Bạn có khi nào suy nghĩ về cách thức các sự vật trong thế giới này liên kết chặt chẽ với nhau chưa?

Một chiếc xe vận hành tốt khi máy móc của nó mạnh (tốt), hệ thống nhiên liệu, hệ thống điện và hệ thống làm mát đều hoạt động tốt. Nếu bất kỳ một trong những hệ thống này ngưng hoạt động, xe hơi sẽ không hoạt động hoặc nó sẽ không làm việc lâu dài. Cũng vậy, một máy tính chỉ có thể hoạt động khi ổ cứng, bộ nhớ, màn hình máy tính và bàn phím được kết nối và ở trong trật tự làm việc tốt.

Điều đó cũng tương tự trong đời sống tinh thần. Sức khỏe tinh thần của chúng ta tùy thuộc vào nhiều “hệ thống” đang hoạt động tốt (hay không): mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu, sự quan tâm của chúng ta đến đời sống nội tâm của chúng ta và những cố gắng của chúng ta trong việc yêu thương nhau như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta sao lãng bất cứ một trong những khía cạnh này, chúng ta sẽ nhận ra mình được định dạng bởi thế giới này nhiều hơn là bởi Chúa Thánh Thần. Nhưng nếu cả ba lĩnh vực này đều hoạt động tốt, chúng ta sẽ thấy mình trở nên giống Chúa Giêsu nhiều hơn mỗi ngày.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách nhìn vào một trong những anh hùng vĩ đại của Tân Ước: Thánh Phêrô. Trong nhiều cách, người ngư dân trở thành tông đồ này là một kiểu mẫu tuyệt vời. Như chúng ta, Phêrô có nhiều phẩm chất tốt khi lần đầu tiên gặp Chúa Giêsu. Và giống như chúng ta, Phêrô có một số đức tính cần phải được cải thiện cho tốt hơn. Nhưng không một đức tính xấu nào của Phêrô làm ông xa lìa Chúa một cách vĩnh viễn. Thực vậy, chính việc Phêrô đã nhìn nhận rằng ông là “người tội lỗi” đã thúc đẩy ông theo Chúa Giêsu ngay từ đầu (Lc 5,8). Khi chúng ta nhìn vào cuộc sống của Phêrô từ ba khía cạnh này: thiên đàng, nội tâm (bên trong) và hướng ngoại (bên ngoài), chúng ta thấy một bức tranh “trước và sau” thật ý nghĩa. Dần dần, Phêrô trở nên yêu mến Chúa Giêsu hơn. Phêrô đã nhận ra điểm nào trong cuộc sống của ông cần phải thay đổi. Và Phêrô đã đạt đến một khát vọng sâu sắc hơn để chia sẻ với những người khác Tin Mừng mà ông đã khám phá ra. Do đó, chúng ta hãy nhìn vào sự làm chứng của Phêrô để xem ông có thể giúp chúng ta như thế nào trong hành trình của chúng ta.

Hãy Tìm Kiếm và Hãy SốngKhía cạnh thiên đàng phải có liên với mối tương quan của chúng ta với Chúa. Đó có một điều gì đó mà chúng ta có thể khai triển mỗi lần chúng ta đi tham dự Thánh Lễ, mỗi lần chúng ta cầu nguyện và mỗi lần chúng ta tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa. Nhưng điều đó không chỉ nói về những gì chúng ta làm. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta đến với Người và lôi kéo chúng ta về với Người. Thiên Chúa không ngừng tuôn đổ những ơn lành và tình yêu của Người xuống trên chúng ta. Thiên Chúa luôn cố gắng để mở mắt tâm hồn chúng ta và ban cho chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về tình yêu, về lời và đường lối của Người.

Phêrô đã được ban tràn đầy bằng nhiều ơn phúc thiên đàng. Phêrô biết rằng Chúa Giêsu yêu thương ông. Nhờ mặc khải của Thiên Chúa, đôi mắt của Phêrô đã được mở ra và ông đã tuyên bố Chúa Giêsu là “Đấng Cứu Thế (Đấng Kitô), Con của Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Phêrô đã học về giá trị của việc cầu nguyện. Ông được tràn đầy Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Chúa Thánh Thần Hiện Xuống). Nhờ một thị kiến trong cầu nguyện, Phêrô được hướng dẫn để chia sẻ Tin Mừng không chỉ với anh chị em đồng bào Do Thái của ông mà còn với cả những người Dân Ngoại (x. Cv 10).

Chính nhờ những ơn phúc này, Phêrô ngày càng tin vào Chúa Giêsu cách sâu sắc hơn. Sự nhạy bén của Phêrô đối với những hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã tiến triển. Và lòng khao khát của ông về sự hiện diện của Thiên Chúa đã tăng lên nhiều hơn. Cũng thế, chúng ta càng tìm kiếm sự hiện diện của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ càng tìm thấy Người hơn.

Sự Đụng Chạm Chữa Lành của Thiên Chúa. Khía cạnh nội tâm có liên quan tới việc Thiên Chúa làm cho chúng ta nên thánh bằng cách tạo dựng (định hình) chúng ta theo hình ảnh của Người. Có hai trở ngại lớn ngăn cản sự chuyển đổi này. Những trở ngại này ngăn cản chúng ta sống cuộc sống mà tất cả chúng ta muốn: một cuộc sống bình an, yêu thương và thánh thiện. Một đằng là những ký ức bị tổn thương của chúng ta tác động đến suy nghĩ và hành động của chúng ta. Đằng khác là chính bản chất sa ngã của chúng ta, những cám dỗ của ma quỷ và sự lôi kéo của thế gian dẫn chúng ta sa vào tội lỗi.

Thiên Chúa biết những kinh nghiệm về sự loại trừ, sự phẫn uất (bực bội) và thất bại cá nhân của chúng ta đã làm tổn thương ký ức của chúng ta như thế nào. Người biết những vết thương này ảnh hưởng đến cách chúng ta liên hệ với những người khác, và Người muốn chữa lành chúng ta. Thiên Chúa muốn cất đi nỗi đau đớn mà người ta đã gây ra và ban ơn cho chúng ta  để tha thứ cho những người đã làm tổn thương chúng ta. Đồng thời, Chúa muốn tha thứ cho chúng ta vì những cách chúng ta đã làm tổn thương những người khác qua những hành động ích kỷ của chính chúng ta. Thiên Chúa muốn giúp chúng ta cầu xin sự tha thứ nơi những người mà chúng ta đã làm tổn thương họ và Người muốn giúp chúng tôi vượt thắng những con đường tội lỗi này.

Một lần nữa, chúng ta có thể thấy Phêrô đã lớn lên về lĩnh vực nội tâm trong cuộc sống của ông như thế nào. Phêrô là một con người bạo dạn. Ông đã có ý kiến về mọi vấn đề. Ông thường tin tưởng chính mình hơn là tin vào Chúa Giêsu. Nhưng dần dần theo thời gian, Phêrô được được chữa trị khỏi tật kiêu hãnh của ông. Phêrô đã học biết lựa chọn thánh ý Thiên Chúa thay vì ý riêng của ông như thế nào. Phêrô đã học cách để hoán cải và học cách để tha thứ.

Bạn hãy suy nghĩ về những gì đã xảy ra sau khi Phêrô chối là không biết Chúa Giêsu vào ngày thứ Năm Tuần Thánh. Thánh Kinh nói với chúng ta rằng Phêrô “bắt đầu khóc lóc đau đớn” khi ông nhận ra những gì ông đã làm (Mt 26,75). Bạn hãy hình dung xem Phêrô hẳn đã cảm thấy thất vọng và đau lòng biết bao. Chắc chắn, Phêrô đã nghĩ mình là một kẻ hèn nhát và một kẻ thất bại. Nhưng cuối cùng khi Phêrô và Chúa Giêsu nói chuyện với nhau, rõ ràng là Chúa Giêsu đã tha thứ cho ông. Chúa Giêsu vẫn yêu thương Phêrô và Người vẫn muốn ông dẫn dắt Giáo Hội (Ga 21,15-19). Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta thấy Phêrô được trải nghiệm vừa sự tha thứ vừa sự chữa lành nội tâm mà Chúa Giêsu muốn thực hiện cho tất cả chúng ta.

Hãy Yêu Thương Nhau. Cuối cùng, chúng ta sẽ lớn lên về khía cạnh hướng ngoại của đời sống tinh thần khi chúng ta cảm thấy Thiên Chúa thôi thúc chúng ta yêu thương những người khác như Chúa Giêsu yêu chúng ta – không điều kiện và không giới hạn (x. Ga 13,34). Nhiều bộ phim, nhất là là những hài kịch lãng mạn, có khuynh hướng miêu tả tình yêu chỉ hơn một chút so với một cảm xúc lãng mạn, ngọt ngào, nhẹ nhàng. Mọi thứ có vẻ quá dễ dàng và tự nhiên. Nhưng chúng ta biết rằng tình yêu cũng là một công việc khó khăn. Có lẽ Fyodor Dostoyevsky đã mạnh dạn xác tín điều đó khi ông viết: “Tình yêu trong hành động là một điều khắc nghiệt và kinh khiếp so với tình yêu trong những giấc mơ (Tình yêu trong thực tế thì khó khăn hơn nhiều so với tình yêu trong giấc mơ”.

Tình yêu có thể “khắc nghiệt và đáng sợ” khi chúng ta đi ngược lại lời mời gọi hãy hy sinh chính mình cách sâu sắc cho người nào đó, nhất với người mà chúng ta có thể thấy khó mà yêu. Đó cũng là thách đố khi chúng ta đối diện với lời mời gọi tha thứ cho người nào đó hoặc cầu xin sự tha thứ. Tình yêu có thể khó khăn khi chúng ta được mời gọi đi ra khỏi vùng an toàn thoải mái của chúng ta để sống kiên nhẫn và cảm thông, quảng đại và tử tế, chân thành và thẳng thắn. Nhưng đây chính là loại tình yêu mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta sống.

Việc thi hành lời mời gọi yêu thương này thì không thể nếu chỉ dựa vào sức mạnh riêng của chúng ta. Nhưng khi Thiên Chúa tác động trong chúng ta, chúng ta bắt đầu làm những điều có vẻ như không thể. Hãy suy nghĩ về cách Phêrô, một người đánh cá bình thường, đã dâng hiến chính mình cho việc rao giảng Tin Mừng và cho việc xây dựng Giáo Hội. Hãy suy nghĩ về tình yêu đã thôi thúc Phêrô phải rất thường xuyên liều mạng sống mình vì danh Chúa. Hãy suy nghĩ về việc Phêrô cuối cùng đã chết vì Chúa và vì Giáo Hội mà Phêrô được kêu gọi để dẫn dắt. Sự làm chứng của Phêrô nói cho chúng ta rằng Thiên Chúa có thể đón nhận những người đơn sơ như chúng ta, và biến đổi họ thành những người tôi tớ can đảm và tận tâm.

Trong suốt thời gian ở trần thế, Chúa Giêsu đã ban cho những người theo Chúa một số cơ hội để học cách chia sẻ Tin Mừng và phục vụ dân của Chúa. Khi trực diện với đám đông đói khát, Chúa Giêsu đã bảo những người theo Chúa: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16). Chúa Giêsu đã sai Nhóm Mười Hai và bảo họ hãy đi công bố: “Nước Trời đã đến gần” (Mt 10,7). Thậm chí, Chúa Giêsu còn sai bảy mươi hai môn đệ đi và truyền cho họ chữa lành những người đau yếu bệnh tật và loan báo về triều đại Thiên Chúa (x. Lc 10,9). Rõ ràng, các môn đệ đã có một số lần thực tập rao giảng để giúp họ ngày càng tự tin hơn!

Nhưng rồi, Chúa Giêsu lên trời và những thực tập đã kết thúc. Chúa Giêsu đã sai Thánh Thần đến để lấp đầy tất cả những người đi theo Chúa và điều đó có nghĩa là cả mỗi người chúng ta! Giờ đây điều đó tùy thuộc vào chúng ta, như nó đã tùy thuộc vào Phêrô và những người theo Chúa.

Như thế, chúng ta hãy quan tâm đến khía cạnh thiên đàng trong cuộc sống của chúng ta bằng cách ngợi khen và cảm tạ Chúa Giêsu và bằng cách cầu xin Chúa lấp đầy chúng ta bằng sự hiện diện yêu thương của Chúa trong Thánh Lễ, trong cầu nguyện, hoặc trong lời của Người. Chúng ta hãy quan tâm tới khía cạnh nội tâm để chúng ta có những mối tương quan tốt đẹp, lành mạnh và thánh thiện với những người khác – sao cho không bị cản trở bởi những vết thương hay bởi những khuynh hướng tội lỗi của chúng ta. Và chúng ta hãy củng cố khía cạnh hướng ngoại bằng cách nỗ lực hết sức để yêu thương những người mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Nếu chúng ta làm việc với Chúa Giêsu trong ba cách này, chúng ta sẽ thấy mình làm được những điều mà chúng ta sẽ không bao giờ tưởng tượng được!

Theo The Word Among Us [wau.org]
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương