Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Ý Truyền Giáo_Tháng 07_2007


Ý TRUYỀN GIÁO
Tháng 07/2007

Ý truyền giáo: Cầu cho những người dấn thân vào việc rao giảng Tin mừng được giúp đỡ:

Xin cho mỗi Kitô hữu ý thức về bổn phận truyền giáo, thiết thực giúp đỡ những ai dấn thân rao giảng Tin mừng cho các dân tộc.

TRUYỀN GIÁO LÀ BỔN PHẬN

Người tín hữu Công Giáo thường hay nghĩ rằng: "truyền giáo là chuyện của các cha, các thầy và của mấy Dì phước". Khi nói như thế là họ đứng ngoài việc truyền giáo; mà đứng bên ngoài việc truyền giáo cũng là đứng bên ngoài Giáo hội. Bởi lẽ, sứ mạng của Giáo hội là truyền giáo, và truyền giáo trở thành nhiệm vụ của mọi người con cái Chúa và con cái trong Giáo hội. Nhằm giúp mọi người t1in hữu ý thức sứ mạng gian khó nhưng rất cao trọng này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II không ngừng kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hãy tích cực góp phần của mình vào việc truyền giáo với những khả năng riêng và hoàn cảnh riêng của từng người.

Chúng ta hãy ý thức rằng việc truyền giáo là bổn phận chính yếu của mọi thành phần dân Chúa. Đây không phải là sáng kiến cá nhân của riêng ai, nhưng đây là di chúc, là lệnh truyền của chính Chúa Giêsu trước khi Ngài lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt 28,19). Hình như lệnh truyền này của Chúa Giêsu đã bị phôi phai theo thời gian hoặc bị hiểu đi cách lệch lạc. Vì thế, thiết nghĩ việc khơi lại ý thức truyền giáo nơi mọi thành phần dân Chúa trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.

Rất có thể do áp lực của cuộc sống là phải chu toàn bao nhiêu chuyện bổn phận hằng ngày, nào là "cơm áo gạo tiền", nào là "danh thành công toại" mà rất nhiều người cảm thấy ngao ngán hay sao lãng những chuyện đạo đức thiêng liêng, những bổn phận của người con cái Thiên Chúa mà họ đã đón nhận khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Vì thế mà lửa truyền giáo trong tâm hồn của phần đông dân Chúa hầu như tắt lịm và bổn phận ấy lại được phó mặc cho giới giáo sĩ và tu sĩ.

Đứng về một góc cạnh nào đó, thì có thể nói Truyền giáo là bổn phận hàng đầu và chuyên biệt của giáo sĩ và tu sĩ. Bởi lẽ, họ đã tự nguyện dâng hiến đời mình cho sứ vụ ấy. Hơn nữa, họ đã được đào luyện để trở thành những nhà truyền giáo chuyên nghiệp nên vị thế của họ mang tính riêng biệt như những tay thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo bát ngát, mênh mông. Nhưng không vì thế mà bổn phận truyền giáo của bậc giáo dân được miễn trừ. Mọi người chúng ta đã nhận tình thương của Chúa cách nhưng không thì cũng phải biết cho đi cách nhưng không.

Chu toàn bổn phận truyền giáo chính là chu toàn giới luật yêu thương mà Chúa đã truyền dạy chúng ta. Yêu thương anh em mình chính là tìm cách mang lại hạnh phúc và niềm vui cho họ. Nhưng hạnh phúc và niềm vui lớn lao nhất chính là làm sao lo cho mọi người được lãnh nhận cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa hằng sống.

Sứ vụ truyền giáo có thể được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau, phù hợp với khả năng và chuyên môn của mỗi người. Truyền giáo không chỉ bị giới hạn trong việc rao giảng về Chúa, rao giảng Tin mừng của Chúa nhưng còn bằng đời sống chứng tá qua những công việc cụ thể trong đời sống hằng ngày như việc cầu nguyện, nâng đỡ, ủng hộ cho việc truyền giáo về vật chất cũng như tinh thần. Khi ý thức truyền giáo là bổn phận, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều sáng kiến để thực thi sứ vụ ấy. Ước gì mọi thành phần Dân Chúa biết thao thức và sống sứ mạng truyền giáo của mình mỗi ngày một tích cực hơn.

Lạy Chúa, Chúa đã đến trần gian hơn 2000 năm nhưng vẫn còn có quá nhiều người chưa nhận biết Chúa và Tin Mừng của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết ý thức rằng sứ mạng truyền giáo là bổn phận mà chính Chúa đã trao ban cho mỗi người chúng con để chúng con biết nỗ lực chu toàn bổn phận ấy trong những khả năng mà Chúa đã vì yêu thương mà ban tặng cho chúng con. Amen.


1432    12-03-2011 14:31:34