Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

BẢY LỜI KHUYÊN NÊN ĐỌC TRƯỚC KHI PHẠT TRẺ CON

 

Các lời khuyên hữu ích của một nhà giáo dành cho các cha mẹ mệt mỏi hay cho các cô thầy nản chí.


Một trong các chuyện khó nhất trong việc giáo dục trẻ con là biết khi nào và làm cách nào để phạt một đứa bé. Cha mẹ, cô thầy hoặc nhà giáo sẽ làm gì khi không còn cách nào có thể áp dụng và khi một đứa bé vượt quá giới hạn?

Trước khi trả lời câu hỏi khó khăn này, tôi xin giới thiệu với quý vị Thánh Gioan Bosco.

Thánh Gioan Bosco biết rõ những gì bạn đang trải qua vì ngài để cả đời để giáo dục các trẻ nổi loạn. Ngài nhận hàng trăm thanh thiếu niên con nhà nghèo, giáo dục các em và dùng hết sức lực của mình để biến đổi các thanh thiếu niên này thành những người ngay thẳng, phục vụ cho điều thiện và cho xã hội. Các công việc này dần dần nhiều hơn, Thánh Gioan Bosco cần trợ giúp và thế là ngài huấn luyện các cô thầy giáo mới.

Trong thư gởi cho các giáo sư, Thánh Gioan Bosco trình bày chi tiết một “hệ thống phòng ngừa” trong lãnh vực giáo dục để “học sinh vâng lời không phải vì sợ hay vì bị bắt buộc nhưng vì có tính cách thuyết phục”. Trong hệ thống này, phải loại bỏ phương cách dùng sức mạnh, thay vào đó đức ái phải là sức bật chính của hành động.

Và đây là bảy lời khuyên của Thánh Gioan Bosco dành cho các giáo sư của ngài nhưng vần còn hiệu lực cho thời buổi bây giờ, và có thể giúp các cha mẹ quá mệt mỏi, các cô thầy quá nản chí khi uốn nắn trẻ con đi trên đường ngay nẻo thẳng.

  1. Hình phạt là biện pháp cuối cùng

Trong nghề giáo lâu năm của tôi, không biết bao nhiêu lần tôi đối diện với trường hợp lương tâm này! Chắc chắn mất kiên nhẫn thì dễ gấp mười lần hơn là kiềm chế được nó, đe dọa một đứa con trai thì cũng dễ gấp mười lần hơn là thuyết phục nó. Và cũng chắc chắn là kiêu ngạo của mình sẽ được thỏa mãn khi phạt đứa bé dám cự mình hơn là nâng đỡ chúng với một lòng tốt kiên định. Thánh Phaolô thường than phiền khi thấy những người hoán cải về với đức tin thường quá dễ dàng trở lại với các thói quen thâm căn cố đế của họ; nhưng ngài đã nâng đỡ họ với lòng kiên nhẫn đáng phục. Chính đức tính kiên nhẫn này mà chúng ta cần khi chăm sóc các em trẻ.

  1. Nhà giáo phải cố gắng làm sao để học sinh thương mình nếu muốn được chúng tôn trọng

Nếu họ làm được, thì từng dấu chỉ của lòng tốt sẽ thúc đẩy tinh thần thi đua, thổi bùng lên  lòng can đảm và các việc này sẽ không bao giờ hoài công.

Tất cả nhà giáo phải làm sao để học sinh thương nếu muốn làm cho chúng sợ. Họ sẽ đạt được cùng đích này nếu, bằng lời và nhất là bằng hành động, họ cho thấy tất cả sự chăm sóc, lòng ân cần của họ đều nhắm đến lợi ích tinh thần và vật chất của học sinh.

  1. Ngoại trừ những trường hợp cực hiếm, các sửa sai và hình phạt không bao giờ được làm công khai nhưng trong riêng tư và xa người khác

Như thế chúng ta sửa sai trong tinh thần kiên nhẫn của một người cha. Trong chừng mực có thể, không bao giờ sửa sai trước công chúng, nhưng trong riêng tư, như người ta thường nói: trong phòng kín của đức ái (in camera caritatis), xa người khác. Chỉ trong trường hợp phòng ngừa hay sửa sai một lỗi rất nghiêm trọng thì tôi mới chấp nhận có những sửa sai hay hình phạt trước công chúng.

 

  1. Tuyệt đối không được đánh trong bất cứ một hình thức nào, phạt quỳ gây đau đớn, kéo lỗ tai hay những hình phạt tương tự

Luật cấm những chuyện này, nó làm cho mấy đứa con trai rất bực bội và hạ uy tín của nhà giáo.

  1. Nhà giáo phải làm sao để học sinh biết rõ các nguyên tắc kỹ luật, các hình phạt, các phần thưởng để không một học sinh nào nại cớ không biết cái gì được làm, cái gì không được làm

Nói cách khác, học sinh cần biết các giới hạn và phải tuân giữ. Không một ai cảm thấy an toàn khi dò dẫm ăn cắp, nguy cơ bị chết bẹp rất lớn.

  1. Phải có yêu cầu cao khi đó là bổn phận, phải kiên định khi đeo đuổi làm chuyện tốt, phải can đảm khi phòng ngừa chuyện xấu, nhưng luôn dịu dàng và thận trọng. Tôi bảo đảm với quý vị, thành công chỉ đến được với lòng kiên nhẫn

Mất kiên nhẫn chỉ làm cho học sinh chán ghét và gieo bất bình nơi những học sinh đàng hoàng. Kinh nghiệm lâu năm dạy cho tôi lòng kiên nhẫn là phương thức duy nhất để chữa các trường hợp không vâng lời, không trách nhiệm nặng nhất nơi mấy đứa con trai. Đôi khi sau bao nhiêu cố gắng kiên nhẫn mà không thành công, tôi mới thấy cần phải dùng đến các biện pháp nghiêm khắc. Tuy vậy, các biện pháp này không bao giờ thành tựu được gì, và cuối cùng, tôi luôn thấy lúc nào đức ái cũng thắng, khi sự nghiêm khắc thất bại. Đức ái chữa lành dù… chậm!

  1. Để đích thực là những người cha lo lắng cho người trẻ thì chúng ta không được để cho bóng tối của giận dữ làm đen tối hình ảnh của mình

Nếu thỉnh thoảng chúng ta mất kiểm soát, khi sự thanh thản bị đám mây mất kiên nhẫn bao phủ, thì sự tự chủ phải ngự trị trên con người mình, tinh thần, quả tim và miệng lưỡi mình. Khi có học sinh nào phạm lỗi, thì phải khơi dậy sự thông cảm trong tâm hồn bạn, phải giữ hy vọng thì lúc đó bạn mới sửa lỗi được.

Trong một vài lúc khó khăn, một lời cầu nguyện khiêm tốn với Chúa thì hữu ích hơn là bùng cơn giận. Học sinh của bạn sẽ không có lợi lộc gì khi bạn mất kiên nhẫn và bạn sẽ không cảm hóa được người bạn theo dõi.

 

fr.aleteia.org, Philip Kosloski, 2017-31-01
Marta An Nguyễn chuyển dịch

934    10-02-2017 16:28:23