Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Bác sĩ ơi: Gạo lứt có giúp phòng ngừa, chữa ung thư?

Bác sĩ ơi: Gạo lứt có giúp phòng ngừa, chữa ung thư?

Tôi nghe nhiều người nói ăn gạo lứt muối mè thực dưỡng có thể giúp chữa nhiều bệnh, trong đó có thể phòng ngừa và chữa ung thư? Thực hư, tác dụng của gạo lứt như thế nào, có tác dụng với chữa ung thư không? Văn Tiến Minh (57 tuổi, ngụ Đồng Tháp).
 
 
 
 
 
Gạo lứt là thực phẩm tốt nhưng không có nghĩa là chữa được các bệnh /// Ảnh: Shutterstock

Gạo lứt là thực phẩm tốt nhưng không có nghĩa là chữa được các bệnh  Ảnh: Shutterstock

 

 

 

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM): Mỗi loại thức ăn có vai trò cung cấp một vài loại chất dinh dưỡng nhất định cho cơ thể, đừng bắt nó phải gánh thêm nhiệm vụ khác như chữa bệnh, gạo lứt cũng vậy.
 
Gạo lứt là món ăn truyền thống có từ thời xa xưa. Cám gạo trong gạo lứt là thành phần duy nhất mà gạo trắng không có. Cám gạo chiếm 7-8% thành phần hạt, có chứa nhiều chất xơ, vitamin B, một số khoáng chất như magiê, mangan, phốt pho.
 
Ngoài ra, cám gạo còn có nhiều chất béo đặc biệt là gamma-Oryzanol là loại a xít béo không no có tính chống ô xy hóa cao (gấp 4 lần vitamin E) tốt cho tim mạch, làm giảm cholesterol máu.
 
Các vi chất kể trên chỉ nằm trong chiếc áo mỏng tang bao quanh hạt gạo (chiếm 7-8%) nên số lượng khá nhỏ. Ví dụ, gần 200 g gạo nấu lên mới có 80-85 mg magiê. Một người ăn được 200 g gạo mỗi bữa rất khó. Trong khi đó, ăn một chén cải xoăn đã có 150 mg magiê.
 
Mặt khác, gạo lứt lại có thêm a xít phytic có thể làm giảm hấp thu các vi chất trong cơ thể.
 
Gạo lứt cũng chứa nhiều protein hơn 40% so với gạo trắng. Tuy nhiên, cân đo đong đếm cụ thể, với 100 g gạo trắng có 6 g protein thì với 100 g gạo lứt, lượng protein cao hơn cũng chỉ có khoảng 8 g. Trong khi đó, về mặt khoa học thì sự hấp thu protein của cơ thể người từ gạo lứt không cao hơn gạo trắng.
 
Đặc điểm hệ tiêu hóa người khó tiêu hoá, hấp thu được cám gạo. Thế nên để tận dụng được cám gạo, chúng ta không thể đem nấu ăn rồi chờ hệ tiêu hóa hấp thu dần dần.
 
Muốn tận dụng cám gạo, chỉ có cách ép thành dầu gạo, một loại thực phẩm người Nhật nhiều năm nay hay dùng thay cho nhiều loại dầu thực vật khác vì chứa nhiều vitamin, a xít béo không no ở tỉ lệ khá cân bằng.
 
Các loại vi chất dinh dưỡng thường có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Thế nên, hoàn toàn có thể thay thế thực phẩm này bằng một loại thực phẩm khác có vi chất tương tự và hàm lượng cao hơn. Vì vậy, một bữa ăn cân bằng các loại thức ăn gồm tinh bột, rau xanh và thịt là tốt nhất cho sức khỏe. Gạo chủ yếu là để cung cấp carbohydrat.
 
Việc thực dưỡng mang ý nghĩa thanh lọc và tinh thần là chính.
 
Muốn sống khoẻ, phòng ngừa nhiều bệnh, chúng ta nên ăn sạch, ăn uống một cách cân bằng, khoa học và điều độ, tập thể dục thường xuyên. Tiêu hoá muốn tốt thì ăn gạo trắng, còn muốn bổ sung cám gạo thì thêm dầu gạo.
 
Việc cân bằng các yếu tố dinh dưỡng trong bữa ăn là rất cần thiết. Mỗi bữa ăn cần đầy đủ chất đạm, đường và chất béo theo tỉ lệ nhất định. Việc kiêng khem phiến diện bất kể chất nào cũng có nguy cơ gây mất cân bằng cho cơ thể, từ đó khởi phát nhiều hệ lụy bệnh tật.
 
 
 
NGUYÊN MI
429    19-08-2019