Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Ba điều đáng lưu ý về thoả thoả tạm giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục

Nhận định về thoả thuận tạm công bố hôm qua giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, ký giả John Allen cho rằng đối với cuộc tranh luận từ trước đến nay với hai luồng ý kiến trái ngược: một coi thoả thuận như “một phản bội không thể tin được” và một coi nó như “một sự kiện tích cực cho người Công Giáo Trung Hoa”, thì thỏa thuận tạm chỉ nói được một điều, đó là một thoả thuận đã được ký, nhưng nó không hề nhắc đến điều thoả thuận này thực sự chứa đựng. Thí dụ, người ta không rõ liệu chính phủ Trung Quốc sẽ chọn 1 giám mục trong số các ứng viên do Vatican đề nghị hay Vatican sẽ chọn từ một danh sách do Trung Quốc đề nghị, hoặc liệu Đức Giáo Hoàng sẽ có một thứ “quyền phủ quyết” hay không. 



Ta cũng chỉ biết một phần của thỏa thuận, đó là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đồng ý sẽ chấp nhận 8 giám mục do chính phủ bổ nhiệm trước đây mà không có sự chấp thuận của Vatican, một vị nay đã qua đời. Tuyên bố của Vatican cho hay Đức Phanxicô làm thế “hy vọng rằng, với các quyết định này, một diễn trình mới có thể bắt đầu giúp cho các vết thương quá khứ được vượt qua, dẫn tới việc hiệp thông trọn vẹn của mọi người Công Giáo Trung Hoa”. 

Thiếu loại thông tin trên, ta không thể đánh giá chính xác Vatican đã thực sự nhượng bộ bao nhiêu quyền lực trong việc bổ nhiệm các giám mục, chứ đừng nói các hệ quả dài hạn của việc này. 

Điều cũng đáng nhấn mạnh rằng đây là một “thỏa thuận tạm” nghĩa là có thể được tái duyệt; điều này có thể cho thấy: không phải mọi người thuộc phía Trung Hoa có lập trường trọn vẹn, thẳng thừng và dứt khoát đối với thỏa thuận. Các nhà quan sát Trung Hoa từ lâu vốn cảm thấy giai cấp cai trị đang chia rẽ giữa người ôn hòa ủng hộ thoả thuận, và những người Cộng Sản kiên định coi nó như đang đe dọa việc đảng nắm được xã hội và do đó nắm được quyền lực.

Tuy nhiên, dù thiếu chi tiết, vẫn có ba điểm có thể nhận định.

Thứ nhất, bất kể các bạn nghĩ gì, đây vẫn là một chiến thắng ngoại giao của Đức Phanxicô và nhóm làm việc của ngài. Bất kể người ta nghĩ gì về công tội khi ký thoả thuận này, điều rõ như ban ngày đây là ưu tiên hàng đầu của Đức Phanxicô.

Giai cấp cai trị Trung Quốc, xét về căn bản vốn hài lòng với hiện trạng, thành thử họ cố gắng kéo dài sự việc ra, và không muốn chính thức kết thúc đối thoại. Nhưng thực sự, họ không bao giờ có ý định ký kết điều gì chính thức cả.

Trên thực tế, nay hai bên đã ký một điều gì đó, bất kể sau đó là điều gì. Xét vì Vatican đã đầu tư nhiều uy tín ngoại giao để tiến tới điểm hiện nay, nên nguyên sự kiện đạt được một điều gì đó, cũng kể là một thắng lợi rồi. 

Thứ hai, thỏa thuận này nhiều người coi là thành quả độc đáo của Đức Phanxicô, nhưng thực ra ngài hành động hoàn toàn tiếp nối công trình của hai vị tiền nhiệm. Cả Đức Gioan Phaolo II lẫn Đức Bênêđíctô XVI đều muốn có tiến bộ trong liên hệ ngoại giao với Trung Quốc, và sẵn lòng làm bất cứ điều gì để đạt được điều này. Chính dưới triều Đức Gioan Phaolô, chứ không phải triều Đức Phanxicô, Đức Hồng Y quốc vụ khanh đã tuyên bố rằng Vatican sẽ đóng cửa tòa đại sứ của mình ở Đài Loan “không phải ngày mai, mà ngay ngày hôm nay” nếu lời mời đến từ Bắc Kinh.

Theo tính toán ngoại giao và địa chính trị của Vatican, muốn hành xử như tiếng nói lương tâm trên diễn đàn hoàn cầu, cần phải bắt tay với Trung Quốc, vì nước này ngày càng trở thành một siêu cường với ảnh hưởng hoàn cầu to lớn. Hơn nữa, Vatican thấy sự chia rẽ giữa giáo hội chính thức và giáo hội hầm trú ở Trung Hoa có hại cho sự lành mạnh của Giáo Hội và từ lâu muốn hàn gắn sự chia rẽ này. 

Để đạt được hai mục tiêu trên, Vatican, từ lâu, vốn cảm thấy bất cứ thỏa thuận nào cũng tốt hơn là không có thỏa thuận nào, một lập trường không hẳn của riêng triều giáo hoàng hiện nay. 

Thứ ba, hoàn toàn không có gì rõ ràng tuyên bố hôm nay nhất thiết có nghĩa các liên hệ ngoại giao chính thức giữa Rôma và Bắc Kinh đang thập thò đâu đó, hay một ngày mới đang ló rạng về phương diện tự do tôn giáo cho gần 13 triệu người Công Giáo ở Trung Hoa.

Về ngắn hạn, sự việc có thể tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn, căn cứ vào chính sách có tiếng của chính phủ Trung Quốc “một bước tiến, hai bước lùi” trên nhiều mặt trận. Hơn nữa, nếu các căng thẳng trong nội bộ đảng đối với chính sách tôn giáo gia tăng do thỏa thuận này gây ra, những người cứng rắn có thể tìm cơ hội để tái khẳng định quyền kiểm soát bằng cách thắt chặt các hạn chế hiện có. 

Nói cách khác, lời nói khách quan nhất nghe được trong ngày công bố thỏa thuận có lẽ là của phát ngôn viên Vatican, Greg Burke, khi ông phát biểu rằng thoả thuận này “không phải là kết thúc một diễn trình, nhưng là khởi đầu”.

259    23-09-2018