Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Anh em bác ái của người khổ đau

Anh em bác ái của người khổ đau

Giữa bao nhiêu tươi đẹp của cuộc đời, địa vị, tiền của, các anh bỏ lại sau lưng để chọn lối sống thầm lặng, xây đắp hạnh phúc từ những tháng ngày “lao động và cầu nguyện”, gắn đời mình với bệnh nhân tật nguyền. Đó là chân dung những tu huynh dòng Anh Em Bác Ái.

Dấn thân cho tha nhân là niềm vui của các tu huynh

HƠN 200 NĂM HIỆN DIỆN

Phát xuất từ Bỉ do Tôi Tớ Chúa Peter Joseph Triest sáng lập vào năm 1807, dòng Anh Em Bác Ái được Tòa Thánh phê chuẩn ngày 22.4.1899, thuộc quyền Giáo Hoàng. Trụ sở Trung ương của dòng hiện tọa lạc tại Rôma, Ý. Ngược về quá khứ, hội dòng ra đời vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, khi cuộc cách mạng Pháp vừa chấm dứt, công cuộc bác ái đối với những người nghèo khổ gặp nhiều trở ngại. Đời sống giáo hữu rơi vào tình trạng bế tắc. Nhạy cảm trước những dấu chỉ của thời đại, cảm động trước những sự đau khổ của con người, đặc biệt của người trẻ, và được đánh động bởi Lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25, 40), cha Peter Joseph Triest đã hiến thân để phục vụ họ. Ngày 28.12.1807, cha đã tập hợp một số thanh niên, đảm nhiệm việc chăm sóc những người già trong viện Tế bần ở Ghent (Bỉ). Vào thời điểm đó, trong thành phố nhỏ này cũng như ở nhiều nơi khác, việc chăm sóc người nghèo, người bệnh và người già thật tồi tệ. Cha Triest muốn góp phần thay đổi tình trạng này. Vì thế, ngài đã thành lập hơn bốn hội dòng. “Anh Em Bác Ái” là một trong số đó.

Bằng đôi mắt của vị kinh sĩ, cha đã nhìn thấy vấn đề là phục vụ cả Thiên Chúa và con người. Ngài ân cần lo lắng cho người già, người đau yếu, trẻ em bị bỏ rơi và những người khuyết tật. Dòng của ngài ngày càng phát triển, thu hút nhiều thanh niên dấn thân, và mở rộng phạm vi toàn thế giới. Hiện tại, các tu sĩ Anh Em Bác Ái có mặt trên 33 quốc gia với bốn tỉnh dòng: châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Phi. Đi đến đâu, anh em hội dòng đều thực thi lối sống bác ái, thành lập trường khuyết tật, chăm sóc cho trẻ em nghèo, người tự kỷ, tâm thần đầy tận tâm, nhiệt tình.

“THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU”

Dòng đến Sài Gòn từ ngày 26.7.2002 và được TGP.TPHCM chính thức chấp thuận ngày 16.5.2015. Trước đó, những Anh Em Bác Ái đã được Đức Giám mục giáo phận Đà Lạt chấp thuận vào ngày 8.11.2013 để hiện diện và làm việc mục vụ tại giáo phận này. Tại Việt Nam, hội dòng có 3 cộng đoàn, ngoài nhà mẹ đặt tại quận 12, các anh em trong dòng đã thiết lập thêm hai cộng đoàn tại tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai.

Lớp học dành riêng cho trẻ tự kỷ do các tu sĩ đã được đào tạo chuyên môn đảm nhận

Những tu sĩ Anh Em Bác Ái sống đời tu huynh giản dị. Không gia đình, không chức vị, ngày của họ bắt đầu bằng giờ nguyện kinh, rồi mục vụ cho người nghèo, chăm sóc kẻ đau yếu và khép lại cũng trong lời kinh nguyện. Như một vòng tuần hoàn, với họ, được dấn thân cho tha nhân là niềm vui khôn tả. Thầy Micae Ngô Xuân Oánh, trưởng ban truyền thông hội dòng cho biết: “Với khẩu hiệu ‘Thiên Chúa là tình yêu’, nhằm mang lại niềm hy vọng và phục sinh cho người bất hạnh theo linh đạo của thánh Vinh Sơn Phaolô, nhà dòng đã cộng tác với các giáo phận thực hiện nhiều chương trình từ thiện, mở trung tâm phục hồi, phòng khám cho bệnh nhân tâm thần”. Đặc biệt hơn, những tu sĩ dòng Anh Em Bác Ái góp phần quan trọng trong việc giáo dục cho người khuyết tật về thần kinh và thể lý, người khiếm thị, khiếm thính. Tại trụ sở chính của cộng đoàn Việt Nam, nhà dòng có mở lớp học dành riêng cho trẻ tự kỷ. Nhân lực giảng dạy chủ yếu là các thầy trong dòng đã được qua đào tạo các lớp về y khoa, kỹ năng giáo dục đặc biệt.

Đi đến đâu, hội dòng đều thực thi lối sống bác ái

Qua lịch sử 15 năm có mặt tại Việt Nam, dòng hiện có 21 thành viên, trong số đó có 2 tu sĩ khấn trọn đời, 12 khấn tạm, 3 tập sinh, 2 tiền tập, 2 đệ tử. Linh đạo đặc biệt, chọn lựa đời sống tu trì không phẩm trật, dấn thân trọn đời bằng tinh thần bác ái, yêu thương…, những tu huynh Anh Em Bác Ái vẫn đang mở rộng cửa đón chào các bạn trẻ cùng chung linh đạo, trở nên mục nát để sinh nhiều hoa trái.

 

Vị Tôi Tớ Chúa Peter Joseph Triest sinh ngày 31.8.1760 tại Brussels, Bỉ. Ngài là con thứ 9 trong một gia đình làm nghề lò rèn, là học sinh của trường dòng Tên ở Brussels đến năm 1773, khi dòng này bị Đức Giáo Hoàng Clement XIV giải thể. Năm 1776, cậu thiếu niên Triest ghi danh học trường Latin tại Geel, một tỉnh nhỏ của nước Bỉ và ở với một gia đình địa phương. Ở Geel, các gia đình có truyền thống tiếp đón những bệnh nhân tâm thần vào nhà và chăm sóc họ. Nhờ vậy cậu đã sớm có cơ hội làm quen với các bệnh nhân tâm thần. Những lúc rảnh rỗi, cậu thăm người bệnh và mua quà cho họ từ số tiền tiết kiệm của mình. Ngày 30.10.1780, Triest đã có một quyết định quan trọng: trở thành linh mục. Cha đã đến Mechelen và học thần học tại chủng viện ở đó, thụ phong linh mục năm 1786. Trong thời cách mạng Pháp, cha phải lẩn tránh, sống ẩn náu và bí mật cử hành các Bí tích. Ngài qua đời năm 1836. Vào Chúa nhật 26.8.2001, lễ mở án phong Chân phước cho cha Triest được cử hành tại nhà thờ Saint Bavo ở Ghent.

HÙNG LUÂN

2687    21-09-2017