Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Bác ái là tình yêu

Xã hội ngày nay công nghiệp hóa, hiện đại hóa là cơ hội cho nền kinh tế càng phát triển, con người càng được thăng tiến. Bên cạnh đó cũng có những tệ nạn xã hội xảy ra như những tội ác, gian dối, bất công, hút chích xì ke ma túy, cướp giật, chuyển giới, những đứa trẻ lang thang không được đến trường, những em chưa đến tuổi vị thành niên quan hệ bất chính do ảnh hưởng bởi phim ảnh đồi trụy, mạng internet hậu quả dẫn đến nạn phá thai càng ngày càng gia tăng, những em bé chào đời không cha không mẹ.

Chính vì thế, việc làm Bác ái có ý nghĩa rất to lớn đối với xã hội ngày nay. Việc làm ấy xuất phát từ tấm lòng yêu thương đồng loại, nhưng nó có giới hạn. Tuy nhiên, đối với người công giáo, việc bác ái mang tính phổ quát.

Bác ái là tình yêu thương, là sự chia sẻ, quan tâm đến những đau khổ, thiếu thốn về mặt vật chất và tinh thần của từng cá nhân. Bác ái là điều răn mang tính xã hội cao cả nhất. Bác ái là tôn trọng người khác và các quyền lợi của họ.

Việc liên đới với người nghèo và dấn thân phục vụ họ theo giáo huấn và gương sống của Đức Giêsu là một trách nhiệm của người kitô hữu, đồng thời là sứ mệnh căn bản của Giáo Hội. Thực thi đức ái Kitô giáo trước hết là lời đáp trả trực tiếp và khẩn cấp trong những hoàn cảnh cụ thể: cho người đói có lương thực, người trần truồng có áo quần, người bệnh được chữa trị chăm sóc… (x. Mt 25,40).

Mến Chúa và yêu người là điều không thể tách rời nhau của người kitô hữu. Tình yêu bác ái được trao tặng nhưng không cho những người cụ thể, đặc biệt cho những người sống bên lề xã hội, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị.

Cần có những con người dấn thân trong việc bác ái, làm nhịp cầu nối giữa những người giàu và nghèo, an ủi những người bất hạnh, bênh vực cho những người bị xã hội loại trừ, nối kết những gia đình có nguy cơ tan rã, bảo vệ những người bị áp bức, bạo hành, bảo vệ sự sống cho các thai nhi vô tội, an ủi và chăm sóc các bà mẹ đơn thân. Người già neo đơn cảm thấy được an ủi khi có người viếng thăm. Người bệnh tật không cảm thấy lạc lõng vì cảm giác bị bỏ rơi. Chỗ dựa tinh thần cho những người bị bế tắc bởi thất bại trong công việc làm ăn. Đối với những em học sinh nghèo, không cha, không mẹ hoặc những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học, người làm bác ái có trách nhiệm tương quan để các em được đến trường.

Tôi thầm ước rằng, một xã hội mà con người giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau chắc hẳn sẽ là một xã hội tốt đẹp. Đơn giản chỉ là những món quà nhỏ trao yêu thương đó là sự chia sẻ vô cùng quý giá. Giúp đỡ các em học sinh là việc làm có giá trị giáo dục thật sâu sắc, giúp các em hoàn thiện nhân cách và tri thức. Làm bác ái không chỉ để cho cái tâm thanh thản mà bản thân cũng tích cóp được vốn sống, để trao yêu thương và nhận lại yêu thương.

Giá trị vật chất của những món quà có thể không lớn nhưng thấm đượm ân tình. Tất cả những việc làm bác ái đó người kitô hữu đã nhìn nhận rằng chỉ có “Tình Yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14), chính vì vậy người kitô hữu có khả năng nhận ra Tình Yêu Thiên Chúa và đáp trả tình yêu đó.

Người làm việc bác ái cần có sự hy sinh, hy sinh thời gian, sức khỏe, tiền bạc có khi bị chống đối, vu khống, nghi ngờ, nhưng bên cạnh đó người nghèo dạy cho ta những bài học: học tính kiên nhẫn, nhường nhịn, lắng nghe, khiêm tốn và đơn sơ, đặc biệt là luôn tạ ơn Chúa vì nhìn lên thì không bằng người ta, nhìn xuống thì còn bao nhiêu người cần giúp đỡ.

Sâu xa chúng ta hãy ý thức rằng, làm việc bác ái để loan báo Tin Mừng và loan báo Tin Mừng bằng cách làm việc bác ái. Một lòng bác ái được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực và phải xuất phát từ tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân.  

Caritas Vĩnh Long

1092    28-02-2021