Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Ai được mời gọi phải sống khó nghèo?

 

 
Trong một thế giới ngày một trở nên tục hóa, (secularization) tôn thờ vật chất, tiền bạc, chuộng khoái lạc (Hedonism) và mọi vui thú vô luân, vô đạo (immoral, unethical) thì khó nghèo là một bất hạnh to lớn phải tránh (misfortune, evil ), một điều đáng cười chê và khinh bỉ, vì không có một giá trị nào đối với những người chỉ biết coi trọng tiền bạc, phương tiện vật chất, giầu sang trên mọi giá trị tinh thần, luật công bình, lòng nhân đạo, bác ái để quay mặt đi hay vô cảm trước nỗi đau khổ vì nghèo đói của người khác. Tắt một lời: đối với những kẻ này chỉ có tiền là trên hết và có giá trị nhất mà thôi.!

 

Mt5_2.jpg

 

Mặt khác, trong mức độ và điều kiện cần thiết để sống cho phù hợp với nhân phẩm và chu toàn mọi bổn phận chính đáng, thì tiền bạc và phương tiện vật chất như nhà ở, quần áo, thuốc men lương thực và phương tiện di chuyển ( xe cộ) lại trở nên cần thiết và phải được thỏa mãn đúng mức.

Và không có gì là sai trái đạo đức khi xử dụng những phương tiên trên cho mục đích chính đáng.

Cụ thể, sống và làm mục vụ ở Âu Mỹ, Canada, Úc Châu và Tân Tây Lan... thì đòi hỏi phải có xe hơi để di chuyển chứ không thể đi xe đạp hay đi bộ được. Đức Thánh Cha còn cần cả phi cơ và một đoàn xe hộ tống để bảo vệ cho ngài trong mọi cuộc công du mục vụ. Ngoài ra ngân sách (budget) của Tòa Thành cần hàng trăm triệu đôla mỗi năm để chi phí cho mọi nhu cầu thiết yếu như truyền giáo, huấn luyện và trợ giúp các Giáo Hội nghèo trên khắp thế giới.

Như thế, không thể đòi hỏi sống nghèo bằng cách cắt hết mọi phương tiện vật chất kể cả tiền bạc cần thiết cho nhu cầu Phúc âm hóa và mục vụ của Giáo Hội địa phương hay hoàn vũ. Cũng không thể nói tiền là không quan trọng và cần thiết cho đời sống con người ở khắp nơi.

Chỉ có người nào quá ngây thơ, ảo tưởng hay không thực tế mới đòi hỏi như vậy mà thôi.

Nhưng nếu vậy, thì Ai phải sống cái nghèo của Phúc Âm để đáng được Chúa chúc phúc như Người đã nói trong Bài Giảng Trên Núi xưa kia : “ 
Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” ( Mt 5: 2 Lc 6: 20)

Chúa không giảng lý thuyết suông mà Người đã thực sự sống khó nghèo từ khi sinh ra nơi chuồng bò cho đến khi chết trần trụi trên thập giá, đúng với tinh thần Người đã nói với các môn đệ ngày kia rằng “ con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”( Mt 8: 20; Lc 9: 58)

Chắc chắn Chúa đã không “đóng kịch” để phỉnh gạt ai về sự khó nghèo mà Người đã tự ý chọn khi sống thân phận con người và đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ trong suốt 3 năm tại thế.

Như thế, sự khó nghèo phải có giá trị thực dụng và thiêng liêng rất cao mà Chúa muốn dạy các Tông Đồ trước tiên và tất cả mọi người chúng ta ngày nay trong Giáo Hội.

Thực vậy, sự khó nghèo mà Chúa Giêsu đã chọn và thực sự sống trước hết không có nghĩa là phải chê ghét mọi nhu cầu cần thiết cho đời sống con người như tiền bạc, cơm ăn, áo mặc, thuốc men, nhà ở và phương tiện di chuyển, nhất là trong hoàn cảnh thế giới ngày nay hoàn toàn khác biệt với hoàn cảnh xã hội thời Chúa sống và đi rao giảng Tin Mừng.

Dầu vậy, tinh thần khó nghèo mà Chúa đã làm gương vẫn có thể thực hiện được –và phải thực hiện- trong hoàn cảnh xã hội ngày nay. Đó là sự khó nghèo nội tâm, sự chê ghét trong nội tâm để không tôn thờ hay làm nô lệ cho tiền bạc và mọi phương tiện vật chất đến nỗi quên mất hay coi nhẹ mục đích quan trọng hơn : đó là tìm kiếm Chúa và Vương Quốc giầu sang của Người trên hết mọi sự ở trần gian này.

Đó là tất cả ý nghĩa của lời Chúa dạy các Tông Đồ xưa và nay sau đây:

“ Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được
.” ( Mt 6 : 24)

Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của có nghĩa là không thể yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa như yêu mến và tôn thờ tiền của được.

Cứ nhìn vào thực trạng sống của con người –trong đó có người tin hữu Chúa Kitô- ở khắp nơi trên thế giới ngày nay cũng đủ cho ta thấy ai đang làm tôi Thiên Chúa và ai đang làm tôi tiền của.

Trước hết là tập đoàn tài phiệt, đại tư bản gian ác ở Mỹ đã và đang là nguyên nhân gây ra thảm trạng kinh tế của Hoa Kỳ hiện nay, khiến cho hàng triệu người thất nghiệp, đau khổ và không có bảo hiểm sức khỏe. Lý do chỉ vì bọn tài phiệt trên đã tìm mọi cách để làm giầu, vơ vét của cải với sự hỗ trợ ngầm ( vì đã bỏ nhiều tiền ra mua chuộc ) của giới cầm quyền ở Quốc Hội và Nhà Trắng, bất chấp sự đau khổ của người dân đang sống ở mức nghèo khó. Người không có bảo hiểm sức khỏe không thể vào các bênh viện nào để được chửa trị vì bọn điều hành hệ thống bệnh viện ở Mỹ không bao giờ chữa trị cho ai không có bảo hiểm sức khỏe để chúng moi tiền ! Thế ra bệnh viện, bác sĩ hoạt động vì tiền chứ không vì nhân đạo, vì muốn cứu giúp bệnh nhân đau khổ ?. 

Tại sao các quốc gia khác như Anh, Pháp, Canada, Úc ,Tân Tây Lan cho người dân của họ miễn phí khi nằm bệnh viện mà Mỹ mang tiếng là giầu có lại không làm được như vậy ?

Lý do duy nhất là bọn tài phiệt nắm trọn hệ thông chăm sóc sức khỏe (healthcare) để bán bảo hiểm sức khỏe cho người có tiền mà thôi. Vì thế mọi cải cách y tế đều không đi đến đâu vì bọn cầm đầu ngành phúc lợi này không bao giờ muốn hy sinh quyền lợi to lớn của họ cho ai hết.!

Họ đúng là những kẻ tôn thờ tiền của trên mọi giá trị tinh thần, lòng nhân đạo và bác ái khiến họ hoàn toàn vô cảm (numb) trước những người nghèo khó và bệnh tật không có bảo hiểm sức khỏe.

Ai sống ở Mỹ đều biết rõ thực trạng này.

Ở thế cực bên kia, những kẻ tự xưng là vô sản, tranh đấu để đạp đổ giai cấp tư bản vì quyền lợi của giai cấp vô sản, nhưng thực chất chính họ lại trở thành những “đại tư bản đỏ” chỉ vì cũng tham tiền, tham của cải vật chất như ai, không thua kém gì , và có thể còn hơn bọn tư bản vô tâm vô đạo kia nữa. Họ cai trị để làm giầu cho tập đoàn của họ và con cháu họ chứ không vì phúc lợi nào của người dân, chẳng may sống dưới chế độ bất công, bóc lột vô nhân đạo của bọn họ.

Đó là thực trạng của những kẻ yêu mến tiền và của cải vật chất trên hết mọi sự ở đời này.

Trước thực trạng này, người tín hữu Chúa Kitô- giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân- phải sống thế nào để nói lên giá trị của sự khó nghèo mà Chúa Kitô đã nêu gương sáng trước tiên?

Chắc chắn Chúa không cấm ta làm việc để có tiền chi phí cho những nhu cầu cần thiết cho đời sống con người như cơm ăn, áo mặc, thuốc men, nhà ở, máy móc và phương tiện di chuyển. Nhưng chỉ có sự khác biệt là chúng ta phải xử dụng những phương tiện cần thiết ấy đúng nghĩa là những phương tiện chứ không phải là mục đích tối cao phải tìm kiếm cho đời mình. Mục đích tối cao đó chính là điều Chúa Giêsu đã chỉ rõ cho các môn đệ xưa kia và cho chúng ta ngày nay. Đó là :“ Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người; còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” ( Mt 6: 33)

Nói khác đi, tìm kiếm Thiên Chúa để sống theo đường lối của Ngài phải là ưu tiên hàng đầu, phải là mục đích tối cao nhất của những ai tin có Chúa là nguồn hạnh phúc và thực tâm yêu mến Người trên hết mọi lợi lãi ở trần gian này. Có như thế, thi mới xứng đáng là người có đức tin và sống đức tin ấy cách cụ thể để làm chứng cho những giá trị - trong đó có giá trị của sự khó nghèo- mà Chúa Kitô đã giảng dạy và làm gương cho ta bắt chước.

Lời Chúa phải được thực hành trong Giáo Hội và trong đời sống của mọi tín hữu. Nghĩa là không thể đọc và nghe lời Chúa như đọc sách báo, xem phim ảnh, truyền hình rồi quên ngay để còn dành tâm trí và thì giờ tìm kiếm hay lo cho những việc mà người không có niềm tin nơi Chúa coi là quan trọng nhất: đó là tìm tiền bạc và danh vọng phù phiếm bằng mọi giá. Thêm vào đó là tìm kiếm để hưởng những thú vui không mấy lành mạnh như nhẩy nhót, du hí ở những nơi tội lỗi và sửa sang thân thể cho trẻ đẹp và hấp dẫn, thêm khiêu gợi thèm muốn vô luân vô đạo cho người khác.

Xã hội Âu Mỹ sống với “văn hóa của sự chết” là điển hình rõ nét nhất về lòng tham mê tiền bạc, của cải vật chất và mọi vui thú vô luân vô đạo, trống vắng niềm tin và mọi khát vọng siêu nhiên.

Nói khác đi, nếu không có sự khó nghèo nội tâm để chê ghét những của phù vân và vui thú vô luân vô đạo ở trần gian này thì người ta sẽ khó mà nhận ra sự khó nghèo thiêng liêng khi sống trong sự sung túc vật chất, buông thả luân lý, đạo đức như Chúa đã cảnh giác sau đây:

“ Ngươi nói tôi giầu có, tôi đã làm giầu, tôi chẳng thiếu thốn chi. Nhưng ngươi không biết rằng ngươi là kẻ khốn nạn, đáng thương, nghèo khổ. Đui mù và trần truồng. Vì thế Ta khuyên ngươi đến với Ta mà mua vàng đã thử lửa để làm giầu, mua áo trắng để mặc khiến ngươi khỏi xấu hổ vì để lộ thân thể trần truồng, mua thuốc để xức mắt cho ngươi nhìn thấy được.” ( Kh 3: 17-18
)

Lời Chúa trong Sách Khải Huyền trên đây đã chỉ rõ cho ta thấy là nếu chỉ yêu mến và tìm kiếm sự sang giầu, với tiền bạc và của cải ở trần gian này thôi, thì người ta sẽ trở nên nghèo nàn, trần trụi và đui mù về mặt thiêng liêng, khiến không thể nhìn ra Chúa là cội nguồn của mọi vui thú, giầu sang đích thực, mà những ai tin có Người phải tìm kiếm để chiếm hữu cho bằng được. Đây mới chính là lợi lãi mà người tin có Thiên Chúa phải tìm kiếm với tất cả khả năng của khối óc và mọi phương tiện vật chất ở trần gian này để chiếm lấy như lợi lộc đích thực của đời mình. 

Nếu không, thì khi nhắm mắt lìa đời, không sớm thì muộn, vì “ bộ mặt của thế gian này đang biến đi.” ( 1 Cor 7 :31) người ta không những phải bỏ lại tất cả mọi của cải và danh vọng phù vân đã tích lũy được để ra đi với hai bàn tay trắng, không một hành trang, không “một bảo hiểm thiêng liêng” để được vào vui hưởng sự sống và hạnh phúc vinh cửu với Chúa trên Nước Hằng Sống.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã dạy bảo mọi người chúng ta như sau :

“ Anh em đừng tích lũy cho mình những kho tàng dưới đất nơi mối mọt làm hư nát., nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích lũy cho mình những kho tàng trên trời, nơi mốt mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được.” ( Mt 6 : 19-20).

Tìm kiếm những kho tàng không hư mất , những tờ giấy bạc không bị nhàu nát mai một, trước kết có nghĩa là phải có lòng khao khát muốn nên thánh vì Chúa là Đấng Thánh. Và muốn được như vậy, thì cần thiết phải từ bỏ mọi tội lỗi, trong đó có tội ham mê tiền của đến quên mục đích tối cao là tìm Chúa và Vương Quốc an bình và hạnh phúc của người. Mặt khác, không ham mê tiền của cũng giúp người ta dễ dàng mở lòng nhân ái thực thi bác ái cách rộng rãi nhờ tiền của mình kiếm được. Đây là cách mua bảo hiểm tốt nhất cho đời sống mai sau trên Nước Trời.

Như thế, mọi tín hữu đều phải biết khôn ngoan tìm kiếm và tích trữ cho mình những của cải không hề hư mất, những đồng tiền không thể mất giá, thay vì chỉ chú tâm tìm kiếm những kho tàng không thể mang theo về nơi vĩnh phúc. Cụ thế, là người Tông Đồ, tất cả đều được mời gọi và mong đợi ( expected) sống cái nghèo của Phúc Âm theo gương Chúa Kitô “ 
Người vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có.” ( 2 Cor 8:9)

Thực hành tinh thần nghèo khó trên đây -xin nói lại một lần nữa- không có nghĩa là không được có tiền bạc và những phương tiện sống cần thiết như nhà ở, áo quần, xe cộ , máy móc…Ở Mỹ , phải có xe hơi thì mới đi làm mục vụ được, vì không thể đi bộ hay xe đạp đến thăm người đau ốm ở tư gia hay bệnh viện. Nhưng không vì lý do này mà linh mục phải sắm cho mình những xe đắt tiền và sang trọng như Mercedes, BMW, Lexus, Infinity… hoặc đeo đông hồ Rolex, Omega.. Nếu chỉ lãnh lương qui định của giáo xứ thì khó có thể có tiền để mua được những xe hay đồng hồ nói trên. Vì thế , khi thấy linh mục nào chậy những loại xe này, giáo dân sẽ tự hỏi : làm sao cha có tiền để mua xe đắt giá như vậy ? Và như thế, linh mục sẽ không thể làm gương sống khó nghèo cho ai được, vì đời sống thực tế của mình đã hoàn toàn mâu thuẫn với lời giảng dạy về đức khó nghèo của Phúc Âm.

Chúa Giê su đã đòi hỏi các môn đệ xưa và nay phải từ bò mọi của cải như điều kiện để được đi theo Người: 

“Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ của Tôi được
 ” (Lc 14: 33)

Từ bỏ hết những gì mình có nghĩa là không được say mê tiền của và giầu sang ở đời này đến mức coi nhẹ ơn gọi đi theo Chúa để rao giảng hạnh phúc và phú quý của Nước Trời cho chính mình trước khi cho người khác. Và nhờ gương sống tinh thần khó nghèo thực sự của mình sẽ thuyết phục được người khác tin yêu và tôn thờ Thiên Chúa trên hết mọi giầu sang và danh lợi ở đời này, một trở ngại lớn lao cho những ai ham mê của cải hơn yêu mến Chúa và Vương Quốc của Người.

Mặt khác, cũng không nên quá chú trọng vào việc xây cất, sửa sang nhà thờ để tiếp tục thi nhau ra nước ngoài xin tiền, làm phiền cho giáo dân không có lợi tức cao, cứ phải gặp các cha các Sơ đến “thăm giáo xứ, Công đoàn” của mình trong các ngày lễ cuối tuần. Nếu cứ lấy cớ vì nhu cầu thì nhu cầu này sẽ bất tận không biết đến khi nào mới thỏa mãn hết được. Vì hết xây nhà thờ, lại xây nhà xứ, nhà trường v.v Nhưng điều quan trọng đối với người Tông Đồ không phải là chỉ lo xây nhà thờ bề ngoài cho sang cho đẹp mà cốt yếu phải xây Đền thờ Chúa trong tâm hồn mỗi người giáo dân mà mình có sứ vụ coi sóc, chăm lo về mặt thiêng liêng. Phục vụ tốt cho họ không những đòi hỏi phải dạy dỗ đúng theo thần học, giáo lý, giáo luật và kỷ luật bí tích của Giáo Hội mà quan trọng hơn nữa là phải là nhân chứng sống động cho Chúa Kitô về đức công bình, bác ái và khó nghèo nội tâm. Nghĩa là phải chứng tỏ cho giáo dân thấy là mình thực sự có tâm hồn nghèo khó, thực tâm chê ghét sự sang giầu vật chất để không chạy theo hay làm thân với người giầu có, thi ân cho họ để bù lại được lợi cho mình. Đồng thời phải nhìn thấy Chúa thực sự hiện diện nơi anh chị em nghèo khó, cô thân cô thế, những trẻ thơ không có sữa nuôi, những bệnh nhân đang quằn quại đau đớn ở bênh viện hay tư gia. Nên cần đến thăm và an ủi họ hơn là phí thì giờ lưu tới những nhà giầu hay những người có quyền thế để tìm lợi lộc mà người nghèo không thể cung phụng cho ai cho được 

Tóm lại, người Tông Đồ lớn nhỏ mà ham mê tiền của sẽ dẫn đến gian tham để ăn cắp tiền của giáo xứ, của nhà Dòng rồi bỏ đi xây tổ ấm ở đâu không ai biết. Hay giả tàn tật, giả mạo giấy giới thiệu của Bề Trên để đi ra nước ngoài xin tiền như đã từng xảy ra.

Đó là nguy hại của lòng tham mê tiền của hơn yêu mến sứ vụ rao giảng và làm nhân chứng đích thực cho Chúa Kitô, Đấng đã hoàn toàn sống nghèo và chết nghèo để cho chúng ta được sang giầu phú quí vĩnh viễn trên Nước Trời.

 

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

869    13-07-2019