Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Bước Đường Nên Thánh

Bước Đường Nên Thánh

Mỗi người chúng ta từ khi lãnh nhận Bí tích rửa tội, là chúng ta được thuộc về Chúa và được mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48). Trong Tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỉ” của Đức Thánh Cha Phanxicô ngài đã nói: “Sự thánh thiện là diện mạo hấp dẫn nhất của Hội thánh.” Trong tông huấn này, Đức Thánh cha nhấn mạnh đến lời mời gọi nên thánh mà chính Chúa đã ngỏ lời với mỗi người: “Hãy nên thánh, vì ta là Đấng Thánh” (Lv 11,44; 1Pr 1,16). Để có thể tiến đến con đường nên thánh, thì mỗi người sẽ chọn cho mình một phương cách theo điều kiện và môi trường sống của mình. Hôm nay, tôi xin được trình bày con đường nên thánh trong đời sống thánh hiến.

“Dù sống trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi vươn đến sự thánh thiện trọn hảo.” (ĐTC Phaxicô, Tông huấn “Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ”). Nhưng đời sống thánh hiến chính là một phương thế giúp chúng ta dễ nên thánh hơn. Người ta vẫn thường nói đời sống thánh hiến là một ơn gọi đặc biệt, được thiên Chúa tách biệt ra khỏi thế gian để thuộc trọn về Ngài và theo sát Ngài trên con đường tìm kiếm sự hoàn thiện. Khi người tu sĩ sống theo sát Đấng Thánh, thì nó sẽ giúp cho họ đi vào trong đời sống hoàn thiện, từ đó nó sẽ giúp cho họ hình thành được những điều tốt. Ví dụ: người tu sĩ có khoảng thời gian nhiều hơn cho đời sống thiêng liêng như: tham dự thánh lễ, cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa….điều đó làm cho đời sống của họ được gắn kết với Ngài.

Một trong những yếu tố “căn bản của đời tu chính là bước theo sát Đức Kitô, đó là sự đáp trả lời mời gọi của Ngài: “Hãy theo tôi” (Mt 9,9; Ga 1,43). Sự đáp trả này hệ tại việc từ bỏ mọi sự để theo sát Đức Kitô, chia sẻ cuộc sống với Ngài, gắn bó với Ngài.” Một trong điều kiện cần thiết để trở nên môn đệ của Đức Kitô là sự “từ bỏ,” bằng chứng là Phêrô và Anrê bỏ chài lưới, bỏ gia đình, Mátthêu bỏ nghề thu thuế của mình… Chính anh thanh niên có nhiều của cải đã đến thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?.” Đức Giêsu đã đưa ra những giới răn, anh đã tuân giữ và thực hiện tốt, nhưng một trong những điều để “nên hoàn thiện là anh phải đi bán tài sản của anh để đem cho ngừơi nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21).

Chính Đức Phaolô VI đã định nghĩa, tu sĩ là những người “tìm điều thế gian tránh và tránh điều thế gian tìm.” Sự từ bỏ chắc chắn phải có sự hy sinh, có lúc ta phải trả giá đắt trên con đường tìm kiếm sự thiện hảo. Đời tu là một hồng ân đặc biệt mà Chúa đã chọn gọi những ai bước theo Ngài, nhưng nó cũng không thiếu những chông gai, khó khăn, thử thách. Như thánh Phêrô đã nói: Vàng là của phù vân mà còn phải chịu thử lửa.” Vì thế, chúng ta cũng phải trải qua cuộc thanh luyện đức tin, để giúp thêm vững tin và yêu mến Chúa hơn. Đôi khi, cuộc sống có những thách đố lớn. Qua đó, Chúa mời gọi chúng ta một lần nữa hoán cải, để có thể làm cho ân sủng của Ngài nên rõ ràng hơn trong cuộc sống của mình, “để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người” (Dt 12,10). Nó còn đòi hỏi chúng ta  phải lột bỏ cái tôi để đi vào nếp sống của dòng tu, với những kỷ luật, ba lời khuyên Phúc Âm. Đây là phương thế tốt giúp chúng ta biết sống từ bỏ và trở nên giống Đức Kitô hơn. Vì chính Đức Kitô đã thực hành trước, Ngài đã từ bỏ tất cả mọi vinh quang, danh dự và uy quyền để xuống thế làm người như chúng ta, nhưng ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã hạ mình xuống để nâng chúng ta nên làm con Chúa và cho chúng ta được thông phần vào sự sống của Ba Ngôi.

Như vậy, để nên thánh, người tu sĩ phải trở nên chứng nhân cho Chúa giữa một thế giới đang bị tục hóa, với nhiều những xáo trộn về luân lý. Trong Tông huấn Niềm vui hoan hỷ Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Việc gắn bó chặt chẽ với Đức Kitô và ý muốn của Người đòi hỏi bạn phải dấn thân cùng Người xây dựng nước của tình yêu, công lý và hòa bình. Bạn không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà không dấn thân, cả thân xác lẫn linh hồn.” Vì thế, để đời sống của người tu sĩ dấn thân cách triệt để, thì họ phải biết sống từ bỏ. Sự từ bỏ cụ thể là sống ba lời khuyên phúc âm và tuân theo những Lời Chúa dạy cùng với những kỷ luật, hiến pháp của dòng mà mỗi người tự nguyện dấn thân, chọn lựa.

Qua lời khấn khiết tịnh, người tu sĩ đang sống trước thực tại cánh chung và hướng mở mọi người đến hạnh phúc đích thực mai sau. Nơi đó “người ta sẽ không còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mt 22,30). Lời khấn khiết tịnh còn biểu lộ một con tim không chia sẻ dâng hiến cho Thiên Chúa.

Qua lời khấn thanh bần, giúp cho người tu sĩ sống siêu thoát với những của cải vật chất nơi trần thế mà con người ngày hôm nay vẫn đang tìm kiếm. Nấc thang giá trị của cuộc sống cũng đang bị đảo lộn bởi vật chất. Vì thế, người tu sĩ sống khó nghèo để làm chứng rằng: kho tàng đích thực của chúng ta là ở trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được (Mt 6,20). Với lời khấn thanh bần, nó giúp chúng ta sống trao ban một cách trọn vẹn.

Qua lời khấn vâng phục, giúp người tu sĩ sống chứng tá về đời sống vâng phục thánh ý Chúa, biết lấy thánh ý Chúa Cha làm lương thực. Có một giáo sư đã nói: Khi vâng phục là chúng ta đang thi hành sứ mạng của Giáo hội, bởi vì sứ mạng của Giáo hội là của Chúa Kitô, sứ mạng của Chúa Kitô là cứu rỗi các linh hồn.”

Với ba lời khấn, người tu sĩ còn phải để cho Lời Chúa soi dẫn. Trong thánh vịnh 118 đã nói: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105). Nếu chúng ta đi trong đường lối của Chúa, thì đó chính là con đường giúp chúng ta tiến đến con đường hoàn thiện và Đức Maria chính là mẫu gương cho người tu sĩ về việc tuân giữ và lắng nghe Lời Chúa: “Phúc cho kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28).

Sau cùng là việc tuân giữ luật, hiến pháp của dòng. Nó được ví như là kim chỉ nam hướng dẫn người tu sĩ tiến lên trên con đường nhân đức và còn là lá chắn giúp người tu sĩ sống tốt được những lời mình đoan hứa, cũng như giúp họ sẵn sàng dấn thân trong mỗi sứ vụ mà Chúa và Hội dòng trao ban.

Cuộc sống của con người để có thể trở nên hoàn thiện trước mặt Chúa thì mỗi người phải luôn biết đổi mới bản thân mình mỗi ngày, luôn để cho Chúa Thánh Thần thánh hóa, hoạt động trong từng cá nhân, cũng như trong tập thể. Cách riêng, đời sống thánh hiến phải luôn họa lên hình ảnh thánh thiện trọn hảo của Thiên Chúa bằng chính đời sống và là chứng nhân sống động về một Thiên Chúa tình yêu, bao dung, đầy lòng thương xót. Nơi Ngài là cội nguồn của hạnh phúc, sự thiện hảo đích thực và Ngài là Đấng Thánh. Mỗi người hãy bước đi trên con đường của sự thiện hảo, để có được điều đó thì mỗi cá nhân phải đi vào trong tương quan cầu nguyện, đối thoại với Thiên Chúa, qua trung gian là Đức Kitô để có thể tìm đến được nguồn thiện hảo đích thực mà Thiên Chúa vẫn mời gọi: “Hãy nên thánh, vì ta là Đấng Thánh.”
2882    31-12-2019