Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Các câu hỏi lớn của các em bé nhỏ

 

Các em chỉ mới vài tuổi nhưng đã đặt các câu hỏi làm cho chúng quan tâm đến cả đời.

Tại sao trẻ con ưa đặt câu hỏi mà lại đặt các câu hỏi thật sâu đậm? Chất vấn này làm chóng mặt, cũng như các câu hỏi của trẻ em thường hay đặt cho chúng ta. “Con ở đâu trước khi con sinh ra?”, “Tại sao con là con?”, “Thời gian là gì?”… Bao nhiêu là câu hỏi chúng ta không trả lời được, hạng nhất là khi các em hỏi không đúng lúc, đang trên đường chở con đi học lại bị kẹt xe, hay đang sửa soạn nấu ăn và lo công việc đem về nhà làm khẩn cấp chưa xong.

Thật ra, các câu hỏi này không chờ các em phải biết nói mói hỏi, ông Sylvain Missonnier, giáo sư khoa tâm lý học lâm sàng ở Đại học Paris-Descartes cho biết: “Ngay từ khi mới sinh, đứa bé đã là nhà quan sát biết đặt câu hỏi, thiết yếu, về sự hiện diện của người khác. Chỉ cần núp sau chiếc ghế rồi xuất hiện lại nhiều lần để trò chơi cút bắt này gợi lên cho trẻ em các giả thuyết, các suy đoán. Và dĩ nhiên chất vấn của trẻ em sẽ nhân lên gấp bội khi các em biết nói.”

Trẻ em ý thức là chúng không biết nhiều chuyện. Trẻ em thường “lý tưởng hóa” cha mẹ, người lớn, chúng nghĩ cha mẹ biết hết và chúng đặt câu hỏi không ngừng. Giáo sư Sylvain Missonnier ghi nhận, chúng thích thú hoặc bị hụt hẫng khi nghe câu trả lời.

Tuổi siêu hình

Triết gia Roger-Pol Droit cho rằng, dù sao sự khao khát hiểu biết này cũng giống như sự khôn ngoan của các tư tưởng gia. Ông nhấn mạnh: “Đơn thuần trẻ con là những triết gia đầu tiên. Chúng ta biết từ thời Platon và Aristote, triết lý là đứa con của sự kinh ngạc, là phản đề của sự nhàm chán. Kinh ngạc là ‘tài sản riêng’ của tuổi thơ ấu”. Triết gia Roger-Pol Droit phân tích: “Các câu hỏi, đó là những gì ăn sâu trong thân phận con người, là đặt một khoảng cách giữa chúng ta và thế giới, là vừa biết mình phải ăn và không biết vì sao phải ăn để sống còn.” Và theo tác giả Roger-Pol Droit, dù sao “tuổi siêu hình” là tuổi của thời mẫu giáo.

Theo bà Anne Ricou, tổng biên tập báo Pomme d’Api thì: “Giữa 3 và 6 tuổi, trẻ em là triết gia ở trạng thái nguyên trạng, dần dần các em mới đi vào thế giới của những khái niệm và bắt đầu phát triển tinh thần phê phán.” Tờ nguyệt san của bà được nhà xuất bản Bayard ấn hành và cha mẹ thường hay gởi các câu hỏi của con mình đến tòa báo. Các thư từ này làm cho tờ báo phong phú. Một cách gián tiếp, các câu hỏi nuôi dưỡng các câu chuyện trải dài trong tạp chí.

“Câu chuyện này nói lên nhiều về tính hiếu kỳ, về sự kinh ngạc đủ mọi lãnh vực, về sự không tự kiểm duyệt.” Một vài câu hỏi như ‘vì sao bầu trời lại xanh?’, ‘vì sao trái đất quay?’, ‘vì sao nước chảy?’ thì còn có câu trả lời dựa trên khoa học, đơn giản nhưng không trả lời qua loa. Có những câu hỏi hướng nội ‘vì sao mình buồn?’ thì phải đi một vòng hiện sinh, còn câu hỏi ‘khi mình chết là chết luôn sao?’ thì lại mở ra với đức tin”.

Các câu hỏi làm chới với

Cô Laure nhớ có ngày đứa con trai 5 tuổi của cô hỏi liệu em có chết trước cô không. Bà mẹ trẻ nghe câu hỏi không khỏi giao động, bà trả lời trên nguyên tắc thì cha mẹ chết trước con cái vì cha mẹ lớn tuổi hơn. Nhưng em lại luôn nằn nỉ hỏi. Bà cho biết: “Thật ra điều làm em lo lắng là em sợ bị bỏ rơi. Khi đó tôi phải trấn an, một bà mẹ dù chết cũng không bỏ con, bà luôn ở trong lòng đứa con, bà luôn theo dõi con, như bà ngoại bây giờ đã chết luôn theo dõi mẹ.”

Mấy lời này đủ làm đứa bé yên tâm. Tuy nhiên sau đó nó lại hỏi cô Laure: “Nhưng mẹ, mẹ không sợ chết sao?” Khi đó, bà mẹ cảm thấy mình không biết làm sao trả lời. Từ đó bà suy nghĩ về câu hỏi nhưng không nói với con. Bà cho biết: “Tôi thấy hơi hung bạo khi trở lại với câu hỏi này, còn cháu thì cháu đã nghĩ qua chuyện khác”.

Các câu hỏi làm chúng ta chới với như vậy là vì thường thường, chính các câu hỏi này đưa người lớn chúng ta trở về với các hoài nghi, các lo lắng của mình, đến mức nhiều khi chúng ta bị kẹt. Ông Sylvain Missonnier kể: “Một ngày nọ tôi tiếp đứa bé trai 6 tuổi đi cùng với cha mẹ. Sau khi thấy con quạ nằm bất động trên con đường đi dạo, chú bé bắt đầu đặt rất nhiều câu hỏi về cái chết. Một chủ đề hoàn toàn cấm kỵ trong gia đình vì gia đình đang sống qua hai cái tang: người anh của người cha bị tai nạn mô-tô chết; bà ngoại chết vì bị sai lầm khi trị liệu. Hai cha mẹ thấy các câu hỏi này là dấu hiệu có thể có của chứng trầm cảm, họ đã phóng chiếu trên con nỗi hãi hùng của mình, và đứa bé cảm nhận, sống là học để chết nên đặt những câu hỏi có tính cách triết lý.”

Hỏi đứa bé xem nó nghĩ gì

Ông Gilbert Longhi, nhà nghiên cứu giáo dục quan sát, trước khi vào tiểu học, trẻ con trải qua một giai đoạn tiềm ẩn, giai đoạn này chúng ít ngẫu hứng hơn, kín đáo hơn, thường đặt các câu hỏi đạo đức, trẻ em có khả năng tài tình đặt những câu hỏi bối rối. Ông vừa đùa vừa nói: “Chúng cảm thấy một vài đề tài như tính dục hay một vài sự kiện đã qua của gia đình làm chúng ta không thoải mái mấy, thế là chúng thích khóa miệng chúng ta lại”.

Ông Sylvain Missonnier cảnh báo: “Dù chúng ta không trả lời nhưng với ra-đa xúc cảm cực kỳ mạnh của chúng, chúng biết chúng ta đang lúng túng.” Điều này có thể làm cho chúng tưởng tượng những chuyện còn tệ hơn là thực tế…. Bà Anne Ricou đề nghị: “Khi chúng ta không biết, một trong những câu trả lời có thể có được, đó là hỏi lại chúng xem chúng nghĩ gì về chuyện này. Đứa bé không nhất thiết phải có một câu trả lời chính xác và triệt để. Điều cần thiết là lắng nghe nó, cho nó thấy các câu hỏi của nó thật sự đáng quan tâm.”

Một ghế giáo sư dành riêng cho khoa triết lý với trẻ em

Năm 2016, Unesco và đại học Nantes đã thành lập và giao cho giáo sư Edwige Chirouter ghế đầu tiên và ghế duy nhất trên thế giới đặc biệt dành riêng cho khoa triết lý với trẻ em (từ 4 đến 8 tuổi). Cấu trúc này có mục đích giúp sự phát triển “qua nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, phân phối các dụng cụ giáo dục trong các trường và thành phố”.

Marta An Nguyễn dịch

1284    09-11-2018