Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Tôn Sùng Thánh Thể - Tháng 05 năm 2012

  1. Lời Chủ Chăn
  2. Thư Mục Vụ
  3. Diễn Giải Thư Mục Vụ
  4. Lời Nguyện Chung
  5. Áp Dụng Thực Hành
  6. Học Kinh Thánh
  7. Sống Đạo
  8. Tìm Hiểu Giáo Luật
  9. Trang Linh Mục
  10. Trang Tu Sĩ
  11. Trang Sống Ơn Gọi
  12. Trang Thiếu Nhi
  13. Trang Giới Trẻ
  14. Trang Gia Đình
  15. Trang Giáo Lý Viên
  16. Trang Quới Chức
  17. Sống Đẹp
  18. Chuyện Thường Ngày
  19. Hỏi Đáp Mục Vụ
  20. Một Chút Tâm Tình


LỜI CHỦ CHĂN

Toà Giám Mục Vĩnh Long
103 đường 3/2
Vĩnh Long

Vĩnh Long, ngày 25.04.2012

V/v Tôn Sùng Thánh Thể

Kính gởi:  Các Linh Mục
                 Quí Tu Sĩ,              
                Anh Chị Em Giáo Dân
Địa Phận Vĩnh Long

"Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh" (LG 11)

1.Hội Thánh là đoàn dân được kêu gọi để tham dự đời sống Thiên Chúa (LG 2). Tự bản chất,  Hội Thánh là một thực thể vừa hữu hình, bao gồm những con người mang thể xác, vừa vô hình do ơn gọi sống hiệp thông tình yêu với Thiên Chúa, theo khuôn mẫu của Chúa Giêsu, vừa mang xác phàm liên đới với mọi người vùa là Ngôi Hai Thiên Chúa luôn hợp nhất với Chúa Cha. Do đó Hội Thánh, một thực thể mầu nhiệm, được minh hoạ  bằng nhiều hình ảnh khác nhau: Hội Thánh là Dân Thiên Chúa, Nhiệm Thể của Chúa Kitô,  Đền Thờ Chúa Thánh Thần, Gia Đình của Thiên Chúa.

Đại Hội Dân Chúa muốn nói đến tương quan giữa Chúa Kitô và Hội Thánh: "Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh" (LG 11; x. SC 10; PO 5). Điều đó rất quan trọng, vì không thể có Hội Thánh mà không có Chúa Kitô, và Hội Thánh không thể tồn tại mà không cần đến Chúa Kitô.

2. Chúa Kitô Phục Sinh thiết lập Hội Thánh khi thông ban cho các Tông đồ sứ mạng và quyền năng cứu chuộc của Người: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con...Hãy lãnh nhận Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha" (Gioan 20,21-23; x. Mt 28,18-20) ). Đàng khác  Người  bảo đảm một sự hiện diện thường xuyên ở giữa Hội Thánh, giữa các Tông đồ: "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã lập Phép Thánh Thể và Chức Linh Mục Thừa Tác, để Hội Thánh luôn luôn có Chúa Phục Sinh ở với mình, bằng một sự hiện diện tuyệt vời,  để hằng ngày loan truyền mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại cho tới khi Chúa đến (x. 1 Cor 11,23-26) .

CĐ Triđentinô truyền dạy: "Trong Bí Tích Thánh Thể sau lời truyền phép trên bánh và rượu, Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật hiện diện cách độc đáo (realiter et substantialiter) dưới hình dạng khả giác của những thể chất nầy" (DS 1636).  Do đó, trong Bí Tích cực thánh nầy, chúng ta tôn thờ Đấng Cứu Chuộc chúng ta, "Chúa Giêsu Kitô, vốn là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải giành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa, song đã huỷ mình ra không, là lãnh lấy thân phận tôi đòi , trở thành giống hẳn người phàm...  đã hạ mình thấp hèn, vâng phục cho đến chết, và chếttrên thập giá. Bởi vậy Thiên Chúa đã siêu tôn Người và ban cho Người danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu"  (Phil 2,6-9).

Và cùng với Chúa Kitô hiện diện trong Bí Tích cực thánh, chúng ta tôn thờ Chúa Cha, là Đấng  "yêu thương thế gian cho đến nỗi đã ban Con Một , để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Gioan 3,16).

3. Nhờ việc rước lễ, chúng ta được thông hiệp với Mình và Máu Thánh Chúa Kitô (x. 1 Cor 11,16)  để được thông ban sự sống mới, sự sống của con cái Thiên Chúa (x. Gioan 6,41.50-52). Đức Hồng Y Timothy Dolan  quả quyết:

"Có một cách thức để gia tăng tình bạn hoặc tình yêu là ăn chung với nhau. Trong xã hội, bạn biết ai đó ùmuốn làm quen với bạn, muốn biết bạn rõ hơn, khi họ mời bạn đi ăn.

Chúng ta ngày càng yêu mên Chúa Giêsu qua việc mỗi ngày chia sẻ Bữa Tiệc Thánh Thể với Người.

Khi chúng ta ngày càng chểnh mảng, thì chuyện tình của chúng ta với Chúa sẽ tồi tệ :  Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta, thì ở lại trong Ta, và Ta ở lại trong người ấy" (Gioan 6,56).

Thánh Piô X  đã viết: Cách thức hữu hiệu nhất để gia tăng lòng yêu mến Chúa Kitô là đón nhận Người hằng ngày qua Bí Tích Thánh Thể. Lòng yêu mên và sùng kinh đối với Bí Tích Thánh Thể, là Trung Tâm và Nguồn mạch đời sống của Hội Thánh, của mỗi tín hữu, cần được giáo dục và nuôi dưỡng từ  trong gia đình  giống như người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, và sau đó tập cho con làm quen với thức ăn không thể thiếu của dân tộc, của gia đình: phải ăn cơm để sống.

Chúng ta có thể nhận định về lòng đạo của một tín hữu qua việc siêng năng hoặc lôi thôi trong việc  rước lễ. Chúng ta nên xem lại cách chúng ta lo cho con em mình đượs đến Bàn Thánh, làm quen với Chúa Giêsu Thánh Thể. Thiếu Nhi Thánh Thể là sáng kiến để tập cho thiếu nhi sống Thánh Thể, trở nên Bạn của Chúa Giêsu Thánh Thể.  Những sáng kiến khác, như  Nhà Chầu Thánh Thể, rất hũu ích, nhưng giả thiết lòng tin và lòng mến đối với Chúa Giêsu Thánh Thể  đã được nhen nhúm cho chúng ta từ khi còn bé.

Để canh tân và phát triển đời sống  Kitô hữu, chúng ta phải phát triển  sự tôn sùng Thánh Thể.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
        Giám mục của Anh Chị Em

THƯ MỤC VỤ

CHỦ ĐỀ: TÔN SÙNG THÁNH THỂ

Giáo Hội là Nhiệm Thể Đức Kitô, có Đức Kitô là Đầu, Thủ lãnh, nguyên lý sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.  Giáo Hội được chuộc lại không phải bằng vàng bạc, nhưng bằng Máu châu báu của Đức Kitô (x. 1 Pr 1, 18-19). Khi được qui tụ và hợp nhất quanh vị giám mục nơi bàn tiệc Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, thông phần vào sự sống Đức Kitô và được biến đổi nên giống Người,  được xây dựng thành cộng đoàn hiệp thông huynh đệ và dấn thân rao giảng Tin Mừng.  Như thế, Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Do đó, các mục tử phải chú tâm đến việc cử hành Thánh Thể thật sốt sắng và xứng đáng, nhất là ngày Chúa Nhật, và hướng dẫn cộng đoàn tham dự Thánh Lễ cách ý thức, tích cực và sống động hơn. Các ngài cũng cần thúc đẩy và canh tân việc sùng kính Thánh Thể, vốn đã từng nổi bật trong truyền thống Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam (Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa, số 12).

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Đức Giáo Hoàng Benêđictô XVI đã quả quyết với hàng vạn tín hữu tụ họp tại quảng trường Thánh Phêrô sau Kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật 12/6/2005 như sau: "Nếu không có Thánh lễ Chúa nhật, chúng ta, những Kitô hữu, chúng ta không thể sống được". Đây chính là lời của các thánh Tử đạo tại Abitène, Tunisie và được lấy làm chủ đề của Đại Hội Thánh Thể ở Bari, Italia, năm 2005.       

Trước đó, trong bài giảng vào ngày 29.05.2005, dịp bế mạc Đại Hội Thánh Thể toàn quốc Italia, tại Bari, ĐGH đã nhắc nhớ đến chứng tá của các vị Tử Đạo này. Ngài nói: Hôm nay, Đại Hội Thánh Thể được kết thúc, trong khi chúng ta muốn trình bày Chúa nhật như là Lễ Phục Sinh hàng tuần: "đó chính là cách biểu lộ căn tính của cộng đồng Kitô hữu và trung tâm điểm của cuộc sống và sứ mệnh của Giáo hội." Đề tài đã chọn: "Không có thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta không thể sống" đưa chúng ta đi ngược về năm 304, vào thời điểm Đại Đế Dioclétin, Vua đã cấm các Kitô hữu không được quyền sở hữu Kinh Thánh, không được tụ họp vào Chúa Nhật để cử hành Thánh Lễ và không được phép xây dựng những nguyện đường để giáo dân tụ họp... Nếu lội phạm luật cấm sẽ bị tử hình.     

Ở Abitène, một địa điểm nhỏ bé của nước Tunisie ngày nay, 49 tín hữu đã bị bắt quả tang vào một Chúa Nhật, khi họ tụ họp trong nhà của Octave Félix, để cử hành thánh lễ bất chấp lệnh nghiêm cấm của hoàng đế. Sau khi đã bị bắt, họ bị giải về Carthage, để bị quan tổng trấn Anulinus tra hỏi. Câu trả lời của Eméritius cho quan tổng trấn thật là ý nghĩa, khi quan chất vấn rằng tại sao họ đã lỗi phạm lệnh của hoàng đế ban truyền: "Nếu không có thánh lễ Chúa Nhật, chúng tôi không thể sống" (Sine dominico non possumus): nếu không được họp nhau vào này chúa nhật để cử hành thánh lễ chúng tôi không thể nào sống được, chúng tôi sẽ không có sức mạnh để đương đầu với những khó khăn hàng ngày mà không bị qụy ngã. Sau những cuộc tra tấn dã man tất cả 49 Kitô hữu anh hùng đó đã chịu tử đạo. Họ đã khẳng định đức tin của mình đến độ sẵn sàng hy sinh đổ máu.   

"Các Ngài đã tuyên xưng đức tin của mình bằng việc đổ máu đào. Các Ngài đã bị tử hình nhưng đã chiến thắng: giờ đây chúng ta kính nhớ các Ngài trong vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh."       

Và Đức Giáo Hoàng Benêđictô XVI kết luận:
"Quả thực đó chính là kinh nghiệm mà chúng ta những Kitô hữu của thế kỷ XXI cũng phải nghĩ đến. Cả chúng ta nữa, không phải dễ dàng gì để sống là người Kitô hữu"

Ba điểm chính mà ĐTC Bênêđictô XVI triển khai trong bài giảng nầy là:  thứ nhất, ý nghĩa thánh lễ ngày Chúa nhật (đề tài của Đại Hội Thánh Thể lần này); thứ hai, ý nghĩa sự hiện diện của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể và trong đời sống; thứ ba, Thánh Thể và sự hiệp nhất của Giáo Hội.

Nói về chủ đề của đại hội với khẩu hiệu: "Không có Thánh lễ Chúa nhật chúng tôi không thể sống được", Đức Thánh Cha đã giải thích nguồn gốc lịch sử của câu châm ngôn như đã trình bày ở trên và ý nghiã của câu nói nầy đối với cuộc sống chúng ta như sau: kinh nghiệm của các thánh tử đạo ở Abitène đã khiến cho chúng ta những Kitô hữu của thế kỷ 21 phải suy nghĩ, khi việc giữ đạo của chúng ta không phải là dễ dàng trong thế giới mà chúng ta đang sống, được đánh dấu bởi não trạng tranh đua tiêu thụ bởi sự thờ ơ với tôn giáo và cắt đứt liên lạc với chiều kích siêu việt. Thế giới này xem ra như một sa mạc không kém phần cam go, so với sa mạc bao la và đáng sợ của dân Do Thái xưa kia. Chính trong bối cảnh đó mà Thiên Chúa đến với chúng ta và ban cho chúng ta bánh bởi trời như lương thực dưỡng nuôi chúng ta. Việc tham dự lễ ngày Chúa nhật không phải là việc đặt ra để cưỡng bách chúng ta nhưng để giúp chúng ta kín múc và lảnh nhận sức sống từ chính Thiên Chúa Đấng ban sự sống.       

Về ý nghiã của Thánh Thể trong cuộc đời người tín hữu,  Đức Thánh Cha triển khai như sau: Thiên Chúa không để chúng ta lẻ loi trên đường đời, Ngài đã luôn ở với chúng ta và hơn thế nữa Ngài đã muốn chia sẻ thân phận với chúng ta đến độ đã muốn trở lên một với chúng ta. Làm sao mà không vui được khi nghe Chúa Giêsu nói: Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong họ, thế nhưng chúng ta biết rằng những người nghe Chúa nói như vậy thay vì vui mừng thì lại chất vấn phản đối, làm thế nào mà ông này có thể ban thịt mình cho chúng ta ăn. Thật ra thái độ này vẫn tiếp tục tái diễn qua giòng lịch sử: người ta mong muốn một Thiên Chúa cao sang vĩ đại nhưng mà đừng can thiệp vào công chuyện của chúng ta. Tuy nhiên cho dù các thính giả đặt vấn nạn, thậm chí cho dù vài môn đệ đã bỏ đi nhưng Chúa Giêsu không rút lại ý định, Ngài muốn đến gần chúng ta ban thịt Ngài cho chúng ta ăn. Chúa Giêsu muốn hiện diện giữa chúng ta, không phải một thứ hiện diện trơ trơ bất động nhưng là một sự hiện diện năng động, Ngài muốn chúng ta ăn lấy mình Ngài để biến đổi giống như Ngài, Ngài muốn nối kết chúng ta lại với Ngài kết hiệp với Ngài.       

Điểm thứ ba của bài giảng là sự hiệp nhất các Kitô hữu: tư tưởng này đã được Thánh Phaolô nhấn mạnh ở thư thứ hai gởi giáo đoàn Corintô: bởi vì chỉ có một tấm bánh, cho nên chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể; thật vậy tất cả chúng ta tham dự cùng một tấm bánh duy nhất, chúng ta không thể hiệp thông với Chúa Giêsu nếu chúng ta không thông hiệp với nhau. Nếu chúng ta muốn đến gặp Chúa thì chúng ta cũng phải đi gặp gỡ nhau, do đó chúng ta phải học biết tha thứ cho nhau, không nuôi dưỡng hận thù, nhưng sẵn sàng mở cửa trái tim để lắng nghe người khác, thông cảm với người khác. Cũng trong bối cảnh này tại thành phố Bari, nơi có mộ của thánh Nicola, điạ điểm hành hương của các giáo hội Đông và Tây phương, Đức Thánh Cha đã lập lại quyết tâm dùng hết nổ lực để đạt đến đích điểm là việc tái lập sự đoàn kết giữa các Kitô hữu . (Zenit, ngày 12.06.2005).

Nhắc nhở cho các tín hữu về Thánh Thể ĐTC nói: "Mỗi lần chúng ta tham dự Thánh Thể, đăc biệt trong ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa, thì Thánh Thể là trung tâm cuộc sống cũng như chúng ta tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật không phải vì luật buộc mà là tham dự với niềm vui dâng trào. Trong Thánh lễ chúng ta được Lời Chúa và Thánh Thể Chúa nuôi dưỡng bổ sức hầu mang lại cho cuộc sống chúng ta niềm an vui thanh thản và ý nghĩa cuộc đời" (ĐTC Bênedictô XVI, Kinh Truyền Tin, ngày 12.6.2005)

Chính vì thế mà các bậc cha mẹ phải quan tâm làm sao cho gia đình và con cái của mình biết đáp lại lời mời gọi yêu thương của Chúa Kitô qua viêc tham dự Thánh lễ Chúa nhật  và lo sao cho các trẻ được chuẩn bị chu đáo để được rước lễ lần đầu.

Nhờ việc Rước lễ và Chầu Minh Thánh Chúa chúng ta đi vào sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, để được sống hiệp thông với Hội Thánh. Do đó, cần phải quan tâm chuẩn bị cho việc Rước Lễ: "Dù chúng ta yếu đuối và tội lỗi, Đức Kitô muốn ngự trong chúng ta, hãy xin Người chữa lành.  Để thực hiện điều này, chúng ta phải làm tất cả những gì khả năng mình có thể làm để đón rước Người với một tâm hồn trong sạch, bằng cách, nhờ bí tích sám hối, không ngừng tìm lại được sự trong sạch mà tội lỗi đã làm cho ra nhơ bẩn, "bằng cách làm cho linh hồn và lời nói của mình hoà hợp với nhau" theo lời mời gọi của Công Đồng" (x. Sacrosanctum Concilium, số 11) Tuy nhiên, những ai không thể lên Rước Lễ vì hoàn cảnh của mình, vẫn có thể tìm được một cách Rước Lễ qua lòng muốn và qua việc thông phần vào sức mạnh và hiệu quả của Thánh Lễ" (Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô XVI trong Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 49 tại Québec, ngày 22.6.2008).   

Theo Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan - Phaolô II, Bí Tích Thánh Thể là sự hiện diện cứu rỗi của Chúa Giêsu trong cộng đoàn tín hữu và là lương thực thiêng liêng nuôi sống; Bí tích Thánh Thể là món quà quý báu nhất mà Giáo Hội có thể nhận được trong cuộc hành trình của mình trong lịch sử. Trong hai ngàn năm qua, những người kitô đã gặp được nơi nương náu trong "kho tàng thần linh" trong đó họ có thể làm dịu cơn khát và lấy lại sức mạnh để chu toàn những dấn thân hằng ngày của mình, với nhiều năng lực và nhiều sốt sắng hơn" (x. Thư ĐTC Gioan Phaolô II gởi cho Đức Hồng Y Joseph Tomko, 30.9.2004).

Cũng nên nhắc lại, dịp kết thúc Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế lần thứ 48 tại Guadalajara, Mêhicô, từ ngày 10 đến 17 tháng 10 năm 2004, Đức Hồng Y Josef Tomko,  đặc sứ của Đức Giáo Hoàng, đã tóm tắt thành quả của Đại Hội được kết tinh trong bảy kết luận như sau:                
1. Thật khẩn thiết phải chú tâm đến Thánh Thể trong thánh lễ Chúa Nhật. Đây là kết luận chính yếu của Đại Hội.           
2. Cần phục hồi lại Lễ và Kiệu Mình Máu Thánh Chúa Kitô.           
3. Cần phục hồi lại giờ Chầu Thánh Thể dưới tất cả mọi hình thức, kể cả việc chầu Thánh Thể ban đêm.  
4. Cần tìm lại việc rước lễ thường xuyên và xứng đáng, đi kèm với Bí Tích Hòa Giải (xưng tội).  
5. Cần phải tăng cường tinh thần truyền giáo phát sinh từ Thánh Thể.        
6. Cần chia sẻ bàn ăn và Thánh Lễ với các người nghèo, trong phục vụ bác ái. Cần nối kết việc dấn thân tinh thần với các nhu cầu của người nghèo.     
7. Cần canh tân đức tin, sự hy sinh, sự hiệp thông và phục vụ trong Thánh Thể, như là dấu chỉ cho Giáo Hội Công giáo và cho thế giới (Zenit, ngày 18/10/2004).

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

Cũng như Manna là của nuôi dân Do Thái suốt 40 năm trong sa mạc; cơm bánh là của ăn nuôi con người suốt đời sống trần gian, thì Thánh Thể là Bí tích Thần Lương cho Hội Thánh suốt đời trần thế. Chúng ta phải tôn sùng Thánh Thể, và hiệp ý cầu nguyện:

1.      Chúa phán: "Bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống". Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn sống xứng đáng để cử hành Bí tích Thánh Thể, và hưởng nhờ hiệu quả của Bí tích ấy.

2.      Chúa phán: "Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời". Chúng ta cầu nguyện cho các kitô-hữu luôn quan tâm tôn sùng Thánh Thể Chúa, sốt sắng tham dự Thánh Lễ, và siêng năng rước  lễ.

3.      Chúa phán: "Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống". Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu luôn siêng năng kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể để được thông phần sự sống của Chúa Ba Ngôi, hạnh phúc muôn đời.

4.      Sau khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa phán: "Các con hãy làm việc này để nhớ đến Ta". Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, thường xuyên tham dự Thánh lễ và rước lễ, để được kết hợp mật thiết với Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Thánh Thể Con Chúa làm của nuôi linh hồn chúng con, xin cho chúng con xứng đáng tôn sùng Thánh Thể Con Chúa, được sống trong Chúa, và được hưởng phước đời đời trên thiên đàng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

TIN THỜ THÁNH THỂ

Mỗi lần Chầu Thánh Thể là mỗi là ta được nghe câu hát "ta hãy lấy đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì". Tại sao lại phải lấy đức tin bù lại? Làm sao để tin rằng Tấm Bánh trên bàn thờ chính là Chúa Giêsu đang hiện diện? Và tin vào sự hiện diện của Chúa ta phải sống thế nào?

Trước hết, phải nhìn nhận rằng Bí tích Thánh Thể là Bí tích cao trọng hơn hết vì chính Chúa ban chính con người của Ngài cho chúng ta, nhưng lại là Bí tích đòi hỏi ta phải giục lòng tin nhiều nhất. Cũng tấm bánh này, cũng màu sắc này, cũng mùi vị này nhưng sau lời truyền phép của linh mục đã trở thành Mình và Máu Chúa. Đâu là điểm tựa cho niềm tin này? Giở lại Kinh thánh khi Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, thánh Maccô thuật lại như sau: "Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy. "Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa". Khi Chúa Giêsu thực hiện hành vi này Ngài không nói: đây là đại diện cho mình Thầy, là hình ảnh mình Thầy mà Chúa nói: Đây là Mình Thầy. Tức là tấm bánh mà Chúa Giêsu cầm trên tay và con người của Ngài là một hay nói cách khác tấm bánh đã trở nên Mình Chúa. Và cũng cùng một nghi thức ấy khi Chúa Giêsu cầm chén rượu và trao cho các tông đồ. Vấn đề đặt ra ở đây là Chúa Giêsu có thể làm được điều đó không? Hỏi câu này xem ra có vẻ như thừa nhưng cũng phải biết rằng Chúa Giêsu có thể làm được mọi sự cho nên việc cho tấm bánh, cho chén rượu trở nên Thịt và Máu Ngài là việc quá dễ dàng.

Sau khi đã thực hiện Bí tích tình yêu thì Chúa lại truyền cho các tông đồ cũng như cho những người môn đệ khi Người lập Bí tích Truyền Chức Thánh "Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy", có nghĩa rằng khi anh em cử hành lại cử chỉ này thì chính Thầy sẽ hiện diện như lại Thầy đang hiện diện đây. Niềm tin vào Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể không phải là một niềm tin mơ hồ nhưng là một thực tại, một dấu chỉ hữu hình sự hiện diện của Chúa.

Tin vào Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể mang lại cho ta niềm vui khi được ở thật sự bên Chúa khi chúng ta dâng Thánh lễ, viếng Chúa... ta biết rằng chính Chúa đang ở cùng ta, nói chuyện với ta, nhìn thấy ta, đồng cảm với những vui buồn sướng khổ.

Tin vào Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể đem lại cho ta sự bình an thật sự. Ở bên Chúa, nghe Chúa dạy bảo, quyết tâm thực hành Lời Chúa chính là sống theo Thánh Ý Chúa. Chúa là Đấng quyền năng, là Vua Cả trời đất mà nay đang hiện diện bên ta, nâng đỡ ta thì có gì mà có thể làm ta không dám tiến bước trong hành trình đức tin. Thánh Phaolô nói "Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?" (Rm 8, 31).

Tin vào Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta nên giống Chúa và dấn thân phục vụ anh em. Vì yêu thương Chúa đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho con người trong hành trình về nhà Cha thì những ai được mời gọi lãnh nhận Bí tích tình yêu cũng phải biết sống tình yêu, yêu anh em, yêu thương đồng loại, những người bị loại trừ theo hình ảnh của Chúa Giêsu. Chiêm ngắm, lãnh nhận Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh thể, nhớ lại những việc Chúa Giêsu đã làm khi còn tại thế còn đưa ta đến những đáp ứng tâm linh đạo đức. "Nếu là Chúa Giêsu, thì Ngài sẽ hành xử thế nào?" là câu hỏi mà mọi người tín hữu chúng ta phải luôn tự đặt cho mình để ta được nên giống Chúa mỗi ngày một hơn

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin gia tăng niềm tin để chúng con luôn tin tưởng vững vàng vào sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh Thể nhờ đó đời sống của chúng con luôn được hạnh phúc, an vui vì cảm nhận Chúa luôn ở bên chúng con và xin cho chúng con biết quyết tâm sống đẹp lòng Chúa, nên giống Chúa. Amen.

HỌC KINH THÁNH

BÀI 17:   THƯ GỬI TÍN HỮU CÔLÔSÊ  (tiếp theo)

6/ Đâu là những giáo thuyết sai lạc Thánh Phaolô nêu ra trong thư?

Những giáo thuyết sai lạc như chủ trương Đức Kitô chưa đến.
Ngược lại thánh Phaolô coi Đức Kitô đã đến rồi bằng sự kiện

Thiên Chúa đã "giải phóng chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đem vào nước con cái chí ái Người" (1, 13).

Giáo thuyết sai lạc chủ trương việc tạo dựng được hình thành

do những phát sinh từ một thần linh nguyên thủy. Ngược lại, thánh Phaolô trình bày Đức Kitô là "hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử giữa mọi thọ sinh" (1,15), vì trong thuyết sai lạc cho sinh mệnh con người bị ảnh hưởng bởi những hành tinh, cho nên họ nhấn mạnh tới lối tu đức tự khổ chế và sùng bái các tà thần. Ngược lại thánh Phaolô công bố: "họ không liên kết với Đức Kitô là Đầu, chính Người làm cho toàn thân được nuôi dưỡng, được kết cấu chặc chẽ nhờ mọi thứ gân mạch và dây chằng, và được lớn lên nhờ sức Thiên Chúa ban" (2,19).

7/ Những giáo lý quan trọng trong thư Côlôsê là gì?

Những giáo lý chính yếu đó là:

-      Chúa Kitô "ưu việt trên mọi sự và trong Ngài mọi sự được tồn tại" (1, 17).

-      Trong Chúa Kitô "ẩn giấu mọi kho tàng khôn ngoan và hiểu biết" (2,3).

-      "Chúa Kitô trong anh em là niềm hy vọng vinh quang" (1, 27).

-      Trong Chúa Kitô "không còn Hy lạp hay Do thái, nô lệ hay tự do...Nhưng Đức Kitô là tất cả mọi sự trong mọi người" (3,11).

8/ Thư Côlôsê được viết cho những tầng lớp nào?

Thánh Phaolô viết cho các phụ huynh và con cái, cho chủ và tớ. Những lời khuyên được tóm gọn trong câu "làm gì thì hãy đem cả tâm hồn mà làm như cho Chúa chứ không phải cho người đời" (3, 23).

Vài câu đáng ghi nhớ trong bức thư:

-       "Lòng anh em hãy hướng về những điều trên cao, đừng hướng về những điều dưới đất" (Col 3, 2).

-      "Hãy chịu đựng lẫn nhau, tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho anh em" (Col 3,13).

-      "Trên hết mọi sự đức mến là đầu mối của mọi sự trọn lành" ( Col 3, 14).

-      "Điều anh em làm trong lời nói lẫn việc làm, hãy làm mọi sự vì danh Đức Giêsu Kitô" (Col 3,17).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết gạt bỏ những toan tính nhỏ nhen ích kỷ để con góp phần xây dựng tình hợp nhất ngay trong cộng đoàn con đang sống. Amen.

SỐNG ĐẠO

SỨ MẠNG CỦA CON NGƯỜI

Thiên Chúa là Đấng tạo dựng tất cả. Trời đất, muôn vật đều do Chúa tạo thành. Mọi vật Chúa đều định đặt cho một mục đích tối chung. Chúng ta có thể quả quyết: mục đích tối chung của vạn vật là làm sáng danh Chúa và hạnh phúc cho chính sự vật.

Ngoài mục đích tối chung thì Chúa cũng đặt để nhiều mục đích phụ thuộc. Con người Chúa dựng nên ngoài mục đích tối chung, Chúa cũng chỉ định nhiều mục đích phụ thuộc.

Con người gồm phần thiêng liêng và thể chất và Chúa đặt để con người làm vua vũ trụ, nghĩa là Chúa ban cho con người có quyền sử dụng, hướng dẫn vạn vật đạt mục đích tối chung và mục đích phụ thuộc. Đó cũng chính là phận sự của con người phải có đối với Chúa.

Chúa ban cho con người làm vua vũ trụ, để sinh sản và hướng dẫn. Chúa bảo Adong và Eva: hãy sinh sôi cho đầy mặt đất. Cùng với việc truyền sinh, Chúa cũng bảo hai ông bà phải hướng dẫn, dạy dỗ con cái cho nên người, nên con Chúa. Đó chính là những mục đích phụ thuộc mà Chúa đòi chúng ta phải phúc trình.

Đã đành chúng ta không có quyền sống cho thể xác, đeo đuổi tửu sắc, tài khí hay chỉ sống cho mình, chỉ cần xem lễ đọc kinh đàng hoàng là đủ.  Phải sống không những cho mình, cho con cái, mà còn cho đời mới. Phải chu toàn cả những nhiệm vụ phụ thuộc thì cuộc sống đạo của chúng ta mới đầy đủ và thật sự làm vui lòng Chúa.

Chúng ta có nhớ nhiệm vụ sinh dạy con cái không? Chúng ta đã giữ thế nào? Có hài lòng về cuộc sống của mình không?

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

SỰ PHÂN LY ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG TRONG GIÁO HỘI (tt)
(Đ. 1143-1150)

4. Đặc Ân Đức Tin

Trên nguyên tắc, Giáo hội không can thiệp vào những đôi hôn nhân của người ngoài Công giáo: hôn nhân của người ngoài Công giáo được quy định bởi những nguyên tắc luân lý tự nhiên và dân luật của mỗi quốc gia và từng địa phương đó. Tuy nhiên, khi có liên quan đến đức tin và phần rỗi, Giáo hội sử dụng quyền bính được Chúa Kitô giao phó để tháo gỡ đôi hôn nhân đã thành hiệu theo luật tự nhiên. Vi lý do đó, học lý gọi chung là "đặc ân đức tin" (privilegium fidei) hay là "nhằm đến đức tin" (in favorem fidei), được đề cập tới trong các điều từ 1143-1150. Chúng ta có thể phân biệt thành hai loại khác nhau: đặc ân thánh Phaolô và đặc ân thánh Phêrô. Chúng ta bắt đầu với trường hợp thứ nhất, quen gọi là "đặc ân thánh Phaolô".

4.1. Đặc Ân Thánh Phaolô

       a. Khái niệm.

Sở dĩ gọi là đặc ân thánh Phaolô, vì dựa trên uy tín của thánh Phaolô cho phép người tín hữu rời bỏ người bạn ngoại đạo nếu người nầy ngăn trở việc giữ đạo. Nguyên văn trích từ thư thứ nhất gởi công đoàn Cô-rin-tô 7,10-16 như sau:

"Những ai đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ.

Còn với những người khác, thì tôi nói-chính tôi chứ không phải Chúa-: nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy, con cái anh em sẽ là ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh. Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau! Chị là vợ, biết đâu chị chẳng cứu được chồng? Hay anh là chồng, biết đâu anh chẳng cứu được vợ?" (1Cr 7, 10-16).

Như vậy, theo thánh Phaolô, các người Kitô hữu không được phép ly dị, vì đó là điều Chúa truyền. Nhưng nếu là đôi hôn nhân giữa người Kitô với người ngoại, thì thánh Phaolô khuyến khích hãy cố gắng duy trì đời sống vợ chồng, vì biết đâu nhờ đó người ngoại sẽ trở lại đạo; tuy nhiên, nếu người ngoại đòi ly dị, thì thánh Phaolô dùng quyền của mình cho phép người Kitô hữu được ly dị.

Thánh Phaolô viết những dòng nầy từ thế kỷ thứ nhất, nhưng Giáo hội bắt đầu rút ra hệ luận từ thế kỷ XII, dưới thời Đức Giáo hoàng In-nô-xen-tê III (thư gởi Đức Cha Hugo, giám mục Ferrara ngày 01-5-1199), tuy với cách áp dụng hơi khác. Thánh Phaolô nói đến trường hợp người Kitô hữu đã lập gia đình với người ngoại và bị người nầy gây khó khăn. Còn Giáo luật thì nói đến hoàn cảnh đội vợ chồng ngoại đạo, mà người kia không muốn: nhân danh thánh Phaolô, Giáo hội cho phép người trở lại đạo được tháo gỡ dây hôn nhân, và lập giá thú khác.

    b. Thủ tục

Để có thể sử dụng đặc ân thánh Phaolô, điều 1143 đòi hỏi hai điều kiện sau đây: thứ nhất, một bên đã trở lại đạo, nghĩa là đã lãnh phép Rửa tội; thứ hai, bên kia không muốn trở lại, hoặc ít ra không sống chung thuận hoà mà không xúc phạm tới Đấng Tạo hoá.

Nhằm hiểu rõ ý định của người ngoại đạo, điều 1144 dự trù việc chất vấn, để xem người ngoại có muốn lãnh phép Rửa tội hay không; hay có muốn ít ra chung sống thuận hoà với người đã rửa tội và không xúc phạm tới Đấng Tạo hoá hay không. Sự "xúc phạm tới Đấng Tạo hoá" (contumelia Creatoris) là một từ ngữ bao hàm tất cả những gì ngăn trở việc giữ đạo, chẳng hạn như: không cho phép người bạn đi nhà thờ, không cho giáo dục con cái theo giáo lý Công giáo, vi phạm sự chung thuỷ, v.v...

Thông thường, việc chất vấn được thực hiện sau khi một bên đã được rửa tội, do Bản quyền sở tại của người đã trở lại đạo. Tuy nhiên, vì lý do quan trọng, Bản quyền sở tại có thể cho phép thực hiện sự chất vấn trước khi rửa tội. Thậm chí còn có thể miễn chuẩn sự chất vấn nếu có bằng cớ rằng sự chất vấn không thể thực hiện được hay sẽ vô ích.

Giá thú xem như được tháo, và người trở lại đạo có thể lập giá thú mới khi phía bên kia đã trả lời là không chấp nhận sự sống chung, hoặc không trả lời sau khi đã trải qua một thời gian mà Bản quyền đã ấn định. Việc miễn chuẩn sự chất vấn cũng có hiệu quả tương tự.

Nếu bên kia được chất vấn, mà trả lời là chấp thuận tiếp tục sống chung thuận hoà, không xúc phạm tới Đấng Tạo hoá, nhưng sau đó lại đổi ý khi không có lý do chính đáng, thì người trở lại đạo cũng có quyền kết lập giá thú khác, sau khi đã trình bày cớ sự lên Bản quyền để người tuỳ nghi lập lại việc chất vấn hay không.

Theo lẽ thường thì người trở lại đạo nên lập giá thú với người Công giáo ngõ hầu việc giữ đạo và giáo dục con cái được bảo đảm hơn. Tuy nhiên, khi có lý do trầm trọng (như trong vùng có ít người Công giáo), thì Bản quyền địa phương có thể cho phép kết hôn với người ngoài Công giáo, miễn là giữ những thủ tục mà giáo luật đòi hỏi về hôn nhân hỗn hợp (đ.1147).

Trích: Phan Tấn Thành, Giải thích Giáo luật 1983. 

TRANG LINH MỤC

Chân Phước Gioan Phaolô II say mến Chúa Giêsu Thánh Thể

Từ thuở nhỏ, câu bé Karol đã chứng tỏ một tâm tình đạo đức sâu xa. Mỗi sáng trước khi đến trường, cậu luôn luôn ghé lại nhà thờ cầu nguyện trước Thánh Thể. Một người bạn thường học chung với Woityla đã ghi trong hồi ký của mình: "Cứ mỗi lần ôn xong một bài học, Karol rời khỏi phòng và một lúc sau mới trở lại. Có lần, vì cánh cửa không được đóng kín, tôi thấy Karol đang quỳ cầu nguyện. Karol thể hiện lòng đạo đức một cách rất kín đáo".

Lòng đạo đức của song thân đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Karol, chính cậu đã xác nhận: "Chính mẹ tôi đã dạy cho tôi cầu nguyện và say mến Chúa Giê-su Thánh Thể. Sau khi mẹ tôi chết, rồi tiếp theo đó người anh cả cũng chết theo, và như vậy tôi sống đơn côi với cha tôi, một người có lòng đạo đức thâm sâu. Hàng ngày tôi có thể quan sát thấy lối sống khắc kỷ của ngài. Trước đây ngài theo binh nghiệp, và sau khi mẹ tôi qua đời, cuộc sống của ngài trở thành lời cầu nguyện liên lỉ. Những thử thách đau đớn ập đến trên người đã mở ra nơi người những chiều sâu thiêng liêng bao la, nỗi buồn của người biến thành lời cầu nguyện. Thỉnh thoảng thức giấc nửa đêm, tôi nhìn thấy ngài vẫn quỳ gối cầu nguyện, như tôi thường thấy ngài quỳ trong nhà thờ. Chỉ nhìn người quỳ gối tôi cũng đã nhận được một ảnh hưởng quyết định trên những năm niên thiếu của tôi. Gương sáng của người đủ để dạy cho tôi về kỷ luật và ý thức bổn phận (Hồng ân và huyền nhiệm, tr. 18).

Khi nhận lời làm Giám Mục Phụ Tá giáo phận Cracovia vào năm 1958, ngài đã ghé vào nhà nguyện Dòng Ursuline, sấp mình cầu nguyện trước Thánh Thể 8 tiếng đồng hồ (Ấn tượng Gioan Phaolô II, tr. 54).

Vào năm 1978, khi tuyển chọn một vị tân giáo hoàng, yếu tố đè nặng trên quyết định của các hồng y: chọn một người suy niệm và cầu nguyện để làm giáo hoàng. Và các vị đã nhận ra nơi hồng y Karol Woityla, một mẫu gương của cầu nguyện.

Thật vậy, cầu nguyện là nền tảng mọi hoạt động nhân bản và mục vụ của Đức Gioan Phaolô II. Hiện nay, khi đã lên ngôi giáo hoàng, dù bận bịu biết bao công việc, mỗi ngày ngài đã dành nhiều giờ trước Thánh Thể, trung bình 7 tiếng mỗi ngày. Ngài nói : "Cả thế giới có quyền chờ đợi nhiều nơi Đức Giáo Hoàng. Vậy, Đức Giáo Hoàng sẽ không bao giờ cầu nguyện cho đủ".

Học giả Jean Guitton, thuộc Hàn Lâm viện Pháp viết về ngài: "Khi tham dự thánh lễ của ngài, người ta có cảm tưởng đang thông phần vào cuộc gặp gỡ của riêng một người với một mình Thiên Chúa"(Ấn tượng Gioan Phaolô II, tr. 38).

Trước mỗi chuyến công du, ngài cầu nguyện rất nhiều và xưng tội trước khi đi công du. Ngài vẫn giữ thói quen rất lành thánh là xưng tội hàng tuần.

Ngài cổ võ mạnh mẽ cho việc tôn sùng Thánh Thể. Thông Điệp Thánh Thể vừa được ngài ban hành là thông điệp thứ 14 và là thông điệp mới nhất của ngài.

Khi phải viết về những giáo huấn liên quan đến đức tin, ngài thường quỳ gối viết trước Thánh thể, gần giống như thánh Thomas Aquino dựa đầu vào Nhà Tạm trước khi nói về Thánh Thể (Đối thoại với Đức Gioan Phaolô II, tr. 520  

Khi mừng kỷ niệm năm mươi năm thụ phong linh mục, Đức Gioan-Phaolô II viết: "Cử hành Thánh lễ là phận vụ tuyệt diệu và thánh thiêng nhất của mọi linh mục. Và đối với tôi, ngay từ những năm đầu đời linh mục, việc cử hành Thánh Thể không chỉ là bổn phận thiêng thánh nhất của tôi, mà đặc biệt còn là nhu cầu thâm sâu nhất của linh hồn tôi" (22). Vài năm sau, trong Thông điệp về Thánh Thể lúc đó nhằm dịp kỷ niệm hai mươi lăm năm làm Giáo hoàng, Đức Gioan-Phaolô II tái khẳng định tình yêu Ngài đối với Thánh Thể: "Từ hơn một nửa thế kỷ nay, mỗi ngày, kể từ ngày 02/11/1946, tôi đã dâng Thánh lễ đầu tiên trong nguyện đường thánh Léonard, tại nhà thờ chánh tòa Wawel giáo phận Carcovie, mắt tôi luôn tập trung vào bánh thánh và chén thánh, nơi đó thời gian và không gian như "hòa quyện" với nhau; và ở đó thảm kịch Gôngôtha lại được tái diễn cách mạnh mẽ, thông tỏ "tính hiện tại hóa" huyền nhiệm của biến cố. Mỗi ngày, đức tin giúp tôi nhận ra trong bánh và rượu được truyền phép Người Lữ khách thần linh, đã có một ngày đồng hành với hai môn đệ Emmau, để mở mắt họ đón nhận ánh sáng và mở tâm hồn họ đón nhận hy vọng (x. Lc 24, 13-25) (23).

Đức Gioan-Phaolô II cho thấy việc  Tôn thờ Thánh Thể giúp các linh mục  có thể  yêu thương và hiến mình như Chúa Giêsu.  Lòng kề lòng với Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể, không trở nên vô ích. Không những nó mang lại sự nghỉ ngơi, bình an và an ủi, mà còn mời gọi kết hợp với tác động hiến dâng tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu. Đó là Chúa Giêsu đang sống động và đã phục sinh mà ta tôn thờ, nhưng Ngài còn đang hiện diện trong tác động hiến dâng và tình thương cho đến cùng, nhờ tình yêu đối với Cha Ngài và nhân loại. Hiến tế tình yêu của Chúa Kitô, Đấng cứu thế cứu độ chúng ta và giúp chúng ta khi được cứu độ, đến lượt mình cũng biết hiến mình và đáp lại tình yêu: "Nếu thật sự chúng ta phải dùng tình yêu đáp lại Tình Yêu, đã chọn lịch sử con người để mặc khải mình, và nếu chúng ta làm điều đó khi yêu thương và phục vụ anh em mình; thì cũng thật sự chúng ta không thể  yêu thương và phục vụ nhờ tình yêu, nếu chúng ta không ăn rễ sâu trong tình yêu cao cả nhất nhờ việc tôn thơ". "Thánh Thể mang ý nghĩa tình yêu này, và như thế Thánh Thể luôn nhắc nhở và làm cho tình yêu này trở nên hiện thực, đồng thời thể hiện tình yêu này(...). Với tình yêu được mặc khải như ân ban huyền diệu và nhưng không trong hy tế cứu độ của Con Thiên Chúa, mà Thánh Thể là dấu chỉ không phai nhòa, sẽ phát sinh trong ta một thái độ đáp trả tình yêu sống động. Không những chúng ta nhận biết tình yêu, mà còn bắt đầu yêu mến. Có thể nói, chúng ta bước vào con đường tình yêu và thăng tiến trên con đường này. Tình yêu phát sinh trong ta nhờ Thánh Thể, sẽ phát triển, được đào sâu và trở nên mạnh mẽ trong ta cũng nhờ Thánh Thể".

TRANG TU SĨ

HÃY ĐẾN VỚI THẦY!

"Con ơi, Thầy ở đây! Thật sống động trong Bánh Thánh này.  Thầy chính là Chủ và là Chiên Thiên Chúa của con, là Thầy và là Đấng Cứu Chuộc con. Thầy nghĩ đến con trong giờ hấp hối. Thầy đã đổ ra từng giọt máu vì con. Thầy không ngừng nghĩ đến con - nhìn xem con - bao bọc con bằng tình thương êm ái của Thầy.  Phải, chính Thầy gọi tên con và đợi chờ con ở đây...". Đó là lời mở đầu một cuốn sách có tựa đề "Bên Lòng Chúa" của Cha Gaston Courtois.  Với tôi, những lời lẽ ấy thật hay và ý nghĩa hơn những bức thư tình được đánh giá là hay nhất thế giới.  Mang lấy tâm tình ấy vào trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh cùng với khí trời se lạnh của vùng tây nguyên vắng lặng, tôi như uống lấy từng lời vang vọng của Thầy Giêsu trong đêm tiễn biệt với các môn đệ: "Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em.  Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy... Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy, Máu đổ ra vì anh em".  Chúa Giêsu đã yêu và vì yêu Ngài hiến tế chính thân mình Ngài cách trọn vẹn cho người yêu .... Ngài đã nên của ăn của uống cho con người, cho tôi, cho bạn.

Lúc còn nhỏ, trong một lần tham dự giờ chầu Thánh Thể tôi hân hoan xướng theo mọi người "Bánh có đủ mọi mùi thơm ngon".  Rồi từ đó tôi ao ước biết bao được rước lấy Bánh Thánh để được nếm trãi "mọi mùi thơm ngon", nhưng với trí óc non nớt của đứa trẻ mười tuổi tôi đã thốt lên: "Bánh Thánh đâu có mùi vị gì đâu".  Nhưng rồi năm tháng Thánh Thể Chúa nuôi dưỡng linh hồn tôi, những chỉ dẫn của quý Cha - quý Sơ trong xứ đạo đã giúp tôi cảm nhận được sức mạnh của Tình Yêu Chúa nơi Bí Tích Thánh Thể, nhất là từ lúc đi tu đến nay tôi càng khám phá ra rằng những lúc buồn chán, cô đơn, thất vọng... Nhà Tạm Chúa chính là nơi cho tôi sức mạnh để vượt qua gian khó. Khi bị hiểu lầm, chỉ trích, bị bỏ rơi... Chúa Giêsu Thánh Thể cho tôi niềm an ủi nâng đỡ.  Tấm Bánh trắng nhỏ đúng thật không mùi không vị, nhưng một khi trở nên Mình Thánh Chúa qua Lời Truyền Phép của vị linh mục đã trở nên thiêng liêng quý giá hơn cả sức tưởng tượng của con người "Bánh có đủ mọi mùi thơm ngon".  Nhờ sự dưỡng nuôi của Bánh Thiêng mà mọi đắng cay cuộc sống này rồi sẽ trở thành niềm vui hạnh phúc vì được một Tình Yêu tròn đầy chiếm hữu.

Nói đến đây tôi nhớ đến một phép lạ về Bí Tích Thánh Thể xảy ra tại Lộ Đức và đã được ghi lại trong sách "Các Phép Lạ tại Lộ Đức". Phép lạ đã đem đến niềm vui tròn đầy cho người tin tưởng: Một em bé trai người Pháp bị bệnh tê bại nửa thân dưới. Căn bệnh làm em và gia đình thật khốn khổ, nhất là niềm tin bị thử thách không nhỏ vì gia đình em rất đạo đức và em đặc biệt có lòng yêu kính Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria.  Một lần kia em xin cha mẹ mang em đến Linh địa Lộ Đức để cầu nguyện trong dịp lễ mừng Kính Đức Mẹ.  Trong buổi kiệu Mình Thánh Chúa, em được cha mẹ đặt ngồi trên chiếc xe lăn gần lối đi mà Cha kiệu Mình Thánh Chúa sẽ đi qua.  Khi Mình Thánh Chúa gần đến em tha thiết cầu xin với thái độ thành kính xin Chúa chữa lành... Cha đi ngang qua được một đoạn ... bỗng nghe tiếng em khóc và la to: Giêsu, con mét Mẹ cho mà coi !!!  Những người xung quanh nhìn em ái ngại, nhiều tiếng xì xào ... Cha quay trở lại, và khi đến trước mặt em Cha đưa Mình Thánh Chúa lên cao ban phép lành trên em.  Đứa bé lúc đó vẫn còn khóc thút thít bỗng dưng im lặng và sau một lúc ngập ngừng em vụt đứng dậy khỏi xe lăn, giơ hai tay lên và la to: Cám ơn Giêsu! Mẹ ơi, con khỏi rồi !!! Những người hiện diện cũng cùng một niềm vui òa vỡ ...

Tôi không dám mong muốn được một ơn trọng đại như thế, nhưng tôi có được cảm nhận rằng:  Đến với Giêsu Thánh Thể tôi có được niềm vui, đến với Giêsu Thánh Thể tôi có được an bình, và đến với Giêsu Thánh Thể tôi mới có đủ sức mạnh hòa mình theo lời ca: "Trong Giêsu, chúng ta là Tấm Bánh, gọi thế giới sống sẻ chia. Trong Giêsu, chúng ta là Yêu Thương, mời thế giới chia tình người ".

MTG Cái Nhum

MỖI NGÀY MỘT GIỜ TRƯỚC THÁNH THỂ

Hôm đó là một trong những ngày đầu tháng Sáu, dịp tĩnh tâm hàng năm của Hội Dòng. Lớp chúng tôi gồm bảy chị em họp mặt tại Nhà Mẹ để chia sẻ cho nhau những công việc mục vụ, những kinh nghiệm thiêng liêng, những buồn vui trong đời tu sau một năm công tác.  Và một câu hỏi được đặt ra: điều quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất (cả mặt tích cực lẫn tiêu cực) đối với bạn trong đời dâng hiến là gì?

Từng người lần lượt chia sẻ những kinh nghiệm riêng của mình. Có nhiều ý tưởng khác nhau như: đời sống cộng đoàn, ba lời khấn: khiết tịnh - khó nghèo - vâng phục, lề luật, nội quy, tình yêu thương bác ái, công việc mục vụ họ đạo... điều nào cũng thích hợp và hữu ích cho chị em. Trong khi những "tư tưởng lớn" và hay ho được đưa ra và bàn luận sôi nổi, thì trong góc phòng, có một người chị em vẫn ngồi im lặng lắng nghe. Thấy vậy, Chị trưởng nhóm mới gợi ý:

- "Còn Tuyết Hoa thì sao? Em có kinh nghiệm nào chia sẻ với cộng đoàn để mọi người cùng học hỏi không?"

Tuyết Hoa là một nữ tu hiền lành, ít nói nhất trong nhóm, lúc này mới lên tiếng:

- Các Chị đã cho em những bài học thật là quý báu trong đời tu. Em cám ơn các Chị lắm! Kinh nghiệm sâu sắc và là phương châm sống cho đời tu của em chỉ đơn giản là: sống thân tình với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.

Một khoảng thời gian im lặng trôi qua, mọi người đều suy nghĩ về lời chia sẻ của Tuyết Hoa. Đây đâu phải là một việc mới mẻ, lạ lẫm gì đối với một người sống đời thánh hiến. Vậy tại sao chúng tôi lại phải suy nghĩ?

Phải suy nghĩ, vì từ lâu nay, hầu hết chúng tôi chỉ đầu tư khả năng, sức khoẻ, thời gian cho công việc, cho những tư lợi vô bổ, những tranh đua hơn kém... mà ít khi quan tâm đến cái cốt lõi là Bí Tích Thánh Thể - tình yêu thâm sâu của Thiên Chúa, đã vì yêu mà thịt máu mình, trở nên của ăn thần thiêng nuôi dưỡng nhân loại. Đây mới chính là trung tâm của mọi hoạt động và nguồn sống của Giáo Hội.

Thật ra, theo tinh thần của các Nhà Lập Pháp Tối Cao trong Giáo Hội về việc ý thức và cổ võ lòng tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễ, như Đức Phaolô VI (trong thông điệp Mysterium Fidei), và Đức Chân Phước Giáo Hoàng (trong tông thư Ecclesia de Eucharistia cho Năm Thánh Thể), các Đấng Bề Trên qua Nội Quy của Hội Dòng, đã đề ra quy định: mỗi ngày Chị em phải có một khoảng thời gian nhất định cho việc cầu nguyện riêng trước Thánh Thể. Đặc biệt, tại Nhà Mẹ, chúng tôi còn có "mỗi ngày một giờ trước Thánh Thể". Và kể từ sau cuộc họp mặt hôm đó, tôi đã quyết tâm trung thành với phương châm "mỗi ngày một giờ trước Thánh Thể" này.

"Mỗi ngày một giờ trước Thánh Thể" từ ngày ấy đã trở thành một thói quen, một cuộc hẹn hò của tôi mỗi ngày với Chúa Giêsu Thánh Thể. Dù bận rộn với công việc, tôi cố gắng sắp xếp thời gian để trung thành với quyết tâm của mình. Đôi khi không thể thực hiện được, tôi vẫn có thể tâm sự, kết hiệp với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể ngay trong lúc làm việc.

"Mỗi ngày một giờ trước Thánh Thể" đã thực sự trở nên người bạn và nguồn động lực lớn cho tôi, đồng hành và giúp tôi vượt qua những thử thách cam go trong đời tu. Mỗi ngày được ngồi lại trước Thánh Thể Chúa, tôi cảm thấy được bình an trong tâm hồn.

"Mỗi ngày một giờ trước Thánh Thể." Đó là giờ tôi được tiếp xúc với Chúa thật sự, một con người sống động. Chúa Giêsu Thánh Thể vừa là Chúa để tôi tôn thờ; vừa là Cha để tôi yêu mến; vừa là một người bạn hiểu biết, thông cảm và lắng nghe để tôi có thể gần gũi. Những khi vui, tôi đến với Chúa để chia sẻ; mỗi lúc gặp đau khổ, tôi chạy đến với Ngài để được soi sáng, an ủi, đỡ nâng. Có nhiều lúc bị chìm trong đêm tối của tâm hồn, không thấy Chúa đâu, tôi vẫn tin Người luôn ở bên và tín thác vào Người.

Mẹ Giáo Hội, với ơn Chúa, đã rất sáng suốt khi đưa ra lời khuyên và những hướng dẫn thực hành trong việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễ, để con cái mình có thể đến với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể một cách dễ dàng mà tôn thờ, yêu mến, tạ ơn Chúa. Hãy năng đến với Bí Tích Thánh Thể, bạn sẽ gặp được nguồn bình an đích thực trong tâm hồn. Nếu không có nhiều thời giờ, bạn có thể dành ra ít phút để sống với Chúa trong Bí Tích cực thánh này. Chắc chắn bạn sẽ được biến đổi.

MTG Cái Mơn

TRANG SỐNG ƠN GỌI

SỰ TRƯỞNG THÀNH

Cổ nhân từng nói: "Nhân vô thập toàn" châm ngôn này phù hợp với cuộc sống con người trong mọi thời đại, nhất là khi con người phải đối diện với những đan xen "tốt" - "xấu", "thiện" - "ác" trong từng giây phút sống! Điều này đòi hỏi mỗi người phải chọn cho mình một hướng đi chính chắn, để từ đó có thể hoàn thành sứ mệnh "làm người" đúng ý nghĩa của mình hoà hợp giữa "thể lý và tinh thần" trong xã hội hay trong cộng đoàn tu trì - đó là chiều kích trưởng thành của con người.

Đứng trước thực trạng chung của thế giới ngày nay, Giáo hội mời gọi những ai theo đuổi ơn gọi tu trì cần phải nhận ra vai trò - vị thế - sứ mạng của mình để có thể bước vào đời - dấn thân làm chứng cho tình yêu dâng hiến và phục vụ Tin Mừng hiệu quả.

Muốn trở thành một sứ giả của Tin Mừng thực sự, đòi hỏi người ấy phải trưởng thành trong ơn gọi của mình, nghĩa là phải được huấn luyện về mọi chiều kích cần thiết trong cuộc sống, không chỉ đào tạo kiến thức về triết học - thần học và khoa học, mà còn phải được huấn luyện để trưởng thành về mặt nhân bản, tình cảm, xã hội và tâm linh nhằm giúp cho họ "trở thành những con người nhất quán, và đặc biệt là để có sự quân bình trong phán đoán và trong thái độ ứng xử." (PDV, số 43).

1. Trưởng thành nhân bản

Là khả năng phán đoán khách quan về đời sống cá nhân, chấp nhận mình trong hoàn cảnh thực tế, không ảo tưởng những gì vượt quá những nhu cầu theo bản năng. Nhờ đó hiểu rõ hơn về chính mình, nhận biết những giới hạn, những khuyết điểm, cũng như những khả năng, những ưu điểm - để từ đó nhận thức về mình là "ai", "thế nào", "làm gì", "ở đâu"... để biết Xem - Xét - Làm một cách hợp tình hợp lý nhất. Trưởng thành nhân bản hay "biết mình" là một giả định thiết yếu cho sự hoà hợp tâm lý và sự phát triển nội tâm. Vậy ai chưa "biết mình" thì chưa thật sự trưởng thành nhân bản.

2. Trưởng thành tình cảm

Là biết tự chủ, biết giữ sự quân bình giữa cảm xúc, lý trí và nội tâm, tức là không để tình cảm bị chi phối điều khiển bởi cảm giác, nhưng bởi lý trí và ý chí hoà hợp với cảm xúc và nội tâm thể hiện trong từng cá nhân.

Sự quân bình tình cảm là khả năng sống hài hoà giữa cảm xúc và lý trí. Nếu chưa trưởng thành tình cảm người ta dễ bị cảm xúc chi phối khi rơi vào thất vọng, chẳng hạn như: thi trượt, không được tuyên khấn, không được tiến chức... hoặc phản ứng bằng thái độ không hài lòng như nóng nảy, giận dữ, xung đột, hay than thân trách phận.... Ngược lại, một người trưởng thành biết thừa nhận những thất bại, chấp nhận trách nhiệm, thiếu sót, yếu kém của mình để phân định và tìm phương hướng vượt qua hay sửa chữa lại những sai lạc, theo châm ngôn: "thất bại là mẹ thành công."

3. Trưởng thành xã hội

Là khả năng giữ sự quân bình trong tương quan đời sống cộng đoàn, trong tình liên đới với anh em và mọi người chung quanh bằng đời sống chia sẻ, giao tiếp hài hoà giữa thái độ "lắng nghe và đón nhận." Trưởng thành về chiều kích xã hội là biết sống chung và hiệp thông với người khác bằng thái độ chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ bằng cách trợ lực lẫn nhau "hầu tạo được những quan hệ đổi mới ngay bên trong cũng như bên ngoài cộng đoàn mình" (Tu Sĩ và Sự Thăng Tiến Con Người. số 33,c).

4. Trưởng thành tâm linh:

Là nét nổi bật của đời sống tu trì, là hành vi cuốn hút con người lao mình về Thiên Chúa, cố gắng hướng tầm mắt và cõi lòng về Thiên Chúa, đó chính là hành vi cao cả và sung mãn nhất của tinh thần - hành vi này chỉ đạo toàn bộ mọi sinh hoạt rộng lớn của người tu (x.Chiều Kích Chiêm Niệm của Đời Tu. số 1). Một khi người tu trưởng thành trong chiều sâu tâm linh, thì trong mỗi thái độ hay cử chỉ của họ khi đối diện với những biến cố quan trọng cũng như trong những hoàn cảnh bình thường trong cuộc sống, họ biết sống hết mình với bổn phận của mình, còn sự thành công - thất bại tuỳ thuộc vào Thiên Chúa trong niềm vui - hạnh phúc. (x. Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến. số 65). Sự trưởng thành này được biến đổi nhờ ơn sủng của Chúa Thánh Thần, dưới ánh sáng của Tin Mừng, làm cho người tu có khả năng sống đời sống cầu nguyện và nhiệm hiệp với Thiên Chúa và giúp họ phát triển khả năng sống và hoạt động trong Giáo hội - Gia đình dòng tu một cách năng động trong sự hiệp thông và tình liên đới.

Trưởng thành trong ơn gọi tu trì không chỉ là nhờ việc huấn luyện - giáo dục dựa trên những chiều kích: thể lý, luân lý, tri thức và tâm linh theo đường hướng của những nhà huấn luyện, mà sự trưởng thành này còn đòi hỏi nơi từng người trách nhiệm về chính mình trong sự tự do đáp lại lời mời gọi của lương tâm bước theo Chúa, để biện minh cho sự lựa chọn thực tiễn và đặt giá trị đời tu trong sâu thẳm lòng mình.

Ngoài ra, tiến trình của sự trưởng thành không phải là một hình thức áp đặt từ bên ngoài, mà xuất phát "từ bên trong" của từng cá nhân. Tiến trình này tiệm tiến nhờ sự huấn luyện và nhờ kinh nghiệm sống đời tu của mỗi người. Khi đã đạt được sự trưởng thành, người tu sẽ có đủ kiến thức và kinh nghiệm thực hiện đời sống theo Chúa Kitô, và hướng tới tương lai.

TRANG THIẾU NHI

Người tín hữu có còn không lòng khao khát Thánh Lễ?

Vào thời gian đạo công giáo quê nhà bị cấm đoán, một thương gia Công Giáo người Đức đi lên miền Bắc cực làm ăn. Vì công việc, ông phải lưu lại đó suốt Mùa Giáng Sinh.

Biết ông là người Công giáo, một gia đình đã mời ông đến nhà để cầu nguyện lén lút với họ trong đêm Giáng Sinh. Trong đêm lạnh buốt, họ cùng quây quần nơi ngôi nhà nhỏ của vị bô lão đã đến tuổi thất tuần.

Sau lời chào bình an, lời kinh nguyện và bài Kinh thánh như thường lệ, ông lão kéo ngăn bàn và lấy ra một hộp nhỏ. Trong hộp có một chiếc khăn thánh đã úa vàng theo thời gian. Vừa nâng chiếc khăn lên, ông lão vừa rưng rưng trong giọng nói:

- Cách đây 50 năm, Thánh lễ Giáng Sinh cuối cùng trên mảnh đất chúng ta đang sống đã được dâng trên chiếc khăn thánh này. Lúc ấy tôi là một thanh niên giúp lễ. Đây là vật duy nhất còn sót lại, Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu đã ngự trên chiếc khăn này.

Sau khi nghe những lời ấy mọi người quỳ gối cùng dâng lời cầu nguyện:

- Lạy Chúa, xin cho chúng con được tự do. Xin gửi cho chúng con các Linh mục đển chúng con được phúc mừng lễ Giáng Sinh, để chúng con được dự phần vào Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.

Thương gia người Đức bồi hồi cảm động. Ông khao khát lãnh nhận Thánh Thể, một sự khao khát mà trước kia ông chưa hề có, cho dù ông vấn đến nhà thờ dự lễ hàng ngày.

Trải qua 50 năm mà không có Thánh lễ thật đáng buồn và thiệt thòi cho vùng ấy. Bởi không có Thánh lễ con người mất đi nguồn thức ăn nuôi sống linh hồn. "Ai ăn thịt Ta và uông máu Ta thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào thời sau hết" (Ga 6, 54). Nhưng rồi điều đáng buồn hơn là có Thánh lễ dâng lên hằng ngày mà nhiều người tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm. Thật là thiếu sót khi người ta chỉ dành cho việc thờ phượng Chúa, đón rước Chúa trong những giờ rảnh rang. Hầu hết thời gian người ta dành cho công việc con người. Tại sao Thiên Chúa dám làm người để cứu độ con người nhưng con người lại không dám làm con Thiên Chúa? Tại sao Thiên Chúa muốn ở lại với con người nhưng con người lại không màng đón rước Chúa?

Có bao giờ chúng ta cảm thấy khao khát Thánh lễ như vị bô lão suốt 50 năm trời không Thánh lễ không? Hay ta tỏ ra quá quen đến mức nhàm chán như việc đi chợ hằng ngày, để rồi ta tham dự Thánh lễ cách qua lo chiếu lệ, đánh mất tâm tình mến yêu hay đáp đền cho cân xứng. Có lẽ khi rơi vào hoàn cảnh thiếu thốn thực sự, không Thánh lễ, không Bí tích, không Giáo lý, lúc đó ta mới hiểu được ý nghĩa của câu lời Chúa: "Thịt Ta thật là của ăn, máu ta thật là của uống. Ai ăn thịt ta và uống máu Ta thì sẽ ở trong Ta và Ta ở trong người ấy" (Ga 6, 56)

Có lẽ ngày này nhiều tín hữu vẫn chưa ý thức và hiểu được tầm quan trọng và giá trị mà Thánh Thể mang lại cho đời sống con người. Thánh Thể là của ăn quý nhất trong tất cả của ăn. Tham dự Thánh lễ là việc làm danh dự nhất, vinh quang nhất vì con người được tham dự vào công việc tế lễ của Thiên. Rước lễ là việc đạo đức cao quý nhất trong tất cả các việc đạo đức như bác ái, cầu nguyện hay công tác tông đồ. Vì rước lễ sốt sắng là cả một quá trình chuẩn bị trong đời sống chứ không phải hiểu đơn giản là một hành động đưa tay rước lấy mình Ngài.

Vì chưa ý thức và chưa cảm nghiệm được giá trị của Thánh lễ, nên nhiều người vội vàng đưa nhiều lý do để tự cảm thấy an lòng khi mình không tham dự Thánh lễ: tôi phải làm việc suốt ngày, nhà tôi quá xa nhà thờ; tôi phải đi học suốt ngày thời giờ đâu mà đi lễ...để rồi nhà thờ vắng bóng thưa người, lời kinh nhạt dần, Thánh lễ không ấm cúng. Tất cả những lý do để biện minh cho sự ươn lười, biếng nhát, thiếu khao khát đều không chính đáng.

Người ta kể rằng, khi mẹ Têrêsa Calcutta sang Liên Xô. Liên Xô có ngỏ ý muốn xin Mẹ cho lập chi nhánh của Dòng mẹ ở đó. Mẹ đã đồng ý nhưng với một điều kiện: xin cho có Linh mục để mỗi ngày dâng Thánh lễ cho các nữ tu. Mẹ giải thích lý do: sỡ dĩ các nữ tu có đủ tinh thần nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những nghèo khổ sự an ủi, phục vụ và yêu thương, đó là nhờ Mình Máu Chúa mà họ rước mỗi ngày.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa đã hiện diện giữa chúng ta và trong chúng ta qua Bí tích Thánh Thể. Xin Chúa cho chúng ta  hết lòng yêu mến Bí tích Thánh Thể và năng chạy đến Chúa Giêsu Thánh Thể để được Ngài bồi dưỡng, ủi an.

DẠY CON CẦU NGUYỆN

BÀI 5.  CẦU NGUYỆN TRƯỚC BỮA ĂN

"Đức Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cái, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ và môn đệ trao cho đám đông" (Mt 14, 19).

Chúa Giêsu dạy chúng nhận biết mọi lương thực đều do Thiên Chúa ban. Nhờ lương thực chúng ta được sống vui và sống khỏe. Đó là ý nghĩa lời cầu nguyện trước bữa ăn. 

Cha mẹ sử dụng thời khắc nguyện cầu trước bữa ăn để dạy con nhận biết Thiên Chúa là Đấng tác tạo, duy trì cuộc sống. Ngài đã ban cho chúng ta những gì cần thiết cho đời sống. Một trong những lời cầu nguyện trước bữa ăn cổ xưa nhất được ghi lại trong Thánh Vịnh 104: "Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa, đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn. Ngài ban xuống muôn vật lượm về, Ngài mở tay muôn loài thỏa thuê ơn phước". 

Cha mẹ có thể dạy con lời cầu nguyện bằng điệu hát. Thánh Vịnh 145 còn có lời nguyện trước bữa ăn khác: "Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê". 

Thời khắc cầu nguyện trước bữa ăn cho các em ba cơ hội để: 

- Tập cầu nguyện trước đám đông, càng cầu nguyện nhiều trước người khác, lời cầu nguyện càng dễ dàng và lưu loát hơn. 

- Tập cầu nguyện nối tiếp 

- Cầu nguyện trước bữa ăn không nên là bài hát hay lời thuộc lòng. Các em có thể tự mình nên lời với Chúa.  Hãy cho con cơ hội tự nên lời mà không bám lấy văn bản vì đây là lúc đào luyện tâm linh. 

- Học biết thực phẩm là một ơn ban Nếu gia đình đủ ăn đủ mặc, đó đã là niềm may mắn. Hãy dạy con biết ơn Thiên Chúa, và sẵn sàng chia sẻ niềm may mắn của mình với anh em thiếu thốn.

Thành Tín, dunglac.org

TRANG GIỚI TRẺ

YÊU MẾN CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ

Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ". (Ga 3, 16 - 17)

Người cũng đã nói với các Tông đồ: "Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu". (Ga 15, 13)

Thật vậy, Thiên Chúa mà ta tôn thờ là Thiên Chúa tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người được thể hiện bằng sự trao hiến trọn vẹn. Người chẳng tiêc xót gì ngay cả đứa Con Một là Chúa Giêsu.

Đặc biệt, Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể trở thành lương thực thiêng liêng cao quý nuôi dưỡng phần rỗi đời đời cho những ai tin vào Người và đến với Người. Chính Chúa Giêsu đã lập nên Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc sau cùng với Tông đồ.

Trong diễn từ về Bánh Hằng sống Chúa Giêsu đã nói: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".(Ga 6, 51). Như thế, Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội  (Thư chung hậu Đại hội dân Chúa năm 2010, số 12).

Tin và đón nhận Chúa Giêsu Thánh Thể vào cuộc đời là ta đang gắn kết đời mình vào nguồn sống là Thiên Chúa tình yêu. Là thành viên của gia đình Giáo hội ta không thể sống mà không gắn kết đời mình với Chúa Giêsu Thánh Thể. Do đó, có yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể ta mới thấy mình có bổn phận gắn kết đời mình với Người.

Người trẻ trong thời đại hôm nay đang bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng. Thật tai hại cho những ai sống theo lối sống này. Vì lối sống này làm cho con người ta chỉ biết có cuộc đời này, thế giới này và sự sống nay còn mai mất này. Từ đó, người trẻ Công giáo không thấy cần phải yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể làm chi. Mà nếu như vậy thì ta đã tự cắt đứt khỏi nguồn sống của mình.

Hãy tự nhắc nhở mình cuộc đời này chưa là tất cả mà còn phải biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Để rồi nhờ việc yêu mến Người, ta gìn giữ được sự sống trọn vẹn của mình.  

TUỔI TRẺ - ĐỨC TIN - CUỘC SỐNG

NHỮNG BÀI GIÁO LÝ CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

Bài Giáo Lý Thứ Nhất về Cầu Nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI

Dưới đây Bài Giáo Lý của ĐTC Bênêđictô XVI về Cầu Nguyện trong Các Nền Văn Hóa Thời Cổ , được ban hành trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ngày Thứ Tư mùng 4 tháng năm 2011. Bài này được chuyển ngữ từ bản Tiếng Pháp của Tòa Thánh.         

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn bắt đầu một loạt bài giáo lý mới. Sau những bài giáo lý về các Giáo Phụ của Hội Thánh, các nhà thần học vĩ đại của thời Trung Cổ, những khuôn mặt phụ nữ thời danh, giờ đây tôi muốn chọn một chủ đề mà tất cả chúng ta đều trân quý: đó là chủ đề cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện theo Kitô giáo, cách cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta và Hội Thánh tiếp tục dạy chúng ta.  Thực ra chính trong Chúa Giêsu mà con người có khả năng tiếp cận Thiên Chúa qua tình phụ tử và liên hệ con thảo sâu xa và mật thiết. Cùng với các môn đệ đầu tiên, giờ đây chúng ta hãy khiêm tốn tin tưởng hướng về Chúa và cầu xin Người: "Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện" (Lc 11, 1).

Trong các bài giáo lý sắp đến, qua tiếp cận Thánh Kinh, truyền thống vĩ đại của các Giáo Phụ Hội Thánh, của những Bậc Thầy tâm linh, Phụng Vụ, chúng ta muốn học cách sống mối liên hệ của chúng ta với Chúa, một cách mãnh liệt đặc biệt hơn nữa trong "trường cầu nguyện."

Thực sự chúng ta biết rõ rằng không được coi việc cầu nguyện là điều tất nhiên: cần phải học cách cầu nguyện, và phải luôn luôn học đi học lại nghệ thuật này; ngay cả những người rất tiến bộ trong đời sống tâm linh luôn cảm thấy cần phải đến trường của Chúa Giêsu để học về cầu nguyện một cách chân chính. Chúng ta học được bài học đầu tiên của Chúa qua gương sáng của Người. Các sách Tin Mừng mô tả cho chúng ta về việcChúa Giêsu liên tục đàm đạo cách mật thiết với Đức Chúa Cha: đó là một sự hiệp thông sâu xa của Đấng đến trong thế gian không phải để làm theo ý Mình mà làm theo ý Chúa Cha là Đấng đã sai Người đến để cứu độ nhân loại.

Trong bài giáo lý đầu tiên này, như bài vào đề, tôi muốn đưa ra một vài thí dụ về cầu nguyện trong các nền văn hóa cổ thời, để chứng tỏ rằng con người hầu như luôn luôn và ở mọi nơi đều cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

Tôi mở đầu với Ai Cập cổ đại, như một thí dụ điển hình. Ở đây, một người mù, qua việc cầu xin thần linh phục hồi thị lực cho mình, chứng tỏ một điều gì đó phổ quát của loài người, đó là lời cầu nguyện trong sáng và đơn giản của một người đang đau khổ.  Người ấy cầu nguyện: "Tâm hồn con mong ước được thấy Ngài ... Ngài là Đấng đã làm cho con thấy bóng tối, xin hãy tạo ra ánh sáng cho con. Xin làm cho con được thấy Ngài! Xin hãy ghé dung nhan đáng mến của Ngài trên con" (A. Barucq - F. Daumas, Các Thánh Thi và Kinh Nguyện của Ai Cập cổ đại (Hymmes et prières de l'Egypte ancienne, Paris 1980).  Xin cho con được thấy Ngài; đó là trọng tâm của cầu nguyện!

Trong các tôn giáo của Mesopotamia, là những tôn giáo bị thống trị và tê liệt bởi mặc cảm tội lỗi thần bí, nhưng không mất hy vọng được Thiên Chúacứu độ và giải thoát.  Cho nên chúng ta có thể hiểu rõ giá trị của lời cầu nguyện này từ một tín hữu của các tín ngưỡng cổ xưa, được vang vọng như sau: "Ôi lạy Thiên Chúa, là Đấng khoan dung ngay cả đối với các tội trầm trọng nhất, xin tha tội con .... Lạy Chúa, xin đoái nhìn tên nô lệ kiệt quệ này, và xin thổi làn gió nhẹ của Ngài trên nó: xin tha cho nó mà chớ chần chờ. Xin giảm bớt hình phạt nặng nề của Ngài. Xin giải thoát con khỏi tù đày, cho con được thở một lần nữa, xin bẻ gẫy xiềng xích của con, xin nới lỏng gông cùm cho con" (MJ Seux, Các thánh thi và cầu nguyện với các thần minh của Babylon và Assyria (Hymnes et prière aux Dieux de Babylone at d'Assyrie), Paris 1976). Tất cả những cách diễn tả trên cho thấy con người, trong việc tìm kiếm Thiên Chúa của mình, đã có trực giác, dù còn mơ hồ, một mặt  về tội lỗi của mình, và mặt khác về những bình diện của lòng thương xót và nhân lành của Thiên Chúa như thế nào.

Trong tôn giáo dân ngoại của Hy Lạp cổ đại, người ta có thể thấy một phát triển rất đáng kể: những lời cầu nguyện, trong khi tiếp tục xin Thiên Chúa trợ giúp để được trời thương trong tất cả các hoàn cảnh của cuộc sống thường nhật và được những ích lợi vật chất, đã từ từ hướng đến những lời cầu xin ít vị lợi hơn, là điều giúp cho các tín hữu đào sâu mối liên hệ với Thiên Chúa và trở nên người tốt hơn. 

Thí dụ, triết gia thời danh Plato ghi lại một lời cầu nguyện của thầy mình, là Socrates, được coi là một trong những người sáng lập ra tư tưởng Tây Phương. Socrates đã cầu nguyện như sau: "... xin ban cho cho con vẻ đẹp nội tâm của linh hồn! Còn bên ngoài, xin cho con chấp nhận những gì con có, để không mâu thuẫn với con người nội tâm.  Xin cho con coi người khôn ngoan là giàu có; và cho con được sự giàu sang mà chỉ người tự chủ có thể gánh vác và chịu  đựng" (Plato, Các Tác Phẩm I. Phaedrus, 279c). Trên hết mọi sự, ông đã muốn có vẻ đẹp nội tâm và sự khôn ngoan, mà không muốn sở hữu nhiều tiền của.

Trong những kiệt tác vĩ đại về văn chương này của mọi thời đại phải kể đến những bi kịch Hy Lạp, ngay cả ngày nay, sau 25 thế kỷ, vẫn đượcngười ta đọc, suy nghĩ và trình bày, trong đó có một nội dung cầu nguyện phản ảnh ước muốn được biết Thiên Chúa và thờ phượng uy phong của Ngài. Một trong những bi kịch ấy nói rằng: "Ôi đấng làm cho trái đất di chuyển, và đồng thời cũng ngự trên nó, Jupiter, Ngài là ai, đấng mà nhãn quan của loài hay chết, định luật của thiên nhiên, hoặc trí tuệ của con người không thể thấy được, con tôn kính Ngài, vì bằng những cách bí mật, Ngài cai quản tất cả mọi sự thuộc về nhân loại theo công lý" (Euripides, Les Trojennes, 884-886). [Khái niệm về] Thiên Chúa vẫn còn một chút mơ hồ, tuy nhiên, con người nhận ra Thiên Chúa mà họ không biết này và cầu nguyện với Đấng hướng dẫn định mệnh của trái đất.

Cũng thế trong số người Rôma, là những người tạo thành đế quốc vĩ đại mà trong đó Kitô giáo được sinh ra và phát triển, cầu nguyện, dù liên quan đến quan niệm vị lợi và đặt căn bản trên việc cầu xin Thiên Chúa bảo vệ đời sống của cộng đồng dân sự, đôi khi mở đầu bằng những lời cầu xin đáng ngưỡng mộ vì sự nhiệt thành của lòng sùng kính cá nhân, được biến đổi thành lời ngợi khen và tạ ơn. Một tác giả Rôma tại Phi Châu ở thế kỷ thứ hai sau CN, là Apuleiô, đã minh chứng điều này. Trong tác phẩm của ông, ông đã diễn tả sự không hài lòng của người đương thời của ông đối với tôn giáo truyền thống và ước vọng có một liên hệ đích thực hơn đối với Thiên Chúa. Trong kiệt tác tựa đề là Metamorphoses của ông, một tín hữu trình lên một nữ thần những lời này: "Lạy Thần Linh Thánh, nguồn ơn cứu độ muôn đời, đấng bảo vệ đáng mến yêu của loài hay chết, là đấng không tiếc tình yêu thương mẫu tử đối với họ trong cơn đau khổ của họ. Không có một ngày, một đêm hoặc cả một giây phút nào qua đi mà không được đánh dấu bằng một trong những ơn phúc của ngài" (Madaura Apuleius, Metamorphoses, xi, 25).

Trong thời gian này, Hoàng đế Marcô Aureliô - cũng là một triết gia suy tư về tình trạng của con người - đã  khẳng định sự cần thiết phải cầu nguyện để thiết lập một sự hợp tác có hiệu quả giữa hành động của thần thánh và hành động của con người. Ông viết trong Hồi Ký/Tư Tưởng (Souvenir/Pensées) của ông: "Ai nói với bạn rằng các thần minh không giúp chúng ta bằng lệ thuộc vào chúng ta? Hãy bắt đầu cầu nguyện và bạn sẽ thấy" (Tự điển Tâm Linh (Dictionaire de Spiritualité) XII/2, col. 2213).

Lời khuyên này của vị hoàng đế triết gia đã thực sự được thực hiện bởi vô số thế hệ loài người trước Đức Kitô, chứng minh rằng cuộc sống con người trở nên mất ý nghĩa và định hướng nếu không có cầu nguyện, là điều mở cuộc sống của chúng ta ra với mầu nhiệm của Thiên Chúa.  Thật vậy, trong mỗi lời cầu nguyện, người ta luôn nói lên sự thật về con người như loài thụ tạo, là loài một mặt cảm nghiệm được sự yếu đuối và khốn cùng của mình, do đó xin Trời phù giúp, mặt khác được Trời ban cho một phẩm giá đặc biệt, cho nên trong khi chuẩn bị đón nhận Mặc Khải của Thiên Chúa, đã khám phá ra rằng mình có thể bước vào sự hiệp thông với Ngài.         

Các bạn thân mến, trong những thí dụ về cầu nguyện của các kỷ nguyên và những nền văn minh khác nhau này chứng tỏ rằng con người ý thức được tình trạng thụ tạo của mình và sự lệ thuộc vào một Đấng khác cao trọng hơn mình và là nguồn mạch của mọi sự tốt lành. Con người thuộc mọi thời đại cầu nguyện bởi vì họ không ngừng thắc mắc về ý nghĩa của cuộc đời, là điều vẫn còn mù mờ và làm cho họ băn khoăn, nếu không được đặt trong sự liên hệ với mầu nhiệm của Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài cho thế gian.

Cuộc sống con người là một sự pha trộn giữa thiện và ác, giữa đau khổ oan uổng, và niềm vui cùng cái đẹp, là những điều thúc đẩy chúng ta một cách tự nhiên và không thể cưỡng lại được đến việc cầu xin Thiên Chúa ban ánh sáng và sức mạnh để giúp đỡ chúng ta trên thế gian và mở ra một niềm hy vọng vượt ra ngoài biên giới sự chết.

Các tôn giáo của dân ngoại vẫn là một lời khẩn cầu tứ trái đất, đang chờ một lời từ trên Thiên Đình. Một trong những đại triết gia ngoại giáo cuối cùng, người đã sống hoàn toàn trong thời đại Kitô giáo, Proclô ở Constantinople, đã nói lên ước vọng này, rằng: "Lạy Đấng Bất Khả Tri, không ai có thể ngăn cản được Ngài. Tất cả những gì chúng con nghĩ đều thuộc về Ngài. Những điều xấu và tốt của chúng con đều đến từ Ngài, mọi ước vọng đều lệ thuộc vào Ngài, Ôi Đấng khôn tả, linh hồn chúng con cảm thấy sự hiện diện của Ngài, và dâng lên Ngài bài thánh thi cô tịnh" (Hymnes).

Trong các thí dụ về cầu nguyện của những nền văn hóa khác nhau mà chúng ta vừa nói đến, chúng ta thấy một bằng chứng về chiều kích tôn giáo và lòng ao ước Thiên Chúa được ghi trong tâm hồn mỗi người, là điều được thể hiện và được diễn tả đầy đủ trong Cựu Ước và Tân Ước.  Thực ra, Mặc Khải thanh lọc và mang ước vọng nguyên thủy của con người về Thiên Chúa đến viên mãn, ban cho họ, trong cầu nguyện, khả năng có một mối liên hệ mật thiết hơn với Cha trên trời.

Giờ đây, ở bước đầu cuộc hành trình của mình trong "trường cầu nguyện" chúng ta hãy xin Chúa soi sáng tâm trí chúng ta để mối liên hệ với Người trong cầu nguyện luôn được sâu đậm, trìu mến và liên tục hơn. Một lần nữa, chúng ta hãy thưa: "Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện" (Lc 11, 1).

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ, giaoly.org

Mọi ý kiến, thắc mắc của các bạn trẻ về đức tin và luân lý có thể thể gửi về cha đặc trách giới trẻ theo địa chỉ  dưới đây để tham vấn:

Cha Tôma Nguyễn Ngọc Tân
Nhà Thờ Chánh Toà Vĩnh Long
141, Lê Thái Tổ, P. 2 - Tp. Vĩnh Long

Email: gioitrevinhlong@gmail.com

TRANG GIA ĐÌNH

GIÁO LÝ HÔN NHÂN
PHẦN MỘT:  ƠN GỌI HÔN NHÂN

Sách Sáng thế kể lại: Sau khi đã dựng nên Ađam, Thiên Chúa phán: "Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó." Khi thấy Evà, Ađam đã sung sướng kêu lên: "Này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!" (x. St 2,18-23).

Hôn nhân trước hết là một ơn gọi. Qua việc phối hợp trong tình yêu, hai vợ chồng được mời gọi trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa (x.St 1,26-28), một Thiên Chúa yêu thương và luôn trung tín (x. Hs 2,21).

Tình yêu và sự trung tín của Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ nhân loại.

Chúa Giêsu chỉ sống trên trần gian ba mươi ba năm, nhưng đã dành ba mươi năm sống trong gia đình Nadarét. Điều đó cho thấy hôn nhân và gia đình có một tầm mức quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nơi Chúa Giêsu, các đôi vợ chồng nhận ra Thiên Chúa là Đấng đã khởi xướng, cũng như luôn đồng hành và làm cho hôn nhân và gia đình trở thành con đường hạnh phúc, dẫn con người đến sự hiệp thông với nhau và hiệp thông với Thiên Chúa tình yêu.

BÀI 1. ƠN GỌI HÔN NHÂN
TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA

Từ ban đầu Tạo Hoá đã dựng nên con người có nam có nữ  và Ngài đã phán: "Vì thế, người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một huyết nhục" (Mt 19,4-5).

Có thể nói, hôn nhân và gia đình là một trong những thể chế cổ xưa nhất của loài người. Hôn nhân đã được Kinh Thánh đề cập đến ngay từ những trang đầu [x. St 1,27-28; 2,18-25], và rồi hình ảnh hôn nhân lại được Kinh Thánh nhắc đến nơi những trang cuối [x. Kh 21,2.9.17]. Điều đó cho thấy, hôn nhân không phải chỉ là một định chế thuần tuý của con người, mà trước hết còn nằm trong chương trình của Thiên Chúa, khi Ngài dựng nên con người có nam có nữ, và mời gọi họ: "Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó" (St 1,28).

1. Hôn nhân là gì?

Hôn nhân là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với ý thức tự do và trách nhiệm, để sống yêu thương và giúp đỡ nhau trong tình nghĩa vợ chồng; để sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ [x. GLHT 1601].

2. Nguồn gốc của hôn nhân

Nguồn gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa. Sách Sáng thế kể lại rằng ngày thứ sáu, sau khi đã tạo dựng nên trời đất, cây cối và muôn loài muôn vật,Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất". Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh mình. Thiên Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Ngài tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất" (St 1,26-28).

Ngoài ra, sách Sáng thế còn nói một cách cụ thể hơn về việc kết hiệp vợ chồng: "Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống. Thiên Chúa phán: "Đàn ông ở một mình không tốt, Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó". Vậy Thiên Chúa khiến cho Ađam ngủ say, và khi ông đang ngủ, Ngài lấy một xương sườn của ông, và đắp thịt lại. Thiên Chúa làm cho chiếc xương sườn đã lấy từ Ađam trở thành người đàn bà, rồi dẫn đến Ađam. Ađam liền nói: "Bây giờ xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì bởi người nam mà ra".

Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai nên một thân thể. (St 2,7.18.21-24)

Cả hai câu chuyện trên đều cho thấy hôn nhân đã xuất hiện ngay từ khởi đầu công trình sáng tạo và do ý muốn của Ngài. Khi tạo dựng, Thiên Chúa đã không dựng nên con người cô độc, hoặc chỉ là nam, hoặc chỉ là nữ, nhưng đã dựng nên con người có nam, có nữ và đã tác hợp họ nên vợ chồng, thành "một xương một thịt". Nguồn gốc của hôn nhân chính là Thiên Chúa. Ngài là Đấng tác tạo hôn nhân và đã khắc ghi ơn gọi hôn nhân vào trong bản tính của con người khi tạo dựng nên họï có nam có nư õ[x. GLHT 1603].

3. Tình yêu là yếu tố căn bản của hôn nhân

Thiên Chúa là Tình Yêu [x. 1Ga 4, 8.16], Đấng duy nhất nhưng không đơn độc. Nơi bản thân, Ngài đang sống mầu nhiệm hiệp thông và yêu thương giữa Ba Ngôi Vị: Cha, Con và Thánh Thần. Vì yêu thương mà dựng nên con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa cũng mời gọi họ sống yêu thương và hiệp thông.

Khi sống yêu thương, con người thể hiện đúng với bản chất của mình là hình ảnh Thiên Chúa, được dựng nên để sống yêu thương và hiệp thông với nhau. Tình yêu là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người [x. GLHT 1604]. Tình yêu cũng là yếu tố căn bản của hôn nhân. Sự trao tặng thân xác giữa hai vợ chồng chỉ có ý nghĩa khi thể hiện sự tự hiến chính mình vì tình yêu. Tình yêu là nền móng xây dựng những mối tương quan gia đình. Đối với con cái, tình yêu của cha mẹ trở thành dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa. Sứ mạng của đời sống gia đình là bảo toàn, biểu lộ và truyền đạt tình yêu. Hôn nhân và gia đình được thiết lập là do tình yêu, được sinh động cũng là do tình yêu, sức mạnh và mục đích cuối cùng lại chính là tình yêu [x. GĐ 18].

4. Mục đích của hôn nhân

Tự bản chất, hôn nhân hướng đến hai mục đích: Lợi ích của đôi vợ chồng và lưu truyền nòi giống (sinh sản và giáo dục con cái) [x. GLHT 1601; x. GL 1055 §1]. Hai mục đích này luôn đi đôi với nhau, mặc dù có những lúc mục đích này được nhấn mạnh hơn mục đích kia.

4.1. Trọn đời yêu thương và bổ túc cho nhau

Nhờ khế ước hôn nhân, người nam và người nữ "không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt" (Mt 19, 6; x. St 2, 24), và được mời gọi mỗi ngày một trở nên gắn bó với nhau hơn qua việc nỗ lực sống cam kết trao hiến trọn vẹn cho nhau.

Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ sự thu hút tự nhiên về giới tính, cũng như từ sự bổ túc lẫn nhau giữa nam và nữ, được nuôi dưỡng nhờ những nỗ lực của đôi bạn muốn chia sẻ cho nhau trọn cả bản thân trong suốt cuộc đời.

4.2. Sinh sản và giáo dục con cái

Tự bản chất, hôn nhân hướng đến việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh hoàn thành hôn nhân.

Con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên được cha mẹ truyền lại cho con cái qua việc giáo dục. Theo nghĩa này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống và hạnh phúc [x. GLHT 1652-1653].

5. Hạnh phúc đời hôn nhân

Hôn nhân bao giờ cũng đi đôi với ước vọng trăm năm hạnh phúc. Đối với người Công giáo, hạnh phúc thật là được sống trong tình thân mật với Thiên Chúa Tạo Hoá là Cha yêu thương chúng ta. Có Thiên Chúa, dù thiếu mọi sự, cũng vẫn hạnh phúc. Còn vắng bóng Ngài, dù có mọi sự, cũng chỉ là bất hạnh. Đối với người Công giáo, khi đôi bạn thực hiện hôn nhân và gia đình theo ý định của Thiên Chúa, thì hôn nhân chính là một con đường dẫn đến Thiên Chúa, cũng như dẫn đến hạnh phúc.

Mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng, đó là làm cho con người được yêu thương và hiệp nhất với Ngài trong hạnh phúc đời đời. Đồng thời, mọi sự Thiên Chúa ban cho ở đời này đều nhằm giúp con người đạt tới mục đích cuối cùng ấy. Khi đã nhận biết điều đó, trong mọi sự, ta luôn dành ưu tiên cho Thiên Chúa để được hiệp nhất với Ngài. Hễ điều gì giúp ta đến gần Ngài, thì ta đón nhận, bằng không ta phải dứt bỏ ngay [x. GLHT 226].

GHI NHỚ:

1. H. Hôn nhân là gì?

T. Hôn nhân là giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với đầy đủ tự do ưng thuận và ý thức trách nhiệm, để trở thành vợ chồng.

2. H. Ai đã lập nên hôn nhân?

T. Chính Thiên Chúa đã lập nên hôn nhân khi dựng nên loài người có nam có nữ, và mời gọi họ sống yêu thương.

3. H. Yếu tố căn bản của hôn nhân là gì?

T. Yếu tố căn bản của hôn nhân chính là tình yêu vì Hôn nhân được thiết lập do tình yêu và mục đích cuối cùng của Hôn nhân cũng chính là tình yêu.

4. H. Hôn nhân có những mục đích nào?

T. Hôn nhân có hai mục đích này:

   - Một là yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.

   - Hai là cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái.

GỢI Ý SUY NGHĨ :

1. Tình yêu có gì khác với sự thu hút giữa nam và nữ?

2. Tình yêu cần thiết cho hôn nhân như thế nào?

3. Có thể lấy một người đồng thời lại yêu một người khác được không? Tại sao?

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã cho chúng con sinh ra làm người nam, người nữ, mang hình ảnh của Chúa. Chúa còn ban tặng cho từng người chúng con một trái tim muốn yêu và khao khát được yêu để chúng con có thể yêu Chúa và yêu nhau. Xin dạy chúng con biết yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con để chúng con ngày càng trở nên giống hình ảnh Chúa là Tình yêu. Amen.

Nihil Obstat : Tp. Hồ Chí Minh, ngày 25.08.2004
Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh

Imprimatur : Mỹ Tho, ngày 03.09.2004
+ Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám Mục Mỹ Tho
   Chủ tịch Ủy Ban Giáo lý Đức tin

Nguồn:  UB Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN, giaoducconggiao.net

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

PHẦN II : HUẤN LUYỆN NHÂN BẢN
BÀI 4.  MỘT SỐ ĐỨC TÍNH CĂN BẢN CỦA GIÁO LÝ VIÊN

Giáo lý viên là người, do công việc của mình, phải tiếp xúc nhiều với người khác, vì thế họ cần trau dồi các đức tính nhân bản là yếu tố cần thiết giúp giáo lý viên trở nên những tín hữu gương mẫu như Công đồng Vatican II đã khẳng định : "Không có đức tính nhân bản, không thể sống tốt đời kitô hữu". Như vậy muốn sống tốt đời Kitô hữu và trở nên dụng cụ hữu ích của Chúa và Giáo Hội, giáo lý viên cần có những đức tính căn bản của một người trưởng thành nhân cách.

Nhân cách không phải chỉ là cách ăn nết ở riêng của từng người, nhưng còn là những phẩm chất và phong cách mà ai cũng phải có để xứng đáng được gọi là người. Vậy người có nhân cách trưởng thành là gì ? Thưa là người biết sống tương quan tốt với tha nhân.

Bình thường, một người khó có thể làm việc hữu hiệu nếu không biết cộng tác với người khác, một người khó sống hạnh phúc khi không thể hiệp thông với người chung quanh. Muốn hiệp thông và cộng tác được với người khác, giáo lý viên không ngừng tạo những mối tương quan ngày càng phong phú, bền chặt, tốt đẹp và sâu đậm hơn nhờ các đức tính căn bản sau đây:

1. Lịch sự và tôn trọng người khác

Chúng ta phải công nhận rằng : loài người càng văn minh, khoa học kỹ thuật càng tiến bộ thì hình như có một số người lại càng thoái lui về phương diện ứng xử và đạo đức. Khi nói về một người nào có nhân cách, người ta thường thấy đó là một con người biết làm đẹp cho mình cả bên ngoài lẫn bên trong bằng cách thể hiện một nếp sống văn minh, đạo đức. Một cách cụ thể, người lịch sự là người :

-      Biết cách bày tỏ với mọi người cách thanh lịch, hợp lý và đúng phong cách của một con người có văn hóa, có giáo dục và lễ độ.

-      Biết điều, nhã nhặn trong cách cư xử, biết đón nhận người khác như một món quà quý.

-      Biết nhiệt tình tôn trọng người khác như một con người có giá trị, bất kể địa vị, hành vi tích cực hay tiêu cực của họ.

-      Tôn trọng và yêu mến người khác như một con người đặc biệt, với tâm trạng, cá tính và cách sống của riêng họ trong lúc này.

Trong nghề giáo dục, người ta có kinh nghiệm rằng càng lịch thiệp và tôn trọng ai, thì việc giáo dục người ấy càng dễ thành công. Thái độ lịch sự và tôn trọng của giáo lý viên không chỉ thuần túy chỉ là tôn trọng người khác, mà đó cũng là cách tôn trọng chính mình, vì nó chứng tỏ mình là người có hiểu biết, có giáo dục, để từ đó người khác cũng trọng nể mình, và như vậy mình dễ hướng dẫn người khác.

2. Vui tươi và thân thiện

Sự vui vẻ thân thiện sẽ tạo ra bầu khí thoải mái, dễ chịu làm cho người khác dễ đến và dễ cởi mở. Một giáo lý viên có tính vui tươi cũng sẽ dễ thân thiện với các em, nhờ đó các em sẽ dễ lắng nghe, dễ chia sẻ những ước muốn và trở nên dễ dạy. Chúng ta đừng đến với giờ giáo lý bằng bộ mặt nhăn nhó, giận hờn, nghiêm nghị, hay lo âu. Điều này sẽ có tác động tiêu cực trên các em, làm các em khiếp sợ và không muốn đến học giáo lý. Giáo lý viên nên đến với các em bằng sự bình đẳng, cởi mở, thân tình để tạo niềm vui và hứng thú khi các em đến với mình.

 3. Dịu hiền và nhẫn nại

Người dịu hiền thì biết thông cảm và nhẫn nại trước những dại khờ, những yếu đuối và ngỗ nghịch của người khác. Người dịu hiền dùng tình thương và sự nhẹ nhàng để giáo dục thay vì dùng uy quyền và lý lẽ.

Dịu hiền và nhẫn nại là hoa trái của Thánh Thần (Ga 5,22), là dấu chỉ của sự khôn ngoan nên nó là đặc điểm của những người lãnh đạo. Vì thế giáo lý viên phải biết tự kiềm chế : không nóng giận khi gặp những điều không vừa ý mình hay khi thấy công việc bắt đầu hư hỏng. Nóng giận sẽ làm cho sự phán đoán thành sai lạc, và phán đoán sai lạc sẽ đưa đến những quyết định lỡ và nghèo nàn. Một người lãnh đạo mà luôn quyết định lỡ thì sẽ mất tín nhiệm nơi người khác. Người ta thường nói : « Trong 30 giây nóng giận, bạn sẽ phá hỏng tất cả thiện chí và tinh thần cao mà bạn đã giày công khó nhọc để tạo dựng. Muốn điều khiển người khác, trước hết bạn hãy học cách tự điều khiển chính mình ».

4. Trung thực và rõ ràng

Tính trung thực làm cho mối tương quan giữa giáo lý viên và các em được trong sáng và bền chặt. Vì vậy giáo lý viên phải sống chân thực, thể hiện ra bên ngoài cũng như bên trong : không làm bộ, không đeo mặt nạ, không đóng kịch, không bao giờ hứa suông nhưng phải giữ lời hứa bằng bất cứ giá nào. Nhất là không được bịa đặt, nói sai sự thật. Cũng không nên nói mập mờ, hay thay đổi liên tục, như thế sẽ làm cho các em cảm thấy không an toàn. Trong khi tiếp xúc với các em, giáo lý viên nên cẩn thận để lời nói luôn đi đôi với việc làm. Nhờ đó các em mới thực sự tin tưởng, mến phục và dễ nghe lời.

 5. Cảm thông và quảng đại

 Sự cảm thông và lòng quảng đại là những yếu tố đem đến thành công và làm thay đổi cách sống của người khác một cách dễ dàng. Muốn thế giáo lý viên phải bao dung, tế nhị và dễ tha thứ cho những thái độ có vẻ đụng chạm đến mình. Giáo lý viên không bao giờ chấp nhất, nhỏ nhen, bài bác hay hiềm khích. Nhờ một nghệ thuật biết cảm thông sâu sắc, cảm được từ bên trong những gì các em đang sống, giáo lý viên có thể lắng nghe được mọi tỏ bày, không lời và với lời của các em, để hiểu và đáp ứng lại những mong đợi của các em.

Hãy làm cho các em cảm thấy là ta hiểu biết họ, và biết quý trọng phần đóng góp của họ dù là rất nhỏ. Hãy nói với các em về chuyện của các em. Cho các em thấy là ta chú trọng đến các em. Giáo lý viên không nên quên rằng sự nhã nhặn của người trên đối với người dưới còn quan trọng hơn sự lễ độ của người dưới đối với người trên.

Thêm vào đó, sự cảm thông và lòng quảng đại đòi giáo lý viên sẵn sàng hy sinh thời giờ, vật chất, tài năng và công sức để giúp các em sống đạo tốt mà không mong được đền đáp công ơn dưới bất cứ hình thức nào, nhưng là cho đi tất cả vì Nước Trời.

  6. Tin tưởng người khác

Mỗi con người đều mang nơi mình những hạt giống, những tiềm năng đang đợi cơ hội hiện hữu, triển nở. Nếu chúng ta biết nhìn thấy sự phong phú tiềm ẩn nơi mỗi con người và dám tin vào điều ấy, chúng ta sẽ giúp họ khám phá được chân tính của họ để có thể sửa sai và vươn lên.

Kinh nghiệm giáo dục cho thấy : nếu ta cho rằng một người nào đó bất lực trong việc này việc kia, thì thực sự người đó sẽ trở thành bất lực. Trái lại, nếu người đó cảm thấy được tin tưởng, được khuyến khích, thì họ sẽ có cơ hội vượt lên trên những bất lực và sẽ thay đổi một cách không ngờ. Đặc biệt đối với các em nhỏ, chúng ta càng tin tưởng, các em càng mau tiến bộ.

 7. Công bằng trong đối xử

 Công bằng trong đối xử là đức tính rất quan trọng đối với người lãnh đạo.

-      Người đối xử công bằng thì không bao giờ thiên vị ai và không để tình cảm yêu ghét lấn át mình. Một giáo lý viên thiếu công bằng trong đối xử sẽ tạo ra sự ganh ghét và mối chia rẽ giữa các em mình coi sóc.

-      Người công bằng không tìm tư lợi, danh vọng bản thân nhưng làm tất cả vì ích chung và sự thăng tiến của các tâm hồn.

-      Người công bằng còn dám nhận lỗi về mình chứ không tìm cách thoái thác hay đổ lỗi cho người khác.

(còn tiếp)

 Nguồn: Huấn Luyện Giáo Lý Viên, mancoichihoavn.com

TRANG QUỚI CHỨC

CỘNG TÁC

Thuở chưa có đất trời, vũ trụ còn là hư vô, Thiên Chúa đã sáng tạo nên mọi sự......Người tạo nên Ađam rồi Evà. Sau khi cho hai người gặp nhau Người chúc phúc cho họ và bảo : hãy sinh sôi nãy nở cho đầy mặt đất....; Sau khi con người sa ngã, Thiên Chúa lại khởi xướng một công trình mới, công trình Cứu Chuộc. Đức Giêsu xuôi ngược khắp vùng Palestine rao giảng sự sám hối và huấn luyện các tông đồ. Trước khi về cùng Chúa Cha, Người đã bảo các tông đồ : " ..phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Jêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này." (Lc 24,47-48).

Trong cả hai công trình, Sáng Tạo và Cứu Chuộc, Thiên Chúa luôn giữ vai trò khởi xướng, nhưng không hoàn tất công việc. Không phải Thiên Chúa không có khả năng hoàn thành công việc mình đã khởi sự, nhưng Ngài đã nhường lại phần việc đó, vinh dự đó cho nhân loại. Đó là vì Người muốn cho con người được tham dự vào công việc của Người, được thông hiệp vinh quang của Người. Đây là một ơn huệ lớn lao, vượt quá sự mơ tưởng của con người.

Có ông thầu nào lại dám cho anh cu li chỉ mới tập xáo hồ làm thợ chính công trình ?  Có ông vua nào khi khởi nghiệp lại giao binh quyền cho những tay chỉ biết cày ruộng ?

Thế mà Thiên Chúa lại làm như thế đó ! Ngài đã giao cho loài người, tạo vật của Ngài, trách nhiệm tạo ra những con người mới, Ngài giao cho những người chỉ biết chài lưới trách nhiệm xây dựng Giáo Hội. Thiên Chúa có quá mạo hiểm không ? Vậy mà không như ta tưởng, kết quả ngoài sự tưởng tượng của ta, nhân loại cho đến nay vẫn luôn là hình ảnh của Chúa, vẫn lan tràn mặt đất; Giáo Hội khởi đầu từ một nhóm những  kẻ chỉ biết chài lưới nay trở thành một thực thể có ảnh hưởng không nhỏ đến nền văn minh nhân loại. Thiên Chúa làm cho những gì không thể trở nên có thể. Con người cũng có thể trở thành người cộng tác với Thiên Chúa !

Nhìn lại trong các họ đạo, một thực tại rất phổ biến là những người nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, các quới chức, là những người rất tầm thường, có những người khi được mời gọi vào ban quới chức đã rất ngại : vì cảm thấy mình không đủ năng lực; không đủ điều kiện; làm sao có đủ tư cách để làm công việc của Giáo Hội.

Quả thực, quới chức trong một họ đạo là những người lãnh những công việc vượt quá sức mình, làm vì tinh thần, vì lòng sốt mến còn chỉ tiêu thì chắc chắn không ai dám đặt ra. Bời vì ai cũng thấy mình nhỏ nhoi, yếu đuối, bất xứng và vô năng trước một công việc rất cao cả là làm chứng cho Chúa bằng sự hiện diện của không những chính bản thân mà còn cả gia đình mình nữa.

Đó là sự tự vấn cần thiết. Thế nhưng nhìn vào cách hành xử của Chúa, chúng ta không nên bi quan, vì chúa đã từng thành công và theo kinh nghiệm của  thánh Phaolô, Chúa thích dùng sự yếu đuối của con người để tỏ quyền năng của Ngài.

Chúng ta không cậy vào tài năng của chính mình, chỉ cần chúng ta nhiệt tâm hiến thân phục vụ, dám cộng tác, Thiên Chúa sẽ quyết định kết quả cuối cùng.

SỐNG ĐẸP

An hưởng cuộc đời

Ngày xưa, có vị Hoàng Đế nọ muốn ban trọng ân cho một người cận thần. Nhà vua phán: "Ngươi có công lao rất lớn với ta. Kể từ cổng thành trở đi, ngươi phóng ngựa đi tới nơi nào ngươi dừng lại thì khoảng đất đó ta sẽ ban cho ngươi". Viên cận thần nhảy lên ngựa phóng đi, ra sức phóng ngựa để có được càng nhiều đất càng tốt. Người đó đi suốt ngày đêm, khi mệt và đói cũng không dám ngừng nghỉ vì muốn có nhiều đất. Tới một ngày kia, sức khoẻ kiệt quệ vì đói và mệt, hắn lả đi gần chết ở trong rừng. Hắn lẩm bẩm: "Tại sao ta tham lam quá độ vậy, ta tận sức để có được nhiều đất đai. Bây giờ thì gần chết rồi ta chỉ mong có được một thước đất để được chôn cất mà thôi!"        

Câu chuyện cổ kể trên cũng giống như cuộc đời của chúng tạ Hàng ngày, chúng ta gắng sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế. Chúng ta tận sức tới mức sao lãng sức khoẻ, đôi khi quên cả cuộc sống với gia đình, quên cả những cảnh đẹp thiên nhiên. Ngay cả trong những buổi họp bàn bè với danh nghĩa để giải trí, chúng ta vẫn có tư tưởng là sự giao thiệp sẽ có lợi cho việc tạo thêm tiền tài, danh vọng hay thế lực.

Rồi một ngày kia nghĩ lại, chúng ta sẽ thấy những sự cố gắng đó vô nghĩa lý. Than ôi! Lúc đó thì ta không thể quay ngược kim đồng hồ được nữa, chúng ta đã bỏ mất dịp hưởng an lạc của cuộc đời một cách chân chính.   

Hãy sống tỉnh thức, để an hưởng cái đẹp của thiên nhiên, để tìm ra lẽ sống của cuộc đời.  

Cuộc đời rất mong manh, hãy an trú trong hiện tại.  

Nguồn: songdep.xitrum.net

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

Đừng thay đổi thế giới

Ngày xưa, có một nhà vua trị vì vương quốc nọ rất thịnh vượng. Một hôm, ông quyết định vi hành đến những miền đất xa xôi của đất nước. Khi trở về cung điện, ông than phiền chân ông rất đau đớn vì lần đầu tiên đi một chuyến dài ngày như thế trên những con đường rất gồ ghề và lởm chởm đá vụn. Nhà vua ban lệnh cho mọi người phải phủ da thuộc lên khắp các con đường của vương quốc. Rõ ràng việc này cần hàng triệu bộ da bò và sẽ tiêu phí rất nhiều tiền của.     

Một hầu cận thông minh, dũng cảm tâu với nhà vua:           

- Sao bệ hạ lại dùng tiền một cách không cần thiết như thế? Sao bệ hạ không đo cắt một miếng da vừa với chân mình? 


Nhà vua rất ngạc nhiên nhưng rồi ông chấp thuận gợi ý của người hầu cận để cho làm một "đôi giày" cho riêng mình.           

Bài học vô giá từ câu chuyện này là: Để thế giới này trở thành một nơi hạnh phúc với mọi người, tốt hơn hết hãy thay đổi chính mình chứ đừng thay đổi thế giới.

Nguồn: songdep.xitrum.net

HỎI ĐÁP MỤC VỤ

Có cần thiết phải thực hành đức tin trong Giáo Hội để được cứu rỗi không?

Hỏi: Thực tế là có rất nhiều người Công giáo ngày nay không muốn đi xưng tội, không đi lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc vì nhiều lý do. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần giữ đức tin trong lòng và đọc Kinh Thánh ở nhà là đủ, không cần phải đi nhà thờ nữa! Như vậy có được không?

Trả lời: Thực trạng sống Đạo của rất nhiều người Công giáo ở khắp nơi  trên thế giới ngày nay quả thật  là điều đáng buồn. Con số người đi xưng tội chiều thứ Bảy, tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc đã giảm rất nhiều theo các thống kê đáng tin cậy.

Có nhiều lý do để giải thích thực trạng này. Nào là vì hấp lực của văn minh vật chất, chủ nghĩa tục hóa (secularism) và hưởng thụ khoái lạc (hedonism) đã lôi cuốn nhiều người bỏ Chúa để chạy theo những quyến rũ của "văn hóa sự chết" như Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh giác.

Đó là những người đang mê mải kiếm tiền để làm giàu bằng mọi phương tiện, bất chấp công bằng và bác ái cũng như tìm vui trong trong việc ăn uống, nhảy nhót (già trẻ, xồn xồn đều thích trò chơi thiếu lành mạnh này), cờ bạc, du hí ở những nơi tội lỗi, và do đó bỏ quên hay lơ là việc sống Đạo, cần thiết hơn. Mặt khác, cũng vì tình trạng tha hóa về luân lý, đạo đức ngày một bành trướng ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia vốn tự nhận là thuộc về Kitô giáo (Christian Countries) như Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Canada và Hoa kỳ... nhưng nay lại dung dưỡng hay cho phép những thực hành phản Kitô giáo như phá thái, chết êm dịu (euthanasia), ly dị , hôn nhân đồng tính (same sex marriage)....

Sau nữa, vì cuộc sống tương đối dễ dàng, thoải mái cộng với tự do quá trớn ở các nước Âu Mỹ đã làm cho nhiều người không còn cảm thấy cần Chúa nữa và chỉ  muốn vui sồng cho thỏa thích trong giây phút hiện tại mà thôi. Cứ đi một vòng quanh những nơi tụ họp công cộâng sẽ  thấy trẻ già, trai gái, xồn xồn ôm nhau nhảy nhót trong những chương trình gọi là "văn nghệ cuối tuần" hay "hát cho nhau nghe" trong đó chắc chắn có những người Công giáo không đi lễ ngày Chúa nhật nhưng lại có mặt đúng giờ để tham dự các cuộc vui thâu đêm suốt sáng này! Đặc biệt, còn có rất nhiêu người không đi Lễ mừng Chúa Giáng Sinh nhưng lại tích cực tổ chức và tham dự những buổi ăn uống, dạ vũ vui chơi trong đêm Giáng Sinh!!

Đây quả thực là một sỉ nhục cho ý nghĩa trọng đại của ngày kỷ niệm "Thiên Chúa làm Người và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14). Do đó, không thể lấy cớ mừng Chúa Giáng Sinh để ăn chơi phóng túng nhân dịp này, thay vì dọn tâm hồn cho sốt sắng để cùng với Giáo Hội cảm tạ Chúa đã giáng sinh để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết đời đời vì tội....

Nhưng thử hỏi : được mọi lời lãi ở đời này mà không được cứu rỗi thì ích lợi gì?

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói như sau với các môn đệ xưa: "Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?"  (Mt 16,26;  Mc 8,36; Lc 9,25)

Có ai được lời lãi cả thế giới này đâu? Nhưng cho dù có ai chiếm được mọi của cải và danh vọng trên trần thế này mà cuối cùng mất linh hồn thì những lời lãi kia cũng không thể bù đắp được cho sự thiệt thòi lớn lao là mất sự sống, mất linh hồn. Đó là điều Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta đang sống trong môi trường thế giới quá bị nhiễm độc vì chủ nghĩa tục hóa (secularism) tôn thờ vật chất và chủ nghĩa khoái lạc (hedonism) lôi kéo con người đi tìm mọi mọi vui thú vô luân vô đạo.

Để bào chữa cho việc thờ ơ sống Đạo, không muốn tham dự các nghi thức phụng vụ của Giáo Hội -cụ thể là tham dự Thánh Lễ các ngày Chúa nhật và Lễ buộc- nhiều người nghĩ rằng chỉ cần tin và đọc Kinh Thánh ở nhà, hay nghe những chương trình giàng Kinh Thánh của các mục sư Tin Lành trên truyền hình là đủ, không cần phải năng xưng tội hoặc tham dự Thánh Lễ hàng tuần nữa!

Chúng ta phải nghĩ thế nào về quan niệm này của những người nói trên?

Chắc chắn đây không phải là cách sống Đạo đúng nghĩa của người tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công giáo.

Thật vậy, trước hết là vấn đề đức tin. Thế nào là tin? Tin có Thiên Chúa tốt lành thì phải yêu mến và giữ Luật của Người. Mà yêu mến thì phải thể hiện bằng hành động cụ thể chứ không thể nói suông ngoài miệng là tin mà không có việc làm nào bề ngoài để chứng minh.

Một chuyện vui kể rằng, ở một giáo xứ kia, cha xứ chợt lưu ý đến một ông già nọ vốn thường sốt sắng tham dự không những Thánh Lễ ngày Chúa nhật mà còn siêng năng đi lễ mỗi ngày nữa. Nhưng bẵng đi một thời gian lâu, ông cụ vắng bóng ở nhà thờ. Cha xứ lấy làm lạ, tưởng ông cụ bị đau ốm hay đã di chuyển đi nơi khác. Cha bèn đến nhà thăm ông xem sao. Đến nơi cha vẫn thấy ông ở nhà. Hỏi lý do vì sao ông vắng mặt ít lâu nay ở nhà thờ thì ông trả lời cha như sau:

- Con thấy không cần phải đi lễ, đọc kinh chung nữa. Con ở nhà đọc Kinh Thánh, lần chuỗi và nhớ đến Chúa trong lòng là đủ rồi.

Cha mỉm cười và hỏi  ông:

- Thế các con cháu cụ bây giờ ở đâu?

Ông cụ đáp:

- Chúng ở xa con lắm, nhưng hàng năm cứ vào dịp Lễ Giáng Sinh và Tết thì đều trở về thăm con và cho quà tử tế.

Nghe xong cha xứ nói:

- Tốt lắm, nhưng cụ làm ơn cho tôi xin địa chỉ hay số phôn của của các con cháu cụ đi.

- Để làm gì thưa cha? Ông cụ hỏi.

Cha trả lời ngay:

- Để tôi viết thư hay phôn cho các con cháu cụ bảo họ đừng tốn công và tiền bạc về thăm cụ nữa. Họ chỉ cần nhớ đến cụ trong lòng là đủ rồi; không cần thiết phải về thăm cho tốn thì giờ và tiền bạc nữa.

Nói xong cha xứ cáo từ ra về trong khi ông cụ ngồi suy nghĩ những lời của cha vừa nói. Và mấy hôm sau, người ta lại thấy ông cụ xuất hiện ở nhà thờ như cũ.

Câu chuyện trên chỉ là chuyện  tưởng tượng, nhưng cũng giúp  minh chứng  phần nào điều Thánh Giacôbê Tông đồ dạy như sau về sự cần thiết phải thể hiện đức tin qua hành động cụ thể:

"Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không? Ông Abraham tổ phụ chúng ta đã chẳng được nên công chính nhờ hành động khi ông hiến dâng con mình là I-xa-ác trên bàn thờ đó sao?

Bạn thấy đó: đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo (x.Gc 2,20-22)

Chúa Kitô đã thiết lập Giáo Hội của Người trên trần thế và ban các bí tích như phương tiện hữu hiệu và cần thiết để thông ban ơn cứu độ của Chúa cho những ai muốn nhận  lãnh qua Giáo Hội. Nhưng không phải cứ rửa tội rồi là sẽ được cứu rỗi. Cũng không thể nói khơi khơi như anh em Tin Lành rằng "tôi tin Chúa Kitô" là xong, không cần phải làm gì nữa, chúng tôi đã hơn một lần nói rõ là: theo Thần học và giáo lý của Hội Thánh, dựa trên Kinh Thánh và ơn mạc khải của Chúa Thánh Thần, thì  muốn được cứu rỗi , nghĩa là được sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trên Nước Trời mai sau đòi hỏi chúng ta trước hết phải cậy nhờ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô cộng thêm phần đóng góp của cá nhân con người  vào ơn thánh.

Chính yếu tố cần đóng góp thêm của con người vào ơn cứu độ, mà người tín hữu không thể thờ ơ với nhu cầu tối quan trọng là phải sống và thực hành đức tin trong Giáo Hội sau khi được lãnh Phép Rửa.

Thật vậy, đức tin được ví như hạt giống gieo vào tâm hồn trẻ nhỏ hay người tân tòng khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Hạt giống này không thể tự nó lớn lên và sinh hoa kết quả được, nếu không có sự vun xới, tưới bón của những người có trách nhiệm hỗ trợ về mặt thiêng liêng là cha mẹ và người đỡ đầu đối với trẻ em, của người bảo trợ và cộng đoàn đức tin đối với người tân tòng.

Do đó, nếu cha mẹ không lo giáo dục đức tin cho con cái trong gia đình, nhất là cho con cái được tiếp cận với một cộng đoàn đức tin -cụ thể là một giáo xứ- để con em được học hỏi giáo lý và lãnh nhận các bí tích quan trọng và cần thiết khác như xưng tội, rước lễ lần đầu và thêm sức thì đức tin của các em sẽ không thể lớn lên được.

Đối với người tân tòng (catechumens) và những người lớn (adults) đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy từ ngày sơ sinh, thì việc nuôi dưỡng và thực hành đức tin trong Giáo Hội cũng cần thiết không kém. Cụ thể, nếu không tham dự việc cầu nguyện chung với cộng đoàn đức tin là giáo xứ, và nếu không tin hay không nhìn nhận lợi ích của bí tích hòa giải để năng đi xưng tội, nhất là không tham dự Thánh Lễ, và rước Mình Máu Thánh Chúa là "nguồn suối và đỉnh cao của đời sống Giáo Hội" thì người ta lấy gì để nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin?

Đằng rằng tin có Chúa là điều quan trọng và đọc Thánh Kinh là cần thiết và bổ ích. Nhưng đức tin phải được nuôi  dưỡng sung mãn với ơn Chúa thông ban qua các bí tích quan trọng như Phép rửa, Thêm sức, Hòa giải và nhất là bí tích Thánh Thể là nguồn mạch chính nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của Giáo Hội nói chung và của cá nhân mỗi tín hữu nói riêng. Vì thế, nếu không tham dự mọi cử hành phụng vụ thánh của Giáo Hội mà đỉnh cao là Thánh Lễ Tạ Ơn thì đức tin và đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ không thể tăng trưởng được và có đủ sức để sống đức tin ấy trước những thách đố của sự dữ, dịp tội đầy dẫy trong trần thế này, nhất là những mưu chước thâm độc của ma quỉ "Thù địch của anh em như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé" (1Pr 5,8)?

Kinh nghiệm cá nhân và phổ quát chứng minh rằng muốn được thăng tiến trong bất cứ lãnh vực nào, người ta cần phải cố gắng học hỏi và trau dồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn của lãnh vực ấy. Một lực sĩ không thể giữ được thành tích của mình nếu không chuyên cần tập luyện mỗi ngày. Chân lý này hoàn toàn đúng trong lãnh vực thiêng liêng, đạo đức. Một người siêng năng cầu nguyện nhất là tham dự Thánh Lễ và rước Minh Thánh Chúa sẽ tăng lòng yêu mến và gần Chúa hơn người làm biếng không cầu nguyện và rước Minh Thánh Chúa. Tình trạng "nguội lạnh thiêng liêng" này sẽ đưa đến sự sa sút đức tin, đức cậy và đức mến theo thời gian.

Đó chính là điều Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa:

"Và phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi." (Mt 25,29)

Nói khác đi, chính nhờ siêng năng làm việc đạo đức và hiệp thông với Giáo Hội trong mọi cử hành phung vụ như cầu nguyện đọc kinh chung, đi Đàng Thánh Giá, chầu Thánh Thể, năng xưng tội, nhất là tham dự Thánh Lễ để được rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô, mà đời sống thiêng liêng của chúng ta được lớn lên, đưa chúng ta đến gần với Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tin có thật, Người đang yêu thương và muốn "đến và ở lại trong chúng ta" ( Ga 14,23), nếu chúng ta thực tâm yêu mến và tìm kiếm Người trên hết mọi sự ở đời này.

Như thế, yêu mến Chúa thì không thể coi nhẹ đời sống thiêng liêng, coi thường các phương tiện hữu hiệu và cần thiết là các bí tích mà Chúa Kitô đã ban cho Giáo Hội cử hành để mưu ích cho phần rỗi của mỗi người chúng ta, bao lâu còn sống trên trần gian này.

Do đó, không thể "sống Đạo" một mình mà không cần đến Giáo Hội, không tham gia đời sống bí tích và phụng vụ của Giáo Hội như thực trạng sống Đạo hiện nay của rất nhiều người..

Sau hết, liên quan đến việc đọc Kinh Thánh, có thể nói vắn tắt như sau: đọc Kinh Thánh là cần thiết và hữu ích. Tuy nhiên, không thể tự đọc mà hiểu đúng được Lời Chúa trong Kinh Thánh.

Vì thế, cần thiết phải tham dự Thánh lễ để được nghe và giải nghĩa lời Chúa qua các bài đọc, đặc biệt là bài Phúc Âm. Nhưng muốn được hiểu biết thêm về Kinh Thánh thì có thể tham dự những lớp học hỏi về Kinh Thánh do những người có khả năng chuyên môn hướng dẫn ở các giáo xứ, hoặc tốt nhất đi học một khóa về Kinh Thánh ở Đại Học hay Chủng Viện. Ở Mỹ, có  nhiều chủng viện thâu nhận cả học viên bên ngoài vào học các lớp Thần học và Kinh Thánh dành cho chủng sinh đang chuẩn bị làm linh mục. Nghĩa là không thể tự học Kinh Thánh để hiểu cho đúng lời Chúa được.

Tóm lại, quan niệm sống Đạo tách rời khỏi, hay không cần hiệp thông hữu hình với Giáo Hội là rất sai lầm. Là tự lừa dối mình nếu không muốn nói là tự kiêu tự đại, cho mình có đủ khả năng để tìm đến với Chúa, không cần phương tiện hữu hiệu mà Chúa Kitô đã có ý ban cho chúng ta là Giáo Hội của Chúa trên trần thế này. Với chức năng siêu phàm, Giáo Hội được ví như "con Tàu của ông Nô-e" trong thời đại ngày nay để cho những ai muốn vào sẽ được cứu sống giữa cơn phong ba của hồng thủy đang nổi lên để cuốn đi vào lòng đại dương mọi sinh vật bên ngoài con Tàu cứu nguy này.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

Một Giáo sĩ kia trong một bài chia sẻ, đã đề cập đến việc nhận định một người phục vụ Chúa có hết lòng, có thực tâm không như sau:

1- Không nên hỏi rằng: "Ông ấy có bao nhiêu bằng cấp?"

Nhưng hãy hỏi rằng: "Ông ấy đã áp dụng bao nhiêu kiến thức và đạo đức thánh thiện của mình để phục vụ Thiên Chúa và các tâm hồn?"

2- Không nên hỏi rằng: "Ông ấy đã từng giữ chức vụ nào?"

Nhưng hãy hỏi rằng: "Ông ấy có hoà mình với mọi thành phần  không phân biệt giầu nghèo, để gần gũi với họ và con chiên, để sẵn sàng nói những lời êm dịu, yêu ủi, khuyên lơn, giúp người khác vơi đi những giọt sầu, và đem lại niềm vui cho những tâm hồn đau khổ?"

3- Không nên hỏi rằng: "Ông ấy thuộc về Cộng Đoàn, Giáo xứ nào? Đạo lý thế nào?"

Nhưng hãy hỏi rằng: "Ông ấy có thật sự sống theo gương Chúa Giêsu trong tư tưởng lời nói việc làm như cứu giúp kẻ cùng khốn, đói rét, ốm đau về thể xác lẫn tâm hồn đang sống vất vả ở chung quanh mình, và mời gọi họ đến với Chúa không?"

4- Không nên hỏi rằng: "Ông ấy có nổi tiếng không?"

Nhưng hãy hỏi rằng: "Có bao nhiêu người thương tiếc khi ông ấy qua đời."

5- Không nên hỏi rằng: "Ông ấy đã chết như thế nào?"

Nhưng hãy hỏi rằng: "Lúc đương thời, ông ấy đã sống như thế nào?"

6- Không nên hỏi rằng: "Ông ấy đã tích lũy được những gì?"

Nhưng hãy hỏi rằng: "Ông ấy đã làm cho tha nhân được những gì?"

Tóm lại, thước đo giá trị của một người phục vụ Chúa không phải ở chỗ gia tộc người ấy bề thế, có tài năng hoạt bát, giảng hay, nói khéo... nhưng ở tấm lòng họ có khiêm tốn, dâng trọn mình phục vụ cho Chúa và cứu các linh hồn không?!

Lời Chúa dạy: "Đừng xét theo hình dáng của nó...vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm, người phàm chỉ thấy điều mắt thấy còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng. (1 Sam 16, 7)

Phó tế: GB Nguyễn Định/Huyền Đồng

1317    02-05-2012 08:49:32