Sidebar

Thứ Tư
17.04.2024

Tại Sao Giữ Ngày Chúa Nhật?

Giữ như thế nào?

Tông Thư của Đức Gioan Phaolô II, những đoạn dạy về giữ Chúa Nhật, lời dạy vừa cao siêu vừa bao quát. Xin đơn giản hóa để dễ thấy, dễ hiểu, và nhờ đó có thể dễ giữ hơn.

Tại sao giữ Chúa Nhật?

Chúng ta là vật thọ tạo, phải thờ Đấng tạo dựng, thờ nghĩa là nhìn nhận Chúa là Chúa tể trên hết, còn chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa.

Phần khác, những thứ ta có cũng do Chúa tạo dựng ban cho, nghĩa là Chúa cũng là Đấng làm ơn tuyệt đối; không giây phút nào Chúa không ban ơn. Hơi thở ra, thở vào cũng nhờ Chúa ban cho.

Vậy chúng ta phải thờ và trên pháp lý phải thờ thường xuyên. Nhưng trong thực tế, chúng ta không thể thờ phượng, tri ân thường xuyên được. Vì chính sự sống của chúng ta nói được là phức tạp. Đúng lý là có một sự sống nền tảng, nhưng có nhiều phương diện, nhiều bộ mặt. Sống thể lý, sống tâm linh, sống thiên nhiên. Mặc dầu hợp nhất, nhưng mỗi bộ mặt sống, còn giữ phần nào tính cách riêng biệt của nó. Nó đòi được ăn, đòi được nghĩ tưởng, nhưng trên nguyên tắc phải tùy thuộc sống siêu nhiên. Do đó, không thể thường xuyên tôn thờ. Vì vậy, Chúa mặc khải, chỉ bảo trong Cựu Ước: Phải dùng ngày Thứ Bảy để tôn thờ, nghỉ việc xác để tôn thờ. Dựa vào hình thức, Chúa tạo dựng trong 6 ngày, thứ 7 Chúa nghỉ ngơi (hiểu theo cách gợi ý, trừu tượng).

Hội Thánh ngày nay chuyển ngày Sabbat (thứ 7) sang Chúa Nhật để tưởng niệm Chúa sống lại, nhưng vẫn giữ một ý nghĩa: ngày tôn thờ, ngày nghỉ việc, và chỉ rõ những việc phải làm, phải giữ:

- Phải tham dự Thánh lễ.

- Phải kiêng việc xác.

- Thực hiện tánh cách liên kết, tình huynh đệ.

- Làm việc lành: nghĩa là nhớ đến, chú tâm đến đời sống siêu nhiên, sống đạo.

Thờ là phận sự của mỗi người, kể là cá nhân riêng biệt, mà cũng là phận sự của nhân vật đã thu nhận những tinh túy của vạn vật, trở thành đại diện thay thế cho vạn vật vô tri thờ Chúa.

Con người lại là vật sống xã hội. Chúa ban cho tâm ý sống xã hội, và hướng dẫn cuộc sống xã hội, nên nói được chính Chúa tạo nên xã hội. Do đó, xã hội cũng phải tôn thờ. Vì thế, xã hội cũng có phận sự tôn thờ. Nhờ Thánh lễ quy tụ nên cộng đoàn, nên đại gia đình của Chúa.

Phận sự tôn thờ, kể là quan trọng, khẩn thiết, cho nên không được để cho bận rộn của cuộc sống thể lý, làm trở ngại cho việc tôn thờ, vì thế phải kiêng việc xác, phải nghỉ ngơi, không phải để bồi dưỡng, nghỉ khỏe mà để làm việc lành. Nghĩa là lo nghỉ đến đời sống siêu linh và sống đạo, là làm những việc nâng cao, bảo vệ sống đạo.

Trong những điều nói trên đây giúp chúng ta nhận định rõ hơn về Tông Huấn. Luật giữ Chúa Nhật, chúng ta biết là luật trọng. Bỏ xem lễ ...tâm trạng chúng ta kể là tội trọng. Nhưng luật Chúa Nhật là luật không nằm sâu trong bản tính: như luật cấm giết người. Chúa không ra luật chúng ta cũng biết. Còn giữ ngày Chúa Nhật, Chúa cần phải dạy tỏ mới biết, nên không buộc với trở ngại nặng (Vd: ở xa hay bệnh hoạn...) không xem lễ được thì không mắc tội.

Chúng ta giữ ngày Chúa Nhật như thế nào?

Dự lễ ra sao?

- Lễ cũng vui vui, mình đi dự, không dự có tội, nên cùng cực phải giữ.

- Tâm trạng như thế thì đứng ngoài nhà thờ cho khỏe, cho mát...không lạ gi!...Tệ hơn, là dịp để giao du.

Chúng ta nên nhớ, Chúa Nhật, Thánh lễ là trung tâm điểm của đời sống đạo, là phận sự quan trọng và là việc cao trọng trong đời.

Tháng 8-2007

9614    23-01-2011 21:45:33