Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Bài huấn luyện hàng tháng của Ủy Ban Giáo dân (BÀI 4)

 

 

SINH HOA KẾT TRÁI VÀ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU (Ga 15,1-17)

 

Dựa vào đâu để hoạt động của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ sinh hoa kết trái? Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho để diễn tả mối tương quan của Người với mỗi người môn đệ chúng ta. Chính trong tương quan này mà đời sống người môn đệ sinh hoa kết trái. Nhưng trước khi đi vào tương quan cụ thể ấy, chúng ta hãy ngắm nhìn toàn cảnh cây nho trong mối liên hệ với Người trồng nho: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.” (Ga 15,1).

 

Chúa Cha là người trồng nho. Ngài không chỉ trồng cấy, nhưng còn chăm sóc đến từng cành nho. Niềm hy vọng và lao tác của Ngài, tất cả đều hướng đến hoa trái. Qua hoa trái, Ngài được tôn vinh: “điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8). Hoa trái người trồng nho mong chờ là gì? Và chúng ta quan tâm nỗi niềm mong chờ của Người trồng nho như thế nào? Hoa trái của cây nho hẳn là trái nho. Nhưng nước trái nho trở nên rượu nho mà Chúa Giêsu dùng để nói lên “tình yêu đến cùng” của Người nơi Mầu Nhiệm Thánh Thể. Như thế, hoa trái của cây nho không dừng lại nơi cành nho, nhưng còn xa hơn nữa. Hoa trái ấy biểu hiện sức sống từ chính thân nho và được Đức Giêsu đón nhận để trao dâng và sẻ chia đến cùng.

 

Dù chúng ta là ai, đảm nhận chức vụ nào trong cộng đoàn giáo xứ, chúng ta cũng là “cành nho” chứ không phải là “thân nho”. Đã là cành thì phải gắn liền với thân để tiếp nhận sức sống và sinh hoa kết trái: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái…; Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo” (Ga 15,5-6). Vì thế, để sinh hoa trái, chúng ta được mời gọi “ở lại” trong Đức Giêsu, như cành nho gắn liền với thân nho. Ở lại trong nhau, đó là ngôn ngữ của tình yêu, một tình yêu kết nối chúng ta như cành nho gắn liền với thân nho và với Người trồng nho: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15,9). Nhờ gắn bó với Đức Giêsu, chúng ta được thanh luyện: “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” (Ga 15,3).

 

Ở lại trong Đức Giêsu bằng cách giữ điều răn của Người: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,10). Lề luật (nomos) là một nguyên tắc dành cho nhiều người, có khi xơ cứng và lạnh lùng qua chữ nghĩa; trong khi đó, điều răn (entolê) là lời dặn dò của một người dành cho một người trong một tương quan sống động và đặc thù. Trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu trao ban cho chúng ta điều răn của Người; Người dặn dò các môn đệ trong khung cảnh bữa tiệc ly, sau một hành trình đồng hành với nhau đủ dài để tin tưởng và ghi khắc tình yêu, nghĩa là trong khung cảnh “tình yêu đến cùng”. Giữ điều răn của Đức Giêsu có nghĩa là để cho Lời của Người ở lại và thấm sâu vào tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Lời của Đức Giêsu vừa có chức năng cắt tỉa, làm cho chúng được nên thanh sạch, vừa như là nhựa sống, kết nối chúng ta với Người và làm cho đời sống chúng ta sinh hoa trái. Nhờ gắn bó với Đức Giêsu, chúng ta có thể cầu nguyện và chuyển cầu: “nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý” (Ga 15,7).

 

Để sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của Đức Giêsu; để trở nên môn đệ Đức Giêsu, chúng ta phải ở lại trong Người; và để ở lại trong Người, chúng ta phải đón nhận Lời của Người như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta. Hội đồng Mục vụ Giáo xứ qui tụ những thành viên năng động và tích cực trong cộng đoàn giáo xứ. Bởi đó, hơn ai hết, chúng ta không chỉ được mong chờ trở nên môn đệ Đức Giêsu và làm cho đời sống và việc phục vụ của mình sinh hoa kết trái, mà còn, qua đời sống và việc phục vụ có sức cảm hoá ấy, xây dựng cộng đoàn Kitô hữu sống “yêu thương nhau”. Đó chính là hoa trái mà Người trồng nho và cùng Cây Nho mong đợi.

 

Hồi tâm.

  1. Trong đời sống của mình, tôi ưu tiên dành thời gian đọc-lắng nghe lời Chúa như thế nào?
  2. Trong việc phục vụ của mình, tôi dựa vào đâu để quyết định, dựa vào đâu để sắp xếp thứ tự ưu tiên các việc phục vụ trong giáo xứ?
  3. Trong Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và trong giáo xứ, có ai hay có hoạt động nào giúp tôi gắn bó với lời Chúa; có ai hay có hoạt động nào cản trở tôi gắn bó với lời Chúa?

 

Lm Vũ Ngọc Tín SJ.

 

 

PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ

CÁC VỊ CHUYÊN TRÁCH CÁC LÃNH VỰC MỤC VỤ

SAO CÁC ANH ĐỨNG ĐÂY…”

“‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi’” (Mt 20,6-7)

Dẫn vào

Mới đây, vào dịp giúp Tĩnh tâm “20-23/8/2018”, trong các bài nói chuyện về chủ đề “Người trẻ và sứ mạng loan báo Tin Mừng” với Linh mục đoàn TGP. Sài Gòn-TP. HCM, Đức Cha Giu-se Trần Văn Toản, Giám mục phó GP. Long Xuyên, đã rất khéo léo khi nhắc các linh mục tháp tùng các bạn trẻ đừng đánh mất chính mình về lý tưởng, sự thật, tình yêu, tự do, tính cộng đoàn, và sự dấn thân.[9] Theo đó, các linh mục nói chung đều thấy chính mình cũng có trách nhiệm này đối với giới trẻ, giới trẻ thời đại @, giới trẻ của thời đại lòng Chúa xót thương. Ngoài ra, không ít người còn thấy đây cũng là trách nhiệm được ủy thác đặc biệt cho các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ, các vị chuyên trách các lãnh vực mục vụ.

 

Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết

Trong cách trình bày của bài trước, “Các thành viên hội đồng mục vụ giáo xứ với tinh thần Cộng đồng Ki-tô nhỏ (SCC)”, các uỷ viên hội đồng mục vụ giáo xứ đã biết câu trả lời cho câu hỏi: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết…”.[10] Nhưng rồi, có người cho rằng, vẫn có tình trạng chồng chéo nhau trong bổn phận, giẫm lên chân nhau trong trách nhiệm, ùn đẩy việc cho người khác khi gặp khó khăn. Thật ra, “… các anh đứng đây suốt ngày” là sự miêu tả cần có trong nghiên cứu định lượng (quantative study). Vấn đề chỉ biến thành trở ngại khi nghiên cứu định tính (qualitative study) không đạt yêu cầu. Lúc bấy giờ, “… các anh đứng đây suốt ngày…”  trở thành “Sao các anh đứng đây suốt ngày…”; thậm chí còn là: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết…”.

Người trong độ tuổi lao động, bất luận là ai trong hạn tuổi người trẻ, “… không làm gì hết…” hoặc không được làm gì hết chắc chắn – nhận ra hay không nhận ra “mặc cảm” này – đều mang vào mình một nỗi buồn.[11] Vấn đề sẽ trở thành bất hạnh nếu đó là quan niệm “hưởng nhàn” của một số người trẻ; và sẽ là thảm họa cho tương lai nếu đó là quan niệm “hưởng thụ” của quá nhiều người trẻ.[12] Thật vậy, cũng như các tông đồ, môn đệ, cũng như các mục tử, linh mục, tu sĩ…, quý chức hội đồng mục vụ giáo xứ – cách riêng các vị đặc trách về giới trẻ – đều được mời gọi chia sẻ trách nhiệm “Người trẻ và sứ mạng loan báo Tin Mừng”, ngay tại xứ đạo mình phục vụ. Đừng vô tình chỉ đứng đấy, ngồi đấy “suốt ngày” và “không làm gì hết…” với lý do: “… vì không ai mướn chúng tôi”.[13]

 

Vì không ai mướn chúng tôi

Khi xem lại trách nhiệm được ủy thác cho mình, xem lại bổn phận của mình, ta nên điều chỉnh chính mình trước. Cũng như các linh mục tháp tùng các bạn trẻ, với sự từng trải trong đời, với kinh nghiệm sống đạo, các vị ủy viên đặc trách về giới trẻ, người trẻ đừng đánh mất chính mình là người có lý tưởng, là người của sự thật, là người của tình yêu, là người của tự do, là người của cộng đoàn, là người dấn thân. Thật vậy, các thành viên đặc trách về giới trẻ, người trẻ trực thuộc ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ hãy “đi vào vườn nho…” để lao động, để cùng làm việc với người trẻ, cho người trẻ, vì hạnh phúc của chính những người trẻ và của chính mình. Bởi lẽ, Ông Chủ Vườn Nho sẽ trả lương theo lẽ công bằng; đừng để rơi vào bối cảnh “… vì không ai mướn chúng tôi”.

 

Nghĩa là, trong vườn nho của Chúa tại các xứ đạo, không ai được nêu lý do “… vì không ai mướn chúng tôi” để từ chối không dấn thân làm việc. Tích cực hơn, với nhiệm vụ đặc trách các lãnh vực chuyên môn để phục vụ giáo xứ, các vị chuyên trách các lãnh vực mục vụ hoặc ban mục vụ giáo xứ, tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của mỗi giáo xứ, hãy thường xuyên tự vấn: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết...”. Cũng không đổ lỗi cho người khác. Đừng để “vụng múa chê đất lệch”. Các vị chuyên trách các lãnh vực mục vụ hãy đừng nói: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Thật vậy, quý chức đừng để mình phải “ăn không ngồi rồi”.

 

Câu hỏi giúp thảo luận

  1. Theo bạn, các linh mục nói chung, linh mục chánh xứ nói riêng, nên làm gì để cổ võ tinh thần dấn thân phục vụ của mọi người, cách riêng của giới trẻ?
  2. Cũng vậy, các thành viên hội đồng, hội đoàn giáo xứ, các vị chuyên trách các lãnh vực mục vụ nên làm gì?

29-8-2018, GTHH

PHẦN HUẤN GIÁO

Phần I: GIÁO DÂN TRONG LÒNG HỘI THÁNH

GIÁO DÂN TRONG CHIỀU KÍCH NỘI TẠI CỦA HỘI THÁNH

 

  1. Tông Huấn ‘Người Tín Hữu Ki-tô Giáo Dân’ số 25 xác định rằng: “Tín hữu giáo dân tham gia vào đời sống Hội Thánh không chỉ qua việc thi hành các nhiệm vụ và ân điển của họ, mà còn qua nhiều đường lối khác nữa. Sự tham gia này tìm thấy trước hết lối diễn tả cần thiết trong đời sống và sứ mạng của Hội Thánh địa phương, qua đó Hội Thánh Chúa Ki-tô duy nhất, thánh thiện và công giáo thực sự hiện diện và hoạt động”. Thực ra Tông Huấn chỉ tái khẳng định những điều đã được xác quyết trong Hiến Chế về Hội Thánh (Lumen Gentum) của CĐ Va-ti-can II số 30 như sau: “Thực thế, các chủ chăn của Dân Thánh biết rõ giáo dân giúp ích rất nhiều cho toàn thể Hội Thánh. Các ngài biết rằng Chúa Ki-tô không đặt các ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới; nhưng nhiệm vụ cao cả của các ngài là chăn dắt tín hữu và nhận biết các phận sự và đoàn sủng nơi họ, để mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của mình.” Những khẳng định trên là dựa trên những lời xác quyết quan trọng của thánh Tông Đồ  Phao-lô trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô (xem Ep 4:15-16).

 

  1. Giáo dân tham gia tích cực Giáo Hội Địa Phương trong nhãn quan một Hội Thánh Toàn Cầu.

Trước hết, như trình bày trong phần một của suy tư này, họ cần có một quan niệm rõ hơn về Hội Thánh nói chung, cách riêng tương quan của Hội Thánh địa phương với Hội thánh toàn cầu. ““Để có thể tham gia cách đầy đủ vào đời sống của Giáo Hội, tín hữu giáo dân tuyệt đối cần có một nhãn quan rõ ràng và chính xác về sự gắn kết căn bản giữa Hội Thánh địa phương cá biệt với Hội Thánh toàn cầu. Hội thánh cá biệt không phải là một mảnh của Hội Thánh toàn cầu, cũng không thể nói Hội Thánh toàn cầu là một thu gom các Hội Thánh địa phương hay cá biệt lại. Thực ra có một nối kết rất thật, bền chặt và thiết yếu hiệp nhất chúng lại, nhờ đó Hội Thánh toàn cầu hiện hữu và biểu lộ trong các Hội Thánh địa phương” (CFL 25). Do đó tín hữu giáo dân thể hiện việc họ thuộc về một Hội Thánh địa phương, đồng thời phát huy không ngừng tinh thần ‘Công Giáo’ của Chúa Ki-tô. Giáo dân quan tâm tới nhu cầu của Giáo Hội địa phương, nhưng đồng thời cũng hướng tới Đoàn Dân Thiên Chúa trên khắp hoàn cầu trong sự hiệp thông sâu xa. Điều đó có nghĩa là ngoài sự cộng tác ở cấp bậc giáo xứ, giáo phận, giáo dân còn góp phần cộng tác ở cập bậc quốc gia và quốc tế nữa.

  1. Sự tham gia của giáo dân vào sinh hoạt của Giáo Phận, Giáo Xứ

Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân của CĐ Va-ti-can II (Apostolicam Actuositatem) số 10 nói đến bổn phận và nghĩa vụ của giáo dân tham gia vào sinh hoạt của Giáo Hội Địa Phương  (Giáo Phận và Giáo Xứ) như sau: giáo dân mau mắn đáp lại lời mời của Đức Giám Mục giáo phận và của Linh Mục quản xứ tích cực góp phần vào công cuộc chung của giáo phận và giáo xứ. Cụ thể trong các công tác sau đây:

 

  • Trong mỗi giáo phận (và trong mức độ nào đó, cả trong mỗi giáo sứ, mỗi hạt và mỗi giáo khu) cần thiết lập Hội Đồng Cố Vấn “gồm các giáo sĩ, tu sĩ cùng cộng tác thích hợp với giáo dân để giúp cho hoạt động tông đồ của Giáo Hội hoặc trong việc rao truyền Phúc Âm và thánh hóa, hoặc trong các công cuộc từ thiện bác ái, xã hội hay các hoạt động khác” (xem AA 26).
  • Tại mỗi giáo phận Giám Mục thành lập Hội Đồng Mục Vụ (pastoral council), trong đó bên cạnh các giáo sĩ và tu sĩ, còn có các giáo dân nam nữ chọn lọc đại diện cho các thành phần Dân Chúa. Hội Đồng này đóng góp ý kiến hầu kiến tạo đường hướng mục vụ cho Giám Mục để ngài có thể điều hành giáo phận cách hiệu quả (xem Giáo Luật số 511-514). Giáo Luật 536 cũng tiên liệu việc thành lập Hội Đồng mục vụ cấp giáo xứ khi Giám mục và hội đồng linh mục xét thấy thích hợp cho các giáo xứ thuộc giáo phận mình. Hội đồng này sẽ được điều hành theo qui chế do Giám Mục ban hành.
  • Giáo Luật số 492-494 cũng tiên liệu việc thành lập Hội Đồng Kinh Tế (finance committee) cho mỗi địa phận, và GL 537 cũng tiên liệu cho mỗi giáo xứ. Cho dầu các hội đồng này mang tính tham khảo nhưng được coi là lãnh vực đóng góp chuyện môn (tài sản và tài chính) của Giáo Dân vào trong việc điều hành Giáo Hội ở mọi cấp.
  • Ngoài ra Giáo Luật 1983 cũng dự trù sự tham gia của giáo dân vào công nghị giáo phận và công đồng riêng thuộc giáo tỉnh, miền hay toàn quốc. Tuy nhiên tại các công nghị này, giáo dân chỉ góp ý với tư cách là tư vấn mà thôi (xem CIC 443 đặc biệt triệt 4)
1462    03-09-2018