Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Bí tích hòa giải (Reconciliation=Confession) cần thiết ra sao cho phần rỗi của con người?

Bí tích hòa giải (Reconciliation=Confession) cần thiết ra sao cho phần rỗi của con người?


 
Hỏi: Có linh mục kia đã nói rằng Chúa Giêsu đã chết để đền tội cho loài người rồi, Nên không ai cần phải đi xưng tội nữa. Điều này có đúng không, xin cha giải đáp giúp.

reconciliation.jpg

Trả lời:

 

Nếu đúng như câu hỏi trên, thì tôi không biết ông linh mục kia đã học thần học bí tích ( Theology of Sacraments) ở đâu mà lại dạy sai lầm như vậy.

 

Nếu học đến nơi đến chốn, thì mọi linh mục đều phải hiểu và dạy rằng Chúa Giêsu đã chết để đền tội thay cho con người. Nhưng Chúa không tiêu diệt hết mọi mầm mống của tội trong trần gian và trong bản tính của con người đã bị băng hoại vì tội Nguyên Tổ ( Original Sin). Vì thế ,sau khi  đã được tái sinh qua Phép Rửa- những người được rửa tội rồi, vẫn còn có thể phạm tội cá nhân nhiều lần nữa chứ, vì bản tính yếu đuối,  vì gương xấu, dịp tội còn đầy rẫy trong trần gian và nhất là vì ma quỷ luôn cám dỗ để lôi kéo con người ra khỏi tình thương của Chúa, khiến mất hy vọng được cứu rỗi  để vào Nước Trời vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa,sau khi chấm dứt hành trình con người trên trần thế này.

 

Chính vì Chúa biết rõ như vậy, nên sau khi từ cõi chết sống lại, và hiện ra với các Tông Đồ, Chúa Kitô đã phán bảo các ông như sau:

 

“ Anh  em tha tội cho ai, thì người ấy được tha 

Anh  em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ. ( Ga 20: 22)

 

Trên đây là nền tảng Kinh Thánh của Bí Tích Hòa giải ( Sacrament of Reconciliation) mà Chúa Kitô đã trao cho các Tông Đồ tiên khởi và cho Giáo Hội ngày nay để tiếp tục tha tội cho những ai còn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa để chạy đến xin Người tha thứ mọi tội lỗi, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội hoàn toàn  chối bỏ Thiên Chúa và tình thương của Người , nên không thể tha thứ được nữa..

 

Vậy, nếu không cần phải xưng tội nữa , thì Chúa lập bí tich Hòa Giải để làm gì và cho ai ? ??.

 

Người ta phạm tội vì bản chất yêu đuối, vì gương xấu, dịp tội trong trần gian, và nhất là vì ma quỷ ví như “ sư tử đói  gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” cám dỗ mãnh liệt như Thánh Phê Rô đã cảnh giác.( 1Pr 5: 8-9).

 

Thêm vào đó và quan trọng hơn cả,  là vì con người còn có ý muốn tự do( free will) mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người xử dụng để : hoặc chọn sống tin yêu Chúa, hay khước từ Chúa để tự do làm những sự dữ như oán thù , trộm cắp, bài bạc, khủng bố, chém giết nhau, phá thai, thay chồng đổi vợ, dâm ô thác loạn… buôn bán phụ nữ và trẻ nữ cho bọn ma cô tú bà hành nghề mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn và tội lỗi,  như thực trạng sống của biết bao con người ở khắp nơi trên thế giới tuc hóa, vô luân vô đạo ngày nay.

 

Là người tín hữu Chúa Kitô , bao lâu còn sống trên trần gian và trong thân xác có ngày phải chết đi này, không ai là người dám nói mình không có tội như Thánh Gioan Tông Đồ đã dạy như  sau :

 

“ Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội 

Chúng ta tự dối mình 

Và sự thật không ở trong chúng ta 

Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi 

Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính 

Sẽ tha tội cho chúng ta.” ( 1Ga 1: 8-9)  

 

Và đó là lý do cần có Bí Tích Hòa giải để mọi người tín hữu chúng ta chạy đến để xin Chúa thứ tha mọi tội lỗi  qua tay các Thừa tác viên có chức thánh là linh mục và giám mục.  Như thế, xưng tội là một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống thiêng liêng của mọi tín hữu trong Giáo Hội, từ giáo dân đến giáo sĩ và tu sĩ .

 

Trong mùa chay năm qua (2016), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu gương sáng cho mọi tín hữu qua việc ngài công khai đến xưng tội với một linh mục trong Đền Thánh Phêrô trước khi ngài ngồi tòa  để nghe và tha tội cho các hối nhân khác đến xưng tội.

 

Như vậy, thật là sai trái cho ai đã  nói với người khác là  Chúa Kitô đã đền hết tội cho nhân lại qua khổ hình thập giá  rồi, nên không ai cần phải đi xưng tội nữa ! Nói như vậy  là phủ nhận thực trạng nói trên của con người và chối bỏ lý do khiến Chúa  Kitô đã lập Bí Tích Hòa Giải để tha mọi tội cá nhân cho con người, sau khi được tái sinh và thanh tẩy qua Phép Rửa.Được thanh tẩy một lần khỏi tội Nguyên Tổ và các tội cá nhân ( người lớn khi được rửa tội)

 

Nhưng vì bản chất còn yếu đuối nên người ta lại tiếp tục phạm những tối cá nhân nhiều lần nữa chứ ?, vì  ơn ích của Phép Rửa không có  hiệu lực tha thêm những tội này. Muốn tha phải  cần có Bí Tích Hòa Giải mà Chúa Kitô đã thiết lập để Giáo Hội tiếp tục tha các tội cá nhân đã lỡ phạm vì yếu đuối con người , vì ma quỷ cám dỗ , vì thế gian mời gọi với mọi gương xấu và dịp tội.  

 

Chúa tha thứ thêm  nhưng con người không được lợi dụng lòng tha thứ này để cứ phạm tội, rồi lại đi xưng tội. Hoặc không xưng tội vì hiểu lầm- hay cố ý hiểu sai- là Chúa Kitô đã chết để đền tội cho nhân loại, nên khỏi cần xưng tội nữa !!! . Chúa chết một lần để tha  một lần mọi tội Nguyên Tổ và tội cá nhân  cho con người qua Bí Tích ThanhTẩy ( Rửa Tội).Nhưng vì biết con người sẽ còn phạm thêm nhiều  tội cá nhân nữa , nên Chúa đã lập thêm bí tích Hòa giải để tha các tội cá nhân này , như:  oán thù, giết người, giết thai nhi, dâm ô , ngoại tình, bỏ vạ cáo gian, lường gạt, bóc lột, bất công, khuỷnh bố, bài bạc…  chậy xe quá tôc độ khiến gây tử vong cho người khác hay cho chính mình….

 

Vì con người còn phạm thêm các tội cá nhân  sau khi được rửa tội, nên  Chúa Giê-su đã hai lần phán bảo phải chừa tội, trong  khi Người còn đang  đi rao giảng Tin Mừng cứu độ.Một lần khi bọn biệt phải dẫn đến  xin Chúa cho ném đá một  phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình. Chúa đã bảo bọn kia là ai trong chúng  không có tội thì hãy ném đá chị kia. Bọn chúng đã lần lượt rút lui vì chúng biết mình đều có tội cả. Chúng đi rồi, Chúa  đã nói với chị kia như  sau :

 

 “ Tôi cũng không lên án chị đâu. Thôi chị cứ  về đi  và từ nay đừng phạm tội nữa.”(Ga 8: 11)

 

Chúa nói rõ với chị kìa là “từ nay đừng phạm tội nữa.” chứ không nói là nếu còn phạm tội nữa thì cứ lại đây tôi tha cho.

 

Lần khác, sau khi chữa lành cho môt anh tàng tật, Chúa lại gặp anh này sau đó ở trong Đền Thờ và nói  với anh là; “ này anh, anh đã được khỏi bệnh.Đừng phạm tội nữa, kẻo  lai phải khốn hơn trước.” ( Ga 5: 14)

 

Nghĩa là không một lần nào Chúa đã nói với ai là “các con đừng lo sợ gì về tội lỗi vì Cha đã chết thay cho kẻ có tội rồi, nên cứ vui sống và muốn làm gì thì làm, khỏi cần xưng tội nữa !. Ngược lại, khi bọn Biệt phái đến hỏi Chúa xem có phải mấy người bị Tổng Trấn Phi-la Tô giết và 18 người khác bị thác Si-ô-a đổ xuống đè chết có phải họ là những người tội lỗi hơn người khác  ở Jerusalem không,  Chúa đã trả lời họ như sau:

 

“ Không phải thế đâu. Nhưng nếu các anh không sám hối,  thì cũng sẽ chết hết như vậy.” ( Lc 13:  3-5)

 

Sám hối có nghĩa là nhìn nhận mình có tội để xin Chúa tha thứ. Chúa ghét mọi tội lỗi nhưng lại yêu thương kẻ có tội biết ăn năn xin tha thứ. Nhưng tha thứ rồi thì phải quyết tâm mà chừa bỏ tội lỗi . chứ không thể lợi dụng lòng thương xót của Chúa để cứ phạm tội, cứ sống trong tội rồi lại nại công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô để bào chữa cho việc mình không cố gắng  chừa bỏ  tội hay lợi  dụng lòng thương xót của Chúa để không chạy đến với Bí Tích Hòa Giải nữa.

 

Ai cố ý sống như vậy thì hãy suy gẫm lời  Chúa Kitô đã nghiêm khắc cảnh cáo như sau trong Sách Khải Huyền :

 

“ Ta biết các  việc ngươi làm. Ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh.Phải chi ngươi nóng hẳn hay lạnh hẳn đi.Nhưng vì ngươi cứ hâm hâm,chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” ( Kh 3: 15-16)

 

Vẫn biết là con người, ai cũng yếu đuối và khó đứng vững trước mọi cảm dỗ của thế gian và ma quỷ.Nhưng nếu ta quyết tâm về phần mình,  và cậy trông ơn Chúa nâng đỡ,  thì sẽ đứng vững để sống theo đường lối của Chúa hầu được cứu rỗi  mà  vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa trên Nước Trời  mai sau.

 

Chính vì biết con người  yếu đuối  trước mọi cám dỗ của ma quỷ và lôi cuốn của thế gian với đầy rẫy gương xấu và dịp tội, nên Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa là “ không có Thầy ,anh  em chẳng làm gì được.” ( Ga 15: 5)

 

Không có Thầy, nghĩa là không có ơn Chúa phù giúp thì chúng ta không thể đứng vững trước mọi cám dỗ tinh quái của ma quỷ , mời mọc của thế gian vô luân vô đạo. Vì thế, trong đêm Người bị nộp vì Giuda phản bội, Chúa  Kitô đã ân cần nhắc các môn đệ khi đó,  và tất cả chúng ta ngày nay  về sự cần thiết phải cầu nguyện như sau:

 

 “ anh  em hãy canh thức và cầu nguyện  kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.” ( Mc 14: 38)

 

Tóm lại, bao lâu còn sống thân phận con người trên trần thế, mọi người có niềm tin Thiên Chúa phải ý thức sâu xa về những thử thách phải đương đầu để đứng vững trong đức tin, đức cậy và đức mến.

 

Thiên Chúa là Cha nhân từ biết rõ mọi khó khăn chúng ta phải trải qua để được cứu độ. Nhưng  Chúa không để cho ta chịu khó quá mức chịu đựng của con người.Vì thế, Người hằng luôn ban ơn phù trợ để giúp ta vượt mọi khó khăn và thăng tiến trong đời sống thiêng liêng, trong thân tình với Chúa.

 

Dầu vậy, về phần chúng ta, chúng ta phải tỏ thiện chí muốn sống theo đường   lối của Chúa  Cha và bước đi theo Chúa Kitô là “ Con Đường, là sự Thật và là sự Sống.” ( Ga : 14:6 ) bằng nỗ lực xa tránh tội lỗi,  vì chỉ có tội mới tách con người ra khỏi tình thương của Chúa ,khiến mất hy vọng được cứu rỗi mà thôi..

 

Nếu không có quyết tâm cộng tác với ơn Chúa để sống theo đường lối của Người thì Chúa không thể cứu ai được, vì con người còn có ý muốn tự do ( free will) để chọn Chúa, hay khước từ Chúa để sống theo thế gian, đầu hàng ma quỷ và  làm những sự dữ như giết người, giết thai nhi  rồi lấy các bộ phận trong thân thể của thai nhi để đem bán kiếm tiền như bọn Planned Parenthood đã và đang làm ở Mỹ,  trộm cướp, bài bạc, khủng bố, buôn bán phụ nữ và trẻ nữ cho kỹ nghẹ mãi dâm và ấu dâm vô cùng khốn nạn và tội lỗi, như thực trạng của thế giới tục hóa, vô luân, vô đạo hiện nay.

 

Cứ làm những sự dữ trên  mà không kíp ăn năn sám hối để từ bỏ thì công nghiệp cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô sẽ trở nên vô ich hoàn toàn cho những kẻ cứ  làm những sự dữ đó, rồi lại nại đến việc Chúa  đã chết để đền tội thay cho con người . Chúa chết một lần để  đền tội thay  cho con người  , nhưng con người không được lợi dụng công nghiệp  cực trọng này  để cứ phạm tội , cứ sống trong tội mà không cộng tác với ơn Chúa để chừa bỏ tội lỗi, như đã nói ở trên.

 

Chúa nói: “ Ai có tai nghe, thì nghe.” ( Mt 13: 43; Mc 4: 23; Lc 8: 8)

 

Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi đặt  ra.

 

LM. Phanxicô  Xaviê  Ngô Tôn Huấn

1592    21-10-2017