Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Thư Mục Vụ Tháng 04: Sống Năm Thánh Lòng Thương Xót

Vĩnh Long ngày 25.03.2016

Kính gửi: Quý Cha

Quý Tu sĩ nam nữ

Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long

V/v SỐNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT

Anh chị em thân mến,

Anh chị em thân mến. Tháng trước tôi có dịp nói với anh chị em những nét tổng quát về Lòng thương xót trong Kinh thánh trong Tông Sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót. Tháng nầy, tôi đề cập vắn tắt đến Lòng thương xót là nền tảng thực sự của đời sống Giáo Hội (số 10).

Thiếu lòng thương xót. Tất cả hoạt động mục vụ của Giáo Hội nên được xây dựng trên lòng thương xót và Giáo Hội làm cho lòng thương xót đó hiện diện nơi các tín hữu. Bởi vì, từ lâu con người sống thiếu lòng thương xót:

- Quá chú ý đến công lý (pháp lý: nợ phải trả) điều nầy dẫn đến việc:

- Khó thực hiện sự tha thứ: về phương diện pháp lý, sự tha thứ không thể biện minh cho công lý, bởi vì công lý trước hết đòi hỏi phải giải quyết những món nợ con người mắt phải. Tôi bị xúc phạm thì phải đền bù sự xúc phạm. Khó lòng tha thứ là như thế. Sự tha thứ chỉ có thể tìm được nguồn cội của nó ở trong đức tin vào Thiên Chúa tốt lành và hay thương xót mà thôi. Hiện trạng thế giới nầy thật sự càng ngày càng sống thiếu lòng thương xót, tiêu biểu là thiếu sự tha thứ. Trong gia đình, các thành viên không biết tha thứ cho nhau vì một lỗi không đáng gì. Trong Họ đạo, các thành phần dân Chúa không biết tha thứ cho nhau cũng vì một lỗi nhỏ, cũng vì tranh giành chức việc, cũng vì không thuận ý nhau, cũng vì có thành kiến với nhau. Trên thế giới, ngày nào cũng thấy có chiến tranh chết chóc, bởi vì con người không biết tha thứ cho nhau do tranh giành quyền lợi kinh tế, xã hội....và còn nữa. Từ không biết tha thứ dẫn đến thiếu lòng thương xót. Cho nên, “đã đến lúc, Giáo Hội phải thực thi phận vụ hân hoan loan báo sự tha thứ....Sự tha thứ là động lực làm bừng lên sức sống mới và truyền thêm can đảm để giữ vững niềm hy vọng” (số 10).

Một lý do nữa đáng lưu ý:

- Khoa học tiến bộ và đầu óc thống trị (con người ích kỷ, nóng giận, ghen tị, tranh giành) có thể làm cho con người sống thiếu lòng thương xót.

 

Rao giảng và làm chứng lòng thương xót. Hoạt động mục vụ của Giáo Hội bao gồm lời rao giảng và việc làm chứng của Giáo Hội cho thế giới thấy không bao giờ được thiếu lòng thương xót. Trong Tông huấn còn nhấn mạnh rằng “Ngôn ngữ và hành động của Giáo Hội cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy đường lối dẫn về Chúa Cha” (số 12). Giáo Hội có uy tín hay không là do thể cách mà Giáo Hội thể hiện lòng thương xót.

Rao giảng và làm chứng lòng thương xót phải chạm đến trái tim và khối óc của từng người. Giáo Hội trong đó có chúng ta phải thực thi lòng thương xót. Lấy tình yêu Chúa Kitô, một tình yêu tha thứ và tự hiến mà sống với nhau.

Ước gì trong mùa Phục Sinh nầy, mọi người chúng ta là thành phần của Giáo Hội biết rao giảng và làm chứng lòng thương xót trên địa bàn mình đang sống và sinh hoạt, để “nơi đâu có Giáo Hội hiện diện, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha phải được tỏ hiện” (số 12).

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai

Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long

946    14-04-2016 08:20:02