Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Bị nhiễm coronavirus, Đức Giám mục Delmas khá hơn

 Bị nhiễm coronavirus, Đức Giám mục Delmas khá hơn

Đức Giám mục Delmas, giáo phận Angers

 

Bib nhiễm coronavirus, Đức Giám mục Emmanuel Delmas giáo phận Angers khá hơn nhưng chưa lành. Công việc hàng ngày của ngài là cầu nguyện, dâng thánh lễ, đọc sách và tiếp tục điều khiển giáo phận ‘đàng xa” từ tòa giám mục nơi ngài bị cách ly.

Kính Giám mục, bây giờ cha cảm thấy như thế nào?

Tôi khỏe hơn vì tôi không còn sốt, nhưng chưa lành hẳn. Các triệu chứng vẫn còn và không dễ chịu cho mấy: mất vị giác, mất khứu giác. Tôi hy vọng sẽ sớm lành. Tôi cũng có hơi mệt. Nhưng tôi đỡ hơn nhiều so với thời gian tôi ở Rôma trong chuyến đi ngũ niên ad limina. 

Cha có triệu chứng gì khi bệnh bắt đầu?

Dĩ nhiên triệu chứng đầu tiên là sốt. Sau sốt là ho và cảm cúm. Mệt mỏi là có nhưng tôi không nhận ra. Sốt là triệu chứng cho thấy bệnh đang phát triển. 

Cha được săn sóc như thế nào khi cha có các triệu chứng này ở Rôma?

Không bao giờ dễ dàng để được săn sóc khi mình ở nước ngoài vì mình ở xa ‘cứ địa’ của mình. Tôi có nói chuyện này với những người chung quanh tôi ở chủng viện Paris ở Rôma vì đó là nơi chúng tôi gặp nhau. Tôi uống Doliprane (thuốc hạ sốt). Tôi có trao đổi với bác sĩ, ít nhất là qua điện thoại vì họ rất bận trong hoca này. Họ khuyên tôi vài điều và xin tôi về lại Pháp gấp có thể. Tôi mới ở đoạn đầu của chuyến đi ngũ niên. Khi biết mình đang sốt, tôi cách ly ở chủng viện. Tôi không nhập viện ở Ý.

Khi cha gặp Đức Phanxicô, ngài có bắt tay cha không?

Dĩ nhiên tôi có bắt tay ngài vì ngài cho phép tất cả các giám mục vùng miền tây nước Pháp, nhóm đầu tiên thăm ngài bắt tay. Tất nhiên là chúng tôi cẩn thận rửa tay, khử trùng bằng thuốc tẩy gel-cồn. Chúng tôi ngồi cách xa nhau để không có nguy cơ lây nhiễm qua cho ngài. 

Cuộc gặp với Đức Phanxicô đã xảy ra như thế nào?

Đó là một cuộc gặp khá dài, ngài dành hết thì giờ cho chúng tôi. Ngài nghe các câu hỏi và trả lời. Cuộc gặp trong bầu khí đơn sơ nhưng rất thoải mái, ngài không tránh một câu hỏi nào chúng tôi đặt ra. Một số câu được chuẩn bị trước, một số câu không. Ngài cũng nói với chúng tôi những gì ngài mong muốn.

Là giám mục giáo phận Angers, có chủ đề nào mà cha đặc biệt nhớ không?

Tôi đặc biệt nhớ ngài khuyến khích chúng tôi nên là mục tử gần gũi giáo dân. Chẳng hạn ngài nói, một giám mục phải gần với các linh mục của mình. Nếu một linh mục muốn nói chuyện với giám mục của mình thì phải tiếp ngay, không nên để quá 24 giờ, phải ấn định giờ hẹn. Ngài cũng khuyến khích chúng tôi gần những người đang gặp khó khăn, quan tâm đặc biệt đến họ.

Làm thế nào để gần nhau khi bị cách ly?

Thử thách mà tất cả chúng ta đang trải qua phải là một bài học. Chúng ta bị cách ly, không được gặp gỡ, không được tụ họp với nhau. Nhưng chúng ta không quên, về mặt thiêng liêng Chúa vẫn tiếp tục gần với những người đau khổ, gần với Giáo hội của Ngài. Trong Giáo hội, chúng ta phải phản ánh sự gần gũi của Chúa với chúng ta. Tôi trải nghiệm điều này qua các phương tiện đa dạng mà tín hữu kitô, các giáo phận, các linh mục, cộng đoàn triển khai lòng thương xót Chúa với giáo dân. Có một cái gì tràn đầy hy vọng và ánh sáng mang đến cho chúng ta trong thử thách này. Con vi-rút không chặn được sự gần gũi của chúng ta với Chúa.

 Là giám mục, cuộc sống hàng ngày của cha bây giờ như thế nào?

Tôi bị cách ly, tôi hoàn toàn không ra ngoài. Ngày của tôi vì thế bị xáo trộn. Dù vậy tôi cố gắng dàn xếp theo một chương trình khá đơn giản: cầu nguyện, dâng thánh lễ ở nhà nguyện của tòa giám mục. Dù dâng thánh lễ một mình, tôi mang trong lời cầu nguyện của tôi tất cả những ai tôi nối kết về mặt thiêng liêng. Tôi liên lạc với cô thư ký, cô thường xuyên gởi tin tức cho tôi. Còn các vấn đề cần giải quyết khá nhanh, tôi dành thì giờ để làm việc và trả lời gấp. Sau đó tôi dành nhiều thì giờ riêng cho mình, thì giờ yên tỉnh, tôi cầu nguyện nhiều hơn, đọc sách, suy gẫm. Cuộc sống của tôi khá đơn giản.

Các giám mục cùng ở Rôma về với cha đều bị cách ly. Cha có nói chuyện với họ thường không?

Tôi nhận nhiều tin nhắn thông cảm, nâng đỡ thân tình. Việc toàn nước cách ly trong lúc này làm cho việc cách ly được dễ dàng hơn là trong tình trạng bình thường.

Cha nói gì với những người bị nhiễm coronavirus như cha và những người bị các bệnh khác?

Một số người bệnh nặng hơn tôi, những người có các bệnh khác trước. Họ sẽ gặp khó khăn hơn tôi. Đa số những người bị nhiễm đều lành. Có những dấu hiệu hy vọng. Phải khuyến khích người bệnh giữ liên lạc với người khác để họ không cảm thấy mình bị bỏ rơi, không bị cô lập hoàn toàn.Và cũng có tình tương trợ với các người thân của họ để người bệnh cảm thấy mình được nâng đỡ, qua nhiều cử chỉ nhỏ để họ không thấy mình bị cô lập. Các triệu chứng có đó, phải kiên nhẫn chấp nhận và dùng dịp này để xem trọng những chuyện rất đơn giản mà đôi khi mình hay quên trong đời sống thường ngày.

Cha liên kết Tuần Thương Khó sắp đến với sự đau khổ của người bệnh như thế nào?

Theo tôi, thử thách này phải được xem như lời mời gọi đừng quên mang chiều sâu và ý nghĩa này. Với toàn Giáo hội, đó là ý nghĩa của Mùa Chay được mời để kết hiệp hơn với những gì Chúa Giêsu đã sống và tiếp tục sống giữa chúng ta qua Giáo hội của Ngài. Có một trách nhiệm thực sự mà chúng ta phải đảm trách, chúng ta phải ý thức sự hiệp thông này và chúng ta phải sống với Chúa, Đấng ở giữa chúng ta và sống với chúng ta. Chúng ta ”nhân dịp” thử thách này để cảm nghiệm hơn ơn mà Chúa kêu gọi chúng ta sống trong ánh sáng này để chúng ta chuẩn bị lễ Phục Sinh, lễ mang đến nhiều hy vọng cho chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

414    21-03-2020