Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Bước đường thăng tiến của một con người khiêm tốn

 

Thiên Chúa viết đời tôi thành một cuốn sách thịnh hành nhất.

Dường như Jorge Mario Bergoglio không phải là kiểu linh mục có một sự nghiệp chói lọi trong Giáo hội. Vào chủng viện năm hai mươi mốt tuổi, nhận chức giám tỉnh năm bốn mươi tuổi. Cho đến gần đây, các tu sĩ dòng Tên vẫn còn giữ luật của thánh Inhaxiô là không nhận chức giám mục, tổng giám mục, hay hồng y. Khi vào dòng Tên, họ biết vị trí cao nhất họ có thể lên được là Tổng quyền Dòng Tên. Dù địa vị này chắc chắn là không tầm thường, vì trong suốt lịch sử Giáo hội, dòng Tên luôn có một ảnh hưởng lớn với Giáo hội, nhưng các linh mục có nhiều tham vọng thường tìm cho mình những con đường khác đơn giản hơn.

Suốt thập kỷ 1980, sự nghiệp của Jorge Mario trong Giáo hội là con đường giáo dục. Từ năm 1980 đến 1986, ngài là hiệu trưởng trường Maximo và trường Thần học và Triết học (Facultad de Filosofia y Teologia), đồng thời là linh mục quản xứ San Jose ở giáo phận San Miguel. Năm 1986, Bergoglio rời Argentina thân yêu để hoàn tất luận văn tiến sĩ ở Đức. Khi trở về, ngài được bổ nhiệm đến Trường Chúa Cứu Thế (Colegio del Salvador) và về sau nhận giáo xứ của dòng ở Cordoba, Argentina.

Là người có phần rụt rè, Bergoglio đơn giản chỉ làm nhiệm vụ của mình ở Cordoba và không kỳ vọng điều gì. Nhưng đến tuổi năm mươi lăm, ngài được tấn phong giám mục. Khi Bergoglio đang tiếp tục công việc giáo dục và mục vụ ở Cordoba thì Hồng y Antonio Quarracino, tổng giám mục Buenos Aires đã chú ý đến nhân cách và lòng khiêm tốn của ngài, nên quyết định chọn ngài làm một trong những phụ tá của mình. 

Giám mục phụ tá và ứng viên tổng giám mục

Sau một năm làm việc với tổng giám mục Buenos Aires, Bergoglio trở thành phụ tá số một của ngài, khẳng định vị thế là giám mục phụ tá và là tổng giám mục tương lai. Quarracino phong ngài làm tổng đại diện.

Tổng Giám mục Antonio Quarracino, người gốc Ý giống như Bergoglio, cũng có một con đường sự nghiệp gần giống ngài. Quarracino thụ phong linh mục năm hai mươi hai tuổi và tự nguyện dấn thân vào công tác giáo dục, đầu tiên là ở chủng viện giáo phận Mercedes, về sau là giáo sư thần học ở Đại học Công giáo Argentina.

Năm 1962, Giáo hoàng Gioan XXIII phong ngài làm giám mục Avellaneda. Thời đó, ngài có mối liên hệ thân thiết với những phong trào cải cách của các tu sĩ ở thế giới thứ ba, nhưng với thời gian, dần dần các quan điểm của ngài bớt cấp tiến hơn.

Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt ngài làm lãnh đạo giáo hội Công giáo Argentina, trước hết giao phó cho ngài tổng giáo phận La Plata, đến năm 1990, cai quản tổng giáo phận Buenos Aires. Sau khi được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Argentina năm 1990, Quarracino được phong chức hồng y năm 1991. Ngài là tổng giám mục đầu tiên vun đắp mối quan hệ với Do Thái giáo. Đây là những bước đi đầu tiên mà sau này Bergoglio bước theo.

Khi thụ phong giám mục, để chu toàn giáo luật, các giám mục đều phải nhận một giáo phận. Chức vụ đầu tiên của Bergoglio là giám mục của Auca, một giáo phận danh dự và không có quyền hạn nào kể từ thế kỷ XVII. Danh phận này bắt nguồn từ thời Auca còn là một hạt nhỏ đặt tại một thị trấn Tây Ban Nha thuộc Villafranca Montes de Oca, thành phố tự trị ở Burgos. Bergoglio giữ vị trí này từ năm 1992 đến 1998.

Năm 1997, khi hồng y Antonio Quarracino già yếu, Bergoglio được phong làm giám mục phó.

Năm 1998 đánh dấu những biến chuyển quan trọng trong cuộc đời của Bergoglio. Phải biết là rất ít linh mục, và thậm chí càng ít linh mục dòng Tên, được làm Tổng Giám mục. Do Bergoglio đã phục vụ dưới tòa của Quarracino trong vài năm, nên khi ngài trở thành tổng giám mục Buenos Aires, hoạt động giáo phận không có gì thay đổi mấy. Các linh mục trẻ nhanh chóng đồng tình với quan điểm của tân tổng giám mục. Phong cách của Bergoglio được thể hiện ngay lập tức. Ngài đơn giản, khiêm tốn, thẳng thắn và chống đối hình thức  khoa trương. Ngài tiếp tục làm mục vụ với các linh mục, thậm chí còn ở lại săn sóc một linh mục bị bệnh.

Lên chức tổng giám mục cũng không làm thay đổi lịch trình làm việc hàng ngày của Bergoglio. Ngài tiếp tục dùng phương tiện giao thông công cộng để đi lại trong thành phố, khước từ đặc quyền sống trong tòa nhà sang trọng của tổng giám mục ở vùng phụ cận Olivos, rất gần với phủ tổng thống. Ngài vẫn rất dễ gần, tự lên thời gian biểu, và đón tiếp bất kỳ ai đến tìm mình.

Tân tổng giám mục tránh những sự kiện từ thiện, các buổi tiệc lớn và các buổi gặp gỡ với giới thượng lưu. Ngài luôn ăn mặc đơn giản trong bộ áo chùng thâm linh mục. Cần phải nói rằng khi nhận tin mình được phong hồng y vào năm 2001, ngài không muốn may đồ mới cho danh vị mới của mình. Bergoglio thích mặc áo lễ của hồng y tiền nhiệm vốn cùng cỡ với ngài. Thậm chí ngài còn từ chối không cho một nhóm giáo dân đi qua Rome dự lễ tấn phong, thay vào đó xin họ dùng tiền chi phí máy bay để giúp người nghèo thì hơn.

Lòng ân cần của ngài với người nghèo là một huyền thoại. Trong những cuộc viếng thăm thường xuyên các khu ổ chuột ở Buenos Aires, có lần ngài đến giáo xứ Đức Mẹ Caacupe (Nuestra Senora de Caacupe) thuộc vùng phụ cận Barracas, một công nhân công trường nói với ngài, “Con rất tự hào về cha, vì khi ngồi trên xe buýt về đây với các bạn con, con thấy cha ngồi ở ghế sau giống như mọi người. Con đã chỉ cho các bạn thấy, họ không tin con.” Những người nghèo thấy ngài giống hệt họ, và rất hạnh phúc khi biết ngài được chọn làm Giáo hoàng.

Vị giám mục phụ tá Buenos Aires trả lời phỏng vấn báo El Tiempo về tân giáo hoàng như sau: 

Đức cha biết gì về giáo hoàng hiện thời?

Khi ngài được chọn làm giám mục phụ tá Buenos Aires, lúc đó tôi đã làm linh mục của tổng giáo phận. Rồi ngài lên làm tổng giám mục, và ngài đã tiến cử tôi để giáo hoàng Benedito XVI phong tôi làm giám mục phụ tá Buenos Aires.

Có vài người nói hồng y Bergoglio có liên hệ với chế độ độc tài Videla, và xa lánh những người ủng hộ Nestor Kirchner vì đã từng đối đầu với cựu tổng thống này về vấn đề kết hôn đồng giới. Có đúng như vậy không?

Chẳng có dấu hiệu nào cho thấy ngài có dính líu với chế độ độc tài. Hơn nữa, ngài cũng không có địa vị nào cao trong Giáo hội để đáng cho người ta đeo đuổi.

Cha có nhớ gì về các bài giảng của ngài khi ngài làm tổng giám mục Buenos Aires không?

Ngài luôn nói rằng khi muốn nhìn vào quả tim, vào tâm điểm của sự việc, thì nếu bạn khởi đầu từ bên ngoài và đi một vòng quanh sự việc đó, bạn sẽ hiểu được thực tế một cách tốt hơn. Ngài nói về các chia rẽ và bất công ngày càng quá lớn trong xã hội thời nay. Điều này có thể đóng góp nhiều cho quan điểm của giáo hội, là phải nhìn từ bên ngoài vào bên trong, từ ngoại biên đến tâm điểm.

Đức cha đã biết ngài từ thưở nhỏ?

Vâng, từ đó về sau. Ngài học ở trường công lập không thuộc giáo hội. Ngài vào đại học, rồi chủng viện ở Buenos Aires, thời đó do các cha dòng Tên quản lý. Ngài có ấn tượng với đức hạnh của thánh Inhaxiô Loyola.3

 

Suốt thời gian làm tổng giám mục, Bergoglio luôn luôn đi theo đường lối ôn hòa và thận trọng, gắn bó chặt chẽ với người nghèo. Các phê bình của ngài về chính trị và hệ thống kinh tế quốc gia đã làm cho ngài có thêm kẻ thù, và những người ủng hộ giáo hội nhưng xa rời các vấn đề xã hội cũng bác bỏ quan điểm của ngài. Trong bài giảng lễ Tạ ơn tại nhà thờ chính tòa Buenos Aires ngày 25 tháng 3 năm 2000, với sự hiện diện của tổng thống Francisco de la Rua, ngài đã nói rõ,

“Đôi lúc, tôi tự hỏi, liệu có phải chúng ta, trong nhiều hoàn cảnh xã hội nhất định, đang bước đi như những kẻ thất thần hay không, và nếu chúng ta không có nhu cầu xóa bỏ cái kiểu cách này, thì chắc chắn chúng ta sẽ lao đến đích cuối cùng là sự bất lực, và chúng ta tước mất hy vọng của những ước mơ nhỏ bé. Chúng ta phải khiêm tốn nhận ra rằng hệ thống này đã thất bại trước cơn càn quét rộng lớn của bóng tối, một bóng tối của sự bất tín, với nhiều lời hứa và tuyên bố lác đác rung lên như tiếng chuông báo tử não nề, nghĩa là tất cả mọi người đều đến an ủi người thân, nhưng không ai làm cho người chết sống lại được.

Cho dù Bergoglio không hợp với các phái cánh tả, nhưng ngài đã gọi cho tổng trưởng bộ nội vụ để nói lên sự bất bình khi thấy cảnh sát tấn công các nạn nhân trong vụ corralito năm 2001, khi các ngân hàng không cho người dân rút tiền.

Tình trạng kinh tế và chính trị của Argentina thời đó rơi vào hỗn loạn, nạn nghèo đói gia tăng. Các ngân hàng đóng cửa không tiếp khách, và các nhân vật chính trị chóp bu lẩn trốn, phủi tay trước tình trạng này. Không ai là không thấy sự thật, va tổng giám mục Buenos Aires đã lên án nghiêm khắc bối cảnh chính trị này. Năm 2004, Bergoglio được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Argentina và tái đắc cử vào năm 2007.

Không phải ai ai cũng vừa ý với tân Giáo hoàng Phanxicô và cựu tổng giám mục Buenos Aires. Nhiều người không thể tha thứ cho lập trường ưu sinh chống phá thai cũng như quan điểm chống hôn nhân đồng tính của ngài, một vấn đề đã làm chia rẽ ngài với phe của tổng thống.

Năm 2010, Bergoglio được mời ra làm chứng trước tòa về các tội ác xâm phạm đến nhân quyền ở trường Cơ Khí Hải Quân (Escuela Superior de Mecanica de la Armada). Trong hơn bốn giờ, vị tổng giám mục đã làm chứng về việc hai tu sĩ dòng Tên bị bắt giữ như đã nói ở trên. Ngài cũng làm chứng trong các phiên tòa mà người khởi kiện là hiệp hội Các bà ở Quảng trường Tháng Năm (Abuelas de la Plaza de Mayo) về việc nhiều lãnh đạo quân đội Argentina đã chiếm đoạt các trẻ sơ sinh. Bergoglio cũng có mặt trong vụ Ana de la Cuadra, đứa cháu gái mất tích của một trong những người sáng lập và là chủ tịch đầu tiên của hiệp hội Các bà ở Quảng trường Tháng Năm (Abuelas de la Plaza de Mayo.) Mẹ của cô bé bị bắt cóc khi đang mang thai cô, và cha của bà đã gởi thư nhờ Bergoglio giúp đỡ. Ngài luôn luôn khẳng định rằng mình không đóng vai trò chính nào trong việc quyết định kết quả của vụ việc này, và lúc đó ngài đã cố gắng hết sức.

Con đường của Jorge Mario Bergoglio, từ một ngày mùa xuân trong cơn bệnh đã quyết đi theo ơn gọi, vào chủng viện, vào đại học, đi dạy học, có bằng tiến sỹ, giữ chức giám mục, và được phong tổng giám mục, chắc chắn đã làm nên cá tính mạnh mẽ và kiên quyết của ngài. Ngài ngoan cường, nhưng điềm tĩnh, nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn, và trên tất cả, ngài là người bảo vệ cho người nghèo. Tác động của ngoại cảnh, từ người bà và cha mẹ cho đến cố tổng giám mục Buenos Aires, đã làm cho Bergoglio trở nên ứng viên lớn nhất cho vị trí giáo hoàng Giáo hội Công giáo thời nay. Nhưng làm sao một tu sĩ dòng Tên đơn sơ như thế lại lên nắm được Giáo triều Roma? Bergoglio có vai trò gì trong công cuộc “Tân Phúc âm hóa” và trong Hội Đồng Giám mục châu Mỹ La tinh? Mối liên hệ của ngài với giáo hoàng Gioan Phaolô II như thế nào? Ngài đón nhận thất bại ở Mật nghị Hồng y năm 2005 như thế nào? Quan hệ của ngài với giáo hoàng Bênêđictô XVI như thế nào? Và cuối cùng, làm sao ngài trở thành tân giáo hoàng? Và một tu sĩ dòng Tên, vị giáo hoàng thứ ba của thế kỷ XXI, lãnh đạo Tòa thánh Roma, nghĩa là gì?

Để trả lời những câu hỏi đó, chúng ta sẽ bàn về ngài trong cương vị hồng y Dòng Tên. 

Phanxicô, con người của cầu nguyện

Francis, Man of Prayer, Mario Escobar, nxb. Thomas Nelson

J.B. Thái Hòa dịch

767    19-02-2018