Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Thực Thi Công Bằng Xã Hội và Bác Ái - Tháng 09 năm 2011

LỜI CHỦ CHĂN

Toà Giám Mục Vĩnh Long
103 đường 3/2
Vĩnh Long

26.8.2011

V/v  Thực Thi Công Bằng xã hội và Bác Ái

Kính gởi :  Các Linh Mục, các Tu Sĩ
          
      Và Anh Chị Em Giáo Dân Địa Phận Vĩnh Long

Đại Hội Dân Chúa tại Việt Nam tháng 11. 2011 đã lượt qua tình hình xã hội và tôn giáo trên quê hương, ghi nhận nhiều tệ nạn do ảnh hưởng của chủ nghĩa tương đối và hưởng thụ đang lan tràn trong mọi lãnh vực (x. Thư chung của HĐGM 2011, 5-8). Một thách đố lớn cho đời sống và sứ mạng của Hội Thánh: Làm thế nào để có thể thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô? Làm thế nào để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho đại đa số đồng bào chưa biết Chúa Giêsu?

"Các con hãy đi thâu thập môn đồ khắp muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con" (Mt 28,19-20).

Sứ mạng của Hội Thánh bao gồm nhiều hoạt động :

- Công bố Tin Mừng đầu tiên (kerygma),

- Huấn giáo nhằm xây dựng sự trưởng thành đức tin,

- Đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập mọi lãnh vực đời sống xã hội và văn hóa ( x.Thư Chung, 32).

1. Thực thi công bằng và bác ái có phải là phục vụ chân lý Phúc Âm ?

Sau Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ đã lập tức lên đường: Họ ra đi và rao giảng khắp nơi, có Chúa hoạt động với họ (Mc 16,20). Các ngài rao giảng những gì? Thánh Phaolô trả lời cho chúng ta: Chúng tôi không rao giảng bản thân mình, mà rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa (2 Cor 4,5).

Đức Phaolô VI quả quyết: Không có việc rao giảng Tin Mừng thật sự, nếu không công bố danh tánh, giáo lý, cuộc đời, các lời hứa, Nước Trời và mầu nhiệm của Đức Giêsu Nadarét, Con Thiên Chúa  (Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, 22 ).

Có thể nói  nội dung hay mục tiêu của  việc Công bố Tin Mừng đầu tiên  là  Rao giảng cho lương dân được biết Giêsu Nadarét là Chúa, và thành tâm gắn bó với Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Gioan 14, 6).

Hội Thánh  theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, không ngừng rao giảng và quy tụ họ thành đoàn dân  duy nhất "là dòng giống được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện dân riêng của Thiên Chúa"  (1P 2,9) 

Việc huấn giáo tiếp theo sau thật là cần thiết cho các tín hữu, để củng cố và  phát triển đời sống đức tin  hướng tới mức trưởng thành. Thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu: "Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại"  (Col 3,12) .

2. Giữa thế gian, Hội Thánh có sứ mạng là ánh sáng, là men trong bột, là muối cho đời.  Bằng cách nào ?  Thư chung nói đến Sứ Mạng Yêu Thương và Phục Vụ theo gương Chúa Giêsu (x. Mc 10, 45;  Gioan 15,13); Người dám chết cho chúng ta, đang khi chúng ta còn là tội nhân (x. Rom 5,8-9).

Sống yêu thương và phục vụ  phải thực thi công bằng và bác ái. Mến Chúa và yêu thương  tha nhân không tách rời nhau. Không thể có lòng mến Chúa mà thiếu tình yêu đồng loại (x. 1 Gioan 4,20-5,1).

Người Công Giáo  thực thi bác ái như thế nào?  CĐ Vaticanô II cho chúng ta một giải đáp: "Ngày nay công cuộc bác ái có thể và phải nhắm tới tất cả mọi người và mọi nhu cầu. Ở đâu có người thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thiếu nhà ở, thiếu thuốc men, thiếu việc làm, thiếu giáo dục, thiếu phương tiện cần thiết để sống xứng danh con người ; ở đâu có người đau khổ vì nghịch cảnh, ốm yếu, bị lưu đày, tù ngục, thì ở đó bác ái Kitô giáo phải tìm gặp, ân cần săn sóc, ủi an và xoa dịu bằng những trợ giúp thích đáng. Đó là bổn phận trước tiên của những người giàu và những dân tộc sống trong cảnh phồn vinh" (AA 8; GS 30 và 84).

3. Nhưng  làm sao loại trừ căn nguyên của sự dữ. Một môi trường ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người, cũng vậy một xã hội dung túng bạo lực, bất công, gian  tham, ích kỷ, dối trá không thể không lôi kéo con người vào tội ác, phá huỷ nền tảng đạo đức, gây ra hỗn loạn.

Dấn thân cho công lý. Luật Roma, luật tự nhiên, dựa trên nguyên tắc Unicuique Suum, có nghĩa là Trả cho mỗi người cái gì là của họ. Cần lấy đó làm  căn bản cho mọi cải cách xã hội, giáo dục. Đàng khác  niềm hy vọng trong đức tin là nguồn lực để giải trừ các ảnh hưởng thế tục, đưa con người đến phát triển toàn diện, về mặt vật chất, trí thức và tâm linh.

Đức Bênêđitô XVI nói với Peter Seewald : "Nhiều lúc tôi tự hỏi : Chẳng hiểu tại sao người Kitô hữu có đức tin thật sự lại không đủ sức đưa đức tin của mình lên, ảnh hưởng mạnh trên bình diện chính trị... Làm sao để chính họ, với lực đẩy của niềm tin, đứng dậy trực diện với chủ nghĩa thế tục, dứt khoát với nó" (Ánh sáng thế gian, tr.81).

Các vị Mục Tử đang có trong tay  Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh  Công Giáo.  Cần có chút can đảm để đọc và hướng dẫn giáo dân.  Đây là công việc cấp bách mà Hội Thánh mong muốn chúng ta thực hiện. 

Tiếng nói của chân lý lắm khi bị từ chối, sống theo chân lý phải hy sinh. Sự hy sinh nầy luôn được đáp đền bằng sự an bình trong tâm hồn, nếu không nói đến phần thưởng của Thiên Chúa "Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ" (Mt 5,10).

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
  
   Giám mục của Anh Chị Em

THƯ MỤC VỤ

CHỦ ĐỀ: THỰC THI CÔNG BẰNG XÃ HỘI & BÁC ÁI

Người Kitô hữu không sống đức tin cách trừu tượng nhưng cách cụ thể trong môi trường xã hội với những vấn đề của nó. Vì thế, chính đức tin đòi hỏi họ phải quan tâm đến các vấn đề xã hội. Hơn thế nữa, góp phần phục vụ sự phát triển toàn diện của con người và xã hội là thành tố thiết yếu của sứ mạng loan báo Tin Mừng. Vì thế, mỗi Kitô hữu nói riêng và cộng đoàn giáo hội nói chung phải quan tâm đến các vấn đề xã hội, nhất là công lý và công ích vốn là nền tảng của lòng bác ái chân thật (x. Caritas in veritate). Góp phần loại bỏ những cơ cấu bất công và kiến tạo công bằng trong xã hội là góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa trên trần gian (Tài Liệu Làm Việc Của Đại Hội Dân Chúa 2010, số 38).

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Có một người phong cùi quần áo rách nát hằng ngày ngồi xin bố thí bên vệ đường. Thỉnh thoảng cũng có những người qua đường mủi lòng để rơi một vài đồng xu vào trong cái mũ lá đặt bên chân người ấy. Có điều lạ là người ăn xin đó không hề tỏ dấu hiệu biết ơn nào, không một lời nói cũng không một nụ cười, hoặc một cái gật đầu.

 

Một hôm, có người thường xuyên đi ngang qua lối đó thấy vậy liền dừng lại và không khỏi ngạc nhiên lên tiếng hỏi người phong cùi xin bố thí:

- Tại sao ông không một lời hoặc một cử chỉ biết ơn nào đối với những người tỏ lòng trắc ẩn bố thí cho ông?

Người phong cùi thản nhiên đáp:

- Nhưng tại sao tôi phải cám ơn họ? Thiên Chúa đã muốn dùng tôi như cơ hội tốt đẹp để họ có dịp làm việc thiện, làm một cử chỉ nhân từ, một hành động bác ái. Có lẽ tốt hơn là họ phải cám ơn Chúa vì sự bất hạnh khốn cùng của tôi để nhờ đó mà họ có công nghiệp đáng được vào Nước Trời.

 

Nghe vậy, khách qua đường mỉm cười mỉa mai bỏ đi trong lòng thầm nghĩ người ấy hoặc là mất trí hoặc là vô ơn. Nhưng câu trả lời của người phong cùi cứ văng vẳng bên tai làm cho vị khách qua đường phải hồi tâm suy nghĩ. Sau cùng, người ấy tự nhủ: "Xét cho kỹ thì người phong cùi hẳn có lý. Thực ra, bất kỳ việc tốt gì chúng ta làm cho người khác, tức là làm cho chính mình vậy". Từ ngày đó trở đi, mỗi lần đi ngang qua người phong cùi ăn xin bên vệ đường, người ấy luôn rút trong túi ra hai đồng tiền, một đồng để làm phúc bác ái cho người phong cùi, còn một đồng để tỏ lòng biết ơn người ấy.

 

Lời nói của người phong cùi nghe như lời nói của kẻ vô ơn, tệ bạc là lời thức tỉnh lòng ích kỷ tự nhiên của con người và nhắc nhở chúng ta có bổn phận phải quan tâm đến những người chung quanh chúng ta. Lắm khi chính chúng ta sai lầm khi nghĩ rằng thực thi đức bác ái chỉ là một lời khuyên bảo tốt, một việc làm thêm có thể làm hoặc cũng có thể bỏ qua. Trái lại, theo tinh thần Phúc Âm Chúa Kitô thì thực thi đức bác ái là một bổn phận nòng cốt trong đời sống người tín hữu...

 

Lòng bác ái theo tinh thần Phúc Âm còn đi xa hơn cán cân công bằng của người thế trần: mắt đền mắt, răng thế răng; trái lại, "Cần phải yêu thương cả thù địch và làm điều tốt cho những người thù ghét cac con nữa, có như thế những người khác mới nhận biết rằng các con là môn đệ của Thầy được". (Mt 5,44-45) (Radio Veritas)

Trước khi diễn giải Thư mục Vụ, chúng ta tóm lược một vài ý về Chủ đề Thực Thi Công Bằng Xã Hội và Bác Ái như sau:

Hễ là công dân thì phải có nhiệm vụ ít nhiều xây dựng và bảo vệ xã hội.

Tự đào luyện  hay góp công đào luyện nhân bản, bảo vệ xã hội.

Góp công xây dựng xã hội công bằng àv thể hiện bác ái. Xã hội như thế mới bình an.

Sống xã hội như thế thì nói được phần àno góp công xây dựng nước Chúa.

Nota: Hội Thánh không cho phép linh mục trực tiếp tham gia chính trị, để chu toàn nhiệm vụ linh đạo.

Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy: "Công bằng là nhân đức luân lý thể hiện qua quyết tâm trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là "nhân đức thờ phượng". Đối với con người, công bằng là tôn trọng quyền lợi của mỗi người và sống hài hòa bằng cách đối xử công minh đối với mọi người và thực thi công ích. Theo Kinh Thánh, người công chính sống ngay thẳng trong tư tưởng và cư xử chính trực với tha nhân"  (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1807).

 

Nhân đức công bằng được thể hiện dưới ba hình thức:      

 

- Công bằng giao hoán quy định những trao đổi giữa các cá nhân và giữa các tổ chức trong việc tôn trọng đúng đắn quyền lợi của nhau. Công bằng giao hoán bó buộc một cách triệt để, vì nó đòi hỏi bảo vệ quyền tư hữu, trả nợ và chu toàn những nghĩa vụ đã tự do ký kết. Thiếu vắng công bằng giao hoán thì không thể có một hình thức công bằng nào khác;

 

- Công bằng pháp lý liên quan đến điều người công dân có bổn phận, theo lẽ công bằng đối với cộng đồng;

 

- Công bằng phân phối quy định những gì cộng đồng phảii thực hiện cho các công dân, tương xứng với những đóng góp và với những nhu cầu của họ" (GLCG số 2411). Đây chính là chiều kích xã hội của công bằng, của Giáo huấn Xã hội Công giáo, theo đó mỗi người sẽ nhận được phần của mình với tư cách là thành phần của một cộng đoàn và tuỳ theo mức độ họ đã đóng góp cho cộng đoàn.

Về mặt pháp lý, các đòi hỏi của công bằng bó buộc mọi người phải thi hành. Một xã hội phát triển và ổn định phải có luật lệ rõ ràng, phải tôn trọng nguyên tắc công bằng và phải có những biện pháp hữu hiệu chống lại mọi hình thức bất công. Nhưng với tư cách nhân đức, công bằng đích thực không dừng lại nơi việc thi hành những gì luật đòi buộc, mà còn đi xa hơn, vươn tới chiều kích liên đới và yêu thương. "Bởi vì tình yêu bao hàm một đòi hỏi tuyệt đối về công bằng, nghĩa là việc nhìn nhận phẩm giá và những quyền lợi của tha nhân. Đồng thời công bằng chỉ đạt tới sự viên mãn nội tại trong tình yêu. Với xác tín rằng mỗi người đích thực là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình và em của Đức Kitô, người Kitô hữu nhìn thấy trong mỗi người hình ảnh của Thiên Chúa và yêu sách tuyệt đối về công lý cũng như về tình yêu là chính yêu sách của Thiên Chúa"  (Thượng Hội đồng các Giám mục về "Công bằng trên thế giới").

Không thể xây dựng một xã hội phát triển, an hòa và nhân bản, nếu không tôn trọng các đòi hỏi căn bản của công bằng. Cũng không thể có tình yêu đích thực nếu thiếu vắng công bằng và hành động tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền. Tuy nhiên, "chỉ một mình công bằng mà thôi thì chưa đủ. Thật vậy, công bằng có thể phản bội chính mình, trừ khi nó biết mở rộng cửa cho một sức mạnh sâu xa hơn, là bác ái" (Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình 2004, 10).

Đức công bằng xã hội gắn liền với công ích và qui định việc sử dụng quyền bính. Quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về công bằng xã hội bao gồm việc đảm bảo các điều kiện để các cộng đồng và các cá nhân đạt được những gì mà họ có quyền nhận được theo bản tính và ơn gọi của họ. Như thế, công bằng xã hội vẫn phải đảm bảo những chiều kích thiêng liêng và đạo đức của nó, và nhờ đó nó mới có thể đạt đến sự tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người (x.GLGHCG, số 1807). Mọi người, dù có những khác biệt nhưng bình đẳng như nhau về phẩm giá và quyền lợi, và đó là chuẩn mực để tiến tới loại bỏ những bất bình đẳng về tôn giáo, văn hóa, xã hội và kinh tế. Để từ việc đảm bảo những yếu tố căn bản của công bằng đó, đức công bằng Kitô giáo mới có thể vươn lên một tầm mức cao hơn là liên đới và chia sẻ những lợi ích tinh thần và những giá trị thiêng liêng trong toàn thể cộng đồng nhân loại.

Đây chính là điều mà các Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội luôn tận lực tranh đấu cho công bằng với mục đích vươn tới tình yêu đích thực dành cho con người. Một tình yêu vô vị lợi theo gương Chúa Kitô.

Thật vậy,  mục tiêu tối hậu của bác ái Kitô giáo là phục vụ Thiên Chúa nơi tha nhân. Nguy cơ bác ái bị hiểu lầm, bị đưa ra khỏi đời sống luân lý, nên bác ái phải có sự thật đi kèm. Bác ái mà không có sự thật thì dễ bị lẫn lộn với một mớ tâm tình tốt đẹp, tuy có ích cho xã hội, nhưng nó luôn ở bên lề xã hội. Vì đó là những hoạt động tùy thuộc vào tư lợi, thực hiện theo những tiêu chuẩn quyền, có thể đưa tới những hậu quả phá hoại xã hội.) (x. Caritas in Veritate, số 1-4).

Bác ái Kitô giáo là một hoạt động của Giáo Hội nhằm xây dựng một xã hội xứng hợp với nhân phẩm và với ơn gọi của con người. Ngày nay, phục vụ được coi là tiêu chuẩn đánh giá con người. Người có giá trị là người biết phục vụ và phục vụ tận tình, phục vụ hữu hiệu. Phục vụ, làm việc bác ái là dấu chỉ chúng ta yêu mến nhau, là dấu chỉ làm cho người ta nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Kitô và là cách thế để Thiên Chúa chúc phúc và làm cho Giáo Hội ngày càng thêm đông số. Thực thi bác ái chính là loan báo Tin Mừng, là truyền giáo, là xây dựng Giáo Hội.

Không thểâ có bác ái thật sự nếu không có công bằng. Nhưng công bằng không thôi thì chưa đủ mà phải vươn tới bác ái, nhân từ, thương xót, như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: "Lòng thương xót đích thực theo một nghĩa nào đó, là nguồn cảm hứng sâu xa nhất làm phát sinh công bằng. Nếu công bằng tự nó là thích hợp cho việc phân xử giữa người với người liên quan tới sự phân phối của cải vật chất một cách công bằng, thì tình yêu và chỉ có tình yêu (bao gồm cả thứ tình yêu khoan dung mà ta gọi là lòng thương xót) mới có thể trả con người về lại với chính mình. Lòng thương xót thật sự Kitô giáo, theo một nghĩa nào đó, cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của sự bình đẳng giữa người với người và do đó cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của công lý vì trong lãnh vực riêng của nó, công lý cũng nhắm tới cùng một kết quả như thế. Tuy nhiên, sự bình đẳng do công bằng mang lại thường giới hạn vào lãnh vực của cải vật chất bên ngoài, còn tình yêu và lòng thương xót lại làm cho con người gặp gỡ nhau trong cái giá trị là chính con người, với phẩm giá riêng của con người" (Gioan Phaolô II, Thiên Chúa Giàu lòng thương xót, số 14).

 

Từ những nhận định trên, chúng ta thử kiểm điểm cách nhìn nhận và thực hiện việc Thực Thi Công Bằng Xã Hội và Bác Ái như thế nào:

Không nên muốn một chế độ đời đạo hoàn toàn cách biệt nhau.

Chế đạo đời đàn áp đạo hay đạo đàn áp đời cũng không nên muốn.

Mong có chế độ tôn trọng tự do tôn giáo.

Không mong ước đạo mình được ưu ái hơn trong xã hội.

Có thể tranh đua trong công trình xây dựng và bác ai.

Nguồn: Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo; Gm. Nguyễn Thái Hợp, OP., Một cái nhìn về Giáo huấn Xã hội Công giáo; Fx. Hồng Ân, Công bằng và vai trò của Giáo Hội đối với công bằng.

LỜI NGUYỆN CHUNG

 

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu dầu là Con Thiên Chúa, khi sống giữa trần gian, Ngài vẫn luôn tôn trọng và thực thi công bằng xã hội. Hơn nữa, Thiên Chúa tạo dựng con người có tính xã hội, nên con người phải thực thi công bằng xã hội và bác ái. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. Chúa phán: "Con người sống một mình không tốt". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, kết hợp các tổ chức thiện chí, thực thi công bằng xã hội, tôn trọng công lý, xây dựng công ích, và thể hiện bác ái Kitô-giáo.

2. Chúa phán: "Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa; của Xêda, trả về Xêda". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người đang sống trong cộng đồng xã hội, biết thực thi công bằng xã hội và giúp nhau hưởng công ích xã hội trần gian.

3. Chúa phán: "Các ngươi đong bằng đấu nào, sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần xã hội đều tôn trọng và thực thi công lý, luôn giúp đỡ nhau xây dựng xã hội theo tinh thần Tin Mừng.

4. Chúa phán: "Muốn người ta làm gì cho mình, thì các con hãy làm điều đó cho người ta trước". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, trở nên những người tiên phong trong việc thực thi công bằng và bác ái.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa không cứu chuộc một người, mà là mọi người. Xin cho mọi người dám thực thi công bằng bác ái, hầu làm cho mọi người được hưởng mọi lợi ích ở trần gian, và được hưởng ơn cứu rỗi trên thiên đàng.Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

SỐNG ĐỨC ÁI

Tin mừng theo thánh Matthêu chương 25 nói về ngày phán xét Đức Giêsu nói: "Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han". Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa sẽ phân xử mọi người theo tiêu chuẩn của đức ái. Nhưng sống đức ái thế nào cho chân thật, không giả hình giả bộ và không bị con người lợi dụng, thiết tưởng đức ái phải được xây dựng trên nền tảng của sự công bằng.

 

Vậy công bằng là gì? Theo Sách Lý Hội Thánh Công Giáo số 1807 định nghĩa: "Công bằng là nhân đức luân lý cốt tại một ý chí liên lỉ và vững chắc, quyết tâm trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với người thân cận. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là "nhân đức thờ phượng". Đối với người ta, công bằng là tôn trọng quyền lợi của mỗi người và thiết lập sự hài hoà trong các mối tương quan nhân loại, sự hài hoà này đưa tới việc không thiên vị đối với các nhân vị và đối với công ích."  Nhưng công bằng khô cứng mà thiếu bác ái thì vô tâm và thiếu tình người. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16 đã viết trong Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu: "Ngay cả trong xã hội công bằng nhất, tình yêu (bác ái) vẫn luôn cần thiết. Không một trật tự công bằng của nhà nước nào có thể xem công tác bác ái là thừa thãi. Ai muốn loại bỏ tình yêu thì đồng thời cũng không xem con người là người nữa" (Số 28b). Công bằng và bác ái không loại trừ nhau, nhưng bác ái nằm cao hơn công bằng, bởi vì bác ái chứa đựng công bằng và thúc đẩy người ta thực thi công bằng. 

Phải thực thi đức ái như thế nào? Sống trong một thế giới mà người giàu ức hiếp người nghèo. Kẻ thấp cổ bé miệng bị khinh thường, coi rẻ... ai giữ được công bằng trong cách sống và cách đối xử với đồng loại đã là khó lắm rồi. Không dùng quyền hành để chiếm đoạt tài sản của kẻ khác, không dùng sức mạnh để ức chế người này, người khác... . Sống như vậy đã đủ chưa? 

Tin Mừng Lc 16, 19-31 chính là câu trả lời hùng hồn. Sống công bằng thôi thì chưa đủ mà còn phải sống và thực hành đức ái với đồng loại nữa.

Trong câu truyện dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể giữa người phú hộ giàu có và người hành khất nghèo đói Lazarô, người phú hộ dường như chẳng có lỗi gì trong đức công bằng. Ông ta đương nhiên có quyền hưởng dùng những gì ông ta có. Ông tiệc tùng, liên hoan là tiền của ông, đâu phải tiền mà ông đã cướp giật của anh nghèo Lazarô đâu. Ông hề không bóc lột, tống tiền, hoặc cưỡng đoạt gì của Lazarô. Hơn nữa, không thấy người hành khất Lazarô lên tiếng xin nhà phú hộ lấy một lời, nhưng chỉ nằm ngoài cổng của nhà phú hộ. Ở một phương diện nào đó, có thể nói là nhà phú hộ đã xử tốt  đối với Lazarô, vì nếu không ông có thể sai gia nhân ra đuổi cái anh chàng ăn mày đang nằm ngoài cổng kia với mình đầy ghẻ chốc. Sự ghẻ lở ấy có thể làm cho ông cảm thấy ghê tởm, mà ăn không ngon. Vậy mà để kết luận, Chúa Giêsu lại nghiêm khắc kết án nhà phú hộ. Ông đã phải trầm luân hỏa ngục. Ngược lại, Lazarô được phần thưởng Nước Trời.

Công bằng thôi chưa đủ. Không lấy của người khác. Không tham lam, cướp giật, không trục lợi, không tước đoạt của người này, người khác chưa đủ để vào Thiên Đàng. Đó mới chỉ là công bằng và không phải là hành động của bác ái.

Bác ái vượt xa công bằng. Nhà phú hộ giàu sang, tưng bừng yến tiệc, còn Lazarô nghèo nàn, rách nát phải đi ăn mày đó là công bằng. Nhà phú hộ không cho Lazarô, vì Lazarô không lên tiếng xin, đó là công bằng. Nhưng như  Chúa Giêsu đã kết luận, cái làm cho Lazarô được thưởng Nước Trời, và cái làm cho nhà phú hộ bị đọa hình hỏa ngục là đức bác ái. Đức bác ái của Lazarô là ở lòng yêu mến Thiên Chúa, chấp nhận thân phận nghèo nàn, ốm đau, và bệnh tật. Không tham lam, ghen tỵ. Còn đức bác ái của nhà phú hộ là phải vượt qua sự công bằng ngồi chờ kẻ khác van xin, nhưng rộng tay ban phát và bố thí.

Ai là những Lazarô quanh ta trong lúc này? Đó có thể là vợ, chồng, con, cháu, ông bà, anh chị em trong gia đình, và cũng có thể là tất cả những ai mà hằng ngày ta gặp gỡ, giao tiếp. Nhiều người cần ta, xin ta, và cũng có người không cần xin ta như Lazarô, thì bổn phận ta là phải khám phá ra, tìm gặp nhu cầu của những người này mà giúp đỡ. Và đó mới chính là một hành động bác ái.

Nghe lời dạy của Chúa Giêsu và bài học của người phú hộ, xin Chúa cho chúng ta không chỉ biết thực thi đức công bằng mà còn tiến xa hơn nữa trong đức ái và nhờ đó ta sẽ được Thiên Chúa cho ở bên phải, được bước vào vương quốc tình yêu. 

HỌC KINH THÁNH

BÀI 9: THƯ GỬI TÍN HỮU RÔMA (Rom)

 

1/ Ai là tác giả lá thư Rôma? Thư được viết tại đâu, viết lúc nào và viết cho ai?

 

Tác giả là Phaolô như chính ngài đã xác quyết ở đầu thư "Phaolô được kêu gọi làm Tông đồ" (Rom 1, 1). Thư được viết khoảng năm 56-58, tại Côrintô và viết cho các tín hữu cư ngụ tại Rôma.

 

2/ Thánh Phaolô quan niệm thế nào về đau khổ?

Với ngài tất cả đau khổ trần gian không thể sánh được với vinh quang mai hậu (Rom 8, 18), vì Thiên Chúa sẽ biến mọi sự nên tốt lành cho những kẻ mến Người (8, 28).

 

3/ Thánh Phaolô dạy ta phải có thái độ nào đối với nhà cầm quyền?

Đối với nhà cầm quyền trị nước, Thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải biết phục tùng, vì không quyền binh nào lại không do từ Thiên Chúa (Rom 13, 1).

 

4/ Thánh Phaolô nói gì về thái độ chúng ta phải có đối với tha nhân?

 Thánh Phaolô dạy:

- "Đừng xét đoán nhau! Đừng làm cớ cho người khác vấp phạm" (Rom 14, 13).

- "Hãy lo làm hoà và xây dựng cho nhau" (14, 19).

- "Bổn phận kẻ mạnh là nâng đỡ sự yếu hèn của người cô thế cô thân, chứ chẳng phải để làm hài lòng mình" (Rom 15, 1).

 

Lời Chúa: "Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ". (Rom 10,10)

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con được nên công chính không phải qua việc tuân giữ lề luật nhưng nhờ việc đặt niềm tin vào Chúa Giêsu là Đấng cứu độ. Xin cho chúng con biết chia sẻ niềm tin của mình cho những người chưa tin nơi Chúa. Amen. 

SỐNG ĐẠO

ĐẠO TÌNH YÊU

 

Thuở sơ  khai,  các nhà truyền giáo đến Việt Nam, đã rao giảng Tin Mừng làm cho nhiều người tin giữ. Các tín hữu đầu tiên đã sống yêu thương nâng đỡ nhau, lại rộng tay giúp đỡ mọi người và được thiên hạ xưng tụng Đạo Tình yêu.

 

Từ xưa đến nay vẫn là một đạo, nhưng thử hỏi người ta còn ca tụng Đạo Tình Yêu nữa không? Sự thật thì hiện nay vẫn có nhiều tôn giáo thể hiện nhiều công trình từ thiện bác ái. Dầu vậy vẫn nói được Công giáo có nhiều cơ sở thương người. Nhưng chúng ta kiểm điểm có dám tự phụ mình sống Đạo Tình Yêu không?

 

Giữ đạo thì mình vẫn giữ. Thấy đạo là đùng, là tốt thì mình theo giữ đểnên người đàng hoàng, người đạo đức, đáng người ta tôn trọng. Giữ đạo lánh tội để khỏi Chúa phạt. Làm lành để được Chúa ban ơn, để được rỗi. Giữ đạo cho mình không nghĩ đến người khác. Người khác cạnh bên mình, minh không nhớ; Chúa xa vời quá. Làm sao nhớ. Nên cũng không thương Chúa.

 

Con người là đối tượng tại ngoại để Chúa yêu thương và để có đối tượng đáp lại tình yêu của Chúa. Do đó, nếu không đáp lại tình yêu thì con người không đáng Chúa dựng nên. Không mến Chúa thì đạo không còn lý do tồn tại.

 

Bởi yêu mến Cháu, nên cũng đòi buộc chúng ta phải thương nhau. Chúng ta là con Chúa, là anh em nhau (tứ hải giai huynh đệ) nên phải thương nhau. Biết thương nhau, mới thương Chúa; thương Chúa mới biết thương nhau.

 

Không thương thì luật lệ không còn giá trị, Mười Điều Răn không còn nền tảng, đạo đức không còn lý do tồn tại.

 

Hễ có đạo thì phải biết yêu. Sống tình yêu chính đáng thế mới thật sống đạo.

 

GIỮ ĐẠO CÓ KHÓ KHÔNG?

 

Phật giáo quả quyết đời là bể khổ. Sinh, bệnh, lão, tử: khổ. Trong thi ca cũng nói: bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê. Ngay trong đạo chúng ta cũng nói đời là chốn khách đày, là sủng khóc lóc.

 

Vậy Chúa dựng nên ta để làm gì? Để bắt con người khổ nhọc, đến khi chết đến thì tan biến? Xem ra vô lý quá!

 

Đúng ra chúng ta phải nhận định: Chúa dựng nên chúng ta để cộng tác vào công trình tạo dựng của Chúa. Con người có lý trí là tốt rồi. Ngay trước nguyên tội, nơi vườn địa đàng, chúng ta có thể tưởng tượng nguyên tổ được vui hưởng cây trái trong vườn, nhưng cũng có việc phải coi ngó, săn sóc cây trái, để thụ hưởng. Nhưng việc coi ngó, săn sóc không buồn khổ, vì được thụ hưởng.

 

Trước nguyên tội, nói được là không có buồn khổ. Nhưng sau nguyên tội, con người ngổ nghịch chống đối với Chúa,  nên dường như Chúa bắt vạn vật phản bội không phục tùng, không ủng hộ mà sinh ra gai góc.. do đó, đòi hỏi con người phải khổ nhọc mới có được thức ăn.

 

Tuy nhiên nguyên tội không lật đổ được tình yêu của Chúa. Chúa tái tạo con người bằêng việc Giáng sinh cứu chuộc. Giáng sinh, chịu khó, chịu chết, để đền tội thay cho nhân loại, mà lại còn chuộc lại ân huệ trước nguyên tội.

 

Chúa vẫn để con người chịu khổ, chịu khổ để đền tội riêng của mình, để chuộc lại ân huệ thuở trước: ân huệ làm con, ân  huệ được kết hợp và vui phúc...

 

Đón nhận đau khổ để đền tội thì ít nhiều cũng bớt phần đau khổ. Đón nhận đau khổ để được kết hợp với Chúa thì đúng ra không còn đau khổ mà lại đạt vinh phúc nữa.

 

Trên đời có nhiều đấng thánh, sống bịnh hoạn thường xuyên. Có thánh nhận 5 dấu thánh, chắc không ngừng đau khổ, dầu vậy, các ngài vẫn an lạc.

 

Thực tế, chúng ta sống đạo, đa số vẫn được an vui. Có người dám cả quyết đời ít khi buồn. Đời chắc đạt hy vọng... và Chúa ban cho bình an, thì đời không khổ. Có nhọc, nhưng nhọc nhằn tạo phúc...vẫn an vui.

GIỮ ĐẠO KHÓ HAY DỄ

Xem ra dễ nhưng thật khó, vì học đạo sống đạo xem ra dễ, thật sự không khó lắm. Học đạo dầu trẻ bé cũng học được, biết được giữ đạo cũng không mấy khó, thấy người ta giữ mình bắt chước làm theo, cũng không hẳn là khó.

 

Sống đạo nghĩa là giữ đạo có ý thức có tinh thần, cũng không hẳn là khó , đơn sơ, chân thành nhiều người giữ được - nhưng học - giữ - và sống đạo đúng là rất khó, vì học biết đạo là biết Thiên Chúa, biết đường lối tin thờ tiếp xúc, kết hợp với Chúa không phải dễ vì Chúa vô cùng, đường lối cao siêu, tiếp xúc với Chúa không phải dễ, còn kết hợp với Chúa lại khó khăn hơn.

 

Giữ đạo cũng không dễ, mặc dầu Chúa mặc khải đầy đủ, nhưng giữ đúng như Chúa dạythì khó rồi, mà giữ cho hoàn hảo thì càng khó hơn, vì bản tính sau nguyên tội bị khuynh hướng của xác thể chế ngự, ham tiền, ham tình, ham lạc thú, không thích chịu khổ. Thực tế nhiều người ham đời hơn ham đạo.

 

Sống đúng đường lối Chúa dạy bảo, dĩ nhiên sống đạo hoàn hảo, sống đạo cách siêu nhiên phải kể là rất khó, vượt khả năng tự nhiên của con người, phải luôn luôn nương nhờ Chúa. Tuân thủ luật Chúa không vì sợ, không như nô lệ, mà tuân thủ với tình yêu. Mức độ tình yêu của ta còn hèn kém chưa đến được yêu Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn, hết sức lực, công việc của chúng ta dầu nhỏ đến đâu, thể hiện trong giờ phút nào thì cũng phải vì tình yêu, mà tình yêu kém thì việc làm cũng không nói được là hoàn hảo.

 

Vậy trong việc học - giữ - và sống đạo chúng ta phải nhìn nhận là những việc rất khó. Có thể nói được là vượt khỏi khả năng chúng ta.

 

Vì vậy trong việc giữ đạo chúng ta không bao giờ nên xem thường, phải chịu khó, cố gắng, bền chí học tập tuân giữ và sống đúng là sống đạo.

 

Nhất là chúng ta phải luôn luôn nương tựa vào Chúa. không có Chúa chúng ta không làm được việc chi cả.

 

Đạo khó nhưng đúng ra không quá khó với ơn Chúa. 

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

CHA SỞ (tt)
(đ. 519-544)

 

5. Nhiệm Vụ Của Cha Sở (đ.528-530)

  1. Nhiệm Vụ Giảng Dạy (x. NSMV GPVL tháng 6). 
  2. Nhiệm Vụ Thánh Hoá (x. NSMV GPVL tháng 7).
  3. Nhiệm Vụ Cai Quản (x. NSMV GPVL từ tháng 8)

 

Trong nhiệm vụ cai quản của cha sở, Giáo hội mẹ chúng ta mời gọi các cha sở hãy cố gắng biết rõ các tín hữu đã trao phó cho mình, như những mục tử biết rõ từng con chiên (x. Ga.10,1-15; Đ.529). Để được như vậy, các ngài nên dành nhiều thời giờ cho những công việc mục vụ: thăm viếng các gia đình (lúc bình thường cũng như khi có người đau bệnh, già yếu), chia sẻ những ưu phiền, tang chế khi họ gặp phải, nâng đỡ những gia đình đang gặp "khủng hoảng" và hơn hết, hãy dùng đức ái mục tử cũng như sự khôn ngoan mà sửa dạy khi có ai phạm lỗi. 

 

Bên cạnh những nhiệm vụ đó, Giáo luật còn nêu ra những bổn phận khác gắn liền với nhiệm vụ cai quản của cha sở như: quản lý của dâng cúng (x. đ.531); làm đại diện pháp lý trong việc quản trị tài sản vật chất của họ đạo (x.đ.532); vì chức vụ cha sở gắn liền với việc coi sóc các linh hồn nên cha sở buộc phải ở nhà xứ gần nhà thờ (x.đ.533). Những điều đó chúng ta đã có dịp nói đến trong nguyệt san tháng 8 vừa qua. Tháng nầy, chúng ta xem tiếp những nhiệm vụ còn lại như:

 

4/ Dâng lễ cầu cho giáo dân (missa pro populo)

Nhiệm vụ dâng lễ cầu cho giáo dân là việc cha sở chỉ ý lễ cầu cho các nhu cầu của họ đạo về phần hồn phần xác, người sống và kẻ chết mà không có bổng lễ. Nhiệm vụ nầy bó buộc có tính luân lý và không bị thời hiệu hoá, nên cha sở nào có lý do chính đáng không dâng lễ đúng ngày được thì có thể dời lễ vào những ngày khác bao nhiêu lễ mà mình đã thiếu. Dầu vậy, nhưng theo Communicationes, năm 1983 thì lễ pro populo cha sở có thể dâng ở đâu cũng được, không buộc phải dâng tại nhà thờ của họ đạo, những nếu được thì dâng tại họ đạo nhà sẽ tốt hơn; cũng theo hướng dẫn nầy cha sở có thể dùng lễ bine làm lễ pro populo (Com., 1983, tr. 200-201).  Những quy định khác chúng ta sẽ thấy rõ hơn trong điều 534: 

§1. Sau khi nhậm chức ở họ đạo, cha sở có nghĩa vụ phải dâng ý lễ cầu cho đoàn dân được trao phó cho ngài vào mỗi ngày Chúa Nhật và lễ buộc trong Giáo phận; nếu mắc ngăn trở chính đáng không dâng ý lễ như vậy được, ngài phải nhờ một linh mục khác dâng ý lễ thay trong chính các ngày đó, hoặc chính ngài phải dâng ý lễ bù lại vào các ngày khác.

§2. Cha sở nào coi sóc nhiều họ đạo, thì chỉ buộc dâng một ý lễ, vào những ngày được nói đến §1, để cầu cho tất cả đoàn dân đã được trao phó cho ngài

§3.  Cha sở nào đã không chu toàn nghĩa vụ được nói đến ở các §1,2, nếu đã bỏ bao nhiêu ý lễ, thì ngài phải sớm hết sức dâng đủ bấy nhiêu ý lễ để cầu cho đoàn dân (đ.534). 

 

Ở Viêt Nam trước đây HĐGM đã xin Bộ Rao Giảng Tin Mừng và được phúc thư ngày 11/11/1987 với năng ân có giá trị 10 năm, nghĩa là từ 11/11/1987 đến 11/11/1997, các cha sở chỉ dâng 11 lễ cho họ đạo (Lễ Giáng Sinh, Lễ Hiển Linh, Lễ Thánh Giuse 19/3, Lễ Phục Sinh, Lễ Chúa lên trời, Lễ Hiện Xuống, Lễ Mình Máu Thánh Chúa, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô29/6, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15/8, Lễ Các Thánh Nam Nữ 1/11, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 8/12). Hiện nay năng ân nầy đã hết thời hạn mà không thấy HĐGM xin lại, điều đó có nghĩa là các cha sở phải giữ luật chung của Giáo hội về việc dâng lễ cho giáo dân trong tất cả các ngày Chúa nhật và những lễ họ được chỉ định theo lịch Công giáo (x.đ.534; lich công giáo 2010-2011, tr.5).

 

5/. Ghi chép và lưu giữ sổ sách của họ đạo (đ.535)

 

  1. Ghi chép sổ sách:

Với vai trò cai quản họ đạo, nhà lập pháp lưu ý các cha sở cách đặc biệt đến việc ghi chép và lưu giữ sổ sách của họ đạo. Theo điều 535 những sổ sách đó là: sổ rửa tội, sổ hôn phối, sổ tử và các sổ khác mà Hội Đồng Giám mục hoặc Giám mục Giáo phận quy định. Thí dụ như sổ lễ (đ.958§1); sổ thu-chi (đ.1284§2,7)... Cha sở phải ghi chép và lưu giữ cách cẩn thận (các sổ rửa tội, hôn phối và sổ tử phải lập thành hai bản: một lưu ở văn khố họ đạo, bản kia hàng năm sẽ gởi về Toà giám mục).

 

Trong các sổ vừa kể trên, sổ rửa tội là quan trọng hơn hết, vì không những phải ghi chú những chi tiết liên quan tới việc cử hành bí tích (x.đ.877), nhưng còn phải ghi chú bên lề tất cả những gì có ảnh hưởng đến tình trạng giáo luật của đương sự, nghĩa là: thêm sức (đ.985), kết hôn hoặc tiêu hôn (đ.1122; 1685; 1706), lãnh chức thánh (đ.1054), khấn trọn đời trong dòng tu...những chi tiết nầy rất cần thiết cho việc điều tra khi lãnh các bí tích truyền chức thánh, hôn phối hay tái hôn. 

 

Ngoài các sổ được xem như bắt buộc phải ghi chép như vừa kể trên, trong văn khố của họ đạo còn phải lưu giữ các tài liệu, văn kiện liên quan tới việc cai quản mục vụ hoặc tới ích lợi của họ đạo (giấy chủ quyền, lịch sử...).  Ngoài ra, nhà lập pháp cũng khuyên các cha sở có một sổ riêng để ghi chú tình trạng các gia đình, nhờ đó chính mình và những người kế vị biết rõ hơn về đời sống đạo của từng phần tử của đoàn chiên được trao phó cho mình coi sóc, đây là nhiệm vụ hàng đầu của các cha sở (x.đ.529§1).

 

  1. Văn khố

Đã có sổ sách và những tài liệu liên quan tới họ đạo thì phải có nơi để lưu giữ. Nơi lưu giữ sổ sách, tài liệu của Giáo phận thì gọi là văn khố toà giám mục (archivum); đối với họ đạo thì cũng được gọi là văn khố họ đạo hoặc gọi là công hàm (tabularium) của họ đạo.

 

Văn khố họ đạo phải được thiết lập và gìn giữ cách cẩn thận vì nó liên quan tới tính pháp lý của họ đạo và từng phần tử của họ đạo. Trong văn khố nầy cũng phải phân chia thành hai loại: loại để giữ sổ sách có tính công cộng và loại để lưu giữ những tài liệu mật của họ đạo. Các sổ sách cũ, thư từ của Giám mục cũng phải được lưu giữ cân thận (x.đ.535§4,5). 

 

6. Con dấu của họ đạo

Điều 535§3 đòi buộc mỗi họ đạo phải có con dấu riêng, để những chứng thư liên quan đến tình trạng giáo luật của các tín hữu, có tính chất pháp lý thì phải được đóng ấn và ký tên của cha sở hoặc người thụ uỷ của ngài.

 

Nguồn: Bộ Giáo luật 1983; Cha Nguyễn Ngọc Thử, Chú giải mục vụ và pháp lý; Phan T. Thành, Giải thích Giáo luật; John P. Beal et al., New Commentary on the Code of Canon Law).

TRANG LINH MỤC

Tại một xứ đạo kia số giáo dân khá đông, có Cha Sở, Cha Phó. Một số giáo dân, vì cuộc sống bác ái chưa trưởng thành, nên có hai nhóm xung khắc với nhau. Một nhóm quý Cha Sở, nhóm kia mến Cha phó, vì ngài còn trẻ, năng nổ.

Một hôm nhóm ủng hộ Cha Sở đến trao đổi tâm tình với ngài :

- Thưa cha, cha ở đây đã lâu năm, công dầy, đức cao, sao cha để Cha Phó thay đổi nề nếp giáo xứ mình - bỏ đi công lao cha xây dựng ? Và đám thanh niên cùng một số lớn giáo dân có vẻ nghiêng cảm tình về Cha Phó. Xin cha ngăn cản đi.

Cha Sở bình tĩnh trả lời:

- Giữa tôi và Cha Phó ai vất vả hơn ?

- Cha Phó.

Cha Sở chậm rải nói tiếp:

- Ngài còn trẻ, còn có sức hoạt động, phải dấn thân nhiều, và Chúa cũng lo liệu và trợ giúp Ngài bằng cách cho những tâm hồn biết thông cảm, cộng tác. Đó là điều công bằng, điều tốt đẹp, sao các ông bà so bì với tôi - một người đáng lẽ đã về hưu ?

Nghe Cha Sở nói sai  tần số với mình, nhóm kia chống chế:

- Cha cũng đã từng hoạt động dấn thân, có khi còn hơn Cha Phó bây giờ.

Cha Sở nói tiếp:

- Và tôi cũng đã từng được người ta qúi mến, ủng hộ. Và biết đâu còn hơn Cha Phó. Vì bây giờ Cha Phó vẫn còn một số người thiếu thông cảm, muốn hạ thấp.

Đám người kia ra về, họ cảm phục Cha Sở "đức cao" và cảm thấy tâm hồn, cõi lòng mình sao nhỏ nhen, trần thế quá ! Từ đó nạn "bè phái" bớt nhiều. (Cử hành Phụng vụ Chúa nhật, năm A, tr 175-177).

Chúng ta hãy nhớ: ghen tị là một trong bảy mối tội đầu. Kẻ ghen tị là người không muốn ai hơn mình, mà nếu có ai hơn mình thì tỏ ra khó chịu, buồn sầu, tức bực và oán ghét với những thành công của người khác.

Người ta ghen tị về đủ mọi mặt: của cải, tài ba, nhan sắc, thành công, nhân đức. Người ta ghen tị nhau vì không lượng đúng giá trị những gì mình có, không thỏa mãn với hiện trạng của mình, không nhận ra vị thế của mình, lúc nào cũng thấy núi khác cao hơn.

Người ta ghen tị nhau vì kiêu ngạo, vì ích kỷ, không muốn ai thành công hơn mình, đạo đức hơn mình, phục vụ hơn mình. Càng liên hệ thân thiết với nhau người ta càng ghen tị nhau. Thường thường  những người ở trong một hoàn cảnh, cùng gia tộc, cùng một tình thân như bạn bè mới ghen tị nhau, chẳng hạn chị em ghen tị nhau, nhà giáo, nghệ sĩ, hàng thịt hàng cá... ghen tị nhau.

Dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra trong đoạn Tin Mừng  có ý nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa. Ngài là người Cha yêu thương và nhân hậu. Cách cử xử của Ngài không giống với lối cư xử của con người.

Chúng ta phải luôn luôn khiêm nhường nhìn nhận mình không có gì cả, lúc nào cũng phải nương nhờ vào ơn Chúa, vì tất cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có đều là do Chúa ban. Chúa là Đấng tốt lành vô cùng (x. Mt 20,1-16a).   Ta hãy nói như thánh Phaolô:"Tất cả là hồng ân".

Đo đó, mỗi nguời hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, bằng lòng với những gì mình đang có, đừng nhìn vào người khác mà phân bì ghen tị. Ghen tị làm mất tình yêu thương và gây nên những gương mù gương xấu.

 "Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn vì muôn ơn phúc  Chúa đã tặng ban cho chúng con suốt cả cuộc đời. Xin giúp chúng con lánh xa lối suy nghĩ do lòng ghen tị, và biết cố gắng làm cho  trổ hoa kết trái  ân phúc Chúa đã ban cho mỗi người, để Chúa được vinh danh, anh em được an bình và hạnh phúc".

Ta hãy có tâm tình như Chúa Giêsu đã dạy trong Tin mừng :

Khi hoàn tất việc phải làm

Nâng lòng lên Chúa mà than thở rằng :

Này con vô dụng muôn phần,

Phần con, con đã thi hành mà thôi (Mt 5,16).

 Lm Giuse Đinh lập Liễm

TRANG TU SĨ

Trong một lần phát gạo, tôi để ý quan sát những người đến nhận gạo, phần đông là những người già, họ đến từ rất sớm trong khi thông báo giờ nhận gạo là 9 giờ, (vì phải đợi ân nhân đến). Ngạc nhiên vì còn hơn 2 tiếng nữa mới tới giờ nhận gạo mà đã có rất đông người tới, tôi rảo một vòng rồi ngồi xuống bên một bà cụ khoảng 80 tuổi đang mốm mém nhai trầu, tôi hỏi:

- Chào ngoại, ngoại ăn cơm chưa?

- Chưa con ơi!

- Sao ngoại không ở nhà ăn cơm rồi hãy tới đây, giờ này còn sớm lắm, tới 9 giờ đó.

- Ôi, đâu có biết giờ giấc gì con ơi, nghe nói hôm nay cho gạo nên mừng quá đi tới đây nè.

 

Tôi nhìn bà cụ dáng người tiều tụy trong bộ áo quần có nhiều chỗ vá khíu mà trong lòng thấy nhói đau. Ngồi bên cạnh bà cũng là những người cũng cùng hoàn cảnh nghèo khổ bệnh tật nhưng không được con cái dưỡng nuôi.

 

Hơn 8:30 phút thì xe của các ân nhân đến. Mọi người mừng rỡ vì sắp được nhận gạo. Sau khi chào hỏi và tiếp nước cho các ân nhân xong, chúng tôi tập trung mọi người lại để chuẩn bị phát gạo. Sau vài lời gặp gỡ thăm hỏi chung mọi người thì chúng tôi bắt đầu thâu phiếu và phát gạo. Một điều làm tôi cảm thấy không vui là những người trẻ không biết nhường người lớn tuổi, họ cứ chen lấn nhau để được nhận trước, trong khi đó những người lớn tuổi đã đến hàng giờ trước. Nhìn thấy cảnh này tôi đề nghị ngưng buổi phát gạo lại một chút và có điều muốn nói với mọi người, tôi xin phép:

- Thưa quý ông, bà, anh, chị... phần quà dành cho mỗi người đều có đầy đủ ở đây và đồng đều như nhau. Lần lượt mỗi người đều được nhận. Xin quý anh chị có thể nhường cho quý ông bà cụ già nhận trước được không?!

 

Một không khí im lặng nhưng thật ấm áp. Bắt đầu những người trẻ tuổi hơn lùi lại phía sau nhường đường cho các ông bà lớn tuổi, có những người tình nguyện khiêng dùm những phần gạo nặng cho các ông bà yếu... Buổi phát gạo trở nên nhẹ nhàng hơn, xen vào đó là những câu nói dí dỏm của các dì giúp phát gạo " ngoại thấy vậy mà khỏe ghê, ôm bao gạo đi te te luôn", làm không khí ấm áp lại thêm vui tươi, không ai than phiền mệt mỏi gì cả.

 

Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh: không thể lấp đầy cơn khát của lòng người chỉ bằng những của cải vật chất. Rõ ràng là chân trời của nhân loại cao hơn và rộng hơn của cải vật chất... Vì thế, mỗi chương trình phát triển cần phải quan tâm hướng con người - gồm xác và hồn - đến sự tăng trưởng không những về phương diện thể xác, song còn về phương diện tâm linh. Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội không ngừng quy chiếu về sự phát triển toàn vẹn đó, một sự phát triển có định hướng và động lực là "tình yêu trong chân lý".

 

Thực vậy, chúng ta có thể nói bác ái kiện toàn công bằng nhờ tình yêu.  Tình yêu trong chân lý là động lực chính cho sự phát triển mối tương quan giữa người với người thêm gắn kết. Chính vì thế, toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội Về Xã Hội xoay quanh nguyên lý "Bác Ái Trong Chân Lý". Chỉ với tình yêu được lý trí và đức tin soi sáng, loài người mới có thể vươn tới những mục tiêu phát triển mang tính nhân bản và nhân hoá. Là nguyên lý nền tảng cho giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, tình yêu trong chân lý mang tính tiêu chuẩn cho mọi hành động luân lý của con người.

 

MTG CÁI NHUM

TÌNH YÊU Ở TẠI LÒNG NGƯỜI

 

Người ta thường kể về một trong những ông thị trưởng đầu tiên của thành phố New York bên Hoa Kỳ giai thoại như sau: một ngày mùa đông lạnh buốt nọ, ông thị trưởng phải chủ tọa các phiên tòa. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ có thể đưa ra là: "Gia đình tôi đang chết đói".

 

Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biện bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: "Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng 10 đô la". Vừa công bố bản án, ông thị trưởng rút trong túi của mình ra 10 đô la và trao cho ngưòi đàn ông khốn khổ. Quay xuống cử tọa ông nói tiếp: "Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp". Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền va lão.  Khi chiếc mũ đã được truyền một vòng tòa án và trở về tay mình, ông lão đếm được tất cả 47 đô la 50 xu.

 

Từ xưa tới nay, "công bằng" luôn được xem là đức tính nhân bản quan trọng và căn bản nhất của một con người.  Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã buộc Dân Người phải giữ luật công bằng đối với đồng loại ở mức độ tối thiểu là không tham hay lấy những gì thuộc về người khác.  Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã "nâng cấp" luật  này trở thành luật của bác ái, yêu thương.  Trong dụ ngôn về anh Lazarô nghèo khổ và người phú hộ giàu có, Chúa đã lên án ông nhà giàu chỉ vì thấy nỗi khổ của anh mà ông ta vẫn làm ngơ, coi như không có chuyện gì xảy ra.

 

Ông lão nhà nghèo trong câu chuyện trên đây là rõ ràng vi phạm đến luật công bằng.  Nhưng dưới con mắt của ông thị trưởng, điều quan trọng nhất không phải là vì ông đã ăn cắp một mẩu bánh mì, nhưng là vì ông quá nghèo, đến độ gia đình không có gì để ăn. Và, thay vì lên án ông nhà nghèo, thị trưởng đã làm một việc mà ai cũng bất ngờ: trách nhiệm đối với hành vi tội lỗi kia lại quy về chính bản thân ông và người dân trong thành phố, vì họ đã quá vô tình trước sự nghèo túng của một con người.  Như vậy, nếu xét theo nghĩa công bằng, thì mọi người không có lỗi gì đối với cái nghèo của ông lão; nhưng lại có tội vì đã không làm việc tốt.

 

Trong một xã hội tiến bộ và nhân bản, công bằng là một điều kiện đầu tiên và cần thiết.  Nhưng, đối với Giáo Hội Chúa Kitô, "chỉ một mình công bằng mà thôi thì chưa đủ. Thật vậy, công bằng có thể phản bội chính mình, trừ phi nó biết mở rộng cửa cho một sức mạnh sâu xa hơn, là bác ái" (ĐTC Gioan-Phaolô II, Sứ Điệp Nàgy Hoà Bình Thế Giới 2004, số 10). Việc thực hành đức bác ái trở thành một trong ba yếu tố căn bản của Giáo Hội là: rao giảng Tin Mừng, cử hành Bí Tích, và thi hành đức ái .  Nói cách khác, nó "thuộc về bản tính của Giáo hội" (ĐTC Beneđictô XVI, Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 25) cho nên Giáo Hội phải có nhiệm vụ thi hành một cách triệt để và liên tục.  Vì người nghèo thì không bao giờ thiếu trong xã hội và Giáo Hội, họ đang cần được sự quan tâm của mọi thành phần Dân Chúa.

 

Hiện nay, Giáo Hội càng tha thiết hơn với việc cổ vũ con cái mình sống tinh thần "lá lành đùm lá rách" bằng những việc làm cụ thể đối với những "hình thức mới của sự nghèo khổ." (Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, số 41).  Đó không chỉ là yêu thương những con người nghèo của cải vật chất, nhưng còn là những người thiếu thốn nhu cầu tinh thần, tình thương, phẩm giá... và chia sẻ với họ bằng một tấm lòng bao dung quảng đại như Chúa Kitô.

 

Thực thi công bằng xã hội và bác ái trong Giáo Hội không là trách nhiệm của riêng một thành phần nào, mà là của mọi Kitô hữu.  Cho dù bạn là ai, Linh mục, Tu sĩ hay Giáo dân, bạn đều là những cánh tay nối dài của Chúa Giêsu, giúp xoa dịu những khổ đau của anh chị em đồng loại bằng chính cuộc sống và với khả năng mình.  Cho dù bạn như thế nào, làm gì, ở đâu, trái tim bạn cũng có thể hướng tới những người anh chị em của Chúa Giêsu đau khổ bằng một tình yêu quảng đại và chân thành.

 

MTG CÁI MƠN

TRANG SỐNG ƠN GỌI

Trong đời tu,  một trong những đức tính quan trọng hàng đầu cần phải có là ngay thẳng, trung thực. Sách Châm Ngôn dạy: "Ai sống liêm chính sẽ được an toàn, kẻ đi đường quanh co ắt sẽ bị phát hiện"  (Châm Ngôn 10,9).    

Người sống chính trực không từ bỏ những giá trị và nguyên tắc của đời sống họ dầu dưới bất cứ áp lực nào. Họ biết rằng giai đoạn hay thời điểm của những nghịch cảnh và cám dỗ là khi giá trị và nguyên tắc sống nỗi bậc hơn hết. Họ giữ lời hứa. Họ thực hiện nghĩa vụ. Họ bảo tồn danh dự của họ ngay cả khi nó rất tốn kém để làm điều đó.         

Sự chính trực của bạn là sự biểu hiện sâu sắc nhất bạn là ai. Sự chính trực là sự biểu hiện tối hậu nhất của mối liên hệ giữa bạn với chính mình, là sự biểu hiện lời thề của bạn với chính mình về cái con người mà bạn muốn trở nên. Nếu bạn dung hòa sự chính trực của bạn hay nói rõ hơn bạn làm tỗn thương nó bằng cách dung hòa, bạn có thể tạm thời tránh né được những hậu quả, nhưng không ai có thể tránh né được hậu quả của nó mãi mãi. Người thiếu chính trực cuối cùng cũng bị phô ra.       

Để làm một người chính trực, bạn phải nhận lấy và bênh vực sự thật và sự công bình ở trong bất cứ thời điểm nào dầu bạn đang bị chỉ trích, ở trong hoàn cảnh cám dỗ tột bực, trong những lúc cô đơn và cô độc, trong lúc có nhu cầu tối cần, hay khổ nạn, và ham muốn. Nếu sự chính trực của bạn là điều bạn có thể mặc vào và cởi ra như việc cái mặc áo vét, nó không phải là sự chính trực chân chính. Nó chỉ là sự ngụy trang của con người thật của bạn...


James Dobson nói: "Sự chính trực là danh từ của thời đại chúng ta. Nó có nghĩa là giữ lời hứa, làm cái điều mà chúng ta phải làm, lựa chọn để chịu trách nhiệm, và giữ phương châm: giữ lời hứa,  luôn luôn trung tín." 

 

TRANG THIẾU NHI

KẺ ĐÁNH CẮP CHÍNH  MÌNH

Arthur Barry là một tên trộm quốc tế nổi tiếng. Y là tên trộm nữ trang siêu đẳng của mọi thời đại. Y không chỉ ăn trộm giỏi mà còn là một tay sành sỏi nghệ thuật. Barry không phải "bạ đâu lấy đó" nhưng y biết tìm những "khổ chủ" nhiều tiền của và là bậc nổi tiếng trong giới thượng lưu.

 

Một đêm không may, Barry bị bắt quả tang khi đang lấy cắp. Y bị ba viên đạn ghim vào người. Trong cơn đau đớn và tuyệt vọng y la lên: "Tôi không bao giờ ăn trộm nữa". Sau thời gian lãnh án 18 năm tù, Barry đã giữ lời hứa không bao giờ ăn trộm nữa. Y đến New Englanh và sống một cuộc đời gương mẫu. Dân địa phương đã biểu dương y bằng cách bầu y làm "Hội trưởng hội cựu chiến binh".

Tiếng lành đồn xa, phóng viên khắp nước đua nhau phỏng vấn y. Họ hỏi rất nhiều. Sau cùng, một phóng viên trẻ đã đụng đến điểm then chốt của vấn đề bằng câu hỏi "hóc búa"

  • Thưa ông Barry, suốt thời trộm đạo, ông đã lấy trộm nhiều nhà quyền quý, nhưng tôi muốn biết ông có nhớ ông đã lấy trộm của ai nhiều nhất không?
  • Barry đáp lại không chút do dự: Nhớ chứ! Người bị tôi lấy trộm nhiều nhất chính là Arthur Barry. Thật vậy, tôi đã có thể là một doanh gia thành đạt, một nhà tư bản ở phố Wall và góp phần không nhỏ để xây dựng xã hội, nhưng tiếc thay, tôi đã chọn lầm nghề trộm cắp và đã tiếu phí hai phần ba cuồi đời thanh xuân sau song sắt nhà tù.

 

Nghĩ về câu chuyện Arthur Barry, chắc hẳn ta cảm thấy giật mình vì hóa ra ta cũng từng là kẻ trộm đánh cắp chính mình. Ta không tận dụng hết năng lực mà Thiên Chúa trao ban. Ta hững hờ với nhiều cơ hội được gửi đến. Ta dễ dàng bỏ qua kế hoạch và dự định chỉ vì không đủ quyết tâm. Nếu tuổi trẻ luôn tiềm ẩn nhiều hứa hẹn thì cũng kẻ dễ đánh cắp mình nhiều nhất.

 

Đánh cắp những khát vọng cao cả

Tuổi trẻ dẫu không nói ra nhưng nơi mỗi tâm hồn đều chứa đựng nhiều khát vọng lớn lao: mơ ước một xã hội công bằng, mơ về một thế giới hòa bình không tiếng súng, mong cho con người sống với nhau trong sự thật, gia đình hiệp nhất, hạnh phúc bền lâu. Tuổi trẻ cũng không quên hướng lòng đến những chân lý thuộc về đức tin, về sự sống vĩnh hằng hay hạnh phúc trường cửu.

 

Mơ ước chính đáng của tuổi trẻ không ai phủ nhận nhưng thực tế có khi khá phủ phàng. Bởi khát vọng lớn lao lại bị "nhốt kín" do hoàn cảnh không thuận lợi. Như Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã nói trong "Sứ điệp gửi các bạn trẻ thế giới 2011": Thời thanh xuân chúng tôi muốn những gì là cao cả và đẹp đẽ. Nhưng vì chiến tranh, khát vọng tuổi trẻ đành bị nhốt kín bởi sự thống trị của giới cầm quyền.

 

Khát vọng tuổi trẻ cũng bị đánh cắp bởi chính họ đã đi lạc đường. Vì chút lợi lộc chóng qua bạn trẻ không cần biết sự thật là gì. Bạn trẻ đã quên đi cách sống vì người khác. Đời sống vị tha xem ra đã lỗi thời trong thế giới đầy thực dụng. Sự sống con người không được bảo vệ, hạnh phúc gia đình ngày một mong manh. Trước thực tế bấp bênh như thế đôi khi các bạn lại phớt lờ bỏ qua. Đây quả là một nỗi nguy cho tương lai xã hội. Kẻ trộm ngày một tinh vi khi dùng sự quyến rũ đời này khiến con người đánh mất cả đời sau. Thật đáng lo ngại cho con người khi khát vọng cao cả dần dần bị lãng quên để nhường ngôi cho một lối sống tầm thường.

 

Đánh căp khả năng được trao ban

Người đánh cắp khả năng được trao ban là kẻ nhận lấy một nén rồi đem chôn cất mà không biết sinh lời. Dụ ngôn về những nén bạc dừng lại ở trình trạng xấu nhất là nén bạc còn giữ nguyên. Thực tế vẫn có trường hợp xấu hơn nơi những người không xử dụng nén bạc đúng mục đích. Hay có khi mất cả vốn liếng lại còn chất thêm nợ nần. Thiên Chúa cho quỹ thời gian học tập thì bạn trẻ lại dùng quá nhiều cho những cuộc vui. Những việc đạo đức, cầu nguyện, hy sinh, bác ái tông đồ dần dần đã bị đánh cắp. Đáng lẽ những việc đó phải ưu tiên hàng đầu trong đời sống thì mỗi kitô hữu lại cho rằng đó là việc làm thêm trong lúc rỗi nhàn.

 

Lời Chúa bị đánh cắp bởi lời của người phàm xem ra hấp dẫn. Thánh ý Thiên Chúa không còn mặn mà bởi ai cũng muốn khẳng định mình, tự cho mình là tất cả. Aân ban Thiên Chúa cũng bị xóa mờ bởi nhiều người bảo làm gì có Thiên Chúa. Có thể nói Thiên Chúa cho rất nhiều nhưng con người nhận được chẳng bao nhiêu.

 

Đánh cắp cơ hội để trưởng thành

 

Thiên Chúa luôn dành nhiều cơ hội để từng ngày con người được lớn lên. Cơ hội Chúa dùng có khi là thử thách gắt gao, có khi là vinh quang đáng tự hào. Chúa đã cho Phêrô hí hửng đi trên mặt biển để đến với Thầy, và rồi ông cũng đã hoảng hốt khi thấy mình sắp chìm xuống. Các môn đệ quá đỗi hạnh phúc khi thấy Thầy mình biến bình trên núi nhưng các ông cũng phải bàng hoàng khi nghĩ về cuộc khổ nạn mà Thầy phải đi qua.

 

Cuộc sống hàng ngày vui buồn lẫn lộn, có ước mơ ta phải với tìm, có hy vọng để phấn đấu, có thách đố cần phải vượt qua. Tất cả nhằm tôi luyện mỗi người luôn sống trong tin yêu và phó thác. Những ai chán nãn khi khó khăn, muộn phiền khi thất bại, nóng nãi khi phật lòng, tất là dấu hiệu bạn  đang bị đánh cắp những cơ hội quý giá để bạn được lớn lên.  

 

Bạn và tôi có sẵn sàng ngừng đánh cắp chính mình không? Hãy tin tưởng vào bản thân, dám ước mơ những gì thực sự là cao cả; biết nắm lấy cơ hội và nỗ lực hết mình để kiện toàn bản thân mỗi ngày nên người hữu ích cho Giáo hội.

TRANG GIỚI TRẺ

 

ĐÓN NHẬN NHAU NHƯ CON CHÚA

Mỗi người chúng ta được sinh ra trên mặt đất này đều có một cá vị độc đáo riêng biệt. Nhưng không vì thế mà con người tự sống đơn lẻ. Mà chúng ta được mời gọi sống liên đới với người khác.

 

Muốn liên đới được với nhau đòi hỏi chúng ta cần biết đón nhận nhau. Đón nhận những khác biệt của nhau. Nhờ đón nhận nhau chúng ta có thể giúp nhau tốt hơn cùng nhau thăng tiến. Đó là tinh thần của một người con Chúa.

 

Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta. Mỗi người đều có vị trí như nhau trong trái tim Chúa. Do vậy, trước mặt Chúa con người ngang hàng với nhau. Vì cùng là con Chúa nên con người là anh chị em với nhau.

 

Chúa Giêsu đã nói: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13, 35). Anh chị em của nhau thực thi lời mời gọi này của Chúa Giêsu bằng việc đón nhận nhau.

 

Giữa một thế giới người ta đánh giá nhau qua giá trị của tiền bạc vật chất hay quyền cao chức trọng thì hơn bao giờ hết người  trẻ chúng ta được mời gọi có cái nhìn thực chất về anh chị em của mình. Bởi lẽ, trước mặt Chúa mỗi người chúng ta đều có phẩm giá và quyền lợi như nhau.

 

Vì lợi ích cá nhân con người ta có thể bóc lột và sống lường gạt nhau mà không thấy đó là chuyện bất công, lỗi đức bái ái. Để đón nhận và giúp nhau thì người trẻ chúng ta cũng được mời gọi can đảm dẹp đi những điều xấu đó trong cuộc sống. Bảo vệ cho lẽ công bằng và đức bác ái là chúng ta góp phần làm cho cuộc sống thắm đượm tình con Chúa.  

 TUỔI TRẺ - ĐỨC TIN - CUỘC SỐNG
Ta nghĩ gì về việc giới trẻ sống chung ngoài hôn nhân?

Tiên vàn, chớ nên nhìn việc này một cách bi quan và tự nhủ: các thế hệ trẻ đang chế nhạo các giá trị căn bản của cuộc sống hoặc của xã hội.

Người Kitô hữu tôn trọng các quyết định của giới trẻ, dù không đồng tình với các quyết định ấy. Chúng có thể có một vài giá trị nào đó.

Quả thật, đời sống vợ chồng không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà đòi hỏi phải được chuẩn bị nghiêm chỉnh. Cũng có đôi chút sự thật qua lời nói sau đây của một số người: chúng tôi không cưới nhau, dù chúng tôi luôn muốn sống với nhau thành vợ thành chồng bền vững và trung thành. Bởi vì cứ sống như thế, chúng tôi sẽ khám phá ra tình yêu của mình mỗi ngày. Tình yêu ấy sẽ luôn mới mẻ. Cưới hỏi là một cách để dừng lại nghỉ ngơi, an tâm hơi quá đáng vì chắc rằng người bạn sẽ chẳng bỏ mình mà đi.

Ta sẽ ngủ quên, trở thành chủ nhân ông của người bạn đời và con cái mình: vợ của tôi, chồng của tôi, con của tôi.

Các người sống chung ngoài hôn nhân đã có lý khi chỉ trích các mặt trái của hôn nhân. Trong thực tế, ta phải thú nhận rằng tình trạng của một số đôi vợ chồng không cưới hỏi cũng chẳng tốt đẹp gì hơn các đôi hôn nhân chính thức, cũng bị cuốn vào trong sự sáo mòn, cũng vấp phải não trạng sở hữu. Hôn nhân đích thật chẳng buộc phải sáng tạo không ngừng đó sao?

Tuy nhiên, người ta không thể hợp pháp hoá việc sống chung như thế. Giáo hội không hề chấp nhận việc này. Đức Giêsu luôn đứng về phía lập trường vợ chồng phải có hôn phối. Trong thực tế, sống chung mà không cưới hỏi là phủ nhận 3 thực tại sau đây:

Thực tại đầu tiên không được người ta coi trọng là sự tín nhiệm. Người ta chỉ có thể xây dựng đời sống lứa đôi một cách bền vững nhờ tín nhiệm nhau một cách sâu xa. Khi sống chung mà từ khước dấn thân một cách dứt khoát để chứng thực cho cuộc sống chung ấy là ta đã có đôi chút ngờ vực nào đó rồi. Ngờ vực chính mình: rồi ra tôi có đủ khả năng để kéo dài cuộc sống chung này không? Ngờ vực người khác: liệu chàng có thể mang lại hạnh phúc cho tôi hay không? Liệu rồi mai kia mốt nọ chàng có ruồng rẫy tôi hay chăng? Ngờ vực xã hội: liệu người ta có dùng các định chế xã hội để áp chế chúng tôi chăng?

Quan hệ giữa các cặp như thế đã chẳng mang nét giả tạo ngay từ đầu hay sao, dù ý thức hay không, vì họ chỉ chịu dấn thân với điều kiện là thật ăn ý với nhau...?

Không thể có việc cưới thử, vì không thể nào có chuyện hiến dâng trọn vẹn thử xem. Muốn làm người thật sự thì phải tín nhiệm và biết luôn luôn khám phá thêm mầu nhiệm của tha nhân. Chính lòng tín nhiệm này giúp cho hôn nhân được bền vững.

Thực tại thứ nhì bị lãng quên trong cuộc sống chung trước hôn nhân là thời gian. Sự tự do đích thực của con người chỉ được kiến tạo trong thời gian, một cách thật dần dà chậm rãi.

Muốn trở thành người nam và người nữ đúng nghĩa cần phải có thời gian, huống nữa là muốn trở thành vợ thành chồng. Yêu thương phải đi đôi với liên tục. Ấy vậy mà giới trẻ lại muốn có hết mọi chuyện ngay trong chốc lát.

Đành rằng thời gian có nguy cơ làm tình yêu ban đầu xuống cấp và rơi vào tình trạng sáo mòn.  Nhưng thời gian cũng giúp ta hiểu sâu hơn về con người của nhau. Ta không bao giờ khám phá hết được các nét phong phú của người khác, và chính sự khám phá mỗi ngày giúp cho tình yêu của mình được mới mẻ luôn. Biết bao đôi vợ chồng luống tuổi vẫn giữ được sự trìu mến của thủa ban đầu!

Thực tại thứ ba việc sống chung trước hôn nhân loại trừ một cách kịch liệt là định chế. Quả thật, định chế có nguy cơ là làm ta bị xơ cứng, bị rơi vào thói quen máy móc. Thế nhưng, định chế cũng là một cơ may giúp ta khỏi nhượng bộ những lúc lười biếng, mang lại cho ta lòng can đảm, hội nhập cuộc sống lứa đôi của ta vào xã hội. Định chế ấy không hù doạ con người, cũng chẳng phải để giam hãm tình yêu. Tình yêu này vẫn là một cây non yếu ớt: đây là lý do chính yếu khiến ta phải chăm chút bảo vệ và săn sóc nó, nếu không nó có nguy cơ héo úa và chết đi. Định chế tuy không phải là không bao giờ sai lầm, vẫn là bảo chứng tốt nhất cho sự bền vững. Nó muốn giúp ta tránh được các nguy hiểm do hiểu không đúng về tự do. Xây dựng tổ ấm, dạy dỗ con cái, bảo tồn nòi giống là một công trình quá lớn lao không thể bị lệ thuộc vào những tình cảm chóng thay đổi. Định chế là để giúp cho tình yêu được trường tồn.

Cần phải nói thêm rằng, người Kitô hữu nào tôn trọng nhân vị cũng đều không thể coi người bạn sống chung với mình như một phòng thí nghiệm được. Nếu bỏ nhau, người ta sẽ như thế nào? Họ sẽ lập đi lập lại hoài những thử nghiệm trên. Họ chỉ sử dụng nhau như những đồ vật dễ thay qua đổi lại mà thôi. Trong lối sống cặp đôi này, họ đã quá đùa giỡn với các giá trị, đã vung vãi vào đó khá nhiều tình cảm, nên khi không còn xuôi thuận họ khó lòng bỏ nhau mà không lưu lại những vết thương sâu đậm trong tâm hồn. Một trong hai người sẽ chuốc lấy thất bại của cuộc sống chung kia, vốn chẳng có gì bảo đảm, như một tấn bi kịch, một kinh nghiệm khổ hình, một sự chia ly đầy đau khổ chẳng kém gì hai kẻ ly dị nhau vậy.

Sau này, làm sao người ta có thể nghĩ đến một cuộc tình khác mà lòng chẳng vương cay đắng? Họ sẽ nghĩ gì về cuộc tình mới này? Một cuộc tình chóng qua, dễ thay đổi theo tính khí bất thường hay theo thời gian? Ta không thể đùa giỡn một cách vô tội vạ với cuộc đời của những người khác. Coi tâm hồn và thể xác của người khác như nơi thử nghiệm chẳng phải là đi ngược lại với sự kính trọng phải có đối với nhân vị đó sao?

Sau hết, phải lưu ý đến các nguy cơ thụ thai có thể xảy ra. Giả như các phương tiện tránh thai có thể hoàn toàn hiệu quả thì hỡi ôi, những con người sử dụng chúng đều có thể sai lầm. Đứa trẻ có quyền được hưởng một tình yêu bền vững cả về hai phía cha lẫn mẹ. Hiện nay, có biết bao nhiêu người trẻ bị rối loạn vì thiếu mất cái không khí của một gia đình thống nhất. Việc sống chung trước hôn nhân, vốn rất mong manh, lại có nguy cơ là quẳng thêm vào đời một con người nữa chẳng có gì bảo đảm. Và giả như vì đứa trẻ ấy mà họ cưới nhau, thì thử hỏi đâu là vai trò của đứa trẻ? Đây là một vấn đề mà ta phải lấy hết trách nhiệm để xem xét.

Các khoa học nhân văn đã chứng tỏ sự ổn định là rất quan trọng để vợ chồng và con cái được quân bình. Các khoa nhân văn này đã vô tình xác nhận trực giác của Giáo hội khi đòi hỏi hôn nhân là bất khả phân ly. Người ta sẽ không triển nở được bao nhiêu nếu cứ mỗi sáng thức dậy đều phải tự hỏi: liệu rồi chàng hay nàng có bỏ mình mà đi hay không? (còn tiếp)

QUESTIONS SUR LA VIE ET LA FOI của Jacques Lacourt
Imprimatur:
Đức Cha G. VANEL, Tổng Giám Mục Auch. 23.03.1990
Nguồn: dunglac.org

TRANG GIA ĐÌNH

BẠO HÀNH GIA ĐÌNH

 

Nguyên nhân

Đâu là nguyên nhân của những hành động bạo hành? Có nhiều nguyên nhân, nhưng sau đây là một vài nguyên nhân xét về khía cạnh tâm lý: Yêu miễn cưỡng. Thiếu trưởng thành tâm lý.

 

Yêu miễn cưỡng:

Đây là một lỗi lầm rất lớn cho những người nghĩ rằng "cứ lấy đi rồi sẽ yêu". Hoặc cho rằng mình sẽ mang mặc cảm tội lỗi nếu không thương hại người nào đó đang theo đuổi và đau khổ vì mình. Lấy về sẽ ấm tấm thân. Lấy theo môn đăng hộ đối. Hoặc cứ thử đi, nếu không hợp thì bỏ.

 

Lấy rồi sẽ yêu. Thương hại mà lấy. Hoặc lấy rồi không hợp thì bỏ. Đây là những nguyên nhân chính trong khía cạnh tâm lý đã gây nên không biết bao nhiêu cuộc tình đổ vỡ, không biết bao nhiêu là nước mắt, và tủi hận cho nhiều đôi tình nhân. Tâm lý bỏ thì thương, vương thì tội ấy chính là lý nguyên nhân của bạo hành.

 

Ở điểm này cũng cần phải kết luận rằng, cha mẹ dùng quyền cưỡng ép con cái trong vấn đề hôn nhân là một trọng tội. Người dùng quyền lực, tiền bạc, và bất cứ hình thức mua chuộc nào để chiếm đọat thân xác, hay cuộc đời người khác ngòai sự tự nguyện yêu thương của người ấy cũng phạm trọng tội. Bạn bè làm chứng gian, che dấu cho nhau để lường gạt tình yêu và tình cảm người khác cũng can dự vào những hành động tội lỗi đáng trách.

 

Tình yêu không thể lừa dối. Không thể mua chuộc. Và cũng không thể áp đảo, cưỡng ép.

 

Thiếu trưởng thành tâm lý:

Trong hôn nhân, yếu tố tâm lý cũng chiếm một địa vị rất lớn. Con người bao gồm ba cuộc sống tập hợp gồm thể lý, tâm lý và tâm linh. Cuộc sống tâm lý chính là gạch nối và dung hòa giữa thể lý và tâm linh. Chính vì thế, nhiều người dù có chức quyền cao. Dù học thức rộng. Dù nhiều tiền nhưng hành động, nói năng, và cư xử vẫn thiếu tự trọng, thiếu trưởng thành, và không được đời kính nể.

 

Vụng về trong giao tiếp. Tự ty và mặc cảm trong cung cách xử thế. Không dễ hòa hợp và nhận thức thế nào là nên hay không nên. Không tự chủ đuợc bản thân, ham muốn nên thường hành động nông nổi, ích kỷ, theo bản năng, cố chấp, hoặc những đòi hỏi của đam mê.

 

Với suy nghĩ, nói năng và hành động như thế không cho phép những kẻ bạo hành phân biệt và nhận ra sự khác biệt cần thiết và hữu ích trong cá tính của người phối ngẫu, những khả năng của nhau, và những điều kiện sống của nhau. Và kết quả là dẫn đến những hành động vũ phu, bạo hành.

 

Thiếu tự tin:

Đây là một trong những hội chứng tâm lý thường thấy xuất hiện trong cuộc sống. Trong gia đình hiện tượng này được che đậy bởi hình ảnh sợ. Sợ chồng. Sợ vợ. Sợ bị chồng bỏ. Sợ bị vợ bỏ. Sợ chồng giận, vợ giận. Sợ mất lòng. Sợ gia đình mất hạnh phúc.

 

Những loại người này thiếu tự tin này đối với vợ con, hay chồng con thì lớn lối, hung hãn nhưng khi ra trước công chúng hoặc đối diện với quần chúng thì bẽn lẽn, rụt rè, co cụm, và tránh né.

 

Một hình thức thứ hai của cá tính và hội chứng thiếu tự tin này là họ đóng kịch đạo đức rất hay, đến nỗi người ngoài mới giao tiếp với họ lần đầu rất dễ ngộ nhận. Họ lịch sự, nhũn nhặn, nhẹ nhàng, và tỏ ra hào sảng. Nhưng mặt trái cuộc đời họ là những gì hoàn toàn tương phản.

 

Để tự che dấu và bào chữa sự yếu kém ấy, những người này không còn lối nào khác hơn là trút đổ lên đầu, lên cổ vợ hoặc chồng là những người mà họ nghĩ rằng họ có thể lợi dụng được.

 

Tự tôn:

Nếu thiếu tự tin là một hội chứng tâm lý tiêu cực, thì tự tôn cũng là một trong những hội chứng tâm lý tương tự. Người chồng hoặc người vợ tự tôn luôn luôn cho mình là đúng. Luôn luôn muốn làm chủ. Luôn luôn muốn kiểm soát, khống chế vợ hoặc chồng mình. Họ luôn luôn muốn chồng hoặc vợ phải nể mình, phải phục mình, và không làm trái ý mình. Nhưng trong thực tế lại không có những yếu tố cần để người khác kính nể và mến chuộng.

 

Đối với những người mang tâm tính này không có chữ sai, chữ kém, hoặc chữ sửa đổi trong tự điển cuộc sống của họ. Bởi vì họ luôn luôn biết tất cả, ngoại trừ cái yếu điểm là họ không biết mình là ai và đang làm gì!

 

Thiếu đạo đức:

Khi trình bày về tâm lý đạo đức, Lawrence Kolberg đã đưa ra bảng xếp hạng trong đó có ba thước bậc, và mỗi thước bậc lại chia thành hai mức khác nhau.

 Theo nhà tâm lý đạo đức này, thì bậc thứ nhất của trưởng thành đạo đức là biết sợ và tránh làm điều xấu để khỏi bị phạt. Tiếp đến là biết thế nào là được khen và cố gắng làm điều tốt để được khen. Sau cùng là ý thức được những luật lệ cần thiết chung quanh cuộc sống xã hội, và tự đưa ra những chuẩn mực đạo đức cho cuộc sống.

 

Người bạo hành đã không chứng tỏ được sự trưởng thành này. Không những không ý thức được điều tốt, và đón nhận cũng như tự ra cho mình những chuẩn mực đạo đức tối thiểu, mà họ còn chưa hiểu nổi thế nào là những hành động xấu, không chấp nhận sự sửa phạt của lương tâm, của xã hội về hành động xấu xa của mình.

 

Làm sao trị liệu

 

Vì bạo hành trong hôn nhân là một tâm bệnh, và nó sẽ tái đi, tái lại nên việc trị liệu của nó cần phải có những hướng dẫn rất thực tế, và chuyên môn. Trong hoàn cảnh bạo động gia đình xẩy ra, có ít nhất những phương pháp sau đây cần áp dụng: Đối diện sự thật. Hãy thương lấy mình. Trị liệu chuyên nghiệp.

 

Đối diện sự thật:

Người bạo hành phải nhận ra mình có hành động ấy. Ý thức được hành động bạo hành gây đau khổ cho vợ, cho chồng. Chỉ khi nào sự nhận thức này được xác nhận, và ý thức lúc ấy mới hy vọng chấp nhận trị liệu.

 

Đối với nạn nhân của bạo hành cũng phải đối với sự thật là không nên bao che, không nên nhẹ dạ và dễ dàng tha thứ, tin tưởng vào những lời hứa hẹn sửa đổi suông. Nên nhớ điều này hành động ấy sẽ được tiếp tục tái diễn, và vì thế, một là chấp nhận sửa đổi, hai là tìm cách trốn chạy. Không thể sống chung hòa bình với người có hành động bạo hành.

 

Bước đầu trị liệu, do đó, chính là sự ý thức của người hành động và của nạn nhân. Che đậy, viện dẫn lý do này lý do khác chỉ là lẩn trốn thực tế.

 

Hãy thương lấy mình:

Bước tiếp của hành động trị liệu đó là mỗi người phải nhận ra rằng mình cần phải thương lấy mình trước. Hãy thương lấy mình bằng cách tránh xa những cám dỗ, những lý do có thể gây nên những hành động bạo hành. Thương lấy mình là sống trưởng thành với cuộc sống và suy tư của mình.

 

Đối với nạn nhân của bạo hành, việc thương lấy mình là phải nghĩ đến mình, đến con cái mình....Để biết thế nào là thương lấy mình, thì trước hết người chồng cũng như người vợ phải cố gắng sống bằng khả năng và ngành nghề của riêng mình. Trước khi bước vào đời sống hôn nhân, cũng như đang khi sống trong đời sống ấy phải chứng tỏ cho chồng hoặc cho vợ rằng mình là người có lối sống và tinh thần tự lập, trách nhiệm. Không mang mặc cảm ăn bám, hoặc sống dựa. Không để chồng hoặc vợ khinh bỉ vì mình ươn lười hoặc thiếu thiện chí và cố gắng.

 

Trích một phần bài viết về Bạo Hành Gia Đình của Ts. Trần Mỹ Duyệt

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

BÀI 9. TINH THẦN CỦA ĐỨC MARIA

I. Tinh thần của Đức Maria là gì?

Muốn biết tinh thần của Đức Maria, ta chỉ cần theo dõi cuộc đời của Mẹ đã được các sách Tin mừng thuật lại: Từ khi Đức Maria được sứ thần loan báo cho biết Thiên Chúa muốn chọn Người làm Mẹ Đức Giêsu, cho đến khi Người sống những ngày cuối đời với các tông đồ trong cộng đồng Hội Thánh đầu tiên. Ta có thể nhận ra tinh thần của Đức Maria là tinh thần cộng tác chặt chẽ với Đức Kitô trong công cuộc cứu chuộc và tinh thần gắn bó mật thiết với Hội Thánh của Đức Kitô.

 

1. Cộng tác chặt chẽ với Đức Kitô trong công cuộc cứu chuộc:

Đức Maria khi hiểu được ý Thiên Chúa đoái thương chọn mình làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Người đã mau mắn thưa "Xin vâng" (Fiat) và cộng tác với Chúa Thánh Thần để thụ thai Đức Giêsu. Mẹ đã sinh ra, nuôi dưỡng và dạy Đức Giêsu, chứng chiến Đức Giêsu "ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta" (Lc 2,52).

Khi Đức Giêsu đã được Đức Maria dạy dỗ để hiểu biết về phương diện loài người, Kinh Thánh và lịch sử, ý định của Thiên Chúa đối với dân của Người trong tôn thờ Chúa Cha.

 

Khi Đức Giêsu đi loan báo Tin mừng cho mọi người, Đức Maria luôn chăm chú theo dõi và khi Đức Giêsu chịu chết để cứu chuộc loài người, Đức Maria đã có mặt dưới chân thập giá để hiệp thông sâu sắc với con mình, trở nên như bà Eva mới, Mẹ của một nhân loại nhân loại mới, Mẹ của Hội Thánh.

2. Gắn bó mật thiết với Hội Thánh Chúa Kitô Đức Maria là thầy, là Mẹ dạy dỗ Chúa Giêsu, nhưng Người cũng là "môn đệ thứ nhất trong các môn đệ của Chúa Kitô" (còn gọi là môn đệ trọn lành của Đức Kitô).

 

- Là môn đệ thứ nhất trong thời gian, vì ngay khi tìm được Đức Giêsu trong đền thờ, Đức Maria nhận được từ cậu thiếu niên Giêsu, con của mình, bài học mà Người giữ kín trong lòng (x. Lc 2,51); và thứ nhất một cách đặc biệt nữa vì không ai đã được Thiên Chúa dạy dỗ cách cao siêu đến thế. Đức Maria đã trở nên "môn đệ gương mẫu" cho mọi môn đệ Đức Kitô trong Hội Thánh. Thánh Augustinô còn mạnh dạn nói rằng: "Đối với Đức Maria, tư cách là môn đệ còn quan trọng hơn tư cách làm mẹ".

- Là mẹ và là thầy, thượng hội đồng Giám Mục đã quả quyết: Đức Maria là "một giáo lý sống động", là Mẹ và là mẫu gương của giáo lý viên. Người là Mẹ Đức Kitô, Mẹ của Hội Thánh là thân thể Đức Kitô và cùng với Hội Thánh, Người làm Me,ï làm cho nhiều người sinh lại để trở nên con cái Hội Thánh.

 

II. Tinh thần của Đức Maria nơi giáo lý viên:

Đức Maria là "môn đệ gương mẫu" và là "giáo lý viên gương mẫu" ở chính tinh thần cộng tác chặt chẽ với Đức Kitô trong sứ mệnh cứu chuộc và gắn bó mật thiết với Hội Thánh để sinh lại cho Chúa thật nhiều con cái. Vì thế, giáo lý viên cần phải có:

1. Tinh thần cộng tác chặt chẽ với công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô:

Giáo lý viên được mời gọi để làm người dạy dỗ, giáo dục đức tin cho các học viên, đó là công việc mà Đức Maria đã làm. Người vừa sinh ra vừa dạy dỗ trẻ Giêsu cho khôn lớn. Giáo lý viên học hỏi nơi Đức Maria cách dạy dỗ thế nào để các học viên của mình cũng giống như trẻ Giêsu, càng khôn lớn càng đẹp lòng Thiên Chúa và đẹp lòng mọi người.

 

Và khi học viên lớn lên, giáo lý viên giúp họ trở thành môn đệ đích thực của Đức Kitô, sống đúng căn tính Kitô hữu bằng cách đi theo linh đạo phù hợp với căn tính của họ, như chính giáo lý viên đi theo linh đạo của mình vậy.

2. Tinh thần gắn bó mật thiết với Hội Thánh Đức Kitô:

Giáo lý viên đã được Hội Thánh tuyển chọn và uỷ thác để tham gia vào sứ mệnh Phúc âm hoá của Hội Thánh. Giáo lý viên cũng được Hội Thánh huấn luyện để trở thành môn đệ của Đức Kitô và trở thành giáo lý viên, cộng tác trong sứ mệnh tông đồ để xây dựng Hội Thánh của Đức Kitô.

 

Giáo lý viên gắn bó mật thiết với Hội Thánh bằng cởi mở với Hội Thánh, để cũng mang trong lòng mình mối ưu tư của Hội Thánh ở địa phương hôm nay, đó là ưu tư để Phúc âm hoá cho số rất đông người chưa thấm nhuần hoặc chưa biết đến Tin mừng, hạnh phúc của Đức Kitô.

 

Đồng thời giáo lý viên luôn vâng theo hướng dẫn của Đức Giám Mục và các Linh Mục coi sóc mình, sẵn sàng hy sinh thời giờ và công sức để học tập và thi hành nhiệm vụ giáo lý viên của mình cách tích cực và hăng say trong tình hiệp thông với các giáo lý viên khác chung quanh.

 

III. Liên quan giữa tinh thần Đức Maria và linh đạo giáo lý viên:

Linh đạo của giáo lý viên được biểu hiện trong bốn phương cách

TRANG QUỚI CHỨC

CHỌN NGƯỜI KẾ THỪA

Ngay từ ban đầu, lúc bắt đầu giai đoạn công khai, Đức Chúa Giêsu đã tuyển mộ các Tông đồ. Một người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ thì tuyển lựa các Tông Đồ để làm gì ?

 

Quả thật, Người chọn một số người để cùng sống với người không phải là để nhằm mục đích cung phụng, hầu hạ người, để nịnh hót, bợ đở, hay để có thêm vây cánh nhằm làm loé mắt người đời. Người nhắm đến một tương lai. Phải có người kế tục sau khi Người đã hoàn thành sứ mạng.

 

Đức Chúa Giêsu quả là một nhà tổ chức tài ba, Người làm việc liên lỉ, nhưng không làm một mình bởi Người biết khi trở nên con người thì phải chấp nhận giới hạn của con người, giới hạn bởi thời gian và không gian.

- Về thời gian: Sẽ có ngày Ngài sẽ phải về với Chúa Cha

- Về không gian: Trong thân xác con người, Ngài không thể hiện mọi nơi.

 

Chính vì biết rõ những điều kiện làm việc hạn hẹp đó mà Ngài đã chọn các Tông Đồ, để chia sẽ cho các ngài công việc, để các ngài cùng cộng tác, hầu kết quả được tăng thêm: Ngài sai nhóm 72 đi trước Ngài đến những nơi Ngài sẽ đến, Ngài sai Nhóm 12 đi rao giảng, ban cho các ngài quyền năng trừ quỷ, chữa bệnh...

 

Sống với Ngài để thấy Ngài sống và làm việc: "Hãy đến mà xem", để được Ngài đào luyện: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai", "Anh em hãy cho họ ăn", "Đừng sợ kẻ chỉ giết được thân xác rồi sau đó không làm gì được nữa, nhưng hãy sợ Đấng giết được thân xác rồi sau đó lại có thể ném cả linh hồn vào hoả ngục"....

 

Nếu như không cùng sống với Đức Chúa Giêsu hơn ba năm thì ngài lễ Ngũ tuần, thánh Phêrô sẽ giảng gì ? và sau đó các tông đồ sẽ giảng gì ? Giáo lý mà chúng ta thừa hưởng hôm nay có phải là chân truyền ? Chính vì lẽ đó mà ngay từ những ngày đầu khởi công xây dựng Nước Trời, Chúa Giêsu đã lưu tâm đến việc tuyển chọn các tông đồ.

 

Ngày nay, việc chọn người kế tục trong Ban Quới Chức cũng là việc tất nhiên bởi một Quới Chức dù có nhiệt tình, năng nổ đến mấy cũng đến lúc không còn sức lực để phục vụ và tất nhiên ai cũng phải theo chân Chúa Giêsu mà về với Chúa Cha! Đào tạo lớp đàn em để kế tục. Đó là làm theo gương Thầy Chí Thánh.

 

Điều đó chính ban quới chức phải làm, bởi về mặt thời gian, cha sở không luôn là người có thời gian gắn bó lâu dài với họ đạo, về công việc thì trăm hay không bằng tay quen.

 

Chọn đúng người: có phẩm chất tôt, có thiện chí, nhiệt tình cộng tác sẽ giúp Ban Quới Chức có sức sống, công việc sẽ trôi chảy, nội bộ sẽ ổn định. Chọn không đúng người, hiệu quả sẽ ngược lại.

 

Chúa Giêsu đã phải mất hơn 3 năm để đào luyện nhân sự cho Giáo Hội, các Quới Chức chắc chắc sẽ mất nhiều thời gian hơn mới có thể có được những người thạo việc.

 

Trong xã hội bon chen ngày nay, tìm được một người biết hy sinh phụng sự Chúa, phục vụ giáo hội trong các họ đạo thật là khó, xin nhắc lại lời của Chúa Giêsu:

"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Anh em hãy xin chủ sai người đi gặt lúa." Chúng ta hãy cùng cầu nguyện để có người thiện chí gánh vác công việc chung.

SỐNG ĐẸP

 

Sống Yêu Thương

Vào những giây phút cuối đời biết nhìn lại cuộc sống và cám ơn mọi người quả là một cử chỉ đáng ca ngợi. Nhưng có cần phải đợi đến giờ phút cuối đời mới nói lên lời cám ơn với mọi người không? Có cần phải đợi đến lúc nhắm mắt lìa đời mới thốt lên một lời cám ơn không?

Mỗi một giây phút qua đi trong cuộc sống của chúng ta phải chăng không là một món nợ với mọi người? Có giây phút hiện hữu nào không nằm trong dây chuyền của tình liên đới?

Tất cả mọi người trên thế giới này ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp đều tham dự vào cuộc sống của tôi, sự sống còn của tôi, định mệnh của tôi, tất cả những gì tôi có, tất cả những gì tôi đắc thủ được và ngay tất cả những gì tôi có thể trao ban cũng đều có liên hệ đến người khác.

Có những người thân và người bạn hữu giúp tôi sống hạnh phúc đã đành, mà ngay cả những người tôi cho là kẻ thù của tôi cũng đang giúp tôi cách nào đó.

Tình yêu bao bọc tôi dạy tôi biết sống yêu thương.

Lòng ganh tị của những người xung quanh cũng là một thách đố luôn thúc giục tôi cố gắng vươn lên hơn.

Lòng quảng đại của những người xung quanh nâng đỡ tôi, những nỗi khổ đau của những người xung quanh cũng mời gọi tôi sống quảng đại hơn.

Tôi nhận lãnh rất nhiều, nhưng tôi cũng được đòi hỏi không ngừng chia sẻ. Những người có lòng tốt trao ban cho tôi không ít. Họ trao ban cho tôi sự thách đố để sống cao thượng hơn. Ai đó đã nói thật chí lý: "Không có ai nghèo nàn đến độ không có gì để trao tặng cho ta".

Thiên Chúa tạo dựng mỗi người cho chính nó, nhưng con người chỉ có thể sống cho ra người khi nó biết sống cho tha nhân mà thôi.

Như vậy, bất cứ một người nào cũng đều đóng góp cho sự trưởng thành của tôi, cho niềm hạnh phúc của tôi. Đó không là lý do để tôi biết ơn hay sao? Đó không là lý do để tôi sống bao dung hay sao?

Lạy Chúa, yêu thương những người bạn hữu và những người làm phúc cho chúng con quả là chuyện dễ làm. Nhưng yêu thương những kẻ hãm hại chúng con cách này hay cách khác là điều ngược lại với khuynh hướng tự nhiên của con người.

Xin giúp chúng con thắng vượt được lòng ích kỷ, sự thù hận trong tâm hồn chúng con, để chúng con luôn có cái nhìn tích cực về mọi người và đủ can đảm để sống tình liên đới, sự khiêm nhượng, lòng cảm mến vơi mọi người. Amen.

Cát Biển

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

Cha Sở dễ...thương !

Có ngưòi rước cha đi xức dầu kẻ liệt. Bệnh nhân  nầy không còn biết gì.  Hỏi ra thì không  biết từ hồi nào ông ta đã không đến nhà thờ. Không xưng tội làm sao xức dầu được. Có cha thì giải tội lòng lành và ban các phép sau hết. Cho mọi người vui. Tôi thấy cách nầy không phải không được, nhưng không ổn, mà không  đi thì bị cho là khó quá, ngưòi ta bỏ đạo hết.

 

Tôi nhớ lại câu chuyện 'cha sở dể' nầy mà lúc còn là chủng sinh nhỏ, theo cha đến thăm một người bác là thầy thuốc, được bác kể cho nghe và tôi nhớ mãi đến nay.

 

Cha sở ấy ở họ đạo được ba mươi năm. Ai cũng thương vì cha dể lắm, gì cũng được. Cha vui vẻ, mọi ngưòi vui vẻ. Đám gì cha cũng đi, đầy tháng, thôi nôi, giổ cưới....rất thông cảm. Rồi cha chết. Chắc lên thiên đàng vui lắm. Gặp con cái mình vui vẻ như ở thế gian vui vẻ. Ông Trùm, ông câu, các bà...chắc là sẽ  đón cha tưng bừng. Cha lên thiên đàng. Sao không thấy ai hết! Kỳ vậy!

 

Cha xin xuống luyện ngục coi. Sao cũng chẳng thấy ai! Đâu hết rồi? Hoả ngục cả sao? Đi coi. Chưa tới thì đã nghe ốn ào: Ông đó! Ông dể cho người ta thương. Không dạy, không rầy. Phải chi ông rầy, ông chưởi, ông đánh cũng được miễn là ngày nay chúng tôi khỏi ở đây là tốt. Nhưng muộn rồi! Chúng tôi thì không biết.  Ông có học,  ông biết mà ông lại chiều chúng tôi. Sai hết.

 

Chúa cho cha sống lại. Cha kể lại cho giáo dân còn sống những gì đã thấy và tỏ ra vô cùng buồn nản. Cha hỏi : anh chị em muốn tôi dễ như trước nữa chứ? Và cha trả lời liền: anh chị em có muốn tôi cũng không dám.

 

Tại sao mà xuống hoả ngục hết? Thiên đàng không, luyện ngục cũng không? Tại sao?

 

Tại cha dễ! Không rầy sợ người ta không thương. Có cha hỏi sao không rầy? Rầy chi cho người ta ghét. Xưng tội thì cha tha, không dạy, không rầy. Không căn dặn cho rõ phải xét mình kỷ, không xưng qua loa. Phải ăn năn dốc lòng chừa cải thật lòng như Bí tích hoà giải đòi hỏi. Không ăn năn thật lòng thì giải tội không thành; không có ơn tha tội thì không được khỏi tội. Ai ở trong tình trạng tội không ban Bí tích hoà giải được,  vì không dốc lòng chừa cải thì ban BT tích không thành mà còn phạm tội phạm thánh. Cha dễ cha cứ giải! Rối thì cha cho một năm một lần. Không khỏi tội mà đi rước lể phạm sự thánh. Tội nầy chồng chất lên  tội kia. Cả đời không đựoc ơn gì cả . Sống nghèo nàn ơn sủng. Giờ chót không còn biết gì thì cha giải tội lòng lành ban ơn toàn xá, ban đủ các phép. Cha dễ. Cha cho thì được. Ai cũng thương. Kết quả thảm!

 

Hiểu vậy, nói vậy, nhưng kết quả thế nào tùy Chúa thôi!

 

Còn nữa! Có ngưòi lại nói: ba ngày nữa con của con cưói vợ. Ngưòi ta không có đạo ngưòi ta định vậy mình phải theo chứ sao giờ cha. Cha xin chuẩn cho,  đạo ai nấy giữ. Cha dễ! Cha bảo phải học Giáo lý đầy đủ để lãnh ơn Bí tích hôn phối trọng thể nhờ đó có ơn Chúa giúp sống đời hôn nhân.. Cha khó!

 

Dễ! sợ khó ngưòi ta bỏ đạo hết. Dễ như cha sở trên và kết quả thảm như vậy thì...? Còn bao nhiêu thứ dễ nữa, do cha chỉ muốn chiều lòng giáo dân, sợ giáo dân buồn, ghét...thay vì công tâm lo cho phần rỗi linh hồn của họ cách chu đáo. Cha làm hư giáo dân và chưa làm hết, làm đúng chức phận mình!

 

Khó bậy bạ thì không nên. Làm tốt thì phải làm. Làm đúng có bị nói khó cũng không sao. Giáo dân giữ đạo tốt thì nói không phải cha khó nhưng là cha lo cho mình tốt. Họ vui vì họ được dạy cặn kẽ cho biết cách giữ đạo tốt.

 

Phải làm cho giáo dân tốt hơn chứ đừng làm cho họ xấu hơn. Giáo dân giữ đạo tốt,  họ thương Chúa thật tình, thương cha mới bền.

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

 

Công Bằng Xã Hội Là Gì ?

Hỏi: "Xin Cha giải đáp tổng quát về công bằng xã hội theo luật."

 

Đáp: Có một điều có thể làm các bạn ngạc nhiên, đó là trong Bộ Giáo Luật của Giáo Hội không đề cập đến những vấn đề công bằng và bác ái. Lý do là vì Bộ Giáo luật chỉ bao gồm những qui định về tòa ngoài   mà trong khi đó công bằng và bác ái thuộc lãnh vực nhân đức luân lý, tòa trong. Những qui định trong Bộ Giáo luật do cơ cấu hữu hình của Giáo Hội thiết lập được gọi là nhân luật (human law), trong khi công bằng và bác ái là thiên luật (divine law). Về vấn đề tội lỗi cũng vậy, thuộc lãnh vực thần học luân, không thuộc lãnh vực Giáo luật.

 

Như thế, công bằng bác ái vì là thiên luật (luật của Chúa), nên được qui định và ghi ở điều thứ bảy trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.

 

Sau đây là những gì tôi có thể chia sẻ với các bạn:

 

Trước hết, công bằng bác ái được xét như một nhân đức: Đức công bằng là nhân đức luân lý: Nó hệ tại ý chí kiên định và cương quyết hoàn trả những gì phải trả cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Đối với một con người, đức công bằng dự bị cho ta tôn trọng quyền lợi của người khác và thiết lập sự an hòa giữa mọi người để có thể xúc tiến sự công bằng đối với mọi người và đối với ích lợi công cộng. Người công chính mà Thánh Kinh thường nhắc tới thì nổi bật về sự ngay chính thường xuyên trong các ý nghĩ và thẳng thắn trong cách sử sự hướng tới tha nhân và xã hội: "Ngươi sẽ không ban đặc ân cho những người hèn yếu và sẽ không quị lụy những người quyền quí; ngươi sẽ xét xử mọi người với sự công minh." (Sách Đệ Nhị Luật 19,15). "Hỡi các người chủ hãy trả cho các nô lệ của mình theo lẽ phải và công bằng, vì hãy nhớ rằng chính các ngươi cũng có một người chủ ở trên trời." (Sắc lệnh về Giáo Dân 4,1)

 

Công bằng và bác ái là thiên luật: "Thứ Bảy, chớ lấy của người.". Thánh Matthêu đã lập lại lời của tiên tri Daniel khi viết về Lời Chúa: "Ngươi không được trộm cắp" (Mt. 19,18 - Dn. 5,19). Sau đây là lời của Thánh Phaolô: "Những kẻ trộm cắp, những kẻ gian tham, những kẻ chiếm đoạt của người khác, sẽ không được thừa kế nước Thiên Chúa." (1 Cor. 6,10).

 

Điều răn thứ bảy truyền dạy phải thực hành đức công bằng và đức bác ái trong việc quản lý tài sản trần thế và kết quả của công ăn việc làm của người khác.

 

Điều răn thứ bảy cấm không được ăn cắp, dù là của công hay của tư, trái với ý muốn của người khác và trái với qui định của công ích. Ai phạm vào những bất công này đều buộc phải bồi thường. Đức công bằng giao hoán đòi buộc phải hoàn lại những của cải mình đã lấy trộm dù là của tư hay của công. Nếu không hoàn trả được khi còn sống ở đời này, thì sẽ phải hoàn trả ở đời sau.

 

Luật luân lý cấm chỉ những hành vi con buôn hoặc độc tài dẫn tới việc nô lệ hóa những con người, mua họ, bán họ, hoặc trao đổi họ để lấy hàng hóa khác.

 

Về bác ái: Làm sao chúng ta lại không nhận ra khuôn mặt của Lagiarô, người ăn mày đói khổ trong dụ ngôn của Chúa. Làm sao chúng ta lại không nghe được Lời Chúa khi Ngài nói: "Các ngươi đã không làm điều đó cho Ta?." (Mt 25,45)

Đi vào thực tế qua lá thư của các bạn, tôi xin được phép xác quyết những điều sau:

 

Người không sống theo phép công bằng thì không được phép nhắc nhở với người khác về vấn đề công bằng, vì làm như thế là lỗi đức công bằng và tạo hình phạt cho chính mình.

 

Trong hoàn cảnh xã hội chúng ta đang sống, vừa lãnh tiền trợ cấp của chính phủ vừa đi làm "chui" không đóng thuế là lỗi đức công bằng và lỗi đức bác ái.

 

Nhận nhà cửa của chính phủ cấp, cho thuê lại để lấy tiền cho chính mình là lỗi đức công bằng và bác ái.

Khai gian xảo để nhận các loại trợ cấp là lỗi đức công bằng và lỗi đức bác ái.

 

Tất cả các lối giải thích về việc xử dụng tiền bạc gian xảo, trộm cắp như để giúp những thân nhân nghèo hay làm việc công đức đều vô giá trị trước mặt Thiên Chúa, chưa kể những lối giải thích này sẽ trở thành hình phạt cho chính mình vì làm như vậy là lừa dối chính Thiên Chúa.

 

Thiên luật là luật tòng nhân (buộc chính vào một con người), do đó dù người ấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều bị buộc như nhau, không những thiên luật buộc người Công Giáo, mà thiên luật còn buộc cả những người không phải là Công giáo nữa.

 

Theo các bạn viết thì các Đấng có thể cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong việc này, hoặc vì đã không bận tâm, hoặc vì tránh né, hoặc vì bất cứ một lý do nào khác.

 

Riêng về phần tôi, xin chân thành cám ơn các bạn đã nhắc nhở. Thân chúc các bạn luôn sống trong công bằng, bác ái và bác ái hơn, cầu nguyện cho những người sống thiếu công bằng và bác ái. Amen.

 

Lm. J. Bùi Đức Tiến

 

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

10 Lời Khuyên Để Thư Thái Tâm Hồn

Bình an là "hoa trái của Thánh Thần" (Gl 5,22-23), một trong những ân sủng Kinh Thánh hứa dành cho những ai sống gần Chúa. Từ "bình an" tiếng Do Thái có nghĩa là sự trọn vẹn, đầy đủ và khoẻ mạnh về mọi mặt. Ý nghĩa trong Tân Ước rộng hơn chính là sự an bình bên trong tâm hồn - một sự kết hợp của hy vọng, tin tưởng và sự thanh thản nơi tâm trí và tâm hồn. Trong thời đại ngày nay, loại bình an như thế khó có thể có được... Không có công thức thần kỳ nào để đạt được bình an nơi tâm hồn, nhưng luôn có những việc chúng ta có thể làm để nuôi dưỡng nó.

1. Tin tưởng Chúa    
  

Tin tưởng không tự mình có được. Khi là trẻ con, chúng ta học tin tưởng cha mẹ bởi vì chúng ta cảm nhận tình yêu của ba mẹ và được lợi từ sự chăm sóc và hiểu biết sâu rộng về cuộc sống của ba mẹ. Chúng ta tin tưởng những người bạn trung thành luôn ở bên chúng ta. Chúng ta tin tưởng những người làm kinh doanh mà chúng ta nhận thấy thành thật và đáng tin. Chúng ta tin tưởng bởi vì những kinh nghiệm chúng ta có được với họ.    

Cũng tương tự với Chúa. Càng cởi mở tâm hồn với Chúa, chúng ta càng cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của Ngài. Càng học hỏi Kinh Thánh và những tài liệu dựa trên Kinh Thánh, chúng ta càng hiểu rõ hơn về cuộc sống và càng cảm kích sự khôn ngoan và tốt lành của Chúa. Càng thử nghiệm những lời hứa của Chúa, chúng ta càng có lòng tin vào chúng. Càng mang những khó khăn của chúng ta đến với Ngài, chúng ta càng học biết cậy dựa vào Ngài để Ngài giải quyết mọi việc. Càng hiểu rõ về Ngài, chúng ta càng tin tưởng Ngài; và càng tin tưởng Ngài, chúng ta càng có được bình an nơi tâm hồn. 

2. Đi con đường của Chúa  
   

Khi chúng ta nghĩ đến việc làm vui lòng Chúa và cố gắng thực hiện, chúng ta có thể trông đợi ơn lành của Ngài. "Chúa tặng ban ân huệ với vinh quang. Ai sống đời trọn hảo, Người chẳng nỡ từ chối ơn lành" (Tv 86,12). Điều đó không có nghĩa mọi việc sẽ đến dễ dàng và diễn ra trôi chảy, bởi vì nhọc nhằn và gian khổ chính là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta có thể có được bình an nơi tâm trí trong những lúc khó khăn, bởi vì Chúa đã hứa với chúng ta rằng cuối cùng mọi việc sẽ tốt đẹp. Sự bất an nơi tâm hồn thường là kết quả của việc ngoan cố, ích kỷ làm theo những kế hoạch riêng của bản thân trong khi tận sâu đáy lòng, chúng ta biết Chúa muốn điều gì đó khác cho chúng ta hoặc cho người khác. Điều đó không bao giờ có ích gì.     

3. Hãy dâng những khó khăn lên cho Chúa trong lời cầu nguyện    
      

Chuyển những khó khăn của chúng ta sang cho Chúa trong lời cầu nguyện có ích cho cả hai phía. Thứ nhất, chúng ta có được sự trợ giúp của Chúa, sự trợ giúp ấy làm nên mọi sự khác biệt trên thế giới. Nhưng nó cũng có thêm lợi ích khác chính là lấy đi khỏi chúng ta áp lực phải giải quyết mọi việc. "Đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, hãy đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Chúa. Và... Chúa sẽ ban cho bình an vượt lên trên hết mọi hiểu biết. Và bình an ấy sẽ điều khiển cách suy nghĩ và cảm nhận của bạn" (Pl 4,6-7). 

4. Hãy cho những khó khăn thời gian           
Cho dù bất cứ điều gì xảy ra đối với chúng ta và vì bất cứ nguyên nhân gì, chúng ta có thể tin chắc rằng Chúa có thể và muốn mang đến điều tốt đẹp hơn thông qua đó. Cuối cùng, "mọi việc đều sinh ích cho những ai yêu mến Chúa" (Rm 8,28). Trong những lúc khó khăn, niềm tin của chúng ta được củng cố và chúng ta học được sự kiên nhẫn. Không có hai điều đó - niềm tin và kiên nhẫn - rất khó có được bình an. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh bảo chúng ta hãy tích cực và chờ đợi. "Anh em hãy tự cho mình là chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì" (Gc 1,2-4).           

5. Hãy để quá khứ qua đi       

Không thể nào cảm thấy bình an với chính bản thân hoặc với Chúa một khi chúng ta vẫn còn mang lấy gánh nặng của những lỗi lầm trong quá khứ. Chúng ta có thể ăn năn hàng ngàn lần và mãi làm việc sám hối, nhưng chúng ta không thể trải nghiệm được bình an thật sự cho đến khi chúng ta hoàn toàn chấp nhận rằng Chúa tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta ngay khi chúng ta xin Ngài. Chúng ta nói: "Con quá xấu". Chúa nói: "Chính Ta đây, vì danh dự của Ta, Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi" (Is 43,25). "Chúng ta được bình an với Chúa, nhờ Đức Giêsu, Chúa chúng ta" (Rm 5,1).   

6. Hãy xem nghịch cảnh như là cơ hội      
    
Trong một trong những khoảnh khắc hy vọng hiếm hỏi của mình, Friedrich Nietzsche tìm ra được chân lý hạnh phúc: "Điều không giết được tôi, sẽ làm tôi mạnh mẽ hơn". Trong quyển sách của mình với tựa đề Lòng biết ơn: Một con đường của Cuộc sống, Louise L. Hay đã diễn tả chi tiết hơn: "Cho dù bất cứ việc gì xảy ra xung quanh, chúng ta có thể lựa chọn phản ứng lại nó theo cách giúp ích cho chúng ta học hỏi và phát triển. Khi chúng ta xem những khó khăn như những cơ hội để phát triển, chúng ta có thể biết ơn những bài học chúng ta học được từ những trải nghiệm khó khăn ấy. Luôn có một món quà trong mọi trải nghiệm. Thể hiện lòng biết ơn cho phép chúng ta tìm thấy nó". Khi chấp nhận tư duy ấy, chúng ta sẽ có cái nhìn đúng đối với khó khăn, giải thoát chúng ta khỏi sự tiêu cực mà những khó khăn ấy gợi lên và tìm thấy bình an.        

7. Nuôi dưỡng sự thoả mãn   

"Việc giữ đạo là nguồn lợi lớn đối với ai lấy cái mình có là đủ" (1 Tm 6,6). Ai lại chẳng thích "nguồn lợi lớn"? "Giữ đạo" và "thoả mãn" là điều mọi người thường hay hiểu sai và không ngừng suy nghĩ. "Giữ đạo" không phải vấn đề mộ đạo hay hoàn hảo. Đó không phải là một trạng thái vô tội, nhưng là cả một quá trình suốt cuộc đời; nhận ra rằng chúng ta không giống Chúa Giêsu như lẽ ra nên giống và xin Ngài giúp chúng ta trở nên tốt hơn. Và "thoả mãn" không phải là hạnh phúc giả tạo hay bản thân cam chịu mọi thứ diễn ra khi lẽ ra chúng không nên như thế; đó chính là vấn đề yêu Chúa và tin tưởng Ngài làm cho mọi việc tốt hơn. Đó chính là "tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện mọi công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó đến chỗ hoàn thành" (Pl 1,6).         

8. Dành thời gian để thinh lặng suy ngẫm     

"Hãy cho Chúa thời gian để Người bày tỏ chính Người cho bạn. Cho bản thân bạn thời gian để thinh lặng trước Ngài, thông qua Thần Khí, chờ đợi để đón nhận sự bảo đảm về sự hiện diện của Ngài bên bạn, quyền năng của Ngài hoạt động nơi bạn. Hãy để Ngài tạo ra bên trong tâm hồn bạn một bầu khí quyển thiêng liêng, ánh sáng thiêng liêng tuyệt trần, để tâm hồn bạn được làm mới và được thêm sức cho những công việc của cuộc sống hằng ngày" (Andrew Murray, mục sư và nhà văn Nam Phi (1828-1917)). Trong những lúc thinh lặng ấy, Chúa có thể đổi mới tâm trí bạn và làm cho bạn trở nên giống Ngài hơn (x. Ep 4,23; 2 Cr 3,18).

9. Hãy biết ơn

Việc đếm những ơn lành đặt chúng ta vào trạng thái tích cực. Nó không giải quyết tất cả những vấn đề của chúng ta, nhưng nó khiến chúng ta thôi tập trung chú ý đến những điều làm chúng ta lo lắng hoang mang. "Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý" (Pl 4,8).       

10. Làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa bạn và Chúa Giêsu 

Trong buổi tiệc ly với các môn đệ, Chúa Giêsu biết mình sắp bị bắt và bị đóng đinh, Ngài đã nói với họ: "Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16,33). Bạn càng biết rõ về Chúa Giêsu thông qua việc đọc Lời Ngài, đặc biệt là bốn sách Tin Mừng, và thông qua việc trò chuyện với Ngài trong lời cầu nguyện và suy ngẫm, bạn sẽ càng biết rõ rằng Ngài và Cha Ngài có quyền điều khiển mọi thứ, cho dù mọi việc trông như thế nào đi nữa.   

Chúa Giêsu không hứa thay đổi những hoàn cảnh xung quanh chúng ta, nhưng Ngài hứa ban bình an và niềm vui cho những ai học biết tin tưởng rằng Chúa thật sự điều khiển mọi việc. 

 

Merlin Carothers (Thiên Ân dịch)

MẠN ĐÀM

ALTER CHRISTUS !

Thiên hạ thường ca tụng linh mục là Alter Christus, vì linh mục được kết hợp thân thiết với Chúa Kitô nên một của lễ với Chúa Kitô, thể hiện công trình của Chúa. Đúng là alter Christus!

 Nhưng chính con người linh mục có dám tự phụ mình là Kitô thứ hai không? Ngay cái lối sống nghèo của Chúa,  mặc dầu Chúa giàu sang vô hạn, nhưng lại sống nghèo mạt hạng. Sinh ra, không được một nơi êm ấm, mà lại phải ra đời trong hang bò lừa, máng cỏ. Lớn lên không nhà lại bị xua đuổi. Sống như mọi người, mà cũng vẫn không có tiền đóng thuế. Sống đời khổ nhọc...đến chết trên thánh giá, không có được tấm vải che thân.

 

Đời linh mục có biết sống nghèo không? Vẫn có nhiều linh mục sống theo gương Chúa, nhưng có thể nói, đa số linh mục chưa biết cái nghèo là gì?

 

Sống không bao giờ thiếu thốn. Phần lớn có nhà cao cửa rộng, tài sản thừa thãi. Cuộc sống linh mục có phần xa hoa, không nói đến hạng bê bối làm buồn khổ Hội Thánh.

 

Chớ gì linh mục chúng ta biết thường nhìn Chúa, mong noi gương Chúa, sống đời hiến tế thường xuyên.

 

Trong thế giới tiền bạc là vua, linh mục cần biết không ham tiền, không kiếm tiền; đồ dùng đơn thường, sống đơn sơ, tránh mọi xa hoa dễ dãi;  tránh dùng "hàng xịn": áo xịn, giầy xịn, đồng hồ xịn, điện thoại xịn, xe hơi xịn...

 

Nếu gặp cảnh thiếu thốn, không những không nên than, mà có thể có chút vui thích vì Chúa, được ít nhiều giống Chúa.

 

Giống Chúa không phải chỉ như một sự trang điểm, mà là một nhiệm vụ khẩn thiết. Không giống Chúa, thì không còn là linh mục, mà có thể lại là phản Kitô.

 

Lạy Chúa xin thương xót con, xin cải tạo đời con, để con được giống Chúa và kết hợp với Chúa.

 

Nhớ Chúa nói: giàu có mà vào được thiên đàng  thì khó lắm. Khó như lạc đà chui qua lỗ kim. Có thể quả quyết: ai bám vào tiền thì không thể rỗi linh hồn.

2189    24-04-2012 15:27:00