Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Bỏ đi óc thành kiến

05/04/2019

Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay

Kn 2, 1a. 12-22; Ga 7, 1-2. 10. 25-30

BỎ ĐI ÓC THÀNH KIẾN

          Phụng vụ tuần thứ 4 đang dẫn chúng ta từng bước đến đỉnh cao của mầu nhiệm thập giá. Nhưng để diễn tả mầu nhiệm tình yêu này, Đức Giêsu đã trải qua nhiều khổ đau cho đến chết. Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy người Do Thái đang lăm le tìm bắt Chúa Giêsu để tố cáo Người. Nhưng tác giả Tin Mừng thứ tư trình bày một Chúa Giêsu uy quyền, Người không để cho người Do Thái tìm bắt Người một cách dễ dàng, bao lâu Người chưa mạc khải về nguồn gốc thần linh của Người cho họ. 

          Óc thành kiến ​​và tự cho là mình đúng, ngăn cản họ nhìn thấy Đấng Cứu Thế trong Chúa Giêsu. Óc thành kiến ​​của họ ngăn cản họ đặt niềm tin vào Ngài. Sự thật rằng, thành kiến và sự xét đoán ngăn cản chúng ta tôn trọng phẩm giá mọi người. Phải chăng thành kiến và sự xét đoán là nguyên nhân của nhiều cuộc xung đột. Thành kiến đã khóa chặt chúng ta, không cho chúng ta nhìn về người khác cách chân thành.

          Trong câu tường thuật đầu tiên, thánh Gioan nói Chúa Giêsu thường đi lại trong miền Galilê, chứ không muốn đi lại trong miền Giuđê vì người Do Thái đang tìm giết Người (c.1).

          Thật sự mà nói đâu phải chỉ có người Do Thái đang tìm giết Người, nên Người không qua lại trong miền Giuđê, mà cả những người thân trong gia đình của Người cũng không tin Người (c.5). Họ muốn Người không chỉ qua lại miền Giuđê mà còn muốn Người lưu lại ở đó, vì họ cho rằng Giuđê là nơi Thiên Chúa mạc khải, còn Galilê là miền tối tăm u ám (x c.27), nhưng Chúa Giêsu từ chối “đóng đô” ở Giuđê.  

          Hôm đó cũng là ngày Lễ Lều. Lễ này muốn nhắc cho người Do Thái nhớ thời họ còn lưu lạc ở trong Sa mạc. Lễ này được cử hành vào mùa thu cũng là mùa hái nho. Trong dịp lễ này, người Do Thái thường cầu mưa cho mùa màng sắp tới, nên trong 7 ngày họ rước nước từ hồ Siloê về tới Đền thờ, rồi tưới lên bàn thờ; còn dân chúng tay cầm nhành lá và rước theo sau.

          Các môn đệ của Chúa Giêsu cũng lên Giêrusalem để dự lễ này, Chúa Giêsu cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật (c.10). Nhưng Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan muốn cho thấy quyền uy ở trong Người. Người quyết định một cách tự do trong việc đi lại chứ không vì sợ người Do Thái, bằng chứng là Người vẫn tiếp tục giảng dạy và trả lời một cách rõ ràng cho những kẻ chỉ tin bằng mắt thấy tai nghe.  Họ suy nghĩ theo “tính xác thịt”, nên không nhận ra Chúa Giêsu chính là Messia mà họ mong đợi. Họ cho rằng gốc gác của Người quá rõ ràng và còn quả quyết là mình biết Người : “chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi” (c.27b), bởi thế Người không thể là Đấng Messia được.

          Điều mà người ta không biết, đó là ơn gọi và sứ mạng mà Chúa Giêsu nhận lãnh từ Thiên Chúa. Ngài không tự mình mà đến, nhưng giống như các ngôn sứ, Ngài đã vâng theo một ơn gọi, ơn gọi đó là bí ẩn của đời Ngài. “Tôi đâu có tự mình mà đến. Ðấng đã sai tôi là Ðấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến và chính Người đã sai tôi".

          Người ta chống đối giáo huấn của Chúa Giêsu, họ luôn cố tìm lý do để bào chữa cho việc họ không tin Ngài. Họ dựa vào các định kiến có sẵn và tìm mọi lý do để có thể loại bỏ Ngài. Không phải vì sự ngu dốt đã khiến cho các kinh sư và những người Pharisiêu không biết và không yêu mến Chúa Giêsu. Họ là những người có kiến thức đấy chứ. Trước đây, họ chống đối Ngài vì họ không biết do đâu mà Ngài có được giáo huấn sâu sắc như thế. Bây giờ họ chống đối Ngài vì họ biết gốc tích của Ngài.

          Nhận biết Thiên Chúa  không chỉ là vấn đề kiến thức sách vở, nhưng còn là đón nhận lời Thiên Chúa, đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Có những người bình dân, học ít, nhưng lại có một nhận thức về Thiên Chúa rất sâu xa, như thánh nữ Catarina Siena, như cha Gioan Maria Vianney… Ngược lại, có nhiều người rất thông giỏi, nhiều bằng cấp nhưng lại không đạt được nhận thức ấy. Có những người từng tham gia các sinh hoạt trong các xứ đạo nhiều năm, nhưng trong tương quan với Chúa vẫn còn một khoảng cách khá xa.

          Đối với họ, Đấng Messia phải là người có nguồn gốc từ trời cao, là đấng quyền năng, bí ẩn… Thừa cơ hội này, Đức Giê-su đã cho họ thấy, Ngài chính là Đấng Messia có nguồn gốc từ thần linh ấy, và Đấng quyền năng bí ẩn đó cũng chính là Người, vì họ không biết Người “từ Chúa Cha mà đến” (c. 29) và Người “đi đến cùng Đấng đã sai Người” (c. 33). Do đó, Người tỏ uy quyền bằng cách không để cho họ bắt Người, vì “giờ của Người chưa đến”.  “Giờ” đó còn có nghĩa là chưa tới lúc thuận tiện để mạc khải mầu nhiệm cao cả của Người cho con người. Vì thế, Người hoàn toàn tự do trong việc mạc khải, chứ không do can thiệp của loài người.

          Từ ý nghĩa này, chúng ta có thể hiểu hơn về cái chết của Người : Người chủ động lên Giêrusalem để chịu nộp mình và chịu chết, chứ không để người ta lùng bắt và giết chết Người. Hành động của con Người đó chính là con người thật mà thánh sử Gioan muốn diễn tả trong bài Tin Mừng của Ngài.

          Nhìn lại cuộc đời ta thấy có khi ta cũng có thể giống những Pharisêu năm xưa, nếu chỉ thỏa mãn một số kiến thức giáo lý về Thiên Chúa thì chúng ta khó có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi bản thân, gia đình, xã hội và mọi biến cố đang diễn ra. Chúng ta chỉ có thể nhận biết Chúa cách hời hợt trong nhà thờ, giữ đạo hình thức ở những nơi trang nghiêm. Khi ra khỏi những nơi đó thì chúng ta vẫn mua gian bán lận, vẫn nói hành nói xấu người khác và vẫn làm những điều trái mắt Chúa.

          Và rồi ta thấy từ chỗ không nhận biết Chúa cách trọn vẹn, chúng ta dễ có lối sống hai mặt. Trước mặt người khác thì làm bộ sống đạo đức nhưng thực chất bên trong thì làm toàn những việc ác hại người. Thế cho nên trang Tin mừng này được Giáo hội đặt trong tâm tình và bầu khí mùa chay nhằm giúp chúng ta xác định rõ ràng. Nhận biết Chúa thực sự giúp ta thanh tẩy đời sống và thánh hóa bản thân cho phù hợp với tinh thần mùa chay.

610    04-04-2019