Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Xin Sai Nhiều Thợ Gặt

Trang Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay, cùng với việc giảng dạy để loan báo Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giêsu còn “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”; không chỉ bệnh hoạn tật nguyện gây ra do thân phận của con người, nhưng còn do bởi ma quỉ, vốn luôn phá hoại tương quan tin tưởng và tình yêu giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Bởi vì, con người không chỉ sống bằng sức khỏe thể lí, nhưng còn bằng tương quan nữa, tương quan với mình, với người khác và với Chúa; con người không thể sống bình an và hạnh phúc, nếu những tương quan này bị tổn thương.

Theo thống kê thì trên thế giới hiện nay có hơn 7 tỷ người, và có khoảng 1,5 tỷ người Công giáo. Tại Việt Nam có hơn 88 triệu người nhưng chỉ có khoảng hơn 6 triệu tín hữu. Một cách đồng mà sự chênh lệch rất lớn giữa nhu cầu thợ và tính cấp bách của cánh đồng lúa mà chính Chúa Giêsu đã nhìn thấy cách đây hơn 2000 năm.

Thế giới hôm nay còn nhiều điểm tối, nhưng vẫn có những đốm sáng rực rỡ: khi con người ngồi gần lại nhau để giải quyết tranh chấp, tìm kiếm hoà bình; khi cả thế giới lo chung một mối lo bảo vệ trái đất, ngăn chặn AIDS, diệt tận ma tuý; khi có những người nghèo quan tâm đến những người nghèo hơn; khi trẻ thơ và người già được chăm sóc; khi những hàng rào ngăn cách các nước được tháo gỡ; khi không còn kì thị chủng tộc, tôn giáo, màu da, khi những tiến bộ khoa học làm con người sống hạnh phúc; khi mọi người nhận ra mình là anh em của nhau, sống trên cùng một hành tinh, dười mái nhà bầu trời.

Nhìn vào thực tế, nhiều khu vực khó tìm thấy nhà thờ Công giáo, và nhiều nơi chỉ có leo teo vài người Công giáo sống chung phần lớn với những anh chị em chưa nhận biết Chúa. Bên cạnh đó, ý thức về trách nhiệm về ơn gọi truyền giáo của mỗi người Kitô hữu chưa thật sự ăn sâu và cảm nhận đủ. Như vậy, để thấy rằng nhận định và lời kêu gọi của Chúa Giêsu là “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” luôn là thiết thực và cấp bách.

Vì thế, Giáo hội, nhất là trong bối cảnh hiện đại hóa, kỹ nghệ hóa ngày hôm nay cần biết bao những người Kitô hữu thao thức và khao khát mong muốn thực hiện ý muốn của Thiên Chúa là trở thành những người thợ gặt cùng cộng tác với Chúa trong việc dấn thân và sống chứng nhân của Tin Mừng.

Hôm nay, Chúa Giêsu thấy đám đông thị chạnh lòng thương, và Ngài nhận ra họ giống như bầy chiên không người chăn dắt. Chúng ta dễ dàng hình dung ra bầy chiên sẽ ra như thế nào, khi không có mục tử : chúng sẽ vất vưởng, vì lạc lối, tán loạn không tìm ra hướng đi hay đường đi; chúng sẽ lầm than, vì không tìm ra nguồn nước uống và lương thực đích thực, không tìm ra nơi chốn vĩnh cửu để nghỉ ngơi; và kết cục, không sớm thì muộn, cũng sẽ bị bách hại bởi sói dữ, bị lôi kéo bởi những kẻ lừa đảo, chuyên dụ dỗ, bởi thần tượng hay ngẫu tượng đủ loại. Vào thời của Chúa Giêsu, đã có những đám đông như thế; và vẫn còn những đám đông như thế vào thời của chúng ta ngày nay.

“Đám đông lầm than vất vưởng” ngày nay là những ai? Đó là những người, nhóm người, hay cả một xã hội, nhưng nhất là những người trẻ, mất hướng đi, mất niềm tin, chạy theo những mục đích chóng qua, bề ngoài, không có giá trị nhân bản, nhân linh truyền thống bền vững, chạy theo các thần tượng hay ngẫu tượng.

Và chính chúng ta nữa, ở mức độ nào đó, cá nhân cũng như cộng đoàn, chúng ta cũng sẽ trở thành lầm than vất vưởng, mỗi khi chúng ta không để cho Chúa Giêsu là mục tử, chăn dắt chúng ta, hướng dẫn chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời của ngài, bằng Mình và Máu thánh của Ngài, mỗi khi chúng ta không đón nhận sự nghỉ ngơi và bình an mà Chúa ban cho chúng ta (x. Mt 11, 28-30).

Mỗi Kitô hữu, không loại trừ, không miễn chuẩn, không độc quyền, không ỷ lại….tất cả đều phải có trách nhiệm và bổn phận với đời sống truyền giáo của Giáo hội, vì Giáo hội cũng chính là mỗi Kitô hữu. Sống nên, và sống đúng bằng một lòng yêu mến thiết tha, và với một ước muốn làm vinh danh Chúa, lúc đó đời sống của mỗi người chính là một bài giảng hùng hồn, và sẽ thu hút, chinh phục được các linh hồn. Ðây cũng chính là một lời mời gọi dấn thân, một khích lệ tinh thần cho những ai muốn tận hiến mình cho một mục đích thu hoặch và chinh phục các tâm hồn, vì đời sống tận hiến bắt nguồn từ đời sống thánh thiện của gia đình (Ðức Gioan Phaolô II)

Và vẫn theo lời Ðức Gioan Phaolô II, thì “trong khi cánh đồng truyền giáo còn bề bộn, thì không ai được nghỉ ngơi” và sứ vụ này cấp bách đến nổi “Đừng chào hỏi ai dọc đường”

Chúa chạnh lòng thương đàn chiên lầm than vất vưởng. Chúa ra tay cứu chữa, băng bó từng con chiên và đưa cả đàn đến đồng cỏ non, tới suối nước mát. Không chỉ thế, Chúa còn dạy cho ta cầu nguyện để Chúa Cha ban cho có những người tiếp nối sứ mạng mục tử ấy. Ta cùng xin Chúa thương xót những đàn chiên hiện đang bơ vơ thiếu vắng mục tử. Xin cho ta cũng biết quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa để lên đường loan báo Tin Mừng tình thương và chữa lành những con chiên đáng thương đang bị bệnh tật hay ma quỷ trói buộc.

Huệ Minh

1853    05-07-2016 14:31:51