Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Bán những gì mình có

Thứ Hai trong tuần thứ Tám Mùa Quanh Năm

1 Pr 1:3-9; Tv 111:1-2,5-6,9,10; Mc 10:17-27

BÁN NHỮNG GÌ MÌNH CÓ

          Trang Tin Mừng hôm nay nằm trong phần III của Tin Mừng Maccô nói về Mầu Nhiệm Con Người và con đường của Con Người đi là Thập Giá, là chọn lựa và hy sinh. Chủ đề chính của đoạn Tin Mừng Mc 10,17-27 nói về của cải. Một sự so sánh giữa Thiên Chúa và của cải, tiền bạc, dẫn đến sự hy sinh : nếu theo Chúa sẽ phải khước từ sự vinh quang, giàu có. Nói đúng hơn, nếu chọn Thiên Chúa làm chủ cuộc đời, thì không thể sống lệ thuộc vào tiền bạc mà đánh mất lương tri vì Chúa Giêsu đã nói : “Không ai vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của” (Mt 6,24)

“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Một anh thanh niên vội vã chạy đến, quỳ trước mặt Đức Giêsuvà hỏi Ngài như thế khi Ngài vừa lên đường. Rõ ràng anh đang háo hức và thao thức tìm kiếm một lối sống phù hợp ở đời này, để nhờ đó được hưởng hạnh phúc vững bền mãi mãi. Anh đã đến với Thầy Giêsu tốt lành để hỏi câu hỏi này, và anh thực sự chờ nơi Thầy câu trả lời. 

Thầy nhắc anh về những giới răn liên quan đến tha nhân. Đây là những điều anh đã biết, và hơn nữa, anh thú nhận mình đã giữ chúng từ khi còn nhỏ (c. 20). Thầy Giêsu như bị cuốn hút bởi con người đạo đức của anh. Đưa mắt nhìn anh, Thầy đem lòng yêu mến (c. 21). Đúng là anh đã không làm hại gì đến tha nhân. Nhưng anh còn thiếu một điều quan trọng, đó là: Đi. Bán những gì mình có. Cho người nghèo. Rồi đến. Và theo Thầy Giêsu.Thầy mời anh đi một vòng, rồi trở lại. Lúc trở lại với Thầy, anh sẽ nhẹ hơn nhiều, vì mọi của cải đã được phân phát cho người nghèo khó. Thầy Giêsu muốn anh trở nên môn đệ của mình, sau khi đã trở nên tay trắng, không còn gì để nương tựa. Anh thanh niên sẽ có kho tàng trên trời, khi anh được giải phóng khỏi kho tàng của anh dưới đất. 

Tiếc thay anh đã từ chối lời mời của vị Thầy có lòng mến anh,và đã chỉ cho anh điều phải làm. Lúc nãy anh chạy đến với Thầy, bây giờ anh lại bỏ đi (c. 22). Lúc nãy anh háo hức, vui tươi, bây giờ anh sa sầm nét mặt. Anh không ngờ Thầy lại đòi hỏi tận căn đến thế. Anh mong sự sống vĩnh cửu, anh thích làm môn đệ Thầy Giêsu, nhưng anh lại không muốn bỏ chỗ dựa là của cải đời này. Lòng gắn bó với của cải đã là một trở ngại khiến anh mất tự do. Không phải vì anh chiếm hữu nhiều của cải, nhưng thực ra, vì của cải đã chiếm hữu anh. 

Ngài nhắc anh tuân giữ Mười điều răn của Chúa như bước căn bản của con đường nên hoàn thiện. Và cuối cùng, nhận thấy anh là người công chính vì đã giữ trọn lề luật, Chúa Giêsu mời anh đi bước đi quyết liệt: “anh chỉ thiếu có một điều là anh hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21). Như thế, Chúa Giêsu đã muốn anh vượt lên trên các giới luật để tiến đến một tình yêu dâng hiến và phục vụ, nghĩa là anh được mời gọi noi gương Ngài để trao hiến đời mình, thoát ra khỏi mình để sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Trước lời đề nghị của Chúa, anh đã không đủ can đảm để chấp nhận những hy sinh, không thể dứt bỏ hay khước từ mọi sự vì anh ta có nhiều của cải.

          Mở đầu đoạn Tin Mừng này là lời tha thiết nài xin của một người giàu có khao khát được đạt tới sự sống đời đời “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì  để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” (c.17). Anh là một con người đi tìm chân lý, tìm hạnh phúc mai sau. Từ câu xưng hô của anh ta mà Chúa Giêsu dạy cho anh một sự thật về Thiên Chúa, Ngài là Đấng nhân lành. “Không có ai nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa” (c.18).

Ý Chúa Giêsu muốn  tỏ lộ thần tính của Ngài cho anh : nếu anh gọi Ta là nhân lành, thì anh đã biết về Thần Tính của Ta rồi đó. Nhưng có lẽ giờ của Ngài chưa đến, nên Ngài không thể nói “ huỵch toẹt” ra cho anh được và Ngài trả lời anh qua luật Môsê về các điều răn : Chớ ....(c19). Những điều răn này là những luật cấm qua từ “ Chớ”, nghĩa là chớ làm những điều xấu đó cho người đồng bào. Nếu để ý kỹ, chúng ta thấy đây là những điều răn nói về cách cư xử đối với con người. Anh ta trả lời rằng : Những điều ấy anh đã sống tốt ngay từ thuở nhỏ và chắc ccó lẽ anh được thừa hưởng một nền gia phong, lễ nghĩa, được nuôi nấng dạy dỗ tỉ mỉ.

          Ở câu 21, chúng ta thấy Thánh Sử niêu tả hành động của Chúa Giêsu. Có lẽ đây là một trong những trang Tin Mừng đẹp nhất nói về tình cảm của Người : “đưa mắt nhìn, đem lòng yêu mến ...” đối với một con người quá ư dễ mến, dễ thương, hiền lành. Đạo đức như thế. Chúa Giêsu đi thêm một bước nữa, mời gọi anh đi sâu vào tương quan với Thiên Chúa, chứ không chỉ sống tốt trong tương quan với người khác. Người bảo : “ ... Hãy đi bán ... rồi đến theo Ta” (c 21). Ngài đã đưa ra “ chiêu đòn” cuối cùng và thật là lợi hại, chiêu đòn ấy đã đánh trúng nhược điểm của anh ta, khiến anh ta sa sầm nét mặt, buồn rầu và bỏ đi. Thánh Sử nói rõ lý do : vì  anh ta có nhiều của cải (c 22).

Và rồi ta hay nghe thường gọi trang Tin Mừng này là trang thất bại của Chúa Giêsu trên con đường truyền giáo. Ngài kêu mời một con người “tốt lành” cộng tác, nhưng họ đã chối từ. Thế mới biết mạnh lực của tiền bạc mạnh mẽ là dường nào.

Ngày nay, chúng ta thấy không thiếu những người thanh niên như vậy. Họ sẵn sàng đi làm công việc bác ái : giúp đỡ người nghèo, bệnh tật trong các làng phong hủi. Trại mồ côi, trường khiếm thị, khiếm thính hay đem ánh sáng văn hoá đến các trẻ em vùng sâu vùng xa... Nhưng khi chúng ta đề nghị họ dấn thân vì Tin Mừng trong các ơn gọi tu trì , thì  họ lắc đầu, ngao ngán. Họ sẵn sàng cho những gì ở ngoài họ như anh thanh niên vậy : tôi không đụng đến ai, thì đừng ai chạm được vào cái gì là tôi. Họ không dám hay nói đúng hơn là họ giữ lại “cái tôi” cho mình. Thiên Chúa không muốn những cái gì  không phải là của ta vì Ngài có thể dùng uy quyền mà làm nên chúng. Ngài không muốn cái “ta có”, nhưng muốn cái  “ta là”. Và vì  Ngài  đã ban tự do cho chúng ta, nên bây giờ Ngài chờ đợi sự đáp trả “rất tự do” của mỗi người.

Nhìn lại lòng mình, ta nhận thấy nơi thâm sâu tâm hồn vang vọng lời mời gọi của Chúa Giêsu hôm nay. Hãy mở rộng tấm lòng nhân ái để giúp đỡ tha nhân. Hãy cảm thương người nghèo đói, bệnh tật, khốn cùng, thiếu ăn thiếu mặc. Đó là phần phúc cho họ và là phần phúc của mỗi chúng ta: “Phúc thay ai xót thương người vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

894    27-05-2018