật pháp. Luật của Thiên Chúa được tóm gọn trong mười điều răn. Nguyên tắc căn bản vẫn là tôn kính Chúa và yêu thương con người. Chúa Giêsu đã vạch rõ: sự tôn kính Chúa và tôn trọng đồng loại không hệ tại trong việc tuân thủ luật lệ cách chi li nhưng ở lòng nhân từ, không cốt ở bề ngoài nhưng ẩn kín trong tình thương mến.

Mỗi ngày ta nhận ra luật Chúa là định hướng tốt đẹp và an toàn cho cuộc sống con người. Luật lệ do con người đặt ra có khi chỉ để phục vụ cho một nhóm người để làm khổ nhiều người. Nhưng luât Chúa đặt ra luôn đem lại ích lợi cho mọi người. Lề luật mang lại ích lợi cho con người khi nó mang tinh thần yêu thương. Chúa Giêsu đã làm được điều mà không ai dám nghĩ: Bãi bỏ những nghi lễ rườm rà để mặc lấy tinh thần cần thiết bên trong.

3. Sống lời Chúa: Làm thật lòng và hết mình khi nhận lãnh trách nhiệm.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, chính Chúa đem đến cho con sự an nhàn, tin tưởng qua lề luật của Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết tuân theo luật ấy trong tinh thần khiêm tốn và yêu thương. Amen.

THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Mt 5, 20 - 26

1. Ghi nhớ: "Anh em hãy mau mau dàn xếp với đối phương khi còn đang đi với người ấy tới cửa công" (Mt 5,25)

2. Suy niệm: Sống hiền hoà vẫn là cách sống có nhiều bè bạn. Đó cũng là lối sống mà Chúa Giêsu mong muốn nơi các môn đệ. Các con hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Trên con đường đi đến sự thiện hảo, con người ắt sẽ gặp nhiều trở ngại. Trở ngaị nơi chính bản thân khi ta chưa hoà hợp với những người ta gặp gỡ. Ta vẫn còn khó chịu với người sống bên cạnh ta. Ta chưa đủ khoan dung để đón nhận những giới hạn của anh chị em. Chúa luôn muốn ta bước đến người bất hoà với ta để làm hoà trước khi đến với Cha.

Có thêm bạn sẽ bớt được thù. Làm hoà là dấu hiệu của sự tha thứ. Tha thứ không phải là nhát đảm nhưng là hành động của kẻ anh hùng. Khi tha thứ hay làm hoà là lúc ta nhận được chứ không phải mất đi.

3. Sống Lời Chúa: Chủ động tìm dịp thuận tiện để làm hoà với một người ta không ưa thích.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, chính Chúa đã không ngại xin Cha tha cho kẻ thù. Xin cho chúng con biết sống hiền hoà trong tình thương mến, khi con biết tha thứ cho người. Amen

THỨ SÁU TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Ga 19, 31 - 37

1.Ghi nhớ:"Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì nước cùng máu chảy ra" (Ga 19,34).

2.Suy niệm: Từ lưỡi đòng của một tên lính đâm vào cạnh sườn, xuyên thấu trái tim Chúa Giêsu, tức thì "máu và nước chảy ra". Chính từ cạnh sườn Chúa đã tuôn ra nguồn suối cứu độ, rửa ta sạch mọi vết nhơ tội lỗi, đem lại sự sống mới cho nhân loại. Máu tượng trưng phép Thánh Thể, nước tượng trưng phép Rửa. Chính từ cạnh sườn Chúa Giêsu đã phát sinh Hội Thánh. Như con chiên vượt qua phải tinh tuyền (x.Xh 12,46) không bị gãy một cái xương nào, Chúa Giêsu cũng không bị đánh gãy ống chân. Chúa Giêsu cũng đúng là Chiên Vượt Qua, vì ngay đúng giờ các tư tế của giao ước cũ sát tế con chiên vượt qua tại Đền Thờ Giêrusalem, thì Chúa Giêsu cũng dâng mạng sống mình trên thập giá để xoá tội trần gian.

3.Sống lời Chúa: Hy sinh đền tội, để đáp đền tình yêu của Chúa đã hy sinh cho ta.

4.Cầu nguyện: Xin cho con ý thức rằng Chúa chịu chết để con được sống, hầu xa lánh tội lỗi, sống gắn bó với Chúa hơn. Amen.

THỨ BẢY TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lc 1, 41 - 51

Phụng vụ Giáo hội đọc Tin Mừng thánh Luca 1, 41-  51 trong ngày Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ với trình thuật cuộc viếng thăm, gặp gỡ giữa Đức Mẹ và người chị họ Ê-li-sa-bet. Bản văn Tin Mừng đọc trong thánh lễ hôm nay được bắt đầu ngay bằng lời ca của người chị họ Ê-li-sa-bet ( c 41), chứ không phải từ câu 39 của chương 1 cho trọn vẹn bài đọc. Tuy thế, chúng ta vẫn có một sự xuyên suốt của bản văn khi suy niệm Tin Mừng.

Đức Mẹ đã rời Nazaret để đi thăm bà Ê-li-sa-bet, chắc chắn , đây phải là cuộc gặp gỡ của niềm vui và hạnh phúc. Mẹ đến để chia sẻ với niềm vui của người chị họ đang mang thai, nhưng đồng thời, Mẹ cũng đến để chia sẻ niềm vui của chính mình cho người chị họ, sau khi lãnh nhận sứ điệp của Thiên Chúa uỷ thác. Mẹ đến gặp, hàn huyên chuyện trò, giúp đỡ chị Ê-li-sa-bet bằng một tình yêu từ trong trái tim mình. Tình yêu nơi Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ gợi đến cho chúng ta sứ điệp của tình yêu. Trái tim, biểu tượng của tình yêu, mà nơi Mẹ, đó  là một tình yêu thanh khiết và hoàn toàn tự hiến, trao ban cho Thiên Chúa và cho mọi người, tình yêu của sự rao loan tin mừng cho người khác. Đó cũng là tình yêu của sự sẵn sàng chia sẻ buồn vui, gánh lấy những vất vả, lo lắng của người khác, để rồi, tình yêu nơi trái tim Mẹ cũng là tình yêu của chấp nhận mọi đau khổ trong cuộc đời của chính Mẹ. Chính tình yêu đó đã khai mở, dẫn đưa Mẹ đến gặp chị họ Ê-li-sa-bet.

Sự hiện diện của Mẹ đã không chỉ làm chị Ê-li-sa-bet hạnh phúc, nhưng còn cho bào thai trong lòng người chị họ cũng sung sướng nhảy mừng ( c.41 ). Lẽ ra, đây là một hiện tượng bình thường khi bào thai ở độ tháng thứ sáu thường ngọ nguậy trong lòng người mẹ. Nhưng với Ê-li-sa-bet, bà đã giải thích và mặc cho hiện tượng này bằng một sự diễn giải hoàn toàn khác thường. Đó là niềm vui và sự đầy tràn Thánh Thần (c 42), một sự diễn giải thường tìm thấy trong Kinh Thánh. (Xh 31,3; Ds 11,17-29; 24,2; Tl 3,10; 6,34; 14,6; 1 Sm 10,6; 10,10; 11,6). Sự đầy tràn Thánh Thần được miêu tả như một sự kiện đặc biệt và khác thường mà chỉ người tin mới mô tả được tâm trạng hạnh phúc ấy. Và với sự đầy tràn Thánh Thần ấy, nhìn từ bên ngoài, Thánh Thần sẽ đến trên những người tin để họ thực hiện nhiệm vụ cụ thể nào đó. Đây là thời điểm đặc biệt của bà Ê-li-sa-bet khi được đầy tràn Thánh Thần để bà Ê-li-sa-bet thực hiện nhiệm vu đặc biệt của mình : soạn ra một bài ca ngợi Thiên Chúa qua Đức Ma-ri-a( c. 42 -45).

Bài hát mà Ê-li-sa-bet soạn và cất lên là sự ngợi ca Thiên Chúa. Trong thi ca Do Thái, bài ca ngợi này chứa đựng một lối song song ba yếu tố:

" Được chúc phúc giữa muôn người phụ nữ" (c. 42)

" Người con em cưu mang cũng được chúc phúc" ( c. 42)

" Em được chúc phúc vì đã tin" ( c. 45).

Đức Ma-ri-a được chúc phúc giữa muôn người phụ nữ, có lẽ, không vì những gì Mẹ đã làm nhưng Mẹ có phúc vì tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ. Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn và được trao sứ mạng đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài đã làm cho Trái tim Mẹ trở nên cung điện xứng đáng của Chúa Thánh Thần, để chương trình cứu chuộc loài người được thực hiện. Trong tư cách thụ tạo của Thiên Chúa, Mẹ được ân ban đặc biệt để nhận lãnh sứ mạng của tình yêu, của sự cứu độ. Sự tin yêu, vâng phục, và phó thác vào Thiên Chúa của Mẹ là nền tảng của tình yêu nơi trái tim Mẹ. Mẹ được Thiên Chúa sủng ái, được toàn vẹn hoá phẩm giá người nữ nơi Mẹ cưu mang. Chính sự diễm phúc này, Mẹ đã đồng hành cùng Con Mẹ và đồng hành với nhân loại trên đường về Nước Trời.

" Mẹ của Đấng Cứu Thế" ( c 43). Ê-li-sa-bet đã nhìn Đức Ma-ri-a với một cái nhìn vượt trên những gì hữu hình nơi thân xác Mẹ, để nhận ra người em họ của mình sẽ là Mẹ Đấng Cứu Thế. Điều này gợi nhớ lại lời nói của Vua Đavit khi ông nói về Chúa của mình " Sấm ngôn của Đức Chúa, ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: "Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con" (Tv 110,1). Ê-li-sa-bet dường như đã nhận ra người con mà người em Ma-ri-a sẽ sinh ra chính là Đấng Cứu Thế. Trong cuộc sống đức tin người Kitô hữu hôm nay, giữa những khó khăn, buồn vui của cuộc sống, Mẹ Ma-ri-a luôn là nơi để mọi người chạy đến khẩn cầu. Mẹ chuyển trao và cầu bầu cho chúng ta trước toà Chúa. Mẹ yêu chúng ta, một tình yêu của người Mẹ trọn vẹn nhất, hy sinh, trao ban và làm tất cả vì con cái Mẹ. Trái tim Vô Nhiễm Mẹ thanh khiết, ôm lấy tất cả những đau khổ, tội lỗi của con cái Mẹ, để từ đó, xin Chúa ân ban và giải thoát chúng ta khỏi những nước mắt và than khóc, những chán chường và thất vọng, những bế tắc và nghi nan. Mẹ ở đó với mỗi người chúng ta, sẵn sàng chờ đợi lời cầu xin của chúng ta trong mỗi giây phút cuộc đời. Vì, Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế và cũng là Mẹ của chúng ta.

" Mẹ có phúc bởi vì Mẹ đã tin" (c 45). Được chúc phúc cũng đồng nghĩa với hạnh phúc mà Mẹ được Thiên Chúa ân thưởng. Mẹ có phúc bởi vì Mẹ đã tin. Chúng ta có thể nhận ra được quy trình đó: đầu tiên, Thiên Chúa ban cho Mẹ ân sủng của Ngài, sau đó, Mẹ đã tin và cuối cùng Mẹ đã có được sự hạnh phúc bên trong tâm hồn. Và, ở đây, chúng ta có thể có được công thức : Ân sủng + Niềm tin = Hạnh phúc nội tại. Niềm tin như là chìa khoá để mở kho tàng quà tặng của Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta.

Lời ca ngợi Mẹ của người chị họ Ê-li-sa-bet được Mẹ đáp trả bằng bài ca tạ ơn Thiên Chúa. Mẹ đã hát, ngợi ca sự vĩ đại và vinh quang của Thiên Chúa bởi Mẹ nhận ra lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Mẹ cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã đổ tràn tình yêu, bình an, niềm vui và sự công chính của Ngài trên Mẹ. Mẹ đã sống sự thanh khiết, để làm đẹp đền thờ Thiên Chúa nơi Mẹ. Trái tim thanh khiết của Mẹ đã được Chúa chúc phúc và ngự đến.

Còn chúng ta, phải chăng tâm hồn chúng ta vẫn chưa thực sự là cung điện để Thiên Chúa ngự đến? Những bất trung, tội lụy, những yếu đuối và đam mê, những hận thù và chia rẽ... đã khiến chúng ta không thể sống thánh trong mỗi phút giây đời mình? Đã làm cho tâm hồn chúng ta trở nên nhơ uế? Đã làm cho chúng ta không nhận ra tình yêu không bờ bến của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người? Chúng ta có theo Mẹ để đón nhận sứ vụ của mình bằng một niềm tin và thái độ vâng phục tuyệt đối hay không? Mẹ đã tin cậy vững vàng và phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời Mẹ. Còn chúng ta, phải chăng chúng ta chỉ sống bằng niềm tin nửa vời, một sự phó thác nửa vời nơi cuộc đời Kitô hữu của mình?

Lạy Thiên Chúa chí thánh,

Chúa đã làm cho Đức Trinha Nữ Ma-ri-a nên cung điện xứng đáng của Chúa Thánh Thần.

Vì lời Đức Trinh Nữ chuyển cầu, xin thương  giúp chúng con cũng trở nên đền thờ Chúa ngự. Amen.

Nt. Têrêsa Ngọc Lễ (nguồn tinvuixuanloc.org)

1718    11-06-2012 22:17:33