Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Biến hình với Chúa

Thứ Bảy tuần VI TN

(Mc 9, 1-12)

BIẾN HÌNH VỚI CHÚA
 

Biến cố biến hình trên núi Tabor đã củng cố đức tin cho các Tông đồ, đặc biệt là ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê. Biến cố này cũng giúp cũng cố đức tin cho mỗi người kitô hữu qua mọi thời đại. Đồng thời, qua biến cố này giúp chúng ta hiểu rằng muốn tới vinh quang cần phải qua thập giá. Hay nói cách khác, để được vinh quang với Chúa, mỗi chúng ta cần phải qua đau khổ, tức là phải chấp nhận biến đổi mình mỗi ngày. Biến đổi ở đây phải hiểu theo nghĩa tích cực, tức là biến đổi từ xấu thành tốt, từ tốt thành tốt hơn… 

Trang Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng ta thấy vinh quang mà Con Thiên Chúa đã có trước khi đến trần gian. Vinh quang mà Chúa Giêsu hé mở cho các Tông đồ thân tín được thể hiện sáu ngày sau khi Ngài loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết mà Ngài sắp trải qua. Qua cuộc biến hình này, Ngài muốn củng cố niềm tin của các Tông đồ vào sứ mệnh của Ngài: Ngài phải chịu chết rồi mới sống lại vinh hiển, Ngài phải trẩy đi từ sự sống qua sự chết và đạt tới sự Phục sinh vinh hiển. Và đó cũng là con đường tất yếu của những ai muốn đi theo Ngài; con đường Chúa Giêsu sẽ đi qua cũng sẽ là con đường mà các môn đệ Ngài phải đi qua.

Chẳng ai gặp Thiên Chúa thực sự mà lại không biến hình.  Ðời sống kết hiệp thực sự với Thiên Chúa làm cho người Kitô hữu tỏa sáng rực rỡ.  Biến hình không phải là trở thành cái gì khác mình, như Tôn Ngộ Không với các trò biến hoá.

Ba môn đệ thân tín được Ngài đưa lên núi Tabo, để củng cố niềm tin của họ, trước khi họ thấy Ngài như người bị Cha bỏ rơi và bị mọi người khai trừ ruồng rẫy trên núi Sọ.

Nhưng vinh quang của núi Tabo chỉ là một loé sáng bất ngờ và tạm thời, báo trước vinh quang viên mãn khi Ngài về Thiên Quốc.

Biến hình là một hành động của Thiên Chúa Cha.  Sau khi gặp Cha, Ðức Giêsu được Cha biến hình.  Sự biến đổi này ảnh hưởng đến thân xác và khuôn mặt, và đến cả y phục của Ngài.

Vinh quang của Con Thiên Chúa làm người vốn bị che khuất, nay được Cha hé mở cho các môn đệ.  Ông Môsê ngày xưa, sau khi lên núi gặp Ðức Chúa cũng đã phải che lại khuôn mặt chói lọi của mình.

Biến hình là trở lại với cái tôi sâu thẳm của mình:  tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa.  Từ khi chịu phép Thánh Tẩy, chúng ta đã bước vào một cuộc biến hình, từ từ và liên tục.  Nếu chúng ta chấp nhận đi vào đường hẹp của Thầy Giêsu chúng ta sẽ được biến hình đổi dạng và phản ánh ngời sáng hơn vinh quang Chúa (x. 2Cr 3, 18).  Chúng ta phải trở thành điều chúng ta đang là.

Cuộc biến hình nào cũng là một cuộc trẩy đi, một cuộc đổi đời. Cuộc sống của người Kitô hữu là một chuỗi những ra đi, những cái chết từng giây từng phút. Ðó là điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi chúng ta: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sai, thì không xứng đáng là môn đệ Ta".

“Xuống núi,” nghĩa là trở lại với cuộc sống thường ngày của mỗi người. Các môn đệ phải tiếp tục đi theo Đức Giêsu. Các ông tiếp tục nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Đặc biệt, các ông sẽ chứng kiến cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Ngài. Sau cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, các ông hiểu hơn về ý nghĩa của biến cố này. Vì vậy, các ông dễ dàng chấp nhận những “thập giá” trong cuộc đời theo Chúa để trung thành với Chúa mãi đến cùng: Thánh Giacôbê là vị tử đạo đầu tiên trong số các Tông đồ; Thánh Gioan là chứng nhân cuối cũng của các Tông đồ; Thánh Phêrô là Tông đồ trưởng, cũng đã lấy cái chết tử đạo để làm chứng cho Thầy mình.

Ðời sống Kitô hữu là một cuộc lên núi và xuống núi với Chúa Kitô mỗi ngày.  Cần cảm nếm được sự dịu ngọt và hạnh phúc khi được chiêm ngắm Chúa Giêsu trên núi cao.  Nhưng cũng phải xuống núi với Chúa để đi đến nơi hiến mình, nơi phục vụ, đi cùng và đi sau Chúa Giêsu đến với Vườn Dầu và Núi Sọ.

Trong đời sống thường nhật, ta cần giũ bỏ cái cũ trong nếp sống mới, đổi mới tâm trí và mặc lấy con người mới của Chúa Kitô như lời Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4, 22-24).

Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nghiêm chỉnh tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi có thực sự muốn được biến hình không? Tôi có thực sự muốn sống sự sống thần linh của Chúa không? Tôi có thực sự muốn làm môn đệ của Chúa không? Ðức tin của tôi có đủ mạnh để biến đổi cuộc sống của tôi không? Mỗi quyết định của tôi trong cuộc sống có là một bước tiến để đưa tôi đến gần cuộc sống vĩnh cửu không?

Để được biến đổi trở nên chính mình là con đường Chúa đi: đó là con đường yêu thương, con đường từ bỏ và tự hũy giữa một thế giới hưởng thụ và nhiều cám dỗ mời mọc. Và chỉ có trong gặp gỡ với Chúa, trong cầu nguyện, trong thánh lễ mỗi ngày, chúng ta được gần Chúa và được Chúa uốn nắn và biến đổi trở nên tinh tuyền và thánh thiện hơn.

CTV Truyền Thông Vĩnh Long

 

 

3382    01-02-2017