Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Ý Truyền Giáo_Tháng 7_2006


Ý TRUYỀN GIÁO
Tháng 07/ 2006

Ý truyền giáo: Cầu cho các cộng đồng chủng tộc và tôn giáo khác nhau được sống hoà hợp với nhau.

Xin cho trong các xứ truyền giáo, các cộng đồng chủng tộc và tôn giáo khác nhau được sống hoà hợp, để cùng nhau xây dựng một xã hội dựa trên những giá trị nhân bản và tâm linh.

NGƯỜI SAMARIA NHÂN LÀNH

Người Samaria nhân lành (The Good Samaritan) là một trong những truyện ngụ ngôn nổi tiếng nhất của Tân Ước, chỉ được ký thuật trong Tin mừng theo Thánh Luca (10.25-37).

Chúa Giê-su kể câu chuyện này nhằm minh họa sự dạy dỗ của Ngài, theo đó một người nhận lãnh được sự sống vĩnh cữu hay không tùy thuộc vào những điều người ấy đã làm, rằng lòng thương cảm nên được ban cho mọi người, và tuân giữ tinh thần của giới răn là quan trọng hơn tuân theo câu chữ của giới răn.

Theo Phúc âm Lu-ca, một học giả về luật tôn giáo tìm đến chất vấn Chúa Giê-su về những gì cần làm để được hưởng cuộc sống vĩnh cữu. Chúa Giê-su trả lời bằng cách hỏi lại nhà luật học luật pháp của Môsê đã dạy gì về vấn đề này. Người ấy bèn trích dẫn giới răn nền tảng đòi hỏi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết tâm trí mà yêu Thiên Chúa và yêu người lân cận như yêu chính mình. Chúa Giê-su đáp rằng người ấy đã trả lời đúng và thêm "Hãy làm điều này thì sẽ được sống".

Nhưng khi nhà luật học tiếp tục chất vấn Ngài ai là người lân cận thì Chúa Giê-su trả lời bằng cách kể câu chuyện về một khách bộ hành bị bọn cướp tấn công, trấn lột và bỏ nằm bên đường chờ chết. Một thầy tư tế khi nhìn thấy con người khốn khổ này vội vàng tránh đi, viện cớ phải tuân giữ luật tinh sạch đòi hỏi thầy tư tế không được chạm vào xác chết. Tương tự, một người Levite (chuyên trách việc phụng tự trong đền thờ) nhìn thấy nạn nhân cũng vội vàng tránh đi. Cuối cùng, một người dân xứ Samaria đi đến, bất kể sự tị hiềm giữa hai sắc tộc, dừng lại, tìm cách rịt vết thương rồi đưa người ấy đến quán trọ nhờ chăm sóc và chịu chi trả mọi phí tổn.

Kết thúc câu chuyện Chúa Giê-su hỏi nhà luật học ai là người lân cận của nạn nhân? Câu trả lời xác nhận ấy là người đã ra tay giúp đỡ, Chúa Giê-su bèn đáp "Hãy đi, và làm theo như vậy".

Truyện ngụ ngôn này là một trong những chuyện kể nổi tiếng nhất trong Kinh thánh và ảnh hưởng của nó sâu rộng đến nỗi trong văn hoá phương Tây ngày nay, thuật ngữ "người Samaria" được dùng để chỉ người rộng lòng nhân ái, sẵn sàng ra tay giúp đỡ những người khốn khó mà không chút ngại ngần. Tại nhiều quốc gia nói tiếng Anh, luật "người Samaria nhân lành" ra đời nhằm miễn thuế tính trên khoản tiền một công dân đóng góp cho các quỹ từ thiện.

Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là người dân xứ Samaria vào thời ấy bị đố kỵ và khinh miệt như là dân bội giáo trong mắt của người Do Thái, là những người đang quây quần lắng nghe Chúa Giê-su kể câu chuyện này. Như thế, qua truyện ngụ ngôn, Chúa Giê-su đang chọn cho mình chủ đề chống phân biệt chủng tộc và đề cao tinh thần hoà hợp giữa các dân tộc. Lúc ấy, cộng đồng người Samaria đang bị thu hẹp dần đến mức gần như tuyệt chủng, dẫn đến hệ quả ngày càng ít người gặp gỡ hay tiếp xúc với người Samaria , hoặc ngay cả nghe nói về họ. Hầu như không còn ai lưu ý đến sự tồn tại của họ.

Ngày nay câu chuyện người Samaria nhân lành được kể lại hầu như khắp nơi trên thế giới, thường được cải biên nhằm thích ứng với những dị biệt về văn hoá và điều kiện xã hội tại nơi chốn mà nó được mang đến.

(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương nhau từ đời đời và nơi Thiên Chúa chỉ là Tình Yêu. Tình yêu ấy tuôn tràn xuống trên con người, tạo vật được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Do đó, khi thương yêu nhau là con người sống đúng với bản tính của mình.

Nơi tình yêu không có sự loại trừ. Yêu thương là mở rộng tấm lòng, mở rộng vòng tay đón nhận tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ. Yêu thương như Chúa yêu là yêu tất cả mọi người, bất chấp việc thương, ghét, giận hờn theo chủ quan của mình hay do những khiếm khuyết, lầm lỗi của kẻ khác.

Yêu thương còn là mong ước điều tốt và làm điều tốt cho anh em mình. Tạo bầu không khí hoà thuận, thân ái giữa những anh em không cùng chủng tộc, tôn giáo là thể hiện tinh thần yêu thương như Chúa dạy trong câu chuyện Tin Mừng về người Samaria nhân hậu kể trên.

Xin cho chúng con biết yêu thương anh em với tình thương của Chúa, là không loại trừ một ai khỏi tâm hồn mình. Amen.


1661    11-03-2011 09:23:59