Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Các thần học gia nói về tâm trạng cô đơn (5/5)

 

Nhà thần học người Đức Karl Rahner cũng là một tác giả thần học quan trọng về vấn đề cô đơn. Mặc dù ông không viết một bài khảo luận chính xác nào về cô đơn, nhưng những hiểu biết thần học về con người nhân tính được khai triển cao xa của ông, tự mở ra, cách hợp lý và tự nhiên, mang lại những nhận thức thấu suốt mang tính chữa lành cho vấn đề này. Có lẽ hơn bất kỳ thần học gia đương thời nào khác, Rahner giúp cho chúng ta một biểu hiện dễ hiểu về hiện tượng cô đơn và mang lại một nền tảng thần học cho thần học về tâm trạng cô đơn.

Ông đã giải nghĩa cô đơn như thế nào? Lời giải của ông đối với vấn đề này phụ thuộc vào nhận thức của ông về con người nhân tính nói chung. Nhận thức đó (quá phức tạp để giải thích chi tiết ở đây) có thể tóm gọn và đơn giản hóa bằng một lối vẽ đơn giản như sau.

Đối với Rahner, bất kỳ diễn giải nào về con người nhân tính đều phải bắt đầu từ Thiên Chúa. Lúc khởi đầu Thiên Chúa ở một mình, nhưng vì muốn chia sẻ tình yêu và sự sống vô hạn, Ngài đã đặt nên một tạo vật, là con người nhân tính, là một tạo vật mà Ngài có thể chia sẻ mạnh mẽ sự sống đó. Chúng ta, những con người nhân tính, không gì hơn là những cộng sự mà Thiên Chúa đã đặt ra để Ngài có thể chia sẻ sự sống của chính Thiên Chúa trong đối thoại, yêu thương và cái nhìn diệu vợi.

Giờ đây, nếu chúng ta có thể có được mối liên hệ đối thoại yêu thương với Thiên Chúa, Đấng vô hạn, thì có nghĩa là chúng ta có trong mình những đặc tính kinh ngạc. Chúng ta không chỉ là những hiện hữu riêng biệt, có thể đón nhận tình yêu và đạt đến tự do và tự nhận thức của mình, nhưng còn phải mở ra với vô hạn, là những hiện hữu khả thể tự mình đón nhận sự vô hạn trong tình yêu và linh thị. Bởi năng lực hướng đến sự vô hạn của mình, chúng ta, những con người không thể hoàn toàn thỏa mãn và được trọn vẹn trong đời này. Từ bản chất cấu thành của mình, chúng ta được chúc phúc và chịu kết án phải cô đơn và bất đạt, phải là những hố thẳm vô tận, phải đấu tranh không ngừng nghỉ để lấp đầy khoảng trống trong chúng ta, một khoảng sâu thẳm vô tận.

Như thế, giải thích của Rahner về nguyên do và ý nghĩa của tâm trạng cô đơn trong chúng ta gần như đồng nhất với diễn giải của Âugutinô , Tôma  và Gioan Thánh Giá. Chúng ta cô đơn vì Thiên Chúa đã tác thành chúng ta như thế, và cô đơn của chúng ta là điều tốt đẹp, mặc dù đau đớn, bởi vì cô đơn đó giữ chúng ta luôn tập trung vào mục đích mà chúng ta được tạo thành để hướng đến. Tuy nhiên, khi phát triển nhận thức về con người nhân tính này, Rahner phát triển một số chiều hướng riêng biệt về vấn đề cô đơn. 

  1. Cô đơn là sự đồng mở rộng với nhân tính của ta

Đối với Rahner, cô đơn không đơn giản là một phần của bản chất nhân tính của chúng ta, một khát mong thao thức được gắn tạm vào một hiện hữu hoàn toàn. Đúng hơn, đối với ông, chúng ta không phải là những hiện hữu có cô đơn, mà chúng ta là sự cô đơn (một “Thụ năng thần hóa tùy phục” (nhân tính [tạo vật] nhờ ơn sủng mà được “thần hóa”) – “Obediential Potency”, theo cách gọi của ông). Chúng ta là cơn khát mong, là năng lực đón nhận tình yêu vô tận, là tiềm lực để chấp nhận cách “vâng phục” đời sống thiêng liêng. Bởi thế, tâm trạng cô đơn, không phải là một giá trị vốn có trong một con người hoàn toàn khác. Đúng hơn, nó là điều quá sức căn bản trong cấu trúc của chúng ta đến nỗi khi được nhìn từ một quan điểm cụ thể, nó có thể được xem là yếu tố cấu thành căn bản nhất của nhân tính chúng ta.

  1. Cô đơn là điều thúc đẩy chúng ta và làm cho chúng ta trở nên những hiện hữu năng động

Rahner định hình con người nhân tính là con người có “Tiềm năng thuần phục thần thánh”, như một năng lực để đón nhận và đáp lời một cách tự do với tình yêu và sự sống vô tận. Hơn nữa, ông còn nhìn nhận con người nhân tính như một động năng hơn là một tĩnh năng; có nghĩa là năng lực đón nhận sự sống vô tận của chúng ta không phải là điều mà chúng ta có thể thờ ơ được (như chiếc thùng có thể làm ngơ đối với sự thật rằng nó có khả năng cụ thể là giữ nước). Thay vào đó, chúng ta có một năng lực tự làm cho chúng ta cảm thấy nó cách năng động (khát nước cháy bỏng tự làm cho người khát cảm nhận được nó). Bởi thế, “Tiềm năng thuần phục thần thánh” của chúng ta để đón nhận tình yêu và sự sống vô tận không phải là tĩnh năng của một chiếc thùng nước trống rỗng, hờ hững chờ đợi được đổ đầy, nhưng là một năng lực bừng cháy, mãnh liệt, cô đơn và cảm nhận được của một người đang khát khô. Tâm trạng cô đơn, đơn giản là trải nghiệm được cảm nhận của “Tiềm năng thuần phục thần thánh” nơi chúng ta. Trong nỗi cô đơn của mình, “trong dằn vặt về sự bất đạt những gì có thể đạt tới,” chúng ta trải nghiệm được bản chất của chính mình, học được nguyên do tại sao Thiên Chúa đã tác thành chúng ta, và được thúc đẩy ra khỏi chính mình để hướng đến kết cục trong ý định đó của Thiên Chúa. Rahner cho chúng ta biết rằng, trong cô đơn, chúng ta cũng học được rằng, ở đây, nơi đời sống này không có sự hòa hợp tối hậu.

Do đó tâm trạng cô đơn của chúng ta, xét đến tận cùng, là động cơ thúc đẩy chúng ta. Động năng nội tại của trí óc, quả tim và những năng lực thể lý đẩy chúng ta ra khỏi mình, luôn mãi bắt chúng ta tiếp tục đấu tranh để đạt được tình yêu và hiểu biết tuyệt đối. Chúng ta liên tục bị điều khiển bởi tâm trạng cô đơn của chính mình để tìm kiếm và tìm kiếm nhiều tình yêu hơn nữa, nhiều hiểu biết hơn nữa, và nhiều vẻ đẹp hơn nữa. Chúng ta có một tâm trạng cô đơn được dựng nên bên trong chúng ta làm cho cho chúng ta thành những tạo vật với khát khao, mong mỏi, ghì chặt, và đói khát. Những khát vọng tình yêu và hiểu biết của chúng ta là không giới hạn, tuy nhiên năng lực của chúng ta để làm thỏa mãn những khát vọng này luôn có giới hạn, cho dẫu chúng ta có được một tình thế tốt đến đâu đi nữa. Vì nguyên do này, cách nào đó, nơi phía này của thiên đàng, chúng ta luôn luôn cô đơn.

Tuy nhiên, chúng ta thường không nhận thức rõ rằng, cô đơn của chúng ta thật sự là đấu tranh của chúng ta cho tình yêu và sự sống vô tận, là cuộc tìm kiếm điều tuyệt đối. Rõ ràng, chúng ta nói chung, chỉ nhận ra được chúng ta đang cô đơn và muốn một con người, một trải nghiệm, một đối tượng cụ thể, hay một nhóm người, những trải nghiệm, những đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, cả khi chúng ta đang kiếm tìm một con người, một trải nghiệm, hay một đối tượng cụ thể thì chúng ta, thực sự hoàn toàn đang đấu tranh để đạt đến Thiên Chúa. Vì dù rõ ràng chúng ta đang tìm kiếm một điều gì đó rất hữu hạn và riêng biệt, thì sự đấu tranh cơ bản hướng đến Thiên Chúa trong chúng ta không bao giờ đứng yên và im lặng. Đúng hơn, nó có đó trong tất cả mọi hành động có ý thức như nguyên do hiện hữu của hành động đó. Một ví dụ sâu sắc hơn, mặc dù không phổ biến lắm, sẽ giúp chúng ta minh họa được điều này.

Ví dụ bạn thử tưởng tượng một người đàn ông cô đơn vào tối thứ bảy. Bồn chồn và không thể thỏa mãn, anh xem vô tuyến, anh đi ra ngoài để làm một việc gì đó. Anh tạt qua hộp đêm và cuối cùng dừng lại ở quầy rượu. Uống một ít, ngồi chơi một lát, anh về nhà với một cô gái bán hoa, người mà anh sẽ qua đêm và là người mà anh sẽ thử để xoa dịu nỗi cô đơn trong anh. Động cơ rõ ràng của anh có lẽ là bất cứ thứ gì ngoài trừ lý do tâm linh, nhưng một hiểu biết đúng đắn về cô đơn sẽ cho thấy nguyên do sâu xa nhất trong những hành động kiếm tìm của anh. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm lạc lối của anh có thể trở thành việc kiếm tìm Thiên Chúa. Tâm trạng cô đơn căn bản trong anh vẫn còn ý nghĩa đó. Anh bị điều khiển trong thao thức và liều lĩnh bởi chính động năng nội tại tìm kiếm một tình yêu và một sự sống vô tận. Cũng như tất cả mọi người khác, anh đã được dựng nên với một quả tim cô đơn và khát khao nước Thiên Chúa, khát mong hiệp nhất với thân thể Chúa Kitô. Sự thông dâm với cô gái bán hoa chỉ đơn giản là một nỗ lực giả tạo và mạo nhận để cố lấp đầy khoảng trống đó. Cũng như tất cả những người khác, người đàn ông này được tạo dựng nên trong đói khát, để anh có khát khao được ăn bánh hằng sống. Trong một sự liều lĩnh bồn chồn, không thể nhận ra bánh đích thực từ thiên đàng, anh đã dùng thử một thay thế không thỏa đáng.

Cụ thể thì điều này có nghĩa gì? Nó có nghĩa là, khi có được nhận thức này về nỗi cô đơn, chúng ta không nên ngạc nhiên khi chúng ta đi trên cuộc đời với tâm trạng thao thức và không thể ngồi yên. Cũng vậy, khi chúng ta biết được cô đơn đóng vai trò tâm điểm thế nào trong kết cấu nhân tính của mình, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về những nỗ lực đôi lúc cố để lấp đầy tâm trạng trống rỗng này có thể lầm lạc và liều lĩnh đến mức nào. Trên tất cả, một nhận thức như thế về tâm trạng cô đơn sẽ giúp giải phóng chúng ta. Nó sẽ dạy chúng ta rằng cô đơn là một sức mạnh vừa tốt lành vừa tự nhiên trong đời sống. Ở trong tình trạng cô đơn không có nghĩa là chúng ta khác thường, thèm khát tình yêu, ham muốn nhục dục hay bị xa lánh. Có thể tất cả những điều này có nghĩa là chúng ta mang nhân tính không thể thay đổi được và nhạy cảm với sự thật rằng chúng ta được Thiên Chúa tạo thành để thông hiệp ngất ngây trong một thân thể với tình yêu vô tận và với tất cả những con người thiện tâm. Tâm trạng cô đơn, đơn giản là sự thèm khát điều đó. Tính dục của chúng ta, tâm trạng cô đơn thể lý của chúng ta cũng là một phần trong đó. Một nhận thức đúng đắn về tâm trạng cô đơn có thể giúp chúng ta định hướng những thôi thúc cô đơn của mình cách sáng tạo và đúng đắn để hướng đến đích điểm là ý nghĩa cuộc đời chúng ta. Nếu được lắng nghe cho thích đáng, tâm trạng cô đơn sẽ nói với chúng ta mục đích mà Thiên Chúa dựng nên chúng ta. Và trong nhận thức này, chúng ta bỏ đi kỳ vọng cứu rỗi sai lầm. Không có giải pháp tối hậu cho tâm trạng cô đơn của chúng ta trong đời này. Không tiệc tùng và chè chén, khoái lạc và lang thang, danh giá và phú quý, thành công và sáng tạo nào, và thật sự là không có bất kỳ tình yêu và xúc cảm chân thật nào của con người, có thể hoàn toàn đẩy lùi được cô đơn. Tất cả những điều này tự chúng là tốt đẹp và có thể giúp xoa dịu nỗi cô đơn của chúng ta phần nào. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho chúng ta trỗi vượt hơn những điều đó. Thật vậy, trỗi vượt hơn tình yêu và xúc cảm của con người. Chỉ có một sự hiệp nhất tuyệt vời hoàn toàn với những người thiện tâm và với chính sự sống vô tận mới có thể làm cho những xung lực cô đơn của chúng ta cuối cùng cũng được nghỉ yên.

J.B. Thái Hòa dịch

370    02-10-2019