Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Bị giằng co bởi các đại văn hào

 

Nữ văn sĩ người Anh A.S. Byatt có lẽ là tiểu thuyết gia viết bằng tiếng Anh hàng đầu ngày nay. Chắc chắn một ngày nào đó bà sẽ được trao tặng Giải Nobel văn chương.

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của bà, Quyển sách của Trẻ em (The Children’s Book), giống như mọi tiểu thuyết của bà, cô đặc, đầy thách thức, và không dễ đọc. Khó đọc không phải chỉ vì dày (hơn 600 trang) và hòa trộn rất nhiều lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, chính trị, kinh tế, áp bức, ý thức hệ, thần thoại, tình yêu, tình dục, lạm dụng, cuộc sống gia đình, mà còn vì nó làm đảo lộn một suy nghĩ đã có sẵn. Cuộc sống, như bà dàn ra, không đi theo những đường luân lý rõ ràng, dễ dàng xác định. Bất kỳ nhận thức dễ dãi nào về lịch sử, luân lý, gia đình hay tình dục, đều tan vụn khi bạn đọc bà. Như tất cả các đại văn hào, Byatt đã đảo lộn và kéo căng tâm trí.

Và phải nói điều gì đây về sự đảo lộn này? Có lành mạnh không? Nếu là Ki-tô hữu với những niềm tin đã rõ ràng về cuộc đời, luân lý, tính dục, gia đình, thì có lành mạnh không nếu chúng ta tiếp xúc với loại gây đảo lộn này? Chẳng lẽ chúng ta không nên đọc những loại củng cố đức tin và luân lý sao? Tại sao lại cố tình mò vào hang cọp tri thức và luân lý?

Bởi lẽ, tôi tin rằng, cái hang cọp này chứa đựng một phần chìa khóa dẫn tới luân lý và đức tin trưởng thành.

Một đức tin trưởng thành là một đức tin đã qua thử thách và bất kỳ các nguyên tắc luân lý nào đáng để chúng ta bái ngưỡng đều không được chùn bước trước những cái phức tạp thật sự của đời sống. Quan trọng là chúng ta có được gốc rễ vững chắc và được nuôi dưỡng trong giáo lý đức tin và các nguyên tắc luân lý của mình; nhưng để đạt đến mức độ trưởng thành, chúng ta cũng phải bị/được kéo căng và buộc phải đi qua những miền hoang vắng mà, đặc biệt là ban đầu, có thể có vẻ hỗn độn, bất ổn, và đầy đe dọa. Điều nghịch lý là bất ổn này lại có tính chất nuôi dưỡng. Nếu con tim và trí óc chúng ta rộng mở, chúng ta có thể tìm thấy trong khoảng không gian bất ổn đó đôi điều quan trọng và phong phú, nó sẽ mở rộng và làm giàu về nhân tính lẫn trong đức tin và luân lý của chúng ta.

Đây là cách Byatt đã mô tả trong cuốn Quyển sách của Trẻ em: Philip Warren, một trong những nhân vật của bà, một nghệ sĩ trẻ đầy khát vọng, anh sống trong bảo bọc, thậm chí còn thiếu cả học vấn cơ bản. Được một số nhà bảo trợ giàu có đưa đến Paris, anh nhìn lại mình, một thanh niên non nớt không được giáo dục, đứng trong phòng triển lãm của điêu khắc gia Rodin, chăm chú nhìn tác phẩm của bậc thầy vĩ đại này. Những gì anh nhìn thấy đã phá tung thế giới của anh, nhưng anh cũng cảm nhận một điều gì đó khác:

Những hình thể điêu khắc lớn lao của da thịt và cơ bắp lù lù ẩn hiện. Những khuôn mặt phụ nữ lạnh lẽo thanh tú nổi lên từ đá tảng xù xì, hay ẩn rút trong đó. Đâu đâu cũng thấy một sinh lực khủng khiếp – quằn quại, rướn sức, săn đuổi, chạy trốn, ôm siết, gào thét, nhìn chòng chọc. Phản ứng bản năng đầu tiên của Philip là quay đầu bỏ chạy. Những cái đó là quá sức. Quá mạnh tới mức sẽ hủy hoại anh – khi đối diện với cơn lốc xoáy sáng tạo điêu luyện này, làm sao anh còn có thể tạo ra những hình người lưới mắt cáo và những chai lọ đơn sơ được nữa? Vậy nhưng lại có một thôi thúc ngược lại. Cái này quá tuyệt vời, phản ứng duy nhất trước nó là tạo ra một cái gì đó. Anh suy nghĩ bằng các ngón tay và đôi mắt. Anh liều lĩnh lướt bàn tay trên những hông, những bờ môi, những ngón chân và những món tóc chạm khắc, để cảm thấy cho được chúng đã được tạo ra như thế nào.

Có một bài học ở đây, tôi tin như vậy: Chúng ta phải cẩn trọng về những gì chúng ta cho phép bước vào cuộc đời mình. Đôi khi sinh lực có thể dữ dội đến mức phá hủy, hay tiêu diệt đức tin và luân lý chúng ta. Một tinh thần lành mạnh gắn keo làm cho chúng ta vững chắc, còn phơi ra quá mức trước những gì hoang dã có thể làm cho nó tan vụn ra. Nhưng điều ngược lại cũng đúng: Chúng ta không thể nào che chắn cho đức tin và luân lý của mình bằng cách giam mình trong một căn phòng để được an toàn mà hoàn toàn đoạn tuyệt với tư duy và nghệ thuật, một căn phòng trong đó các nghệ sĩ vĩ đại và nhà văn thế tục bị coi là những mối đe dọa.

Khi học triết ở trường dòng, tôi có hai loại giáo sư: Một nói với tôi rằng, là học viên trường dòng, chúng tôi phải đọc những tư tưởng vĩ đại như Kant, Hegel, Feuerbach, Durkheim, và Marx chỉ để chúng tôi có thể phản bác họ. Loại thứ hai khuyên khác: “Cứ công nhận như vậy, vì đó là những bộ óc có đôi điều để dạy anh, điều gì đó sẽ giúp ích cho anh rất nhiều, ngay cả đối với đức tin của anh. Hãy cẩn trọng, nhưng hãy rộng mở!”

Cẩn trọng, nhưng rộng mở, thật sự đó là chìa khóa: Mọi vương quốc đều cần được bảo vệ. Tin khác đi là ngây thơ. Có những mối nguy hiểm trong việc đơn giản mở rộng lòng mình một cách ngây thơ và bừa bãi với tất cả mọi thứ và bất kỳ thứ gì rực rỡ, tràn đầy năng lượng tình cảm hay căng đầy sức sống. Đôi khi sức mạnh nguyên sơ của nó có thể tràn ngập và chôn vùi chúng ta. Ở xã hội phương Tây ngày nay không phải vì thiếu sinh lực mà chúng ta có vấn đề. Trái lại, ngày nay chuyện quá thường xảy ra là người ta thiếu một điều gì đó để có thể bám víu về mặt luân lý và tín ngưỡng.

Nhưng đôi khi trong giới giáo hội của chúng ta, điều ngược lại là đúng. Chúng ta quá khiếp sợ trước sinh lực, đặc biệt khi nó biểu hiện ra trong nghệ thuật và văn chương. Goethe từng viết: Có nhiều mối nguy hiểm đối với cuộc đời, và sự an toàn là một trong những mối nguy hiểm đó. Có thể việc đọc những cuốn sách như Quyển sách của Trẻ em của A. S. Byatt sẽ khiến chúng ta bị đảo lộn, nhưng có lẽ, trên dặm đời xa thẳm, chúng ta sẽ còn bị đảo lộn hơn nữa nếu không đọc.

J.B. Thái Hòa dịch

766    21-11-2017