Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Các chủng sinh Pháp ở Rôma nhiệt tình với Đức Phanxicô

 

Các chủng sinh Pháp đang được đào tạo ở Rôma nói ơn gọi của họ đã được khuyến khích mạnh như thế nào bởi năng lực và đặc sủng phi thường của Đức Phanxicô, nhưng họ cũng được an tâm bởi người mà họ thấy không có chút gì là cách mạng, là sẵn sàng để làm xáo trộn giáo điều.

Chủng sinh Charles-Louis Soulez, 27 tuổi cho biết: “Biết bao nhiêu là câu nói ngắn của Đức Phanxicô chứa đựng những điều đơn giản nhưng phi thường! Tôi tham khảo văn bản trọn vẹn và tôi nghiệm ra sự đòi hỏi cao của ngài về mặt thiêng liêng”.

Người thanh niên trẻ xuất thân từ một gia đình khá giả, cũng như ba đồng bạn của anh, anh ghi tên vào Chủng viện Pháp, ít nhiều họ mang tính bảo thủ khi nói đến giáo điều Công giáo.

Còn vài tháng nữa là đến kỳ họp Thượng hội đồng tháng 10 về gia đình, hãng thông tấn AFP đã hỏi các chủng sinh và họ cho biết, sự liên tục trong nội dung là một trong những ám ảnh của các linh mục tương lai.

Được đào tạo dưới triều Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, không một ai trong họ chấp nhận cuộc cách mạng giáo điều và nếu họ ca ngợi “lòng thương xót” của Đức Phanxicô thì bình luận của một vài tờ báo đưa ra hình ảnh một giáo hoàng tự do, sẵn sàng khép mắt trước việc ly dị, sống chung tự do và đồng tính thì đối với họ, các bình luận này hoàn toàn sai lầm.

Chủng sinh Vincent Balzan, 33 tuổi có lập trường dứt khoát: “Lời Chúa Kitô giảng dạy là không di chuyển. Báo chí khai thác các chống đối trong Giáo hội. Khi thấy như vậy, ngay lập tức tôi không đọc nữa”.

Điều này không có nghĩa là họ quên thực tế của một Giáo hội thường xuyên đối diện với những vấn đề này. Vì thế việc các người ly dị tái hôn mong muốn được rước lễ đã đánh động họ rất nhiều vì họ biết vấn đề này và họ phải đối diện với tình trạng của những người này. Chủng sinh Cassiel Cerclé, 30 tuổi phát biểu: “Đau lòng cho họ và cũng đau lòng cho chúng tôi, chúng tôi không thể nào dửng dưng”.

Chủng sinh Vincent nói thêm: “Giáo hội mang phần trách nhiệm của mình trong sự thất bại của các hôn nhân và Thượng hội đồng phải mang lại hy vọng lớn cho các hoàn cảnh đau khổ”.

Bốn chủng sinh của các giáo hoàng học viện cho biết đặc sủng và tính đơn sơ của Đức Bergoglio đã khuyến khích họ biết ngần nào trên sứ vụ linh mục tương lai của mình, trong khi tư tưởng thần học cao siêu của Đức Bênêđictô XVI đã không được tiếp nhận nhiều ở Pháp.

Chủng sinh Cassiel giải thích: “Tôi cảm thấy rất thoải mái với Đức Phanxicô, một trong các đặc sủng của ngài là ngài giảng dạy bằng cử chỉ và bằng hình ảnh. Chắc chắn Đức Phanxicô đánh khá mạnh vào hàng giáo sĩ. Nhưng đó là lời kêu gọi để chúng tôi hoán cải, để chúng tôi phải quay về với những người yếu đuối nhất”. 

“Thấy được để đến gần được”

Tân linh mục Maxime Deurbergue, 35 tuổi, vừa chịu chức được một năm, cha nhớ lại: “Khi Đức Phanxicô được bầu chọn vào tháng 3-2013, tôi rất hạnh phúc và càng ngày tôi càng hạnh phúc.”

Chủng sinh Cassiel cũng đã dự trù: “Các hoàn cảnh sẽ khó, trách vụ sẽ nặng” trong một xã hội dửng dưng, nhưng Đức Phanxicô vẫn khăng khăng đòi hỏi cao về sứ vụ, về tính khiêm tốn, về tính cụ thể làm cho anh vui nhưng anh cũng như các bạn khác thường dựa vào giáo huấn kiên cố của Bênêđictô XVI.

Chủng sinh Cassiel phân tích: “Phải tìm một thế thăng bằng giữa bài vở trong khuôn khổ và xúc cảm. Đó là phong cách của Đức Phanxicô: những cử chỉ mạnh có thể làm người khác khóc, cười nhưng cùng một lúc đó là lời giảng dạy”, anh sẽ được phong chức trong hai tháng tới ở Vienne.

Linh mục Maxime nhấn mạnh: “Chúng ta cần một Giáo hội được thấy rõ với các linh mục được thấy rõ”, cha thấy được sự khác biệt với hậu Công đồng Vatican II, thời mà các linh mục ẩn mình được mến chuộng.

Đôi khi các chủng sinh được mời để tháp tùng các gia đình Pháp vì những gia đình này muốn đi thăm các nhà thờ ở Rôma mà họ không hiểu và chưa biết gì nhiều về các nhà thờ này.

Các chủng sinh cho biết ở Pháp rất hiếm khi họ bị khinh bỉ, nhưng đúng hơn là sự khinh bỉ của một nhóm người đối với thể chế. Họ cũng phê phán một xã hội lương dân trơ lì trước tinh thần tôn giáo.

Tất cả bốn chủng sinh đều hoàn toàn ý thức việc họ sống độc thân là điều mà rất nhiều người không hiểu được. Tân linh mục Maxime, sử gia ngành nghệ thuật đã định lập gia đình nhưng Chúa muốn cách khác.

Theo họ, sự thăng bằng tâm lý-tình cảm rất quan trọng: phải có thời gian để nhận định và những năm tháng ở chủng viện đã giúp họ rất nhiều. Chủng sinh Vincent phát biểu: “Có phải bạn bị co rúm lại hay không? Mục đích của bạn, bạn phải là một người đàn ông tự do” , theo anh, sống trong tình trạng dối lòng thì sẽ dẫn đến việc rời chủng viện.

Nguyễn Tùng Lâm dịch

1813    09-09-2019