Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

“Các đan sĩ chẳng làm gì hết nhưng tất cả những gì họ làm là làm cho Chúa”

 

 

Trong kỳ Thượng hội đồng Giới trẻ sẽ khai mạc vào mùa thu sắp tới, ngày 6 tháng 10 đan viện Solesmes sẽ mở cửa cho tất cả các bạn trẻ muốn đặt câu hỏi về ơn gọi hoặc muốn biết về đời sống hàng ngày của các đan sĩ.

Gặp sư huynh Emmanuel Vaillant, đan sĩ của đan viện Solesmes.

Ngày 6 tháng 10, đan viện Solesmes (Sarthe) sẽ mở cửa để giới thiệu đời sống đan viện. Sư huynh Emmanuel Vaillant, đan sĩ Solesmes trả lời các câu hỏi của các bạn trẻ nam nữ muốn hỏi về đời sống tu trì hay chỉ đơn thuần hỏi về đức tin.

Aleteia: Xin sư huynh cho biết mục đích của buổi gặp gỡ ngày 6 tháng 10?

Sư huynh Emmanuel: Đây là ngày các đan viện Biển Đức Thánh Phêrô (nam tu sĩ) và đan viện Thánh Xêcilia (nữ tu sĩ) của Solesmes tổ chức để các bạn trẻ tuổi từ 16 đến 30, – học sinh, sinh viên, các bạn trẻ mới ra nghề – có dịp tìm hiểu đời sống tu trì. Sáng kiến này là để đáp ứng lời kêu gọi của Bề trên Dòng Biển Đức ở Rôma, để đóng góp phần của mình cho Thượng hội đồng Giới trẻ với chủ đề “Người trẻ, đời sống kitô và phân định”. Một cách cụ thể hơn, ở Pháp, Hội đồng đan viện Pháp và các Dòng nữ đã đáp lời kêu gọi trên và tổ chức vào cùng một ngày là ngày 6 tháng 10.  Trong tinh thần này hai Dòng đã tổ chức ngày gặp gỡ. Qua sáng kiến này, chúng tôi mong muốn mở rộng ra ngày này cho tất cả các bạn trẻ nào quan tâm đến đời sống tu trì, họ có dịp tiếp xúc trực tiếp với thực tế đời sống chiêm niệm của chúng tôi, đây không phải là hình thức đi tìm ơn gọi. Lý tưởng là đến được với các bạn trẻ “công giáo” có tinh thần dấn thân, đây là quyết tâm làm truyền giáo.

Một người trẻ hơi lạc hướng có thể có ơn gọi dù không có “cơ cấu nền tảng” không?

Chúa gọi ai Ngài muốn, như Ngài muốn và khi Ngài muốn. Nếu Ngài gọi, cách này cách khác, Ngài có thể làm cho người đó có khả năng để theo tiếng gọi này, dù cho có các khó khăn về thể lý hay tâm lý, các điều kiện và các khiếm khuyết. Tuy nhiên các khả năng này là một yếu tố quan trọng để phân định ơn gọi. Như thế, những ai không chịu đựng được cô đơn thì chắc chắn sẽ không sống được đời sống ẩn sĩ dù họ thích. Cũng vậy, Chúa không thể nào kéo mình ra khỏi giường buổi sáng, thậm chí ban đêm để vào dòng cầu nguyện ban đêm. Để trả lời trực tiếp vào câu hỏi của bà, tôi xin nói thêm, người “thiếu cơ cấu nền tảng” – mình phải xem thiếu này chính xác là thiếu gì – thì người này thường không có khả năng để nghe tiếng gọi các sự việc xảy ra trong đời sống cũng như ước ao của tâm hồn mình. Tuy nhiên người nào nghe tiếng gọi, nếu họ thiếu một cái gì để đáp trả trọn vẹn, thì qua tiếng gọi này, họ sẽ sẵn sàng đáp trả nếu họ muốn đi theo.

Ơn gọi vào đời sống đan tu có khó hơn đời sống hôn nhân không?

Ơn gọi vào đời sống đan tu không khó hơn, hay không dễ hơn đời sống hôn nhân. Đặt câu hỏi này, là khẳng định trong tuyệt đối, sẽ có một khó khăn bẩm tại riêng cho từng bậc sống, áp dụng cho tất cả, luôn luôn và khắp nơi. Đời sống hôn nhân có những đòi hỏi của nó và những đòi hỏi này không phải nhỏ; đời sống đan tu cũng có những khó khăn của nó, nhưng là những khó khăn khác. Điều khó khăn, và cho tất cả, là phải nhất quán với những đòi hỏi của bậc sống mà chúng ta đã tự do chọn, không bó buộc, luôn luôn và khắp nơi. Điều khó khăn, đó là nâng cao với tầm mức lý tưởng đã lôi cuốn chúng ta, trong khi với các giới hạn của chúng ta, với thời gian ngày càng khó khăn hơn. Một cách nào đó, các cặp vợ chồng kitô hữu gặp khó khăn hơn trong một xã hội mà lý tưởng của họ luôn bị hạ thấp, nếu không muốn nói là không còn. Luôn có cơ nguy là muốn ngang hàng với các đòi hỏi bên ngoài. Nhưng đan sĩ cũng vậy, luôn có cám dỗ hạ thấp mình, thậm chí là rất nhiều.

“Dành cho người mình yêu một tâm hồn không chia sẻ với ai” 

Linh mục Dòng Tên Albert Chapelle cho rằng vấn đề cần phân định đầu tiên là bậc sống độc thân. Cha nghĩ gì về chuyện này?

Tất cả tùy thuộc vào loại phân định nào chúng ta muốn nói. Trong luật của mình, Thánh Bênêđictô đòi hỏi người muốn vào đan viện có thật sự đi tìm Chúa không, chứ không phải họ phù với bậc sống độc thân không, vì đây chỉ là một trong các phương tiện để tâm hồn họ sẵn sàng cho việc đi tìm này. Vì chính sự đi tìm này chiếm một chỗ lớn trong đời sống của người nghe tiếng gọi này, được nhận như một món quà, một ơn đặc biệt, dẫn họ đến với người mà họ không lập gia đình, gìn giữ cho người họ yêu một tâm hồn không chia sẻ. Có phải đó là điều mà Thánh Phaolô nói trong thư đầu tiên ngài gởi tín hữu Côrintô đó không (1 Cr 7, 32-35)? Đây là một phân định cụ thể, mỗi người phải chân thành làm để kiểm lại tiếng gọi mình vào đời sống tu trì, một tiếng gọi cho người hiến đời sống khiết tịnh của mình cho Nước Chúa, và dĩ nhiên phải tự hỏi mình có đủ khả năng để thực hiện với điều kiện thể lý và tâm lý của mình không. Đó là điều kiện tiên quyết phải có. Xem lại ba lời khấn tu trì thì lời khấn khó nghèo và vâng lời cũng có các hình thức khác nhau theo từng dòng mình chọn. Nhưng khiết tịnh thì chỉ có một hình thức, đó là bậc sống độc thân và trinh khiết, dù mình chọn dòng nào. Đó là vấn đề đầu tiên và tiên quyết khi chọn đời sống tu trì. 

Làm thế nào học để lắng nghe, để tìm ơn gọi của mình?

Chính khi vừa rèn là vừa học nghề thợ rèn, chính khi lắng nghe thì mình mới trở nên lắng nghe được. Ngoài những lời nói đùa, chúng ta chỉ có thể lắng nghe khi bỏ hết lớp vỏ bọc, gạt ra các tiếng kêu ồn ào ngăn sứ điệp đến với chúng ta. Trước hết là thinh lặng bên ngoài, sau là thinh lặng bên trong. Trong khi “các vũ khí giải trí hàng loạt” đầy dẫy ở thời buổi này, đến độ chúng ta có thể sống trong tiếng động bên ngoài cũng như bên trong suốt từ sáng đến tối, ở mọi nơi mọi lúc trong mọi hoàn cảnh. Trong tiếng động liên tục này, khó mà vun trồng được đời sống nội tâm. Học lắng nghe là để tìm nơi chốn thinh lặng, để có thể về lại với chính mình, để không còn sống chỉ trên bề mặt.

Sư huynh nói gì với một bạn trẻ đặt câu hỏi về ơn gọi và hướng dẫn họ nhưng vẫn tôn trọng tự do của họ?

Chúng ta luôn sợ, quá hãi sợ kiềm chế tự do của người nào đó, không dám chạm đến vấn đề này dù chạm rất nhẹ. Với người nghĩ họ nghe được tiếng gọi, sự tháp tùng duy nhất có thể đứng vững là giúp họ hiểu tiếng gọi này và giúp họ có câu trả lời – dù tích cực hoặc tiêu cực – để làm cho họ lớn lên và sau đó là sống trong bình an. Để đừng sống buồn bã như người thanh niên trong Phúc Âm. Như thế đầu tiên hết phải giúp đỡ để họ phân định. Tôi đưa ra đây ba điểm để giúp cho sự phân định đầu tiên này. Một ơn gọi, chọn lựa một đời sống phải đi qua các sự kiện trong đời sống, ước muốn của tâm hồn và phán xét của Giáo hội. Bất kỳ ơn gọi nào cũng là ở trong một câu chuyện, chính trong ánh sáng của câu chuyện này mà chúng ta xem xét ơn gọi. Sau đó mọi ơn gọi đều nảy sinh từ một quả tim yêu thương, khi hiểu hơn những gì thiết thân với tôi, những gì tôi muốn thực hiện, những gì tôi đi tìm và tôi hiểu Chúa muốn tôi làm gì. Cuối cùng mọi ơn gọi đều sống cách này cách kia trong cộng đoàn – ít nhất trong sự hiệp thông với các thánh -; chiều kích cộng đoàn này qua cái nhìn bên ngoài, cái nhìn có thẩm quyền để xác thực và chuẩn chi cho ước mong mà tôi đang có. Sự phân định này không phải lúc nào cũng dễ dàng, đối với một số người, đôi khi sự phân định này rất khó khăn. Nhưng một dấu hiệu không bao giờ lầm là bình an và niềm vui tôi cảm nhận khi tôi dấn thân trên con đường đã chọn lựa, dù nó có vẻ như mơ hồ. Chất lượng của lắng nghe và sự dễ bảo của tâm hồn để đi theo con đường tôi đã chọn là các dấu hiệu khác cho biết tôi đã đi đúng đường. Một lời cầu nguyện ngắn của Thánh Brigitta Thụy Điển tóm tắt tất cả những chuyện này: “Lạy Chúa, xin chỉ cho con con đường của Chúa và giúp cho con sẵn sàng đi theo con đường này”.

Đâu là ơn gọi đan tu và hạnh phúc tìm được ở đây?

Nếu câu phương châm của Thánh Giăng Đắc là: “Phục vụ Thiên Chúa trước” thì câu phương châm của đan sĩ sẽ là: “Chúa là Đấng duy nhất mình phục vụ”. Đó là ơn gọi của đời sống tu trì: một lôi cuốn duy nhất, từ bất cứ một công việc nào cũng là thúc đẩy để đi tìm Chúa, cho Chúa, vì Ngài là Chúa. Thì khi đó, các đan sĩ chẳng làm gì hết, không một việc gì hết, chỉ phục vụ Chúa và chỉ trọn một mình Chúa. Và ai đã có tất cả thì họ còn có thể muốn gì thêm nữa? Ai khác có thể lấp đầy ước muốn của họ? Thánh vịnh số 4 có câu hỏi được đặt ra: “Ai sẽ làm cho con thấy hạnh phúc?”. Câu trả lời là: “Lạy Chúa, xin tỏa ánh tôn nhan Ngài trên chúng con”. Và đó là đan sĩ: một tấm kiếng mong tỏa được vinh quang và sự dịu dàng của Thiên Chúa. Ước mong tấm kiếng khá trong sáng cho điều này. fr.aleteia.org, Louise Alméras, 2018-09-09

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

841    10-09-2018