Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong Thánh Lễ tại Đền Thờ Thánh Phê-rô nhân dịp Ngày Quốc Tế Đời Sống Thánh Hiến lần thứ XXIII, 02.02.2019

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
trong Thánh Lễ tại Đền Thờ Thánh Phê-rô
nhân dịp Ngày Quốc Tế Đời Sống Thánh Hiến lần thứ XXIII, 02.02.2019

Anh chị em thân mến!

Phụng Vụ hôm nay giới thiệu cho chúng ta về Chúa Giê-su, Đấng đến với Dân Người. Đây là Đại Lễ của sự gặp gỡ: Sự mới mẻ của Hài Nhi gặp gỡ truyền thống của Đền Thờ; Lời hứa được ứng nghiệm; cặp vợ chồng trẻ là Đức Maria và Thánh Giu-se gặp gỡ hai cụ già là ông Si-mê-on và Cụ bà An-na. Như vậy, tất cả đã gặp gỡ nhau khi Chúa Giê-su đến.

Điều ấy nói gì với chúng ta? Thưa, trước tiên là, chúng ta cũng được kêu gọi đón tiếp Chúa Giê-su, Đấng đang đến với chúng ta. Gặp gỡ Ngài: Người ta phải gặp gỡ Thiên Chúa của sự sống mỗi ngày trong cuộc sống; không phải thỉnh thoảng, nhưng là mỗi ngày. Đi theo Chúa Giê-su không phải là một quyết định được đưa ra một lần là xong, đó là một quyết định hằng ngày. Và người ta gặp gỡ Thiên Chúa không phải chỉ khi nào có thể, nhưng là trực tiếp, bằng cách là người ta gặp gỡ Ngài trong cuộc sống, trong cuộc sống cụ thể. Trong trường hợp khác, Chúa Giê-su sẽ chỉ còn là một kỷ niệm đẹp của quá khứ. Nhưng nếu chúng ta đón nhận Ngài với tư cách là Thiên Chúa sự sống, với tư cách là trung tâm của mọi sự, và với tư cách là con tim sục sôi của tất cả, thì Ngài sẽ sống và sẽ tiếp tục sống trong chúng ta. Và điều đã từng diễn ra trong Đền Thờ, cũng sẽ diễn ra với chúng ta: chung quanh Ngài, tất cả sẽ gặp gỡ nhau, và sự sống sẽ trở nên hòa điệu. Với Chúa Giê-su, người ta sẽ tái thấy được niềm can đảm để tiến về phía trước, cũng như tìm thấy được sức mạnh để đứng vững. Sự gặp gỡ với Thiên Chúa chính là nguồn cội. Việc quay trở về với cội nguồn là điều rất quan trọng: Quay trở về trong sự tưởng nhớ tới những cuộc gặp gỡ có tính quyết định đối với Ngài, khơi dậy Tình Yêu thuở ban đầu, ghi chép lại lịch sử tình Yêu của chúng ta với Thiên Chúa. Điều đó sẽ đem đến nhiều ích lợi cho Đời Sống Thánh Hiến chúng ta, để nó không trở thành một thời gian bị trôi qua, nhưng trở thành thời gian của sự gặp gỡ.

Nếu chúng ta nhớ tới cuộc gặp gỡ căn bản của chúng ta với Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cuộc gặp gỡ ấy đã không phát sinh với tư cách là một cơ hội riêng tư giữa chúng ta và Thiên Chúa. Không, nó nẩy mầm từ trong dân tín hữu, bên cạnh rất nhiều những anh chị em, vào một thời gian xác định và tại một địa điểm chính xác. Tin Mừng nói với chúng ta về điều đó khi Tin Mừng chỉ cho chúng ta thấy cuộc gặp gỡ diễn ra như thế nào trong Dân Chúa, trong lịch sử cụ thể của Dân, trong truyền thống sống động của Dân: Trong Đền Thờ, tương ứng với Lề Luật, trong bầu khí Ngôn Sứ, cùng với những người trẻ và những cụ già (xc. Lc 2,25-28.34). Đời Sống Thánh Hiến cũng như thế: đâm chồi nẩy lộc và trổ bông kết trái trong Giáo hội; nếu đời sống ấy tự tách rời thì nó sẽ héo tàn. Đời sống ấy sẽ đạt tới được sự trưởng thành khi những người trẻ và những bậc cao niên cùng đồng hành, khi những người trẻ tái tìm thấy cội nguồn của mình còn những bậc cao niên thì thu hoạch hoa trái. Nhưng sẽ bị đình trệ nếu người ta đi một mình, nếu người ta bấu bám vào quá khứ hay khi người ta vắt giò lên cổ mà chạy để sống sót. Hôm nay, nhân dịp Đại Lễ của sự gặp gỡ, chúng ta hãy xin cho được ơn tái khám phá ra Thiên Chúa hằng sống trong Dân tín hữu, cũng như ơn để cho đặc sủng đã lãnh nhận được gặp gỡ với ân sủng của ngày hôm nay.

Tin Mừng cũng nói với chúng ta rằng, cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với Dân Người có một điểm xuất phát và một mục đích. Người ta bắt đầu với tiếng mời gọi đi vào Đền Thờ, và người ta đạt tới được điểm chính yếu trong đền thờ. Lời mời gọi có diễn tiến kép. Có một lời mời gọi đầu tiên tương ứng với Lề Luật (xc. Lc 2,22). Đó là lời mời gọi Giu-se và Maria đi tới Đền Thờ để chu toàn những gì đã được Lề Luật quy định. Bản văn nhấn mạnh tới điệp khúc với bốn lần tương tự (xc. Lc 2,22.23.24.27). Đó không phải là một sự ép buộc: Cha Mẹ Chúa Giê-su đã đi không phải vì bị bắt buộc hay chỉ vì phải chu toàn một bổn phận bên ngoài; các Ngài đi để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Và sau đó còn có một tiếng mời gọi thứ hai tương ứng với Thần Khí. Đó là lời mời gọi dành cho Cụ Si-mê-on và Cụ An-na. Tiếng gọi ấy cũng được nhấn mạnh một cách đặc biệt: Ba lần được nói về Chúa Thánh Thần trong mối liên hệ tới Cụ Si-mê-on (xc. Lc 2,25.26.27), và bản văn kết thúc với Nữ Ngôn Sứ An-na, người – được tràn đầy Thần Khí – đã ca mừng Thiên Chúa (xc. Lc 2,38). Được mời gọi bởi Lề Luật, hai người trẻ đã vội vã đi tới Đền Thờ; còn hai Cụ Già thì được thúc đẩy bởi Thần Khí, nên cũng đã đi tới Đền Thờ. Lời mời gọi kép vừa của Lề Luật lẫn của Thần Khí muốn nói gì đối với đời sống Linh mục và đời sống Thánh Hiến chúng ta? Thưa, muốn nói rằng, tất cả chúng ta đều được kêu gọi hãy có một sự tuân phục kép: đối với Lề Luật – trong ý nghĩa của điều mà nó trao cho cuộc sống một trật tự tốt đẹp -, và đối với Thần Khí, Đấng khơi lên những điều mới mẻ trong cuộc sống. Và như thế phát sinh ra cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa: Thần Khí mạc khải Thiên Chúa, nhưng để đón nhận Ngài, đòi hỏi phải có một sự kiên định và tín trung trong cuộc sống hằng ngày. Ngay cả những đặc sủng lớn lao nhất đi nữa nhưng nếu không có sự trật tự trong cuộc sống thì cũng không thể đơm bông kết trái. Mặt khác, những Quy Luật thượng thặng cũng sẽ không đủ nếu không có sự mới mẻ của Thần Khí: Lề Luật và Thần Khí cùng thuộc về nhau.

Để hiểu tốt hơn lời mời gọi tiến vào Đền Thờ mà hôm nay chúng ta thấy nó trong những ngày đầu tiên nơi cuộc đời của Chúa Giê-su, thì chúng ta hãy quan sát những ngày đầu tiên trong hoạt động công khai của Ngài, mà trong những ngày ấy, Ngài đã thực hiện phép lạ hóa nước thành rượu tại Ca-na. Ở đó cũng có một lời mời gọi tuân phục, với Đức Maria – người đã từng nói: “Ngài bảo sao, các anh cứ làm như vậy!” (Ga 2,5). Ngài cũng luôn luôn bảo anh chị em làm một điều gì đó. Và Chúa Giê-su đòi phải có một điều gì đó đặc biệt; Ngài không thực hiện một điều mới mẻ gì đó ngay tức khắc, Ngài không làm ra rượu từ hư vô – mặc dầu Ngài có thể làm điều đó -, nhưng Ngài đòi phải có một điều gì đó cụ thể, đỏi hỏi phải có sự dấn thân. Ngài yêu cầu người ta phải đổ đầy 6 chum nước mà nó được dùng để rửa ráy theo nghi thức, và 6 chum nước ấy nhắc người ta nhớ tới Lề Luật. Điều đó có nghĩa là đổ đầy khoảng 600 lít nước giếng: thời gian và sự mệt nhọc, và hai điều này xem ra có vẻ vô nghĩa, vì đâu có thiếu nước, nhưng chỉ thiếu rượu thôi mà! Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã múc ngay rượu mới từ những chiếc chum “đầy đến miệng” đó (Ga 2,7). Như vậy, đối với chúng ta, điều đó có nghĩa là: Thiên Chúa mời gọi chúng ta gặp gỡ Ngài xuyên qua sự trung tín trong những điều cụ thể – Người ta luôn luôn gặp gỡ Thiên Chúa trong những điều cụ thể: Trong lời cầu nguyện hằng ngày, trong Thánh Lễ, trong Tòa Cáo Giải, trong Đức Ái đích thực, trong Lời Chúa mỗi ngày, trong sự gần gũi tinh thần hay thể lý, đặc biệt là đối với những người túng thiếu nghèo hèn nhất. Đó là những điều cụ thể, như sự tuân phục đối với Bề Trên và đối với Luật Dòng trong đời sống Thánh Hiến. Nếu người ta thực thi Luật Dòng ấy với Tình Yêu – với Tình Yêu! – thì Chúa Thánh Thần sẽ tuôn đổ hồng ân của Ngài xuống cũng như sẽ mang tới sự ngỡ ngàng của Thiên Chúa giống như tại Ca-na. Nước trong cuộc sống hằng ngày được biến thành rượu mới của cuộc sống mà nó có vẻ như bị ràng buộc, nhưng trong thực tế lại rất tự do. Cha chợt nhớ tới một Nữ Tu bình dị. Sơ ấy có một đặc sủng là hiện diện đó cho các Linh mục và Chủng sinh. Ngày hôm kia, ngay tại Rô-ma này, tiến trình phong Chân Phúc cho Sơ ấy đã được khai mạc. Đó là một Nữ Tu giản dị: Sơ ấy đã không có những ý tưởng vĩ đại và chói sáng, nhưng Sơ ấy thủ đắc đức khôn ngoan của sự tuân phục, của sự tín trung và của việc không hề hãi sợ trước những điều mới mẻ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, qua sơ Bernadetta, xin Ngài hãy ban cho tất cả chúng ta có được ơn để bước đi trên con đường này.

Cuộc gặp gỡ phát sinh từ tiếng gọi mời, sẽ tìm thấy cao điểm của nó trong phần giới thiệu: Cụ Si-mê-on nói: “Vì mắt tôi đã được thấy ơn Cứu Độ” (Lc 2,30). Cụ đã nhìn Hài Nhi và thấy ơn Cứu Độ. Cụ không thấy Đấng Messias, Đấng thực hiện những hành động phi thường, nhưng một Hài Nhi. Cụ không thấy một điều gì đó đặc biệt, nhưng thấy Hài Nhi Giê-su với Cha Mẹ của em, các Ngài mang tới Đền Thờ một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non, có nghĩa là lễ vật rất khiêm tốn (xc. Lc 2,24). Cụ Si-mê-on đã thấy sự giản dị của Thiên Chúa và đã tiếp nhận sự hiện diện của Ngài. Cụ không tìm kiếm bất cứ một điều gì khác, Cụ cũng không cần và cũng chẳng muốn gì hơn. Đối với Cụ, được nhìn thấy Hài Nhi và ẵm Hài Nhi trên tay, thế là đủ rồi: “Nunc dimittis” – “Giờ đây, muôn lạy Chúa, theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này, được an bình ra đi!” (Lc 2,29). Thiên Chúa, như Ngài là, thế là đủ cho Cụ rồi! Trong Thiên Chúa, Cụ thấy được ý nghĩa sau cùng của cuộc sống. Đó là dáng vẻ của đời sống Thánh Hiến, một dáng vẻ giản dị nhưng có tính Ngôn Sứ trong sự giản dị của nó, nơi người ta có được Thiên Chúa trước mắt và ẵm Ngài trong tay, và người ta không cần đến bất cứ điều gì khác nữa. Ngài là sự sống, Ngài là niềm hy vọng, Ngài là tương lai. Đời sống Thánh Hiến chính là cái nhìn có tính Ngôn Sứ ấy trong Giáo hội. Đó là ánh nhìn mà nó thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế giới, ngay cả khi nhiều người không nhận ra Ngài; đó là tiếng giọng muốn nói rằng: “Chỉ Thiên Chúa là đủ còn mọi chuyện khác sẽ qua đi!”; đó là lời ngợi ca, mà bất chấp tất cả, nó vẫn luôn vang lên, như Nữ Ngôn Sứ An-na đã biểu lộ. Cụ là một phụ nữ luống tuổi, Cụ đã sống nhiều năm với tư cách là một bà góa, nhưng Cụ không bị mê muội, luyến tiếc quá khứ hay tự rút vào trong cái tôi của mình; trái lại, Cụ đã đến cách trực tiếp, đã ca ngợi Thiên Chúa và chỉ nói về Ngài (xc. Lc 2,38). Cha thích giới thiệu rằng, người phụ nữ ấy “đã nói những chuyện tốt”, và ngược với tệ đơm điều đặt chuyện, Cụ là một Nữ Bổn Mạng tốt lành trong việc giúp chúng ta hoán cải. Cụ thể là Cụ đã đi đi lại lại và nói một cách trang trọng rằng: “Hãy đến với em bé này, hãy ngắm nhìn đứa trẻ này!” Cha thích thấy Cụ ấy như thế, như một phụ nữ xuất thân từ một khu ổ chuột.

Đó là đời sống Thánh Hiến: Ca ngợi – chuẩn bị niềm vui cho Dân Chúa; cái nhìn có tính Ngôn Sứ – mạc khải điều đáng kể. Nếu đời sống Thánh Hiến là như thế thì nó sẽ trổ bông, và sẽ trở thành một lời mời gọi đối với tất cả, nhắc họ phải canh chừng trước sự tầm thường: chống lại sự sút giảm trong việc tham gia vào đời sống Thánh Hiến, chống lại cơn cám dỗ muốn cùng với Thiên Chúa đầu cơ vào thị trường chứng khoán, chống lại sự thích ứng với lối sống dễ dãi và tục hóa, chống lại sự than phiền – những lời than phiền! -, bất mãn và thương hại bản thân, chống lại thói quen của cái “người ta làm điều người ta có thể” và “người ta vẫn làm như thế mà!”: đó không phài là cách nói của Thiên Chúa. Đời sống Thánh Hiến không phải là sự sống sót, đời sống ấy không phải là sự chuẩn bị để “ars bene moriendi – nghệ thuật chết cho tốt”: đó là cơn cám dỗ của thời đại hôm nay khi phải đối diện với sự sút giảm ơn gọi. Không, đời sống Thánh Hiến không phải là sự sống sót, nó là cuộc sống mới. “Nhưng… chúng ta chỉ là một ít người…” – Đó là đời sống mới. Đó là cuộc gặp gỡ sống động với Thiên Chúa trong Dân Người. Đó là lời mời gọi tuân phục cách trung tín trong cuộc sống hằng ngày, cũng như mời gọi hãy đón nhận những điều gây ngỡ ngàng không mấy ai biết tới của Chúa Thánh Thần. Đó là cái nhìn của cái mà người ta phải thực sự ẵm lấy để có được niềm vui: Chúa Giê-su.

Đền Thờ Thánh Phê-rô

Sáng thứ Bảy ngày mồng 02 tháng 02 năm 2019

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

1211    18-02-2019