Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Tản Mạn Philippines

Lm Sơn Đoài

Thường nghe người này người kia đi về, vừa kể vừa khoe bên Tây, bên Mỹ, bên Úc, không mấy ai nhắc Philippines. Có số người đạo Công giáo nghe đài phát thanh Chân lý Á Châu, cũng chỉ nghe phát thanh từ Manila. Ngay các linh mục trong giáo phận Vĩnh long, thường gặp Đức Ông Tài, "bồ nhà",về nước giảng dạy, như mình đi chợ, cũng biết lơ mơ.

Riêng năm vừa qua, vào mùa gió bão mới nghe dồn dập tin tưc thiên tai bão lụt, biển động, sóng thần, núi lửa...như giận dữ, nhận chìm nước Philippines xuống  lòng đại dương  thăm thẳm.

Thấy vậy về tìm báo mạng, tìm hiểu biết được Philippines, một quốc gia vốn thường xuyên phải hứng chịu động đất và các trận bão lớn, mỗi năm có tới 37 ngọn núi lửa phun trào, 22 núi còn hoạt động thường xuyên. Thảm họa kinh hoàng nhất, hai trận phun trào núi lửa Pinatubo 1991, khu dân cư này đã phải đóng cửa.

Gần đây nhất vụ việc nghiêm trọng liên quan chính trị, Trung quốc xâm lấn lãnh hải, biển  Tây thuộc Philippines. Căng thẳng giữa hai bên bắt nguồn từ một vụ va chạm vào đầu tháng tư khi tàu Hải quân Philippines chặn tám tàu  đánh cá, Trung quốc đến can thiệp.Từ đó Philippines trở thành  điểm nóng sôi động, thu hút cả dư luận quốc tế phải vào cuộc chống Trung quốc. Điển hình, bất ngờ đến ngạc nhiên, đọc thấy một danh sách thật dài, tưởng như vô tận"nhóm nhà KHVN" gửi thư cho đại sứ Philippines, nội dung: "Kính thưa Ngài Jerril Galban Santos, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Philippines tại Việt Nam Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, đại diện cho bản thân và cho ý kiến của nhiều công dân Việt Nam khác, theo dõi với mối quan tâm  chặt chẽ các sự kiện đang xảy ra tại Panatag (Biển Đông theo Việt Nam) và bày tỏ ý kiến của mình như sau :

1.     Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền chủ quyền và các hành động bảo vệ quyền chủ quyền của nước Cộng Hòa Philippines trong khu vực Panatag Shoal.

2.     Chúng tôi kiên quyết phản đối Trung quốc áp đặt "đường chín đoạn" không có cơ sở lịch sử  và pháp lý vào Biển Tây.

Đặc biệt trong bức thư này có tên và chữ ký số thứ tự 47 của Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Đức Hợp, GM chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của HĐGMVN.

Đọc tới đây, mình thở phào nhẹ nhõm, cảm giác sảng khoái, nghĩ bụng "phải vậy chứ", Giáo hội đồng hành cùng dân tộc mà, vui, buồn, âu lo, bức xúc bất công với xã hội với  con người hôm nay.Hơn nữa  đọc thấy trong danh sách,toàn  các nhà trí thức khoa học tiếng tăm của Việt Nam.

Tình cờ nghe  cha Đảm thỏ thẻ với mấy cha lẻ tẻ trong Hạt Vĩnh Kim đi Philippines,mình hỏi tới và xin đi ké được không ? Mừng rên, cha Đảm nói được, có cha Khương Trà Vinh nữa. Không chắc ăn, còn một tuần mình nhắc lại, cha  Đảm nhắn tin gởi Hộ chiếu kèm theo 250 USD mua vé máy bay. Vậy là vững bụng, chưa có 250 USD cũng phải chãy cho ra, cơ hội ngàn vàng mà, giá cũng bèo.

Tối 3/6 chiếc xe  16 chỗ đưa chúng tôi, 17 cha tới Phi trường Tân Sơn Nhất, làm thủ tục đi chuyến bay đêm. Vừa tắt đèn, ngủ một giấc, không mộng mị, 4 giờ sáng hôm sau 4/6 đã  xuống Phi trường  Quốc tế  Philippines.Như vậy, sau 3 tiếng, giờ Philippines đi trước giờ Việt Nam 1 tiếng. Đêm  Philippines đã hừng sáng,  mọi cảnh  vật vẫn chìm trong yên tĩnh. Đức Ông Tài đã đón sẵn chúng tôi bên ngoài, tay bắt mặt  mừng,dù mặt có méo xẹo vì thiêu ngủ, miệng vẫn tươi cười mừng rỡ, mình đã tới xứ lạ,hai chiếc xe rước chúng tôi đã đậu sẵn. Nhìn thấy hàng chữ xanh, vàng  RADIO VERITAS ASIA dán kính sau, như rực sáng trước cửa Phi trường thênh thang, mình cảm giác  hãnh diện, tự hào, oai phong bước lên xe, được đội bảo vệ và  Police  trịnh trọng nhường chỗ.

Đêm Philippines, mặc dù đã  5 giờ sáng, giờ Philippines, vẫn im lìm trong không gian tĩnh mịch. Đèn thành phố vàng nhạt, các hàng quán còn ngủ yên, ánh sáng dọi ra yêu ớt; Cảm giác lạ đầu tiên, sao vắng vẻ, không người qua lại; các loại xe chỉ mở code đèn vàng êm dịu, hiền hòa, không phản chiếu ai.Tại Việt Nam , bất hạnh cho ai phải đi ban đêm, bị mọi loại đèn pha mạnh được yếu thua, hành hạ mắt mình; ngoài ra  còn khổ vì kèn xe, nhấn vô tội vạ, dinh tai, nhức óc ngày đêm.Tại Philippines mình  có cảm giác không nghe cả tiếng động xe chạy trên đường phố. Hỏi ra mới biết, cũng giống bên Tây,Mỹ,và một vài nước trong khu vực Asian mình đi. bóp kèn xe là chửi độc đó !

Xe  đã vào cổng,  nhìn đúng  địa chỉ như trên kinh xe: RADIO  VERITAS ASIA, Nhân viên bảo vệ đẹp quá, lịch sự quá, oai phong như sĩ quan quân đội, người nào người nấy đồng phục giống nhau cả nước Philippines, mang súng Colt, đèn pin, hộp cứu thương, cây ba-trắc, chắc tuyển mộ, cao ráo, ngoại hình dễ coi,chào đón, niềm nở, ra mở  cổng. Xe đậu trước của nhà, xuống hành lý, chính Đức Ông Tài hướng dẫn như nhân viên khách sạn chuyên nghiệp, chỉ phòng, đặc biệt hơn khách sạn năm sao, có dán tên từng phòng. Ồ ! Chu đáo quá, cũng phòng đôi, phòng ba giường nệm trải "ra" trắng muốt., nhà tắm, vệ sinh, máy lạnh riêng, khác gì khách   sạn tiêu chuẩn hai, ba sao ! Đầu tiên mình lăn đùng xuống giường nệm ấm êm, ngủ một hơi lấy sức.

Nếu du khách nào đi tìm Resort để an tĩnh, nghỉ ngơi thư giãn, nơi  nào bằng đây: hai dãy nhà mười phòng, hành lang ở giữa chạy dọc, phòng hai bên  như khách sạn chính hiệu, chỉ là dãy nhà trệt, các vị chân yếu tay mềm khỏi lên xuống cầu thang.mệt thân. Khuynh hướng tây phương, vì họ thiếu, nên họ thích tìm nơi hoang dã, cây xanh, bóng mát. Nơi đây cây cảnh bốn mùa, cả đông tây kim cổ,có đủ loại vùng khí hậu ôn đới, nhiệt đới;  thân thiện cây húng quế bên "quán gió", mình ngắt một chùm bông tim tím lên hửi, còn nhét lỗ tai, thêm mùi đặc trưng Việt Nam, có chùm khế ngọt, dây trầu bà.uốn quanh; tôi say mê ngắm cây cổ thụ từng mấy người ôm, bao phủ quanh khuân viên của Đài  rộng khoảng 4ha, không mấy khi thấy bóng người qua lại. Phòng nhà nguyện nhỏ, chỉ ba dãy băng ghế đủ cho mười lăm người, thật ấm cúng, dễ suy tư và cầu nguyện, hai bên cửa kính trong suốt, tôi thích nhìn ra phía bên trái, ở đó có một vuông vườn nhỏ, xinh xắn,có tượng Đức Mẹ La-Vang, đứng cheo leo trên mỏm đá nhân tạo, dưới chân Mẹ đầy rêu xanh ẩm ướt và nhiều cây hoa kiểng xanh um, tạo không gian thanh khiết. Tôi suy nghĩ có những nghịch lý buồn cười, đang khi thế giới thèm khát thiên nhiên hùng vĩ, họ trân trọng trồng rừng cây xanh, ở quê hương Việt Nam chúng ta được thiên nhiên ưu đãi, lại phá hủy, chặt đốn, cưa cắt bừa bãi,vô tội vạ, vô tổ chức và vô trách nhiệm, mà báo chí, thông tin, truyền hình,trang mạng phê phán, kể cả truy tố, vẫn chỉ là lời kêu cứu trong sa mạc.Tôi ngẫm câu nói ở Singapore đáng học: "Thành phố trong rừng, không phải  rừng trong thành phố". Họ "yêu cây như con, yêu nước(tưới cây) như máu".

Thánh lễ xong, chúng tôi  được mời ra "quán gió" ăn sáng. Thoạt nghe"quán gió" tôi tưởng ra phố  chợ, trên bãi biển, hóng  gió, ngắm tàu thuyền , du khách qua lại, ai ngờ xuống nhà ăn, vừa nhà bếp, ba bề lộng gió, tuyềnh toàng, trống trước trống sau, lợp sơ sài mấy tấm tôn xi-măng. Hằng ngày Đức Ông Tài dùng cơm ở đây, chắc theo gương nhà Nazareth xưa ! Tôi vừa ngồi ăn vừa với tay hái mấy trái ớt hiểm thất ấm lòng nhớ quê hương ở đây. Về đêm, mấy cha Việt Nam du học Philippines có mặt ở đây cùng với mấy Sơ Mến Thánh Giá Chợ  Quán cũng du học bên đây tiếp đón, phục vụ chúng tôi tận tình, soi cóc quanh vườn cây trong nhà, kết hợp mấy cha  trong đoàn chúng tôi có "tinh thần ăn uống", nấu được một nồi cháo cóc nóng hổi, cũng húp sì sụp, tâm sự hàn huyên tới sáng.

Sáng nay, Đức Ông  dẫn chúng tôi đi thăm và giới thiệu toàn cảnh cơ quan  RADIO VERITAS ASIA, tất cả nhà tầng trệt, mái bằng, vì ở Philippines giông bão thường xuyên, rất nhiều phòng chạy dọc, hành lang ở giữa dài thăm thẳm. Lên sân thượng chỉ thấy hai chảo Anten đặt dưới đất cực mạnh, thu sóng từ vệ tinh quốc tế. Lần lượt  đến các phòng thu chương  trình phát thanh  Đài Chân lý Á Châu từ Manila, mỗi ngày hai buổi về Việt nam và nhiều nước Á Châu. Mình đúng Hai lúa  Miền  tây, cái gì cũng  thấy lạ, thích xem, tò mò như em bé. Mình hỏi trắng trợn Đức Ông Tài :

- Máy móc đâu trống trơn thế này ?

Đức Ông lật nắp đậy lên, như bếp ga và  chỉ :

- Đây, hệ thống này xưa rồi. Bây giờ mới gọn hơn, nhẹ lắm.

Qua nhiều phòng khác, cũng chẳng có gì to lớn, chỉ ấn tượng hệ thống máy phát điện lớn thật như nhà máy điện  các thành phố lớn ở Việt Nam. Đức Ông Tài, giống chuyên viên kỹ thuật, chỉ lên bảng dày đặc nút xanh, đỏ và bảo: hệ thống này tự động, mất điện thành phố, lập tức hệ thống này phát điện, chương trình thu không bao giờ trở ngại.

Tuy nhiên, đây chỉ là trung  tâm  thu sóng chương trình, sau đó gởi lên trung tâm  phát sóng ở xa, cách 300km trên diện tích  đất 300ha. Được biết RVA ASIA được hình thành 1969, sau đài VATICAN 1931.

Theo nhận định, ngày  9-3-2009 Tòa Thánh Vatican đã mời các Giám mục 82 quốc gia nghiên cứu về các thách đố và các khả  năng do các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đặt ra cho việc loan báo Tin mừng, một sự thức thời  rất cần thiết rất tuyệt vời. Làn sóng RVA đã nuôi dưỡng nhiều tâm hồn, dẫn đưa nhiều người đến với Đức Kitô như ở Trung quốc, Miến điện, Ấn Độ,Việt nam...Tôi hỏi Đức Ông Tài:

- Về tài chánh, không quảng cáo, làm sao phát triển và  tồn tại ?

Hề ! Hề ! Đức Ông Tài cười cười trả lời :

- Ngày xưa được tài trợ 4.000.000USD/năm, nay chỉ còn 2.000.000USD/năm, nên nhân viên Đài cũng giảm từ 170 người, nay còn 70 người.. Tuy nhiên, những phương tiện kỹ thuật số bây giờ tinh vi hơn nên có thể giảm bớt nhân viên.

Tôi đã được nghe kể một buôn làng dân tộc tây nguyên Việt nam rủ nhau tới nhà thờ Công giáo xin Ông Cha cho Rửa tội gia nhập đạo. Cha Xứ rất vui, nhưng ngài băn khoăn làm sao dạy giáo lý cho họ? Họ hăng say, trả lời ngay: "chúng con đã học giáo lý và dự lễ  Chúa nhật hàng tuần trên đài phát thanh Chân lý Á Châu rồi". Và ở Trung quốc, người tân tòng cũng giống như thế.

Riêng Đức Ông Tài  được Tòa Thánh Vatican giao Giám đốc RVA, qua vài ba ngày đến xem, nghe và sống với ngài, tôi cảm nhận đúng tinh thần và sống thực của ngài qua một bài suy niệm trên đài phát thanh Chân lý Á Châu về sứ mệnh truyền giáo:

"Sứ mệnh truyền giáo phát xuất từ con tim đầy yêu thương của Chúa, nên phổ quát, nhưng đồng thời cũng cần phải cụ thể, rõ ràng. Người đồ đệ của Chúa cần phải mở rộng tâm hồn, hân hoan đón nhận tất cả những anh chị em, không loại trừ ai. Nhưng đồng thòi không được bỏ quên những anh chị em cụ thể bên cạnh. Đành rằng con tim của người Tông đồ phải ấp ủ yêu thuơng trọn cả thế giới, nhưng không vì thế mà bỏ rơi cộng đoàn nhỏ bé của chính mình như trường học, nhà thương, xứ đạo và nơi làm việc "Cảm nhận ý tưởng trên tôi liên tưởng chuyện" Hoàng tử và con cóc.

"Ngày xửa ngày xưa, có một hoàng tử rất khôi ngô tuấn tú và giàu có. Rủi cho hoàng tử là chàng ta gặp phải mụ phù thủy độc ác cho biến thành con cóc xấu xí. Mụ phù thủy ra điều kiện là chỉ khi nào có một cô gái xinh đẹp chấp nhận hôn con cóc,thì chàng hoàng tử mới được giải  thoát khỏi sự bất hạnh đó. Nhưng làm sao có thể tìm gặp một cô gái đẹp chấp nhận hôn con cóc xấu xí.Bất cứ con cóc đi đâu, người ta đều xa lánh chạy trốn nó và chính nó cũng xa lánh mọi người. Nhưng một ngày kia, có một thiếu nữ xinh đẹp để ý đến con cóc, và cũng với hết lòng yêu thương, cô nâng con cóc lên, đặt lên nó một nụ hôn.Bỗng con cóc biến mất và hiện ra trước mặt cô là một hoàng tử đẹp trai, thông minh, tuấn tú.Hai người  kết hôn  với nhau và sống một đời hạnh phúc.

Quả thực, Đức ông Tài đang nuôi chú thanh niên nghe gọi tên Boy, cha người Philippines, mẹ gốc Việt, nghèo khổ, đã chết hết, chú này vừa ngọng, vừa điếc.

Hôm sau Đức Ông cho anh em ra ngoài rửa mắt, xem phố phường đông đúc người qua lại. Tôi muốn học vài túi khôn, liền đi vào quán ăn, ấn tượng đầu tiên, quán nào cũng sạch đẹp, nhân viên đồng phục mát mắt, quét lau liên tục. Thấy người mà nghĩ tới ta, bao giờ dân ta bằng người ! Đường phố thênh thang, không sợ xe hai bánh nẹt bô nháng lửa lạng lách kinh hồn.Ngạc nhiên nữa: thấy hai chú thanh niên đi ngang nhà thờ cúi đầu chào Chúa, có người làm dấu Thánh Giá. Ngồi trên máy bay cũng thấy một cô làm dấu Thánh Giá.

Philippines là nước có cộng đồng Công giáo Rôma lớn thứ ba, khoảng 83 % trên tổng số khoảng trên 82 triệu dân. Tuy nhiên rất thiếu linh mục.

Với con số tỷ lệ người Công giáo như thế hẳn phải có lịch sử lâu dài tác động trên mọi lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế đất nước Philippines. Theo các nhà nghiên cứu, nền tảng của văn hóa dựa trên các truyền thống văn hóa của nhiều nhân dân bản địa trong vùng. Tuy nhiên cũng bị ảnh hưởng lớn từ các văn hóa người Trung quốc, Tây Ban Nha, Mỹ. Ảnh hưởng của Tây Ban Nha, chính từ văn hóa Mexicô và Tây ban Nha là kết quả hơn 300 năm thuộc địa. Ảnh hưởng Tây Ban Nha rõ rệt nghi lễ Giáo hội. Philipines là một trong những nước có mức độ tây phương hóa cao, một sự hòa trộn độc nhất Đông và Tây. Là thuộc địa Tây ban Nha hơn 350 năm và thuộc địa Hoa Kỳ gần 50 năm. Tuy hầu hết đất là nông  nghiệp, Philippines lại là đia chỉ quen  trong cung cấp nguồn, là một nhà xuất khẩu sản phẩm  điện tử và  nhân công. Số tiền người Philippines ở  nước ngoài  chuyển về chiếm một phần quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội nước này.

Phi nằm ở khu vực  Đông Nam Á là vùng đất thuộc rừng mưa nhiệt đới, núi lửa  vẫn còn hoạt động.Chúng tôi đi thăm Tp. Cattayta trên miệng núi lửa, thi thoảng còn bốc khói, những đám mây đen xuống thấp lấp ló trên đỉnh núi, dễ tưởng tượng những cuộn khói bốc lên cao. Rừng Philippines có nhiều động vật hoang dã khác nhau, nhiều bãi san hô đầy mầu sắc, hệ động vật và thực vật phong phú do thiên nhiên ban tặng. Bao gồm 7.107 hòn đảo. Tổng diện tích khoảng 300km2. Hai hòn đảo lớn nhất, Luzon nơi tôi đứng ở miền Bắc và Midanao ở miền Nam, chiếm 65% diện tích và 60% tổng số dân nước này; Phần lớn địa hình  của Philippines là núi non và có nguồn gốc núi lửa.Các nham thạch núi lửa khu vực này đã ban tặng cho Philippines đất đai màu mỡ và phong cảnh đẹp tuyệt vời. Đa dạng văn hóa, phong cảnh hữu tình cùng những thành phố thịnh vượng.

Mặc dù thức ăn không hợp khẩu vị, chế biến khá đậm đặc, luôn có dấm và  ít trái tắc thay chanh bên mình, rất ít dùng rau; tuy vậy muốn uống Halo Halo phổ biến với giới trẻ lại khá ngon.Theo nhiều người đi Philippines về kể "có đi ra ngoài rồi mới thấy sống ở Việt Nam cái gì cũng mắc. Tiền Philippines 1Peso đổi được 510VND, bia San Miguel rẻ, ngon ; chất lượng món ăn ngon hơn các quán cóc ở Việt Nam; thịt nướng ngon hơn, sạch hơn, trình bày bắt mắt hơn và giá rẻ hơn. Chúng tôi ăn nhiều món gà   chiên, ngon tuyệt.

Dân Philippines chú trọng gia đình-sức khỏe- tôn giáo, là ba yếu tố giúp họ cảm thấy hạnh phúc.

Đi qua "Vành đai lửa" ở Philippines, Legazpi, Tp. thuộc tỉnh Albay nằm phía nam bán đảo Luzon, khác với thủ đô Manila nhộn nhịp và sầm uất, Tp. Luzon tương đối yên tĩnh và cổ kính. Sự tàn phá của núi lửa Mayon làm người dân khiếp sợ, ngược lại họ dùng chính nó để thu hút khách du lịch, thời tiết dễ chịu. chúng tôi lên công trường Thánh  Giá, bỏ  giầy dép, vào thang máy, có bảo vệ sắp xếp cho mỗi chuyến thang máy lên xuống rất trật tự, trang nghiêm, cây Thánh Giá cao 92m, hai cánh Thánh Giá 30m, mỗi cánh  15m, rông 6m. Vòng quanh ngọn núi lửa  Mayon nổi tiếng  ở độ cao 2,5km, phần chân núi rộng  khoảng 10km, được coi là ngọn núi lửa tầng đẹp nhất thê giới, với hình chóp nón.Ngọn núi lửa này đã gần 500 năm,đã 49 lần giận dữ phun trào nham thạch tàn phá Tp.dữ dội nhất 1814,khiến 2.500 người thiệt mạng. Một tháp chuông bằng đá còn sót lại, nơi trước đây có ngôi thánh đường nguy nga và nhà cửa phố xá có mang  đậm nét kiến trúc Tây Ban Nha thời bấy giờ.

Chúng tôi thích thú  ngồi trên những chiếc xe Jeepneys công cộng, như loại xe tự chế, rất thô sơ, đầu như xe tải, thùng xe rất thấp ngôi hai bên mười người, tiếng xe nổ lớn hơn xe máy cày, sơn phết vằn vện, chạy tấp nập tại nhiều con phố. Sau đó tìm hiểu mới biết  người Philippines ưa chuộng hội họa đến độ họ rất hay vẽ lên vách tường. Và đặc biệt, một trong những thứ độc đáo nhất được sơn vẽ mà đã trở thành biểu tượng của Philippines là Jeepney, một loại xe công cộng tư nhân. Trên thành xe tài xế tự sơn tay tuyến đường như San Miguel - Cubao. Phần trên cửa kính ghi tên xe, không phải tên chủ xe mà bất cứ tên nào kêu nhất trên đời tài xế có thể nghĩ ra được như  Rick Son, hay Jessica, tên trong mộng. Còn thân xe là một "công trình  hội họa rực rỡ". Tài xế mặc sức sáng tạo : kiểu cả tàu thuyền Đức Mẹ Maria, Chúa Hài Đồng, ngôi sao nhạc Rock, mỹ nhân, tất thảy đều chạy nhông nhông khắp phố.

Riêng về kinh tế : " Thu nhập trung bình của người Việt Nam còn khoảng cách rất xa so với các nước Asian và Trung quốc.". Đây là kết luận từ đề tài khoa học cấp Nhà nước do Đại học Kinh tế  Quốc dân thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. GDP bình quân đầu người của Việt Nam  theo PPP chưa bằng ½ của Philippines.

"Tôn giáo là niềm tin vững chắc mà con người còn hoài nghi". Sức mạnh của tôn giáo có ảnh hưởng mạnh tới đời sống chính trị, xã hội của một quốc gia. Điển hình, tôi đọc tấm băng-rôn treo trên cao mặt tiền nhà thờ: "NO, TO 844". Tôi hỏi Đức Ông Tài :

- Cái gì vậy ?

- Hãy nói không với dự thảo luật kết hôn người đồng tính, sắp đưa ra quốc hội phê chuẩn. Ngoài ra, dư luận cho rằng ảnh hưởng Giáo hội Công giáo rất tích cực trong việc lật đổ tổng thống Marcos, trong đó  Đài phát thanh chân lý Á Châu tác động một phần rất quan trọng.

Một điều thích thú khác,nhìn các học sinh tan trường rất dễ thương như trong mơ: mỗi trường mặc đồng phục khác nhau, màu sắc  trang nhã, chân mang ba-ta, có xe đưa rước học sinh, không thấy các phụ huynh đông nghẹ cản trỏ giao thông trước cổng trường như bên ta . Sinh viên các trường đại học tỏa ra như những đàn cò trắng bay là đà dưới đất, tất cả đồng phục trắng, nam âu phục trắng, nữ  váy trắng, áo sơ-mi trắng.

Và còn nhiều điều tôi "không thể lãnh hội" vì thiếu "Thần Khí". Tôi cũng thấy nhiều người nghèo trong nhiều khu  phố có tể gọi "Ổ chuột" hay "Bãi rác".

2464    05-07-2012 08:51:46