Bạn Có Thấy Những Gì Đức Maria Thấy Không?

Suy niệm các mầu nhiệm Giáng Sinh với Đức Trinh Nữ Maria

Nadarét là một ngôi làng nhỏ. Với dân số không quá 400 vào thời Chúa Giêsu và diện tích khoảng 10 mẫu Anh, toàn bộ ngôi làng có thể nằm thoải mái bên trong Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma mà vẫn còn nhiều đất.

Nadarét nằm chỉ cách khoảng ba dặm từ Sepphoris, một trong những thành phố giàu nhất và có văn hóa nhất Galilê, nhưng bản thân xứ Nadarét chính yếu là một cộng đồng nông nghiệp yên tĩnh. Nadarét bị xem là quá tầm thường đến nỗi khi Nathanaen nghe nói rằng Chúa Giêsu xuất thân từ đó, thì ông hỏi, gần như chế giễu: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46).

Tuy nhiên, chính tại Nadarét, sứ thần Gabrien đã hiện ra với thiếu nữ Maria và mời Maria trở thành mẹ của Đấng Thiên Sai. Vì thế, nếu chúng ta hỏi Đức Maria, có lẽ Mẹ sẽ nói với chúng ta rằng một cái gì đó rất đặc biệt đã đến từ Nadarét. Đó là vì những gì Mẹ đã thấy: không chỉ là một sứ thần, mà còn là chính Con Thiên Chúa.

Chúng ta hãy để tưởng tượng Mẹ Maria đang hỏi chúng ta: “Con có thấy những gì Mẹ thấy không?” Mẹ biết rất rõ rằng không quá nhiều người trong chúng ta có những vị khách thiên thần. Mẹ cũng biết rằng chúng ta không thể nhìn thấy Chúa Giêsu cách thể lý mà Mẹ và Thánh Giuse đã thấy. Nhưng chúng ta có thể đến gặp Chúa Giêsu trong tâm hồn chúng ta nếu chúng ta có thói quen suy ngẫm và trân trọng Chúa và tất cả những gì Người đã làm cho chúng ta (x. Lc 2,19). Do đó, chúng ta hãy cố gắng nhìn xem những gì chúng ta có thể khám phá.

Kính chào, Đấng Được Sủng Ái! Hầu hết các học giả tin rằng Maria khoảng chừng từ mười bốn đến mười sáu tuổi khi sứ thần Gabrien đến thăm. Giống như bất kỳ người trẻ nào, Maria tương đối thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống. Maria không biết nhiều về việc làm vợ hay làm mẹ, ngoại trừ những gì Maria đã học được từ chính mẹ mình và những người phụ nữ trong làng. Trong một số cách nào đó, Maria chắc không giống một ứng cử viên cưu mang Con Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa đã chọn Maria và trao phó Con của Người cho Maria chăm sóc.

Vậy Maria đã nhìn thấy gì ở biến cố Truyền Tin? Maria thấy một sứ thần đã chào mình một lời chào kỳ lạ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng! Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Sứ thần đã cố gắng an ủi Maria bằng cách nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ” (Lc 1,30). Thật khó tin rằng những lời nói của sứ thần đã giúp rất nhiều cho Maria, bởi vì tất cả những gì sứ thần nói sau đó thật phi thường đến nỗi khiến Maria vẫn còn bối rối và lo lắng. Tuy nhiên, có một phần trong lời truyền tin của sứ thần, Maria hoàn toàn hiểu rằng: Mặc dù là một trinh nữ, Maria sẽ mang thai. Nên Maria hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” (Lc 1,34).

Bạn có thể tưởng tượng tâm trí Maria đã bối rối thế nào trong cuộc trò chuyện đó? Mọi người sẽ nghĩ gì về tôi nếu tôi có thai? Giuse sẽ rời bỏ tôi bây giờ? Có ai thực sự tin đứa bé này đến từ Thiên Chúa không? Làm thế nào tôi sẽ xử lý gánh nặng của trách nhiệm này?

Kế Hoạch Mới, Thách Thức Mới. Tất nhiên, chúng ta tin rằng Đức Maria đã thụ thai mà không hề có vết nhơ của tội lỗi nguyên thủy. Chắc chắn điều đó đã giúp Maria thưa có (vâng) với Thiên Chúa. Nhưng đồng thời, Maria có ý chí tự do. Maria phải đối diện với những cám dỗ giống như chúng ta. Maria biết cảm giác sợ hãi như thế nào và Maria có thể từ chối lời đề nghị của sứ thần vì sợ hãi. Mọi người trong thị trấn sẽ nói gì về tôi? Còn Giuse thì sao? Chúng tôi đã lên kế hoạch. Chúng tôi sắp kết hôn và chúng tôi không muốn bất cứ điều gì làm đảo lộn các kế hoạch này.

Rõ ràng là sứ thần đã đòi hỏi rất nhiều. Người yêu cầu Maria từ bỏ kế hoạch về cuộc sống của riêng mình và phó dâng tất cả bản thân mình cho Thiên Chúa mà không nói cụ thể thế nào. Nên đâu có gì ngạc nhiên khi Maria gặp rắc rối! Tuy nhiên, trong niềm tin tưởng, Maria đã ra khỏi bản thân mình và đón lấy Thiên Chúa và các mục đích của Người. Chúa cũng ở với chúng ta. Chúa cũng đang hỏi chúng ta những câu hỏi tương tự như những câu hỏi mà Người đã hỏi Maria: Con có sẵn lòng giúp xây dựng Giáo Hội của Ta không? Con có sẵn sàng là ánh sáng của Ta cho những người nghèo, người bệnh và người sai đường lạc lối? Con sẽ dâng cuộc sống của con cho Ta chứ?

Những câu hỏi như thế này có thể làm chúng ta lo lắng. Nhưng nếu chúng ta cố gắng bắt chước lời thưa xin vâng của Mẹ Maria, chúng ta sẽ thấy những điều mới. Đôi mắt của chúng ta sẽ được mở ra cho các nhu cầu xung quanh chúng ta. Chúng ta sẽ thấy những cách mà chúng ta có thể giúp đỡ. Quan trọng nhất, chúng ta sẽ thấy, giống như Mẹ đã làm, rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Những Lời An Ủi. Kinh Thánh cho chúng ta biết chút ít quý báu về những gì đã xảy ra trong thời gian Đức Maria mang thai. Chúng ta nghe về chuyến viếng thăm của Mẹ đến bà Elizabét và ông Giacaria, cha mẹ của Gioan Tẩy Giả, và về những điều kỳ diệu xung quanh sự ra đời của Gioan. Chắc chắn những câu chuyện này đã giúp an ủi Mẹ. Chắc chắn chúng đã củng cố niềm tin của Mẹ.

Nhưng sự kiện quan trọng nhất đã giúp Maria trong thời gian này phải làm với Giuse, Maria đã hứa hôn. Bạn có thể tưởng tượng sự biểu cảm trên khuôn mặt Maria khi Giuse đến gặp Maria và nói: “Anh biết những gì đang xảy ra. Anh biết những gì Thiên Chúa đang làm. Một sứ thần đã hiện ra và giải thích tất cả cho anh. Em đừng lo lắng; có anh bên em. Anh sẽ không bỏ em”. Lời cam kết của Giuse hẳn đã lấp đầy tâm hồn Maria với một sự bình an và niềm vui thẳm sâu. Có lẽ đó là một trong những ngày hạnh phúc nhất cuộc đời Mẹ!

Sau khi Chúa Giêsu được sinh ra, Đức Maria thậm chí còn nhận được nhiều quà tặng hơn từ Thiên Chúa và những ân ban ấy đã củng cố niềm tin và lòng tín thác của Mẹ. Hãy tưởng tượng Mẹ cảm thấy thế nào khi những người chăn cừu đến máng cỏ và nói với Mẹ về tầm nhìn của họ về những thiên thần đang ca ngợi Chúa. Hãy tưởng tượng nụ cười trên khuôn mặt của Mẹ khi Mẹ nghe những lời ca ngợi ấy liên quan đến những lới sứ thần nói về đứa con mới sinh của Mẹ. Tất cả những sự kiện này đã giúp Mẹ Maria nhìn thấy sự tốt lành, lời hứa, niềm hy vọng và vinh quang trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Mẹ.

Mẹ Maria đang hỏi chúng ta: “Con có thấy những gì Mẹ thấy không? Con có thể thấy Cha Cha trên trời đang làm việc khi Người gửi dân của Người đến cho con để họ có thể nâng đỡ tinh thần của con không? Con có thể nhìn thấy khuôn mặt của Thiên Chúa nơi những người củng cố đức tin cho con và  nhắc nhở con về lòng tốt và tình yêu của Chúa không? Con hãy để Chúa mở mắt con ra, như Chúa đã làm cho Mẹ, để cho con thấy rằng Chúa đang ở cùng con”.

Suy Ngẫm và Trân Trọng. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Đức Maria đã suy gẫm và trân trọng “tất cả những điều ấy”, xung quanh sự ra đời của con trai Mẹ (Lc 2,51). Mẹ đã thực hành nghệ thuật suy nghĩ cầu nguyện về những sự kiện này. Mẹ suy gẫm về sự xuất hiện của sứ thần. Mẹ trân trọng lòng trung thành và sức mạnh của Giuse. Mẹ suy gẫm về người chị họ Elizabét bất ngờ mang thai khi đã cao niên. Mẹ dừng lại ở những lời nói của những người chăn cừu và suy nghĩ tại sao Thiên Chúa lại sai một sứ thần tới với họ mà không phải cho vua Hêrôđê. Mẹ đã suy gẫm về chuyến viếng thăm của các nhà Đạo Sĩ và ý nghĩa của những món quà mà họ cho Mẹ. Mẹ đã suy gẫm những lời mà ông già Simêon và bà Anna đã nói khi Mẹ đưa con trai đến Đền thờ ở Giêrusalem. Tất cả những sự kiện nội tại đó đã mở mắt Mẹ để Mẹ có thể nhìn thấy Thiên Chúa đang làm việc trong cuộc sống của Mẹ và trên thế giới.

Trong mọi tình huống, mẹ Maria đã cầu nguyện: “Lạy Cha trên trời, xin hãy giúp con nhìn thấy những gì Cha thấy. Xin hãy chỉ cho con những gì Cha đang làm ở đây. Con không muốn để bất cứ điều gì đang xảy ra mà con lại lơ là sơ ý. Xin hãy chỉ cho con cách những sự kiện này có thể giúp chúng con trở thành Gia đình Thánh mà Cha đã mời gọi chúng con”.

Nếu Mẹ Maria đang ở với chúng ta ngay bây giờ, Mẹ sẽ yêu cầu chúng ta giữ thái độ tương tự: “Nếu con muốn nhìn thấy những gì mẹ thấy, thì hãy dành thời gian để suy gẫm về những điều mà Chúa đã làm và những gì Người đang tiếp tục làm. Hãy suy gẫm về nhiều cách Chúa đã hành động trên thế giới, nhưng cũng suy gẫm về cách Người đã làm việc trong cuộc sống của con và trong cuộc sống của những người thân yêu của con. Đừng để cho tầm nhìn của con bị hạn chế; hãy mở mắt và mở lòng con ra. Hãy nhớ rằng Chúa luôn ban thưởng cho những người tìm kiếm Chúa và vương quốc của Người. Chúa có rất nhiều điều muốn cho con thấy!”

Một cách tốt để bắt đầu là dành một ít thời gian mỗi ngày để đọc những câu chuyện về việc sinh ra của Chúa Giêsu Sinh trong Kinh thánh (Mt 1,18-2,23; ; Lc 1,5-2,52). Chỉ đọc một vài câu mỗi ngày và xin Chúa Thánh Thần mở mắt bạn ra. Hãy cầu xin Người nói chuyện với bạn trong sự yên tĩnh của tâm hồn bạn.

Nói Có (Thưa Vâng). Ngày 8 tháng 12 năm 2016, trong khi đọc Kinh Truyền Tin vào ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói về bài đọc đầu tiên của Thánh lễ ngày hôm đó, bài đọc nói về cách mà Adam và Eva nói không (từ chối) với Thiên Chúa đã khép lại mạch văn giữa con người và Thiên Chúa (St 3,9-15,20). Sau đó, Đức Giáo Hoàng về cách Đức Maria đồng ý (thưa vâng) với Thiên Chúa “đã mở ra con đường Thiên Chúa đến ở giữa chúng ta” (x. Lc 1,26-38).

Theo Đức Thánh Cha, câu trả lời của Đức Maria là “tiếng ‘xin vâng’ quan trọng nhất trong lịch sử”. Mùa Vọng là một cơ hội để đổi mới lời xin vâng của chúng ta đối với Thiên Chúa, chúng ta hãy thưa với Chúa rằng: “Con tin vào Chúa; con hy vọng ở Chúa. Con yêu mến Chúa; xin Chúa hãy thực hiện cho con theo thánh ý tốt lành của Chúa”. Một lời cầu nguyện dâng hiến đơn giản như thế này sẽ giúp chúng ta thấy những gì Đức Maria đã thấy. Và những gì chúng ta thấy sẽ làm tâm hồn chúng ta tràn ngập niềm vui.

Theo the Word Among us
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương