Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Cách nào giúp ta tha thứ kẻ thù?


Lc 6,27-28

download 2Chúa Giê-su dạy chúng ta: “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em.” Đây là một mệnh lệnh rất khó thực hiện, vì không những yêu kẻ thù mà còn làm ơn cho kẻ ghét mình.
Vậy có cách nào giúp chúng ta thực hiện mệnh lệnh này không?

Xét về phương diện con người, đó là chuyện không thể, nhưng vì Chúa chúng ta có thể:
Trước tiên, nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa và đều có chung một người cha là Thiên Chúa. Do vậy, trong tình liên đới đức tin, chúng ta là anh em của nhau và cùng nhau thưa với Chúa rằng: "Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Khi ấy, con người sẽ dễ yêu thương nhau. Đức Giê-su đưa ra 4 yêu cầu của tình yêu: hãy yêu, hãy làm ơn, hãy chúc lành và hãy cầu nguyện. Trong sách Lê-vi dạy phải yêu người thân cận như chính mình (Lv 19,18), nhưng Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ hay các Ki-tô hữu hôm nay đi xa hơn nữa là phải “yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”. Người tín hữu không những phải yêu kẻ thù mà còn làm ơn cho kẻ thù. Yêu và làm ơn chính là những hành động biểu lộ của tình yêu.

Vậy, những kẻ mà chúng ta tự cảm thấy ghét thì sao? Đó là một trực giác chủ quan và dễ sai lầm, vì những kẻ ta ghét tự bản chất họ chưa chắc đã xấu. Mệnh lệnh của Đức Giê-su dạy chúng ta phải yêu đến cùng, yêu không giới hạn, tức là chúng ta không chỉ yêu những người thân thuộc và những người yêu thương mình nhưng phải yêu thương tất cả, ngay cả những người thù ghét ta. Lời dạy tình yêu không giới hạn của Đức Giê-su phá đổ mọi quy luật trả báo, mắt đền mắt răng đền rằng hay lấy ác báo ác.

Tương tự như thái độ bên ngoài, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ đi vào nội tâm là “chúc lành và cầu nguyện” cho người thù ghét mình. Một tình yêu chân thật và bền vững phải xuất phát từ con tim, từ trong sâu thẳm của tâm hồn chứ không phải các hình thức hời hợt bên ngoài. Tình yêu xuất phát từ con tim đôi khi bị cho rằng tình yếu ấy có gì đó mù quáng mà lý trí không thể lý giải, “yêu là yêu mà không phải hỏi tại sao”. Minh hoạ cho ý tưởng này, Đức Giê-su đưa ra ví dụ: “ai xin thì hãy cho” (Lc 6,30a), ấy là lời mời gọi yêu thương không tính toán, không so đo.

Thứ đến, người môn đệ Chúa phải có tâm hồn biết tha thứ. Tha thứ là một hành vi vượt thắng tình cảm tự nhiên, phản ứng bình thường của con người. Chỉ khi tha thứ, chúng ta mới bước vào thế giới siêu nhiên của những người con Chúa, sống nhân hậu như lời mời gọi của Đức Giê-su: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Sự tha thứ này phải bắt nguồn từ Thiên Chúa nên không có giới hạn hay mức độ. Trong thực tế, thánh Phao-lô chỉ ra rằng chúng ta luôn luôn là kẻ mắc nợ nhau: “anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Tội lỗi của chúng ta bị cầm buộc hay được tháo gỡ tuỳ thuộc vào việc “hết lòng tha thứ” của chúng ta. Tự thân chúng ta không có khả năng bỏ qua hay quên đi lỗi lầm của người anh em, nhưng ai sống theo Thánh Thần sẽ biết cảm thương người bị xúc phạm đến mình và thanh luyện ký ức bằng cách cầu nguyện cho kẻ có lỗi.

Theo thánh Cyprien đã từng viết: “Thiên Chúa không nhận lễ vật của kẻ gây bất hoà. Người dạy họ để của lễ lại bàn thờ về giao hoà với anh em trước đã; Thiên Chúa chỉ vui nhận những lời cầu nguyện trong an hoà. Đối với Thiên Chúa, lễ dâng đẹp nhất là chúng ta sống an bình, hoà thuận, và toàn dân thánh hiệp nhất trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì thế, sự hiệp thông giữa Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạnh và tiêu chuẩn chân thực cho mọi tương quan. Khi sự hiệp thông với Thiên Chúa đầy lòng tha thứ sẽ giúp “chúng ta biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trong Đức Ki-tô” (Ep 4,32).

Như vậy, tha thứ mang một sức sống mới vì Chúa dạy chúng ta sống đến tận cùng của tình yêu (Ga 13,1). Và Đức Giê-su nói rất rõ, Thiên Chúa sẽ đối xử với chúng ta như thế nào tuỳ vào thái độ của chúng ta đối với tha nhân, bởi vì “anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.

Sau cùng, sự tha thứ phải đặt trên đời sống cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện giúp người Ki-tô hữu biết tha thứ cho kẻ thù (Mt 5,43-44) và biến đổi chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su. Thiên Chúa chỉ ban ơn cho những tâm hồn biết cầu nguyện và cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, tha thứ là một đỉnh cao của kinh nguyện Ki-tô giáo và minh chứng cho thế giới này một tình yêu mạnh hơn tội lỗi, như các vị tử đạo cha ông chúng ta trong quá khứ. Hơn nữa, tha thứ còn là điều kiện căn bản để có sự giao hoà giữa con người với Thiên Chúa (2Cr 5,18-21) và giữa con người với nhau (Gioan-Phao-lô II, DM 14).

Chúng ta biết thêm rằng cố ý thù ghét người khác là điều nghịch với đức ái. Bởi vì, thù ghét tha nhân là một tội khi cố tình ước muốn điều dữ cho người ấy và sẽ là một tội nặng khi muốn cho họ bị tai hại nặng nề. Còn Đức Giê-su dạy chúng ta: “Phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em, như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,44-45).

Thiết nghĩ rằng có khi vì yêu mà chúng ta bỏ qua hay tha thứ lỗi lầm cho nhau như câu ca ông cha ta thường nói: “yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”, nhưng cũng có khi chúng ta tha thứ cho kẻ thù không phải vì yêu mà vì Chúa. Sự tha thứ dựa trên nền tảng đời sống cầu nguyện kết hiệp sâu xa với Chúa sẽ tạo nên sự bao dung và tha thứ không giới hạn không mức độ. Xin Chúa ban ơn cho mỗi người Ki-tô hữu tự nhận thấy mình cũng là tội nhân và cảm nhận được lòng thương xót của Chúa, khi ấy chúng ta sẽ dễ tha thứ cho kẻ thù! Amen!

Nhóm suy niệm BC

658    12-09-2019