Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Thánh Lễ Chúa Nhật Công Bố và Nuôi Dưỡng Sự Hiệp Thông - Tháng 11 năm 2005

Chủ đề: THÁNH LỄ CHÚA NHẬT CÔNG BỐ
& NUÔI DƯỠNG SỰ HIỆP THÔNG

I. THÔNG ĐIỆP ECCLESIA DE EUCHARISTIA số 41.

Sự cổ võ đặc biệt hữu hiệu cho hiệp thông , đặc điểm của Bí Tích Thánh Thể, là một trong những lý do của tầm quan trọng Thánh Lễ Chúa Nhật.... Đối với các tín hữu, tham dự Thánh Lễ (Chúa Nhật) là một nghĩa vụ buộc, trừ khi họ có một ngăn trở nghiêm trọng nào, và cũng vậy, về phần mình các Mục Tử có bổn phận tương ứng tạo điều kiện thiết thực cho mọi người để họ thực thi huấn giới (x. Tông Thư Dies Domini).... Bí Tích Thánh Thể là nơi đặc biệt để sự hiệp thông luôn được loan báo và được gìn giữ. Đúng thế, nhờ tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, ngày của Chúa cũng trở thành ngày của Giáo Hội, như thế Giáo Hội có thể thực hiện một cách có hiệu quả vai trò của bí tích hiệp nhất" (x. Thông điệp Novo millennio ineunte).

II. DẪN GIẢI

1. Hội Thánh dạy chúng ta đặc điểm quan trọng nhất của Thánh lễ là hiệp thông.

2. Người tín hữu có bổn phận tham dự thánh lễ Chúa Nhật để được hiệp thông với Chúa và với Hội Thánh..

3. Chúa nhật là Ngày của Chúa mà cũng là Ngày của Hội Thánh. Giữ ngày Chúa nhật là sống hiệp thông với Chúa và với Hội Thánh.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

CHÚA LÀ TẤT CẢ

Ở vào thời kỳ mà lý tưởng sống đạo cao đẹp nhất là phải vào tu trong Sa mạc. Một tu sĩ trẻ nọ đã tìm đến với một vị ẩn tu và giãi bày tâm sự:

Thưa cha, con không còn thời giờ cho riêng mình nữa, cứ mỗi ngày đọc hết bao nhiêu kinh nguyện và suy niệm với 150 Thánh Vịnh, con không còn thời giờ để đọc sách hay bất cứ sinh hoạt nào khác, con cứ cảm tưởng như cuộc sống trôi qua quá nặng nề, đời sống thiêng liêng của con chẳng khác nào một thức ăn mà con phải nuốt lấy nhưng không có giờ để tiêu hoá, hoặc ngay cả hưởng nếm mùi vị.

Sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, vị ẩn tu mới nói:

Có một tù binh nọ bị giam giữ nhiều năm trong một căn phòng chật hẹp và tối tăm. Khi ông được trả tự do, một nhà hảo tâm nọ tặng cho ông một mảnh đất có sẵn một túp lều. Con người đã từng bị giam giữ lâu năm trong một căn phòng chật hẹp, dĩ nhiên đón nhận một túp lều với một khu vườn chẳng khác nào như được một thiên đàng, giờ đây ông có thể đi lại tự do, tha hồ chiêm ngắm trăng sao, thưởng thức mọi thứ mà ngôi vườn có thể mang lại.

Nhưng chỉ sau một năm, trong đầu ông chợt nảy ra một ý nghĩ, không lẽ suốt cuộc đời mình phải chôn chặt trong một túp lều nhỏ bé và ngôi vườn này sao? Nghĩ thế ông miệt mài làm việc để kiếm tiền xây một ngôi nhà lớn hơn và tậu một khu vườn lớn hơn. Nhưng căn nhà mới, ngôi vườn mới cũng chẳng làm cho ông thoả mãn, ông lại miệt mài làm việc đêm ngày để nới rộng căn nhà và mua thêm đất đai. Cuối cùng điều đã xảy ra cho mọi người thì cũng đến với ông, khi ông nhắm mắt xuôi tay, người ta cũng chỉ dành cho ông đúng bốn tấm ván mà thôi.

Nghe đến đây người tu sĩ trẻ thắc mắc: con không hiểu tại sao cha lại kể cho con nghe câu truyện này, đời con hoàn toàn khác với đời của người tù trên đây!

Vị ẩn tu giải thích: nhưng con lại không muốn hiểu câu truyện ấy, cha muốn đặt để câu truyện ấy vào trong trái tim của con một hạt giống, nó sẽ mọc lên và sinh hoa trái.

Vị tu sĩ trẻ vẫn chưa hiểu hết ẩn ý của người cha tinh thần. Thưa cha, xin cha cho con biết một cách cụ thể con sẽ làm gì?

Vị ẩn tu liền nói: vậy thì con hãy làm điều ta dạy và con sẽ tìm được bình an. Từ nay cứ sau mỗi giờ kinh, con hãy đọc thêm Tin Mừng theo Thánh Matthêu và sau một tuần lễ đến đây gặp Ta.

Sau một tuần làm theo lời khuyên của vị ẩn tu, vị tu sĩ trẻ lại càng thất vọng hơn, bởi vì anh không còn thời giờ dành riêng cho mình nữa. Dù vậy, vị ẩn tu cứ ra lệnh cho anh cứ sau một lần kinh thì đọc thêm một cuốn sách Tin Mừng hay sách Thư của Thánh Phaolô.

Sau một tuần nữa thầy trở lại, lần này ngoài các bài đọc trong Kinh Thánh, vị ẩn tu còn ra lệnh cho anh cứ mỗi sáng mang thức ăn và nước uống đến cho những người đang sống một mình.

Sau một thời gian khá lâu, người tu sĩ trẻ đã trở lại với vị ẩn tu với một niềm vui rạng rỡ trên mặt, thầy thốt lên:

Thưa cha, bây giờ con mới hiểu được rằng tất cả thời giờ của con là của Chúa và tất cả những gì của Chúa là của con cho nên lúc nào con cũng cảm thấy có đủ thời giờ.

Một ngày sống của một người có 24 giờ. Tất cả mọi người đều như nhau. Có người đủ thời giờ để sống cho mình và cho người khác. Sống đầy. Kẻ thì tất bật lo toan, nhưng lại không đủ thời giờ, nhất là thời giờ làm việc lành, thời giờ để sống cuộc sống tinh thần, thời giờ dành để tôn thờ Thiên Chúa, xứng với phẩm giá con người, tạo vật được Chúa tạo thành.

Bởi vì chúng ta không theo trật tự bậc thang giá trị của cuộc sống: Có giờ dành riêng cho Chúa, có giờ dành cho gia đình, cho người khác, cho chính mình. Giữ lễ Ngày Chúa Nhật là bổn phận tôn thờ ưu tiên của mọi Kitô hữu dành cho Chúa, chủ tể cuộc đời mình.

Nhưng tựu trung nếu đặt Chúa làm chủ cuộc đời và thời giờ của mình, thì mọi việc chúng ta làm, mọi thời giờ chúng ta bỏ ra, dù là cho mình hay người khác, đều là làm cho chính Chúa.

IV. DẪN Ý

1. Phép Thánh Thể thể hiện sự hiệp thông.

"Phép Thánh Thể là chóp đỉnh của các Bí tích, vì Phép Thánh Thể thể hiện sự hiệp thông hoàn hảo nhất với Thiên Chúa Cha, nhờ sự đồng hình đồng dạng với Chúa Con duy nhất, bởi tác động của Chúa Thánh Thần." (Ecclesia de Eucharistia n. 34). Nơi Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta gặp được chính Thiên Chúa, Đấng hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Phép Thánh Thể không phải là khởi điểm của sự hiệp thông, vì sự hiệp thông xem như đã có trước rồi; Nhưng Phép Thánh Thể củng cố và đưa sự hiệp thông lên mức hoàn hảo.

Phép Thánh Thể thể hiện sự hiệp thông vô hình. Vì những ai muốn rước Thánh Thể, trước tiên, cần phải được tháp nhập vào đời sống ân sũng của Thiên Chúa, qua Phép Rửa tội, trở thành con Chúa và con Hội Thánh. Họ sống chính đời sống đời sống của Chúa Ba Ngôi, "tham dự vào bản tính Thiên Chúa" (2P 1, 4). Đời sống ân sũng nầy được củng cố bằng việc thực hành đức tin, đức cậy và đức ái.

Mối liên kết vô hình của người tín hữu với Thiên Chúa trong đời sống ân sũng là điều kiện để được rước Thánh Thể. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy: "Ai biết mình đang mắc tội trọng, phải lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải trước khi đến rước lễ" (GLCG 1385).

Phép Thánh Thể, vì là sự thể hiện cách trọn vẹn nhất sự hiệp thông trong Giáo Hội, nên phải được cử hành trong sự hiệp thông cách hữu hình với Giáo Hội. Nhưng những ai được coi là hiệp thông cách hữu hình với Giáo Hội?

Đó là "những người được gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội, những người lãnh nhận Thánh Thần của Đức Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và tất cả những phương thế cứu rỗi đã được Giáo Hội thiết lập, và nhờ những mối dây liên hệ do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai quản và sự hiệp thông của Giáo Hội, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ Đức Giáo Hoàng và các Đức Giám Mục" (Lumen Gentium n. 14).

Thánh Thể là Bí tích của sự hiệp thông hoàn hảo: với Chúa và với Giáo Hội. Nên việc cử hành Phép Thánh Thể, dù được cử hành trong một cộng đoàn riêng biệt, nhưng không chỉ giới hạn trong cộng đoàn đó, mà là trong sự liên kết với toàn thể Hội Thánh. Vì thế các cộng đoàn Thánh Thể không khép mình lại nhưng mở ra, hoà đồng với mọi cộng đoàn công giáo khác.

Sự hiệp thông hữu hình trong cộng đoàn Thánh Thể còn là sự hiệp thông với với Đức Giám Mục của mình và với Đức Giáo Hoàng Rôma.

Phép Thánh Thể diễn tả mối hiệp thông với toàn thể Hội Thánh: "Mọi cử hành Thánh Thể được thực hiện trong sự hiệp thông không những với Giám Mục mà còn với Đức Giáo Hoàng, với hàng Giám Mục, với toàn thể hàng giáo sĩ và giáo dân khắp nơi..." (Ecclesia de Eucharistia n. 39).

Phép Thánh Thể không chỉ kiến tạo mối dây hiệp thông mà còn giáo dục sự hiệp thông. Tham dự Thánh Lể thì phải sống tâm tình hiệp thông huynh đệ. Thánh Augustinô: "Chúa chúng ta đã thánh hiến trên bàn thờ mầu nhiệm sự bình an và hiệp nhất của chúng ta. Ai lãnh nhận mầu nhiệm hiệp nhất mà không ở lại trong mối dây liên hệ bình an, thì không nhận lãnh mầu nhiệm của mình để được cứu rỗi: họ lãnh nhận lời chứng kết án họ" (Bài Giảng 272).

Thánh lễ nào cũng diễn tả sự hiệp thông. Nhưng việc cử hành Thánh lễ Ngày Chúa Nhật mang một tầm vóc quan trọng trong việc cổ võ nầy.

2. Thánh lễ Chúa nhật công bố và nuôi dưỡng sự hiệp thông.

Tông Thư Khởi Đầu Thiên Niên Kỷ Mới đề cập đến Thánh lễ Chúa Nhật như sau: "Thánh lễ Chúa Nhật tập họp các Ktiô hữu với nhau như là gia đình của Chúa chung quanh Bàn Tiệc Lời Chúa và Bánh Sự Sống, cũng chính là thuốc giải độc tự nhiên nhất cho sự phân tán . Đó là một nơi ưu tiên, nơi không ngừng công bố và nuôi dưỡng sự hiệp thông. Chính nhờ chia sẻ trong Thánh Thể, ngày của Chúa cũng trở nên Ngày của Giáo Hội, khi Giáo Hội có thể thi hành hiệu quả vai trò của mình như là bí tích hiệp nhất"( 36).

Nếu Chúa Nhật là ngày của sự sống lại, thì đó không phải chỉ là việc tưởng nhớ một biến cố trong quá khứ, nhưng chính là việc cử hành sự hiện diện sống động của Đấng Phục sinh ở giữa những ai thuộc về Ngài : "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20)

Việc tưởng nhớ nầy không chỉ được thực hiện nơi tâm hồn cá nhân mỗi người là đủ, mà phải qui tụ lại để nói lên tính cách cộng đoàn, như chính là một cộng đoàn qui tụ những kẻ tin. Một cộng đoàn hiệp nhất trong Đức Kitô nhờ ân sũng của Chúa Thánh Thần. Một cộng đoàn Kitô hữu qui tụ lại rập khuôn theo cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên để "chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện" (Lc 2, 42) (Dies Domini 31)

Hội Thánh là Cộng Đoàn được chính Chúa Phục Sinh quy tụ, Người là Đấng đã hiến dâng mạng sống để quy tụ các con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối (Ga 11, 52). Họ trở nên một trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần là Ơn Thông Hiệp. Sự hiệp nhất đó được biểu lộ ra bên ngoài khi các Kitô-hữu tụ họp nhau; họ ý thức mãnh liệt họ là Dân Thiên Chúa, gồm những người đã được cứu chuộc về cho Thiên Chúa, thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, mọi nước mọi dân (Kh 5, 9) (x. Dies Domini 32).

Không cá nhân nào có thể cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa, ngoài Hội Thánh. Việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, không những biểu lộ mầu nhiệm Hội Thánh, mà còn là nguồn gốc sự sống của Hội Thánh. Thánh Thể nuôi dưỡng và làm nên Hội Thánh: Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một Thân Thể (x.1 Cr 10, 17) (x. Dies Domini 33)

Chắc chắn việc cử hành Thánh Thể vào Chúa Nhật tự bản chất không có gì khác biệt với việc cử hành Thánh Thể vào bất cứ ngày nào, và cũng không thể bị tách rời khỏi đời sống phụng vụ và bí tích.

Tuy nhiên việc cử hành Thánh Thể vào ngày Chúa Nhật, do luật buộc, phải có sự hiện diện của cộng đoàn, và do sự long trọng đặc biệt khác với ngày thường, vì được cử hành vào đúng "ngày Đức Kitô sống lại từ cõi chết và làm cho chúng ta được tham dự vào sự sống bất tử của Ngài", nên càng nói lên chiều kích Giáo Hội và được đặt làm kiểu mẫu cho cuộc cử hành khác của Phép Thánh Thể (x. Dies Domini 34).

Cộng đoàn được hiểu là cộng đoàn giáo xứ. Giáo xứ phải được coi như là cộng đoàn, và là gia đình của Thiên Chúa tại trần gian. Gia đình này tụ họp nhau lại ngày Chúa Nhật để tạ ơn Cha trên trời. Mọi người cùng với Chúa Kitô và cùng với nhau tạ ơn Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Vì thế không nên tổ chức lễ nhóm vào ngày Chúa Nhật. (x. Dies Domini 36)

Chúa nhật là Ngày của Chúa và cũng là ngày của Giáo Hội, vì như Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nói : giữa muôn vàn hoạt động của xứ đạo không gì sống động và đem lại kết quả cho việc huấn luyện cộng đoàn cho bằng ngày Chúa Nhật, khi cử hành ngày của Chúa và phép Thánh Thể (x. Dies Domini 35)

Cuộc họp mặt cộng đoàn vào ngày Chúa Nhật là điểm đặc biệt diễn tả sự hiệp nhất : cộng đoàn cử hành "bí tich hiệp nhất". Và để biểu lộ sự hiệp nhất nầy mọi tín hữu cần phải tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Mọi cha mẹ cũng như Giáo lý viên phải nhắc nhở con em dự lễ Chúa Nhật, Đức Thánh Cha nói như vậy (x. Dies Domini 36).

Trong Thánh lễ Chúa Nhật, cũng như trong mọi thánh lễ, cuộc gặp gỡ Đấng Phục sinh được diễn ra qua việc tham dự vào hai bàn tiệc : Lời Chúa và Bánh Hằng Sống.

Bàn tiệc thứ nhất tiếp tục giúp ta hiểu về lịch sử cứu độ và đặc biệt, hiểu về Mầu nhiệm Vượt Qua được chính Chúa Giêsu Phục sinh giới thiệu cho các môn đệ : chính Ngài đang nói với họ, vì Ngài hiện diện trong Lời của mình "khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội" (x. Dies Domini 39).

Nơi Bàn tiệc thứ hai, chính Đức Kitô Phục sinh hiện diện, nhắc chúng ta tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài và bánh được ban để bảo đảm cho vinh quang mai sau của chúng ta (x. Dies Domini 42).

Sự tham dự vào Bữa tiệc của chúa luôn luôn là việc thực hiện sự hiệp thông với Đức Kitô, là Đấng dâng mình cho Chúa Cha để thành lễ hy sinh cho ta. Chính vì thế, Giáo Hội nhắc nhở các tín hữu hãy rước lễ mỗi khi họ tham dự Lễ Tạ ơn, trong điều kiện cho phép, nghĩa là sạch tội trọng.

Việc cử hành Lễ Tạ Ơn Chúa Nhật còn là một biến cố huynh đệ : cả cộng đoàn tích cực tham dự, góp phần vào cuộc cử hành thánh lễ (x. Dies Domini 44).

3. Dự lễ Chúa Nhật: Bổn phận lương tâm.

Việc cử hành Thánh Thể là trọng tâm của ngày Chúa Nhật, nên ngay từ những thế kỷ đầu, các mục tử đã không ngừng kêu gọi tín hữu mình phải không ngừng tham dự cộng đoàn phụng tự. Giáo Huấn của các Tông đồ nhắc rằng : "Vào ngày của Chúa bạn hãy bỏ lại mọi sự và hãy mau chạy đến họp mặt cùng với cộng đoàn của mình vì đây là việc bạn ca tụng Chúa". Cách thông thường nhất là Giáo Hội buổi ban đầu khuyến khích tín hữu thực hiện bổn phận tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, nhưng thỉnh thoảng Giáo Hội cũng dùng những biện pháp do Giáo Hội ấn định rõ ràng. Đó là điều Giáo Hội đã làm qua những Công Đồng riêng khác nhau kể từ thế kỷ thứ IV và nhất là từ thế kỷ thứ VI trở đi việc giữ ngày Chúa Nhật đã như một bổn phận có tính cách bắt buộc hiển nhiên. Và Bộ Giáo Luật 1917 lần đầu tiên đã làm cho truyền thống nầy thành một luật phổ quát cho toàn thể Hội Thánh khi qui định : "Vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu có bổn phận phải tham dự thánh lễ". Luật nầy bao hàm một luật buộc nặng. Đây cũng là lời dạy của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, và người ta hiểu rõ lý do tại sao Chúa nhật lại có tầm quan trọng đối với đời sống tín hữu.

Dự lễ là tham dự vào bữa tiệc của Chúa, là hiệp thông với Chúa Kitô, Đấng dâng mình cho Chúa Cha, nên lễ hy sinh đền tội chúng ta, nên Hội Thánh nhắc nhở các tín hữu hãy rước lễ mỗi khi tham dự Thánh lễ với điều kiện phải sạch tội trọng.

Vì là ngày được thánh hoá cho Chúa, do đó ngoài việc cử hành Thánh Thể, thời gian còn lại trong ngày Chúa Nhật của người tín hữu trong gia đình, nơi xã hội, phải biến thành một kiểu sống giúp họ cảm nhận được sự bình an và niềm vui của Đấng Phục sinh.

Lạy Chúa, xin cho con được niềm vui và hăng say khi tham dự Thánh lễ nhất là Thánh lễ Chúa Nhật , để con tìm được sức sống, bình an và niềm hy vọng múc nguồn từ Chúa. Amen.

Kiểm điểm:

1. Khi dự lễ, tôi có cảm xúc được tôi kết hợp với Chúa không?
2. Dự lễ Chúa Nhật, tôi có có nhận thấy mình hiệp thông với Hội Thánh không?
3. Chúa Nhật là ngày của của Hội Thánh, là xã hội các tín hữu thực hiện việc tôn thờ Chúa, tôi có nhận biết không?
4. Không hiệp thông thì con người tôi, đời sống tôi không có được giá trị cao siêu và cũng không tìm được hạnh phúc thích đáng. Tôi có nhận biết không? Xin Chúa ở lại với tôi!

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

GỢI Ý SÁM HỐI.

Tôi đi lễ Chúa Nhật, nhưng không biết là tôi đang "công bố sự hiệp thông trong Hội Thánh".
Tôi đi lễ Chúa Nhật, nhưng trong lòng còn nuôi cơn giận hờn anh chị em trong họ đạo.
Tôi đi lễ Chúa Nhật, nhưng không mời rủ anh chị em cùng đi để diễn tả sự hiệp thông.

LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu tự hiến tế trên Thánh giá là để Giáo Hội hiệp thông vào ơn Cứu độ của Chúa. Chúa muốn "điều chúng con được nghe”rỉ tai”, phải được”công bố” trên mái nhà". Chúng ta hãy long trọng dâng Thánh lễ Chúa Nhật, để làm trọn ý Chúa. Giờ đây chúng ta cùng cầu nguyện:

1. Như tấm bánh được làm bởi nhiều hạt lúa, Thánh lễ được hợp dâng bởi Chúa Kitô hiệp thông với các Kitô-hữu. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh tích cực góp phần riêng mình, vào Thánh Lễ Chúa Nhật, để diễn tả mầu nhiệm Hội Thánh.

2. Chúa phán với Phêrô: "Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy". Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu biết sắp xếp công việc, để long trọng cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật, mà diễn tả sự hiệp thông trong Chúa Kitô.

3. Chúa Giêsu phán: "Cứ dấu này mà thế gian nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau". Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu cùng nhau vui mừng cử hành Ngày Chúa Nhật, để bày tỏ niềm hạnh phúc khi được NÊN MỘT với Chúa Kitô.

4. Trong Thánh lễ, chủ tế cống bố: "Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, sốt sắng cử hành Thánh Thể, để nuôi dưỡng Ơn phúc hiệp thông trong Chúa Kitô.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn cho Hội Thánh hiệp thông trong sự sống thần linh Chúa. Xin Chúa ban Thánh Thần thúc đẩy chúng con long trọng cử hành Thánh Lễ Chúa nhật, để công bố và nuôi dưỡng sự hiệp thông trong Chúa Kitô, Người là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

THÁNH THỄ NUÔI DƯỠNG SỰ HIỆP THÔNG

Thánh Thể mạc khải cho thế giới thấy cái nó phải trở thành, đó là một sự hiệp thông của hoàn vũ, được Linh mục Teilhard de Chardin diễn tả như sau:

"Lạy Chúa, trong các thảo nguyên miền Châu Á, con không có bánh, chẳng có rượu, không có bàn thờ, con vươn mình lên trên hết mọi biểu tượng cho đến tận vẻ cao cả tinh tuyền của Đấng Chân Thật, và con, Linh mục của Chúa, con dâng lên Chúa công lao và nỗi vất vả của thế giới, trên bàn thờ là toàn thể Trái Đất."

"Xa xa kia, mặt trời đến chiếu sáng cái viền mút cùng của Phương Đông. Một lần nữa, dưới bức màn lung linh ánh nắng của nó, khuôn mặt sống động của Trái Đất tỉnh dậy rùng mình, và lại bắt đầu công việc dễ sợ của nó. Ôi, lạy Chúa, con sẽ đặt trên dĩa thánh của con mùa gặt mong đợi từ cố gắng mới này. Con sẽ đổ vào chén thánh của con, nước của mọi thứ trái cây sẽ được nghiền hôm nay."

"Chén thánh và dĩa thánh của con, đó là những chiều sâu của một tâm hồn mở rộng ra, với mọi sức mạnh trong khoảnh khắc, vươn lên từ mọi nơi trên địa cầu, và quy về Thần Khí. Vậy, ước gì chúng hãy đến với con, kỷ niệm và sự hiện diện huyền bí của những ai mà ánh sáng thức dậy để sống một ngày mới."

"Từng người một, lạy Chúa, con thấy họ và yêu mến họ . . .

Cái đám đông nhốn nháo ấy, dao động và khác biệt, con số bao la của họ làm chúng con khiếp sợ, cái biển người ấy, những dao động chầm chậm và đều đều của họ gây lo lắng trong những tâm hồn mạnh nhất, con muốn vào lúc này, bản thân con vọng lại tiếng thầm thì sâu lắng của họ. Tất cả những gì sẽ tăng lên trên thế giới trong ngày hôm nay, tất cả những gì sẽ giảm xuống, kể luôn những gì sẽ chết đi nữa, lạy Chúa, đó là những gì con cố gắng gom góp lại nơi con để trao cho Chúa; đó là chất liệu cho lễ hy tế của con, hy tế duy nhất Chúa muốn."

"Lạy Chúa, xin hãy đón nhận tấm Bánh vẹn toàn này do Tạo Thành chuyển động nhờ hấp lực của Chúa dâng lên Chúa vào buổi bình minh mới. Bánh này, cố gắng của chúng con, tự nó, con biết, nó chỉ là một sự tan rữa hoàn toàn. Rượu này, nỗi đau đớn của chúng con, lại nữa, than ôi ! nó chỉ là một thức uống hoà tan. Nhưng giữa lòng đám đông không hình dạng này, Chúa đã đặt một ước vọng bất khả kháng và thánh thiện, nó làm hết thảy chúng con kêu lên, từ kẻ báng bổ cho đến người tín hữu: "Lạy Chúa, xin làm cho chúng con nên một !"

Đúng vậy, Thánh Thể là hy tế chúc tụng vĩ đại nhờ đó Giáo Hội nói nhân danh toàn thể tạo thành. Quả vậy, Thiên Chúa đã hoà giải thế giới với chính mình Người hiện diện ở mỗi Thánh Thể: trong bánh và rượu, trong con người các tín hữu và trong những lời cầu nguyện mà họ dâng lên và cầu nguyện cho hết mọi người. Đức Kitô hiệp nhất các tín hữu nơi bản thân Người và hiệp nhất lời cầu nguyện của họ vào Lời Bầu Cử của chính Người thế nào, để các tín hữu được biến hình và những lời cầu nguyện của họ được chấp nhận. Hy tế chúc tụng này chỉ có thể có nhờ Đức Kitô, với Người, và trong Người. Bánh và rượu, hoa màu ruộng đất và công lao của con người, được dâng lên Chúa Cha trong niềm tin và lòng tri ân. Như thế, Thánh Thể mạc khải cho thế giới thấy cái nó phải trở thành : một của lễ và một lời chúc tụng dâng lên Đấng Tạo Hoá, một sự hiệp thông của vũ trụ trong Thân Thể Đức Kitô, một vương quốc của công chính, tình yêu và hoà bình trong Chúa Thánh Thần.

Do đó, mỗi lần tham dự và rước Thánh Thễ, tôi được hiệp thông với Chúa Giêsu trong sự Người hiện diện giữa trần gian. Thánh Thể là sự Chúa có mặt giữa con cái loài người, như một tình yêu thắp sáng lên niềm hy vọng. Khi hiệp thông với Người, tôi xin Người làm cho nhiều tín hữu, nhiều gia đình, nhiều cộng đoàn trở thành những ngọn đèn đức tin, đức ái thắp sáng lên niềm hy vọng, làm chứng rằng Chúa là Tình Yêu đang có mặt ở giữa chúng ta.

VII. TÌM HIỂU TÔN GIÁO BẠN

MỘT CÁI NHÌN VỀ CÁC TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM (tt)
NHỮNG DỊ BIỆT GIỮA CÔNG GIÁO VÀ PHẬT GIÁO

Chúng Ta Cùng Nhìn Qua

Chúng ta đã từng cảm nhận: Phật giáo là con đường giải thoát chúng ta cũng nhận thấy tứ diệu đế: Đời là khổ- Duyên do cái khổ là: vô minh, nên duyên cho hành động tạo nghiệp- tập hợp nên cuộc sống khổ nhọc, vô thường (còn). Con người phá được vô minh đó: sáng suốt, không tham dự vào cái sống khó nhọc không thường còn... thì đạt Niết Bàn = (? hạnh phúc). Muốn diệt vô minh thì dùng bát chính đạo.

Chúng ta cũng cảm nghiệm được lối sống luân lý của Phật giáo có nhiều điều tốt đẹp.

Bây giờ, chúng ta hãy nhìn qua những dị biệt giữa Công giáo và Phật giáo: những điều tương đồng rất ít mà dị biệt rất nhiều.

Những dị biệt:

Công giáo tin nhận có Thiên Chúa tạo dựng.

Phật giáo (giáo thuyết) không nhận có Thiên Chúa tạo dựng. Mà đề xướng thuyết: vật tự thân, nghĩa là vật tự nhiên tập hợp nhau để có như thế. - Vì không nhận có Thiên Chúa tạo dựng, nên tìm trình bày giải thích cái tự thân, cái tập hợp làm duyên cớ cho có được cái vô thường (= con người).

Có năm 7 lối giải thích gọi là duyên khởi luận. Thử tìm hiểu một vài duyên khởi: nghiệp cảm duyên khởi: Sao mà có vật? - Vì có nghiệp trước hợp với ngũ uẩn (: sắc, thọ, tưởng, hành, thức), kể là hiện tượng làm nên vật vô thường (còn). Lục đại duyên khởi: sáu công năng hợp nhau làm có được vật. Chân như duyên khởi: có thể hiểu: chân như- là chân lý thường còn (nói là tự thân) đúng hơn chân như nầy đã được chân như trước làm duyên. Chân như vì vô minh nên làm (hành) những tác động sinh nghiệp, do đó có vật hay con người vô thường - Giả định có nghiệp trước, công năng trước, chân như trước.

Có thể nói phần nào Phật giáo giả định vật chất đời đời (matière éternelle) để quả quyết vật tự thân. Về phương diện duyên cho nhau với quan niệm thời gian là một đường dài thì không thể hiểu duyên được, ví dụ số 1 - số 10 - 20 - 30 về sau làm duyên cho số một được. Phật giáo để giải thích thì nói: thời gian không hẳn là chiều dài, mà là một vòng tròn. Không nơi đâu là đầu, mà cũng không nơi nào gọi được là đuôi - cho nên Phật giáo đề nghị cái vòng cộng nghiệp kể là có lý !!

Dĩ nhiên lý luận thời gian là vòng tròn và vật do cộng nghiệp tự duyên khởi chúng ta khó chấp nhận.

Do những quan niệm trên này (cộng nghiệp tự thân) mà phật thuyết đưa ra nhiều kết luận, công giáo không thể chấp nhận.

Con người không có bản thể - không có cái tôi (= ngã) : con người vô thường (không thường còn). Quan niệm trách nhiệm dường như không có - dầu vậy, vẫn phải luân hồi.

Phật thuyết giải thích: không bản thể, không bản ngã, vì thân người biến đổi từng giây và biến đổi mãi nên không nói được có bản thể, có ngã. Theo Phật thuyết phải thường trụ = có thường mãi mới có thể có bản ngã, có cái tôi.

Phật tử thường nói sắc không, không sắc. Chúng ta nên tìm hiểu. Sắc hiểu là hình danh sắc tướng hiện tượng bên ngoài kể cả cái uẩn (che) thức nữa. Vì nó không thường còn nên đáng gọi nó là không (vô thường). Còn tiếng không, hiểu là không có được cái thường còn nên chỉ là (sắc) không thôi!

Vì không có Đấng tạo dựng, cho nên dường như không có quan niệm trách nhiệm, nói được: mỗi người tự tạo: Hiện kiếp là kết quả của kiếp trước rồi tự mình tạo nên kiếp sau.

Về điểm luân hồi, Phật giáo ban đầu không nhìn nhận có hồn, nhưng về sau phật tử nhận có hồn lại nghĩ tưởng ra có lục đạo: sáu con đường đi đầu thai tuỳ mức độ tạo nghiệp. Có thập điện Diêm Vương chuyên trách việc thưởng phạt và chỉ định đầu thai.

Những khác biệt khác như: Cái khổ, cái vô thường (Công giáo gọi là đời tạm…). Quan niệm Niết Bàn cũng khác biệt.

Khổ? Là xấu là hại phải diệt. Công giáo nhận định: ngay cõi đời này không diệt được tự cái khổ, không hiểu là xấu là hại. Trái lại có thể dùng khổ để đạt phúc. Và bởi khổ làm phương tiện đạt phúc nên phần nào có thể thích khổ (người tình chịu khổ, vui chịu khổ để tỏ tình với người yêu).

Vật vô thường còn? Công giáo quả quyết phải có cái chi gọi là còn để được biến sang cái thường còn. Công giáo lợi dụng cái vô thường còn để đạt Hạnh Phúc thường còn.

Niết bàn? Phật thuyết không nói rõ, nhưng có thể hiểu là Nguyên lý tuyệt đối phổ quát (principe absolu universel). Công giáo gọi là Thiên đàng: nhà Cha trên trời- Tịch diệt (chết) khi về nhà Cha. Tham gia sống thường còn của Cha.

Đó là những dị biệt.

Trong quyển Tín Ngưỡng Việt Nam, tác giả Toan Ánh đề cao đa số người Việt là Phật tử, nhưng nhìn sâu hơn có bao nhiêu người sống theo phật pháp chính tông.

Kết luận

Chúng ta không có quyền sống cô lập, biệt lập cần phải đối thoại, nghĩa là cần phải có giao tiếp, trao đổi và cộng tác.

Nên đối thoại là tìm hiểu đạo của nhau, mặc dầu chúng ta xác tín: Đạo mình do Chúa mạc khải. Không bao giờ tự phụ, khinh thường mà biết tôn trọng ít ra tâm tình muốn hạnh phúc. Nếu cần giải thích những điều không hợp lý thì lời lẽ phải tế nhị.

Nếu cần trình bày về đạo của mình thì cũng phải khiêm tốn khôn khéo. Đừng nói với tánh cách đòi người ta phải theo (áp đặt).

Cũng nên nhớ: Đạo mình hoàn toàn chân thật, nhưng chứa đựng nhiều mầu nhiệm về lối sống đạo của mình có thể có những chỗ không đúng. Chính Chúa ban đức tin.

VIII. HỌC HỎI

GIÁO DÂN VÀ SỰ HIỆP THÔNG (1)

(Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici))

I. Nhập đề:
Trong phần nầy chúng ta nói đến Hiệp thông và truyền giáo. Trong khi thi hành sứ vụ thừa sai, Giáo dân đồng trách nhiệm trong Hội Thánh.
Khi hiệp thông thì có sức sống, sanh ra hoa trái : hình ảnh thân nho và cành nho. Khi hiệp thông thì phát sinh ra một sự hiệp thông khác nữa, đó là hiệp thông mang tính truyền giáo. Hiệp thông và truyền giáo hai khía cạnh hỗ tương không thể thiếu : Hiệp thông mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục đích hiệp thông (số 32). Tất cả mọi người, theo bản tính và ơn gọi, đều là con cái của Chúa và được kêu mời vào cuộc sống thần linh của Chúa. Nhưng làm sao mọi người biết được điều đó? Cần phải có những thừa sai, những người nầy đã sống tâm tình hiệp thông với Chúa Kitô, họ là những cành nho của thân nho là Chúa Kitô và họ được sai đi rao giảng để mọi người trở về sống kết hiệp với thân nho nầy và nhờ đó có sức sống, sinh hoa trái và đạt được hạnh phúc.

II. Lý do Truyền giáo

A. Động lực.

a) Mục đích của việc truyền giáo : - Cộng tác vào chương trình cứu độ nhân loại, làm cho mọi người được tham dự vào cuộc sống hạnh phúc của Thiên Chúa mà từ khi tạo dựng con người Thiên Chúa đã muốn, hạnh phúc đó đã bị làm tổn thương nặng nề ngay từ đầu do lỗi lầm của con người.

- Trong Tông huấn cho biết mục đích của Loan báo Tin Mừng nầy nhằm đến mọi nhóm người, mọi môi trường, mọi nền văn hoá, mọi tôn giáo khác biệt và chỉ có thế "đức tin ược triển nở và thể hiện hết ý nghĩa độc đáo của nó, tức là kết hợp với bản thân Đức Kitô, và với Tin Mừng của Người, gặp gỡ và hiệp thông với Người qua bí tích, sống trong tình bác ái phục vụ" (số 34).

- Hội Thánh Chúa có sứ mệnh trình bày mầu nhiệm của Đức Kitô và đồng thời cũng nói cho con người biết về chính mình, về ý nghĩa cuộc đời và định mệnh của con người, dĩ nhiên với cái nhìn Kitô giáo thì cuộc sống, ý nghĩa và định mệnh chính yếu của con người là được kết hợp với Chúa Kitô.

Có nhiều động lực thúc đẩy giáo dân ra đi loan báo tin mừng và tất mọi người giáo dân đều được mời gọi loan báo tin mừng “Anh nữa, hãy đi làm vườn nho cho tôi” (Dụ ngôn thợ làm vườn nho, Mt, 20, 1-16); Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng (1 Cr 9, 16)). Nhờ tham dự vào chức vụ của Chúa Kitô là tư tế, tiên tri, và vương đế, nhờ các bí tích và các ơn huệ Chúa Thánh Thần, giáo dân cộng tác với hàng giáo sĩ và với nhau, sống ơn gọi của mình là loan báo tin mừng. Nếu họ sống đúng như thế là họ đã thực hiện lời Chúa Giêsu : "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20).

b) Lợi ích của việc loan báo tin mừng : Nhờ loan báo Tin Mừng mà "Hội thánh tự kiến thiết và hình thành như một cộng đoàn đức tin" (số 33). Tin Mừng thức tỉnh tâm hồn giáo dân trở về với Chúa. Tin Mừng chuẩn bị cho người ta đón nhận BTTT và TS.

B. Những khó khăn

Ngày hôm nay đòi hỏi việc thi hành lệnh Chúa một cách đặc biệt, nghĩa là hãy thích nghi với thời đại và hoàn cảnh sống của xã hội. Ở đất nước Việt Nam chúng ta, chúng ta còn phải đặt lại vấn đề với nhiều tôn giáo khác, với nhiều tín ngưỡng khác. Làm thế nào để loan báo tin mừng cho có hiệu quả? Bởi vì có thể gặp phải những hoàn cảnh khó khăn trong việc loan báo tin mừng. (Chúng ta đã gặp phải khó khăn nào trong việc truyền bá Tin Mừng, trong việc sống Tin Mừng xét về nhiều phương diện khác nhau : xã hội, gia đình, kinh tế, vv"? ).

a) Những miền ngày xưa kể như toàn tòng,nhưng ngày hôm nay do thái độ sống lơ là với tôn giáo, không còn xem Thiên Chúa là nguồn gốc là chủ tể mọi loài thụ tạo, nơi Ngài mà con người có, không còn xem tôn giáo là nguồn gốc mà mình phát xuất, quên đi những gì là dĩ vãng để sống với cái hiện tại văn minh vật chất kỹ thuật rất hấp dẫn cho cuộc sống hưởng thụ.

Lý do : Thái độ dửng dưng với tôn giáo và phong trào tục hoá càng ngày càng gia tăng, sống theo phong trào tục hoá mạnh hơn truyền thống tôn giáo nền tảng.

b) Ngược lại với thái đ sống của hoàn cảnh vừa kể thì cũng còn nhiều miền hay những quốc gia còn giữ được truyền thống tôn giáo về việc thực hành Lời Chúa và cảm thức tôn giáo nhưng cũng có nguy cơ xuống cấp và biến mất.

Lý do: cũng bị ảnh hưởng của phong trào tục hoá và các giáo phái.

Trong bậc thang giá trị của cuộc sống thì tôn giáo xuống hàng thứ cấp (Nói chuyện bên lề. Cuộc điều tra Tin tưởng nơi ai? Bác sĩ 93%; Giáo Viên 88%; Chủ tịch UBND 72%; Linh mục 66%; Ngân hàng 61%; Các Nghị sĩ 35%: vị Linh mục không đực tin tưởng bằng ông bác sĩ. Mức lương trung bình hằng tháng : Xướng ngôn viên truyền hình 260000 francs; Người mẫu, các ngôi sao 50000; Giám đốc công ty 340000; Bác sỉ tổng quát 19000; Kỹ sư 17000; Giáo viên cấp hai 12000; Lính gìn giữ hoà bình 8000; Cô y tá 7000; Ông cai 6000; vị Linh mục 3500. Trong nước Pháp thập niên 1990-2000 : hơn 59% người Pháp đi nghỉ hè hằng năm, càng có tiền thì họ càng đi xa họ tiêu phí về xe cộ và các môn giải trí 21% túi tiền của họ. Ưu tiên của họ theo thứ tự như sau : Thức ăn thức uống và thuốc hút 20%; Quần áo 7%; Nhà cửa, lò sưởi, thắp sáng 18%; Trang trí nội thất và bảo trì 8%; Sức khoẻ 8%; Giao thông và giao tiếp điện thoại 16%; Giải trí vv..7%; Những hoạt động được ưa chuộng nhất ngày cuối tuần (tính theo 100 người) : đi dạo 48; thăm bạn bè 39; thăm gia đình 36; xem tivi 22; làm việc lặt vặt trong nhà 21; đọc sách 20; chơi thể thao 20; làm vườn 19; đi nhà hàng 16; xem hát 13; xem thể thao 11; đi câu cá hay đi săn 11; xem phim ở rạp 10; đọc báo 9; xem các viện bảo tàng 9,đi chợ mua đồ 7"không có đi nhà thờ).

Phỏng theo tinh thần của thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (30/12/1987) cho thấy những vấn đề mà Giáo Hội gặp phải trông xã hội hiện thời : Vấn đề lương thực cho người đói; Hố sâu ngăn cách giữa hai thế giới Bắc và Nam bán cầu, giữa các quốc gia phát triển và chậm tiến ; Vấn đề dốt nát, kỳ thị, bị bóp nghẹt kinh tế, phủ nhận quyền con người; Vấn đề chỗ ở, thất nghiệp, nợ quốc tế càng ngày càng trầm trọng; Vấn đề di dân và những trại di cư, khủng bố, không tôn trọng tự do con người trong việc vận động có hệ thống chống lại việc sinh sản; Vấn đề an ninh cho mạng sống; Tại sao lại có những vấn đề đó? Do hoàn cảnh chính trị, sự đối nghịch giữa hai ý thức hệ, do lĩnh địa chính trị (géopolitique); Do khác biệt về văn hoá; Do sự yếu kém của các quốc gia đang phát triển và nhất là do những nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế của các quốc gia đó; Do những quốc gia giàu không giúp đỡ những quốc gia nghèo"..Giáo hội đề nghị hợp tác và tương trợ quốc tế. Cho nên, ngày hôm nay mức sống văn minh kỹ thuật đã tạo nên những vấn đề mới cho đức tin và đức cậy của con người : Niềm tin vào Chúa của con người có thể bị suy yếu, hay bị mất đi do xã hội, do kinh tế gia đình, vv., từ đó niềm hy vọng vào Thiên Chúa càng yếu ớt hơn : Trên thực tế, Thiên Chúa không thể nào thoả mãn nhu cầu vật chất mà con người đang cần và rất cần. Không biết sẽ có một phản chứng của lối sống hiện thời hay không? Để con người thức tỉnh mà trở về với Thiên Chúa toàn năng hay không? Nhưng trước hết là giáo dân phải tham gia vào việc loan báo tin mừng và nói lên tầm quan trọng của đức tin. Qua những khó khăn trình bày trên, chúng ta thấy cần phải có một đường hướng mới và cách truyền giáo mới để đáp ứng nhu cầu của những xã hội b ị tục hoá nầy. Giáo hội mời gọi "cần cấp thiết tổ chức lại những cơ cấu Kitô giáo khắp nơi trong xã hội con người, nhưng cũng phải tổ chức lại cơ cấu Kitô giáo trong chính các cộng đoàn Hội Thánh tại các miền hay các quốc gia nầy" (số 34)

III. Phương cách Truyền giáo

A.Kêu gọi sự cộng tác

Giáo hội mời gọi tất cả giáo dân tham gia vào việc loan báo tin mừng, và làm chứng rằng chỉ có niềm tin mới có khả năng giải đáp cho những vấn đề của cuộc sống con người do xã hội gây nên. Ngoài việc kêu gọi các cá nhân tham gia vào việc truyền giáo, GH cũng không quên sự cộng tác của những hiệp hội giáo dân vì việc truyền giáo có tầm vóc lớn lao và nghiêm trọng. GH kêu gọi tình liên đới trách nhiệm thật sự giữa các thành phần nầy (Giáo hội trẻ, Giáo hội kỳ cựu). Có sự liên đới nầy thì việc Loan báo tin mừng mới có hiệu quả. "Trong một thế giới mà các khoảng cách đang xích lại gần nhau, một thế giới đang trở nên nhỏ bé hơn, thì các cộng đoàn Hội Thánh phải đoàn kết với nhau, trao đổi những năng lực và các phương tiện, cùng nhau dấn thân vào một sứ vụ chung là loan báo và sống Tin Mừng" (số 35). Lời mời gọi các thành phần dân Chúa tham dự vào việc loan báo Tin Mừng đều có giá trị ở mọi thời đại. (Chúng ta có sẵn sang để trao đổi năng lực, kinh nghiệm". không?)

Loan báo Tin Mừngở đâu và có cấp bách lắm không? Chớ thì chúng ta không còn nhớ đến lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi về trời sao? Hãy đi khắp bốn phương và giảng dạy Lời Chúa. Lời của Chúa cần phải cho hết mọi người biết đến trong đó công việc của anh chị em tín hữu là cần thiết. Tông huấn có đề cập đến những người tín hữu đã hưởng ứng tích cực, có người từ bỏ quê hương và công ăn chuyện làm để lo việc Chúa, vv.. đến các giáo dân sống ở những nơi mà chưa có Nhà Thờ, ở các xứ mà tên Chúa Giêsu chưa được ai biết nhưng nhờ đời sống đức tin của các giáo dân mà Tin Mừng được rao giảng. Thí dụ xứ Mông Cổ những năm trước khi có bang giao với Vatican, chỉ có giáo dân là những nhân viên trong các toà đại sứ, trong các sứ quán đến nói chuyện về Chúa cho người dân Mông cổ"..(Chúng ta có nên chạy đua với những tiến bộ hiện đại trong việc Phúc âm hoá không? Chạy bằng cách nào, mua sắm những máy móc, trang thiết bị điện tử"..)

B. Điều kiện

Muốn thực hiện điều đó :

a) Đừng sợ. "Đừng sợ gì cả, hãy mở toang ra, mở hết mọi cánh cửa để Đức Kitô vào, để quyền năng cứu độ của Người vào, hãy mở cửa mọi biên giới quốc gia, những hệ thống kinh tế cũng như chính trị, những lãnh vực rộng lớn của văn hoá, văn minh, phát triển. Đừng sợ, Đức Kitô biết điều gì đang diễn ra trông tâm hồn người ta. Duy mình Người biết. Ngày hôm nay, thường thường con người không biết điều gì đang diễn ra trong chính mình, do đó người ta thường không nắm được ý nghĩa cuộc sống trên trần thế, từ hoài nghi dẫn tới thất vọng. Tôi xin anh chị em, tôi hết lòng khiêm tốn và tin tưởng nài xin anh chị em, hãy để cho Đức Kitô nói với nhân loại. Chỉ có Người mới có những lời ban sự sống, vâng, một cuộc sống đời đời." (Đức Gioan Phaolô II, Bài giảng trong thánh lễ nhậm chức 22/10/1978 ). Sống đức tin đi liền với tâm tình đừng sợ. Đừng sợ phải nói cho mọi người biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế duy nhất, nơi Người chúng ta tìm thấy được sự sống và hạnh phúc thật, nơi người chúng ta sẽ tìm thấy chân lý của mọi chân lý và nơi Người chúng ta sẽ tìm thấy con đường dẫn đến sự ống đời đời: con đường của sự công bằng và bác ái. Đừng sợ phải sống và nói đức tin cho người thời đại biết chỉ có niềm tin vào Thiên Chúa mới đáng sống và đáng cậy trông, bởi vì hầu hết mọi sự được sản xuất do tay con người thời đại đều theo quy luật chung là hay thay đổi và không tồn tại. Đừng sợ phải nói lên điều đó cho dù phải gặp nhiều phiền phức và phải trả giá rất đắt đỏ, bởi vì "Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng" (1 Cr 9, 16).

b) Huấn luyện các thừa sai. Giáo sĩ được huấn luyện là hiển nhiên, nhưng không nên sao lãng trong việc huấn luyện, đào tạo những thừa sai, những giáo lý viên, những giáo dân trưởng thành về giáo lý và đức tin. Để họ có thể giúp GH dạy giáo lý và nâng đỡ đức tin cho nhau. Chính bản thân của họ đã được giáo hoá, được phúc âm hoá, để đến lượt họ làm cho người khác cũng được như họ.

C. Phương cách mới.

a) Sống đức tin, nghĩa là phải sống Lời Chúa. Lời Chúa không chỉ là lời nói suông, nhưng phải được sống. Người giáo dân không được tách rời Tin Mừng một bên và cuộc sống thường nhật một bên, nhưng phải biết kết hợp cả hai : Lời Chúa phải được sống trong sinh hoạt thường nhật, trong gia đình, trong nơi làm việc". Theo Tông Huấn nầy, việc kết hợp Tin Mừng và cuộc sống thường nhật là một đường hướng mới, một mô hình mới của việc loan báo Tin Mừng (Phúc âm hoá). Loan báo Tin Mừng không còn ở trong nhà thờ qua việc xem lễ, đọc kinh, cầu nguyện, qua việc tham dự các Bí tích, vv.., nhưng Tin mừng phải được sống bất cứ nơi nào có thể được. Bởi vì chỉ có nơi những ôi trường như thế thì Lời Chúa mới đến với mọi người, mọi tầng lớp xã hội, và chỉ có như thế thì chúng ta mới thực hiện được lệnh truyền của Chúa Giêsu "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân" (Mt 28, 20), chỉ có thế chúng ta mới có thể thực hiện chương trình cứu rỗi của Chúa là cứu độ hết mọi người, không phân biệt một ai. Theo đường hướng Phúc âm hoá mới nầy, chúng ta thấy sự cộng tác của người giáo dân trong việc thành lập cộng đoàn Hội Thánh rất đáng được trân trọng.
b) Đối thoại với tôn giáo khác. Ngày nay, dân Chúa đang sống giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, ở tại quê hương mình hay những nơi khác mà họ phải sống với các người có tín ngưỡng khác nhau. Họ phải sống như thế nào để họ trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô là người trung gian duy nhất đưa con người đến hạnh phúc đời đời. "Đối thoại các tôn giáo là điểm quan trọng hàng đầu, vì nhờ đó, người ta biết yêu thương và kính trọng lẫn nhau, xoá tan hay ít là làm giảm đi những thành kiến giữa các tín hữu thuộc tôn giáo khác nhau, cổ võ sự hiệp nhất huynh đệ giữa các dân tộc" (số 35). Trong vấn đề nầy có những khó khăn không nhỏ. Đối thoại để tìm hiểu đâu là chân lý, để sống chung, để hội nhập, vv"Hội nhập văn hoá? Đồng ý, nhưng có giới hạn và không để mất căn tính tôn giáo mình là một việc làm nghiêm chỉnh và có nhiều phức tạp. Hội nhập văn hoá được nhận thấy qua nhiều kiểu cách khác nhau : trong các việc thờ cúng, trong các cử hành phụng vụ, ngay cả trong các quan niệm về sự giống nhau và khác nhau về ý nghĩa của bí tích đạo Công giáo và phong tục, trong các kiến trúc".. (Hội nhập văn hoá là điều cần thiết? Làm sao sống với những người mang tính tôn giáo quá khích? Đạo ông bà và Đạo Thiên Chúa?)

c). Phục vụ con người

Khẳng định đầu tiên : "Hội Thánh nhận mình là đầy tớ của nhân loại" (số 36). Hội Thánh được Chúa Kitô thiết lập ở trần gian là để tiếp tục công việc của Người. Chúa đến thế gian để phục vụ cho không phải để được phục vụ. Cho nên, Hội Thánh trong lịch sử, Hội Thánh phục vụ con người, Hội Thánh vì con người,Hội Thánh với con người cùng đồng hành về Vương Quốc Thiên Chúa. Phục vụ để mọi người được bình đẳng hưởng hạnh phúc. Phục vụ để "Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" (Lc 11, 2-3). Phục vụ con người trong việc làm sao để mọi người được kết hợp với Chúa Kitô, như cành nho và thân nho. Cho nên người giáo dân, các hiệp hội phải sống tinh thần phục vụ con người và xã hội. Phục vụ theo ý muốn của Chúa Kitô thì không biên giới, không phân biệt là người Samaria hay người Galilêa (xem, Điều răn lớn, dụ ngôn người Samari tốt lành, (xem Lc 10, 25-37). Ngày hôm nay chúng ta còn mang rất nặng tâm tình hay đầu óc địa phương (régionaliste), dường như tâm tình nầy là một đặc tính cần thiết gắn liền với con người chúng ta, vì thế cho nên chúng ta thường hỏi xem người đó thuộc giới nào, ở đâu, làm gì để chúng ta có thái độ đối xử, ưu đãi và phục vụ khác nhau. (Khi phục vụ chúng ta có óc địa phương, có tổ chức cụ thể nào để phục vụ theo tinh thần Tin Mừng không? Phục vụ vô điều kiện,vị tha và vô vị lợi?)

Tông Huấn nhấn mạnh : "tuỳ theo cách thế riêng của mình và không thể thay thế, dấn thân vào "công việc mặc cho thế gian một tinh thần Kitô giáo" (số 37) nghĩa là việc dấn thân của giáo dân có kết quả là mọi người được thấm nhuần và sống Tin Mừng của Đức Kitô, mọi người được hiệp thông với nhau nhờ sự hiệp thông ban đầu của các giáo dân, của các thành phần dân Chúa. (Còn tiếp)

IX. TẢN MẠN

NHỜ NĂM THÁNH THỂ

Một ông quới chức phấn khởi:

- Trời ơi, trước đây nhà thờ này chỉ mở cửa làm lễ buổi sáng mà thôi, sau đó đóng cửa im ỉm suốt ngày, buồn lắm! Còn bây giờ chiều chiều giáo dân tụ lại đọc kinh viếng Chúa. Nhà thờ âm lên thấy rõ.

Các bà có cảm nhận gì qua Năm Thánh Thể ?

- Hội Hiền Mẫu chúng tôi có được giờ chầu Thánh Thể buổi trưa hàng tuần. Chị em tham gia đông lắm. Thật ra, sau khi lo việc nội trợ buổi sáng, có được giờ chầu Chúa buổi trưa, lòng cảm thấy sốt sắng. Nhiều khi bực mình ông chồng với mấy đứa con, không biết nói với ai, bèn thủ thỉ với Chúa Giêsu Thánh Thể, sao thấy nhẹ lòng, yêu chồng thương con hơn.

Này bạn, bạn có thấy biến đổi gì không trong Năm Thánh Thể?

- Em vừa đi học vừa làm việc. Căng thẳng lắm, thưa anh. Có chút thời giờ rảnh thì uống cà phê, nghe nhạc hay xem TV thư giãn. Nhưng kể từ đầu năm đến giờ, nghe lời khuyên bảo của Cha sở, em bớt thư giãn nơi quán cà phê, bù lại em đến nhà thờ viếng Chúa. Thỉnh thoảng em cũng rũ thêm một vài bạn có đạo đi chầu Thánh Thể thay vì "chầu" cà phê hay TV. Nhờ đó, em có thêm sức mạnh tinh thần trước những cám dỗ của danh lợi. Những vòng xoáy đó nhiều lúc làm em mất phương hướng cuộc đời.

Trước đây, người ta gọi các em là thiếu nhi Thánh Thể, vậy các em có sinh hoạt gì đặc biệt trong Năm Thánh Thể không?

- Anh biết không, ngày thường mà được ngủ tới sáng bét thì đã lắm! Các anh chị giáo lý viên "triệt" cái thói lười biếng, lại còn siết tụi em khiếp lắm. Nào là viếng Chúa trước khi học giáo lý, nào là tranh nhau đi lễ ngày thường để có thưởng . Bây giờ tụi em quen rồi, tự nhiên tới giờ là tự động dậy đi lễ sốt sắng, giúp lễ nghiêm trang đàng nữa đó.

Xin được hỏi Dì một câu được không, năm nay Cha sở có ra chỉ thị nào cho Dì trong công tác dọn đồ lễ không?

- Cha sở tôi dễ dãi đơn sơ lắm. Mấy năm trước, không thấy ngài nói năng gì đến áo lễ khăn thánh, do đó tôi cũng nhàn nhã, có khi mấy tháng tôi mới giặt áo lễ khăn thánh một lần. Còn bông hoa hương nến thì sao cũng được, thậm chí hoa nylon cũng chẳng sao.

Nhưng năm nay, nhờ ơn Chúa giúp, ngài thay đổi tư duy 360 độ, tôi cũng quay theo như chong chóng, mệt ngất ngư luôn. Giặt và ủi áo lễ khăn thánh mỗi tuần. Bàn thờ lúc nào cũng có hoa tươi. Chân đèn, bình hương đánh bóng sáng choang. Cung thánh được quét dọn lau chùi mỗi ngày.

X. NGHỆ THUẬT SỐNG

DỄ VÀ KHÓ

Dễ là khi bạn có một chỗ trong sổ địa chỉ của một người, nhưng khó là khi bạn tìm được một chỗ trong trái tim của người đó.
Dễ là khi đánh giá lỗi lầm của người khác, nhưng khó là khi nhận ra sai lầm của chính mình.
Dễ là khi nói mà không suy nghĩ, nhưng khó là khi biết kiểm soát những lời nói của mình.
Dễ là khi làm tổn thương một người mà bạn yêu thương, nhưng khó là khi hàn gắn vết thương đó.
Dễ là khi tha thứ cho người khá, nhưng khó là khi làm cho người khác tha thứ cho mình.
Dễ là khi đặt ra các nguyên tắc, nhưng khó là khi làm theo chúng.
Dễ là khi nằm mơ hàng đêm, nhưng khó là khi chiến đấu vì một ước mơ.
Dễ là khi thể hiện chiến thắng, nhưng khó là khi nhìn nhận một thất bại.
Dễ là khi vấp phải một hòn đá và ngã, nhưng khó là khi đứng dậy và đi tiếp.
Dễ là khi hứa một điều với ai đó, nhưng khó là khi hoàn thành lời hứa đó.
Dễ là khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu thương, nhưng khó là khi làm cho người khác cảm thấy như thế hàng ngày.
Dễ là khi phê bình người khác, nhưng khó là khi cải thiện chính bản thân mình.
Dễ là khi để xảy ra sai lầm, nhưng khó là khi học từ những sai lầm đó.
Dễ là khi buồn bực vì một điều gì đó mất đi, nhưng khó là khi quan tâm đủ đến điều đó để đừng làm mất.
Dễ là khi nghĩ về một việc, nhưng khó là khi ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động. Dễ là khi nghĩ xấu về người khác, nhưng khó là khi cho họ niềm tin.
Dễ là khi nhận, nhưng khó là khi cho.
Dễ là khi đọc những điều này, nhưng khó là khi bạn thực hiện nó! (sưu tầm)

1581    20-04-2012 10:05:21