Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Vai Trò Của Gia Đình Trong Việc Dạy Giáo Lý - Tháng 08 năm 2010

LỜI CHỦ CHĂN

Tòa Giám Mục Vĩnh Long
103 đường 3/2
Vĩnh Long

Ngày 27.7.2010

V/v Vai trò của Gia Đình trong việc dạy Giáo lý

1. Ta có thể nói Kitô hữu là tên gọi cao quí của con nhà có Đạo. Tại Cêsarêa, trước mặt tổng trấn Festô và vua Agrippa, Thánh Phaolô đã mạnh dạn rao giảng Đức Kitô chịu đau khổ và sống lại từ cõi chết, đúng như lời các tiên tri và Môisen đã báo trước.

Vua Agrippa nói với Phaolô: “Chút nữa là ông thuyết phục được tôi trở thành Kitô hữu rồi đấy” . Phaolô trả lời: “Chút nữa hay nhiều nữa, thì tôi cũng xin Thiên Chúa cho, không những ngài, mà hết mọi người đang nghe tôi nói hôm nay, được trở thành như tôi” (Tđcv 26,28-29).

Đức Tin làm cho ta gắn bó với Chúa Kitô, trở thành người Kitô hữu. Tin là Ơn Chúa ban, chớ không phải là một xác tín của lý trí do suy nghĩ tìm tòi. Thiên Chúa dùng những đường lối khác nhau để dẫn ta đến đức tin. Thánh Phaolô nói: “Làm sao họ kêu cầu Đấng mà họ không tin? Làm sao họ tin Đấng mà họ không được nghe? Làm sao nghe, nếu không có ai rao giảng” (Roma 10,14).

2. Hội Thánh đã lãnh lấy sứ mạng rao giảng và làm chứng về Chúa Kitô Đường cứu rỗi, Đường hạnh phúc (x. Mc 16,16). Ơn gọi Kitô hữu là một hồng ân. Sự cộng tác vào việc làm phát sinh và triển nở đức tin là quyền và bổn phận của kẻ làm cha mẹ đối với con cái.

“Các Kitô hữu còn phải biết ơn đặc biệt những ai đã giúp mình lãnh nhận hồng ân đức tin, ân sủng Bí Tích Rửa Tội và sự sống trong Hội Thánh, Những người nầy có thể là cha mẹ, những phần tử khác trong gia đình, ông bà, các vị mục tử, các giáo lý viên…” (Giáo Lý của HTCG, 2220).

“Sự phong phú của tình yêu phu phụ không chỉ giới hạn ở việc sinh sản con cái, mà còn phải mở rộng đến cả việc giáo dục luân lý và đào tạo thiêng liêng cho con cái. Nhiệm vụ của cha mẹ trong việc giáo dục hết sức quan trọng đến nỗi, nếu thiếu, chắc chắn là không gì thay thế được (Vaticanô II, GD, 3). Quyền và bổn phẩn giáo dục con cái là quyền và bổn phận hàng đầu và bất khả nhượng của cha mẹ” (Gioan Phaolô II, FC , 16).

Giáo dục đức tin cho con cái là lo cho tương lai của gia đình, “Triều thiên của người già là đàn con cháu, vinh dự của con cái là chính người cha” (Cn 17,6; Giáo Lý của HTCG, 2219).

Quyền và bổn phận giáo dục đức tin cho con cái trong gia đình bắt nguồn từ Bí Tích Hôn Phối : “Nhờ ân sủng của Bí Tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc ân loan báo Tin Mừng cho con cái. Cha mẹ khai tâm cho con cái về mầu nhiệm đức tin ngay từ lúc đầu đời, chính họ là những sứ giả đầu tiên của đức tin đối với con cái mình” ( GL của HTCG, 2225).

3. Gia đình nào mà cha mẹ quan tâm lo cho con cái về đời sống đạo đức, là nhà có phúc. Còn ngược lại thì tổ ấm bị đe dọa ly tán. Để trở thành những nhà giáo dục đạo đức cho con cái, ngày nay các bạn trẻ phải được chuẩn bị chu đáo hơn bao giờ hết, trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Nếu đúng như ta thường nghe “lời nói bay qua, gương lành lôi kéo”, thì cha mẹ phải nêu gương cho con, trong lời nói, trong cách sống quảng đại với nhau, chuyên cần học hỏi Lời Chúa, sớm hôm cầu nguyện chung với nhau, tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các Bí Tích. Điều nầy thật khó thực hiện trong gia đình khi cha mẹ không có cùng một niềm tin, không cùng một tôn giáo.

Nếu chúng ta nghĩ đến hạnh phúc của mọi thành viên trong gia đình, nếu chúng ta muốn Hội Thánh có một tương lai tốt đẹp, phải quyết tâm bảo vệ gia đình, nâng đỡ những gia đình gặp khó khăn,cũng như giúp cho những người làm cha mẹ trung thành sống ơn gọi hôn nhân, bênh vực các quyền và bổn phận của họ.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám Mục Vĩnh Long


CHỦ ĐỀ: VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ

THƯ MỤC VỤ

Gia đình là trường học Giáo Lý đầu tiên của các thành viên trẻ và không có ai hay nơi nào thay thế được. Do lối sống đức tin sống động lành mạnh của cha mẹ, trải qua thời gian cũng như nhiều biến cố trong cuộc sống, con cái học được cách sống đạo. Như vậy việc dạy Giáo Lý trong gia đình đi trước, để từ đó tiếp tục đồng hành và phong phú hoá mọi hình thức dạy Giáo Lý khác. (DGL 68; HDTQ 226) (Trích TMV số 29).

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Chuyện kể rằng Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ, nhà ở gần bãi tha ma. Thấy người ta đào, chôn, lăn khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn khóc. Bà mẹ thấy thế nói: "Chỗ này không phải chỗ con ta ở được". Rồi dọn nhà ra gần chợ.

Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người ta buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước buôn bán điên đảo. Bà mẹ thấy thế lại nói:
"Chỗ này cũng không phải là chỗ con ta ở được" . Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học.

Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng, nói: "Chỗ này là chỗ con ta ở được đây".

Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ:
"Người ta giết lợn làm gì thế?" Bà mẹ nói đùa: "Để cho con ăn đấy". Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: "Ta nói lỡ mồm rồi! Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói dối hay sao?" Rồi bà đi mua thịt lợn, đem về cho con ăn thật.

Lại một hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng:
"Con đang đi học, mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy". Từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Rồi sau thành một bậc đại hiền. Thế chẳng nhờ có cái công giáo dục quý hóa của bà mẹ hay sao? (Liệt Nữ Truyện)

“Nhân chi sơ tính bổn thiện, tính tương cận tập tương viễn” (Mạnh Tử), nghĩa là con người sinh ra ban đầu vốn dĩ lương thiện, tính tình khá đồng nhất, nhưng do môi trường và sự tiếp cận học hỏi khác nhau mà tính tình đâm ra khác biệt nhau. Như thế, môi trường và sự giáo dục sẽ làm con người thay đổi, nghĩa là giáo dục, nhất là giáo dục gia đình, đóng vai trò quyết định cho bản tính của con người trong tương lai.

Trước khi diễn giải Thư mục Vụ, chúng ta tóm lược một vài ý về chủ đề: Vai trò của gia đình trong việc dạy Giáo Lý hôm nay.

  1. Gia đình: Cha mẹ có nhiệm vụ dạy Giáo Lý cho con cái, nhất là khi trường lớp không dạy Giáo Lý, gia đình càng có trách nhiệm lớn hơn.
  2. Cha mẹ có nhiệm vụ giáo dục con cái từ trong bụng mẹ cho đến tuổi khôn (tuổi biết nhận xét, phân biệt); không ai thay thế chính đáng được.
  3. Dạy bằng cách sống đạo tốt, phản ứng, đối xử trước mọi hoàn cảnh theo đúng Phúc Âm. Cũng có thể dạy chúng biết Chúa, một ít quan niệm về Chúa. Cách chung đào luyện cho chúng sống đúng là con người và cũng là con Chúa.
  4. Đến tuổi vào trường học (và ngay lúc trưởng thành rồi) thì vẫn còn nhiệm vụ gián tiếp cộng tác và theo dõi mãi (khuyên bảo, nâng đỡ).

Mọi người đều được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Gia đình là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách con người. Giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên tài năng và tính cách của mỗi con người. Vì thế, muốn con cái nên người đạo đức, trước hết gia đình cần phải:

- Ý thức tầm quan trọng của việc giáo dục con cái: trách nhiệm của cha mẹ là quan trọng và không thể thay thế.

Điều nầy khiến cha mẹ nghiêm túc dành đủ thời giờ trong việc dạy bảo con cái và không quá ỷ lại vào người khác như nhà trường, người thân, người giúp việc…; đồng thời tác động đến sự phát triển và định hướng cho tương lai con cái: phát triển nhân cách toàn diện vừa về mặt đức tin, vừa về mặt xã hội. Bởi vì chính giáo dục từ gia đình sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của một con người từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành và còn hơn nữa.

“Đối với các kitô hữu, gia đình, ngoài việc đó là trường học đầu tiên định hình nhân cách, là nơi dạy các đức tính nhân bản và xã hội cần thiết nhất để làm người, còn là nơi con cái nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa Tội” (CĐ Vaticanô II, Tuyên Ngôn Gravissimum Educationis).

- Xác định mục tiêu giáo dục con cái

Cha mẹ phải có nguyện vọng cụ thể và đề ra từng bước thực hiện cho con cái mình, không thể để chúng “lớn lên như cây giữa rừng”, muốn đâm chồi, mọc nhánh, thế nào cũng được. Không thể khoán hết cho Trời: “cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”, bởi vì lối sống của người lớn trong gia đình sẽ tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách của trẻ; vì vậy mà câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” rất đúng đối với trẻ. Cũng không áp đặt chủ quan bắt trẻ phải răm rắp theo ý của cha mẹ trong định hướng nghề nghiệp của chúng, nhưng dựa trên sự hiểu biết tôn trọng và làm gương sáng cho chúng.

Mục tiêu của giáo dục gia đình Kitô giáo là dạy làm người, và làm con của Chúa, nghĩa là rèn luyện đạo đức và nhân cách con người. Giáo dục đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng để con người xây dựng cuộc sống hạnh phúc, văn minh.

“Sứ mạng giáo dục đòi hỏi các cha mẹ Kitô hữu phải biết giúp con cái của họ trưởng thành nhân cách dần dần theo nhãn quan Kitô Giáo và gia đình chính là nơi chúng có kinh nghiệm đầu tiên về Hội thánh, về Thiên Chúa” (Tuyên Ngôn Gravissimum Educationis số 3).

Yêu thương và nêu gương sáng

Thái độ quảng đại, kiên nhẫn, đầy yêu thương của cha mẹ và cuộc sống hài hòa trong mái ấm gia đình sẽ gieo vào lòng trẻ thái độ tích cực thương yêu đối với gia đình và xã hội, đồng thời là điểm tựa cho chúng biết quay về mỗi khi lầm lỗi, vì ý thức mình được bảo bọc yêu thương.

“Dạy con từ thuở còn thơ”. Nhãn quan của trẻ con về thế giới xung quanh được hình thành, dựa trên những tiếp xúc và giao tiếp của chúng với những người chúng gần gũi. Con cái lệ thuộc, hay để ý và bắt chước cha me, những người thầy đầu tiên. Do đó cha mẹ là người trực tiếp gieo vào tâm hồn trẻ những hạt giống yêu thương, trung thực, tốt bụng hay giả dối…Tùy theo hoàn cảnh tốt, xấu của bầu khí gia đình và xã hội chung quanh mà trẻ lớn lên sẽ nên tốt hoặc xấu. Chính bằng phản ứng và nhất là gương sáng của mình, cha mẹ đóng dấu lên tâm hồn trẻ niềm xác tín về cách hành xử và giải quyết vấn đề.

“Gia đình là hội thánh tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục kitô giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin” (HĐGM VN, Thư Chung 2007, số 28)

Cầu nguyện cho con cái và với con cái.

Bên cạnh việc dồn hết tâm lực vào việc huấn luyện con cái nên người, cha mẹ còn cậây dựa vào sự trợ lực của Thiên Chúa trong nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nầy bằng việc cầu nguyện cho và với con cái mình.

Dù cố gắng hết sức, mỗi cha mẹ đều ý thức mình chưa hoàn hảo, nên cần đến sự trợ giúp của Chúa, qua lời cầu nguyện, để Chúa tiếp tay dìu dắt, hướng dẫn, sửa đổi tâm tính con cái mình. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng ý thức dạy con cái cầu nguyện, qua việc cùng cầu nguyện với chúng khi sớm, khi hôm, trước và sau khi ăn, khi tham dự Thánh lễ, trong các dịp lãnh nhận các Bí Tích, để đời sống đức tin của trẻ được cùng phát triển song hành với tuổi tác của chúng. “Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).

Đức thánh cha Gioan-Phaolô II nói rằng cha mẹ Kitô hữu, nhờ gương sáng đời sống, phải là những sứ giả tiền hô loan báo tin mừng cho con cái mình. Hơn nữa, để khai tâm vào Kitô giáo, nhờ cùng cầu nguyện với con cái, cùng đọc Lời Chúa với chúng, cha mẹ đưa con tháp nhập sâu xa vào Thân Mình của Đức Kitô, tức Thánh thể và Hội thánh. Như thế, họ trở nên cha mẹ với đầy đủ ý nghĩa, không chỉ ban cho con sự sống thể lý mà cả sự sống tuôn chảy từ thập giá và phục sinh của Chúa Kitô .

Từ những nhận định trên, chúng ta thử kiểm điểm cách nhìn nhận và thực hiện việc dạy Giáo lý của mỗi người như thế nào?

Có nhận thức: Cha mẹ có nhiệm vụ dạy giáo lý cho con không? (Nuôi dạy là nhiệm vụ).

Có làm gì để con cái biết đạo và sống đạo?

Có sống bê bối, nêu gương xấu cho con cái không?

Khi con cái đến tuổi khôn vào trường thì cha mẹ vẫn còn nhiệm vụ cộng tác, theo dõi công trình dạy giáo lý không?

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Nhìn phương pháp giáo dục của Thiên Chúa, trong Cựu Ước, trong Dân Do Thái, hay trong gia đình Nagiarét, chúng ta nhận thấy “tính cộng đoàn” giữ một vai trò quan trọng trong việc truyền đạt giáo lý đức tin. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. “Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy theo luật Môisen, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh biết truyền đạt giáo lý đức tin cho các thế hệ, theo gương gia đình thánh gia thất.

2. “Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc theo luật Chúa dạy, thì trở về Nagiarét”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình Công Giáo biết chu toàn mọi điều luật Chúa dạy, và hướng dẫn con cháu luôn thực thi điều ấy.

3. “Mácta đón Đức Giêsu vào nhà mình, Maria ngồi nghe lời Người”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết đón Chúa Giêsu vào gia đình mình, vào trong lòng mình, luôn lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy.

4. Chúa phán: “ Điều mà các ngươi đã nghe, các ngươi hãy truyền lại cho con cháu, khi ở nhà cũng như khi đi đường...”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi gia đình trong họ đạo chúng ta, biết truyền đạt giáo lý đức tin cho con cháu mình.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn phổ biến giáo lý đức tin ngay trong gia đình Công Giáo. Xin cho chúng con biết dùng các nề nếp trong gia đình mà làm cho mọi người được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

ĐỒNG HÀNH CÙNG CON CÁI

Khi đọc lại các dụ ngôn của Chúa Giêsu trong tin mừng, tôi không khỏi thán phục về tài kể chuyện tài tình, thu hút, nội dung những câu chuyện thật gần gũi, liên hệ đến từng cá nhân. Tôi tự hỏi: bởi đâu Chúa Giêsu có thể có “cả kho” những câu chuyện dân gian để minh hoạ vào trong giáo lý của Người cách phong phú như thế?

Một lần được xem phim “Đức Maria, người nữ tuyệt vời” tôi khám phá ra rằng có lẽ những câu chuyện dân gian trong Tin mừng của Chúa Giêsu chính là những câu chuyện mà Người đã được Mẹ Maria kể cho nghe trong thời thơ ấu. Như thế, ta thấy được sự đồng hành của gia đình, của cha mẹ trong đời sống con cái thật quan trọng biết bao. Tuyên ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo của Công Đồng Vaticanô II viết: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được” (Gravissimum Educationis (GE), số 3). Khi tác thành nhân loại, Thiên Chúa không muốn con người cô độc, nhưng muốn con cái loài người sống có đôi có bạn, được lớn lên, được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, rồi Chúa còn cho họ được thân thiện với Ngài.

Thiên Chúa muốn được sinh ra trong một mái ấm gia đình, người đã không xuất hiện trong trần gian này qua hình ảnh một cô tiên hay như một vị thần thánh nhưng đã theo qui luật mà chính Ngài đã thiết lập. Ngài đã chấp nhận được sinh ra trong một gia đình nhân loại, có đủ cả cha lẫn mẹ, bà con họ hàng, được nuôi dưỡng bảo vệ bởi Đức Maria và Thánh Cả Giuse, từ từ lớn lên và chấp nhận cái chết để hoàn toàn giống như anh em mình. Ngài cũng cần được dạy dỗ, cần học hành để biết cách sống như con người.

Để chuẩn bị cho các đôi hôn nhân làm cha mẹ, Giáo hội dạy họ phải biết cách giáo dục con cái. Một trong những phương thế giáo dục ấy là đồng hành, là làm gương sáng. Cha mẹ là những người gần gũi, chăm sóc con mình từ những giây phút đầu tiên, họ phải tự giới thiệu chính mình cho con cái, rồi cũng giới thiệu ông bà, anh chị cho con cái, đồng thời cũng tập cho con cái biết lễ phép với họ hàng. Không những thế, cha mẹ còn nêu gương hiếu thảo cho chúng. Vì thế, gia đình phải là trường dạy đức tin cho con cái trước tiên. Cha mẹ không chỉ bảo cho chúng nó biết điều gì là tốt, điều gì phải làm, thì ai sẽ chỉ dạy cho chúng.

Sinh ra những đứa con đã vất vả, nuôi dưỡng và đào luyện con mình thành người trên đời còn vất vả hơn. Các bậc cha mẹ hãy nhìn ngắm gia đình Nazareth để thấy tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục con cái. Thánh Gia Thất luôn là mẫu gương cho các gia đình trong mọi nền văn hoá và mọi môi trường xã hội. Những người cha hãy quan tâm, gần gũi, hiểu biết và hướng dẫn con như người thầy, người bạn thân tình, thông cảm, luôn nâng đỡ con trong mọi tình huống, để người con ấy chính là hình ảnh sinh động của người cha. Các bà mẹ hãy thân thương, gần gũi, thấu hiểu những ước mong, những tính toán của con cái, để chỉ bảo và dìu dắt con vượt qua mọi gian nan thử thách, mọi trở ngại cuộc đời, để người con ấy chính là phản ảnh sống động của bà mẹ.

Với trào lưu tục hoá và ảnh hưởng của nhiều nền văn hoá du nhập, gia đình cần lắm những bậc làm cha mẹ biết quan tâm giáo dục con cái, đồng hành hướng dẫn chúng trong mọi lĩnh vực từ đời sống đức tin cho đến đời sống xã hội thường ngày. Hy vọng, ở mọi nơi, trong mọi lúc, làm mọi việc, cha mẹ luôn đồng hành với con cái để cho con mình tiến bước vào đời cách vững vàng và đời sống đức tin vững mạnh.

HỌC KINH THÁNH

BÀI 55: SÁCH CHÂM NGÔN (CÁCH NGÔN)

1/ Châm ngôn là gì?

Trong tiếng Hipri, chữ Mashal mà ta dịch là Châm ngôn chỉ một câu vắn gọn bằng thể thơ, đúc kết một nhận xét dựa vào thực tế, nhằm hướng dẫn cách sống.

Ví dụ: “Con khôn làm cha vui sướng,

2/ Mục đích sách nầy nhằm giáo huấn điều gì?

Sách Châm ngôn dựa vào sự kính sợ Thiên Chúa và vào ý muốn của Ngài để kêu gọi con người biết tự chủ và sống tiết độ. Luân lý nầy nhằm củng cố sự hòa thuận trong gia đình, ngoài xã hội với mục đích làm cho con người sống hạnh phúc.

Tuy nhiên, Châm ngôn chỉ biết có thưởng phạt ở đời nầy. Đó là một thiếu sót, vì mạc khải Cựu Ước về điểm nầy còn phải qua nhiều giai đoạn tiệm tiến nữa, trước khi tới chỗ hoàn toàn sáng tỏ trong Tân Ước.

Lời Chúa: “Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta đến không phải để bãi bỏ, mà là để làm trọn”. (Mt 5, 27).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con có mẹ cha thay mặt Chúa dạy dỗ, yêu thương chăm sóc chúng con. Xin cho chúng con biết hiếu để với các ngài để đời chúng con luôn tìm được bình an trong sự Quan phòng của Chúa. Amen.

SỐNG ĐẠO

ĐẠO

Chúng ta là người có đạo, có khi là đạo dòng, đạo nòi, đạo lâu đời và giữ đạo đúng đắn. Nhưng thử hỏi mình biết rõ đạo mình chưa và giữ đạo có thật tốt chưa?

Chúng ta cũng vẫn biết vô đạo là xấu vì không có khuôn khổ nào kiềm chế, sống tự do phóng túng thì làm sao nên người thiện hảo được.

Thật sự, chúng ta có hiểu đạo là gì không? Đạo có rất nhiều nghĩa (có cả nghĩa xấu nữa: đạo ăn trộm, đạo ăn cướp…) đạo ở đây chính là đường, là lế lối, là luật lệ hướng dẫn con người sống đúng với nhân phẩm; đối với tín hữu thì đạo không những dẫn dắt sống đúng nhân phẩm mà lại đưa đến mục đích tối chung là sáng Danh Chúa và hạnh phúc muôn đời.

Cho được như thế thì Đạo gồm 3 căn bản.

  1. Những điều phải tin.
  2. Những điều phải giữ.
  3. Những nghi lễ để tỏ ra mình sống đạo.

Nói cách khác, đạo dạy mình tin có Chúa, giữ điều răn của Chúa, và nhờ các bí tích để tin giữ biểu lộ lòng đạo.

Thực tế người đạo sống đạo như thế nào? Có hạng người có chịu Rửa tội, rồi không học đạo, hoặc có học rồi quên hết, không giữ đạo, chỉ còn mang tiếng là tín hữu, chỉ còn tiếp xúc chút ít với tập đoàn họ đạo. Thật ra hạng này không nhiều.

Hạng nhiều hơn là những người giữ đạo không ý thức, người lớn giữ thì mình giữ theo lề thói, chỉ thấy giữ đạo là tốt, vô đạo là xấu cho nên giữ, thế thôi! Giữ đạo cho qua ngày, nhụ nhựa, nửa nóng, nửa lạnh (quên tình trạng bị Chúa mửa tuôn ra, không còn kể vào hàng con cái).

Tệ hơn, lạm dụng đạo: giữ đạo thì có giữ, nhưng giữ đạo để được ơn phần xác, để được ca tụng, để rút tiền những bà goá, lạm dụng buổi hội họp để khêu gợi kích thích tình dục, tìm liên lạc bất chính.

Chúa đâu có mạc khải đạo để cho loài người sống đạo cách đó. Chúa mạc khải đạo để con người sống đúng nhân phẩm, đúng là con cái Chúa, sống bảo vệ mục đích tối chung - mà Chúa mạc khải - để cho người sống đạo không sống riêng cá biệt cho mình, mà phải sống cho anh em, sống cho tập thể.

Vì thế, sống đạo phải thành thật, phải nồng nhiệt. Sống thành thật cho mình, sống nồng nhiệt cho anh em, không sống bê bối tội lỗi, nêu gương xấu cho anh em theo đàng tội, nhưng sống tốt, sống thánh thiện để giúp anh em tiến trên con đường thánh thiện, để cùng nhau đạt mục đích tối chung.

Hiểu đạo như thế nào?
Giữ đạo ra sao?

THỜ CÚNG

Đạo đòi chúng ta phải nhìn nhận có một Đấng tuyệt đối, Đấng toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ. Không có vị nào, đấng nào đòi sánh được. Không có Chúa thì không có đạo, không ai chỉ đường, không ai mạc khải.

Mà Chúa lại là Đấng tạo dựng. Từ hư vô Chúa đã tạo dựng vũ trụ, ngay cả con người có vẻ quý trọng hơn, nhưng cũng là vật thọ tạo. Trong con người có những gì mà không do Chúa ban. Lấy tạo vật so sánh với Chúa tuyệt đối thì thật là vô lý.

Vì thế, con người phải thay thế vũ trụ vô tri, nhìn nhận uy quyền của Chúa nghĩa là tôn thờ Chúa.

Bây giờ phải làm gì để tôn thờ? Theo tâm lý Á Đông đối với hạng có quyền trên, để tỏ tâm tình tôn kính thì dâng lễ, đối với thần phật thì cúng.

Đối với Chúa thì cúng những gì? Thói thường người ta cúng hoa quả, vàng hương… Vậy là của Chúa giao về Chúa, không có giá trị. Có cái chi riêng của con người dâng lên Chúa? Chỉ có khổ nhọc, nói được là của riêng, mà khổ nhọc của con người thì có giá trị gì?

Như vậy, chính con người của mình cũng không mấy giá trị, không đáng làm của lễ. Chính Chúa giải quyết, Chúa Nhập Thể dùng nhân tính kết hợp với con người làm vật lễ. Nói được vật lễ là nhân tính của Chúa Kitô, kết hợp với con người để nên vật lễ cúng tiến. Và vì thế cũng nói được là của lễ con người dâng mà cũng là của Chúa dâng. Nhờ đó mà của lễ có giá trị thích đáng cho việc tôn thờ.

Chúng ta có nhận thấy mình có nhiệm vụ tôn thờ Chúa không? Chúng ta có nhớ mình hoàn toàn lệ thuộc Chúa không?

Chúng ta tham dự Thánh lễ thế nào? Xin Chúa cho con người chúng ta cả đời nên của lễ cung tiến cho Chúa.

GIỮ NGÀY CHÚA NHẬT

Đạo đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận có Chúa cao cả tuyệt đối, cho nên cũng đòi chúng ta phải thời cúng Chúa. Chúa tạo dựng mà Chúa cũng quan phòng từng giây từng phút, nên việc thờ cúng đúng lý phải thường xuyên.

Trên thực tế, trên bàn thờ, giường thờ, có thể có vật tế thường xuyên như hoa quả, vàng hương; nhưng tâm tình tôn thờ, khó giữ được lâu giờ, đừng nói đến thường xuyên.

Do đó, Chúa ra định luật: điều thứ ba Giữ ngày Chúa nhật. Hội Thánh còn thêm “giữ các ngày lễ buộc”. Về khoản kiêng việc xác thì đều hàm chứa trong luật Chúa và luật Hội Thánh.

Chúa dựng nên con người ban cho có tự do – đối với việc tôn thờ chúng ta thấy rõ, con người có nhiệm vụ tôn thờ – thử hỏi tại sao Chúa còn ra luật. Chúa có đàn áp ép buộc không!

Nên nhớ, tự do không phải là muốn làm chi thì làm, tự do có khuông` khổ. Tự do làm điều tốt thì được nhưng nếu tự do làm điều xấu thì tự mình làm kém nhân phẩm của mình, lại đáng Chúa phạt. Tự do là điều cần thiết cho nhiệm vụ.

Luật chỉ định: trong tuần phải để một ngày để tôn thờ, không phải để đàn áp, mà đúng ra là để nhắc nhở nhiệm vụ, vì con người lo nhiều cho thể xác mà quên lo cho linh hồn.

Buộc kiêng việc xác để có giờ lo việc thiêng liêng, lại để cho thể xác được nghỉ ngơi (Thứ 7 Chúa nghỉ, ngừng tạo dựng….).

Chúng ta cũng thấy được phần nào Chúa trọng tự do của con người. Con người được tự do chọn lựa.

Giữ ngày Chúa nhật, không những để thể hiện nhiệm vụ tôn thờ, mà cũng để kính nhớ ngày Chúa sống lại và mong được tham gia sự sống lại của Chúa.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- TỔ CHỨC NỘI BỘ CỦA GIÁO PHẬN tt–

Ị. Tổ chức Giáo phủ
- Ngành Tài Chánh (x. nguyệt san tháng 5)
- Ngành Hành Chánh (x. nguyệt san tháng 6 và 7)

- Ngành Tư Pháp

Quyền tư pháp
Các cấp toà án
Đối tượng xét xử
Đại diện tư pháp
Thẩm phán
Công tố viên/Bảo hệ viên
Thư ký

1. Quyền Tư pháp

Với quyền tài phán được Đấng sáng lập Giáo hội trao phó (x. Mt 16,19), Đức Giáo Hoàng thi hành quyền đó trên toàn Giáo hội hoàn vũ; cũng vậy, các Giám mục thì thi hành quyền trên các Giáo hội địa phương mà mình được uỷ thác. Quyền tài phán nầy được điều 391 của Bộ Giáo luật quy định như sau:

Giám mục giáo phận lãnh đạo Giáo hội địa phương đã được uỷ thác cho mình với quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chiếu theo quy tắc của luật (391§1)

Giám mục đích thân thi hành quyền lập pháp, ngài đích thân hoặc nhờ các Tổng Đại Diện hay các Đại Diện Giám Mục thi hành quyền hành pháp, chiếu theo quy tắc của luật; ngài đích thân hoặc nhờ vị Đại Diện tư pháp và các thẩm phán thi hành quyền tư pháp, chiếu theo quy tắc của luật (391§2).

Thêm vào đó, điều 392 còn nhắc nhở các Giám mục thêm:

Vì phải bảo vệ sự hợp nhất của Giáo hội phổ quát, Giám mục buộc phải cổ vũ kỷ luật chung của toàn thể Giáo hội, và vì thế, ngài phải thúc bách việc tuân giữ tất cả mọi luật của Giáo hội (392§1).

Ngài phải liệu sao để cho kỷ luật của Giáo hội không bị lạm dụng, nhất là trong những điều liên quan đến tác vụ Lời Chúa, đến việc cử hành các bí tích, đến việc tôn thờ Thiên Chúa và việc tôn kính các thánh, cũng như đến việc quản trị tài sản (392§2).

Ngoài ra, Giáo hội là một xã hội độc lập và hoàn bị được công pháp quốc tế nhìn nhận là một quốc gia. Do vậy, Giáo hội có quyền riêng biệt và độc hữu có những toà án để xét xử: “những vụ án liên quan đến những việc thiêng liêng (sự thành hiệu của bí tích: hôn phối, truyền chức thánh) và đến những gì gắn liền với những việc thiêng liêng (nơi thánh, vật thánh, giáo vụ…) ” (đ. 1401§1); và “việc vi phạm luật Giáo hội và tất cả những hành vi có tính cách tội lỗi, trong tương quan với việc xác định lỗi phạm cũng như việc tuyên kết hình phạt của Giáo hội” (đ. 1401§2).

Vì những lý do trên mà Thẩm Quyền của Giáo hội (ĐGH và các Giám mục Giáo phận) có quyền và bổn phận để thi hành quyền bính đã được trao phó cho mình. Quyền nầy, các ngài đích thân thi hành hoặc qua người đại diện (đại diện tư pháp) và các phẩm phán trong các toà án (x. đ.391§1; 1419-1422).

2. Các Cấp Toà Án

Trong dân luật, cũng như Giáo luật, việc điều hành công lý luôn được thực hiện nhờ các cấp của tòa án. Các cấp toà án được tổ chức theo những tiêu chuẩn như: lãnh thổ, đối tượng vụ kiện…Thông thường người ta lấy tiêu chuẩn lãnh thổ, vì đây có tích cách phổ thông. Dưới khía cạnh nầy, Giáo hội tổ chức các toà án có phẩm trật thành ba cấp như sau: cấp Giáo phận (toà án cấp một); cấp Giáo tỉnh (toà án cấp hai, toà kháng cáo); cấp Toà thánh (Đức Giáo Hoàng; Tối cao pháp viện và Toà Thượng thẩm Rota). Lần lượt chúng ta lướt qua các toà án nầy:

a. /. Cấp Giáo phận

Toà án Giáo phận hay còn gọi là toà án cấp I hoặc là toà án sơ cấp. Toà án nầy chính Đức Giám mục Giáo phận là thẩm phán. Tuy nhiên, ngài có thể tự mình chủ toạ, hoặc qua vị Đai diện tư pháp. Toà án Giáo phận có quyền xét xử mọi vụ kiện nếu luật không minh nhiên loại trừ (x.đ.1419). Việc thiết lập toà án Giáo phận là điều hết sức cần thiết, vì xét cho cùng, Giáo phận nào cũng có những kiện tụng về hộ sự hoặc hình sự, nhưng thực tế thì không mấy Giáo phận có thể thành lập được toà án vì những điều điện về nhân sự mà Giáo luật đòi hỏi thì quá khắc khe. Sự “hiếm muộn” nầy làm cho nhiều người lầm tưởng rằng trong Giáo phận như không hề có toà án!

b/. Cấp Giáo tỉnh

Toà án cấp Giáo tỉnh còn gọi là toà án cấp II hoặc là toà kháng cáo. Vai trò của toà án nầy là xét lại các bản án của các toà án cấp I thuộc Giáo tỉnh, nếu trong trường hợp có kháng cáo (x.đ.1438§1).

Toà án cấp I với sự cho phép của Hội Đồng Giám mục, Đức Giám mục Giáo phận có thể uỷ thác cho một thẩm phán duy nhất chủ toạ và tuyên án (x.đ.1425§4), nhưng toà án cấp II nầy phải được tiến hành xét xử theo cách thức tập đoàn (x.đ.1441).

c/. Cấp Toà Thánh:

Các toà án tại Toà Thánh là những cơ quan giúp Đức Giáo Hoàng thi hành cách thông thường quyền tư pháp của ngài trên Giáo hội hoàn vũ. Các toà án nầy cũng gọi là toà án kháng cáo, hay toà án cấp III. Tại Toà Thánh có thể phân biệt nhiều cơ quan (x.đ. 1442-1445).

Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha có quyền xét xử bất cứ vụ kiện nào, dù hiện đang ở giai đoạn nào. Các tín hữu có quyền nại đến ngài để xét vụ án của mình (x. đ. 1417§1). Luật dành riêng cho Đức thánh cha thẩm quyền xử các vụ sau đây mà không có toà án nào có thể xen vào: các nguyên thủ quốc gia; các Hồng y; các Sứ thần và Khâm sứ Toà Thánh; các Giám mục trong các vụ hình sự (x. đ.1405§1)

Tối Cao Pháp Viện

Điều 1445 gồm 3 khoản ấn định ba lãnh vực thẩm quyền của Toà nầy;
Xét lại các kháng cáo hay kháng án của Toà Thượng Thẩm Rota.
Xét lại các văn bản hành chánh của các cơ quan giáo triều.
Kiểm soát sự thi hành phận sự của các thẩm phán, luật sư, và việc điều hành tư pháp nói chung của các toà án (x. đ.1445).


Toà Thượng Thẩm Rota (đ. 1444).

Toà Thương thẩm Rota có vai trò:

- Xử các giám mục trong những vụ kiện về hộ sự;
- Xử các vụ kiện về hộ hay hình sự của các tổng viện phụ, viện phụ hội trưởng chi dòng, bề trên tổng quyền các dòng thuộc Toà thánh;
- Xử các giáo phận và các pháp nhân hay thể nhân không có bề trên nào khác ngoài Đức thánh cha (x. đ. 1405§3);
- Xử các vụ kháng án do các toà án cấp II hay cấp I đã xử. Nếu Toà Thượng thẩm đã xử cấp I thì cấp II cũng sẽ do toà nầy xử nhưng với một tập đoàn thẩm phán khác.

Ngoài ra, chúng ta còn nghe nói tới Toà Ân giải (Paenitentiaria Apostolica) mà tông huấn Pastor Bonus (về sự tổ chức giáo triều Roma, số 117-130) nói đến. Tuy nhiên, vai trò của Toà Ân giải chuyên trách các vụ lương tâm (forum internum) chứ không phải là toà kháng cáo, nên chúng ta không cần tìm hiểu thêm.

Việc tổ chức các toà án của Giáo hội thành nhiều cấp bậc nhằm phần nào nói lên tính phẩm trật của Giáo hôi; phần nào nói lên tính kỷ thuật trong việc điều hành công lý được công minh hơn.

Ngoài những vấn đề liên hệ tới công ích (trật tự công), Giáo hội hết lòng khuyên nhủ con cái mình cố gắng hết sức để tránh những vụ kiện tụng trong dân Chúa mà hãy giải quyết bằng hoà giải trong yêu thương và bác ái (x.đ.1446).

TRANG LINH MỤC

Trong thơ gởi cho cha mẹ lúc ĐGH Gioan XXIII vừa tròn 50 tuổi,Ngài viết: “Thưa cha mẹ, hôm nay con được 50 tuổi, Chúa thương ban cho con nhiều chức tước trong Hội Thánh,được đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không có trường học nào dạy dỗ và làm ích cho con bằng hồi con được ngồi trên gối của cha mẹ”.

Qua tâm tình của ĐGH, chúng ta thấy gia đình là môi trường đầu tiên trong việc giáo dục con cái. Sau gia đình mới là những môi trường khác như: Trường học, họ đạo, xã hội…Chẳng những là môi trường đầu tiên mà là môi trường chính yếu của việc giáo dục con cái, vì trách nhiệm giáo dục đức tin cho con cái chủ yếu là trách nhiệm của cha mẹ (TDGD, 2). ĐGH Gioan Phaolô II quả quyết: “Tương lai của thế giới và Giáo hội đi qua các gia đình” (FC. 85). Chẳng ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái.

Trong việc giáo dục gia đình, người cha là người chỉ đạo, là cái đầu của gia đình, là người chịu trách nhiệm trước Giáo hội và xã hội vể tương lai của con cái. Chính người cha định hướng; sáng tạo và quyết định những bước đi thích hợp cho con cái. Chính ông là người nêu gương sáng cho con cái trong đời sống đức tin. Không có lời giảng dạy nào hùng hồn và thuyết phục con cái cho bằng thái độ khiêm tốn bày tỏ đức tin của người cha, khi ông quỳ gối trước bàn thờ và hướng dẫn toàn thể gia đình cùng nhau đọc kinh tối sáng. Thái độ người cha dạy con cái trước hết và trên hết ta phải tuân phục một mình Thiên Chúa. Ngài là Người Cha gia đình tuyệt vời nhất. Thánh Têrêsa đã viết về người cha của mình thế này: ”Chơi đoạn, cả nhà lại lên gác đọc kinh. Ở trên gác con vẫn được ngồi bên cha, con chỉ cần nhìn cha cũng đủ biết được cách các thánh cầu nguyện” (Một Tâm Hồn, tr. 47).

Nếu như người cha đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái thì vai trò của người mẹ cũng quan trọng không kém. Thánh Alphongsô khi nói về mẹ đã kêu lên: ”Tất cả những gì tôi có đều do mẹ tôi ban cho”. Quả thực, mẹ đúng là nhà giáo tuyệt vời. Chính người mẹ dạy con bập bẹ kêu tên Chúa khi con biết nói những lời đầu tiên. Chính mẹ khắc sâu trong con hình ảnh ban đầu về Chúa Giêsu. Chính mẹ dẫn con tham dự thánh lễ đầu tiên trong đời. Chính mẹ đưa con đi dự những giờ giáo lý tuổi thơ. Chính mẹ đã gieo vào lòng con hạt giống đức tin, đã vun xới làm cho nó nảy mầm và lớn dần theo con qua từng tháng năm, để trong vòng quay nghiệt ngã của cuộc đời, có thể đứa con phải bỏ lại nhiều thứ nhưng hạt giống Đức tin của mẹ vẫn còn luôn mãi trong con và trổ sinh nhiều bông trái để đứa con có thể tiếp tục gieo mầm tin yêu cho thế hệ mai sau.

Đức Maria là hình ảnh người mẹ tuyệt hảo. Thánh Giuse là hình ảnh người cha gương mẫu. Các bậc làm cha mẹ được mời gọi noi gương Thánh Gia giáo dục con cái trở thành những người con của Chúa, như Chúa Giêsu. Thánh Gia là một gia đình lý tưởng, đạo đức,yêu thương chăm lo cho nhau. Thánh Gia là trường học đầu tiên huấn luyện Chúa Giêsu. Thánh Gia là trường dạy cầu nguyện, dạy giáo lý,dạy lao động, dạy yêu thương đến hiến mình cho người khác, chuẩn bị cho chúa Giêsu gánh vác sứ vụ Chúa cha trao phó.

Tóm lại, gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái. Có thể cha mẹ không có mảnh bằng giáo dục hay tâm lý nào, nhưng với lòng yêu mến Chúa và gương sáng của mình, cha mẹ trở thành những nhà giáo tuyệt vời,cống hiến cho Giáo hội và xã hội những người con ưu tú góp phần làm sáng danh Chúa.

TRANG TU SĨ

TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI ?

Xã hội hôm nay đang phát triển về nhiều lãnh vực như: hạ tầng cơ sở, văn hóa, kinh tế, môi trường… Đa phần ai cũng phấn khởi vì thấy quê hương đang bước chuyển mình; đời sống dân chúng thêm phần khởi sắc, từ ăn no mặc ấm bước sang ăn ngon mặc đẹp. Trước sự tiến bộ của đất nước thật đáng phấn khởi, vui mừng. Nhưng thực tế khi nhìn thẳng vào cuộc sống, chúng ta không khỏi đau lòng khi thấy giá trị đạo đức đang sa sút, công lý đang bị chà đạp và nền luân lý đang suy đồi. Thử hỏi, lý do bắt nguồn từ đâu. Phải chăng từ nơi gia đình?

Gia đình là tế bào, là phần tử của xã hội. Gia đình tốt, thì xã hội lành mạnh và ngược lại. Mỗi người trong gia đình đều có trách nhiệm xây dựng xã hội tốt. Xã hội tốt thì mới sinh ra những con người lành mạnh. Gia đình tốt là gia đình biết giáo dục con cái theo tiếng nói của lương tâm. Đặc biệt gia đình Công giáo còn là Giáo Hội tại gia, là trường dạy đức tin cho con cái, là chiếc nôi đầu tiên để dạy con trẻ biết sống yêu thương, tha thứ.

Mỗi lần có dịp về quê thăm gia đình, tôi không khỏi đau lòng khi đến nhà thờ tham dự Thánh lễ. Họ đạo khoảng 1200 giáo dân nhưng dự Thánh lễ Misa chưa được 30 người. Đa số người đi lễ là thành phần cao niên và một vài người trong Ban Qưới chức, Hội đoàn … Thiếu nhi, giới trẻ thì không thấy? Trách nhiệm nầy là của ai? Cha mẹ không dạy dỗ, nhắc nhở để con em sống đạo thì các em không tha thiết tới nhà thờ là việc bình thường. Nhìn thấy tinh thần đạo đức của họ nhà sa sút, tôi chỉ biết cầu nguyện cho họ đạo mà thôi.

Việc giáo dục đức tin cho con trẻ đầu tiên là dạy giáo lý trong gia đình. Chúng ta đừng quan trọng hóa lớp giáo lý như nơi họ đạo. Cần phải có bàn ghế hẳn hoi, phải là giáo lý viên mới có thể dạy được … Nơi gia đình với tư cách là ông bà, cha mẹ hay anh chị đều có thể dạy giáo lý cho con em của mình. Nội dung giáo lý lấy từ đâu? Những kiến thức chúng ta được tiếp thu từ khi bước vào các lớp Khai tâm, Vỡ lòng, Thêm sức… Những tư tưởng của Cha chia sẻ trong Thánh lễ, hay nhữøng gì mang giá trị đạo đức mà chúng ta nghiên cứu qua sách vở, qua các phương tiện truyền thông… Tất cả nguồn vốn nầy chúng ta đều tận dụng để dạy giáo lý cho con em trong gia đình.

Trong bầu khí sum họp của gia đình trước hay sau bữa ăn, cha mẹ có thể hướng ý cho con cái biết cám ơn Chúa ban cho có của ăn nuôi sống hằng ngày. Có thể gợi ý cho con trẻ trả lời: con cá, con tôm, trái cà, trái bí… con ăn do đâu mà có? Nhìn một nụ hoa, bụi kiểng, con ve, con b??m trước sân vườn, h?i trẻ xem ai là Đấng tạo thành? Khi cho con cháu món quà, ông bà, cha mẹ cần gợi ý cho trẻ biết Thiên Chúa là Đấng tạo dựng đầu tiên. Trước khi đọc kinh tối, cha mẹ hướng ý cho con trẻ biết một ngày sống là hồng ân Chúa ban. Thế nên phải cám ơn Chúa, biết ơn Chúa bằng cách thờ phượng và kính mến Người. Từng chút như thế, trẻ sẽ hiểu và nhớù, nhờ đó đức tin sẽ được lớn lên.

Mỗi gia đình Công giáo cần biết ý thức việc giáo dục đức tin cho con cái, biết cách đưa giáo lý vào đời sống thường ngày. Khi con em của chúng ta được hấp thụ giáo lý từ nơi gia đình sẽ có nền tảng đạo đức vững chắc. Nhờ hiểu biết giáo lý, đức tin con trẻ được bén rễ, chúng nó s? tr? thành người con ngoan trong gia đình; một thiếu nhi đạo đức của họ đạo. Gia đình tốt sẽ xây dựng một xã hội lành mạnh và nhất là mang lại hoa trái tốt cho Giáo Hội.

Một Nữ Tu MTG Cái Mơn

TRÁCH NHIỆM KHÔNG THỂ THAY THẾ

Gia đình là xã hội đầu tiên. Đây là điều không thể phủ nhận bởi từ nơi gia đình mà đứa trẻ biết những khái niệm sơ đẳng về thế giới quan, nhân sinh quan v. .v, làm nền tảng cho cuộc sống xã hội sau này. Gia đình cũng chính là nơi ươm mầm những hạt giống đầu tiên cho nền tảng đức tin mà không ai có thể thay thế được.

Thế nhưng vấn đề là làm sao các em có thể đến Nhà Thờ khi ba mẹ các em không đi? Thật khó xử khi khuyến khích các em đi dự lễ Misa thì được trả lời: “Ba mẹ con không cho đi vì sớm quá.” Nhưng cũng thật cảm động khi nghe một bà mẹ có cậu con trai học giỏi, đàn cũng giỏi, đang sống tại thành phố chia sẻ: “Mấy năm nay con không đi làm sớm, con giao công việc đó cho ông xã con làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, con ở nhà để sáng sớm kêu thằng bé nhà con thức dậy đi lễ cho nó quen với Nhà Thờ, được học Giáo lý được nghe Lời Chúa.” Trẻ học nơi gương sáng của cha mẹ.

Trẻ học từ cha mẹ điều tốt lẫn điều xấu. Dấu ấn đức tin sẽ ghi dấu ấn trong tâm hồn chúng khi được giáo dục trong bầu không khí đạo đức từ gia đình, cha mẹ. Đây là trách nhiệm không thể thay thế của cha mẹ đối với con cái. Không thể khoán hết cho bất kỳ ai, dù đó là cha sở, Quý Dì hay các Giáo Lý Viên.

Như vậy, một chương trình Giáo lý thành công phải có sự phối hợp giữa Giáo Lý Viên và gia đình. Làm sao để gia đình nhận thấy rằng việc cộng tác với Cha Sở hay người có trách nhiệm trong việc dạy Giáo lý cho trẻ là quan trọng, bởi vì việc giúp cho con em mình trở nên con cái ngoan ngùy của Chúa phải là mối bận tâm lớn nhất của mỗi cha mẹ.

Mong sao các bậc cha mẹ ý thức vai trò giáo dục đức tin cho con cái là trách nhiệm ưu tiên, không thể thay thế, để quan tâm sâu sát hơn đến việc tạo điều kiện tích cực và thuận lợi cho con em trong việc học hỏi và tìm hiểu và sống đức tin.

Một nữ tu MTG Cái Nhum

TRANG SỐNG ƠN GỌI

Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi:

Ơn gọi, kết quả của sự hợp tác giữa mọi người

Theo ZENIT (26.04.2010) – Một cuộc nghiên cứu được thực hiện tại Hoa Kỳ trên các ứng viên chức linh mục năm nay cho thấy ơn gọi là kết quả của một sự hợp tác giữa hàng giáo sĩ, gia đình và toàn thể dân Chúa.

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, hướng tới Ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi (25/4), hôm 16/4 vừa qua, đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát về “Lớp 2010: khảo sát về các ứng viên chức linh mục”.

Đây là một dự án nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu ứng dụng cho công tác tông đồ của đại học Georgetown thực hiện hàng năm, theo yêu cầu của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Cuộc khảo sát đã được thực hiện với bản câu hỏi được gửi tới 440 ứng viên chức linh mục. 291 ứng viên linh mục triều và 48 ứng viên thuộc các dòng tu đã trả lời bảng câu hỏi này. Kết quả được công bố cho thấy:

“Đa số các ứng viên sẽ được thụ phong linh mục năm nay là người công giáo gốc”.

“Bốn trên năm người cho biết cha mẹ là người công giáo; khoảng tám trên mười ứng viên đã được một linh mục khuyên nên xem xét khả năng bước vào đời sống linh mục”.

Đức Hồng y Sean O’Malley (Boston), chủ tịch Ủy ban phụ trách giáo sĩ, tu sĩ và ơn gọi, thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, khẳng định: “Điều này cho thấy đâu là chức năng thiết yếu toàn thể Giáo Hội phải thực thi để cổ vũ ơn kêu gọi.”

Đức Hồng y nhấn mạnh là gần ba phần tư lớp năm nay cho biết đã từng là trẻ giúp lễ, đọc sách, thừa tác vụ Thánh Thể hay đã tham gia một hoạt động nào đó trong giáo xứ.

“Cuộc nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc giáo dục thường xuyên và sự dấn thân trong lòng tin công giáo”.

92% các ứng viên đã có một công việc trọn thời gian (đa số trong lĩnh vực giáo dục) trước khi vào chủng viện.

Ba trên năm ứng viên đã hoàn tất chương trình đại học trước khi vào chủng viện và một trên năm còn theo học bậc trên đại học.

Một phần ba trong số họ đã vào chủng viện trong khi đang theo học đại học. Trung bình, họ cho biết đã xét xem mình có ơn gọi làm linh mục hay không khi 18 tuổi.

Về Gia đình

Người trẻ nhất sẽ được thụ phong linh mục năm nay là 25 tuổi, và 11 người trong số họ đã 65 tuổi và trên nữa.

37% ứng viên có người bà con làm linh mục hay tu sĩ.

Hai phần ba cho biết là trước khi vào chủng viện, họ đã thường lần chuỗi và dự các buổi chầu Thánh Thể.

Đa số có trên hai anh chị em và 24% trong số họ có 5 anh chị em hoặc hơn.

70% là người Caucase/châu Âu/châu Mỹ/da trắng, trong khi đó 13% là người gốc Tây Ban Nha/latinh và 10% là người châu Á hoặc các đảo Thái Bình dương.

Gần một phần ba lớp sinh ra ngoài Hoa Kỳ, tại Mêhicô, Colombia, Philippin, Ba Lan và Việt Nam.

Hội đồng Giám mục đã công bô kết quả này trên trang web của mình và trên một trang mới dành cho việc cổ vũ ơn gọi. Nội dung được giới thiệu trên trang web mới này hy vọng sẽ giúp mọi người nhận ra ơn gọi của mình và góp công sức và vật chất cho cha mẹ, các nhà giáo dục để cổ vũ ơn gọi.

TRANG THIẾU NHI

Dạy Con Thế Nào?

Nỗi buồn con trẻ

Buồn, trầm cảm, u uất là điều trẻ em cảm thấy đầu tiên khi bị trừng phạt về thân thể và tinh thần. Khi bị mắng, đánh chửi trẻ sẽ có cảm giác không được thương yêu và dần xa lánh cha mẹ.

Bị đánh mắng nhiều sẽ khiến trẻ bị thui chột những khả năng sáng tạo, khả năng thể hiện bản thân mình với bạn bè và xã hội. Nỗi buồn luôn đeo đẳng và trẻ sẽ trốn tránh để không phải đối mặt với cha mẹ vì lo sợ sẽ bị làm sai điều gì đó khiến cha mẹ trách phạt.

Chai lì với đòn roi

Sử dụng biện pháp trừng phạt thân thể chỉ có tác dụng trong thời gian trước mắt. Trẻ thường có thái độ chống đối bằng cách thực hiện hình phạt để khỏi bị phạt ngay lúc đó, nhưng sẽ tái phạm vào lúc khác với mức độ mạnh hơn.

Hơn thế nữa, khi bị ăn đòn quá nhiều trẻ không còn cảm thấy sợ, dường như chai lì với đòn roi của bố mẹ. Điều này khiến trẻ trở nên lầm lì, hiếu chiến và hung hăng hơn. Không ít những hành vi phạm tội trẻ vị thành niên là do trẻ không được dạy dỗ đúng cách và không hiểu đúng bản chất của việc giáo dục không cần đòn roi.


Nhiều trẻ bỏ bê học hành, đua đòi ăn chơi, theo bạn bè xấu chỉ vì không tìm được sự đồng cảm trong gia đình, với bố mẹ. Những bạn bè xấu thường cũng có hoàn cảnh éo le tương tự vì vậy những đứa trẻ này thường cùng nhau bỏ bê học hành, nghĩ ra những trò bậy để nghịch ngợm và quấy phá.


Bị mắng mỏ, bị phạt, và bị đánh đòn nhiều sẽ gây ra phản ứng giận dữ, chống đối, thậm chí suy thoái đạo đức ở trẻ. Đòn roi sẽ không có tác dụng nếu cha mẹ không chịu tìm hiểu lỗi lầm của con trẻ trước khi dùng hình phạt roi đòn.


Lắng nghe nỗi niềm trẻ thơ

Rất ít cha mẹ ý thức được về tầm quan trọng của việc lắng nghe tâm sự của trẻ thơ. Trẻ em cũng có quan điểm riêng của mình về những hành động mình làm. Trẻ cần được chỉ bảo cặn kẽ về cái sai và cái đúng về hành động của chúng, để từ đó trẻ ý thức được việc mình làm tốt hơn.

Trẻ cũng muốn được tha thứ, được giảm nhẹ hình phạt, được sửa chữa lỗi lầm mỗi khi làm sai chứ không chỉ là đón nhận một trận đòn kịch liệt rồi đâu lại vào đấy. Là người làm cha, làm mẹ hãy thực sự chia sẻ với trẻ, dạy điều hay, điều dở và loại bỏ thói quen trừng phạt nặng nề những đứa con thương yêu của mình.

Theo giadinh.net

TRANG GIỚI TRẺ

VAI TRÒ GIÁO DỤC CỦA GIA ĐÌNH

“Vì cha mẹ đã sinh ra con cái nên quyền và bổn phận giáo dục là một điều nằm trong yếu tính của họ; vì tương quan giữa họ với con cái là một tình yêu không thể thay thế được, nên quyền và bổn phận giáo dục của họ có tính cách độc đáo và cơ bản so với bổn phận giáo dục của người khác, đó cũng là một cái gì không thể thay thế và không thể chuyển nhượng được” (Trích Tông huấn Gia đình của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, số 36).

Những lời trên đây của Đức Thánh Cha cho thấy tầm quan trọng của cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Và một trong những điều cần thiết không thể thiếu được của cha mẹ Công giáo là giáo dục đức tin cho con cái. Nói cách khác, gia đình có vai trò giáo dục đức tin cho con cái của mình. Chính cha mẹ là những người đầu tiên nói những điểm căn bản về giáo lý cho chúng. Đồng thời, qua cách sống đức tin tốt và vững mạnh của cha mẹ con cái sẽ được thừa hưởng điều cao quý ấy. Bởi lẽ:

“Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con”

Điểm chính yếu trong giáo lý của Hội thánh Công giáo là làm sao cho con người nhận ra được tình thương của Thiên Chúa dành cho họ. Để rồi, con người được mời gọi đáp trả lại bằng đời sống đức tin vững mạnh qua việc chu toàn bổn phận của mình với Thiên Chúa. Đời sống đức tin ấy cũng được biểu lộ qua việc yêu thương và hiến mình cho người khác.

Cha mẹ hằng ngày đọc kinh sáng tối, hàng tuần đến Nhà thờ dâng Thánh lễ vào ngày Chúa nhật, không mê tín dị đoan…là họ đang dạy cho con mình đời sống đức tin vững mạnh.

Cha mẹ quan tâm, hy sinh và lo lắng cho nhau cũng như cho nhiều người xung quanh là họ đang dạy cho con mình đời sống vì người khác.

Có thể nói không cha mẹ nào có thể tự nhiên làm được những điều này nếu họ đã không được tập luyện từ nhỏ. Vậy người trẻ chúng ta hãy ý thức và tập luyện những điều đó ngay từ hôm nay. Bởi đó là những điểm giáo lý căn bản và sống động mà con cái chúng ta đang mong mỏi nơi các bạn.

TRANG GIA ĐÌNH

GIA ĐÌNH LÀ NƠI CON NGƯỜI THÀNH NGƯỜI

Sinh-lão-bệnh-tử là qui luật cuộc sống của mọi sinh vật trên mặt đất này. Không ai hiện hữu trong trần thế này mà không được sinh ra và cũng không ai có thể bất tử. Mọi sinh vật cũng thế, chỉ có một con vật tự sánh mình ngang bằng trời là Tề Thiên mới không được sinh ra, thế nhưng may mắn thay, đây là sản phẩm do sự tưởng tượng của con người.

Cách chung con người và con vật giống nhau ở chổ có sinh có tử nhưng chúng ta không thể đồng hoá con ngưòi và con vật, bởi có sự khác biệt giữa con người và con vật. Sự khác biệt đó là: Ở loài vật chúng chỉ biết sống theo bản năng thiên phú mà không phải học hành, còn loài người còn có lý trí, có hồn thiêng, nên không phải chỉ sống theo bản năng mà còn biết phát huy hay kềm chế bản năng, biết truyền thụ kinh nghiệm cho nhau và hệ thống nó thành một nền giáo dục.

Đây là yếu tố căn bản để phân biệt giữa người và thú. Ông Hàn văn Công nói: “Nhân bất thông cổ kim, mã ngưu nhi khâm cứ” (người không thông suốt lẽ xưa nay, đâu có khác nào trâu ngựa mặc quần áo) (x. Khuyến học, Minh Tâm Bảo Giám, trang 141, NXB Văn học 2001)

Có lẽ chính vì thế mà các nhà khoa học ngày nay có ý định nhân bản con người rồi nuôi dưỡng sản phẩm của họ trong môi trường cách ly với xã hội loài người, không được dạy dỗ, tiếp xúc với con người để khi cần, sẽ lấy các bộ phận cơ thể của những con người được nhân bản này mà thay thế cho con người, bởi họ nghĩ rằng những kẻ có hình dạng con người kia, nhưng không được sinh ra cách tự nhiên, không được học hành thì không phải là con người. Điều đó đã bị Giáo Hội phản đối vì vi phạm đến quyền của Thiên Chúa, nhưng họ cũng có cái lý nào đó của họ.

Thiên Chúa muốn được sinh ra trong một mái ấm gia đình, người đã không xuất hiện trong trần gian này qua hình ảnh một cô tiên, ông bụt nhưng đã theo qui luật mà chính Ngài đã thiết lập. Ngài đã chấp nhận được sinh ra trong một gia đình nhân loại, có đủ cả cha lẫn mẹ, bà con họ hàng, phải được nuôi dưỡng bảo vệ bởi Đức Maria và Thánh Cả Giuse, phải từ từ lớn lên và chấp nhận cái chết để hoàn toàn giống như anh em mình. Ngài cũng cần được dạy dỗ, cần học hành để biết cách sống như con người.

Để thực hiện chương trình rao giảng Tin Mừng trong 3 năm, Ngài đã phải sống trong gia đinh với thời gian nhiều gấp 10 lần, để trở thành Bác Thợ mộc con bà Maria. Đây không phải là thời gian chờ đợi, mà là thời gian cần thiết để chuẩn bị, để thành người.

Thiên Chúa là chủ vạn vật, chính Ngài đặt định các qui luật, nên Ngài vượt trên tất cả. Thế mà Ngài đã chấp nhận làm làm người bằng cách thế như vậy. Điều đó cho chúng ta thấy môi trường gia đình có tầm quan trọng như thế nào đối với mỗi một con người.

Bảo vệ đời sống gia đình là giúp cho xã hội tồn tại và thăng tiến, để con người mỗi ngày trở nên hoàn hảo như hình ảnh Thiên Chúa. Phủ nhận hay phá hoại đời sống gia đình là chúng ta đang hủy hoại tương lai của nhân loại, phá hủy phẩm giá của con người, kéo con người xuống ngang hàng với các sinh vật khác.

(Nguồn giaoxungoclam.com)

MỘT KỶ NIỆM SỐNG ĐẠO NƠI GIA ĐÌNH

Dân tộc Do Thái sau khi ra khỏi đất Ai Cập đã được ông Môi Sen dẫn về đất Chúa hứa. Trên đường hành trình Chúa đã chỉ dạy cho Môisen để ông truyền lại cho dân, dân sẽ truyền lại cho con cháu “Nghe đây, hỡi Israel ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng, hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà, cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Đnl 6,4-7).

Cựu ước đã có giáo dục tôn giáo trong gia đình. Abraham sợ lòng tin của Isaac bị chao đảo bỏ Chúa chạy theo ngoại thần, hoặc trở về nếp sống của tổ tiên xưa, nên Abraham bắt Êliêđê, người lão bọc theo Abraham lâu năm và cũng là người quản lý mọi tài sản của ông thề đừng cưới vợ cho Isaac trong số con gái xứ Canaan, “đừng đưa con trai tôi về quê tôi” (St 24,2-5). Cha ông và con cháu luôn vững tin vào Chúa, đi theo đường lối của Thiên Chúa.

Lời Chúa trên đây giúp tôi nhớ lại một kỷ niệm sống đạo thời tấm bé. Anh chị tôi kể lại : “Sau khi chị Năm tôi chết đuối trong ao lúc còn bé, cha mẹ tôi thương khóc khôn nguôi. Lúc tôi sinh vào đời, cha mẹ tôi sung sướng đón nhận tôi như món quà Chúa ban. Trước khi cho tôi bú, uống nước, uống thuốc hay sau này khi ăn uống, mẹ tôi luôn cầu nguyện thay tôi, với tôi và làm dấu thánh giá, dấu chỉ yêu thương ban ơn cứu độ trên mình tôi. Rồi mỗi lần tôi mắc nghẹn, nấc cục, ho mẹ tôi đều vuốt ngực tôi với lời cầu tự phát : “Xin Đức Bà chữa”. Tôi được nuôi dưỡng lớn lên với thân xác và niềm tin qua dòng sữa mẹ. Khi tôi tập tễnh bước đi tôi được dẫn đến trước bàn thờ Chúa ở giữa nhà để cúi đầu ạ Chúa, ạ Mẹ. Khi tôi biết nói sõi thì cha tôi bắt đầu dạy kinh truyền khẩu trước khi dẫn tôi vào giấc ngủ để tôi có thể tham gia tích cực những buổi kinh tối trong gia đình, nhưng trước đó là giờ kinh chiều hằng ngày trong họ đạo nơi nhà thờ họ. Sau khi đã học thuộc các kinh thông thường, cha tôi bắt đầu dạy giáo lý truyền khẩu mỗi ngày một câu, cha tôi lặp đi nhắc lại nhiều lần cả câu hỏi lẫn câu thưa, tôi vui vẻ lặp lại theo ông cho đến khi êm trôi vào giấc ngủ trưa hay tối. Đến khi tôi được tròn năm tuổi, tôi đã thuộc lòng cuốn giáo lý địa phận, và tôi có thể tham gia các cuộc thi giáo lý các cấp: họ, xứ, liên xứ, hạt và giáo phận. Cha tôi luôn là huấn luyện viên là nhà dìu dắt tôi tham dự các cuộc thi, tôi luôn mang lại sự hãnh diện cho cha tôi, cho gia đình và họ đạo vì tôi là thí sinh luôn xuất sắc, vì thuộc bài không vấp, đọc rõ ràng, rành rẽ làm nổi rõ những tư tưởng căn bản của mỗi câu. Bù lại tôi luôn luôn được khen, được thưởng…

Rồi khi cha sở chuẩn bị cho tôi xưng tội rước lễ lần đầu, cha tôi lại bám sát tôi: dẫn tôi đi học, nhắc nhở và kiểm tra hằng ngày những điều phải nhớ, giúp tôi thực tập những việc phải làm: xét mình, ăn năn tội, xưng tội, làm việc đền tội, dọn mình rước lễ, cám ơn sau khi rước lễ. Ngày tôi dọn mình xưng tội rước lễ cha tôi theo sát tôi hơn, giúp tôi từng việc, làm một cách rất cẩn thận, trong nhà thờ cha tôi xét mình cho tôi, cùng tôi ăn năn tội, dẫn tôi vào toà xưng tội, xưng tội xong cha tôi hỏi việc đền tội và cùng làm việc đền tội với tôi. Sau khi cám ơn Chúa, cha tôi dẫn tôi về, lòng hân hoan sung sướng dọn lòng tôi rước Chúa. Ngày tôi rước lễ, tôi có bộ quần áo mới, cha mẹ và anh chị tôi dẫn tôi đến nhà thờ giáo xứ, ông bà quản cài trên áo tôi những thứ cần phải cài, rồi xếp hàng rước cha sở vào nhà thờ dâng lễ.

Tôi vô cùng sung sướng, một giai đoạn mới trong đời tôi. Tôi tham dự thánh lễ và rước lễ thật sốt sắng. Sau Thánh lễ chúng tôi cám ơn cha sở, các thầy, các ông bà quản. Gia đình đã sẵn của lễ vào tạ ơn cha sở. Bằng cử chỉ thân thương, cha sở kêu tôi đến bên cha sở, ngài đặt tay trên đầu tôi và nói : “Ngoan lắm ! Tốt lắm con !” .Sau đó ngài nói với cha mẹ anh chị tôi : “Cố gắng chăm sóc nó, nó có thể đi tu được đấy!”

Giờ đây, với một vị trí khác, với tuổi đời đã cao, tôi nhìn lại kỷ niệm sống đạo ngày nào vẫn còn sống động trong tôi. Tôi ước mong các gia đình công giáo hôm nay hãy cũng làm như vậy, làm tốt hơn thế nữa để giúp con cháu của mình sống đạo thật tốt, sống đạo nề nếp có truyền thống. Nói cụ thể, cha mẹ quan tâm giúp con cái đi học giáo lý theo chương trình của họ đạo, giúp chúng học bài và thực hành những điều đã học trong cuộc sống hằng ngày, cùng với con cái giúp chúng chuẩn bị kỹ càng để lãnh nhận các bí tích.

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

MẤY NGUYÊN TẮC SƯ PHẠM CĂN BẢN TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ

Dựa vào những phương thức rao giảng của Chúa Giêsu đã nói ở trên, ta rút ra một số nguyên tắc sư phạm cần thiết sau đây:

Cụ thể:

Để huấn giáo cho tốt và lợi ích cho người thụ giáo, bài giáo lý còn phải được trình bày một cách cụ thể; nghĩa là:

Để tưởng tượng, hình dung, hiểu ngay được. Người nghe càng nhỏ tuổi, thì bài giáo lý cần phải dễ hiểu, dễ tưởng tượng, càng cụ thể.

Dùng từ ngữ dễ hiểu, kiểu nói dễ hiểu để trình bày giáo lý đầy trừu tượng. Cần chuyển ý niệm thành hình ảnh (như Chúa ví mình là ánh sáng, là mục tử...).

Để cụ thể hoá bài giáo lý: Giáo lý viên còn dùng tranh ảnh cụ thể thấy được (ảnh Chúa và các thánh, ảnh phong cảnh, thiên nhiên, vạn vật...).

Phương pháp tốt nhất cho bài giáo lý nên cụ thể: Là dùng lối kể chuyện

Phương pháp quy nạp: (khác diễn dịch).

Là phương pháp đi từ nhiều sự kiện đặc thù để rút ra một kết luận tổng quát. Chúa Giêsu đã theo đường lối này.

Ví dụ: Chúa kể một câu chuyện hay nhiều câu chuyện để từ câu chuyện đó rút ra một bài học.

Ví dụ: Câu chuyện Bài học

1. Người con phung phá

Thiên Chúa đón nhận tội nhân

2. Những người từ chối dự tiệc cưới.

Kẻ gọi thì nhiều, kẻ chọn thì ít.

3. Người Samaritano nhân hậu

Mọi người đều là anh em với nhau.

4. Cỏ lùng trong ruộng lúa

Đời này vàng thau lẫn lộn.

5. Chiếc lưới thả xuống biển

Ngày tận thế, người lành-kẻ dữ tách ra.

Vậy để áp dụng phương pháp quy nạp vào giáo lý, giáo lý viên có thể phân biệt ba giai đoạn:
- Giới thiệu: Bằng cách đưa ra một sự kiện làm khởi điểm.
- Giải thích: Từ sự kiện đó rút ra những ý tưởng, những bài học thích hợp.
- Áp dụng: Đem những ý tưởng, bài học đó soi sáng đề tài giáo lý mình muốn trình bày.

Chủ động:

Là tạo cho học viên có cơ hội tích cực tham gia vào việc khám phá và đồng hoá chân lý chứ không phải là nhồi sọ hay thụ động. Giáo lý viên phải giúp cho học viên vận dụng khả năng suy tư của họ.

Đối thoại (đàm thoại):

Giáo lý viên đặt câu hỏi giúp các em suy nghĩ, bước gần tới chân lý. Câu hỏi phải có tính chất gợi ý, tiệm tiến, tức là nối tiếp ăn khớp với nhau trong thứ tự câu hỏi.

Ví dụ: Đề tài của bài là: “Chúa Giêsu hiến dâng mạng sống cho ta”. Giáo lý viên đặt ra những câu hỏi sau đây:
- Người ta có sợ chết không nhỉ? (thường thường, người ta rất sợ chết).
- Có khi nào người ta dám liều chết không nhỉ?
- Vậy, khi nào người ta dám liều chết?
- Chính Chúa Giêsu đã nói gì và đã làm gì?
- Chúa Giêsu hiến thân để làm gì?

Sinh hoạt giáo lý: chủ đích của sinh hoạt giáo lý:

Là cách để cho học viên hiểu sâu vào bài giáo lý. Có vài cách thức sinh hoạt giáo lý sau đây:

a. Sinh hoạt do một học viên làm thay cho cả lớp;

Ví dụ:
Đọc một đoạn Thánh Kinh.

Tìm một hay hai đoạn Thánh Kinh phù hợp với đề tài giáo lý.
Thuật truyện cho cả lớp nghe.
Mời một học viên cho ý kiến về bài giáo lý.
Chỉ một học viên tóm lược bài giáo lý.
Chỉ một học viên cầu nguyện lớn tiếng thay cho
cả lớp.

Sinh hoạt từng nhóm:

- Mỗi nhóm hội thảo về một điểm trong bài giáo lý.
- Mỗi nhóm soạn một lời cầu nguyện.
- Mỗi nhóm vẽ một bức hình về chủ đề giáo lý.
- Mỗi nhóm diễn tả một cành Phúc âm theo đề tài giáo lý.

Sinh hoạt cá nhân chung cho cả lớp:
- Cả lớp cùng hát về một bài về đề tài giáo lý.
- Vẽ sáng tác cảnh Phúc âm.
- Sắp một câu, một đoạn Kinh Thánh.
- Câu đố hoặc trò chơi giáo lý, hay một băng reo theo đề tài giáo lý.

Cảm nghiệm:

Khi ta trình bày chân lý, cần đồng thời lay động tâm tình người nghe. Thế là cả trí tuệ và tâm hồn cần được vận dụng trong giờ giáo lý.

Tiến dần dần trong chương trình và cách dạy (tiệm tiến).

1. Tiến dần dần trong chương trình:

Nghĩa là mỗi tuổi có vấn đề riêng, vì nhu cầu tâm lý khác nhau. Đằng khác, giáo lý và một việc dài hạn phải liên tục suốt đời mọt người tín hữu, không thể thu gọn trong ít tuần, ít tháng, ít năm...

2. Trong cách dạy:

Giáo lý viên phải trình bày vấn đề dần dần, mở rộng cao hơn, sâu hơn.

Vận dụng trí nhớ:

Không loại bỏ học thuộc lòng, nhưng cần tăng cường những điểm sau đây:
- Vận dụng trí nhớ cần thiết cho cả hai phương diện sư phạm và giáo dục đức tin.
- Về sư phạm: hiểu và nhớ liên quan tới nhau, hỗ trợ cho nhau.
- Về giáo dục đức tin: muốn tin và nuôi dưỡng đức tin thì cần phải nhớ những giáo huấn và kỳ công của Thiên Chúa.

Phương pháp giáo lý mới cải tiến việc vận dụng trí nhớ theo hai hướng:
- Trong bài giáo lý cần được chọn để học thuộc lòng một số câu.
- Trích nguyên văn hay tóm lược những lời Kinh Thánh hay Phụng vụ để học thuộc lòng.

TRANG QUỚI CHỨC

CON NGƯỜI VÀ TỘI TỔ TÔNG

Khoa khảo cổ học và nhân chủng học cho thấy con người “homo sapiens” tiến hóa từ ăn lông ở lổ. Nhờ kinh nghiệm trong cuộc sống hằng ngày họ khôn lên từ từ. Những bằng chứng hóa thạch nói lên như vậy.

Những con vật đi bốn chân như những anh em khác của nó, qua quá trình phức tạp hóa các tế bào não, một ít có số tế bào não nhiều hơn, sẳn sàng để tiến hóa xa hơn (theo Teilhard de Chardin).

Xảy ra một lần một con vật thấy trái cây trên cao nó vói lên, chồm hai chân truớc lên và hái được trái trên cao. Và nó lập lại kinh nghiệm ấy khi cần. Dần dần nó đi hai chân vì có lợi hơn và một số khác có điều kiện cũng làm được như vậy. Chúng tách tốp và làm thành một nhóm bỏ lại phía sau những con khác và bắt đầu trở thành loài người khác với loài vật. Kinh nghiệm nầy kích hoạt bộ não của chúng để đi thêm những bước mới, có những tiến bộ mới. Và như thế sự tiến hoá cứ chầm chậm mà đi tới.

Có những trái cây có vỏ cứng, nghe mùi mà không ăn được. Có con đập nó vào vật cứng như cây hoặc đá thì thấy vở ra ăn được. Lần khác nó lấy đá đập lên cũng làm vở ra. Một lần nọ, có con đập trật trái cây khiến đá chạm vào đá nháng lửa. Nó lập lại cho nháng lửa rồi lửa bắt cháy cỏ khô gần đó. Vậy là có lửa. Lửa nóng ấm, có thể nướng chín đồ ăn cho thơm ngon hơn. Và từ từ, chậm chậm, kinh nghiệm thêm vào nhiều hơn và con vật cũng trở nên khôn hơn mà thoát dần khỏi tình trạng ăn lông ở lổ sơ khai: biết dùng dụng cụ. Đó là khám phá khoa học qua những chứng tích hoá thạch mà tạo hoá ban cho để khám phá và tìm hiểu công trình tạo dựng của Ngưòi vì “res clamat auctorem” (muôn loài ca khen Đấng Tạo Thành).

Tổ Tông Loài Người Và Tội Tổ Tông

Theo Sách Sáng thế: Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống như Người. Ban cho nhiều đặc ân siêu nhiên. Cho ở trong vườn địa đàng có đủ mọi cây trái thơm ngon…. Adam và Eva không vâng lời Chúa, ăn trái cấm, phạm tội, đánh mất tất cả, trở thành trần truồng, xấu hổ, phải làm lụng vất vả để kiếm cái nuôi thân.

Trước kia Giáo Hội dạy phải hiểu Kinh Thánh theo nghĩa chữ. Nay thì không ai nghĩ như vậy nữa mà mọi người đều chấp nhận theo nghĩa biểu tượng.

Trước nhất Adam và Eva không phải là tên riêng, là tổ tông duy nhất của loài người. Không phải đầu hết Thiên Chúa chỉ dựng nên duy nhất có Adam - Eva và mọi ngưòi đều là con cháu Adam- Eva. Cain đã nói với Chúa: người thứ nhất gặp tôi sẽ giết tôi mất. Hay có câu: Con trai của Thiên Chúa cưới con gái loài người. Adam và Eva chỉ là tên tập thể hay theo Việt Nam gọi là huyền thoại hay huyền sử như những tên gọi Âu Cơ-Lạc Long Quân. Âu Cơ là Mẹ Vui Vẻ. Lạc Long Quân là ông Vua Vui Vẻ. Lạc là sông Lạc của Lạc Thư là cuốn sách minh triết vui vẻ. Adam-Eva là gọi thế hệ tổ tông hay các thế hệ tổ tông của loài người.

Còn tội tổ tông có phải là tội của Adam-Eva không? Và là tội gì?

Chúng ta chỉ được biết chắc chắn qua các di chứng hoá thạch mà tạo hóa ban cho là con người bắt đầu trần truồng và phải vất vả kiếm ăn và tiến hóa từ từ….

Tội tổ tông là tổ tông của các thứ tội, là tội gốc của mọi tội trong đó người ta thấy đủ mọi tội thì đúng hơn Không phải một người phạm mà là tội của mọi người.

Con người phát triển trí khôn từ từ, rất chậm chạp. Do đó sự trưởng thành và biết xử dụng tự do cũng từ từ như vậy. Không biết là không có tội. Những người chưa biết phân biệt tay phải với tay trái thì làm sao có tội. Một vài bộ lạc Phi Châu ăn thịt người mà không biết có tội thì họ đâu có tội gì. Cho tới khi có ai thuyết phục họ nhận là có tội thì sau đó họ mới bị coi là có tội nếu họ cứ ăn.

Khi có luật lệ rõ ràng thì tội mới rõ ràng. Khi có luật cấm, tự nhiên hay thiết định, được công bố minh bạch, có lỗi phạm với đầy đủ hiểu biết và cố tình mới cấu thành tội luân lý. Như thế thì sau khi luật Tân Ước được Chúa Giêsu công bố và được rao giảng cùng khắp thì một vi phạm minh nhiên mới gọi được là tội một cách đầy đủ. Như thế thì tổ tông của chúng ta chưa phạm tội theo đúng nghĩa luân lý. Vì vậy mà ngày nay người ta không nhìn nhận là tổ tông đã phạm tội đúng nghĩa luân lý của tội. Chỉ có cái là những cái xấu đã lan tràn cùng khắp và để lại một ảnh hưỏng xã hội xấu xa “tội lỗi” do các thế hệ tổ tông loài ngườøi tạo ra như là một bầu khí ô nhiễm, một môi trường sinh thái tự nhiên bị phá vỡ tạo thành một áp lực đè nặng trên những thế hệ về sau làm cho mọi người hít thở cái không khí ấy thì đều bị nhiễm mà thuờng gọi là ‘mắc’, mắc tội tổ tông. Gọi là bị nhiễm hay vô nhiễm thì dể hiểu hơn. Không mắc như là bị dính một cục dơ trong linh hồn phải chịu phép Rửa tội mới khỏi tội tổ tông mà phải trang bị với những thiết bị của ơn cứu độ do Chúa Giêsu làm ra để chống nhiễm thì có thể không bị nhiễm hoặc chỉ nhiễm ít. Thực tế thì trước Chúa Giêsu mọi người đều bị nhiễm vì chưa có trang thiết bị chống nhiễm. Sau Chúa Giêsu thì vẫn bị nhiễm nhưng những người có xử dụng những trang thiết bị chống nhiễm trong kho tàng ơn cứu độ thì ít hơn tuỳ theo có áp dụng triệt để hay không.

Bí tích Rửa tội?

Ngày nay không nói Bí Tích Rửa tội nữa mà nói Bí tích Thanh Tẩy hoặc phép Rửa gia nhập. Là nghi thức ghi tên gia nhập cộng đoàn cứu độ trong đó các thành viên được hưởng dùng các phương tiện cứu độ để bảo vệ khỏi nhiễm ảnh hưởng của tội tổ tông. Chúa Giêsu lập Giáo Hội để tổ chức công việc áp dụng kho tàng ơn cứu độ mà Ngưòi đã tạo ra qua công trình cứu độ khi Ngưòi sống tại thế. Là cung cấp cho các thành viên những trang thiết bị cần thiết để chiến đấu hữu hiệu chống lại áp lực nặng nề của ảnh hưởng tội lỗi của những thế hệ tổ tông của chúng ta để lại mà thường gọi là tội tổ tông. Ngày nay người ta gọi là defectus materiae chứ không muốn gọi là tội. Như chúng ta thấy nhan nhản đầy dẫy những cái xấu trong xã hội chúng ta đang sống. Một đứa trẻ mới sinh ra không biết gì hết. Nhân chi sơ tánh bổn thiện. Nhưng nếu để tự nó thì cái xấu sẽ ào vào xâm chiếm nó. Nó mất đi cái tánh bổn thiện tự nhiên, không trừ một ai cả. Cái xấu thì không cần dạy nó cũng tự có. Ơn cứu độ không phải là một món quà ban tặng cho một người như cục kẹo hay cái bánh chỉ cần cầm lấy mà ăn thì được cứu độ. Ta là đường là sự thật là sự sống. Đi theo Chúa Giêsu bằng cách sống theo sự thật của Lời Chúa thì được sống “cứu”. Đi theo là một quyết định tự do của mỗi người. Sự “ơn” cứu độ có sẳn rồi. Ai muốn thì quyết định đi theo Chúa Giêsu, học biết và giữ đầy đủ những điều Người dạy thì có ơn cứu độ cho mình. Thánh Gioan gọi là tin. Không thì thôi.

Extra Ecclesiam nulla salus. (Ở ngoài Giáo Hội không được cứu?) Không có phép Rửa tội thì không được cứu?

Không phải tuyệt đối tại vì không được Rửa tội. Đã cãi nhau nhiều về vấn đề nầy. Thật ra rất đơn giản. Ở ngoài Giáo Hội (không lãnh phép Rửa gia nhập) thì không có các phương tiện cứu độ trợ giúp thì làm sao được bảo vệ hữu hiệu chống lại cái xấu “tội lỗi”. Thần học cũng có câu: Không có ơn Chúa thì không ai có thể giữ mình tốt lâu dài. Nói không chịu phép Rửa thì không được cứu không có nghĩa là tuyệt đối do không chịu phép Rửa mà là do không gia nhập vào tổ chức an toàn thì không được an toàn vì không được bảo vệ hữu hiệu. Đúng là “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” theo nghĩa là Giáo Hội được giao phó việc tổ chức áp dụng ơn cứu độ mà không gia nhập Giáo Hội thì làm sao được hưỏng nhờ. Ơn cứu độ luôn có đó cho tất cả mọi ngưòi nhưng không lấy được mà dùng nếu không có ngưòi được quyền phân phát. Nếu có người phân phát mà có người không muốn lãnh thì cũng phải chịu thôi.

Trẻ nhỏ không có phép Rửa?

Thánh Phaolô không Rửa cho các trẻ nhỏ. Ngài gọi trẻ nhỏ là thánh. Đức GiêSu đã chẳng nói rõ ràng: Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng hoặc không trở nên như trẻ nhỏ thì không được vào nước Thiên Chúa đó sao?

Nhưng những trẻ nhỏ không được Rửa tội thì lớn lên không được trang bị chống ô nhiễm thì không thể không bị ô nhiễm làm sao khỏi hư mất cho được.

Đức GiêSu khi truyền cho các tông đồ đi rao giảng cũng đã dặn rõ: Ai tin thì cho họ chịu phép Rửa “gia nhập”, dạy cho họ giữ mọi điều Thầy đã dạy. Những lời thề khi chịu phép Rửa là tuyên xưng đức tin. Người lớn thì tự tuyên xưng. Trẻ nhỏ thì được những người đem chúng đến xin chịu phép Rửa tuyên xưng thay thế.

Vì Adam-Eva phạm tội mà Thiên Chúa phải cứu độ? Như vậy thì Thiên Chúa bị đặt điều kiện sao? Không thể! Ngày nay người ta muốn gọi công trình cứu độ là “nâng cấp” (upgrade). Một công trình chưa xử dụng cũng có thể phải nâng cấp nữa huống chi đã xuống cấp trầm trọng thì tất nhiên phải nâng cấp. Xuống cấp hay phải nâng cấp là bản chất tự có của vật chất “defectus materiae” Người ta muốn giải thích tội tổ tông như là khuyết điểm tự thân của mọi vật chất. Vậy thì Thiên Chúa phải can thiệp đặc biệt thêm để cho phát triển đúng hướng và nhanh chóng theo ý Thiên Chúa. Chương trình nầy đuợc hoạch định từ đời đời chứ không phải vì có tội tổ tông Thiên Chúa mới trù định kế hoạch cứu độ.

Ơn cứu độ phổ quát?

Vấn đề đã gây tranh cãi rất nhiều nhưng vẫn chưa có hồi kết. Thánh Catarina Siêna nói: Nếu có một người không được cứu thì Thiên Chúa thất bại.

Vấn đề là :

Ý muốn của Thiên Chúa là quyền năng và tuyệt đối hữu hiệu không có giới hạn, nghĩ là không gì trong tạo vật có thể giới hạn quyền năng ấy. Nhưng Thiên Chúa đã tự đặt giới hạn cho mình bằng cách hào phóng ban tặng con người món quà vô cùng quí giá là tự do. Có tự do, con người nhân danh tự do mà làm điều tội.

Ngọc Hoàng ngồi tựa ngai vàng.
Thấy con uống rượu hai hàng lệ rơi.
Tưởng rằng con uống con chơi.
Ai dè con uống con rơi xuống sình.

Chúa không thể ngăn cản con người phạm tội vì Người không thể tự mâu thuẫn. Đã cho thì không lấy lại. Vì lấy lại thì không có con người nữa mà chỉ còn toàn là loài vật không giống Chúa. Con người được dựng nên giống Chúa là có tự do biết lành biết dữ và biết chọn lành lánh dữ để phát triển hình ảnh của mình cho giống Chúa tới mức hoàn thiện là chỉ có lành mà không có dữ nữa, giống như Cha trên trời là Đấng toàn thiện.

Thiên Chúa muốn mọi người được cứu nhưng con người cũng phải muốn nữa. Thiên Chúa muốn con người muốn là con người vâng lời Chúa, không muốn là không vâng lời Chúa thì Chúa cũng không cứu được. Thánh Gioan nói: Ai tin thì được cứu, ai không tin thôi vậy.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Lệ

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

7 điều tối kỵ khi to tiếng

Gân cổ lên cho mình đúng, người khác sai, là điều thường thấy ở những cặp vợ chồng hiếu thắng và nông nổi.

Đây là một số điều cần tránh khi hai vợ chồng "to tiếng":

1. Giữ cơn tức giận, rồi bất thần xổ tung ra vào một dịp khác.

Nhiều người chọn phương cách không phải là “nuốt trôi cục giận” mà găm giữ, “ngâm nó trong bụng”, còn bề ngoài tỏ ra bình thản, chịu đựng. Hành động này khiến người phối ngẫu tưởng rằng đối phương đã nhận thức được sai trái, hoặc ngậm bò hòn làm ngọt để giữ hòa khí gia đình. Ngày qua tháng lại, trong một cuộc cãi cọ kịch liệt nào đó, những “cục giận” sẽ được xổ tung ào ạt, không kiềm chế nổi.

Giải pháp: Nếu như một trong hai người có khuynh hướng né tránh các cuộc xung đột, hãy lên kế hoạch dành một khoảng thời gian thường xuyên để gợi mở lại tất cả những gì đã làm bạn đau đầu.

2. Quá phóng đại sự việc.

Bạn luôn trầm trọng hóa vấn đề, phóng đại sự việc khiến đối phương tức giận.

Giải pháp: Nếu giữa lúc cãi nhau mà bạn đưa ra được một câu đùa vui làm cả hai cùng giảm stress thì đừng ngần ngại trong việc chia sẻ nó. Một nụ cười (dù vẫn còn hơi ấm ức trong bụng) sẽ làm tình hình lắng dịu ngay.

3. Làm quan tòa kết tội.

Đó là trường hợp khi một trong hai người cố né tránh xung đột thì người kia lại xung thiên nộ khí, trở thành quan tòa tra vấn, hạch sách, kết tội.


Giải pháp: Nếu như bạn có thể tránh xung đột ở mức độ tối thiểu, người phối ngẫu của bạn sẽ không trở thành quan tòa chất vấn nữa.

Ví dụ, thay vì đay nghiến: “Cái tivi chết tiệt đó có cái gì hay ho đâu mà vừa đi làm về đến nhà là ông đã ôm riết lấy nó, bỏ mặc mẹ con tôi sống chết thế nào cũng mặc kệ?”, bạn hãy nói dịu dàng: “Anh ơi, thằng cu Tý nãy giờ cứ ngóng mãi bố về để giảng bài cho nó đấy”.

4. Phải chiến thắng bằng mọi cách.

Khi bạn tập trung mọi nỗ lực để đè bẹp đối tượng và chứng tỏ mình là người chiến thắng, là luôn luôn đúng, bạn đã không đặt mối quan hệ tình cảm vợ chồng lên hàng đầu.

Giải pháp: Hãy dẹp bỏ cái tôi ra một bên và đặt cái của chúng ta lên trên hết. Mục tiêu của bạn là phải tìm ra sự thỏa hiệp làm cả hai cùng hài lòng, cùng chiến thắng.

Thay vì móc mỉa, phủ nhận lý luận của vợ chồng, hãy thử khám phá xem cô ấy (anh ấy) suy nghĩ như thế nào, rồi đặt câu hỏi: “Làm cách gì để có một giải pháp mà cả anh và em đều đồng ý?”.

5. Không biểu đạt tình yêu ra ngoài.

Dĩ nhiên khó mà biểu cảm được tình yêu trong khi bạn đang lên cơn giận dữ. Nhưng nếu như làm được điều đó, bạn sẽ chứng tỏ được rằng tình yêu của bạn dành cho vợ (chồng) còn mạnh mẽ hơn những chuyện cãi cọ vặt vãnh đó.

Giải pháp: Dùng những từ yêu thương và làm sáng tỏ vấn đề, rằng dù rất giận nhau, nhưng yêu nhau vẫn là điều quan trọng hơn. Sự âu yếm, dỗ dành rất có ích, ngay cả trong cơn nóng giận.

6. Luôn luôn thủ thế.

Khi bạn thốt ra những câu đại loại như: “Ừ, tôi như vậy đấy, rồi sao?” thì đấy là dấu hiệu cho thấy bạn đã đóng sập cánh cửa giao tiếp tư tưởng đối với người bạn đời.

Giải pháp: Hãy nói, hãy mở rộng cõi lòng nếu một trong hai người có dấu hiệu thủ thế. Hãy để đầu óc thư giãn một chút, thở sâu lấy lại sự cân bằng.

7. Thái độ tàn nhẫn, hằn thù.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nhận được những câu nói đau đớn như nhát dao đâm vào trong tim. Hãy nhớ rằng, bạn hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn ngôn từ mỗi khi mở miệng.

Bạn có thể chọn cách xé nát mối quan hệ bằng những ngôn từ độc ác, vô tâm, hoặc có thể nuôi dưỡng, chăm sóc mối quan hệ bằng những từ nghiêm nghị, nhưng trần đầy tính xây dựng và yêu thương.

Giải pháp: Trước khi bạn sẵn sàng tung ra một chuỗi những từ xấu xa, châm chích, coi thường người bạn đời, hãy tự hỏi bản thân: “Liệu tôi có dám dùng những từ tương tự với bạn thân hay với sếp không? Vậy tại sao chồng (vợ) là những người đầu gối, tay ấp thân thương vô cùng với tôi lại phải chịu sự bất công quá đỗi như vậy?”.

  H. Minh (giadinh.net)

SỐNG ĐẸP

XIN THẦY HÃY DẠY CHO CON TÔI

Dưới đây được cho là Thư tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học.

Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biét cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết; nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với năm đôla nhặt được trên hè phố...

Xin thầy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng.

Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ.

Xin dạy cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ bị đánh bại nhất...

Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách... nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.

Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm...

Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hoà nhã và cứng rắn với những kẻ thô bạo.

Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.

Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người những cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp...

Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã, xin hãy dạy cháy biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt.

Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.

Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình...

Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông đang gào thét... và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng...

Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên được những thanh sắt cứng rắn.

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt tối vào bản thân, bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhận loại.

Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy. Nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình, nếu được vậy, con trai tôi quả thật là một cậu bé hạnh phúc và may mắn.

Một trong những trọng tâm của việc giáo dụcgia đình là dạy cho trẻ biết cách để trở thành con người thật, nghĩa là trở thành con người biết sống theo những giá trị nhân bản, biết tôn trọng sự thật, công bằng và nhất là biết tôn trọng phẩm giá của người khác.

CHÚT TÂM TÌNH

Nếu thời gian trở lại…

"Nếu được trở lại, tôi sẽ sẵn sàng bỏ qua cơ hội phỏng vấn một nguyên thủ quốc gia mà chạy về với con hơn là để con cô đơn, chỉ biết làm bạn với ngón tay như thế!" (Nhà báo Minh Thu)

Nhà báo Minh Thu, người đã từng đoạt rất nhiều giải thưởng về báo chí, được nhiều đồng nghiệp kính trọng đã có một phút trải lòng: “Hồi trẻ, tôi nghĩ, cứ tạo ra thật nhiều hào quang thì con gái mình sẽ hãnh diện và yêu mẹ nhiều hơn, gia đình mình sẽ “vượng” hơn về mọi mặt. Nhưng, tôi đã lầm! Việc đổ quá nhiều thời gian, tâm lực cho công việc đã khiến những cử chỉ yêu thương không có cơ hội được thực hiện, tiếc lắm!”.

Người phụ nữ ngấp nghé tuổi 60 ấy xúc động kể: Ở nhà. Mẹ-con thường xưng hô ”Tui-Chị Hai” cho vui, có lần, cô con gái bộc bạch với mẹ: “Nhiều bữa tui nằm dưới gầm bàn, chị Hai cắm đầu ngồi viết báo, tui nằm chờ mãi, mong được chị Hai sờ vào người một cái cũng không được, rồi tui ngủ quên luôn”. Có những đêm, con gái sợ mẹ đi mất, đã lấy kim băng găm tà áo của hai mẹ con lại mới chịu đi ngủ.

Một lần khác, khi con gái gần đến tuổi lấy chồng, mẹ mới phát hiện một ngón tay của con bị méo. Con gái giải thích: “Hồi đó Hai bỏ tui đi hoài, ở nhà, tui buồn quá phải bú tay, bú nhiều nên ngón tay dẹp lép”. Giờ, hễ nhìn thấy ngón tay méo của cô con gái, chị lại ray rứt, ân hận. Điều khiến chị buồn nhất là đã không thể giữ được người cha lại cho con gái.

Nhà báo Minh Thu tâm sự: “Có lúc tôi ngồi bần thần, nghĩ cuộc đời như một cuốn phim. Tua chậm lại, tôi giật mình nhận ra mình đã quá vô tâm với người thân. Thành công của một người phụ nữ là vun đắp được “ngân hàng” tình cảm trong gia đình, chứ đâu phải hào quang ngoài xã hội! Tại sao khi xưa, lúc ngồi viết báo, mình không gác bàn chân lên con gái, lại để nó buồn tủi rồi ngủ thiếp đi dưới gầm bàn? Tại sao những dịp nhận giải thưởng báo chí, mình không cầm bó hoa đó về chia vui với con gái, với mẹ già mà chỉ biết tiệc tùng say sưa với bạn bè? Cũng có những chuyến đi công tác nước ngoài về, mua được hộp sâm cho mẹ, tôi sà đến bên mẹ tôi được vài giây, nhưng rồi chỉ qua quýt đôi lời lại chạy biến. Mình đã hời hợt với mẹ đến thế sao? Tại sao không ngồi bên mẹ lâu hơn, lắng nghe thêm vài câu chuyện của mẹ? Tôi đã từng thắc mắc tại sao cô con gái của mình khi lên 10 tuổi, đứng trên bục mà một tay cầm sách, một tay cho vào miệng bú. Sau đó hiểu ra, tôi đã tự trách mình rất nhiều. Giờ nếu được trở lại, tôi sẽ sẵn sàng bỏ qua cơ hội phỏng vấn một nguyên thủ quốc gia mà chạy về với con hơn là để con cô đơn, chỉ biết làm bạn với ngón tay như thế!

Theo Trần Triều (BáoPhụ Nữ TPHCM)

1689    24-04-2012 09:35:54