Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Tinh Thần Hợp Tác Giữa Giáo Sĩ, Tu Sĩ và Giáo Dân - Tháng 07 năm 2011

LỜI CHỦ CHĂN

Tòa Giám Mục Vĩnh Long
103 đường 3/2, Ph. 1 Vĩnh Long

Vĩnh Long, ngày 23.6.2011

V/v  Tinh Thần Hợp tác giữa Giáo Sĩ , Tu Sĩ và Giáo Dân

 

Kính gởi : Các Linh mục, Tu sĩ và Anh Chị Em Giáo dân
                Địa Phận Vĩnh Long

"Mọi thành phần Dân Chúa được mời gọi hợp tác với nhau, để biểu hiện Hội Thánh  là một gia đình" (x. SĐ Đại Hội Dân Chúa, số 4) .

 

 1. Có Hiệp thông thì phải có hợp tác, sự hợp tác giữa mọi thành phần Dân Chúa làm cho Hội Thánh được phong phú. Giáo dân, hợp nhất với các Linh mục và các Tu sĩ nam nữ, làm nên một dân duy nhất của Thiên Chúa, một Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô (X. Gioan Phaolô II, Kitô hữu Giáo dân, 28). Nhờ Bí Tích Rửa Tội, mỗi người tín hữu trở thành chi thể của Hội Thánh (x. Col 3,15; Roma 12,5). Là chi thể của Hội Thánh, mỗi người Kitô hữu vẫn giữ tính cách độc nhất và không thể thay thế của mình, đó là nguồn gốc của tính đa dạng và phong phú của toàn thể Hội Thánh. Chúa Giêsu mời gọi từng người trong chúng ta, Người gọi đích danh, không hề lẫn lộn: "cả bạn nữa, hãy vào làm vườn nho cho tôi" (Mt 20,4.7).

"Bởi vậy, theo lời Đức Gioan Phaolô II, mỗi người chúng ta , với tính cách độc nhất không thể thay thế của mình, hãy bắt tay phục vụ cho sự hợp nhất trong Hội Thánh được tiến triển, qua bản thân và hành động của mỗi người" (TH Kitô Hữu Giáo Dân, 28).

 

2. Hội Thánh là Thân Thể của Chúa Kitô, gồm nhiều bộ phận khác nhau, mỗi  chi thể phải theo chức phận của mình, linh mục không dành làm chuyện của giáo dân, và ngược lại giáo dân không thay thế linh mục. Tu sĩ  có công việc của Tu sĩ: "Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ơn sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành Ai chủ tọa, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái, thì vui vẻ mà làm" (Roma 12,6-8). 

 

Hội Thánh là Dân Chúa (Vat, II, LG, Ch II) là Gia Đình (LG 32), là Thân Thể của Chúa Kitô (Rom 12,13). Hội Thánh là một tổ chức gồm nhiều thành phần liên kết với nhau trong trật tự, gồm có Giám mục, Linh mục, Tu sĩ và các Tín hữu. Không có chia rẽ trong thân thể, nhưng các chi thể, các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Trong Hội Thánh cũng vậy, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể (x. Roma 12,5). "Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Ngài muốn... Bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không thể bảo tay: Ta không cần đến mầy; đầu cũng không thể bảo hai chân: Ta không cần chúng mầy"  (1 Cor 12,18-21).

 

3. Trong Thánh Lễ được xem như  tuyệt đỉnh của mọi sinh hoạt của Hội Thánh, tất cả việc cử hành được diễn ra trong  trật tự ; có các lời nguyện cho chủ tế, có phần dành cho giáo dân, có phần dành cho độc xướng viên (Thánh vịnh xướng đáp), có phần dành cho Phó tế,  có phần chung cho mọi người tham dự.

Tại một vài nơi, ngày Chúa Nhật hoặc dịp lễ quan trọng như khi có Giám mục đến ban Bí Tích Thêm Sức, cha sở phải tập giúp lễ, tập hát, dẫn chương trình. Vì phải một mình đảm đương nhiều việc, nên vất vả quá dễ nổi giận la rầy, làm mất đi niềm vui và sự trang nghiêm trong cộng đoàn phụng vụ. 

 

Trong cộng đoàn, không nên để cho ai , dầu là Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân,  một mình làm hết mọi việc. Trong Họ Đạo, cha sở  không thể một mình cáng đáng mọi việc, hoặc trao hết cho một người nào đó. Giáo dân  có thể và có bổn phận chia sẻ trách nhiệm với cha sở. Có nơi thiếu sự quan tâm đúng mức đối với các Tu sĩ, có nơi xem thường các Chức việc trong Họ. Đừng biến những người có thể cộng tác với mình trở thành những bộ máy, hay như những trẻ con chỉ biết làm theo lệnh của kẻ có quyền.

 

Tinh thần họp tác trước tiên đòi phải có sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng trật tự , mỗi người giữ phần việc  của mình, đồng thời phải làm sao cho hòa hợp với những người khác; công việc có khác nhau nhưng nhằm vào một mục đích chung, và trong  mọi sự phải có bác ái với nhau (x. 1 Cor 13,1 tt).

 

Như thế, Hội Thánh sẽ có được khuôn mặt dễ mến của Gia đình hợp nhất và hiệp thông vơiù nhau.

 

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
   Giám mục của Anh Chị Em

THƯ MỤC VỤ

Tháng 07/2011

CHỦ ĐỀ: TINH THẦN HỢP TÁC
GIỮA GIÁO SĨ, TU SĨ  VÀ GIÁO DÂN

 

Cắm rễ sâu trong bí tích Rửa tội, được củng cố nhờ bí tích Thêm Sức và được thường xuyên nuôi dưỡng nhờ bí tích Thánh Thể, tất cả mọi tín hữu công giáo - giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân - đều có trách nhiệm tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội và chu toàn sứ vụ của Giáo Hội là loan báo Nước Thiên Chúa. Để thực hiện được yêu cầu này, Giáo Hội cần đánh giá lại và canh tân những cơ cấu hiện có, đồng thời đặt ra những cơ cấu mới nhằm thúc đẩy sự tham gia và hợp tác rộng rãi hơn giữa mọi thành phần Dân Chúa. Có như thế, Giáo Hội tại Việt Nam mới thực sự là Giáo Hội hiệp thông và tham gia (Tài Liệu Làm Việc Của Đại Hội Dân Chúa 2010, số 35).

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Đức ông Michael Heras sinh tại El Paso, Texas, học tại Đại học Bắc Mỹ ở Rôma. Chịu chức Linh mục năm 1984, phục vụ Giáo phận Corpus Christi, Texas. Hiện nay Ngài là mục tử của Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Texas, Hoa Ky.  Trong tự thuật về đời linh mục của mình đã đưa ra những nhận xét như sau:

Mười năm sau khi làm quản xứ, tôi rút ra được hai kết luận :

- Thứ nhất là: Chúa yêu dân Người. Dầu tôi bất xứng, yếu đuối, thất bại, Chúa vẫn giao tiếp với họ qua tôi. Nếu Chúa yêu họ như vậy, thì sao Chúa lại chẳng yêu tôi như vậy?

- Thứ hai là: Muốn là một Linh mục tốt, điều cần nhất là yêu và ở trong tình yêu với Chúa và với dân Chúa. Nếu tôi sống được như vậy, tôi không thể đi trệch đường. Kitô giáo là hình thức lành mạnh và tình yêu giữ chúng ta được lành mạnh.

 

Giáo sĩ chăm sóc đàn chiên. Giáo dân tích cực cộng tác để phát triển Hội Thánh. Tất cả đều nhằm tìm kiếm Nước Chúa và vinh quang của của Người.

Trước khi diễn giải Thư mục Vụ, chúng ta tóm lược một vài ý về Chủ đề Tinh Thần Hợp Tác Giữa Giáo Sĩ, Tu sĩ và Giáo Dân:

1. Hễ là tín hữu: giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân đều có nhiệm vụ xây dựng Hội Thánh và loan báo Nước trời.

2. Để thực hiện những nhiệm vụ nầy, Hội Thánh cần phải kiểm điểm cơ cấu của mình có rời rạc quá không?

3. Cần phải làm gì để chấn chỉnh, để canh tân.

4. Canh tân sao cho mọi người biết hiệp thông với nhau và cùng nhau cộng tác.

Trách nhiệm tham gia và xây dựng Hội Thánh của hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân phát xuất từ nền tảng là Phép Rửa Tội. Nhờ đó, mọi Kitô hữu trở thành con cái Thiên Chúa, là chi thể của Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô mà Chúa Giêsu làm Đầu và là đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Cũng giống như một thân thể có nhiều chi thể khác nhau, nhưng tất cả các chi thể đều cùng phục vụ một thân thể, Giáo Hội của Chúa Giêsu cũng thế. Đức Giáo Hoàng, các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, mỗi người một phần việc, qua sự phối hợp của Chúa Thánh Thần, đều hoạt động qui về một mục đích: xây dựng Hội Thánh, mở rộng Hội Thánh, thăng tiến Hội Thánh, đưa Hội Thánh Chúa mỗi ngày một sát gần cùng đích là qui tụ mọi loài, mọi vật dưới quyền của Đức Giêsu Kitô là Vua để cùng Ngài chúc vinh Thiên Chúa muôn đời (1 Cor 15: 27-28; 3:23).

Trong thực tế, giáo dân, tu sĩ, giáo sĩ làm thế nào để đạt đến mục đích ấy trong việc mở mang Nước Chúa, xây dựng Giáo Hội, thăng tiến Giáo Hội ?

Hội Thánh "cộng đoàn những người được Lời Thiên Chúa quy tụ thành Dân Thiên Chúa và thành Thân Thể Chúa Kitô" (x. GLCG số 752) vừa mang yếu tố nhân loại: một tổ chức hữu hình với cơ cấu phẩm trật; vừa mang yêu tố thần linh: cộng đoàn thiêng liêng và là Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Về phương diện hữu hình Hội Thánh gồm có ba thành phần:

- Giáo dân là những người tin vào Chúa Kitô và lãnh nhận bí tích Rửa Tội. "Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả Kitô hữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận, nghĩa là những Kitô hữu đã được hiệp nhập vào thân thể Chúa Kitô nhờ Phép Rửa, đã trở nên Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ. Giáo dân là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình" (Hiến Chế Aùnh sáng Muôn Dân số 31).

- Trong cả hai thành phần giáo sĩ và giáo dân thì Tu sĩ là những Kitô hữu được thánh hiến cho Thiên Chúa một cách đặc biệt và phục vụ sứ mạng của Giáo Hội do việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm trong một Hội Dòng hay Tu Hội chính thức của Hội Thánh. Họ là những "Kitô hữu tự buộc mình tuân giữ ba lời khuyên của Phúc Âm qua lời khấn hay qua những ràng buộc thánh khác tương tự như lời khấn dòng; nhờ đó họ hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa chí ái, để phụng sự và làm vinh danh Ngài với một danh hiệu mới mẻ và đặc biệt"  (Hiến Chế Aùnh Sáng Muôn Dân số 44)

- Giáo sĩ là những tín hữu có chức thánh qua bí tích Truyền Chức thánh: Phó Tế, Linh Mục hay Giám Mục. "Các mục tử này, được chọn để chăn dắt đoàn chiên Chúa, là thừa tác viên của Chúa Kitô và ban phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. 1Cor 4,1); các ngài được ủy thác việc làm chứng Phúc Âm của ân sủng Thiên Chúa (x. Rm 15,16; CvTđ 20,24) và việc thi hành công cuộc của Thánh Thần và của công lý trong vinh quang (x. 2Cor 3,8-9) (Hiến Chế Aùnh Sáng Muôn dân số 21)

Về phương diện thiêng liêng, mọi thành phần trong Hội Thánh, nhờ Chúa Thánh Thần mà được liên kết với Chúa Kitô và hiệp nhất với nhau như các chi thể hợp thành thân thể và liên kết với Đầu là Đức Kitô (x. GLCG số 790).

Thật vậy, qua việc trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, Chúa Giêsu,  nay dù không còn hiện diện hữu hình ở trần gian, đã hiệp thông với Hội Thánh cách mật thiết hơn: "Khi thông truyền Thánh Thần cho những anh em được Người quy tụ từ muôn dân, Đức Kitô tạo lập họ thành Thân Thể Người cách mầu nhiệm" (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân số 7).

Chính Chúa Thánh Thần Thánh Thần cũng sẽ ban cho mỗi tín hữu,  ngoài những ơn riêng do các Bí tích,  những ơn dành cho chức phận mình và những ơn đặc biệt để phục vụ cộng đoàn gọi là các đặc sủng. Bởi vì tuy có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người (x. 1Cor 12, 4-7. 11; LG 12).   Trong Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội cũng vậy, mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, mỗi người mỗi cách tùy theo ý của Ngài để phục vụ cộng đoàn. "Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác" (1Pr 4, 10).

Đặc sủng cho phép mỗi người hoà nhập vào toàn thể, cộng tác hài hòa vào đời sống Giáo hội. "Thánh Linh không chỉ thánh hóa và huớng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích và các thừa tác vụ, cùng trang bị họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu 'phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài' (1Cr 12, 11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo hội." (Hiến Chế Anh Sáng Muôn dân số 12b).

Cụ thể, sự hiệp thông trong mỗi Giáo Hội địa phương, mà Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu gọi là "một Hội Thánh tham gia" (x. THGHAC số 25) với tinh thần "đồng trách nhiệm" (Huấn từ của ĐTC Bênêđictô XVI, ngày 7/3/2010)  giữa các thành phần trong Giáo Phận để phát triển Hội Thánh như sau:

Đức Giám mục Giáo Phận là "nguyên lý và nền tảng của sự hiệp nhất trong giáo hội địa phương" (Hiến Chế Aùnh Sáng Muôn Dân số 23). Do đó, Sự hiệp thông giữa các thành viên trong linh mục đoàn với Đức Giám Mục  Giáo Phận được thể hiện qua việc đồng trách nhiệm trong việc chăm lo cho toàn thể tín hữu, giữ gìn sự hiệp nhất và bảo tồn đức tin.

Giữa các giáo sĩ và tu sĩ, tinh thần đồng trách nhiệm được thể hiện qua việc phân chia nhiệm vụ cách hợp lý, để mỗi người trong phận vụ mình góp phần thăng tiến Hội Thánh.

Qua Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu được tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô, nên các giáo sĩ cần tạo điều kiện, đôn đốc và hướng dẫn để người tín hữu được tham gia vào việc mục vụ tại các xứ đạo được hiệu quả và thiết thực.

Người giáo dân trong cũng đồng  trách nhiệm trong việc phục vụ Hội Thánh qua việc tham gia vào các hội  đoàn trong xứ đạo để sống Lời Chúa cách hữu hiệu và làm nhân tố giúp thăng tiến cộng đoàn tại địa phương mình.

 

Trong Thân Thể Chúa Kitô là Giáo hội,  mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác,  theo ý của Ngài, để tất cả cùng cộng tác vào việc phát triển thân mình là Hội Thánh, vì phần rỗi các linh hồn và Nước Chúa được vinh sáng.

Từ những nhận định trên, chúng ta thử kiểm điểm cách nhìn nhận và thực hiện việc Tinh Thần Hợp Tác Giữa Giáo Sĩ, Tu sĩ và Giáo Dân như thế nào:

1. Có sống cá biệt và riêng rẽ không?

2. Có ích kỷ không?

3. Có nhớ đến người khác và sẳng sàng giúp đỡ?

4. Có góp sức với anh em với Hội Thánh không?

5. Có đau buồn khi Hội Thánh hay xã hội suy đồi? Có hân hoan khi đời sống thăng tiến đạo đức?

 

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Khi chọn các môn đệ, tông đồ, Chúa Giêsu tuyển chọn số đông, với nhiều thành phần khác nhau; Chúa muốn những người này hợp tác với nhau để loan truyền ơn cứu rỗi Chúa cho mọi người. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện:

1. Chúa phán với Phêrô: "Khi con trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, hợp tác với nhau, giúp nhau vững tin vào tình thương và quyền năng của Chúa.

2. Chúa phán: "Các con hãy làm cho muôn dân được nên môn đệ của Thầy". Chúng ta cầu nguyện cho các thành phần giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân biết hợp tác với nhau, để làm cho mọi người lãnh nhận ơn cứu rỗi.

3. Chúa phán: "Khi thấy các con yêu thương nhau, thì người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy". Chúng ta cầu nguyện cho mọi các thành phần giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân yêu thương nhau, hợp tác với nhau để cùng nên thánh.

4. Thánh Phaolô nói: "Tôi trồng, anh tưới, Thiên Chúa mới cho mọc lên". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết hợp tác với quý cha, quý thầy, quý dì để xây dựng họ đạo ngày càng hợp nhất và yêu thương.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn mọi người hợp tác với nhau để tiến tới Nước Trời. Xin ban Thánh Thần liên kết chúng con nên một trong tình yêu Chúa, để bổ túc cho nhau và giúp đỡ nhau mà tiến triển trên đường nên thánh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

CÙNG MỘT NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ

Những người chống đối đã lên án Giáo hội như thế này: "Qua chính sách ngu dân và giáo dục nhồi sọ, Giáo Hội đã biến tín đồ của Giáo Hội thành những người "ngu như con cừu" để cho Giáo Hội dễ bề mê hoặc và lừa bịp bằng những tín lý cực kỳ hoang đường, dễ bề bóc lột bằng những hình thức dâng lễ vật, và dễ bề sai khiến làm những việc thất nhân ác đức" (xem Vấn Nạn Giáo Hội La Mả của tác giả Nguyễn Mạnh Quang). Vậy phải chăn mối tương quan giữa giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân là một mối tương quan theo kiểu "giáo sĩ trị", giáo sĩ, tu sĩ trở nên ông hoàng, bà chúa, những người cai trị còn giáo dân trở thành những "công dân hạng hai" những người phải "ăn bám ở nhờ" vào công đức của những người tu hành để được ơn cứu rỗi, để được hạnh phúc thiên đàng.

 

Nhận thức về Giáo hội như Nhiệm Thể Chúa Kitô được Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên xưng trong tông huấn "Mystici Corporis," 1943, đã làm sống lại quan niệm của Thánh Phaolô và các Thánh Phụ. Theo đó, Giáo hội được coi như một tổ chức siêu nhiên, bao gồm tất cả những người đã chịu phép Rửa Tội, và liên kết trong Đức Kitô là đầu của thân thể mà tất cả mọi Kitô hữu, gồm cả giáo dân cũng như giáo sĩ, đều là chi thể.

 

Giáo dân chia sẻ, theo cách riêng của họ, những thiên chức Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế của Đức Kitô. Công tác của ba thiên chức này được tiếp tục trong Giáo Hội của Ngài, và các giáo dân cùng được chia sẻ qua ấn tín và đặc tính của phép Rửa và phép Thêm Sức. Như vậy, họ cùng được ủy thác để trở nên linh mục, tiên tri và vương đế. Giáo dân thi hành chức vụ linh mục của họ trong việc dâng cho Chúa những công việc, những lời cầu nguyện, những hứng cảm, và ưu tư, ngay cả trong sự nghỉ ngơi về thể xác cũng như tâm thần của họ (Lumen Gentium, số 34).                 

Thiên chức tiên tri của người giáo dân là hiệu quả tức khắc của phép Thêm Sức. Qua sự xức dầu và sự hiện diện của Chúa Thánh Linh, người giáo dân chính thức được ủy thác việc công khai tuyên xưng Đức Tin. Người giáo dân được kêu gọi làm chứng nhân qua lời nói và việc làm, minh chứng rằng Đức Kitô là Đường, là sự Thật, và là sự Sống.  

 

Thiên chức vương đế của người giáo dân không làm cho họ có năng quyền trên những người khác, nhưng năng quyền được tự do tham gia tất cả những cố gắng nhân bản, khoa học, nghệ thuật, xã hội, chính trị, kinh tế, để mọi tầng lớp xã hội được thấm nhuần trong tinh thần của Đức Kitô.

 

Tuy nhiên, một số người trong cộng đồng dân Chúa, qua ơn gọi đặc biệt, tự nhận bổn phận phải trở nên khó nghèo, thanh khiết và vâng lời. Vì vậy, họ từ bỏ những ước muốn riêng tư, từ bỏ chính họ, và tự giải phóng khỏi những ràng buộc thế trần để dâng mình cho Chúa cách trọn hảo hơn. Việc các nhà tu hành phải trở nên trọn lành không có nghĩa chỉ có những vị đó mới là Kitô hữu hoàn hảo, trong khi các giáo dân thì thấp kém hơn và không hoàn toàn là chi thể trong nhiệm thể Chúa Kitô.   

Thánh Gioan Kim Khẩu đã chống lại quan niệm sai lầm cho rằng chỉ có các tu sĩ khổ tu mới cần cố gắng tiến tới trọn lành, trong khi giáo dân chỉ cần tránh sa hỏa ngục mà thôi. Cả giáo dân lẫn người tu hành đều phải sống các nhân đức Kitô giáo cách thiết thực và hữu hiệu. Một cây chỉ sống thôi thì chưa đầy đủ, nhưng nó phải mang lại hoa trái nữa. Thánh nhân nói, "Chỉ rời bỏ Ai Cập thôi vẫn chưa đủ, nhưng người ta phải tiến về miền Đất Hữa nữa." (Bài giảng thứ XVI về thư gửi Ephesians). Cũng vậy, ngay cả việc thực hành cách trọn hảo nhân đức này, hay nhân đức khác, thí dụ như đức trinh khiết, cũng không đem lại ý nghĩa gì, nếu người thực hành nhân đức ấy đã thiếu sót những nhân đức căn bản và tổng quát hơn, như công bình và bác ái.

 

Dù sao, các linh mục, tu sĩ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong giáo hội, sự thánh hóa và lời cầu nguyện của họ có gía trị không thể thay thế được cho toàn thể giáo hội.          

Nói tóm lại, tất cả các Kitô hữu (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân), những người đã được thanh tẩy trong Đức Kitô, và "mặc lấy Chúa Kitô" như một căn tính mới, đều phải sống thánh thiện vì Ngài là sự thánh thiện. Họ phải sống một cuộc sống xứng đáng và những hành vi của họ phải minh chứng sự kết hợp của họ với Chúa. "Các con là ánh sáng thế gian." (Mt 5.14). Nếu sự thánh thiện không nằm trong tầm tay của của con người, qua bản tính tự nhiên, thì chính Chúa sẽ phải ban cho con người ánh sáng, sức mạnh và sự can đảm để hoàn thành sứ vụ Ngài đòi hỏi. Chắc chắn Ngài sẽ ban cho con người những ân sủng cần thiết. Nếu con người không nên thánh là vì chính con người đã không biết lợi dụng ơn thiêng của Ngài.

(Tài liệu tham khảo: Tương Quan Thần Học Giữa Giáo Dân và Giáo Sĩ, Tu Sĩ của LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng)

HỌC KINH THÁNH

BÀI 7 : PHÚC ÂM THEO THÁNH GIOAN (Ga)

 

1/ Thánh Gioan là ai?

Là em của Thánh Giacôbê tiền, con ông Giêbêđê, một trong những người đầu tiên được Chúa gọi làm Tông đồ (Mc 1, 19) ngài là "Tông đồ Chúa yêu" (Ga 19, 26) và là "người đã tựa đầu vào ngực Chúa" trong bữa tiệc ly như chính ngài đã ghi lại trong Phúc âm của ngài.

 

2/ Thánh Gioan viết Phúc âm cho ai, viết vào thời điểm nào và viết tại đâu?

Thánh Gioan viết Phúc âm không chỉ cho người Do Thái mà cho hết mọi người ở mọi nơi. Ngài viết vào khoảng năm 90 hay 100 theo truyền thống thì ngài qua đời tại Ephêsô nên có lẽ ngài cũng biên soạn Phúc âm của mình tại đó.

 

3/ Thánh Ga đã dùng những dấu hiệu đặc biệt nào để chứng minh quyền năng thiên tính của Chúa Giêsu?
Ngài đã đặc biệt nêu dẫn trong bảy phép lạ:
- Biến nước thành rượu trong tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12).
- Thanh tẩy đền thờ (Ga 2, 13-32).
- Chữa người bất toại thành Bếtsaiđa (Ga 5, 2-18).
- Chữa người mù từ thuở mới sinh (Ga 9, 1-12).
- Hóa bánh nuôi dân chúng (Ga 6,1-15).
- Phục sinh Lazarô từ mồ (Ga 11, 1-44)
- Mẻ cá lạ ( Ga 21, 1-8).

 

4/ Tại sao Thánh Gioan được tặng biểu tượng chim phượng hoàng?
Vì những suy tư và lối viết bay bổng của ngài vượt trên các Thánh sử khác.

 

5/ Lễ của ngài được mừng kính vào ngày nào?

Ngày 27.12 dưới tước hiệu Thánh Gioan Tông đồ Thánh sử.

 

Lời Chúa: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã thí ban Con Một, để ai tin vào Con của Người khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3, 16).

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Tình yêu, xin cho chúng con biết yêu thương nhau để diễn tả tình yêu Chúa cho mọi người. Amen.

SỐNG ĐẠO

SỐNG HIỆP LỄ

Hễ có thờ thì phải có cúng, mà thờ cúng phải thường xuyên. Vì không có giây phút nào nói được là mình khỏi thờ. Mà thờ thường xuyên, thì cúng phải thường xuyên. Cúng nhang, cúng đèn đã đành, mà hoa quả cũng phải thế, phải liệu sao cho có thường xuyên trên bàn thờ, giường thờ. Trên pháp lý, Thánh lễ cũng phải thường xuyên. Làm sao thể hiện được?

 

Lời chúc của chủ tế: Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bằng an, chúng ta không có quyền hiểu lễ đã xong rồi, chấm dứt rồi, anh chị em đi đi, yên tâm về lại cuộc sống hàng ngày, không còn lo âu gì nữa !!! Hiểu như thế thật là đoản mạng. Phải hiểu (ite=) hãy tiến lên vào giữa cuộc đời, hô to lên: đời sống phải tôn thờ, dâng lên cho Thiên Chúa; còn chính mình phải  thể hiện thường xuyên nơi thâm tâm việc tôn thờ, dâng lễ.

 

Đó là sống hiệp lễ! Đó là đưa Thánh lễ vào đời sống, biến cuộc sống chúng ta thành của lễ thượng tiến Thiên Chúa thường xuyên.

 

Khi dâng lễ, chúng ta cùng với Chúa đồng dâng lễ. Chúa lại ban Mình Máu Chúa làm của ăn để chúng ta nên một với Chúa.

 

Công trình của Chúa có giá trị vô cùng và vĩnh cửu, mặc dầu chỉ thể hiện một lần. Phần chúng ta, mặc dầu trong Thánh lể được kết hợp nên một với Chúa, nhưng vì là vật thọ tạo hạn hẹp, sống trong thời gian, không hưởng được tánh cách vô cùng và vĩnh cửu của Chúa, nên phải sống hiệp lễ.

 

Sống hiệp lễ thường xuyên nghĩa là giữ tâm trạng mình luôn nhớ mình hoàn toàn lệ thuộc Chúa, nghĩa là hiến tất cả những ý chỉ, những công việc và thời giờ... dành cho Chúa. Mình không còn thuộc về mình. Mình sống cho Chúa, vì Chúa, sống luôn theo ý Chúa. Sống như thế nói được là Sống Hiệp Lễ.

 

Cả cuộc đời thường nhớ Chúa và dâng cả cuộc sống cho Chúa, đó là Sống Hiệp Lễ.

 

Thực tế, đó là đỉnh trọn lành, kể là rất khó thực hiện, nhưng với ơn Chúa, Chúa có thể ban cho con người có khả năng thực hiện

MỤC ĐÍCH TỐI CHUNG

 

Trên đường đời, lúc chúng ta đã trưởng thành rồi, có bao giờ chúng ta đặt vấn đề do đâu mà tôi có, tôi sống và tôi sống để làm gì?

 

Tôi không là vật tự  hữu, tự mình có, tự mình sống. Dĩ nhiên do cha mẹ, nhưng cha mẹ tôi không tự hữu. Ngay cả ông cố cùng chót vót của tôi nghĩa là con người đầu tiên, nguyên tổ loài người cũng không tự hữu. Cho nên có thể lý luận: phải có Đấng Cao Cả Tự Hữu tạo dựng con người.

 

Nho giáo quả quyết Trời sanh, Trời dưỡng, sống thác nhờ Trời. Nói theo lối bình dân: có ông Trời sinh!

 

Chúng ta cũng có thể hỏi: con người sinh sống để làm gì? Để hưởng phước lạc. Nhưng phước lạc ở đời là gì? Có người cho là: tửu, sắc, tài, khí là phước lạc. Không hẳn là phước lạc, vì uống nhiều thì say ngã; giao hợp quá đà có thể sinh bịnh hoạn; tiển nhiều biến chủ nhơn thành nô lệ; danh giá là do người khác làm sao có thể nào tự phục được. Vả lại, cái vui khoái thường ngắn ngủi, không trường cửu ở đời.

 

Tạo dựng con người để hưởng những lạc thú hư ảo như thế, thì không đáng tạo dựng!

Đạo chúng ta nhờ Chúa mạc khải nên biết được Chúa tạo dựng con người để ta được rỗi và làm sáng danh Chúa.

 

Chúa quyền năng vô cùng muốn tỏ quyền năng nên đã tạo dựng muôn loài, muôn màu, muôn mặt, nhưng chỉ là vật vô tri. Do đó, Chúa tạo dưng con người có linh hồn, có hiểu biết, có thương yêu để thay thế vật vô tri nhận  biết (vì hữu tri) Chúa cao cả vô cùng, để tôn kính, phượng thờ Chúa, đó là làm sáng danh Chúa. Con người lại có được tình yêu để đáp lại tình yêu của Chúa. Tình yêu gặp được tình yêu, đó là cữu rỗi, đóù là hạnh phúc.

 

Chúa dựng nên con người để thay thế tạo vật làm sáng danh Chúa và yêu mến để đáp lại tình yêu Chúa. Đó là mục đích tối chung Chúa chỉ định cho con người.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

CHA SỞ (tt)
(đ. 519-544)

 

5. Nhiệm Vụ Của Cha Sở (đ.528-530)

  1. Nhiệm Vụ Giảng Dạy (x. NSMV GPVL tháng 6). 
  2. Nhiệm Vụ Thánh Hoá (đ.528§2).

Chúng ta có thể nói cách mạnh mẽ rằng nhiệm vụ giảng dạy Lời Chúa và nhiệm vụ thánh hoá là hai nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của chức vụ linh mục, cũng vì thế mà cần sự hiện diện của linh mục ở giữa cộng đoàn dân Chúa. Điều nầy đã được thánh Tông đồ nhắc nhở cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi:

Không phải là điều đẹp lòng Chúa nếu chúng tôi bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa mà lo giúp việc bàn ăn. Vậy anh em hãy xét mà chọn lấy giữa anh em bảy người có tiếng tốt, đầy Thánh Thần và khôn ngoan để chúng tôi cắt đặt vào chức vụ ấy. Còn chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa (Cv. 6,2-4).

Dĩ nhiên, các linh mục khi lãnh nhận chức thánh thì đã tuyên thệ và thề hứa trước Đức Giám mục Giáo phận sẽ dấn thân vào hai chức vụ nầy với cả nhiệt quyết của mình dưới sự thúc đẩy của đức ái mục tử. Tuy nhiên, trong việc tổ chức cộng đoàn, Giáo hội không thể để những công việc quan trọng nầy tuỳ theo nhiệt quyết, nhưng cần phải quy định một số bổn phận tối thiểu cho các linh mục được cắt cử chăm sóc các linh hồn. Vì vậy, điều 528§2 liệt kê một số những bổn phận tổng quát:

Cha sở phải lo liệu sao để Thánh Thể trở thành trung tâm của việc tập họp các tín hữu trong họ đạo; ngài phải cố gắng lo cho các Kitô hữu được nuôi dưỡng nhờ việc sốt sắng cử hành các bí tích, và nhất là thường xuyên đến gần bí tích Thánh Thể và bí tích sám hối; ngài cũng phải cố gắng hướng dẫn cho họ biết cầu nguyện ngay trong gia đình và biết ý thức tích cực tham gia vào việc phụng vụ thánh, mà ngài, là cha sở, phải điều hành trong họ đạo của ngài, dưới quyền Giám mục Giáo phận, và ngài phải canh chừng đừng để xảy ra một sự lạm dụng nào.

Trong khoảng luật nầy, Giáo hội nêu ra bốn ưu tư lớn cho các cha sở, đó là:

1/. Làm sao để bí tích Thánh Thể trở thành trung tâm của cộng đoàn họ đao. Lưu ý rằng Giáo hội nói "bí tích Thánh Thể", chứ không nói "Thánh lễ"; Thánh Thể được hiểu nghĩa rộng hơn: Thánh thể được cử hành trong thánh lễ, bao gồm cả thánh lễ; cả những việc sùng kính khác: viếng Mình Thánh Chúa, rước lễ kể cả khi không có thánh lễ, kiệu MTC...Nhưng trên hết, Giáo hội muốn đặt "Thánh Thể trở thành trung tâm của cộng đoàn họ đạo", nhằm mời gọi cha sở làm thế nào để tinh thần của bí tích Thánh Thể thấm nhuần tất cả đời sống của mọi phần tử trong cộng đoàn họ đạo, nghĩa là tinh thần của thương yêu, hiệp nhất, ngợi khen, tạ ơn, dâng hiến...

2/. Cổ võ cho các tín hữu lãnh nhận các bí tích, cũng như tham gia sống động vào các cử hành phụng vụ: - Việc siêng năng lãnh nhận các bí tích phải được hiểu là lãnh nhận cách thường xuyên trong đời sống đức tin của mỗi tín hữu tuỳ vào mỗi bí tích. Điều nầy thần học về các bí tích đã giúp chúng ta rồi, Giáo luật chỉ nói đến mức tối thiểu mà mỗi người tín hữu dù đời sống đạo "nguội lạnh" cũng phải giữ: tham dự Thánh lễ mỗi ngày chúa nhật (x.đ.1247), xưng tội và rước lễ ít là mỗi năm một lần (x.đ.989;920). - Việc "tham gia sống động", Giáo hội không chỉ mời gọi mỗi thành phần dân Chúa tham gia tích cực vào nghi lễ phụng vụ tuỳ theo chức vụ của mình, mà còn đòi hỏi cha sở phải giáo huấn cho giáo dân của mình hiểu biết ý nghĩa của các nghi lễ thánh.

3/. Thúc đẩy đời sống cầu nguyện, kể cả việc cầu nguyện trong gia đình: Cầu nguyện như là hơi thở của người tín hữu. Thật vậy, Chúa Giêusu đã nhiều lần cầu nguyện trong suốt đời sống công khai của Người tại thế, và Ngài cũng dạy chúng ta làm như vây. Việc cầu nguyện nầy không chỉ ở nhà thờ hay những nơi thờ tự mà còn ngay cả trong đời sống gia đình, nghĩa là đời sống đức tin và gắn bó với Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của người tín hữu. Việc cầu nguyện trong gia đình cũng nên lưu ý rằng: ngày nay, việc đọc kinh sáng tối trong các gia đình công giáo dần dần mất đi vì nhiều lý do của hoàn cảnh xã hội thay đổi, nhưng một lý do không thể không nói tới là sự thiếu quan tâm nhắc nhở của các mục tử.

4/. Điều hành kỷ luật trong phụng vụ và tránh những lạm dụng: điều hành phụng vụ đòi cha sở phải huấn luyện những người tham gia vào các nghi lễ thánh, và giảng dạy rõ ràng cho giáo dân hiểu ý nghĩa phụng vụ. Đa phần những lạm dụng, những việc làm sai thường không phải do gian ý mà do thiếu hiểu biết nhiều hơn. Những lạm dụng được xem là lớn chẳng hạn như phần kinh nguyện thánh thể của thánh lễ là phần "luật chử đỏ", nghĩa là bất di bất dịch (canon missae), mà một số nơi vẫn bị lạm dụng bằng cách thêm, bớt, sửa đổi...; những lạm dụng nhỏ hơn mà ta thường thấy trong việc trang trí nhà thờ: trình bài ảnh tượng, trang trí hoa, đèn nơi những bàn thờ phụ lấn át bàn thờ chính; những nhạc cụ và những bài thánh ca sử dụng trong nhà thờ...

Bên cạnh bốn ưu tư lớn của Giáo hội đối với các cha sở, thì điều 530 cũng liệt kê bảy bổn phận khác của các cha sở trong nhiệm vụ thánh hoá dân Chúa đã được trao phó cho mình.

Những nhiệm vụ đã được uỷ thác đặc biệt cho cha sở là:

1. ban bí tích Rửa tội;

2. ban bí tích Thêm sức cho những người nguy tử, chiếu theo quy tắc của điều 883,3;

3. ban Của Ăn Đàng và bí tích Xứ Dầu Bệnh Nhân, miễn là vẫn giữ quy tắc của điều 1003,2,3, và cũng như ban phép lành Toà thánh cho các bệnh nhân;

4. chứng giám hôn phối và phép cưới;

5. cử hành lễ nghi an táng;

6. làm phép giếng rửa tội trong mùa phục sinh, chủ sự các cuộc rước kiệu ngoài nhà thờ, cũng như ban phép lành trọng thể ngoài nhà thờ;

7. cử hành Thánh lễ cách trọng thể hơn trong các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc.

Bảy nhiệm vụ mà điều 530 vừa nêu trên, trước đây được xem như là quyền dành riêng (reservate) cho cha sở; còn bộ luật hiện hành thì sửa lại và gọi là "được uỷ thác đặc biệt" (specialiter commissae). Xét vì quyền lợi của người tín hữu (x.đ.213) và đức ái mục tử của mọi linh mục (ngoại trừ bí tích hôn phối x.đ.1108-1111), thì tất cả các linh mục đều có nghĩa vụ thực thi thừa tác vụ Lời Chúa và các bí tích cho những người chạy đến với mình; tuy nhiên xét về nguyên tắc tổ chức thì người giáo dân có quyền đòi hỏi nơi cha sở của họ trước khi chạy đến các linh mục khác. Nói cách khác, cha sở là người có trách nhiệm đầu tiên, vì ngài là cha sở riêng của họ.

Việc "cử hành trọng thể hơn trong các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc": Thật ra, chúng ta không biết phải giải thích làm sao về việc "cử hành trọng thể", phải chăng trong những ngày lễ nầy sẽ đốt thêm đèn, tăng thêm số người giúp lễ, thêm đàn hát...? Dù hiểu cách nào cũng được, miễn là những thánh lễ đó cha sở phải dâng đầy đủ cho giáo dân mà không được nhận bổng lễ. Điều 534 quy định cách rõ ràng:

§1. Sau khi nhậm chức ở họ đạo, cha sở có nghĩa vụ phải dâng ý lễ cầu cho đoàn dân được trao phó cho ngài vào mỗi ngày Chúa Nhật và lễ buộc trong Giáo phận; nếu mắc ngăn trở chính đáng không dâng ý lễ như vậy được, ngài phải nhờ một linh mục khác dâng ý lễ thay trong chính các ngày đó, hoặc chính ngài phải dâng ý lễ bù lại vào các ngày khác.

§2. Cha sở nào coi sóc nhiều họ đạo, thì chỉ buộc dâng một ý lễ, vào những ngày được nói đến §1, để cầu cho tất cả đoàn dân đã được trao phó cho ngài

§3.  Cha sở nào đã không chu toàn nghĩa vụ được nói đến ở các §1,2, nếu đã bỏ bao nhiêu ý lễ, thì ngài phải sớm hết sức dâng đủ bấy nhiêu ý lễ để cầu cho đoàn dân (đ.534). 

 

Như vậy cha sở phải dâng ý lễ cầu cho giáo dân của mình trong mỗi Chúa Nhật và 11 lễ họ (Lễ Giáng Sinh, Lễ Hiển Linh, Lễ Thánh Giuse, Lễ Phục Sinh, Lễ Chúa lên trời, Lễ Hiện Xuống, Lễ Mình Máu Thánh Chúa, Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Lễ Các Thánh Nam Nữ, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm) mà không được nhân bổng lễ.

Nguồn: Bộ Giáo luật 1983; Cha Nguyễn Ngọc Thử, Chú giải mục vụ và pháp lý; Phan T. Thành, Giải thích Giáo luật; John P. Beal et al., New Commentary on the Code of Canon Law).

 

TRANG LINH MỤC

Linh Mục Cũng Là Con Người

 

Linh mục cũng là con người", người ta thường nhắc lại điều hiển nhiên này khi muốn thông cảm hay biện minh cho những yếu đuối, lỗi lầm của linh mục. Nhưng tôi muốn nói tới điều hiển nhiên này ở đây như một đòi hỏi đối với người linh mục và như một thứ nguyên tắc cư xử thường ngày của linh mục.

Linh Mục Không Phải Bậc Siêu Phàm

 

Trước hết, nói "linh mục cũng là con người" có nghĩa rõ ràng linh mục không phải là bậc siêu phàm. Dĩ nhiên nhìn theo quan điểm đức tin, thiên chức linh mục thật vô cùng cao cả vì linh mục được hành động nhân danh Đức Kitô là vị Thủ Lãnh của Hội Thánh để tiếp tục công trình cứu độ của Người (x. Sắc lệnh về linh mục, số 2), nhưng thiên chức ấy là một trọng trách và một ân huệ được trao ban cho một con người trước sau vẫn chỉ là người, và không thay đổi gì nơi con người tự nhiên của họ, không bứt họ ra khỏi thân phận phàm nhân. Ý thức về chức vụ mình, người linh mục phải tự nhiên cảm thấy mình bất xứng và sợ hãi. Tất nhiên, chức vụ cao cả đòi hỏi nơi người linh mục một đời sống thiêng liêng và luân lý rất cao, nhưng đó là chuyện khác.

 

Bằng những lời lẽ thật hùng hồn, thánh Gioan Kim Khẩu đã phác vẽ chân dung người linh mục như sau:

"Hỡi linh mục, ngài là ai?

Ngài không phải bởi ngài, vì ngài bởi hư vô,

Ngài không phải cho ngài, vì ngài là trung gian dẫn tới Thiên Chúa,

Ngài không thuộc về ngài, vì ngài phải sống cho một mình Thiên Chúa,

Ngài không phải là của ngài, vì ngài là tôi tớ của mọi người,

Ngài không phải là ngài, vì ngài là một Kitô khác.

Thế thì ngài là gì vậy? Chẳng là gì cả nhưng lại là tất cả!"

 

Nhà hùng biện và cũng là nhà thần học Gioan Kim Khẩu diễn tả sự cao cả của linh mục thật tài tình nhưng không mảy may dành cho linh mục một chỗ nào để tự mãn, tự kiêu. Nhìn từ bản thân ông, ông chẳng là gì cả ("hư vô"), nhưng nhìn từ sứ mạng và ân huệ của Thiên Chúa ban cho, thì ông lại là " tất cả"!

 

Công Đồng Vatican II nhắc nhở các linh mục: "Công việc của Thiên Chúa mà Chúa Thánh Thần tuyển chọn các linh mục để hoàn thành, vượt quá mọi năng lực và tầm mức khôn ngoan nhân loại, vì Thiên Chúa đã lựa chọn những gì yếu hèn trong thế gian để bêu xấu những gì mạnh mẽ (1 Cr 1,27). Vậy ý thức những sự hèn yếu của mình, thừa tác viên chân chính của Chúa Kitô phải khiêm hạ làm việc..." (Sl về linh mục, số 15). Khiêm nhường là một nhân đức rất được Công Đồng nhấn mạnh khi nói về chức vụ và đời sống linh mục.

 

Gần Gũi Với Mọi Người.

 

Linh mục cũng là con người, điều đó cũng bao hàm rằng ông không ở bên trên hay bên ngoài đồng loại, trái lại phải sống gần gũi với mọi người. Nhắc lại tư tưởng của thánh Phaolô, Sắc lệnh về Linh Mục viết: "Các linh mục Tân Ước được tuyển chọn ngay giữa Dân Chúa, nhưng không phải để tách biệt khỏi họ hoặc bất cứ một người nào mà để tận hiến làm công việc Chúa giao phó. Các ngài không thể là thừa tác viên của Chúa Kitô nếu không là chứng nhân và là người ban phát một đời sống khác đời sống thế tục; tuy nhiên các ngài không thể phục vụ nhân loại nếu lại sống xa cuộc sống và những hoàn cảnh của nhân loại" (số 3). Ngày xưa, người ta quen nhấn mạnh tới sự tách biệt với thế nhân và thế sự. Ngay từ thời còn ở tiểu chủng viện, người tu sinh đã phải tỏ ra "khác" với bạn bè cùng trang lứa "ở đời" trong cách ăn mặc, đi đứng, nói năng; trong nhà thờ, anh ta có chỗ ngồi dành riêng; gia đình không còn để anh ta làm những công việc chân bùn, tay lấm như thể điều đó không xứng đáng với bậc "nhà thầy"; nhiều nơi không cho chủng sinh về nhà ăn tết vì cho rằng chủng sinh nên xa lánh những chỗ vui chơi, hội hè, đình đám... 

 

Trong đường hướng chung của Công Đồng Vatican II muốn đưa Giáo Hội xích lại với thế giới, não trạng xa cách trên đã dần dần thay đổi với chủ trương gọi là hội nhập hay vào đời. Mặc dù đã có những lạm dụng tất nhiên khó tránh, nhưng chủ trương trên là đúng và đã mang lại những kết quả tốt đẹp. Ngày nay chắc không còn ai lấy làm chướng khi thấy một linh mục cuốc đất, cày ruộng, gặt lúa, hay đá banh, hò hát với đám thanh thiếu niên v.v. Dĩ nhiên một sự "xa cách" nào đó vẫn là cần thiết vì hòa mình không có nghĩa là đồng hóa mình với mọi người. Nguyên về phương diện tâm lý xã hội mà thôi, điều đó đã là bình thường, chẳng hạn một thầy giáo không thể "xả láng" với đám học sinh trẻ của mình; một người lớn tuổi tự nhiên có tác phong và cách ăn nói khác với người trẻ... Sự xa cách hay gần gũi không cốt ở những cái bề ngoài, nhưng tùy thuộc chủ yếu vào một thái độ bên trong: cởi mở, cảm thông, sẵn sàng chia sẻ. Như Đức Giêsu Mục Tử, linh mục phải có cõi lòng tràn đầy thương xót và có khả năng hiệp thông với mọi người, hiểu biết các vấn đề, các khát vọng của con người hầu có thể mang tới cho họ ánh sáng và sự sống của Chúa.

 

Trau Dồi Các Đức Tính Nhân Bản.

 

Là người như mọi người, linh mục cũng phải cố gắng trau dồi nhân cách mình, tập luyện những đức tính nhân bản mà một người nắm chức vụ như ông không thể thiếu. Ở đây, cũng lại Công Đồng Vatican II cảm thấy cần có một hướng dẫn. Trong Sắc Lệnh về Đào Tạo Linh Mục (Optatam Totius), Công Đồng dạy: việc giáo dục trong chủng viện phải nhằm huấn luyện cho các chủng sinh đạt tới một mức trưởng thành nhân bản khả đáng, được biểu lộ qua tính cương trực, khả năng quyết định chín chắn, óc phê phán, làm chủ mình, quả cảm và "nói chung phải biết quí chuộng những đức tính mà người đời thường quí chuộng... như thành thực, công bằng, trung tín, lịch thiệp, khiêm tốn và bác ái trong ngôn từ".(số 11). Những điều trên được lặp lại một phần và bổ túc thêm trong Sắc lệnh về Linh Mục (Presbyterorum Ordinis), số 3: từ tâm, thành thực, dũng cảm, kiên nhẫn, công bằng, lịch thiệp, "và những đức tính khác mà thánh Phaolô khuyên nhủ", như chân thật, trong sạch, danh thơm tiếng tốt, đức hạnh.

 

Việc Công Đồng nhắc đi nhắc lại như thế chắc chắn là có lý do. Không phải là ngày xưa việc đào tạo linh mục không đếm xỉa gì tới khía cạnh nhân bản, nhưng chắc chắn là người ta chú trọng nhiều hơn đến các nhân đức Kitô giáo. Theo một quan niệm phổ biến thời trước, người ta đề cao siêu nhiên và coi nhẹ tự nhiên, thậm chí có khi còn đối chọi siêu nhiên và tự nhiên, đạo và đời, chuyện "thiêng liêng" và chuyện trần thế. Đạo đức, sốt sắng là đủ cả rồi! Ngày nay, Giáo Hội nhấn mạnh tới sự hòa hợp và chủ trương một đời sống đạo nhập thể theo mẫu mực của Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, đã đảm nhận trần thế để cứu chuộc nó từ bên trong. Vì thế, chúng ta không còn ngạc niên khi nghe những lời nhắc nhủ linh mục như sau: "Nhờ đời sống thân hữu và huynh đệ giữa các linh mục với nhau và với những người khác, các ngài có thể biết cách thẩm định và vun trồng những giá trị nhân bản và quí mến các tạo vật tốt lành như những ân phúc của Thiên Chúa" (Sl về linh mục, số 17).

 

Từ những điều trên đây, người linh mục chúng ta có thể kiểm điểm lại bản thân về một số điểm. Tôi lấy một thí dụ: cách thức chúng ta cư xử với giáo dân. Trong văn hóa Việt Nam ta, kính trên nhường dưới là một đòi buộc. Nhưng đôi khi vì linh mục chúng ta đương nhiên được quí trọng trong xã hội, nên ta dễ dàng "coi thường" người già cả, cao niên đáng bậc cha ông chúng ta, coi họ "chỉ là" cấp dưới, là giáo dân, là con chiên.

 

Tất cả những suy nghĩ trong bài này nhắm trước tiên tới giới linh mục chúng tôi, nhưng thiết tưởng người giáo dân không những cũng nên biết mà hơn nữa nên giúp chúng tôi thực hiện cho đúng ý của Hội Thánh, bằng những cách cư xử thích hợp. Chẳng hạn, tuy phải kính trọng, nhưng không nên khép nép, sợ sệt hay quá "suy tôn" các linh mục. Người ta quen nói: linh mục thế nào thi con chiên thế ấy, nhưng cũng có thể nói ngược lại con chiên thế nào thì linh mục thế ấy.

 

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô 

TRANG TU SĨ

 

TRUYỀN THÔNG - HIỆP THÔNG

Linh mục, tu sĩ và cả giáo dân Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ của truyền thông.  Gắn liền với sự bùng nổ này là những phương tiện truyền thông mới, ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và tâm lý mới.  Vậy tu sĩ làm thế nào để ứng dụng truyền thông vào việc sống hiệp thông và tham gia cho tốt đẹp.

Truyền thông nếu sử dụng cho đúng, là phương tiện vàng để sống hiệp thông, để tham gia truyền giáo. Đúng! Một cú điện thoại, một tin nhắn, một bức email... gởi đi sứ điệp yêu thương, sự quan tâm, lời cầu nguyện, dặn dò, dạy dỗ, nhắn nhủ... lợi hại lắm chứ!  Đoạn thời sự, phóng sự, phim tài liệu, chương trình "Chắp Cánh Ước Mơ", "Vượt Lên Chính Mình"... giúp con người mở mang kiến thức, mở rộng vòng tay và trái tim cũng rộng mở theo.

Nói đi thì cũng phải nghĩ lại để nói lại, thời Giáo Hội sơ khai tại Giêrusalem "chẳng biết gì về điện" lại được nhận định: "kìa xem họ thương mến nhau biết bao" hay biệt hiệu "Đạo yêu thương" được gán cho cộng đoàn tín hữu đầu tiên trên đất Thăng Long. Chúa Giêsu không dùng một phương tiện truyền thông nào như thời nay để hiệp thông với Chúa Cha nhưng việc gì Chúa làm Chúa Cha đều ưng ý.

Chúng ta hiệp thông với Chúa, với nhau không nhất thiết phải sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại. Chúa Giêsu hiệp thông với Cha bằng tình yêu, chúng ta hiệp thông với Chúa cũng hãy bằng tình yêu, cầu nguyện. Chúng ta không lệ thuộc nút enter, chúng ta chạy đôn chạy đáo để hiệp thông với nhau không uổng công bởi đó là hoa quả của sự hy sinh, tình yêu, sự quan tâm, lòng trắc ẩn.

Chúng ta tham gia hoạt động truyền giáo suốt ngày suốt đời thì cũng là bỏ đi nếu ta không có phương tiện truyền thông tốt đẹp là sự cầu nguyện, thông hiệp với Chúa. Thật thế nên Nhà Dòng là "vừa chiêm niệm, vừa hoạt động", hoạt động rồi thì cũng mỏi mệt. Ta đừng quá phí sức lo những cái bề ngoài cắm đầu vào công việc mà mất cả linh hồn, chẳng được gì cả. Sống với Chúa, hiệp thông với Chúa là phương tiện và cũng là nguồn nguyên liệu bổ sung mỗi ngày giúp ta tham gia truyền giáo hữu hiệu.

Quả thật, chúng ta chọn Chúa không phải chọn công việc của Chúa. "Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm". Chúa đã cần đòi Thánh Phêrô tuyên xưng tình yêu Chúa rồi mới giao cho Ngài một sứ mạng.

Vậy tham gia sứ mạng là điều thứ yếu, truyền thông chỉ là phương tiện đòi ta phải khôn ngoan trong việc sử dụng, còn chính yếu là "Con có yêu mến Thầy không?"

 

MTG CÁI NHUM

TƯƠNG QUAN NGƯỜI - VIỆC TRONG MỤC VỤ

Sau khi khấn trọn đời và cũng là lần đầu tiên, tôi nhận được "bài sai" đến phục vụ một họ đạo miền quê, với Chị Trưởng đã ngoài 70 tuổi.  Họ đạo ấy có Cha Sở đã lớn tuổi với khoảng 600 giáo dân.  Vì nhu cầu mục vụ, nên Cha Sở phải "kiêm" thêm hai họ đạo nhỏ ở gần đó.  Là "dì nhỏ" nên hàng tuần tôi phải tranh thủ "chạy sô" mục vụ ở các họ lẻ này.  Mới nghe đọc bài sai là tôi đã thấy "ớn da gà" rồi!  Vì theo lời kể của những Chị đi trước, đó là một nơi với những công việc và thành phần giáo dân khá phức tạp; non trẻ trong kinh nghiệm mục vụ như tôi thì khó mà "nuốt trôi" lắm!  Rồi nào là Cha Sở nghiêm khắc nữa...  Tôi vừa sợ vừa lo nhưng cũng cúi đầu vâng lời.  Lần đầu tiên đi giúp, không biết mình có kham nổi hay không...  Thôi thì mọi sự xin phú dâng cho Chúa, tuỳ Người lo liệu; đồng thời cầu nguyện và chuẩn bị tinh thần, chờ ngày lên đường.

 

Tôi đến họ đạo vào đầu những ngày của niên học mới, các em thiếu nhi trong họ đang chuẩn bị đến trường; các bậc phụ huynh thì càng tất bật hơn với công việc đồng áng, rồi những lo toan cho con cái về học phí và những nhu cầu thiết yếu cho học đường, ít có ai quan tâm tới việc của nhà thờ.  Dù đã được đào tạo và đã có chuẩn bị, nhưng tôi thật sự chưa kinh nghiệm với công việc mục vụ.  Đã vậy, ngày đầu tiên khi vừa đặt chân đến họ đạo, với nét mặt nghiêm nghị, Cha Sở đã kể cho tôi nghe một lô việc bổn phận của "dì em": tập hát, dạy giáo lý và sinh hoạt các lớp nhỏ, những việc phục vụ bàn thờ (cắm hoa, dọn và giặt giũ đồ lễ, dạy giúp lễ...), tập dâng hoa cho tháng Môi Khôi sắp tới...; và cũng như thế đối với hai họ đạo kia nữa.  Ngoài ra, tôi cũng cùng với Chị Trưởng đi thăm viếng người bệnh và an ủi họ.  Tôi rất lo lắng về khả năng kém cỏi của mình trong việc cắm hoa và sinh hoạt nhưng cứ vui vẻ nhận lời. 

 

Bước đầu mọi sự đều khó khăn, từ việc quy tụ các em thiếu nhi cho đến sinh hoạt, cắm hoa... Có khi lóng ngóng cả buổi mới cắm được một bình hoa trên bàn thờ mà nhìn cũng chưa vừa ý chút nào.  Trong lớp giáo lý, thành phần cá biệt luôn làm khổ tôi với nhiều trò nghịch ngợm mà các em nghĩ ra, không chịu nổi, có khi tôi phải khóc vì không có cách nào trị được chúng.  Rồi nhiều lúc phải đi năn nỉ các em dự lễ và hát lễ; nhiều hôm không có em nào đến nên dì vừa đàn vừa hát một mình... 

 

Cám ơn Chúa, tôi có được một người Chị Trưởng đạo đức, giàu kinh nghiệm và rất thương em.  Chị hiểu được và thông cảm cho tôi, Chị luôn ủi an, khuyến khích và nâng đỡ tinh thần tôi.

 

Chính vì thế, những khó khăn không làm tôi nản lòng nhưng cố gắng kiên trì và nhất là không quên cầu nguyện.  Thiện chí của tôi đã được Chúa nhìn thấy và thấu cảm... Trước đó, Cha Sở dù mang tiếng khó tính vì muốn mọi việc phải luôn đạt được hiệu quả cao, nên ngài hay có thái độ, đôi khi "trách" mỗi khi có sự sai sót của tôi. Những lúc như vậy, tôi rất buồn  nhưng không dám tỏ ra bề ngoài.  Dần dần, Cha cũng thấy được sự kiên nhẫn và những nỗ lực của tôi.  Sau vài tháng, Cha đã thay đổi thái độ đối với tôi.  Cha thật tình góp ý cho những công việc của tôi, sửa sai khi tôi không đúng... Phần tôi cũng nhận ra rằng, tuy Cha nghiêm khắc nhưng rất tốt bụng.  Tôi cũng khám phá ra Cha là một Chủ chăn nhiệt thành (nên hơi nóng tính) và biết quan tâm đến đoàn chiên. 

 

Mọi khó khăn tạm qua đi, sự hy sinh âm thầm và tính nhẫn nại bước đầu đã đơm hoa kết trái.  Một phần vì có sự quan tâm và thông cảm của Cha, một phần vì tôi đã trải qua thời gian tại họ đạo, "quen người, quen việc"; giáo dân và thiếu nhi bắt đầu gần gũi, cộng tác với các Dì, nhiều người siêng năng tham dự Thánh lễ hơn và hăng say tham gia những sinh hoạt chung của họ đạo.  Tình đoàn kết và tương trợ của mọi thành phần trong họ đạo đã bắt đầu nảy sinh và tiến triển. 

 

Tôi vui mừng tạ ơn Chúa. Từ nay tôi có thể tự tin hơn trong công tác mục vụ, không phải là sẽ không còn khó khăn trong bước đường sắp tới, càng không phải vì khả năng của tôi; nhưng là nhờ vào sự trợ giúp của Chúa, tình thương và sức mạnh tinh thần của những người con cái Chúa nơi tôi đang phục vụ.

 

MTG CÁI MƠN

TRANG SỐNG ƠN GỌI

Xin Cho Con Biết Đứng Lên

Lạy Chúa,
Chúa cần một người cha cho dân của mình.
Chúa chọn một cụ già
và Abraham đứng lên!

Chúa cần một người phát ngôn.
Chúa chọn một anh chàng vừa nhút nhát vừa có tật nói ngọng
và Môse đứng lên!

 

Chúa cần một thủ lãnh để hướng dẫn dân mình.
Chúa chọn một thanh niên nhỏ nhất, yếu nhất nhà
và Đa Vít đứng lên!

 

Chúa cần một tảng đá làm nền cho ngôi nhà Giáo Hội.
Chúa chọn một anh chối Chúa
và Phêrô đứng lên!

 

Chúa chọn một giương mặt để diễn tả tình yêu cho nhân loại.
Chúa chọn một cô gái bị quỷ ám
và Maria Madalêna đứng lên!

 

Chúa cần một chứng nhân để hô lên sứ điệp của Người.
Chúa chọn một kẻ chuyên bắt đạo
và Phaolô đứng lên!

 

Chúa cần một ai đó để quy tụ dân và đi đến những người khác.
Chúa chọn con!
Con run sợ. Nhưng con đã đứng lên!

 

Xin cho con can đảm đứng lên để đáp trả lời Chúa gọi.
Xin cho con can đảm đứng vững thực hiện sứ mạng Chúa  trao.
Amen

 

Trích trong Kinh Dâng Mình do Giáo sĩ và Tu sĩ Việt Nam tại Canada thực hiện

TRANG THIẾU NHI

Còn Đó Khoảng Cách Vô Hình

Tương quan trong đời sống giữa người với người là chuyện xưa như trái đất. Thế nhưng tại sao ngày nay người ta đặc biệt quan tâm xây dựng mối tương quan này hơn bao giờ hết.

 

Chắc hẳn đã có quá nhiều rạng nứt, chia rẽ trong đời sống nơi gia đình và xã hội. Nơi nào có bất đồng chia rẽ thì nơi đó vắng bóng tình yêu và sự cộng tác. Khoảng cách vô hình mỗi ngày thêm nới rộng vì con người không thích sống và làm việc với nhau. Có nhiều lý do dẫn đến sự bất đồng nơi cộng đồng.

Lâu nay, một số nhà quản lý nước ngoài thường phàn nàn về "tinh thần hợp tác" của các nhân viên Việt Nam. Để giúp các nhà quản lý trẻ có cái nhìn sâu rộng hơn, có người đưa ra lý giải tại sao tinh thần hợp tác của nhân viên Việt Nam chưa cao? Thiết nghĩ những lý do đó cũng cần thiết để xây dựng tinh thần hợp tác trong sinh hoạt tôn giáo giữa giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân.

 

Thứ nhất, người Việt Nam thường đưa môi trường làm việc, bạn đồng nghiệp vào trong cuộc sống riêng tư quá nhiều. Ở các nước phương Tây hay các nước phát triển trong khu vực, họ tách bạch rất rõ giữa đồng nghiệp và bạn bè. Điều này tránh đi những tình cảm "hỷ, nộ, ái, ố" len lõi vào trong môi trường làm việc: thương nhiều nhưng ghét cũng nhiều, quý nhau nhiều nhưng ganh tức cũng nhiều.

 

Sinh hoạt tôn giáo nếu có sự tách bạch giữa người cộng tác và bạn bè chắc hẳn sự hợp tác sẽ thuận lợi nhiều hơn. Môi trường làm việc và phục vụ cần có sự tôn trọng, quý mến nhau trong tinh thần đồng cộng tác. Người trên cần quan tâm và tôn trọng kẻ dưới. Kẻ dưới cũng quý mến và tôn trọng người trên. Tất cả đều chung ý hướng yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân. Không để chút tình cảm riêng tư xen vào thì tránh đi những ganh đua hay bất mãn nơi cộng đoàn.

 

Thứ hai, người Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp trong làm việc. Tính chuyên nghiệp thể hiện trong khi bàn luận, phê bình nhau, có khi nghe chói tai chan chát nhưng chỉ để tìm ra ý hay mà phát triển. Tính chuyên nghiệp cho phép người ta phê bình chứ không phê phán, săm soi ý tưởng chứ không tấn công con người.

 

Sinh hoạt nơi mỗi họ đạo cũng cần có tính chuyên nghiệp trong mục vụ. Mỗi người làm việc, dù là linh muc, tu sĩ hay giáo dân, cần gạt bớt đi những tự ái các nhân. Người ta thích đưa danh dự cá nhân vào trong ý tưởng của mình nhưng tính chuyên nghiệp thì không cho ta ứng xử như thế. Trong việc xây dựng họ đạo hay giáo phận thường xảy ra hai thái cực.  Một là đồng ý, cố gắng không có ý kiến trái ngược, "dĩ hòa vi quý" cho an phận. Điều này hoàn toàn không tốt có sự phát triển của cộng đồng. Hai là ngược lại, sẵn sàng "dập tắt" không chút thương tiếc ý kiến của người "phe khác". Ý kiến càng khác nhau thì mâu thuẫn càng cao. Với quan niệm như thế thì việc xây dựng cộng đồng khó đem lại kết quả.

 

Thứ ba, nhân viên Việt Nam có nhiều phe cánh mâu thuẫn với nhau. Mâu thuẫn này tạo ra có thể do cách cư xử heo cảm tính của một số "sếp". Có những trường hợp thăng tiến gây ngạc nhiên cho nhiều người. Có tình trạng nhiều nhân viên là người nhà, hoặc là "đàn em" của Anh Hai, Anh Ba nào đó nên cấp quản lý trực tiếp không dám "đụng" đến.

 

Nơi họ đạo ta thường thấy đôi khi cách ứng xử không khéo của Bề trên cũng làm cho người giáo dân buồn lòng, chán nản. Có người bất mãn đến bỏ đạo. Dĩ nhiên không ai tránh khỏi những sai lầm nhưng người giáo dân dễ đón nhận sai lầm của Bề trên vì họ thấy Ngài quá nhiệt tình trong mục vụ nên thiết sót; chứ họ không thể chấp nhận sai lầm của Bề trên vì tính bốc đồng hay tư lợi cá nhân.

 

Có họ đạo cũng gặp khó khăn vì có một số giáo dân quen thân với các Đấng bậc Bề trên, các "nhân vật" này lại thường tạo ra những chuyện làm nội bộ xáo trộn, nhiều lúc cha sở phải "bó tay" và rất khó làm việc.

 

Thứ tư, một số người đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi của tập thể. Do đó, khi hai quyền lợi này mâu thuẫn nhau, một số người sẵn sàng bất chấp tất cả để tìm lợi lộc cho bản thân.

Tình hiệp nhất nơi cộng đồng được gầy dựng cách công phu. Có khi phải trả giá bằng nỗ lực hy sinh miệt mài trong một thời gian rất dài. Nhưng rồi chỉ vì vài ba tấc đất rào, hay vì một lời nói hơn thua người ta tự đặt ra rào cản để rồi "nhà ai nấy ở, việc ai nấy làm".

 

Để tìm được sự hợp tác ở mức độ cao, ta không thể chỉ nhận ra những nguyên nhân gây bất đồng là được, cũng không phải cố thực hiện một vài kỷ năng là xong. Sự hợp tác đòi hỏi một sự dấn thân mạnh mẽ trong hy sinh và phấn đấu. Bởi ai cũng biết chúng ta tuy nhiều nhưng cùng là chi thể của Đức Kitô. Hãy phấn đấu thật nhiều, gạt bỏ những rào cản hiện có để mỗi người góp phần xây dựng căn nhà Giáo hội ngày thêm vững chắc.

TRANG GIỚI TRẺ

HỢP TÁC ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG

 

"Một con chim én không thể nên mùa xuân" hay "Một cây làm chẳng nên non - Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"... Những câu thành ngữ này nói lên sự đoàn kết và hợp tác trong mọi công việc lớn nhỏ trong cuộc sống.

 

Loan báo Tin mừng là một trong những việc làm cần thiết và quan trọng của Giáo hội Công giáo. Trước khi về trời Chúa Giêsu đã nhắn nhủ: Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em". (Mt 28, 18 - 20a).

 

Mỗi người tín hữu dù ở cấp bậc nào giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân do hiệu quả của Bí tích Rửa tội và Thêm sức đều có bổn phận thi hành lời nhắn nhủ của Thầy Chí thánh Giêsu.

 

Trong bối cảnh đất nước Việt nam, lời nhắn nhủ ấy càng khẩn thiết hơn. Bởi lẽ, số người nhận biết Tin mừng còn rất khiêm tốn mà thành phần giáo sĩ và tu sĩ lại ít. Vì thế, rất cần có sự hợp tác của anh chị em giáo dân. Cách riêng giới trẻ là một trong những thành phần cần phải nhiệt thành hợp tác.

 

Tinh thần hăng say hoạt động rất được đánh giá cao nơi những người trẻ. Vì người trẻ không thể đứng yên mà phải hoạt động. Mà một những hoạt động mà người trẻ Công giáo được kêu gọi là loan báo Tin mừng.

 

Người trẻ dễ thích ứng với môi trường xung quanh. Đó là điểm mạnh mà người trẻ cần phát huy. Nhờ thích ứng với môi trường dễ nên họ có thể len lỏi vào nhiều nơi khác nhau. Qua chính cách sống tốt lành của họ người ta sẽ nhận ra được khuôn mặt của Thiên Chúa tình yêu.

 

Người trẻ hôm nay rất ngại hy sinh và cực khổ. Vậy nếu như người trẻ Công giáo biết tận tụy, hy sinh chịu gian nan cực khổ đến với người khác để quan tâm giúp đỡ trong những lúc hữu sự thì thật là đáng quý. Chẳng hạn như họ tham gia vào các tổ chức từ thiện bác ái như xây nhà tình thương, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, đưa đón hướng dẫn các bạn dưới nông thôn lên thành thị để thi cử...

 

Ước mong các bạn trẻ ý thức được rằng mình cần phải hợp tác với các giáo sĩ và tu sĩ trong môi trường sống của mình để loan báo Tin mừng của Chúa. 

 

TUỔI TRẺ - ĐỨC TIN - CUỘC SỐNG

Chúng Ta Có Thật Sự Tự Do Không?

Tự do đích thật là gì?

Đây chính là câu hỏi chủ chốt. Ta luôn phải định nghĩa các từ cho chính xác. Tự do không phải là muốn gì làm nấy, cũng chẳng phải là hoàn toàn độc lập hay thoát khỏi mọi ràng buộc. Tự do hệ tại ở việc sống, hành động và triển nở theo đúng bản chất của nó.

Một cây sồi được kể là tự do khi nó có thể triển nở mà không gặp các trở ngại, như gặp một bức tường chẳng hạn. Nó chỉ việc phát triển hết các năng lực tiềm ẩn trong hạt giống. Nếu nó trở thành một nụ hoa hồng thì ấy không phải là dấu chứng tỏ rằng nó tự do, nhưng chính là tự huỷ diệt. Một tay đua xe đạp từ Bordeaux tới Paris được kể là tự do khi anh ta có thể chạy hết tốc lực đến đích mà không bị khán giả quấy rối, không bị bể bánh xe hay bị đau bao tử. Anh được tự do chọn đích đến; trái lại, một người khác đã quy định lộ trình cho anh.

Một người thật sự tự do khi người ấy có thể làm triển nở bản tính riêng của mình bằng cách phát triển hết mọi năng lực thâm sâu trong con người mình: đó là các phẩm chất của con tim, của trí khôn, của linh hồn, và các phẩm chất thể xác.

Tự do hệ tại một cách cơ bản ở việc có thể trở thành chính mình, là một ngôi vị nhân linh, nghĩa là thể hiện bản thân một cách sung mãn về mọi mặt - thân xác, trí tuệ, xã hội, tâm linh - và có thể dấn thân trọn vẹn để làm một động tác yêu thương hoàn toàn. Trở thành một người nam... hay một người nữ! Đó chính là mục đích của mọi việc giáo dục.

 Một hình thức khác của tự do

Con người đã được Thiên Chúa kêu gọi - ít ra là chúng ta, các Kitô hữu - tiến tới một ơn gọi cao cả: đó là trở nên Con Thiên Chúa, đền thờ của Thánh Linh, anh em của Đức Kitô, cộng tác viên của Đấng Tạo Hoá. Ngoài Thiên Chúa, không một ai khác có được một ý tưởng cao siêu về con người như thế. Đành rằng chính Ngài đã xác định mục tiêu cho đời sống con người, nhưng Ngài cho họ quyền lựa chọn một số lớn các phương tiện để đạt tới vận mệnh đặc biệt ấy. Đó chính là sự tự do luân lý hay tinh thần.

Như vậy, đối với con người, tự do hệ tại ở việc vận dụng hết sức mình để đáp lại tiếng Chúa gọi trở nên một hữu thể được thần hoá, đem hết trí tuệ và ý chí của mình theo đuổi thánh ý Chúa.

 Các giới răn là trở ngại hay là trợ lực cho tự do?

Các điều luật của Chúa, thay vì bắt chẹt tự do của con người, lại là điều kiện và là các phương tiện mang lại tự do cho họ. Chính vì vậy, nếu hiểu được các giới luật ấy, chẳng những chúng không làm ta "vong thân" mà còn giải phóng ta. Chúng không phải là những luật lệ bên ngoài áp đặt trên con người, chúng phù hợp với bản tính thâm sâu của con người. Chúng là những cẩm nang, cầu nhún để lấy đà, những lan can, những cột chỉ dẫn giúp con người luôn ở trên đường tự do chân thật, là những cách sử dụng bản tính nhân loại, là những nẻo đường đưa tới hạnh phúc đích thật.

Nhiệm vụ của đầu máy tàu tốc hành là chạy. Các đường rầy giúp nó chạy nhanh không phải là một chướng ngại vật, nhưng là một sự trợ giúp quý báu không thể thiếu được đối với con tàu.

Các giới luật của Chúa là những đường rầy nói trên. Hẳn nhiên, tương tự như chiếc tàu, con người có thể trật đường rầy. Con người có thể lạm dụng sự tự do. Thay vì vươn lên cao, con người có thể hạ mình xuống thấp hơn như tuân phục xác thịt đến độ không còn chế ngự được các bản năng nữa. Một số người gọi đó là sự tự do tính dục. Thế nhưng còn đâu là tự do khi ta làm nô lệ cho các đam mê của mình? Nô lệ tiền bạc, biến nó thành động lực của đời ta tới mức làm tổn hại đến vẻ đẹp, đến tình bạn. Nô lệ thuốc lá, rượu, ma tuý...

Phải tuân theo các luật lệ sẵn có trong ngôn ngữ và âm nhạc thì mới có những áng thơ và những bản nhạc kiệt xuất được.

Thiên hạ cứ tưởng rằng khi tách rời khỏi Thiên Chúa được là họ sẽ sống thoải mái. Thật ra, họ đang tự cắt đứt khỏi Đấng đã tạo ra tự do. Các Kitô hữu đầu tiên, mà đa số là người nô lệ, vốn hiểu rõ hơn các người vô thần hiện đại rằng Kitô giáo là một cuộc giải phóng kỳ diệu giúp ta thoát khỏi mọi hình thức vong thân, là một cuộc cách mạng lật đổ những hàng rào chủng tộc, giai cấp xã hội, quốc gia và tôn giáo đang ngăn cách con người với nhau.

Niềm tin vào con người có thể hoà hợp với đức tin vào Thiên Chúa. Chính Đấng Tạo Hoá đã ban cho ta chính bản thân ta, Người muốn ta hiện hữu và Người dựng nên chúng ta tự do như Người, theo hình ảnh của Người.

Ngay lúc chiếc lá thu vàng bị gió cuốn bay, tách ra khỏi nhành đã đỡ nâng và cho nó được hiện hữu, ngay lúc nó bay theo cơn lốc như một kẻ được phóng thích, ngay lúc nó tưởng rằng mình được tự do không còn bị ràng buộc gì nữa, thì chính lúc ấy nó không còn là nó nữa, mà chỉ được gọi là một chiếc lá "rụng", chiếc lá "úa". Chính ngọn gió đã giết nó. Cũng thế, con người chỉ có lý do để hiện hữu nếu luôn gắn chặt vào Thiên Chúa là ngành cây thần linh ban cho ta nhựa sống để giúp ta triển nở.

(còn tiếp)

QUESTIONS SUR LA VIE ET LA FOI của Jacques Lacourt
Imprimatur:
Đức Cha G. VANEL, Tổng Giám Mục Auch. 23.03.1990
Nguồn: dunglac.org

TRANG GIA ĐÌNH

Xây Dựng Hiệp Nhất

Một nghệ sĩ kia có tài châm biếm, ông ta nhanh chóng nhận ra khuyết điểm của người khác và đem ra làm trò cười cho mọi người. Nhưng một giấc mơ bất chợt đã làm thay đổi cách nhìn soi mói của ông.

Đêm kia, ông mơ thấy mình đang đi trên một con đường hoang vắng, trên vai ông là một hành trang cồng kềnh và nặng trĩu, nó như muốn đè bẹp cả thân thể ông, ông xoay xở bên này bên nọ, nhưng không thấy nhẹ nhõm chút nào. Sau một lúc cố gắng, ông cảm thấy mệt nhoài và bắt đầu càu nhàu:

- Hành trang này là những thứ gì mà tôi phải vác nó cực khổ thế này?

Nói dứt câu, ông nghe từ xa vọng lại:

- Đó là những khuyết điểm của người khác mà con thường hay nhanh nhẹn bới móc ra. Tại sao con lại than phiền?  Không phải con là người đã khám phá ra chúng sao? Chúng phải thuộc quyền sở hữu của con chứ?

Một trong những chướng ngại để xây dựng sự hiệp nhất trong gia đình cũng như trong cộng đồng chính là tính kêu căng tự phụ. Hay nói cách khác, tự lấy mình là trung tâm và điểm chuẩn cho mọi sinh hoạt của cộng đồng là một sự nguy hại nhất trong tiến trình xây dựng sự hiệp nhất. Vì lấy mình làm trung tâm, nên chúng ta khó chấp nhận ý kiến của người khác, nhất là những ý kiến trái nghịch với quan điểm của chính mình. Như người họa sĩ trong câu chuyện, chúng ta dễ dàng để ý và phê bình những khuyết điểm của người khác, chính vì điều đó, chúng ta trở nên nạn nhân của chính mình và cũng là người tạo thêm sự chia rẽ trong cộng đồng.

Khi đối diện với một vấn đề nan giải trong một cộng đồng, chúng ta cần có những cuộc họp nhằm tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, nếu không bình tĩnh và sáng suốt đủ, những cuộc họp ấy sẽ trở nên những "cớ" để gây chia rẽ trong một cộng đồng. Bình tĩnh để suy xét chúng ta sẽ nhận thấy rằng. Thực ra những thành quả, hay tìm hướng giải quyết cho một vấn đề trong cộng đồng là điều cần thiết, nhưng đó không phải là mục đích quan trọng nhất cho một tập thể. Điều quan trọng nhất trong một cộng đồng là xây dựng sự hiệp nhất giữa con người với nhau chứ không phải là những việc này việc nọ. Hoàn thành được công tác này, công tác nọ mà phải trả giá cho sự chia rẽ, phân ly trong một cộng đồng thì đó là sự thảm bại nhất cho cộng đồng ấy. Bởi vì lý tưởng tối hậu của mọi tập thể chính là yêu thương và hiệp nhất.

Phân tích những điểm như thế để chúng ta cẩn thận nhìn nhận rằng: Sự hiệp nhất rất mong manh, dễ bị phá vỡ. Vậy nếu chúng ta không nhạy bén và tỉnh táo, thì những cuộc họp để giải quyết những vấn đề trong tập thể có thể là những nguy cơ để tạo thêm những vấn đề phức tạp khác. Cần xây dựng mối hiệp thông bằng những hành động cụ thể, qua việc chân thành đón nhận nhau để phục vụ ích chung.

Vì thế, mỗi lần hội họp, mỗi lần làm việc chung trong cộng đồng, có thể nói hành trang thiết yếu nhất mà mình cần mang theo chính là sự khiêm tốn. Kiến thức, kinh nghiệm là điều cần thiết nhưng nó chỉ hữu ích để làm "được việc", nhưng khiêm tốn sẽ giúp chúng ta làm "đúng việc."

Br. Huynhquảng  (machsongmedia.com)

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

ĐỜI SỐNG THỐNG NHẤT và CHÂN THẬT
(Phong cách 2)

1. Đời sống thống nhất là gì?

Thống nhất là hợp lại thành một cho phù hợp với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, không mâu thuẫn trái nghịch với nhau. Ví dụ: đất nước thống nhất là đất nước có cùng chung một tổ chức, một lãnh đạo duy nhất.

 

Như vậy, đời sống thống nhất là đời sống có một đường lối duy nhất, một chương trình được sắp đặt, mọi lời nói, việc làm, được gắn bó chặt chẽ với nhau, không "tiền hậu bất nhất" và không có hai đời sống tách biệt và đối nghịch nhau.

 

2. Đời sống chân thực

Chân thực là trong lòng thế nào là bày tỏ ra ngoài như vậy, nghĩa là lời nói và việc làm phát xuất từ đáy lòng, nghĩ sao thì nói vậy, trong lòng muốn gì thì bày tỏ ra như vậy, không giả dối, việc giả hình hay lừa gạt.

 

Đời sống chân thực là đời sống đích thực chứ không giả hiệu giả hình, nghĩa là lời nói, cử chỉ, việc làm đều đúng với thâm tâm hay lương tâm, không phải chỉ có tính cách xã giao, chiến thuật hay thủ đoạn.

 

3. Đời sống thống nhất và chân thực luôn phải đi đôi với nhau

Đời sống thống nhất thì cần phải luôn chân thực vì có thể thống nhất để xã giao theo thủ đoạn xảo quyệt, thống nhất một cách giả hiệu để lừa gạt và đời sống chân thực thì cũng cần phải thống nhất theo một chương trình kỷ luật trước sau như một, chứ không "Tiền hậu bất nhất"

 

4. Đời sống thống nhất và chân thực rất cần thiết:

 

Vì nhiệm vụ của giáo lý viên

Giáo lý viên phải vận dụng tất cả đời sống và con người mình vào nhiệm vụ loan báo Lời Chúa. Trước khi loan báo Lời Chúa, thì giáo lý viên phải cởi mở và sống lời Chúa. Dạy giáo lý không phải là dạy một môn học về văn hoá, cũng không phải dạy ý kiến của giáo lý viên, mà là dạy lời Chúa, dạy những điều mà Hội Thánh tin, nên giáo lý viên phải tin và sống những điều mình tin trước, cảm nghiệm về niềm tin ấy để có thể làm chứng cho mọi người.

 

Vì thế, trước khi dạy giáo lý, giáo lý viên đã phải cố gắng sống theo những giáo lý mình dạy cách chân thực. Làm như vậy, giáo lý viên chứng minh cho mọi người rằng mình là một con người, là một giáo lý viên có phẩm chất, có ý thức trách nhiệm và sống đúng trách nhiệm của giáo lý viên.

 

Vì thế giới hôm nay

Thế giới hôm nay đã phải nghe nhiều lời tuyên truyền rất hùng hồn và hấp dẫn của những hạng người (nói vậy mà không phải vậy). Vì vậy, người ta đòi hỏi những người đi Phúc âm hoá người khác phải nói cho họ về một Thiên Chúa mà chính người đó đã hiểu biết quen thân, cảm nghiệm được, như thể người ấy đã được thấy được "Đấng vô hình". Vậy, giáo lý viên là người đi Phúc âm hoá người khác mà chỉ nói về một Thiên Chúa mà mình đã học trong sách vở chứ chẳng quen thân và cảm nghiệm gì, thì đời sống giáo lý viên đã không thống nhất, không gắn bó chặt chẽ giữa biết và sống giữa dạy và làm, đời sống như thế làm sao cảm hoá và thuyết phục người khác được.

 

Giáo lý viên cần nhớ lời thánh Maccô nói về ơn gọi làm tông đồ để áp dụng cho chính mình như sau: "Chúa Kitô đã lập nhóm 12 tông đồ để họ ở với Người và sai họ đi rao giảng" (Mc 3, 14-15), nghĩa là giáo lý viên cũng phải ở với Chúa Kitô, sống thân quen và cảm nhận được tình thương của Chúa Kitô, rồi mới có thể rao giảng về Người cách xác tín được. Đây là một nét riêng biệt mà thánh Maccô lưu ý chúng ta.

 

5. Đời sống chân thực được biểu hiện như thế nào?

Đời sống chân thực là phong cách thứ hai của linh đạo giáo lý viên, nó được biểu hiện qua ba hành động chính là: cầu nguyện, cảm nghiệm về Thiên Chúa và sẵn sàng buông theo Chúa Thánh Thần.

Cầu nguyện

Cầu nguyện là gặp gỡ để nghe Chúa nói và để nói với Chúa, để có cùng ý nghĩ và ước muốn như Chúa. Cầu nguyện là "Ở với Chúa" (như cây nho, cành nho). Chúa Kitô có đời sống chân thực nhờ cầu nguyện, nhờ thái độ "ở với Chúa Cha". Người tìm nơi thanh vắng, dành thời gian ban đêm để gặp gỡ, tâm tình với Chúa Cha, nhờ đó đời sống của Người luôn chân thực vì Người chỉ lo thực thi đúng ý Chúa Cha mọi nơi mọi lúc.

 

Giáo lý viên cầu nguyện thực thi đời sống chắc chắn phải chân thực, vì cầu nguyện thực sự là hiệp thông, là hiệp nhất với Chúa, nhờ đó giáo lý viên không thể nào sống giả hiệu, giả hình, dối trá.

 

Cảm nghiệm về Thiên Chúa

Đây là một dấu chỉ sâu sắc hơn về đời sống chân thực, nó phát xuất từ việc gặp gỡ, hiểu biết, cảm phục, tạ ơn, chúc tụng và xin ơn cần thiết cho hồn xác, đó là những tâm tình của việc cầu nguyện. Nó nằm ở bề sâu tấm lòng của con người. Chính trong bề sâu của lòng ta, mà ta có kinh nghiệm rằng: Thiên Chúa rất gần gũi, đáng kính, đáng yêu. "Cảm nghiệm" khác vơi suy nghĩ hay suy luận, cảm nghiệm như một trực giác nghĩa là một cảm nhận trực tiếp không do suy luận nhưng do Chúa Thánh Thần gợi lên trong đáy lòng.

 

Cảm nghiệm về Thiên Chúa làm cho ta đạt tới mức thân mật với Thiên Chúa cách đơn sơ chân thành, nghĩ sao nói vậy. Cảm nghiệm sao bày tỏ vậy. Đây chính là đời sống chân thực ở mức độ cao. Chẳng hạn, cảm nghiệm của hai môn đệ làng Emau "Lòng chúng ta chẳng bừng cháy lên sao..." (Lc 24, 30-34).

Sẵn sàng buông theo Chúa Thánh Thần

Giáo lý viên cần ý thức vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã gửi đến để thường xuyên hướng dẫn uốn nắn mỗi Kitô hữu. Người gợi hứng cho ta biết cầu nguyện đơn sơ và chân thành với Chúa Cha. Người dạy ta cầu nguyện sao cho phải (xem thư gửi Rôma 8, 26). Do đó, ta cứ buông theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, uốn nắn, thì đời sống ta sẽ chân thực, không thể giả hiệu, giả hình. Buông theo Chúa Thánh Thần không phải là ta thả mình như "Bèo lục bình trôi" nhưng là phải cố gắng dẹp bỏ mọi bám víu vấn vương bụi trần để Chúa Thánh Thần dẫn ta theo ý Chúa Cha trên trời.

 

6. Đời sống thống nhất và chân thực có liên quan gì tới linh đạo giáo lý viên?

Nhiệm vụ giáo lý viên đòi hỏi giáo lý viên hiểu biết Chúa Kitô mỗi ngày hơn và sống theo Người để đời sống luôn thống nhất và chân thực. Đây là việc không dễ, cần có nghị lực và quyết tâm, cần theo một kỷ luật bản thân bề trong (như ý nghĩ, tình cảm... ) lẫn bề ngoài (như lời nói hành động...) và còn cần lo liệu cho đời sống kỷ luật ấy phù hợp với hoàn cảnh của một giáo dân sống giữa đời. Vì thế, giáo lý viên cần xác tín về tầm quan trọng của mối liên quan giữa đời sống và linh đạo.

 

Càng sống thống nhất và chân thực, giáo lý viên càng làm chứng và dạy dỗ hữu hiệu hơn:

Muốn xác tín như vậy, giáo lý viên cần phải dẹp bỏ ý nghĩ sai lầm là mình chỉ là giáo dân sống giữa hoàn cảnh trần thế, làm sao tổ chức được đời sống kỷ luật và có các điều kiện thuận lợi như các linh mục và tu sĩ.

 

Thực ra, giáo dân không thể tổ chức đời sống và có các điều kiện thuận lợi như linh mục và tu sĩ, nhưng bất cứ Kitô hữu nào, bất cứ ai sống theo linh đạo nào cũng phải lo sắp xếp để có những lúc cầu nguyện với Chúa, gặp gỡ Chúa trong yên tĩnh và thinh lặng để lòng mình có điều kiện lắng xuống và cảm nghiệm về Thiên Chúa và sẵn sàng đón nhận sự hướng dẫn và uốn nắn của Chúa Thánh Thần. Sống như vậy, giáo lý viên, trở thành bằng chứng rõ ràng hơn cho học viên vì mình đã sống với Chúa thực sự, và mọi hoạt động của giáo lý viên sẽ có sức cảm hoá và thuyết phục mạnh mẽ hơn, đúng với đòi hỏi linh đạo.

 

7. Càng sống thống nhất và chân thực, giáo lý viên càng đầy niềm vui và hy vọng để chia sẻ cho học viên và mọi người.Cố gắng sống thống nhất và chân thực sẽ mang lại cho giáo lý viên niềm vui và tự hào, vì mình không hổ thẹn nói một đàng làm một nẻo, chỉ nói mà không làm. Nhưng mình cảm thấy an nhiên tự tại nghĩa là an bình và hồn nhiên, vì đời sống chân thực và trong sáng; tự tại là bản thân được thư thái vì mình sống trong trung thực, nói và làm đi đôi với nhau.

 

Kết luận: Đời sống thống nhất và chân thực là phong cách quan trọng và cần thiết của giáo lý viên, vì nó là dấu chỉ giáo lý viên sống đích thực linh đạo giáo lý viên của mình trước mặt học viên cũng như mọi người. Giáo lý viên dạy sao sống vậy, dạy các em cầu nguyện thì mình cũng thực hành cầu nguyện như vậy. Phong cách này làm cho giáo lý viên dễ cảm hoá các học viên. Nhiệm vụ của giáo lý viên sẽ dễ dàng và chắc chắn hữu hiệu hơn. Đời sống thống nhất và chân thực theo linh đạo giáo lý viên sẽ làm cho giáo lý viên hưởng được hoa quả của Chúa Thánh Thần là: bác ái, hoan lạc, bình an, trung tín, hiền hoà (x. Gl 5,22-23).

 

Giáo lý viên sẽ được hưởng hoa quả của Chúa Thánh Thần thì nhân danh Hội Thánh, giáo lý viên phải là người gieo rắc niềm vui và hy vọng mà Chúa Kitô Phục Sinh đã đem lại cho mình.

TRANG QUỚI CHỨC

VỀ BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Có nhiều gia đình có hôn sự đã đến gặp trực tiếp cha sở để xin cha giúp tiến hành các thủ tục hôn phối. Dĩ nhiên cha sở phải giải quyết. Thế nhưng giải quyết như thế nào ? Sẽ rất khó khăn cho cha sở nếu không có sự cộng tác của các biện sở.

 

Hôn nhân theo luật Hội Thánh có nhiều ngăn trở hơn hôn nhân theo luật đời:

- Ngăn trở do bị ép buộc (không có tự do): đương sự áp lực từ bên ngoài : cha mẹ, người thân; bị đe doạ, cưởng chế. Không ít trường hợp cha mẹ vì tiền mà gả bán con cái bất chấp việc đạo hạnh và hạnh phúc con cái. Đương sự vì chữ hiếu, hay vì sợ mà phải cắn răng chấp nhận.

- Ngăn trở vì khả năng tâm sinh lý: Tâm thần: điên khùng;  bất lực: không có khả năng giao hợp.

- Ngăn trở vì dây hôn phối: Đối với người không có đạo, việc kết hôn sau đó ly dị ở toà đời, nhà nước chấp nhận cho họ được phép kết hôn, và hôn nhân này được coi là hợp pháp. Thế nhưng theo luật hôn nhân công giáo, một khi hôn phối đã thành sự  thì họ bị ràng buộc với nhau cho đến chết.

 

Và còn nhiều ngăn trở khác như: quan hệ huyết thống: bà con gần, công hạnh: con nuôi, tội ác: giết chồng, vợ để kết hôn với người khác; niên hạn: chưa đủ tuổi để kết hôn...

 

Đây là một khó khăn rất lớn và trách nhiệm của cha sở rất nặng trong việc điều tra hôn phối. Bởi vì nếu không điều tra cẩn thận, hôn phối đó sẽ không thành (rối).

 

Trong gia đình chỉ năm bảy đứa con, cha mẹ còn chưa biết rõ những quan hệ của chúng, huống hồ trong một họ đạo năm bảy trăm giáo dân, thậm chí có họ đạo lên đến hàng ngàn, hàng chục ngàn giáo dân, địa bàn rộng lớn, có người nguyên gốc, có người nhập cư, làm sao cha sở có thể biết hết mọi sự ? Vì thế biện sở với vai trò là "thổ địa" ông phải là người trực tiếp giới thiệu và cho cha sở biết những thông tin về đôi hôn phối, để cha sở liệu cách giúp cho đôi hôn nhân. Như vậy, những điều biện sở cần biết và làm là :

­ Phải biết rõ những ngăn trở hôn phối theo luật đạo và đời

­ Tìm hiểu những thông tin cơ bản về đôi hôn nhân giúp cha sở : đã được thêm sức, có bị ngăn trở.....

­ Phải giới thiệu đôi hôn nhân với cha sở

­ Giúp gia đình họ biết những thủ tục cần thiết về hôn nhân như :

­ Phải học giáo lý đầy đủ: đối với người đã có đạo, phải lãnh bí tích thêm sức. Trước khi làm hôn phối phải học ôn giáo lý và phải học giáo lý về hôn nhân gia đình.

­ Đối với dự tòng: Phải học xong giáo lý gồm giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân gia đình. Hãy nói với họ đừng bao giờ định ngày cưới trước rồi mới đến gặp cha sở !

­ Nhắc nhở họ rằng: khi lập lời rao buộc phải có đương sự và cha mẹ hai bên. Đó là luật buộc của Giáo Hội. Biện sở cũng phải có mặt để chứng giám hầu sau này ông biết rõ để làm người chứng cho đôi tân hôn.

­ Khi lập lời rao, nhắc họ mang theo những giấy tờ cần thiết như: sổ gia đình công giáo, gốc tích (chứng nhận rửa tội, thêm sức, chứng nhận độc thân, giấy chứng nhận kết hôn (nếu có).

 

Còn những điều khác nữa về hôn phối liên quan đến vai trò chức trách của biện sở, xin xem trong Điều Lệ Quới ChứcGiáo Phận Vĩnh Long trang 13-14.

SỐNG ĐẸP

Câu Chuyện Về Lòng Biết Ơn

 

Một thanh niên thành tích học tập ưu tú đến một công ty lớn xin vào chức vụ quản lý, anh vượt qua đợt thi tuyển vòng ngoài, nhưng còn phải trải qua cuộc vấn đáp do chính tổng giám đốc chủ trì.

 

Đọc lý lịch của người thanh niên, vị tổng giám đốc đánh giá anh rất cao, từ trung học đến nay anh luôn có thứ hạng giỏi, và việc học không hề bị gián đoạn.

Ông hỏi: "Anh có nhận học bổng của nhà trường không ?"

Người thanh niên trả lời : "Không có".

 

Ông lại hỏi : "Vậy cha của anh đóng tiền học phí ?"

Người thanh niên trả lời: "Ba tôi chết khi tôi mới một tuổi,

chính mẹ tôi đóng học phí cho tôi".

 

Vị tổng giám đốc: "Vậy chắc mẹ anh làm cấp cao ở công ty nào đó ?"

Người thanh niên trả lời: "Không, mẹ tôi giặt thuê áo quần cho người ta".

 

Tổng giám đốc yêu cầu chàng trai cho xem hai bàn tay,

Anh có bàn tay nhẵn nhụi không một vết chai.

 

Vị tổng giám đốc hỏi : "Có lẽ anh chưa bao giờ phụ mẹ anh giặt quần áo ?"

Người thanh niên trả lời : "Chưa bao giờ, bởi vì mẹ tôi chỉ muốn tôi học chăm, bà nói để bà giặt sẽ nhanh hơn nhiều".

 

Vị tổng giám đốc nói : "Tôi có một yêu cầu, hôm nay về nhàanh hãy rửa tay cho mẹ rồi giúp mẹ anh giặt đồ..., ngày mai đến gặp tôi".

 

Lòng vui vô hạn, khi chàng thanh niên thấy mình được hẹn trở lại. Về tới nhà anh xin mẹ cho rửa tay, nghe nói là yêu cầu của giám đốc nên mẹ anh đồng ý. Người thanh niên rửa tay cho mẹ, vừa rửa vừa khóc. Lần đầu tiên anh phát hiện tay mẹ bị lở loét, đầy những vết xước ... nhiều lần bà run lên vì xót.

 

Lần đầu tiên anh hiểu ra, nghề giặt áo quần khổ thế nào, để đóng học phí cho anh, đôi bàn tay của mẹ là cái giá phải trả cho bằng tốt nghiệp của anh ... Rửa tay cho mẹ xong, anh giặt hết số quần áo mẹ đã nhận về ... Tối hôm ấy hai mẹ con trò chuyện với nhau rất lâu. Hôm sau, đúng giờ hẹn người thanh niên trở lại công ty.

 

Vị tổng giám đốc hỏi: "Anh đã thực hiện như tôi dặn chưa ?"

 

Người thanh niên trả lời: "Tôi đã rửa tay cho mẹ, và giặt số áo quần mẹ tôi đã nhận".

 

Ông tổng giám đốc :  "Và anh cảm thấy thế nào ?"

 

Người thanh niên nói: "Tôi học được ba bài học :

Thứ nhất, tôi hiểu được nhờ mẹ mà tôi có ngày hôm nay.

Thứ hai, tôi hiểu được kiếm ra đồng tiền vất vả thế nào.

Thứ ba, tôi hiểu phải nhập cuộc mới cảm thông với cuộc đời".

 

Tổng giám đốc nói: "Anh đã được nhận.Tôi chỉ nhận những ai có lòng biết ơn, hiểu được giá trị của lao động cực khổ, và biết cảm thông với người khác. Tôi dị ứng với kẻ xem tiền bạc làm mục tiêu chính của cuộc đời"

 

Quả nhiên về sau người thanh niên này rất thành công. Anh được các nhân viên yêu quý, họ tích cực cộng tác giúp công ty ngày càng phát triển.

 

Bạn có thể mua cho con đủ thứ tiện nghi. Nhưng đừng quên dạy con hiểu giá trị của lao động, và trân trọng những gì mình nhận được. Có thế sau này, khi ra ngoài xã hội, chúng mới biết cảm thông với khổ đau của cuộc đời. Đó chính là cách bạn dạy cho con mình lòng biết ơn với cuộc sống.

(Sưu tầm)

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

Thắng Thua - Vợ Chồng

Trong cuộc sống tình cảm vợ chồng, mỗi khi cãi nhau ai cũng muốn giành phần thắng về mình thì liệu cuộc sống hạnh phúc gia đình sẽ đi về đâu?

Ngày tôi mới cưới vợ, mẹ bảo nhỏ: "Dạy con dạy thủa còn thơ, dạy vợ dạy thủa mới đưa vợ về". Tôi tâm đắc câu dạy này của các cụ lắm. Yêu thì tôi yêu vợ tôi hết mình nhưng tôi lại không dám yêu ra mặt vì sợ vợ được thể lên nước, nên lúc nào tôi cũng làm ra vẻ đàn ông trước mặt vơ và mẹ cho ra vẻ đấng nam nhi. Vợ tôi không nói gì vìmới về làm dâu nhà chồng, và lại lạ cái, lạ nước nên nàng cứ mềm nhũn như con chi chi.

Ngày ra ở nhà riêng, vợ tôi mặt mày hớn hở như hoa mùa xuân khiến tôi không thể không ngạc nhiên. Hôm mua ti vi về, tôi bảo đặt nó ở phòng ngủ để mỗi lần xem phim khuya cho tiện, vợkhông đồng ý. Nàng bảo: "Phải đặt ở phòng khách". Tôi khăng khăng là phải đặt ở phòng ngủ, nhưng vợtuyên bố: "Đến chết tôi cũng không đặt ở trong đó". Thế là chúng tôi cãi nhau, không ai chịu thua ai, rốt cục tôi phải nằm ngủ ở xa lông phòng khách.

Giờ thì tôi hiểu ra tại sao khi dọn về nhà mới vợ tôi lại vui đến vậy. Đến nước này, tôi đành phải thay đổi chiến lược từ tấn công chuyển sang phòng thủ. Sáng dậy trước khi đi làm, tôi nói với vợ: "Cả đêm anh đã suy nghĩ kỹ rồi, em nói có lý, để ti vi ở phòng khách vừa tiện lại vừa đẹp". Lúc này nàng cười một nụ cười đắc thắng: "Em biết ngay mà thế nào anh cũng nghe em"!!!.

Và rồi chúng tôi có con, cuộc sống gia đình với bộn bề khó khăn về tiền bạc, nuôi dạy con cái, công việc trong nhà, họ hàng, bạn bè... luôn là đề tài để vợ chồng to tiếng với nhau. Thực chất của những cuộc cải vã đó, mục đích cuối cùng ai là người nắm quyền điều khiển, quyết định những công việc đó. Qua nhiều lần cãi vã với vợ, tôi rút ra được một kinh nghiệm xương máu: tôi không nhất thiết phải điều khiển vợ, hơn thế nữa tôi không được quyền điều khiển cô ấy, và chẳng bao giờ tôi làm được điều đó. Để yêu và được yêu, được hạnh phúc và bình yên thì tốt hơn hết là tôi phải biết thua nàng. Tình cảm vợ chồng chính là một khu vườn để chúng ta khám phá, và gieo trồng, chăm bón. Kết quả của vụ thu hoạch đó là hạnh phúc. Trên mảnh đất ấy, người bạn đời của chúng ta, hay chính chúng ta có thể nở hoa hay tàn lụi.

Một hôm, vợ hớn hở về khoe với tôi: "Em đã mua hai vé xem ca nhạc, có nhiều ca sỹ nổi tiếng biểu diễn, hai vợ chồng mình cùng đi nhé". Lúc này thì tôi đã ở vào cái thế "tiến thoái lưỡng nan". Số là chiều nay, mấy đứa bạn tâm đầu ý hợp ở cơ quan đã góp tiền đi công tác lại đến nhà hàng tổ chức một bữa. Không ngờ, vợ tôi lại mời tôi đi xem, thật chẳng biết nói làm sao.

Thấy tôi chần chừ, vợ tôi sầm mặt bảo: "Sao? Anh không thích đi xem với tôi ạ! Nếu không muốn đi thì tôi đi một mình vậy, hay là hẹn hò với cô nào rồi phải không?". Nói rồi, cô ấy ngúng ngoảy bỏ đi. Tôi chạy theo năn nỉ: "Anh có nói là không đi đâu, đã lâu anh muốn mời em đi xem rồi, hôm nay được em mời thì còn gì bằng"! Thế là vợ tôi cười đắc thắng.

Tôi trộm nghĩ, chỉ cần mình chịu khó một chút mà vợ vui đến vậy thì cái giá của hạnh phúc thật là quá rẻ. Còn vợ tôi thì sao? Suốt cả cuộc đời nàng chịu thương, chịu khó, hay lam, hay làm để lo cho chồng con được ăn ngon, mặc đẹp, sung sướng, hạnh phúc thì có bao giờ nàng toan tính, nghĩ suy gì đâu. Nghĩ vậy, tôi cũng vui lây niềm vui của vợ.

Thực tế, trong cuộc sống vợ chồng, cãi cọ là điều không tránh khỏi nhưng khi mà cả hai đã đến điểm đỉnh của sự nóng giận thì tốt hơn hết hãy im lặng, chấm dứt việc tranh cãi để cho cơn bão lòng tạm dịu đi. Sau đó, nhẹ nhàng tìm hiểu nguyên nhân sự giận dữ của bạn đời để xóa tận gốc nguyên nhân của vấn đề, đừng để tạo nên một vết thương lòng trong người bạn đời của chúng ta. Vấn đề ở đây không phải là việc ai thắng ai thua, mà là nhường nhịn nhau để mái ấm gia đình mãi mãi là tổ ấm hạnh phúc.

Võ Hoàng Nam

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

Giáo Sĩ, Tu Sĩ Và Giáo Dân Khác Và Giống Nhau Ra Sao?

Hỏi: Xin cha giải thích rõ vai trò và trách nhiệm của giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong Giáo Hội và tại sao tu sĩ không được cử hành các bí tích như giáo sĩ?

 

Trả lời: Nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và qua bí tích rửa tội, người tín hữu Chúa Kitô trở nên "giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền tối tăm vào nơi ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân. Nay anh em đã là dân của Thiên Chúa; xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót của Chúa, nay anh em đã được xót thương" (1 Pr 2:9-10).

 

Trên đây là vinh phúc và là danh hiệu cao quí nhất của người Kitô hữu với tư cách là Dân mơí của Thiên Chúa trong Giáo Hội theo Thánh Phêrô. Không có danh hiệu và vinh phúc nào cao trọng hơn nữa. Tuy nhiên, sống trong Giáo Hội, người tín hữu không có chung một chức năng và nhiệm vụ như nhau. Ngược lại, theo Thánh Phaolô thì: "anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi ngươì là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác..." (x. 1 Cor 12: 27-28). Tuy khác nhau về vai trò và trách nhiệm, nhưng mọi thành phần dân Chúa đều bổ túc cho nhau và cùng nhau mở mang Nước Thiên Chúa và xây dựng Giáo Hội là Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa Kitô giữa trần gian.

 

Theo giáo lý, tín lý và giáo luật hiện hành của Giáo Hội, thì Dân Chúa được khai sinh qua Phép Rửa được mời gọi sống trong ba ơn gọi hay bậc sống khác nhau. Đó là bậc giáo sĩ, bậc tu sĩ và bậc giáo dân.

 

Phân chia như vậy vì ơn gọi riêng biệt cũa từng người theo kế hoạch của Thiên Chúa chứ không có mục đích phân biệt địa vị cao thấp, hay giá trị hơn kém theo tiêu chuẩn người đời.

 

Nói về 3 bậc sống hay 3 ơn gọi đặc biệt này, Giáo lý hiện hành của Giáo Hội dạy như sau:

 

"Do sự thiết lập của Thiên Chúa, trong Giáo Hội có những tín hữu là thừa tác viên thánh mà theo luật được gọi là giáo sĩ, những tín hữu khác được gọi là giáo dân. Trong số các tín hữu thuộc cả hai loại này, có những tín hữu nhờ sự tuyên khấn các lời khuyên của Phúc âm mà được thánh hiến cho Giáo Hội để phục vụ cho sứ mạng của Giáo Hội." (x. SGLGHCG, số 934)

 

Nói khác đi, một số tín hữu đươc mời gọi để sống và thi hành nhiệm vụ của hàng giáo sĩ, tức là được huấn luyện chuyên môn để nhận lãnh các chức thánh để phục vụ cho Dân Chúa trong Giáo Hội. Cụ thể như sau:

I- Hàng giáo sĩ

Gồm những người được gọi để lãnh nhận các chức thánh như Phó tế, Linh mục và Giám mục. Đó là thành phần của hàng giáo sĩ thừa tác. Nhưng chỉ có linh mục và Giáo mục được gọi là tư tế vì có chức tư tế thừa tác và được quyền tế lễ mà thôi. Các Phó tế là những thừa tác viên được truyền chức thánh để lo công tác phục vụ trong Giáo Hội, cụ thể là phục vụ bàn thánh, công bố Lời Chúa và được năng quyền giảng lời Chúa, chứng hôn, cử hành nghi thức an táng và rửa tội cho trẻ em (không cho người lớn mơí gia nhập Đạo, vì người tân tòng được lãnh 3 bí tích rửa tội thêm sức và Thánh Thể một trật trong cùng thánh lễ. Do đó, Phó tế không được rửa tội cho người tân tòng vì không được ban bí tích thêm sức).

 

II- Hàng Tu sĩ

Bậc sống thứ hai là bậc tu trì. Đây là ơn gọi đặc biệt dành cho các tín hữu nam nữ đã quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa để tự nguyện khấn và sống ba lời khuyên của Phúc Âm là khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục trong một Dòng Tu hay Tu Hội được thành lập hợp pháp theo giáo luật (x. cans. 573-76). Đây là bậc sống thánh hiến dành cho những người có ơn gọi sống những linh đạo hay đặc sủng đặc biệt của nhiều Dòng Tu hay Tu Hội khác nhau.

 

Thí dụ: Dòng Thuyết giáo (Order of Preachers, O.P) của Thánh ĐaMinh chuyên về giảng thuyết. Dòng Tên (Society of Jesus, SJ) của Thánh Ignatius Loyola, thành lập năm 1534, với khẩu hiệu "Ad majorem Dei gloriam" (Cho vinh danh lớn lao của Thiên Chúa) chuyên giảng dạy ở Đại Học và hoạt động trong giới trí thức, nhưng nay cũng tham gia làm mục vụ cùng với nhiều Dòng Tu khác để giúp các Địa Phận thiếu linh mục Triều (Diocesan priests) coi sóc giáo xứ.

 

Thật ra, bậc sống tu trì không phải là bậc sống ở giữa bậc giáo sĩ và giáo dân mà là một bậc sống chuyên biệt dành cho những nam nữ Kitô hưũ tự nguyện sống ba lời khuyên của Phúc Âm để  "bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống Con Thiên Chúa đã sống khi Người xuống thế thi hành thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người." (x. LG. 44)

 

Các nam tu sĩ thuộc nhiều Dòng Tu hay Tu Hội, ngoài 3 lời khấn Dòng, còn có thể học và lãnh chức thánh để trở thành các giáo sĩ có chức linh mục hay giám mục Dòng. (đã có nhiều Hồng Y và cả Giáo Hoàng thuộc các Dòng Tu). Như vậy một linh mục có thể là một tu sĩ vì thuộc về một Dòng Tu hay Tu Hội. Thí dụ : các cha ĐaMinh, Dòng Chúa Cưú Thế, Dòng Tên, Tu Hội Tân Hiến ... Nhưng một giáo sĩ (phó tế, linh mục Giáo Phận hay còn gọi là Triều) thì không phải là tu sĩ vì không thuộc về một Dòng Tu hay Tu Hội nào, mà thuộc một giám mục điạ phận.

 

Liên can đến phần thứ 2 của câu hỏi trên, nếu tu sĩ không có chức thánh thì không được cử hành bất cứ bí tích nào, trừ bí tích rửa tội trong trường hợp nguy tử khi không có giáo sĩ có chức thánh (phó tế, linh mục, giám mục). Nghĩa là trong trường hợp bình thường, thì tu sĩ (các Thầy, các Sư Huynh, và Nữ tu) không được phép rửa tội cho ai cả. Trường hợp nguy tử, khẩp cấp thì mọi tín hữu đều được phép rửa tội nhưng phải theo đúng công thức và mục đích của Giáo Hội.

III- Giáo Dân

Theo định nghĩa trong Hiến Chế Tin Lý Lumen Gentium của Thánh Công Đồng Vaticanô II, thì "danh diệu giáo dân (laity) được hiểu là tất cả những Kitôhữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận." (x. LG. số 31)

 

Nói rõ hơn, giáo dân là thành phần Kitô hữu đông đảo nhất không thuộc về hàng giáo sĩ hay tu sĩ. như nói ở trên; nhưng nhờ phép rửa "đã trở nên Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ. Họ là những người đang thực hiện sứ mạng của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phần vụ riêng của mình." (LG. 31) Không thuộc về hàng giáo sĩ hay tu sĩ, nhưng không có nghĩa là thua kém phẩm chất hay giá trị mà chỉ có nghĩa là không cùng có chung vai trò và trách nhiệm trong Giáo Hội mà thôi. Giáo Sĩ, do ơn gọi và năng quyền được lãnh nhận từ bí tích chuyên biệt là Bí Tích Truyền Chức Thánh, có nhiệm vụ thay mặt Chúa để tế lễ, giảng dạy, cai trị và thánh hoá qua việc cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và hoà giải. Như vậy, trách nhiệm và đối tượng phục vụ của hàng giáo sĩ chính là giáo dân, tức đoàn chiên mà Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Nhân lành, đã trao phó nhiệm vụ chăn dắt cho các Tông Đồ xưa và nay cho những người kế tục sứ mạng này là các Giám Mục và hàng Linh mục, tức những cộng sự viên đắc lực của Giám muc.

 

Về phần mình, giáo dân thi hành ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô chủ yếu bằng chính đời sống chứng nhân của mình trước mặt người đời trong các môi trường sống. Cụ thể, khi người giáo dân, cũng là công dân trong một xã hội, sống công bình, thánh thiện, tha thứ và bác ái đúng mức với người khác thì đã hùng hồn rao giảng Chúa Kitô yêu thương, tha thứ và nhân hậu cho họ; đồng thời cũng mang vương quốc bình an, công lý và thánh thiện của Người đến những nơi còn đầy rẫy những bất công, tàn bạo, tội ác và tha hoá.

 

Đây là cách phúc âm hoá thế giới còn hữu hiệu hơn cả những lời rao giảng hùng hồn của giáo sĩ trên giảng đài trong nhà thờ, hay âm thầm cầu nguyện trong các tu viện, mặc dù cầu nguyện cũng thật cần thiết cho sự thành công của sứ mạng Giáo Hội.

Tóm lại, tuy khác nhau về địa vị và trách nhiệm nhưng cả ba thành phần giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đều chung sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô cho những người chưa nghe biết để tất cả đều được cưú độ như lòng Chúa mong muốn (x. 1 Tim 2:4).

 

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

Tương Quan Giữa Cá Nhân Và Người Thân Cận

Mỗi con người là một cá nhân lẻ loi trong vũ trụ. Nếu sống tách biệt mà không gắn bó với nhau, con người sẽ không thể nào tồn tại được. Chính vì vậy, con người luôn sống thành cộng đồng có  những tác động và ảnh hưởng qua lại. Cá nhân này cần đến cá nhân khác. Có như vậy, con người mới có thể đứng vững trước bao phong ba bão táp của cuộc đời và ngày càng phát triển.  Để nói lên tinh thần liên đới, ảnh hưởng qua lại giữa con người với nhau, có câu khuyên dạy: " Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi".

Trước hết, ta cùng tìm hiểu các ngôn từ trong câu ,hai hình ảnh tương phản nhưng có mối quan hệ khăng khít với nhau: giọt nước và biển cả. Giọt nước thì bé nhỏ còn đại dương thì bao la bát ngát. Giọt nước nhỏ bé nên dễ khô cạn, dễ tan biến còn đại dương thì tồn tại mãi mãi. Dó đó, giọt nước muốn tồn tại thì không thể đứng lẻ loi, cô độc một mình mà giọt nước đó cần hòa mình vào đại dương bao la bát ngát. Câu nói " Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi" cũng dạy ta bài học tương tự. Sống trong xã hội, nếu các cá nhân chỉ dựa vào tài năng, sức mạnh của mình mà không cần đến những người khác, đến tập thể thì cá nhân đó sớm hay muộn cũng sẽ bị gục ngã vì khi gặp những khó khăn, sẽ không có ai cùng đồng hành chung sức, cuối cùng sẽ dẫn tới bị đào thải và tiêu vong.

Tại sao các cá nhân cần đến tập thể hay những người khác trong cuộc sống? Như con sóng nhỏ cần đến muôn ngàn con sóng khác để tồn tại, các cá nhân trong xã hội cũng cần đến những người xung quanh hay những người khác. Trong gia đình, con cái cần đến ông bà,cha mẹ; anh chị em cần đến sự đỡ của nhau. Khi đi ra ngoài xã hội, ta cần có bạn bè và những người khác. Cũng như bác nông dân luôn cần đến những nhà khoa học, doanh nghiệp để có thể làm ra những hạt lúa vàng. Cá nhân chỉ là cá thể nhỏ bé với nhiều giới hạn về tri thức, sức khỏe, tài năng. Nếu cá nhân nào sống biệt lập không cần đến những người khác thì làm sao có thể tồn tại lâu được. Các cá nhân đó sớm hay muộn cũng sẽ gặp thất bại và bị đào thải. Mặt khác, con người sống chung với nhau cần có tình cảm tương thân tương ái. Những lúc đường đời gian truân, thử thách ta có cần sự giúp đỡ của người khác không. Nhữn lúc cô đơn khi bị phản bội, sầu khổ khi gặp thất bại, chẳng lẽ khi đó ta không cần sự nâng đỡ ủi an của những người thân và sự động viên của bè bạn hay sao. Liệu ta có đủ bản lĩnh, và ý chí đi đến thành công mà không cần bất kì sự giúp đỡ của ai không? Ca dao việt Nam có câu: " Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao" là bài học cho chúng ta biết sống liên đới, đoàn kết lẫn nhau. Chính vì vậy, tục ngữ Việt Nam có câu: " Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết".

Bên cạnh đó, một khi sống liên đới với người khác ta sẽ phát huy được tinh thần trách nhiệm cộng đồng. Ta biết quan tâm hơn đến những khó khăn của anh em đồng loại, biết đồng cảm xót thương đến những người không may mắn như ta. Ngoài ra, khi sống trong cộng đồng ta nhận được nhiều cơ hội để vươn lên, để trưởng thành hơn cũng như để học hỏi những cái hay cái đẹp của người khác. Từ đó, ta tiếp thu được những bài học bổ ích cho tâm hồn, cho sự thăng tiến bản thân, gia đình và xã hội. Như vậy, ta sẽ nhận rất nhiều thứ quý giá khi sống hòa nhập, gắn bó với những người khác.

Phải chăng lúc nào cá nhân cũng cần đến tập thể hay những người khác? Sự khẳng định vươn lên của chính bản thân cũng giữ một phần quan trọng trong cuộc sống. Lúc nào cũng cậy dựa vào người khác mà không biết tự cố gắng vươn lên thì làm sao cá nhân đó trưởng thành được. Nếu con cái lúc nào cũng cậy dựa vào cha mẹ thì khi lớn lên bước vào đời làm sao có thể tạo sự nghiệp cho mình? Không phải lúc nào trong cuộc sống, ta cũng có sẵn người bên cạnh để nâng đỡ, ủi an hay giúp ta khi ta gặp gian nan, thử thách. Cuộc sống luôn tiềm ẩn những trở ngại, khó khăn, và thử thách bất ngờ. Bao khó khăn, trở ngại  và cả những bất hạnh có thể xảy ra vào lúc không mong chờ nhất như để thử thách lòng kiên nhẫn, dũng cảm, ý chí của con người. Trước những khó khăn thử thách ấy, mỗi người sẽ tự chọn cho mình cách đón nhận, đối đầu để có một hướng đi riêng. Có người phó thác cho số phận, có người trốn chạy, có người tự thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới, cũng có người tự chìm vào biển tự thương thân, trách phận để rồi ngã gục trong cơn giông tố của cuộc đời. Lúc đó, cuộc sống sẽ thế nào nếu ta chưa đủ tự tin, tài đức để đương đầu với những khó khăn đó.

Câu nói "Giọt nước chỉ hòa vào biển cả mới không cạn mà thôi"  có giá trị hết sức sâu sắc và chứa đựng nhiều bài học quý giá cho mọi người. Sống trong cộng đồng xã hội, ta không thể tách rời mà không hòa nhập, không có trách nhiệm với cộng đồng. Trái lại, ta phải biết sống với và cho người khác thì cuộc sống mới thành công , mới có ý nghĩa. Vận mệnh mỗi người được nối kết và gắn chặt với bao người khác như " giọt nước" gắn với "đại dương". Tương quan và liên đới là chiều kích sâu thẳm và tất yếu của con người sống với nhau trong xã hội.        

(Sưu tầm)

MẠN ĐÀM

Linh Mục Có Được Tín Hữu Kính Trọng Không?

 

Câu hỏi nầy xem ra không thừa, vì  gần như toàn thể tín hữu đều xưng tụng linh mục là "cha". Già, trẻ, bé, lớn cũng đều gọi ngài là cha. Ông nội, ông ngoại gặp cha thì đều thưa cha; do đó, con cháu phải xưng tụng ngài là "ông cố". Cha phó còn non trẻ cũng được gọi là "ông cố phó".

 

Có chổ cớ trêu là Chúa bảo môn đệ đừng đòi người ta xưng tụng mình là cha, là thầy. Linh mục phớt lờ, không hợp ý Chúa mà vẫn không là tội. Vì thật ra linh mục không đòi hỏi. Còn giáo hữu theo lời Chúa khuyên bảo phải tôn trọng linh mục.

 

Đúng ra, đời linh mục được Chúa để ý kêu gọi từ thọ thai trong lòng mẹ. Lớn lên 10, 15 tuổi được Chúa bảo thầm "hãy theo Thầy" và cậu bé đã thầm nghe. Thời gian khá dài, cậu bé trải qua những thử thách, những vui buồn, sau cùng cũng được thụ phong linh mục.

 

Dòng tộc vui  mừng vì có của lễ dâng cho Chúa. Cha mẹ, dầu trong tình trạng nào, cũng được gọi ông cố, bà cố.

 

Tạ ơn tổ chức linh đình như ông Trạng thời xưa vinh qui bái tổ. Nhưng ông Trạng làm sao sánh với linh mục, vì linh mục là alter Christus, Kitô thứ hai.

 

Tuy bề ngoài mặc áo dòng lụng thụng, giống như nữ giới bên Châu Âu thời cổ lỗ, lại có linh mục không duyên dáng, không có sức thu hút với người đời; phương diện đạo đức chắc là biết rộng hơn giáo dân thông thường, nhưng về mặt học vấn chắc còn thua xa những nhà thông thái, nhưng vì lãnh sứ mạng của Chúa Kitô, nên Hội Thánh gọi linh mục là Kitô thứ hai.

 

Do đó, có thể quả quyết linh mục là đấng thiên sai, là ánh sáng của Chúa, là gương  mẫu, là nguồn ơn tha tội và là sự sống, cho nên linh mục đáng kính, nói được phải kính trọng vì ý Chúa muốn như thế.

 

Trong thực tế đời chúng ta nhiều lần xin linh mục chúc lành.

1877    24-04-2012 16:12:11