Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Bớt sống ảo để bước ra đời thật.

Các bạn thân mến !

Hai từ “ Sống ảo” chắc chắn là không xa lạ gì với tuổi trẻ chúng ta hôm nay. Chỉ trong ý nghĩa của từ ngữ cũng đã diễn tả một điều mang nét tiêu cực. Còn trong cuộc sống hàng ngày, nó đang là một trào lưu, mà một số đông các bạn trẻ đã bước vào như một cách thế khẳng định mình. Các chuyên gia đã nhìn trào lưu này như thế nào ? Xin giới thiệu với các bạn cuộc trao đổi với thạc sĩ khoa học Trần Văn Hùng - chuyên gia bảo mật trong và ngoài nước, sáng lập Lớp học xanh Sơn Nam.

Thưa ông!Vốn là chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông nhận thấy mạng internet có sức hút lẫn cám dỗ như thế nào?

Internet cùng những trò chơi trên đó có sức hút rất cao. Trước hết, nó có thiết kế bắt mắt, thách thức và tạo nhiều cơ hội, tình thế… cho người tham gia. Thứ hai, nó chọc vào tính tò mò của lớp trẻ, đặc biệt là tuổi teen với tâm sinh lý đang phát triển mạnh, dễ thỏa mãn tính tò mò mà không bị kiểm soát. Thứ ba, do chỉ chơi với mạng và máy tính hoặc điện thoại di động mà tôi gọi là chơi với “cục sắt”, nên người chơi về nguyên tắc không bị chịu trách nhiệm gì, thắng thua cũng không sao. Trong khi đó, các trò chơi dân gian hoặc các môn thể thao ngoài đời đòi hỏi phải tập luyện, phải chịu trách nhiệm...

Theo ông, hệ lụy của việc suốt ngày cắm mặt vào những “cục sắt” đó là gì?

Do ngồi miệt mài hàng tiếng đồng hồ và không thiết đến ăn uống khiến thể chất của người chơi như mắt, cột sống, dạ dày đều bị ảnh hưởng. Hệ lụy kéo theo là học hành hoặc làm việc rất kém. Đặc biệt, với những người nghiện game, tâm lý của họ rất bất ổn, dễ buồn chán, nói dối tăng. Thẩm mỹ của họ cũng có thể méo mó, tính tình hung hăng bởi chủ yếu trong các game là bắn phá, giết nhau.

Trong game, mọi người cưới nhau, bỏ nhau thoải mái nên khái niệm về gia đình, tình yêu thiêng liêng là điều xa vời. Nghiêm trọng hơn là sự nhập vai vào các game, thậm chí có thể hóa thân gây án mạng.

Tình trạng nghiện mạng xã hội cũng làm cho quan hệ con người dở đi. Tôi từng ngồi ở quán cà phê nghe một cô gọi điện rủ bạn ra uống cà phê. Lát sau có 4 - 5 cô ra thật nhưng gọi cà phê xong thì chẳng cô nào ngồi uống với cô nào cả, bởi mỗi cô ôm một cái máy.

Nhiều trẻ kể với tôi rằng khi cả nhà ăn cơm, thỉnh thoảng bố mẹ lại chát chít, post cái này cái kia trên mạng. Ngay cả bố mẹ cũng chẳng tập trung ăn cơm thì còn gì là bữa cơm gia đình nữa!

Theo một chuyên gia trị liệu cho người nghiện mạng xã hội ở Mỹ, việc nghiện mạng xã hội còn tệ hơn lạm dụng rượu và ma túy, bởi vì nó hấp dẫn hơn và không bị kỳ thị như các loại nghiện kia. Điều đó dẫn theo việc trị liệu cũng khó khăn hơn. Ông nghĩ sao về điều này?

Nghiện cái gì cũng không tốt, kể cả nghiện chocolate. Theo tôi, cả ba hình thức nghiện này đều rất nguy hiểm và mọi người cần phải tránh. Riêng với mạng xã hội, tôi cho rằng hiện nay nó đã trở thành xu thế rồi, người ta dùng liên tục, không cấm được. Nó cũng như cái chợ, có chợ tốt chợ xấu. Cho nên, làm sao định hướng những mặt tích cực, để người ta sử dụng có kiểm soát. Trung bình mỗi ngày vào mạng chơi khoảng 30 phút là có thể chấp nhận, còn chơi từ 3 tiếng trở lên thì coi như bị nghiện rồi.

Với những người trẻ thường xuyên sống ảo, làm thế nào để họ có thể bước ra đời thực, sống thực nhiều hơn?

Cái ảo là những gì xảy ra trong máy tính, trên màn hình. Còn cái thật là thiên nhiên, là cuộc sống và con người thật bên ngoài. Chúng ta muốn sống thật, muốn buông bỏ bớt game, mạng xã hội này nọ thì phải trám các thứ khác ở ngoài đời vào, chẳng hạn như thể thao, du lịch. Khi sống với đời thật thì bất kỳ trò chơi dân gian nào, môn thể thao nào cũng giúp phát triển rất nhiều thứ: thể lực, mắt, tay chân, ngôn ngữ, trí tuệ, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn...

Một trong những cách trị liệu hiệu quả để bứt khỏi những cơn nghiện trên màn hình là tìm về thiên nhiên thật nhiều. Nên tham gia những hoạt động ngoài đời như làm từ thiện, sinh hoạt tập thể... để giúp phát triển tâm hồn và trí tuệ.

Điều mà ông muốn khuyên người trẻ là gì?        

Tôi muốn nhắn nhủ với bạn trẻ là sống ảo thì tất cả cũng chỉ là ảo thôi, tình yêu, bạn bè, tiền bạc đều ảo, rồi lừa nhau loạn xạ trên mạng. Cuối cùng, chúng ta cũng vẫn phải sống thật, phải rèn luyện những kỹ năng thật, bởi vì cuộc sống vẫn phải tiến về phía trước. Nếu cứ mãi đắm đuối trong game, trong mạng xã hội, chúng ta chỉ có thể già đi nhưng không trưởng thành.

 

(sưu tầm)

1980    07-06-2017