Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Bài huấn luyện của UBGD (Bài 9) - 1

 

PHẦN TU ĐỨC

CẢN TRỞ YÊU CHÚA-THEO CHÚA (Mc 10,17-22)

 

Người đầy tớ đã chôn giấu nén bạc chủ trao, trong dụ ngôn về những nén bạc (Mt 25,14-30), có một hình ảnh tiêu cực và méo mó về ông chủ; hình ảnh ấy đã khiến anh có cách ứng xử sai lệch. Trong thực tế, có thể chân dung người đầy tớ này không xa lạ gì với chúng ta. Nhiều khi chúng ta như thể bị chứng bệnh “mù màu thiêng liêng”; bệnh mù màu hay còn gọi là rối loạn sắc giác, là một chứng bệnh về mắt, làm cho người bệnh, tuy vẫn có thể nhìn rõ mọi vật, nhưng lại không phân biệt được một số sắc màu. Vì chứng “mù màu thiêng liêng”, nên chúng ta có thể nhìn rõ hình dáng mọi sự, nhưng lại dễ dàng nhìn mọi sự trong những sắc thái xám xịt, u ám, tiêu cực; có khi chúng ta nắm bắt sự kiện xảy ra thật chính xác, nhưng lại không nhìn ra “mầu nhiệm cuộc sống” trong cái nhìn quan phòng của Thiên Chúa. Chứng “mù màu thiêng liêng” này thật sự là một cản trở trên bước đường phục vụ, khiến chúng ta có khi hồ hởi đến với Đức Giêsu, nhưng lại buồn rầu bỏ đi như người thanh niên có nhiều của cải (Mc 10,17-22).

 

Người thanh niên mang trong mình khát vọng cháy bỏng, khát vọng đạt được hạnh phúc đời đời, chứ không phải là hạnh phúc nhất thời. Dường như anh thấy được rằng, tiền bạc, danh vọng, địa vị… không luôn mang lại hạnh phúc. Anh đến với Đức Giêsu và giãi bày ước nguyện: “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17). Đức Giêsu chỉ cho anh thấy con đường căn bản phải theo, đó là sống theo các điều răn. “Thưa thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (c. 20). Rất có thể nhiều lần tôi cũng thưa với Chúa như vậy: tôi đã tuân giữ các điều răn, đã chu toàn các trách nhiệm trong cộng đoàn… Tuân giữ điều răn là điều cần, nhưng vẫn chưa đủ, bởi sự sống đời đời là một ân huệ nhưng không Thiên Chúa trao ban; đó là một quà tặng và mỗi người cần đi vào tương quan thiết thân với Thiên Chúa, để trong tương quan thiết thân này, món quà sự sống đời đời được trao-nhận.

 

Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (c. 21). Hãy để ánh mắt nhân từ của Đức Giêsu nhìn tôi, để cái nhìn của Người đụng chạm con người tôi, chữa lành tôi, uốn nắn cái nhìn của tôi, giúp tôi có cái nhìn đúng đắn về Thiên Chúa-về bản thân-và về tha nhân. Đức Giêsu chỉ cho anh thanh niên thấy điều anh còn thiếu sót: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (c. 21). Anh dư thừa của cải, nhưng lại thiếu tự do với của cải; anh dư thừa khát vọng mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, nhưng lại thiếu rộng lòng trước những cơn đói khát của tha nhân. Anh hồ hởi đến với Đức Giêsu, nhưng lại sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi. Chúa đi đường Chúa, anh đi đường anh.

 

Lòng quyến luyến của cải đã cản trở bước hành trình của người thanh niên. Lòng quyến luyến ấy cũng có thể cản trở hành trình của tôi, trên bước đường yêu Chúa-theo Chúa, bởi “của cải” không chỉ là tiền bạc, nhưng còn là những gì lòng tôi quyến luyến, gắn bó, những gì khiến tôi cũng “buồn rầu bỏ đi”, những gì khiến tôi vơi nhạt lòng nhiệt thành phục vụ. Để phục vụ trong cộng đoàn môn đệ Chúa Giêsu, từng thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ chúng ta cũng cần được chữa lành, để vượt qua những cản trở từ căn bệnh “mù màu thiêng liêng”, biết nhìn như Đức Giêsu, thấy mọi sự như quà tặng từ Thiên Chúa là Cha: “Tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha” (Ga 17,7). Với cái nhìn như Đức Giêsu, chúng ta có thể đón nhận bản thân và anh chị em mình, những tội nhân được Thiên Chúa yêu thương, được Đức Giêsu chữa lành để “bước theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10,52).

Hồi tâm.

Tôi kinh nghiệm thế nào về những cản trở yêu Chúa-theo Chúa? Đâu là thiếu sót của tôi trong việc phục vụ, trong việc liên kết với các thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ?

 

Lm Toma Nguyễn Ngọc Tín S.J.

 

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

AI ĐỨNG ĐẦU AI ĐỨNG CHÓT

“Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít)”. (Mt 20,16)

Dẫn vào

Vấn đề “những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” và vấn đề đối lại “những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” thật ra chỉ là hai mặt tất yếu của một thực tại. Không mâu thuẫn, không khó hiểu. Cũng vậy, vấn đề “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” không hề khó hiểu, không có chút mâu thuẫn nào.

Nhưng sự việc đích thực thì sao: tại sao lại thế, tại sao “những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” và tại sao “những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”? Tại sao “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”? Những người đứng đầu, đứng chót là ai?

Đứng chót… lên hàng đầu…

Trong thời đại “kinh tế thị trường” của chúng ta hiện nay, các doanh nghiệp mọc lên khá nhiều. Theo đó, một khi hợp đồng được xác lập, các bên tham gia phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với những gì đã ký kết. Đó là hợp đồng. Với Mát-thêu 20 thì đó là thỏa thuận, một thỏa thuận đặc biệt với mọi người thợ, mỗi người “Một Quan Tiền”.[1]

Một Quan Tiền trong đoạn Tin Mừng nói trên là gì nếu không phải là hạnh phúc vĩnh cửu, là thiên đàng…, “nơi Thiên Chúa ngự trị”. Nghĩa là, kẻ đến làm việc vườn nho vào giờ thứ mười một, hay tên trộm lành “biết ăn năn sám hối” – một khi đã mạnh dạn xưng thú tội lỗi của mình, biết thưa chuyện với Chúa “khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” ngay trên thập tự giá… – thì chính là những hợp đồng, những thỏa thuận được thiết lập, trong đó kẻ đứng chót được nâng lên hàng đầu, kẻ đứng đầu có thể phải bị đẩy xuống hàng chót. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, câu chuyện chạy đua giữa “rùa và thỏ” sau đây giúp minh họa thêm đôi điều của sự việc thế nào là đứng đầu thành đứng chót, cũng như thế nào là đang đứng chót lại trở nên… đứng đầu.

Ở một khu rừng nọ, rùa và thỏ cùng chạy thi xem ai đến đích nhanh nhất. Vừa xuất phát, thỏ chạy vụt đi rất nhanh, loáng một cái đã đến gần đích. Quay lại không thấy rùa đâu, thỏ quyết định dừng cuộc chạy để nghỉ ngơi. Thỏ nằm dài ra đường và rồi thiếp đi lúc nào không biết. Trong lúc đó, rùa vẫn miệt mài chạy, chạy, chạy mãi… đến lúc rùa vượt qua chỗ thỏ đang nằm ngủ thì thỏ nhà ta cũng không hề biết gì.

Thế là rùa đã đến đích, cán đích trước và chiến thắng cuộc đua!

Thế nhưng không lâu sau đó, sau khi bị rùa đánh bại, thỏ “nghiêm túc kiểm điểm bản thân”, chân thành nhận lỗi với đồng loại và xin được tái đấu. Lần này, hoàn toàn tập trung vào đường chạy, không khinh địch, và dĩ nhiên cũng không dám ngủ giữa đường, thỏ đã giành chiến thắng.

Những tưởng chuyện đời thắng thua như thế đã là quá hay, đã rất “ngụ ngôn thâm hậu”, nhưng vẫn còn những tình tiết hấp dẫn, những cuộc đua dài hơn thế: một cuộc tái đấu lần thứ ba. Lần này, đường đua địa hình do rùa chọn và thỏ lại bị bất ngờ, thiếu cảnh giác trong công tác chuẩn bị cần thiết. Tuy vẫn chạy tích cực, không khinh địch, nhưng khi đến trước một dòng sông lớn ngăn cản đích đến, thỏ không có cách nào để vượt qua. Còn rùa ta, tuy vẫn chậm nhưng lại bơi qua sông được. Rùa thắng!

Thế đấy, “đứng chót… lên hàng đầu…” và “đứng đầu thành… đứng chót” trong cuộc đua lần thứ nhất: rùa đứng chót lên hàng đầu, thỏ đứng đầu trở thành chót. Trong lần thứ nhì, thỏ đang chót lên lại hàng đầu. Còn lần thứ ba…, và biết đâu cả lần thứ tư… nữa thì sao. Thách đố tuy nhiều nhưng khả năng vượt thắng còn nhiều hơn là một thực tế. Người “được gọi thì nhiều, mà kẻ được chọn thì ít…” cũng là một khả thể!

Được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít

Bởi “Chúa ở đâu thiên đàng ở đấy”, câu Lời Chúa với nghĩa người được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít… có thể được diễn giải thành người được trù định ở bên Chúa là rất nhiều, nhưng trong thực tế không nhiều người như thế sẽ được chọn để  trở thành “những người đứng nhất”. Những người kiên trì (rùa trong cuộc đua lần thứ nhất), những người khiêm tốn biết làm lại (thỏ trong cuộc đua lần thứ hai)… chính là “những người đứng nhất”. Những người như thế là những người được chọn. Hơn nữa, trong cái nhìn lạc quan, những người đứng thứ hai, thứ ba… cũng vẫn là những người được chọn.

Quý chức các hội đồng hội đoàn là những người được “gọi” và được “chọn”. Vấn đề có chăng chính là độ bền, sự khiêm tốn làm lại lần thứ hai, lần thứ ba, thứ tư… để được vào chung cuộc ở luôn bên Chúa.

“Được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít…” không phải là một thách đố không thể vượt qua cho những ai “vẫn miệt mài chạy, chạy, chạy mãi…”, những ai biết “nghiêm túc kiểm điểm bản thân”, nhận lỗi… hoàn toàn tập trung vào đường chạy, không khinh địch…”, cho những ai biết địa hình đường đua, không bị bất ngờ, không thiếu cảnh giác trong công tác chuẩn bị.

Để kết

Trong ý nghĩa mục vụ, những cụm từ người đứng đầu, đứng chót là những thuật ngữ “rất sâu sắc và chuyên biệt” của Tin Mừng. Thật vậy, “những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” và “những kẻ đứng đầu lại phải xuống hàng chót” không thực sự là vấn đề gì xa lạ trong linh đạo học. Đó chẳng qua chính là hai mặt tất yếu của một thực tại duy nhất. Cũng vậy, “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” không là vấn đề gì mới mẻ khiến chúng ta phải sợ hãi.

Tin tưởng rằng mình được Thiên Chúa yêu thương vô cùng, chúng ta hãy để mặc cho “Những thời khắc khó khăn có thể sẽ đến, khi thập tự giá ập xuống…”:[2]

… nhưng không gì có thể hủy diệt được niềm vui siêu nhiên, một niềm vui biết “thích ứng và thay đổi, nhưng luôn luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ sự vững chắc của nhân vị là chúng ta được Thiên Chúa yêu thương vô cùng, mặc cho lời nói nào hay sự việc gì có xảy ra.[3]

Câu hỏi giúp thảo luận

  1. Là quý chức các hội đồng hội đoàn giáo xứ, có bao giờ chúng ta vì quá tự hào mình là “đạo gốc, đạo dòng” và xem thường những ai là “đạo theo, đạo mới” không? Cần điều chỉnh ra sao? Cần làm gì?
  2. “Được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít…” nghĩa là gì? Nhiều, ít… là bao nhiêu?

18-01-2019, GTHH

 

923    08-02-2019