Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Vai Trò Của Giáo Xứ Trong Việc Dạy Giáo Lý - Tháng 09 năm 2010

LỜI CHỦ CHĂN

Tòa Giám Mục Vĩnh Long
103 đường 3/2
Vĩnh Long

Ngày 24.8.2010

V/v Giáo xứ và việc dạy Giáo lý

Trong Tông huấn sau Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1977 về việc dạy giáo lý, Đức Gioan Phaolô II viết :

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, theo ước nguyện của rất nhiều Giám mục, Cộng Đoàn Giáo Xứ phải là nơi cổ võ việc dạy giáo lý và là địa điểm ưu tiên cho công cuộc nầy” ( CT 67).

1. Họ Đạo hay Cộng Đoàn Giáo Xứ là một đoàn tín hữu nhất định được thiết lập cách bền vững thành cộng đoàn dưới quyền lãnh đạo của một mục tử riêng (Gl 515). Mục tiêu của Cộng đoàn nầy là gì ?

Cộng Đoàn nầy phải tìm lại được ơn gọi của mình là nhà của một gia đình, mang tính huynh đệ và niềm nở, nơi đó mọi người đã lãnh nhận Phép Rửa và Bí Tích Thêm Sức nhận thức rằng mình là đoàn dân của Thiên Chúa. Ở đó họ nhận được Giáo lý lành mạnh và Bánh Thánh Thể bẻ ra ï làm lương thực dồi dào cho họ trong khuôn khổ của việc cử hành phụng vụ (CT 67) .

Dạy Giáo lý là một trong những bổn phận quan trọng của Hội Thánh, một sinh hoạt cần thiết để nuôi dưỡng đức tin và gia tăng sức sống cho Hội Thánh. Mọi sinh hoạt của các hội đoàn có kèm theo chương trình trau dồi giáo lý nhằm huấn luyện đời sống tâm linh, quy về việc tuyên xưng đức tin, ý thức mình là thành phần của Hội Thánh, người có Đạo dấn thân trong xã hội luôn sống theo tinh thần Phúc Âm: “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha” (Êph 4,5-6).

Đâu đâu người ta cũng có thể dạy giáo lý, nhưng cộng đoàn giáo xứ phải là nơi cổ võ việc dạy giáo lý và là địa điểm ưu tiên cho công việc nầy (CT 67). Giáo xứ là trung tâm qui hướng cho mọi thành phần dân Chúa, ngay cả những người không hành đạo .

2. Nhiệm vụ giảng dạy còn phải kết hợp với sứ mạng thánh hóa. Giáo lý dự tòng chuẩn bị cho học viên gia nhập vào cộng đoàn, tham dự các sinh hoạt của Hội Thánh. Giáo lý Rước Lễ chuẩn bị học viên tham dự Bàn Tiệc Thánh Thể. Giáo lý Thêm Sức chuẩn bị cho các tín hữu lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần để trở thành nhân chứng đức tin. Giáo lý Hôn nhân chuẩn bị các tín hữu bước vào đời sống đôi bạn, để làm chứng tình yêu cho nhau, cho con cái và cho mọi người.

Như vậy, việc giáo dục đức tin phải đi trước để chuẩn bị cho đời sống bí tích. Không thể chấp nhận chuyện cưới hỏi trước rồi sẽ học giáo lý sau, cũng như cho Rửa Tội trước rồi sẽ tìm giờ học giáo lý thêm.

Việc dạy giáo lý cần phải được tổ chức theo trật tự hợp lý. Chương trình phải đầy đủ, theo chỉ dẫn của Hội Thánh, nhưng có thể thích ứng với từng lứa tuổi, để con cái Chúa được nhiều lợi ích thiêng liêng.

3. Để kết luận, ta nên nghe lại lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II : “Từ rất sớm, người ta đã dùng từ ngữ dạy giáo lý để gọi toàn thể các nỗ lực trong Giáo Hội nhằm thu nạp môn đệ (x.Mt 28,19), để giúp nhân loại tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, ngõ hầu nhờ tin mà được sống nhân danh Người (Gioan 20,31), để giáo dục và trong cuộc sống nầy và nhờ thế, xây dựng Thân Mình của Đức Kitô” (CT 1).

Nơi nào lơ là việc dạy giáo lý, thì đời sống đạo hạnh của giáo dân sa sút. Không ân cần giáo dục đức tin, dần dà sẽ không còn người đến Nhà Thờ nữa. Chẳng những không có thêm người mới, mà những người cũ cũng sẽ biến mất, vì thiếu ánh sáng đức tin dẫn đàng chỉ lối, họ dễ ngã theo những lầm lạc.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
                           
Giám mục Vĩnh Long

CHỦ ĐỀ: VAI TRÒ CỦA GIÁO XỨ TRONG VIỆC DẠY GIÁO LÝ

THƯ MỤC VỤ

Tông Huấn Dạy Giáo Lý và Sách Hướng Dẫn Tổng Quát việc dạy Giáo Lý nhấn mạnh: Hội Thánh muốn mọi lứa tuổi đều phải được chăm sóc về Giáo Lý. Đặc biệt phải có nhiều sáng kiến giúp đào tạo cho các tín hữu có được lương tâm và bản lĩnh kitô giáo để trung tín hiếu thảo với Chúa và làm chứng nhân tình yêu và ơn cứu độ của Ngài cho mọi người (DGL 67; HDTQ 158; 167, 168; 172-188). (TMV số 30).

DIỄN GIẢI THƯ MỤC VỤ

Tại Thế Vận Hội đặc biệt Seatle (dành cho những người tàn tật) có chín vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc đua 100m.

Khi súng hiệu nổ, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục trên đường đua. Và cậu bật khóc. Tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và ngoái lại nhìn. Rồi họ quay trở lại. Tất cả, không trừ một ai! Một cô gái bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé:

- Như thế này, em sẽ thấy tốt hơn.
Cô gái nói xong, cả chín người cùng khoác tay nhau sánh bước về vạch đích.

Khán giả trong sân vận động đồng loạt đứng dậy. Tiếng vỗ tay hoan hô vang dội nhiều phút liền. Mãi về sau, những người chứng kiến vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện cảm động này.


Tận trong sâu thẳm, chúng ta luôn ý thức chiến thắng không phải là tất cả, mà ý nghĩa thật sự của cuộc sống là ở chỗ ta giúp đỡ người khác cùng chiến thắng dù ta có phải chậm một bước.

Đức tin dạy chúng ta: không ai lên thiên đàng một mình, mà mọi tín hữu – do Bí tích Rửa tội – phải có trách nhiệm đem mọi người về với Chúa, cùng hưởng hạnh phúc với Chúa.

Trước khi diễn giải Thư mục Vụ, chúng ta tóm lược một vài ý về chủ đề: Vai trò của gia đình trong việc dạy Giáo Lý hôm nay.

  1. Giáo xứ hay Họ đạo có nhiệm vụ dạy Giáo lý.
  2. Gia đình tuy là trường học căn bản và đầu tiên, nhưng trẻ lớn lên trưởng thành thì tách rời khỏi gia đình, nên nhờ Họ đạo lãnh trách nhiệm.
  3. Chính Họ đạo phải cung cấp những giáo lý viên: tu sĩ nam nữ, hoặc nhóm giáo lý viên co khả năng.
  4. Dạy biết đạo, sống đạo và làm chứng cho đạo.

Dạy Giáo Lý là “một nhiệm vụ thánh và một quyền bất khả xâm phạm của Hội Thánh” (Catechesi Tradendae 14). Vì đây vừa là lệnh truyền của Chúa, vừa là quyền lợi của người tín hữu cần được sự dạy dỗ của Hội Thánh để sống đời Kitô hữu, đồng thời cũng là quyền của mỗi người được tìm kiếm chân lý về tôn giáo và tham gia vào tôn giáo đó để sống niềm tin của mình (x. CT 14).

Đây là nhiệm vụ của mỗi người tín hữu: “Mọi phần tử trong Giáo hội phải có nghĩa vụ chăm lo việc giáo huấn, tùy theo phận sự của mỗi người, dưới sự hướng dẫn của giáo quyền hợp pháp” (Giáo Luật Điều 774, 1).

Tuy nhiên do “trách nhiệm mục vụ được ủy thác cho cha sở như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám mục Giáo Phận” (GL Điều 773), nên cha sở là người coi sóc Giáo Xứ hay Họ đạo “do nhiệm vụ đòi buộc, phải lo huấn luyện giáo lý cho người lớn,thanh niên và trẻ em. Vì mục đích ấy, Cha Sở hãy mời gọi sự cộng tác của các giáo sĩ làm việc trong họ đạo, các phần tử của Hội Dòng Tận hiến cũng như các Tu đoàn Tông đồ, tùy theo đường hướng riêng của các dòng tu, cũng như của giáo dân, nhất là các giáo lý viên. Tất cả những người này, nếu không bị cản trở hợp pháp, không nên từ chối tự nguyện giúp Cha Sở trong công việc giáo huấn. Cha Sở còn phải cổ võ và thúc đẩy cha mẹ chu toàn bổn phận dạy giáo lý trong gia đình…” (GL Điều 776).

Chính vì thế mà Giáo xứ hay Họ đạo “phải là địa điểm ưu tiên nhất cho việc dạy Giáo Lý. Giáo xứ phải tái khám phá ơn gọi của mình, là một gia đình trong tình huynh đệ và hiếu khách, là nơi mà những người đã được Rửa Tội và Thêm Sức ý thức được rằng mình hợp thành Dân Thiên Chúa” (CT 67). Nhờ Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể, người tín hữu ngày càng lớn lên trong Chúa và thôi thúc họ tiếp bước dấn thân mở rộng Nước Chúa.

Trong chiều hướng dó, ngay từ buổi đầu truyền giáo tại Việt Nam, các cha Thừa sai, thời Cha Đắc Lộ vào thế kỷ XVII, theo kinh nghiệm truyền giáo tại Nhật Bản với những cản trở, bách hại đạo tại đó, đã muốn có sự cộng tác tích cực và trực tiếp của giáo dân, dù họ là những người mới trở lại đạo, dưới hai hình thức:

1. Huấn luyện một số giáo dân điều hành cộng đoàn tại chỗ– giống như Ban Quới Chức ngày nay - giúp Linh mục thuờng xuyên trong việc coi sóc Họ đạo, nhất là khi các linh mục vắng mặt lâu hoặc giúp chuẩn bị công việc mục vụ để khi linh mục đến viếng thăm, có thể thi hành như dạy giáo lý trẻ em xưng tội rước lễ lần đầu, dạy chầu nhưng, điều hành các buổi cầu nguyện chung. Những người này thường là những người có lòng nhiệt thành và đôi khi biết về thuốc men thông thường.

2. Lập Hội Thầy Giảng - tại Đàng Ngoài và Đàng Trong - những người được tuyển chọn đặc biệt để lo việc giảng dạy giáo lý, còn gọi là “Nhà Đức Chúa Trời”. Hội này thu nhận các thanh niên tình nguyện suốt đời giúp các giáo sĩ lo việc truyền giáo, với những lời khấn đặc biệt, để có thể giúp việc một cách tích cực và hữu hiệu hơn. Vì thế vai trò của các Thầy Giảng rất quan trọng trong thời kỳ này, qua đó, giáo dân dần dần tự lập và trưởng thành trong việc truyền giáo. Á Thánh Anrê Phú Yên là Thầy Giảng (GLV) tiêu biểu cho cách làm nầy của các cha Thừa sai.

Để thích nghi và thuận lợi trong việc truyền giáo, cha Đắc Lộ còn học tiếng bản xứ, tạo chữ quốc ngữ, để từ đó soạn Cuốn giáo lý Phép Giảng Tám Ngày (in hai cột tiếng Latinh và chữ Quốc Ngữ) trình bày những điều cần thiết để giúp các Thầy Giảng đọc trước, tìm hiểu thêm và rồi đem ra dạy dỗ những người dự tòng, cũng như dùng trong các lớp giáo lý khác. Như vậy, ngay từ lúc đó, đã có một thủ bản rõ ràng dành cho các giáo lý viên sử dụng.

Ngày nay, việc dạy giáo lý trong Giáo xứ được các cha quản xứ, cùng với Ban Quới Chức, các tu sĩ nam nữ, các Hội đoàn, nhất là Legio, và đặc biệt là các giáo lý viên được đào tạo hoặc tại Giáo xứ, hoặc tập trung nơi các Hạt, theo chương trình của Giáo Phận.

Vấn đề là các vị Chủ chăn phải thật thiết tha trong việc đào tạo và chia xẻ trách nhiệm cho những người có nhiệt tâm và thiện chí để phát triển việc truyền giáo. “Các Bản quyền sở tại phải trù liệu để các giảng viên giáo lý được huấn luyện kỹ lưỡng để thi hành trọn vẹn nhiệm vụ của mình. Bởi vậy phải cần cung cấp một chương trình đào tạo liên tục, để họ thông thạo giáo lý của Giáo hội, học biết những qui tắc riêng của khoa sư phạm, cả về lý thuyết lẫn thực hành” (GL Điều 780).

Nhu cầu đào tạo các cộng tác viên dạy Giáo lý thật cấp bách cũng còn vì tình trạng khan hiếm những người tận hiến sống theo ơn gọi: “Trong thời đại mới này, vai trò của người giáo lý viên càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn vì ơn gọi tận hiến càng ngày càng kém đi. Vì thế, chú tâm vào việc huấn luyện các giáo lý viên là cần thiết để họ có thể trợ lực với các chủ chăn có chức thánh chu toàn nhiệm vụ rao giảng đức tin” (Sắc Lệnh về Các Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội, số 17).

Để giúp đời sống đức tin của người tín hữu tăng trưởng, ĐTC Gioan-Phaolô II tha thiết mời gọi các Linh Mục phải nổ lực hết sức Dạy Giáo Lý: “Với hết sức mình, cha nài nỉ các con, các thừa tác viên của Đức Kitô: Đừng vì thiếu nhiệt tâm hay vì những thành kiến đáng tiếc nào đó mà để cho các tín hữu không được học Giáo Lý” ( CT 64).

Từ những nhận định trên, chúng ta thử kiểm điểm cách nhìn nhận và thực hiện việc dạy Giáo lý của mỗi người như thế nào?

  1. Có nhận định mình phần nào có nhiệm vụ truyền giáo (dạy giáo lý)?
  2. Dù không chuyên thuyết giáo, nhưng có bao giờ chúng ta khuyến khích người khác theo đạo không?
  3. Có biết không truyền giáo là chưa đáng làm môn đệ Chúa Giêsu không?
  4. Có cảm thấy sống đạo tốt là lối làm chứng cho thiên hạ cảm thấy đạo là tốt, là chân chính.

LỜI NGUYỆN CHUNG

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Trước khi về trời, Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng”. Điều đó có nghĩa là Chúa giao việc dạy giáo lý cho Hội Thánh, cho giáo xứ. Gia đình và giáo xứ có trách nhiệm dạy giáo lý. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

  1. Chúa phán: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, biết vận dụng mọi khả năng của mình, để truyền đạt giáo lý đức tin cho mọi người thiện chí đang đồng hành với Hội Thánh.

  2. Chúa phán: “Các con hãy đi, này Thầy sai các con như chiên giữa bầy sói”. Chúng ta cầu nguyện cho các cộng đoàn Tông Đồ trong giáo xứ, luôn nhiệt thành vượt lên mọi khó khăn, để giới thiệu tình yêu Chúa cho mọi người.

  3. Chúa sai các môn đệ từng hai người một, và dặn rằng: “Vào nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết hợp tác với nhau và với giáo xứ mình mà rao giảng Tin Mừng.

  4. Chúa phán: “Điều mà các ngươi nghe rỉ tai, hãy nói lại cho con cháu”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết hợp tác với cộng đồng giáo xứ mà giảng dạy giáo lý cho các thế hệ trẻ.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn Hội Thánh và cộng đồng giáo xứ thi hành nhiệm vụ giảng dạy giáo lý. Xin cho chúng con biết cùng với giáo xứ mình, khuyến khích mọi người nghe và dạy giáo lý cho nhau. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

HỌC GIÁO LÝ TRONG HỌ ĐẠO

Giáo Hội Công Giáo vừa kết thúc năm thánh linh mục mừng kỷ niệm 150 năm ngày mất của Cha Gioan Maria Vianney (1786 – 1859). Cuộc đời thánh thiện của cha thánh gắn liền với Họ Ars, từ một họ đạo nhỏ bé miền quê đã trở thành một trung tâm hành hương nổi tiếng thế giới. Do đâu mà có sự biến chuyển mạnh mẽ như thế?

Đọc lại tiểu sử của cha thánh thì năm 1818 cha được bổ nhiệm làm cha sở họ Ars, một họ đạo mà hầu hết giáo dân không còn đến nhà thờ nữa, một giáo xứ không còn có khả năng phát triển. Nhưng khi cha thánh đến thì mọi sự đã biến đổi nhờ đời sống gắn bó vời Chúa Giêsu Thánh Thể, yêu mến Đức Mẹ, nhiệt thành với Toà Cáo Giải và đặc biệt là nhiệt thành trong việc dạy giáo lý. Người ta tìm được tại nơi ở của cha thánh nhiều bản viết tay những bài soạn giảng, những bài giáo lý với những nét chữ nghệch ngoạc còn sai lỗi chính tả… để thấy rằng thánh nhân đã quan tâm đến việc dạy giáo lý như thế nào và kết quả gặt hái được phong phú ra sao nơi sự phát triển của họ đạo Ars.

Họ đạo, giáo xứ là nơi nắm giữ nhiệm vụ giáo dục đức tin cho mọi thành phần Kitô hữu. Gia đình là trường dạy đức tin đầu tiên cho con cái, là nơi con người được thừa hưởng gia sản đức tin nơi ông bà cha mẹ. Nhưng họ đạo chính là nơi con người được đào tạo trưởng thành trong đời sống đức tin. Họ đạo là cộng đoàn hiệp thông, nơi ấy con người được chia sẻ, nâng đỡ, được hướng dẫn để tiến lên trong đời sống đức tin hằng ngày, hằng tuần.

Nói đến việc dạy và học giáo lý nơi họ đạo thì thông thường ta nghĩ ngay đến các lớp giáo lý cho trẻ em, các lớp giáo lý cho dự tòng, hoạ chăng lắm là các lớp giáo lý hôn nhân. Ít có ai nghĩ rằng mọi thành phần trong họ đạo đều rất cần được hướng dẫn giáo lý trong suốt đời sống của họ. Nhìn vào tình hình chung của các họ đạo ngày nay ta thấy việc dạy giáo lý trong các họ đạo gặp rất nhiều khó khăn: không có người có khả năng, không có người quảng đại… và cũng không có người học giáo lý. Người ta viện đủ lý do để giải thích cho việc con em mình không học giáo lý hay chỉ học giáo lý một cách “qua loa”, học để lãnh nhận bí tích, học cho đủ các phép đạo… Tình trạng chung này là hệ quả tất yếu của những năm dài người giáo dân không được học giáo lý nên giờ đây họ làm cha làm mẹ nên cũng đâu thấy nhu cầu cần phải giáo dục đức tin cho con em họ. Ngay chính bản thân của họ cũng thấy việc giữ đạo là một việc làm bất khả kháng, cha mẹ rửa tội cho tôi giờ tôi phải giữ, việc tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích thì như làm cho xong, cho đủ, cho đừng phạm tội, cho rồi bổn phận… như thế việc dạy giáo lý nơi họ đạo cần thiết biết bao cho việc phát triển của mỗi người Kitô hữu cũng như cho cả họ đạo.

Vô tri bất mộ, không thể có lòng yêu mến Chúa nếu không biết và cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Muốn hiểu biết về tình yêu Chúa thì cần phải học giáo lý mà họ đạo chính là nơi người giáo dân được hướng dẫn, được học biết về giáo lý một cách bài bản và có hệ thống. Cùng với ơn Chúa và cùng với sự cộng tác nhiệt thành của mọi thành phần trong họ đạo biết quan tâm chia sẻ, biết đôn đốc hướng dẫn để mọingười trong họ đạo được hưởng sự hướng dẫn giáo lý một cách có hệ thống nhờ đó đời sống đức tin được tăng trưởng.

HỌC KINH THÁNH

BÀI 56: SÁCH DIỄM TÌNH CA (DIỆU CA)

Trong tiếng Hip-ri, sách nầy mang tên “Bài ca của những bài ca”, nghĩa là bài ca tuyệt mỹ. Thật vậy, Diệu ca là một tập thơ với nhữõng hình ảnh duyên dáng và tâm tình nồng nhiệt. Nguyên thủy có lẽ đây là những bài thơ nói về tình yêu nam nữ, nhưng sau được hiểu về tình yêu của Thiên Chúa và Dân của Ngài.

Theo truyền thống Do thái giáo và Kitô giáo, Diệu ca diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và Dân Ngài. Ta cũng có thể hiểu về sự kết hiệp giữa Chúa Kitô và Hội thánh hay với mỗi tâm hồn. Tâm hồn con người phải luôn thao thức tìm Chúa, không chán nản vì sa ngã, cũng không thỏa mãn vì đã được Chúa, nhưng luôn tìm kết hiệp với Chúa và tìm hạnh phúc bất diệt nơi Ngài.

Lời Chúa: “Hãy để mặc các trẻ, và đừng ngăn cản chúng đến với Ta, vì Nước Trời thuộc về những người như thế” (Mt 19, 14).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, lời ca tụng xứng hợp nhất chính là đời sống yêu thưong, phục vụ tha nhân của chúng con. Xin ban cho chúng con không ngừng biết chúc tụng Thánh Danh Chúa bằng chính đời sống gương mẫu của chúng con. Amen.

SỐNG ĐẠO

SỐNG ĐẠO LÀ GÌ ?

Nhìn nhận có Đấng Tuyệt Đối, Tạo Dựng mình phải tôn thờ và hoàn toàn lệ thuộc. Đó là biết Đạo. Biết rồi để giấu mãi trong thâm tâm thì không đủ, phải biểu lộ tôn thờ yêu mến bằng tác động nghĩa là phải sống đạo. Sống đạo nghĩa là nơi cuộc sống mọi hành vi đều quy về thờ phượng, yêu mến.

Sống không mục đích là sống vô lý, không đáng sống. Sống đạo là sống theo Ý Chúa, sống cho Chúa, vì Chúa nghĩa là sống vì yêu Chúa. Sống khổ để đạt phúc, sống khổ là kiềm chế sở thích hèn kém của xác thể, không chạy theo những lạc thú tạm qua mà vui lòng tìm đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Chịu những khó nhọc chúng ta thường nói là vác thánh giá. Những khó nhọc đó dường như thường xuyên, nên có hạng người cho đời là bể khổ – tư tưởng không đúng.

Cho chúng ta: Thánh giá (sống đạo) đúng là khó nhọc, nhưng cũng là căn nguyên cho hạnh phúc.

Đạo là đường Chúa dạy sống.
Sống đạo là sống theo ý Chúa
Sống đạo là sống đúng nhân phẩm
Sống đạo là sống giống Chúa, theo ý Chúa, cùng nhìn một hướng
Sống đạo là sống kết hợp với Chúa
Sống đạo là bảo đảm hạnh phúc vĩnh cửu.

TÔN THỜ THIÊN CHÚA

Chúng ta có đạo, giữ đạo, dĩ nhiên là tôn thờ Thiên Chúa, nhưng đúng ra chúng ta có hiểu rõ tôn thờ Thiên Chúa là gì không?

Chữ thờ có nghĩa rất phức tạp, nên cớ cho chúng ta mập mờ ý nghĩa.

Thường chữ “thờ” có nghĩa là tôn kính đặc biệt như thờ cha mẹ, ông bà, thờ quân thần, thờ vua chúa, thờ thánh hiền, thờ người tài năng… thờ cả thú vật, cây cỏ vì nơi đó biểu lộ quyền lực thần thiêng nào đó. Cũng có thể thờ vì sợ làm hại, hoặc lạm dụng thờ để làm lợi cho mình.

Thờ để tôn kính, thờ vì sợ, thờ để lạm dụng chưa hẳn là thờ.

Đối với chúng ta: thờ là nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối cao cả vô cùng và cũng là Đấng tạo dựng nên mình.

Vì thế cũng nhận định không có vị nào, Đấng nào so sánh bằng Chúa được và cũng cảm thấy mình hoàn toàn lệ thuộc Chúa.

Chúa đã dựng nên những bậc thần thánh cao siêu hơn người, nhưng là vật thọ tạo thì làm sao sánh được với Đấng Tạo Dựng.

Con người vì thiếu sáng suốt trong thâm tâm nghĩ rằng cần phải có một đấng để mình thờ phượng. Chúa thiêng liêng nên họ tưởng nghĩ nắn hình tượng giống người để thờ! Lý ra không đáng kính nữa, vì đất vẫn còn là đất.

Chúng ta tôn thờ Chúa vì cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về Chúa, có thể nói lệ thuộc Chúa hơn con thú lệ thuộc về chủ.

Sống đạo theo ý Chúa nghĩa là Chúa muốn chúng ta sống thế nào, làm việc gì thì phải theo lệnh Chúa. Mặc dầu Chúa ban cho con người có tự do, nhưng tự do để sẳn sàng đón nhận và thực hành theo ý Chúa để xứng đáng là vật Chúa tạo dựng, giống hình ảnh Chúa, đáng làm con Chúa và kết hợp với Chúa.

MẾN CHÚA

Thờ Chúa là nhìn nhận Chúa tuyệt đối, không có Đấng nào vị nào so sánh được với Chúa. Vì bởi Chúa tạo dựng mình nên mình hoàn toàn lệ thuộc Chúa.

Ưùng đối với Chúa như thế chưa đủ, còn phải yêu mến Chúa! Tại sao phải thương mến? Vì Chúa là tình thương, Chúa tạo dựng không vì có ai, có vị nào bắt buộc mà vì tình thương tràn ngập, nói được là cần có đối tượng để thương, để đáp lại tình thương.

Chúa vì thương mà tạo dựng con người bao gồm mọi vật thể trong vũ trụ, lại ban cho có hình ảnh của Chúa, nghĩa là cho có lý trí và tình yêu để con người có thể làm chủ vũ trụ. Còn hơn nữa, Chúa ban cho con người có sự sống giống như sự sống của Chúa, nghĩa là hiểu biết giống như Chúa hiểu biết, thương yêu giống như Chúa thương yêu.

Đại diện vật thể vô tri nơi vũ trụ để ca tụng tôn thờ Chúa, chưa đủ, tuỳ thuộc, tuân ý tôn thờ cũng chưa đủ, cần phải yêu mến mới đúng ý Chúa.

Con người chưa biết yêu là con ấu trĩ. Không bao giờ biết yêu thì không còn là con người.

Thờ Chúa phải yêu Chúa.

TÌM HIỂU GIÁO LUẬT

GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- TỔ CHỨC NỘI BỘ CỦA GIÁO PHẬN tt–

I. Tổ chức Giáo phủ

1. Ngành Tài Chánh (x. nguyệt san tháng 5)
2. Ngành Hành Chánh (x. nguyệt san tháng 6 và 7)
3. Ngành Tư Pháp

a. Quyền tư pháp
b. Các cấp toà án
c. Đối tượng xét xử
d. Đại diện tư pháp
e. Thẩm phán
f. Công tố viên/Bảo hệ viên
g. Thư ký

c. Đối tượng xét xử

Ngay từ đầu lịch sử Giáo hội, thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Côrintô đã khuyên nhủ các tín hữu hãy chạy đến với “dân thánh” để xin phân xử những quyền lợi liên quan tới việc thiêng liêng và ngay cả những quyền lợi vật chất hơn là chạy đến những toà án đời (x. 1Cr.6,1-8).

Dĩ nhiên, Giáo hội trong những thế kỷ đầu việc xét xử trong các cộng đoàn tín hữu chỉ dựa trên nguyên tắc công bằng, lẽ phải và luân lý. Đến khi Giáo hội được nhìn nhận là một chủ thể công pháp trong xã hội, thì các quy tắc tố tụng (processus) cũng được hoàn chỉnh nhờ việc du nhập cổ luật Rôma và luật Đức quốc (tk.13), các nhà lập pháp của Giáo hội mới dựa vào đó mà xác định cách thức tố tụng và đối tượng xét xử rõ ràng hơn.

Bộ Giáo luật năm 1917 Giáo hội đã cố định các hình thức tổ chức toà án và đối tượng xét xử. Đến Bộ luật 1983, mở đầu Quyển VII về tố tụng các nhà lập pháp lấy lại những gì đã quy định trước đây và xác định rõ ràng hơn những phạm vi mà việc xét xử thuộc thẩm quyền của Giáo hôi:

1/. Truy tố hoặc bào chữa những quyền lợi của thể nhân hay pháp nhân;
2/. Tuyên bố những sự kiện pháp lý;
3/. Tuyên kết hay tuyên bố một hình phạt thuộc về những tội phạm (đ.1400§1).

Như vậy, các tín hữu có thể nhờ đến giáo quyền phân xử bất kỳ các loại tranh chấp nào hoặc là những quyền lợi mà mình nhận thấy bị xâm phạm. Quyền nầy của Giáo hội được bắt nguồn từ quyền thánh chức và quyền tài phán (potestas ordinis/ iurisdictionis), mà quyền tài phán do từ “phân xử” (iurisdictio), có nghĩa là tuyên bố ai có quyền lợi (ius dicere). Tuy nhiên, để không gặp khó khăn giữa thế quyền và thần quyền, Giáo hội chỉ dành riêng cho mình thẩm quyền để xét xử những vụ thuộc phạm vi được đề cập ở điều 1401.

Do quyền riêng biệt và độc hữu, Giáo hội xét xử:

1. Những vụ án liên quan đến những việc thiêng liêng và đến những gì gắn liền với những việc thiêng liêng;

2. Việc vi phạm luật Giáo hội và tất cả những hành vi có tính cách tội lỗi, trong tương quan với việc xác định lỗi phạm cũng như việc tuyên kết hành phạt của Giáo hội.

- “Những vụ án liên quan tới các vấn đề thiêng liêng” (res spirituales). Các vấn đề thiêng liêng là những vấn đề gắn liền tới ân sủng siêu nhiên, điều nầy thuộc lãnh vực “độc hữu” của Giáo hội mà xã hội thế trần không có quyền tham dự vào, chẳng han: sự thành hiệu của các bí tích (bí tích truyền chức thánh, bí tích hôn phối…). Vì vậy, trong những vấn đề thiêng liêng nầy, chỉ những toà án có thẩm quyền của Giáo hội mới có quyền tuyên bố cách hợp pháp về tình trạng pháp lý của những người Kitô hữu. Điều nầy cũng nên lưu ý rằng: trong vấn đề hôn nhân, ngày nay người ta hay dẫn nhau ra toà án đời xin huỷ hôn khi họ không còn muốn sống chung hay không còn yêu thương nhau nữa. Dẫu rằng toà án đời cho phép họ ly dị (đôi hôn nhân không còn bị ràng buộc lẫn nhau), nhưng dây hôn phối của những người Công giáo trong những trường hợp đó vẫn tồn tại, họ không thể lập một hôn nhân kế tiếp nếu một khi dây hôn phối của họ chưa được toà án của Giáo hội tuyên bố là bất thành; cũng vậy, hôn nhân của những người không được rửa tội (người lương), một khi đã tổ chức cưới hỏi theo phong tục, tập quán của địa phương họ thì được xem là hôn nhân tự nhiên, nên khi họ có li dị theo phép đời đi nữa thì cũng không thể lập gia đình với người Công giáo, nếu họ không muốn lãnh nhận đặc ân đức tin (đặc ân thánh Phaolô, x. đ.1143).

- Những vấn đề khác “những gì gắn liền với những việc thiêng liêng”(spiritualibus adnexas). Người ta thường phân biệt những việc thiêng liêng và những việc thế tạm (res temporales), nhưng có những việc thế tạm có liên hệ đến vấn đề thiêng liêng (nơi thánh, vật thánh, giáo vụ…), vì thế những việc nầy cũng thuộc quyền xét xử của Giáo hội. Chẳng hạn, giáo dân không thể thưa cha sở của họ ra toà đời vì ngài đã buôn bán hay sang nhượng tài sản của nhà chung!

- “Việc vi phạm luật Giáo hội và tất cả những hành vi có tính cách tội lỗi…”. Đây là điều đương nhiên, vì trên nguyên tắc ai vi phạm luật của nước nào thì sẽ bị xét xử theo luật của nước đó: một công dân Việt Nam vi phạm luật của nước Việt Nam thì phải bị xét xử theo luật của nước Việt Nam; một người ngoại quốc vi phạm luật của nước Việt Nam thì cũng sẽ bị xét xử theo luật của nước Việt Nam. Việc “vi phạm luật Giáo hội” được hiểu là luật của Chúa, luật của Giáo hội và ngay cả mệnh lệnh (praeceptum) nữa (x.đ.1321).

Ngoài ra, các nhà lập pháp còn phân biệt đối tượng của việc xét xử theo tên gọi chuyên môn hơn, chẳng hạn như những vụ xét xử hộ sự/dân sự (số 1 của điều 1401) và những vụ xét xử hình sự/ vi phạm luật có kèm theo hình phạt của Giáo hội (số 2 của điều 1401). Trong hai loại nầy, người ta lại còn phân ra nhiều loại khác, chẳng hạn như trong các vụ hộ sự, thì có những vụ thuộc bí tích hôn phối hay bí tích truyền chức thánh. Trong bí tích hôn phối lại phân ra nhiều loại khác nữa: vụ xin tuyên bố giá thú vô hiệu, những vụ xin ly thân hay miễn chuẩn hôn phối chưa hoàn hợp…

TRANG LINH MỤC

VAI TRÒ GIÁO DỤC CỦA GIÁO XỨ

Nhìn vào cung cách giữ đạo hiện nay của đa số giáo dân Việt Nam, ai cũng nhận thấy nhiều ưu điểm: Siêng năng dự lễ Chúa nhật, sốt sắng chịu các Bí tích, kính mến các linh mục, tu sĩ, trung thành bảo vệ đức tin. Tuy nhiên cũng không thiếu ý kiến phê bình cách sống đạo của người giáo dân như: Đạo nhà thờ. Đạo hình thức. Đạo xin ơn… Hơn nữa do ảnh hưởng của tinh thần thế tục mà nhiều thanh thiếu niên rơi vào khủng hoảng đức tin.

Cung cách giữ đạo lệch lạc, hoặc đức tin xuống cấp đều phát xuất từ nguyên nhân chủ yếu là không được nghe giảng dạy và huấn giáo. Trong thư chung của HĐGM VN năm 2007 nói đến vai trò giáo dục của giáo xứ: “Tại giáo xứ, đức tin được thông truyền nhờ lời giảng giải và việc cử hành phụng vụ” (Thư mục vụ số 29).

Trước hết việc rao giảng được thực hiện trong thánh lễ. “Muốn đánh động lòng thính giả, linh mục không được trình bày Lời Chúa cách tổng quát và trừu tượng, một phải áp dụng chân lý ngàn đời của Phúc Âm vào hoàn cảnh cụ thể của đời sống” (LM.4). Muốn được như vậy linh mục cần phải thường xuyên học hỏi và suy gẫm Thánh Kinh, đồng thời chuyên chăm nghiên cứu các sách vở tài liệu khác, đạo cũng như đời, để có một kiến thức sâu rộng. Nhờ đó mà bữa tiệc Lời Chúa được dọn ra cho đoàn chiên mới hấp dẫn và đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

Trong ngày lễ phong chức, Đức giám mục khuyên các ứng sinh bằng những lời như sau: Các con thân mến! Các con sắp lên chức Linh mục, các con sẽ thi hành nhiệm vụ giảng huấn trong Chúa Kitô là Thầy chúng ta. Các con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, các con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm luật Chúa, các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy. Vậy giáo lý các con phải nên lương thực nuôi dân Thiên Chúa, hương thơm đời sống các con phải nên niềm vui cho các tín hữu Đức Kitô, để lời nói và gương lành của các con xây dựng Nhà Thiên Chúa là Hội thánh. Nói một cách khác đời sống của linh mục phải trở thành một bài giảng sống động, với những bước đi yêu thương, với dáng dấp của lòng khoan dung tha thứ. Không gì phản chứng cho bằng nói một đàng làm một nẻo.

Kế đến việc rao giảng còn được tổ chức qua các lớp giáo lý. Công việc giáo dục đức tin phải có tính cách trường kỳ, suốt đời, không thề nhồi nhét, thu gọn trong vài ba tháng hè với mục đích để chịu Bí tích. Ít nhất mỗi tuần sau Thánh lễ Chúa Nhật nên có giờ để gặp gỡ nhắc nhở và động viên các em. Ngoài ra cũng nên mở khóa bồi dưỡng giáo lý cho giáo lý viên, các bậc làm cha mẹ bằng một hình thức học tập nào đó. Chẳng hạn học tập và chia sẻ bài Phúc Âm Chúa Nhật hàng tuần. Tổ chức lớp giáo lý nâng cao. Lồng vào những cuộc họp của gia trưởng hiền mẫu những điểm then chốt trong giáo lý, giúp họ nhớ lại và xác tín hơn những gì họ đã học.

Tóm lại, Giáo xứ là nơi rao giảng Lời Chúa, ươm gieo và vun trồng đức tin cho mọi người và mọi lứa tuổi. Khi được nghe giảng dạy và học hỏi về giáo lý người giáo dân sẽ có một đức tin vững chắc sống động. Đức tin đó sẽ giúp họ sống đạo can trường dám đương đầu với nghịch cảnh, có khả năng vượt qua nhiều trở ngại và cám dỗ, thích ứng và đứng vững trong mọi hoàn cảnh trở nên “ánh sáng và muối men” cho trần gian.

TRANG TU SĨ

CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM

Giáo Xứ hay còn gọi là Xứ Đạo hay Họ Đạo “là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định, được thiết lập cách bền vững trong Giáo Hội Địa Phương, mà trách nhiệm mục vụ được ủy thác cho cha sở như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám mục Giáo Phận” (GL 515 § 1).

Giáo Xứ có nhiều thành phần: Cha Sở là người được trao cho trách nhiệm hướng dẫn giáo dân trong Giáo Xứ, Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ hay còn gọi là Ban Quới Chức, Ca Đoàn, Giáo Lý Viên, Thiếu Nhi… Ngoài ra còn có những Hội Đoàn khác tùy vào hoàn cảnh và nhu cầu của Giáo Xứ. Giáo Xứ sẽ phát triển mạnh nếu mọi phần tử biết chu toàn tốt công việc của mình trong hợp nhất yêu thương, đây là một tập thể có tổ chức và qui mô.

Ở địa phương, chúng tôi quen gọi Giáo Xứ là Họ Đạo. Tùy theo Họ Đạo lớn nhỏ mà các sinh hoạt cụ thể trong Họ Đạo được hình thành. Tôi nhớ lại một Họ Đạo mà tôi được sai đến phục vụ cách đây hơn mười năm. Đó là một Họ Đạo miền quê được hình thành giữa xóm người ngoại giáo ở một khu vực mà xung quanh toàn là nước và nước; muốn đến phải đi đò ngang mất hai mươi đến ba mươi phút. Nhà Thờ chỉ lớn hơn ngôi nhà bình thường ở miền quê một chút; giáo dân trên dưới năm mươi người ở rải rác xa Nhà Thờ. Không có Ban Quới Chức, chỉ có vài người nhiệt tình đến giúp Cha; không có Giáo Lý Viên vì số lượng thiếu nhi của Họ Đạo quá ít và khó qui tụ các em. Lực lượng ca đoàn có khoảng mười người tuổi từ mười lăm đến ba mươi, khá hùng hậu đối với Họ Đạo. Đáng thương nhất là Họ Đạo không có Cha trực tiếp giúp mà đến từ một Họ Đạo lớn. Mỗi tuần một lần Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật, giáo dân thay phiên nhau đi rước Cha đến dâng Thánh Lễ bằng ghe - tàu, có hôm trời mưa bão nên sông nhiều sóng gió vì thế Cha đến trể hơn một tiếng đồng hồ làm ai nấy lo lắng sốt ruột, khi Cha đến nơi thì áo quần đầu tóc đều ướt nước vì sóng tạt, ai cũng cảm động vì Cha được bình an, vì thế những khi có người ốm đau hấp hối muốn lãnh các Bí Tích sau cùng cũng thật khó.

Điều đáng nói ở đây là đã lâu lắm Họ Đạo không có lớp Rước Lễ - Thêm Sức cho các em nên việc học giáo lý cũng ít được lưu tâm. Khi tôi được sai đến phục vụ tại Họ Đạo này, thật sự lúc đầu cũng là một thách đố lớn cho tôi, nhưng thời gian sau tôi mới cảm nhận được chân tình của một Họ Đạo miền quê. Như “nắng hạn đợi mưa”, Cha mở lớp giáo lý chính thức cho Họ Đạo được Rước Lễ và Thêm Sức cho tất cả những ai chưa Thêm Sức với điều kiện đi học đều đặng và có điểm thi giáo lý tương đối. Tôi đảm nhận dạy lớp Thêm Sức, tất cả gần hai mươi người theo học với đủ thành phần từ mười lăm đến ba mươi tuổi. Trong đó có một trường hợp đặc biệt vì người theo học đã hơn sáu mươi tuổi, bà bảy không phải là dự tòng nhưng là một người đạo gốc hẳn hoi. Ôi Chúa ơi, con không thể tưởng tượng nổi!. Vậy mà bà bảy vẫn kiên nhẫn theo học giáo lý đều đặng với ước nguyện để được lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Tôi tò mò muốn biết động lực nào mà bà kiên nhẫn và chịu khó đi học đến vậy, bà nói với tôi: “Tui muốn lo cho phần linh hồn của tui đàng hoàng trước khi Chúa kêu tui về với Người”. Thời hạn học giáo lý kết thúc, Cha sở muốn kiểm tra kết quả học và hiểu của mọi người như thế nào, Cha rất nhiệm nhặt trong vấn đề này. Trong khi chờ đợi Cha đến, tôi trấn an các học viên để mọi người thêm tinh thần làm bài cho tốt. Tôi nhìn thấy bà bảy mặt mày tái nhợt, cặp môi run run… bà nắm lấy tay tôi và nói: “Tui run quá cô ơi, Tui quên bài hết trơn rồi, có khi nào tui hổng được Thêm Sức hông?”. Tôi thấy thương bà làm sao, tôi nói như quả quyết: “Bà bảy cứ trả lời theo như những gì bà hiểu và đã sống mấy chục năm qua, con tin bà sẽ được như những gì bà mong ước”. Kết quả là tất cả mọi người đều được Thêm Sức, ai cũng vui mừng chuẩn bị cho ngày trọng đại đón nhận Chúa Thánh Thần.

Tuy Thánh Lễ Thêm Sức không được tổ chức ở Nhà Thờ bé nhỏ của chúng tôi nhưng được tổ chức chung ở Họ Đạo lớn. Ngày đó hầu hết mọi người trong Họ Đạo đều đi tham dự Thánh Lễ đầy đủ để cầu nguyện và chia sẻ niềm vui chung. Và tôi hiểu ra cộng đồng các tín hữu hiển nhiên là “điểm quy chiếu cụ thể của cuộc hành trình Đức Tin của từng cá nhân”. Các học viên Giáo Lý nhìn vào cộng đoàn để tìm các nhân chứng của chân lý Đức Tin.

Qua trải nghiệm giúp xứ ở Họ Đạo trên tôi nhận thức rằng việc dạy Giáo lý trong Họ Đạo không phải chỉ là trách nhiệm của Cha, Dì hay của Giáo lý viên nhưng là của toàn thể Họ Đạo, mỗi người đóng góp công sức của mình trong việc giúp đỡ Cha, Dì có phương tiện và điều kiện để dạy dỗ, trong những tương quan giúp đỡ lẫn nhau, trong những giao thiệp cá nhân “người với người”, trong những sinh hoạt chính của đời sống Kitô hữu. Mặc dù là một Họ Đạo nhỏ, nhưng chỉ khi quy tựu thành một Họ Đạo như thế thì mới có điều kiện thuận tiện và sự hăng hái nhiệt tình trong việc dạy và học Giáo Lý. Vì thế trong Họ Đạo mọi người cùng có trách nhiệm trong việc dạy Giáo lý và do đó Họ Đạo giữ một vai trò quan trọng trong việc dạy Giáo lý.

GIÁO XỨ - MÔI TRƯỜNG NUÔI DƯỠNG ĐỨC TIN

Giáo xứ (hay họ đạo) là nơi rất gần gũi với người giáo dân, “là gia đình của Thiên Chúa, là cộng đoàn huynh đệ chỉ có một tâm hồn” (Vat. II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 28). Là một tín hữu Công Giáo, xã hội đầu tiên là gia đình, nhiều gia đình Công Giáo làm nên họ đạo, mọi sinh hoạt tôn giáo gắn liền với họ đạo, với nhà thờ. Đây là một cộng đoàn mà trong đó, người kitô hữu được nuôi dưỡng và lớn lên trong đức tin, hoặc tìm lại được niềm tin của mình, “để sống mầu nhiệm hiệp thông Giáo hội và tham gia vào sứ mạng của Giáo hội.” (Tông Huấn Ecclesia in Asia, số 25). Vì thế, đây là một Giáo Hội thu nhỏ với nhiều thành phần khác nhau, cùng nhau chia sẻ một sứ mạng cao cả là làm cho Danh Chúa ngày càng được lan rộng nơi chính hoàn cảnh xã hội nó hiện diện.

Thật vậy, không ai có thể phủ nhận vai trò của giáo xứ trong việc đào tạo những công dân Nước Trời đích thực cho Giáo Hội. Chính trong những thực hành trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội như: thánh lễ, đọc kinh, cử hành các Bí Tích… “giáo xứ còn phải dạy cho họ (mọi kitô hữu) giáo lý của Đức Kitô.” (ĐTC Phaolô VI, Diễn từ đọc trước hàng giáo sĩ Rôma ngày 24/6/1963). Đây là một trách nhiệm to lớn và không thể thiếu của giáo xứ, nhất là đối với các giáo xứ Việt Nam. Trong đó, Linh mục là người lãnh đạo chủ yếu và cùng với các thành phần khác: tu sĩ, giáo lý viên, tông đồ giáo dân… chuyển giao Lời Chúa đến cho mọi tín hữu, nhờ đó giúp họ sống đức tin và làm chứng cho Chúa một cách tích cực hơn. Dưới đây là câu chuyện của một họ đạo trong giáo phận Vĩnh Long.

Trong thời gian khó khăn của cả nước và Giáo Hội vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, tại một họ đạo nhỏ miền quê nọ, giáo dân rất nghèo, nghèo cả vật chất lẫn tinh thần. Vào lúc đó, giáo phận cũng thiếu linh mục, một linh mục phải trông coi 4 hay 5 họ là bình thường và còn hơn nữa. Cứ mỗi 3 tuần thì Cha Sở tới dâng thánh lễ một lần. Một Chủng Sinh (tạm gọi là “Thầy giúp họ”) trẻ và nhiệt thành được chỉ định đến ở tại họ đạo thời gian lâu dài thay thế Linh Mục. Mỗi Chúa nhật chỉ có Phụng Vụ Lời Chúa và rước lễ. Rồi 2 nữ tu cũng được sai đến cộng tác trong việc mục vụ và dạy giáo lý cho thiếu nhi.

Trong một hoàn cảnh khắt khe: “cơm không đủ no, áo không đủ mặc”, thì còn lòng trí đâu mà các bậc cha mẹ nghĩ tới chuyện cho con đến nhà thờ học giáo lý! Nhưng với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Thầy và các Dì đã tìm cách giúp người giáo dân có công ăn việc làm: nào là dệt thảm xuất khẩu rồi đến làm bột mì, cả người ngoài Công giáo cũng được tham gia. Trong khi đó, các ngài tìm cách quy tụ các em nhỏ và dạy giáo lý thường xuyên cho chúng. Với tình yêu thương đoàn chiên, sự cộng tác đắc lực và hoàn toàn vô vị lợi vì dân Chúa của những tông đồ nhiệt thành, sau một thời gian, họ đạo đã trở nên có sức sống hơn, giáo dân đến nhà thờ đông hơn, các em nhỏ tham gia các lớp giáo lý tích cực hơn, có vài người ngoài Công giáo cũng xin theo học đạo và được rửa tội…

Rồi khó khăn cũng qua đi. Sau này, họ đạo cũng đã luân phiên có các Cha Sở hết lòng vì con chiên, mọi cơ cấu được xây dựng lại, các hội đoàn bắt đầu được hình thành, một số giáo lý viên được gởi đến đào tạo tại giáo phận… Đặc biệt, dạy giáo lý là công tác được quan tâm hàng đầu của họ đạo. Nhờ sự dấn thân phục vụ không biết mệt mỏi của những tông đồ đầy nhiệt huyết nơi cánh đồng truyền giáo này, cùng với sự cộng tác đắc lực của các thành phần trong họ đạo, và truyền thống ham thích học hỏi giáo lý từ các thế hệ trước. Hiện nay, họ đạo đã có thể tạm gọi là “trưởng thành” trong việc giáo dục đức tin và đào tạo những môn đệ của Chúa Kitô. Trong các lớp giáo lý ngày trước, giờ đây có một số người đang dâng hiến đời mình để phục vụ Chúa và Giáo Hội trong ơn gọi linh mục và tu sĩ. Nhà thờ họ đạo luôn là “gia đình” của mọi người, nơi quy tụ lý tưởng của thiếu nhi giáo lý trong họ.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, giáo xứ luôn là “cái nôi” để nuôi dưỡng và làm cho đức tin kitô giáo được triển nở. Giáo Hội phổ quát có được tồn tại hay không thì phải nhờ vào sự hiệp nhất của mọi thành phần dân Chúa nơi cộng đoàn gia đình này. Trong đó, giáo lý Chúa phải là nền tảng cho mọi sinh hoạt và sự trưởng thành đức tin của người tín hữu.

TRANG SỐNG ƠN GỌI

CỘNG ĐOÀN LÀ VƯỜN ƯƠM ƠN GỌI TẬN HIẾN

Luật sư Lê Đình Thông, cựu chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ (2001-2008) Giáo xứ Việt Nam Paris cho chứng từ về đề tài: “Cộng đoàn là vườn ươm ơn gọi tận hiến”.

1. Vườn ươm ơn gọi là gì ?

Sau Phúc âm, cha chủ tế Đinh Đồng Thượng Sách đã mời Luật Sư Thông lên chia sẻ với cộng đoàn. Bốn điểm đã được diễn giả gợi ra. Trước nhất, xác định rằng các hoạt động của cộng đoàn giáo xứ nhằm khởi sinh và phát triển ơn gọi tận hiến đã được từ ngữ thần học mục vụ gọi là mục vụ ơn gọi, Ls Thông đã trích dẫn những văn kiện căn bản của Giáo Hội và kể ra một vài hành động cụ thể hầu giúp cộng đoàn hiểu rõ từ ngữ “Vườn ươm ơn gọi là gì”. Ông nói :

Trong thông điệp Ad Catholici Saserdotii ban hành ngày 20-12-1935, Đức Piô XI cho rằng “Vườn ươm ơn gọi tận hiến có được là nhờ các gia đình sống đạo gương mẫu”. Theo Công đồng Vaticanô II, mỗi ơn gọi đặc biệt là một khía cạnh đặc thù của ơn gọi đức tin (vocation à la foi). Công đồng Vatican dành một văn kiện quan trọng đề cập đến vai trò của các cộng đoàn giáo xứ trong việc làm triển nở ơn gọi tận hiến. Sắc lệnh Optatam totius về việc đào tạo linh mục đề cập đến sự đóng góp của các cộng đoàn giáo xứ trong sứ mạng chung này, được gọi là mục vụ ơn gọi (pastorales des vocations).

  1. Vườn ươm ơn gọi tận hiến của Giáo xứ tươi mát bốn mùa chính là nhờ mục vụ ơn gọi của các vị chủ chăn và toàn thể cộng đoàn, được tiến hành trước hết bằng các Thánh lễ, giờ chầu Thánh thể và các buổi cầu nguyện chung.
  2. Đức Gioan-Phaolô II cho rằng “cầu nguyện không phải là để xin Chúa hành động thay cho mình. Cầu nguyện là cậy trông vào Chúa, phó thác trong tay Chúa để hoàn thành các công trình của Thiên Chúa giao cho”.
  3. Có công trình nào cao trọng hơn ơn gọi tận hiến ? Chính vì vậy, Đức Gioan-Phaolô II cho rằng “cộng đoàn và các đơn vị mục vụ có nhiệm vụ đồng hành ơn gọi”.
  4. Đức Thánh Cha nói đến cộng đoàn giáo xứ cách chung, cách riêng là các đơn vị mục vụ cùng vun trồng và triến nở ơn gọi. Cộng đoàn Giáo xứ Việt Nam chúng ta có nhiều đơn vị. Mỗi hội đoàn công giáo tiến hành có tôn chỉ và đối tượng khác nhau, từ mục vụ thiếu nhi, mục vụ giới trẻ, đến mục vụ giáo lý Ngoài ra còn các hội đoàn khác nữa như Đạo Binh Đức Mẹ, Phong trào Cursillo, Phong trào Liên đới Nghề nghiệp và một đoàn thể công giáo tiến hành chuyên biệt: Hội Yểm trợ Ơn gọi. Các đoàn thể thường tổ chức các buổi cầu nguyện cho ơn gọi.
  5. Hội Yểm Trợ Ơn Gọi Tận Hiến được thành lập ngày 12-3-1989, năm nay kỷ niệm 20 năm thành lập. Hội do cha Trần Anh Dũng làm linh hướng. Các hội viên tham gia các buổi cầu nguyện cho ơn gọi, đóng niên liễm. Hàng năm, số tiền quyên góp được gởi cho các chủng viện trong nước, góp phần vào chi phí đào tạo.
  6. Những hoạt động nào đã được thực hiện trong vườn ươm ơn gọi ở GXVN ?

Tham gia vào Hội Đồng Mục Vụ từ nhiều năm nay, với vai trò phó chủ tịch (1997-2001), chủ tịch (2001-2008) và cố vấn (2008 - ?), Ls Thông là một “ông trùm” am hiểu tình hình mục vụ giáo xứ. Sau khi đã định nghĩa mục vụ ơn gọi là gì, ông đã tỉ mỉ mô tả tám loại hoạt động mà giáo xứ đã, đang và sẽ làm để biến “Cộng đoàn thành vườn ươm ơn gọi tận hiến”. Hơn hẳn nhiều người, ông biết nhiều về tâm tư thao thức của các vị chủ chăn trong các công việc mục vụ ơn gọi. Ông chia sẻ : Vuờn ươm Giáo xứ có sương giáng là nhờ lời cầu nguyện. Trong khu vườn ươm ơn gọi còn có nhiều hoạt động thường xuyên về mục vụ ơn gọi:

a. Trước hết là các hoạt động mục vụ của các vị chủ chăn nhắm vào từng đối tượng ơn gọi. Việc thực hiện ơn gọi gồm ba giai đoạn :

người được gọi nói ra ý nguyện và được cộng đoàn giáo xứ đón nhận;

người được gọi cầu nguyện để có thể phân định rõ ràng (étape du discernement);
giai đoạn quyết định ơn gọi.

Trong cả ba giai đoạn, cộng đoàn giáo xứ chung sức để ơn gọi chín mùi và triển nở. Ngay từ khi ơn gọi chớm nở, người được Chúa gọi trình bầy với cha sở hoặc linh mục phó xứ để được hướng dẫn mục vụ. Cộng đoàn chung lời cầu nguyện để người được Chúa gọi hình thành một quyết định chín chắn. Trong giai đoạn sau cùng, cộng đoàn là nơi vị tân linh mục hoặc tu sĩ thi hành sứ mạng của mình.

Giáo Xứ đã hình thành Nhóm Tìm hiểu Ơn gọi. Những người tiếp nhận ơn gọi sinh hoạt thường xuyên trong một nhóm nhỏ có linh mục hướng dẫn. Mỗi người nhận định về hướng đi của mình, tìm hiểu một hình thức tận hiến thích hợp. Nếu là ơn gọi linh mục, các cha giúp tìm hiểu giữa tu dòng và tu triều, dòng hoạt động hay chiêm niệm, mục vụ tông đồ, bác ái hay truyền giáo; việc sử dụng chuyên môn của mỗi người trong đời tu. Các câu hỏi tương tự cũng được đặt ra đối với ơn gọi nữ tu : tu dòng hay tận hiến tại gia, ý nghĩa tận hiến của đời tu. Ngoài ra, các thỉnh sinh còn được nghe một số chứng từ do các linh mục hoặc tu sĩ dòng trình bầy, được hướng dẫn tìm hiểu tại các tu viện, dự các buổi tĩnh tâm hoặc hành hương để đào sâu ơn gọi.

Nói đến vườn ươm ơn gọi tận hiến Giáo Xứ, ta không thể không nói đến ơn gọi phó tế vĩnh viễn. Giáo Xứ Việt Nam là họ đạo thuộc Giáo phận Paris có nhiều ơn gọi phó tế. Chức thánh này có từ Giáo hội sơ khai, qua chứng từ của sách Công vụ Tông đồ (Cv 6,1-6), đã được Công đồng Vaticanô II tái lập để đáp ứng nhu cầu mục vụ hiện nay. Các thầy phó tế tại Giáo Xứ cộng tác chặt chẽ với Đức Ông Giám đốc và các linh mục trong ba lãnh vực: Bác ái, Lời Chúa và Phụng vụ. Giáo xứ chúng ta còn thêm một lãnh vực thứ tư là Văn hóa.

b. Ngoài ý nghĩa vườm ươm ơn gọi tận hiến, Giáo Xứ còn là mùa lúa mới ơn gọi tận hiến. Nguyện đường này đã nhiều lần tổ chức các lễ chịu chức và khấn dòng do đức giám mục giáo phận chủ lễ. Các thỉnh sinh phủ phục trước cung thánh đọc kinh cầu các thánh, có toàn thể cộng đoàn chung lời cầu nguyện. Nghi thức phụng vụ này khiến toàn thể cộng đoàn, nhất là các bạn trẻ, ý thức được sự cần thiết của ơn gọi và vai trò của linh mục và tu sĩ trong Giáo hội.

c. Nhiều linh mục trẻ đã cử hành Thánh lễ mở tay tại Giáo xứ khiến vườn ươm ơn gọi còn mang ý nghĩa một vườn hoa trái. Cộng đoàn hiệp ý cùng vị tân linh mục dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn, đồng thời đón nhận ơn lành ban qua phép lành do vị linh mục trẻ cử hành lần đầu tiên.

d. Mặc dù cơ sở chật hẹp, Giáo Xứ luôn đón nhận nhiều vị giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ đến cử hành Thánh lễ hoặc tạm trú trong thời gian hành hương: các cha bề trên chủng viên, các nữ tu bề trên nhiều nhà dòng ở Việt Nam. Sự hiện diện của các ngài giữa cộng đoàn khiến vườn ơn gọi mang ý nghĩa hiệp thông.

e. Giáo xứ còn là nơi cử hành lễ ngân khánh, kim khánh cho một số các vị linh mục. Vườn ươm ơn gọi còn là mùa hồng ân cảm tạ. Cộng đoàn cùng cầu nguyện với vị linh mục đã trải qua quá trình mục vụ lâu dài, hiệp ý cùng Đức Gioan-Phaolô II về ý nghĩa cao đẹp của Thánh lễ này: “Cộng đoàn cùng với vị linh mục dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ về ân sủng đặc biệt này. Ân sủng này là của mọi thời đại, dành cho các linh mục có các ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Ân sủng này được tái diễn trong Giáo hội nhờ lòng từ nhân của Thiên Chúa”.

f. Sự hiện diện và sinh hoạt của Hội Liên Tu Sĩ vừa khích lệ, lại vừa thúc đẩy ơn gọi của giới trẻ Giáo xứ đối với ơn gọi tận hiến. Với sinh hoạt này, vườn ươm ơn gọi mang ý nghĩa một định hướng mục vụ chung của cộng đoàn.

g. Vườn ươm ơn gọi tận hiến Giáo Xứ còn có các ca đoàn chung lời cầu nguyện cho ơn gọi bằng thánh nhạc. Ngoài ý nghĩa hát là cầu nguyện hai lần, mỗi ca đoàn đều có các sinh hoạt ươm mầm ơn gọi. Một số ơn gọi tận hiến xuất thân từ ca đoàn. Trong lễ khấn dòng, có thỉnh sinh hát Thánh Vịnh, diễn tả tâm tình tri ân và ngợi ca Thiên Chúa. Các ca đoàn đem lại cho ơn gọi tận hiến tiếng chim hót trong vườn.

h. Sau cùng, tại Giáo Xứ có nhiều vị âm thầm đỡ đầu ơn gọi tận hiến thuộc nhiều giáo phận trong nước và một số chủng sinh tại Pháp ; cả bằng lời cầu nguyện lẫn việc làm cụ thể : Có thực mới vực được đạo. Công việc này là bóng mát thầm lặng nhưng cần thiết để vườn ươm ơn gọi luôn được xanh mát.

Trong số các ơn gọi sinh hoa kết trái, có một số đã đi qua cộng đoàn, một số khác phát xuất từ cộng đoàn. Cộng đoàn luôn hiệp ý cùng các bậc sinh thành của mỗi ơn gọi cầu nguyện Thiên Chúa ban nhiều linh mục, tu sĩ phục vụ Hội thánh”.

TRANG THIẾU NHI

NỖI BUỒN BA KHÔNG

Nó lớn lên từ họ đạo quê nghèo và gian khó. Nhà thờ không có Linh muc, Thánh lễ thỉnh thoảng mới có một lần, cổng nhà thờ luôn khép kín buồn hiu. Những trải nghiệm vui buồn giờ vẫn còn động lại như in. Ký ức buồn vui tìm về khi bắt gặp đó đây những hoàn cảnh giống nơi quê nhà của nó. Lệnh truyền giáo Chúa Giêsu trao phó các tông đồ xem ra cần phải phấn đấu rất nhiều nơi những người đang tiếp bước. Nhiều ngôi nhà thờ mọc lên trông dáng đứng cô đơn vì thiếu bóng chủ chăn, thiếu vắng bóng người cầu kinh dâng lễ. 

Nhà  thờ không Thánh lễ

Nhớ lại tháng ngày hoàn cảnh còn khó khăn, Thánh lễ được cử hành thật là hoạ hiếm. Nhà thờ quê  nó lâu lâu mới có Linh mục đến một lần. Tin tức nhà thờ có lễ luôn là sự kiện quan trọng nhất trong xứ đạo. Người ta báo tin cho nhau trong niềm tự hào vui sướng. Ai cũng lo thu xếp công việc, chuẩn bị áo quần chờ đến ngày dự lễ cùng nhau. Dẫu biết Thánh lễ không thay đổi về nghi thức và giá trị ân ban nhưng ngày ấy người ta đi lễ như là một lễ hội trong vùng.

Hơn hai mươi năm nhìn lại nó thấy vui mừng vì Thánh lễ  bây giờ được cử hành thuận lợi hơn trước kia. Nhưng có chút tủi buồn vì với thời gian khá dài ấy, hiện vẫn còn nhiều nhà thờ mọc lên như chỉ để làm duyên. Các cha đến dâng lễ, giáo dân vui mừng, xong lễ nhà thờ lại trở về cảnh cũ. Cửa nhà thờ đã khép hẹn gặp lại tuần sau. Sự hiện diện của Cha thật quá ngắn ngủi như chưa bù đắp cân bằng với kháo khát trông chờ nhiều ngày của giáo dân. Mong ước nhà thờ có Thánh lễ mỗi ngày vẫn còn là khao khát chưa dám thành lời nơi những tín đồ ngoan đạo vùng quê.

Không nghe tiếng cầu kinh

Thời cấm cách ai cũng biết những sinh hoạt trong phạm vi nhà thờ thật nhiều khó khăn: Không được tập hát, không được dạy giáo lý, không thoải mái đọc kinh. Tất cả đều diễn ra cách âm thầm trong len lút. Thời điểm ấy nhiều người như thuộc nằm lòng tinh thần của Chúa Giêsu như là châm ngôn sống cho riêng mình: “Khôn ngoan như con rắn và hiền lành như chim câu”. Dẫu khó khăn nhưng thời ấy người người đến nhà thờ trong nhiệt tình hăng hái, khác như bây giờ có pha chút hững hờ miễn cưỡng.

Khi cửa nhà  thờ khép kín dễ làm cho giáo dân tưởng lầm bổn phận mình giờ đã xong. Việc thờ Chúa qua những lời kinh tạo cho giáo dân một mối gắn kết thân tình với Thiên Chúa. Kinh nguyện vừa là lời cầu khẩn đồng thời cũng là những điều giáo lý để hướng dẫn con người sống theo giới răn của Chúa. Sao không buồn khi thấy ngày nay người ta đã quên dần những thói quen cầu nguyện. Sao không buồn khi tiếng kinh không còn vang lên nơi những ngôi nhà thờ trong sáng sớm chiều hôm. Kinh sáng tối gia đình sưởi ấm tình thương, duy trì hạnh phúc. Tiếng kinh trong nhà thờ nuôi dưỡng tình hiệp thông, hâm nóng tình người. Vắng tiếng kinh cầu nhà thờ trở nên lạnh lẽo, tình người cũng dễ rời xa.

Không bóng người lui tới

Ai lớn lên trong một họ đạo nhỏ vùng quê sẽ thấy tuổi nhỏ vùng quê là một thiệt thòi. Các em nhút nhát vì không có sinh hoạt cộng đoàn, không được học biết giáo lý đầy đủ, không có những lời hướng dẫn đúng đắn, chân thành. Tương lai của các em có khi mịt mờ trên đường trưởng thành nhân cách và làm chứng niềm tin.

Nến nhà  thờ không có Linh mục, không tiếng cầu kinh, không người lui tới chắc hẳn cũng không có sinh hoạt của những Hội đoàn. Nếu có thời giờ rảo bước các họ đạo miền quê ít nhiều ta sẽ cảm thông sự thiệt thòi của họ. Niềm tin nơi họ vẫn có, lòng đạo của họ vẫn còn nhưng nếu không có dịp để sống, để biểu lộ bên ngày đó lại là nguy cơ khiến đời sống đạo nguội dần có khi tắt hẳn.

Nỗi buồn chợt đến chợt đi nhưng có những hoàn cảnh luôn diễn ra trước mắt khiến người ta luôn phải chạnh lòng. Nhìn những ngôi nhà thờ cửa rào khép kín, cửa nhà thờ khoá chặt, chung quanh không một bóng người là dấu hiệu già nua trong sinh hoạt tôn giáo. Lệnh truyền giáo đã có hơn hai ngàn năm nhưng thực tế mỗi người cần phải phấn đấu rất nhiều thì Tin Mừng thật sự mới phát sinh hiệu quả. Mỗi người phải góp phần viên gạch nhỏ bé của mình để xây dựng ngôi nhà Giáo hội. Mong ước người giáo dân luôn nhiệt tình sống đạo làm nhân chứng cho niềm tin. Mong ước người chủ chăn luôn hiện diện sống chết với đoàn chiên mà Giáo hội trao phó. Mong ước Giáo Hội là Giáo hội của người nghèo và dám sống cho người nghèo.  

TRANG GIỚI TRẺ

“Đi cho biết đó biết đây,
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.

Đây là những câu nói lên con người được lớn lên không chỉ nhờ một môi trường nhất định mà còn lớn lên trong nhiều môi trường khác. Đời sống đức tin của một người kitô hữu sẽ được lớn lên và phát triển hơn nhờ môi trường giáo xứ. Do đó, bên cạnh gia đình thì giáo xứ cũng có vai trò quan trọng không kém trong việc dạy giáo lý.

Nếu như trong gia đình người kitô hữu được hấp thụ những điều giáo lý căn bản thì nơi giáo xứ những điều ấy sẽ được mở rộng hơn và chắc chắn hơn. Nơi gia đình có thể những điểm giáo lý còn lung tung thì nơi giáo xứ người kitô hữu được truyền thụ một nền tảng giáo lý có trật tự trước sau và chuyên sâu hơn.

Nền tảng giáo lý dựa trên mạc khải của Thiên Chúa, trên uy tín và những rút kinh nghiệm của Giáo hội. Đồng thời, những điểm giáo lý ấy cần được triển khai cho phù hợp với từng thời điểm của cuộc sống.

Với thời điểm cuộc sống hôm nay, người trẻ cần được huấn luyện cho có một lương tâm ngay thẳng và lương thiện phù hợp với Tin mừng, với tinh thần của một người con Chúa.

Nếu không người trẻ rất dễ bị nhiễm bởi lối sống ích kỷ, hưởng thụ bởi thế giới này. Vì ích kỷ và muốn sống hưởng thụ nên người ta dễ xem thường tiếng nói lương tâm ngay chính.

Chúa Giêsu là Đấng Nhập thế nên Giáo hội của Người cũng là Giáo hội nhập thế. Một Giáo hội hòa mình với thế giới. Dù vậy hòa nhi bất đồng. Vì thế, người trẻ cũng cần được huấn luyện để có được một đời sống đức tin trưởng thành. Nhờ vậy, người trẻ sẽ can đảm làm chứng cho tình yêu của Chúa ở giữa môi trường sống của mình.

Chính giáo xứ đóng vai trò huấn luyện cho giới trẻ những điều quan trọng này. Muốn vậy giáo xứ cần tổ chức các lớp giáo lý sao cho phù hợp với thời gian của các bạn trẻ. Phần các bạn trẻ cũng nên xem đây là điều hết sức cần thiết không thể thiếu được. Các bạn hãy cân nhắc thời gian đến giáo xứ của mình để được trau dồi những điều hết sức quý báu này.

TRANG GIA ĐÌNH

DI SẢN ĐẠO ĐỨC

Tôi đọc lại lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, tôi vô cùng khâm phục giáo dân Việt Nam thuở ban đầu mới nghe Tin Mừng do các cha Dòng Tên chỉ dạy. Những tín Hữu Nam Hà (miền nam sông Gianh, phần đất Chúa Nguyễn cai trị) Năm 1615 và các năm tiếp sau, và tín hữu Bắc Hà (miền Bắc sông Gianh, phần đất Vua Lê Chúa Trịnh cai trị) năm 1627 và các năm kế tiếp, họ là các nho sĩ, và các gia trưởng nhiệt tình với Chúa và Giáo lý công giáo. Họ gắn bó với các cha, tìm mọi cách học hỏi, thực hành giáo lý để họ có khả năng truyền thụ giáo lý cho những người khác, để họ có đủ bản lãnh kitô hữu cộng tác với các cha xây dựng các họ đạo, phát triển giáo hội Việt Nam. Chính họ sẽ là những người qui tụ bà con, bạn bè, thân quen thích đạo thành từng nhóm dạy giáo lý, dạy xong, họ đem những nhóm người này đến với các cha để các cha sát hạch, bổ túc, chuẩn bị trao ban bí tích, nhờ vậy mà Giáo Hội Việt Nam thời đầu gia tăng bổn đạo theo cấp số nhân. Thành công mỹ mãn vì các cha thừa sai tích cực, các thầy giảng hăng say dạy giáo lý không mệt mỏi.

Tôi nhớ lại câu chuyện sống đời sống đạo thời cha ông. Lúc ông thượng thư Nguyễn Công Trứ thực hiện kế sách đinh điền khai hoang lập ấp, cũng là lúc một số người công giáo đáp ứng lời mộ dân đi khẩn đất lập nghiệp. Dĩ nhiên những người công giáo này liên kết với nhau thành một danh sách cùng khẩn hoang ở một khu vực nhất định, sự quen biết, tình đồng đạo, cũng ước mong có cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho mình và cho con cháu mai sau, họ sẽ đồng tâm nhất trí, chung lưng đấu cật, nằm gai nếm mật vượt kho,ù vượt khổ, vượt gian nan thử thách. Lòng đạo là căn bản giúp họ dám hy sinh, quên mình ước mong tương lai tốt đẹp giúp họ liều lĩnh cam chịu đói khát, cực nhọc đêm ngày, rắn rết muỗi mòng tác hại. Hình ảnh hiến sinh của Chúa Kitô trên thập giá thôi thúc họ hy sinh cho vợ con, cháu chắt. Khi đã tạm thời ổn định đất đai họ lo có một khu đất tốt nhất xây dựng thánh đường với các cơ sở nhà chung chăm lo cuộc sống đạo. Vừa kiến thiết nơi ăn chốn ở, vừa lo đầu tư cho con cháu học hành, vừa khích lệ con cháu hiến thân phụng sự Chúa trong bậc tu trì và hàng giáo sĩ để phát triển họ đạo trong tương lai tươi sáng. Họ xác tín có đóng góp tích cực mới được yêu cầu đòi hỏi : cha thầy dạy giáo lý, giúp lãnh nhận hiệu quả các bí tích và dâng lễ sốt sắng.

Cũng trong dòng máu phiêu lưu mạo hiểm khẩn hoang lập ấp ấy, có một ông cụ Đa Minh và bà cụ Maria, vợ chồng đồng tâm nhất trí khẩn điền. Tận lực làm việc, họ có đất ruộng chia cho con cháu nhưng không quên đời sống tinh thần. Người con trai lớn của ông bà được ông bà cho ăn học, lại cho vào ở nhà Đức Chúa Trời ( giúp việc cha sở, ở nhà cha sở, để được đào luyện đi chủng viện.) Ôâng bà tâm niệm “ Một người làm quan cả họ được nhờ”. Con chiên đầu đàn này sẽ giúp em cháu vươn lên trong đời sống đạo. Ông cùng các con dâng đất, mua vật liệu để làm nhà thờ họ đạo, nơi con cháu sớm hôm tụ họp kinh kệ, học giáo lý và học kinh, học tập sống đạo. Ông bà chủ trương, việc đạo đi trước, việc nhà việc nước đi sau. Chính vì vậy mà từ ông bà có cháu chắt làm tu sĩ nam nữ, và có tới 4 Linh Mục cháu chắt.

Trận bão lớn năm 1947 đã giật sập căn nhà thờ của ông làm cho tuổi già của ông buồn sầu đau đớn. Mỗi buổi chiều ra nhìn cảnh đổ nát mà ông lo cho tương lai “ Con cháu tôi sẽ sống đạo ra sao khi không còn nhà thờ để con cháu sớm tối tụ họp thờ phượng Chúa, không còn nơi thế hệ đi trước dạy đạo cho thế hệ đi sau chuẩn bị cho cha sở sát hạch và bổ túc trước khi trao ban bí tích cho các con cháu trong họ đạo”. Một bữa Chúa nhật cuối năm 1947 trước khi ông chết, ông ngồi uống trà tâm sự với người con trai út mà ông tin tưởng, ông trăn trối : “ Anh Ký (thư ký của xã), anh phải đứng ra điều động họ đạo xây dựng lại nhà thờ. Tôi không muốn lòng đạo của con cháu sa sút”. Lời căn dặn trăn trối đó làm cho ông Ký suy nghĩ, ông tạm dùng căn nhà trên của gia đình làm nơi dạy giáo lý kinh hạt cho các trẻ em trong họ và chuẩn bị mua sắm vật liệu từ từ để dựng lại ngôi nhà thờ tương lai. Ông Ký nói với các cháu tích cực cộng tác với ông : “ Ta chưa có khả năng xây dựng nhà thờ vật chất gỗ đá, ta hãy cố gắng xây dựng nhà thờ tâm hồn”. Rồi mỗi buổi chiều xuống, giáo dân tạm tụ họp ngoài sân trong nhà của ông Ký để dâng lời kinh tiếng hát phụng thờ Chúa.

Vì hoàn cảnh chiến tranh ông Ký không thể thực hiện lời di chúc của cha già, lòng ông lo lắng buồn rầu. Rồi vào một ngày gần cuối đời trong căn phòng nhỏ của ông, ông Ký tâm sự với người con trai út của ông: “Ông nội của Cha bảo tôi phải dựng lại nhà thờ, nhưng hoàn cảnh xa quê tôi không thể nào thực hiện. Các cháu của tôi đã làm nhưng nhà thờ nhỏ bé và ộp ẹp quá. Cha hãy thay tôi thực hiện lời di chúc của ông nội Cha”. Ngày ông Ký qua đời, lời tâm sự ấy đã thành lời di chúc.

Với vị linh mục ấy, lời di chúc trở thành một cơ hội báo hiếu ông bà cha mẹ. Vị Linh Mục ấy đã quy động anh em gom góp tiền bạc, vận động anh chị em con cháu trong họ đạo dâng công góp sức. Kết quả ngày 31 tháng giêng năm 2002, thánh lễ làm phép nhà thờ và nhà giáo lý của lời di chúc đã được thực hiện. Buổi chiều hôm ấy, vị linh mục ấy cùng anh em con cháu ra viếng mộ ông bà nội, nước mắt lưng tròng vì công việc đã làm xong, lời di chúc đã được thực hiện. Đang khi dâng hương cầu nguyện cho ông bà nội của mình, vị linh mục nói : “Ông Bà nội ơi! Xin hãy chung vui với chúng con, vì lòng đạo và nếp sống đạo vẫn luôn luôn được tiếp tục tài bồi trên mãnh đất quê hương này”.

TRANG GIÁO LÝ VIÊN

DIỄN TIẾN MỘT BUỔI DẠY GIÁO LÝ
(Phương pháp 7 bước: cho trẻ 12 tuổi)

Chú ý:
- Phương pháp này thích hợp với trẻ 12 tuổi tức là: tuổi xưng tội, rước lễ, thêm sức.
- Lớp ít học viên thì thuận lợi về mặt sư phạm, tức là 50 học viên cùng trình độ.
- Lớp học kéo dài trung bình về thời gian là từ 1h đến 1h30 phút.

Gồm 7 bước như sau:

1. Cầu nguyện mở đầu : Phần này vắn tắt và thay đổi hình thức luôn bằng đọc một kinh, hát một bài thánh ca với một lời cầu nguyện ngắn của giáo lý viên. Mục đích của phút cầu nguyện này là tạo bầu khí tôn giáo và đặt học viên trước sự hiện diện của Chúa.

 2. Bài giảng: Đây là phần chính yếu của giờ giáo lý, ta trình bày nội dung của giờ giáo lý.

- Bài giảng và bài nói chuyện phải cùng lúc đạt hai mục tiêu sau đây:
- Trình bày đề tài của bài học. Ví dụ: Bài dạy về “Chúa Giêsu quyền phép”.
- Khơi dậy tâm tình tôn giáo tương ứng với bài học.
Ví dụ: Tâm tình: “Cảm phục Chúa Giêsu” với bài “Chúa Giêsu quyền phép”
Bài nói chuyện phải theo phương pháp quy nạp (đi từ một sự kiện hay một câu chuyện để rút ra một kết luận).
Do đó, giáo lý viên phải để ý điều này: muốn soạn bài nói chuyện, tức là bài giảng, ta phải tìm một sự kiện hay một câu chuyện làm khởi điểm.

Ví dụ: Đề tài giáo lý là: “Chúa Giêsu quyền phép”.
Tâm tình phải gợi lên là: “Cảm phục Chúa Giêsu”.
Câu chuyện khởi điểm là: “Chúa Giêsu làm sóng gió yên lặng trên biển hồ Galilêa.

Xác định được ba điểm trên đây, thì việc soạn giáo án sẽ dễ dàng.

Bài nói chuyện ngắn dài, tuỳ theo tuổi và hình thức.Nếu giảng viên độc thoại: thì bài giảng dưới 7 phút; nếu đối thoại: dài hơn, nhưng dưới 12 phút.Hãy can đảm cắt bỏ những dư thừa, phụ thuộc. Lời giảng phải mạch lạc, dễ hiểu.

3. Nghe lời Chúa: Trong phần này, chủ đích là cho học viên nghe chính lời Chúa về đề tài của buổi nói chuyện. Chỉ cần đọc một hoặc hai câu ngắn, nội dung phong phú. Ta tập cho các em có thái độ kính cẩn khi nghe lời Chúa.

4. Cầu nguyện: (còn gọi là cầu nguyện giữa giờ hay cầu nguyện sau bài giảng): Phần cầu nguyện này là đỉnh cao của bài giáo lý. Tâm tình tôn giáo vừa được thức tỉnh qua bài giảng, được tăng cường khi nghe lời Chúa, thì giờ đây được kết thành lời cầu nguyện sống động, đối diện với Thiên Chúa. Phần này không cần dài, nhưng phải có sức tác động và thu hút tâm hồn học viên thông hiệp sâu xa với Thiên Chúa.

5. Sinh hoạt: Phải nói đây là sinh hoạt giáo lý, có chủ đích là:
Vận dụng các cơ năng của học viên (như trí tưởng tượng, óc thẩm mỹ, khéo léo chân tay...) để giúp học viên hiểu bài sâu hơn, và đồng hoá với bài cách nhẹ nhàng thích thú và tự nhiên.

Giúp giáo lý viên kiểm điểm được cách thức giảng bài của mình và đánh giá sự tiếp thu của học viên.

6. Tóm kết và chỉ bài học: Cần cho học viên học thuộc lòng một số câu vắn tắt của bài giảng đó (thường là những câu giáo lý đã được viết ra trong sách Giáo Lý Công Giáo). Nhận xét của buổi học hôm nay.

7. Cầu nguyện kết thúc: Lần cầu nguyện này có tính cách ta ơn va quyết tâm thực hành những điều đã lãnh hội được trong bài giảng, nhưng phải đơn giản, vắn tắt như phần mở đầu.

TRANG QUỚI CHỨC

GƯƠNG SÁNG NHƯ VÌ SAO

Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo. Ông cha ta từ ngàn xưa đã dạy như thế. Và quả thực các danh nhân, thánh hiền đã sống và hằng truyền thụ cho con cháu. Tôi nhớ không rõ, trong truyện Tàu, vua nước Lỗ đánh thắng vua Tần, nền hằng năm nước Tần phải sang cống hầu. Năm đó vua nước Lỗ nhắn tin vua nước Tần phải cống bộ Đỉnh, vật báu của nước Tần, và phải đích thân sai sứ do chính vua Lỗ chỉ định. Một vị quan cận thần rất trung trực của vua Tần. Vua Tần đang phân vân, liền nảy ra ý định, cho thợ đúc bộ Đỉnh giả và sai sứ đem qua dâng vua Lỗ. Vị quan này cự tuyệt, hỏi lại vua:

- Tại sao hoàng thượng dâng Đỉnh giả ?
- Ta qúi nó lắm !
- Thần cũng qúi chữ tín lắm

Cuối cùng vua Tần cũng phải đem dâng bộ Đỉnh thật.

Ngày nay, dường như tội lỗi đã lên ngôi, thay thế tất cả chuẩn mực đạo đức và thang giá trị con người, xã hội.. Ngoài ra, điều đáng sợ hơn, con người vô cảm trước tội ác. Ai cũng nghe, cũng thấy trên thời sự truyền hình hàng đêm: hai nữ sinh dùng dao đâm nhau giữa trung tâm Tp. HCM. Các bạn lớp bàng quan đứng xem như cổ vũ đôi gà giữa trường gà, còn chụp ảnh, quay phim đưa lên mạng., khách qua đường cứ tranh nhau phóng xe, chẳng ai thèm quan tâm.

Gần đây nhất, báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, trang chuyên mục “Vấn đề và sự kiện”, Tôi phải nhói tim khi đọc bài, ”Khi tội ác được nâng cấp”. Bài báo viết: “Hiện tượng tội phạm là kẻ có học, với những tình tiết hết sức dã man, có tính toán và đẩy thủ đoạn xuất hiện với tần suất ngày càng nhặt hơn. Điều đó làm bất ngờ những lý giải khá phổ biến là người ta phạm tôi vì thất học và nghèo khổ”(TTCT, 6-6-2010). Tác giả bài báo còn cảnh báo: “Đáng sợ nhất là thói dã man và thú tính từ thế giới ảo, thậm chí từ óc tưởng tượng của các tác giả Games online, phim ảnh, tiểu thuyết được kéo gần lại với hành động trong đời”.

Đã đến lúc hồi chuông báo động phải điểm: Đạo đức của con người cũng như toàn xã hội phãi được dạy dỗ và thiết lập bằng hành vi gương mẫu và pháp luật nghiêm minh. Trong xã hội, đạo đức phại được thiết lập bằng pháp luật và kỷ cương nghiêm minh, cấp dưới nhìn vào hành vi chứ không phải lời nói của cấp trên để hành động.

Điển hình câu chuyện sau đây: Vị mục sư giảng về chủ đề chiếc thang Giacóp, khiến đứa con trai của ông bị ấn tượng. Vài ngày sau, nó kể với cha rằng nó mơ về bài giảng của ông.

- Vậy con mơ thấy gì nào?
- Con thấy chiếc thang bắc lên tới mây. Ở chân thang có nhiều phấn lắm, hễ ai được phép leo lên cũng cầm theo một viên phấn để cứ mỗi nấc thang thì vạch một cái vì tội đã phạm.
- Chuyện lý thú đấy con ạ, rồi sao nữa?
- Cha ơi! Con thấy mình được lên thang đó, nhưng khi không còn xa thiên đàng lắm thì con thấy có mấy người lại tuột xuống.
- ừ, ai vậy?
- Là cha đấy, cha ạ !
- Cha à? Cha tuột xuống làm chi?
- Lấy thêm phấn.

Không phải nói hay mà được vào nước trời đâu, mà phải là những ai làm hay nữa.

Chúa Giêsu đã lên án những người biệt phái Do thái giả hình và Chúa cũng đã cảnh báo những người theo Chúa: “Đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm” (Mt 23, 3) .

Vào thế kỷ 12, tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên chống Giáo hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài. Lúc đó, thánh Phanxicô Assisi xuất hiện. Ngài không chỉ trích, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính Ngài. Nhờ đó, Giáo hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được dổi mới, mùa xuân thiêng liêng nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp.

Quả thực, không gì tác động mạnh bằng chân lý và sự thật. Thế giới ảo dầu tinh vi tới đâu, như thế giới ảo Game online hiện nay, chỉ là hủy diệt, giết chết, không thể tồn tại, và cũng sẽ bị vạch mặt lừa đảo, gian dối của nó.

CHUYỆN THƯỜNG NGÀY

DẠY CON BIẾT CẢM ƠN

Biết cảm ơn là một cách ứng xử văn minh. Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình khi lớn lên sẽ trở thành người có văn hóa trong xã hội. Vậy khi nào có thể dạy và dạy bằng cách gì để tốt nhất và hiệu quả nhất cho con ?

Trước hết, lòng biết ơn không đến một cách tự nhiên. Nó là kết quả của một quá trình dạy dỗ hoặc ít nhất cũng là một lần giác ngộ. Các nhà giáo dục cho rằng một đứa bé khi biết thích thú với đồ chơi, biết tỏ ra có một nhu cầu gì riêng cho bản thân đã là có thể hiểu được thế nào là cho và nhận. Bé sẽ vui mừng khi mẹ đưa cho món đồ chơi yêu thích và lời cảm ơn vô hình, vô âm là nụ cười rạng rỡ của con trẻ. Người mẹ coi điều đó là đủ. Nhưng cứ để như vậy thì không bao giờ bé biết nói cảm ơn dù là khi đã trưởng thành. Nếu một khi đứa trẻ không biết tri ân những điều mà mình nhận được thì nguyên nhân có thể là:


1. Quan niệm mới về hưởng thụ trong cuộc sống


Ngày nay, các bậc cha mẹ thường cho rằng mình đã vất vả, tất cả cũng chỉ vì con. Những đồ chơi mới, băng đĩa, phim ảnh... đều dành cho lũ trẻ. Gia đình càng khá giả thì sự chu cấp đó càng đủ đầy. Ngày càng nhiều bé cho rằng chúng nghiễm nhiên được hưởng, đó là điều tất nhiên, không phải cảm ơn gì hết. Không có gì ngạc nhiên nếu nhiều đứa bé không biết gì về những vất vả cha mẹ gặp phải trong công việc và những thành quả cha mẹ đạt được sau bao nhiêu mồ hôi và nước mắt.


2. Người thân, những người sống xung quanh không có thói quen cảm ơn người khác


Quả là dễ hiểu khi nhắc đến câu "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" trong trường hợp này. Môi trường sống có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, lối sống của các cá nhân. Bố, mẹ hay anh chị không bao giờ biết nói câu cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ thì đứa bé cũng có nhiều khả năng không biết thốt ra câu nói đơn giản này, bởi vì người lớn chính là tấm gương để trẻ noi theo.


3. Không được rèn luyện


Cũng có một câu "Trăm hay không bằng tay quen" – bé vẫn được dạy nhưng không có cơ hội ứng dụng vào thực tế thì cũng rất khó để nói là bé đó có lòng biết ơn hay không. Hãy cho bé những khung cảnh cụ thể, con người cụ thể, sự vật cụ thể trước và làm mẫu thì đầu tiên, bé sẽ biết cách "bắt chước" rồi dần dần thành thói quen và biết áp dụng vào nhiều trường hợp khác. Khi cha mang về một đồ chơi, hãy biết cảm ơn. Hay khi chị gái giúp một tay làm thủ công, cũng nên biết cách cảm ơn... Đó là những hạt giống được gieo mầm, mỗi ngày, con trẻ sẽ biết thêm được lòng biết ơn có giá trị thế nào.


Một câu hỏi đặt ra là có nhất thiết lúc nào cũng phải dạy con nói câu "cảm ơn" để bày tỏ sự tri ân ? Các nhà giáo dục cho rằng trong cuộc sống có rất nhiều cách để bày tỏ lòng biết ơn với người khác. Một nụ cười, một ánh mắt cũng có thể toát lên ý nghĩa của lời cảm ơn. Tuy nhiên, vấn đề khó hơn là làm thế nào để con biết đáp ơn và tri ân người từng giúp đỡ, từng đối xử tốt với mình và đối xử tốt với những người xung quanh. Và làm thế nào để chúng tin vào lòng tốt còn tồn tại và nhân rộng nó ra ? Trước hết, đó là trách nhiệm thuộc về cha mẹ.

(sưu tầm)

SỐNG ĐẸP

Thế nào là nên người?

Không ai tự nhiên nên người, song người ta trở nên người (Homo, fit, non est).
Người ta thường lầm lẫn ý nghĩa hai danh từ “nên người” và “làm nên”.

Một người xoay ở đâu được một món tiền to, tậu nhà, tậu xe, được người hàng xóm trầm trồ đưa làm mẫu cho con cháu: “Đấy, con người ta cũng bằng tuổi bây mà xem, người ta đã nên thân với đời”. Vâng, người ấy đã làm nên với đời thật, song có thể bảo người ấy đã “nên người” chăng, nếu phần trí thức của họ là miếng đất hoang vu hoặc phần tâm đức của họ là một vũng sình lầy?

Đây là một bác sĩ du học ở ngoại quốc mới về quê. Cha mẹ đến mừng cho đứa con đã nên thân với đời. Nhưng nếu người bác sĩ ấy mang thân xác vè quê mà chỉ còn một lá phổ, thử hỏi có thể bảo ông ta đã nên người chăng?

Đây là một nhà văn đã làm nên một sự nghiệp văn chương. Nhưng nếu nhà văn ấy sống cuộc đời bê tha, vô liêm sỉ, lợi dụng chút tài hoa lừa dối bạn bè cùng những người hâm mộ, có thể bảo nhà văn ấy đã xứng đáng làm người chăng?

Một người chỉ làm nên ở một điểm hoặc một phần nào, thí dụ về chức nghiệp hay về tiền bạc, còn những phần khác lại khiếm khuyết hay hư hỏng. Những người như thế, dù tài năng hay địa vị họ đến đâu, cũng không thể bảo họ đã nên người, một người xứng đáng làm người với tất cả ý nghĩa của nó.

Năm xưa, một tờ báo bên Pháp bình phẩm về một phi công có tài nhưng đã hợp tác với quân Đức: “Là một vị phi công đại tài nhưng là một người thấp kém”.

Cũng bởi quan niệm làm người như thế nên nhạc sĩ trứ danh Beethoven nói: “Tôi thích làm một người xứng đáng hơn làm một nhạc sĩ trứ danh”. Ông Roosevelt, cựu Tổng thống Mỹ nói về một giáo sư danh tiếng: “Ông ấy đã hơn là một nhà bác học, vì ông đã là một người với tất cả ý nghĩa của nó”.

Có thể nói một người đã nên người là khi họ biết làm phát triển con người họ một cách điều hòa và đầy đủ vè tất cả những phương diện: thể chất, trí thức, tâm đức và xã hội.

Một người toàn diện là một người có một thân thể tráng kiện, một khối óc sáng suốt, một lý tưởng phấn đấu.

Người ấy không phải là y sĩ, nhưng cũng biết cách giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, biết chọn thức ăn, biết cách cầm máu, biết làm hô hấp nhân tạo, biết phép nuôi con.

Người ấy không phải là lực sĩ, nhưng có thể cử tạ vài mươi cân, mang bao bị trên vai, đi bộ đôi ba chục cây số, có thể ở ngoài trời giữa đồng mà không sợ trúng cảm gió, có thể, nếu cần, thức liền hai ba đêm để làm xong một công việc mà không ốm đau, có thể nhảy xuống sống cứu người sắp chết đắm.

Người ấy không phải là tu sĩ, nhưng luôn luôn tìm hiểu những thị dục, những chỗ yếu của mình, có đủ sáng suốt để phân biệt đâu là hạnh phúc thanh cao, đâu là thú vui thấp hèn, có đủ cả, hoặc có thể làm một cách âm thầm những công việc bất vụ lợi, mong đem lại đôi chút hạnh phúc cho người xấu số hơn mình.

Người ấy không phải là thi sĩ, nhưng rất có thể cảm thông cái Đẹp của vũ trụ cũng như cái khổ của nhân loại. Tim họ có thể hòa nhịp với những khúc nhạc của gió chiều dạo trên lá trúc, cũng như đôi khi họ cũng nhỏ như những giọt nước mắt không đâu để khóc thay cho thiên hạ.

Người ấy không phải là chiến sĩ, nhưng họ rất hiểu về luật Sắt của Tạo vật: Luật chiến đấu. Họ chiến đấu để chinh phục con người của họ, chiến đấu chinh phục cuộc đời.

Biết rõ giá trị cảu cần lao và của sức cố gắng, họ dám liều lĩnh nếu cần liều lĩnh. Thành công, họ không vênh váo, vì họ biết đó là kết quả rất tự nhiên của sự cố gắng. Bị ngã quỵ, họ không sờn lòng, vì họ rất yêu đời, tin ở đời, tin ở sự tiến bộ không ngừng của nhân loại… vì họ biết rằng chỉ có những người không làm gì cả mới không thất bại.

Người ấy dù là một tay thợ hay là một người làm công cũng có một giá trị trong xã hội. Vì chỉ có nhân phẩm mới đáng làm tiêu chuẩn để đánh giá một người.

Và trong xã hội nào, người ta cũng cần đến những người ấy. Thời xưa, ông Diogène xách đèn giữa thanh thiên bạch nhật để đi tìm một người; ở thế kỷ thứ 19, ông Jouffroy đã thốt tiếng than: “Chúng ta thiếu người”. Phải chăng là những người như thế?

Có bạn sẽ bảo: Đó là người lý tưởng trong tiểu thuyết! Không, đó là một người chúng ta có thể chung đụng hàng ngày.

Đó là hạng người mà nền giáo dục có phận sự hun đúc. Vì có ai tự nhiên mà nên người, song người ta trở nên người nhờ sự giáo dục khôn ngoan và hợp lý.

Ngày xưa, người học trò tốt là người có trí nhớ deo dai, có thể trả thuộc lòng cho thầy nghe những bài học thường khi vô dụng.

Ngày xưa, đứa con ngoan là đứa con nhu mì, thiệt thà, nước da trắng như bột, thích sống quanh quẩn trong gai đình.

Ngày nay, với đời sống hoạt động cần nhiều tranh đấu, muốn nên người, muốn sống với tất cả ý nghĩa thực của cuộc đời, người bạn trẻ phải được hun đúc theo một lề lối giáo dục mới. Vì “giáo dục một người là gì? Phải chăng là rèn tập cho họ có thể đối đầu với mọi hoàn cảnh”.

Đương nhiên, dù xưa hay nay cũng thế, người tốt là người biết nhân, lễ, nghĩa… Song với cuộc sống đầy tranh đấu hiện nay, là một người nết na, nhu mì chưa đủ, phải là người quả quyết, đầy tự tin; là người hiền đức chưa đủ, phải là người hoạt động, đầy nghị lực; là người biết lo tròn bổn phận chưa đủ, phải là người có nhiều sáng kiến để làm hơn bổn phận của mình phần nào; là người có thiện chí chưa đủ, phải là người có nhiều ý chí…

Những giá trị cũ không phải hoàn toàn bị phá giá, nhưng chúng ta phải thừa nhận thêm những giá trị mới. Và chúng ta hãy thử tìm một con đường giáo dục mới…

Phạm Cao Tùng
Nguồn: chungta.com

MỘT CHÚT TÂM TÌNH

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI LỚN

“Cuộc suy thoái kinh tế này là của người lớn. Trách nhiệm của các cháu chưa phải là phụ giúp gia đình, mà trách nhiệm của các cháu thời điểm này là tiếp tục học hành. Hãy học tử tế, trang bị cho mình thật tốt, để khi bất kỳ cơn bão hay đám mây nào xảy đến trong tương lai, các cháu đều ở tư thế sẵn sàng”. Đó là lời phát biểu của Thủ tướng Singapore, ông Hiển Long, tại một lễ trao học bổng vào đầu năm. Chính quyền Singapore đưa ra cam kết sẽ không để trẻ em nào phải bỏ học vì bố mẹ gặp khó khăn trong khủng hoảng kinh tế.

Một nước có thu nhập bình quân đầu người nhất nhì khu vực, gấp hàng chục lần của ta, cũng đã lo xa đến tình trạng học sinh bỏ học. Vì đối với bất kỳ nước nào, trẻ em cũng là lực lượng của tương lai.

Trong khi đó, nước ta, tình trạng học sinh bỏ học đang là một thực tế buồn khi bước vào nền kinh tế thị trường. Tình trạng này lại càng được báo động hơn, khi khủng hoảng tài chính thế giới đang tác động mạnh vào mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế-xã hội. Nhưng dường như ta vẫn chưa có giải pháp hiệu quả nào cho vấn đề này, dù rõ ràng rằng đây là vấn đề của người lớn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá thực phẩm tăng gấp đôi trong 3 năm qua có thể đẩy khoảng 100 triệu người ở những nước đang phát triển lâm vào cảnh đói nghèo (ở những nước nghèo, 75% thu nhập dành cho thực phẩm). Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng lo ngại, giá thực phẩm leo thang sẽ làm tăng số học sinh bỏ học ở những nước nghèo, vì cha mẹ cần các em đi làm để kiếm tiền phụ gia đình hơn là đến lớp.

Tuy nhiên, ở ta có một nghịch lý là, nơi có tỉ lệ học sinh bỏ học cao nhất, lại ở nơi có nhiều tiềm năng phát triển nhất. Đó là vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây... của cả nước. Chỉ riêng tỉnh An Giang, từ năm 2001 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 học sinh lớp 10 phải bỏ học. Gần đây, học sinh bỏ học lại càng “trẻ hóa” hơn ở cấp tiểu học, dù nước ta đã có chính sách phổ cập tiểu học. Đến nỗi hồi giữa năm ngoái, khi kết thúc năm học 2007-2008, đã có hẳn một cuộc họp bàn về tình trạng học sinh tiểu học bỏ học của Bộ GD-ĐT, nhưng vấn đề vẫn chưa có lối ra, ngoài dự báo, học sinh bỏ học sẽ tiếp tục gia tăng! Điều này cho thấy, không hẳn vì thực tế đói nghèo, mà chính là ý thức của mỗi gia đình, xã hội đều chưa thật sự quan tâm đến thế hệ được xem là tương lai này.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, năm 2008, cả nước có gần 30.000 lao động bị mất việc làm. Dự báo năm 2009, có khoảng 150.000 lao động bị mất việc làm. Còn theo cách tính của Tổ chức Lao động Quốc tế, với việc giảm 2% GDP trong hai năm 2008-2009, VN sẽ có khoảng 0,65% lao động tương ứng 300.000 người bị mất việc làm. Như vậy, cũng có nghĩa là tỉ lệ học sinh bỏ học sẽ gia tăng, vì sẽ có nhiều gia đình phải vật lộn với mưu sinh. Nhưng, đừng để gánh nặng gia đình, xã hội đè lên vai trẻ nhỏ. Và đây chính là trách nhiệm của Nhà nước, của cả xã hội; bởi nếu không chăm lo cho các em hôm nay, sẽ khó có rường cột bền vững cho ngày mai...

Minh Hà
Nguồn: Báo Người Lao Động

GÓC THƠ

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
Cái cò... sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
Ngân hà chảy ngược lên cao
Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...
Bờ ao đom đóm chập chờn
Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ... Mẹ ru con
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta-chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương

NGUYỄN DUY
(Trích trong tập Mẹ và em-NXB Thanh Hóa 1987)

1620    24-04-2012 08:48:38