Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Cái nhìn về thế gian.

 

Chính xác thì cái gì cấu thành nên thế gian? Có phải là cái phần thế giới đối nghịch với Giáo hội: là chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa vô thần hiếu chiến, và một con số lớn những người đào thoát khỏi Giáo hội ở nhiều nơi trên thế giới không? 

 

 

Dường như, Chúa Giêsu có những cảm xúc lẫn lộn đối với thế gian. Ngài yêu thế gian, bỏ mạng vì thế gian, và đòi hỏi chúng ta phải yêu thế gian, có những khi Ngài lên án nó gay gắt và tuyên bố rõ ràng rằng nó đối nghịch với Ngài.

Vậy chúng ta phải có thái độ thế nào đây? Chúng ta sẽ nhìn thế gian này như thế nào? Liệu cái nhìn của chúng ta sẽ là phán xét hay cảm thông? Chúng ta có cảm thương mà khóc cho thế gian như Chúa Giêsu đã khóc cho thành Giêrusalem, hay chúng ta cố hết sức giữ mình xa khỏi cái thế gian theo thói thường bán đứng Thiên Chúa và đóng đinh Đức Kitô của mình?  Chúng ta có quá mềm mỏng hay quá cứng rắn với thế gian của mình hay không?

Có lẽ trước hết, chúng ta phải hỏi rằng: Chính xác thì cái gì cấu thành nên thế gian? Có phải là cái phần thế giới đối nghịch với Giáo hội: là chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa vô thần hiếu chiến, và một con số lớn những người đào thoát khỏi Giáo hội ở nhiều nơi trên thế giới không? Hay, đó là cái phần thế giới có vẻ lãnh đạm với Giáo hội: là nền văn hóa pop, công nghiệp giải trí, công nghiệp thể thao, của giới học thuật chủ đạo, các bài xã luận trên những nhật báo chính? Hay, vì một lẽ là chính những người đầy lòng đạo đã đạo diễn việc đóng đinh Chúa Giêsu, nên cái thế gian chống lại Chúa Kitô chính là các tôn giáo: Các Kitô hữu chủ nghĩa chính thống cực đoan, Hồi giáo cực đoan, các loại đức tin lầm lạc đủ kiểu?

Câu hỏi này thật không dễ trả lời. Theo tôi thì, cái thế gian đối nghịch với Chúa Kitô, được cấu thành bởi tất cả những gì vừa kể trên: khắc nghiệt, lãnh đạm, và lầm lạc. Tất cả đan kết với nhau trong thế giới hiện nay và giúp xây lên một bóng tối mà Ngôi Lời Ánh Sáng đã cố gắng xuyên thấu. Nhưng bóng tối đó có cái mâu thuẫn nội tại của nó. Trong cái tôn giáo khắc nghiệt, có vẻ lãnh đạm, và lầm lạc đó, chúng ta cũng có thể thấy được đủ màu ánh sáng. Bóng tối, tự nó, không là nguyên tuyền, và như thế điều này khiến chúng ta bối rối khi tìm xem mình nên nhìn thế gian như thế nào.

Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa là tác giả của tất cả những gì tốt lành. Bởi thế, tất cả những gì trong thế giới chúng ta tỏa ra sự sống, sự thiện, lành mạnh, quảng đại, đức tin, thông tuệ, màu sắc và khôn ngoan đều đến từ Thiên Chúa, cho dẫu nó có đang nằm ở đâu đi chăng nữa. Vì vậy, khi nhìn vào thế giới của mình, chúng ta có lẽ sẽ thiển cận và dễ dàng phân tách nó ra làm hai phần, tốt và xấu. Khi làm thế, cuối cùng, chúng ta đang đặt Thiên Chúa đối nghịch với Thiên Chúa, và taọ nên một thứ vô thần. Theo lời quả quyết khôn ngoan của Michael Buckley, thì chủ nghĩa vô thần luôn luôn là ký sinh của tôn giáo xấu. Xem sự hiện diện Thiên Chúa trong thế giới như là chuyện trắng đen rõ rệt, đó là tôn giáo xấu.

Vậy chúng ta phải nhìn thế giới như thế nào, phải nhìn cái thành phố chúng ta đang sống như thế nào? Chúng ta phải nhìn thành phố này theo đúng cách mà Chúa Giêsu đã nhìn thành phố của Ngài, thành phố Giêrusalem, khi Ngài khóc cho nó, với lòng thương và phán xét như nhau. Tôi thấy gì khi nhìn vào thành phố tôi đang sống và những thành phố khác mà tôi đã sống? Trước hết, tôi thấy tất cả mọi người tôi yêu thương đang sống ở đó. Thành phố, và cả thế giới, chẳng phải là một khái niệm trừu tượng. Nói đến thành phố và nói đến thế gian, cũng là nói đến những người mà chúng ta yêu thương, và như thế nó phức hợp lành mạnh cả lòng thương và phán xét của chúng ta. Nếu tôi tin rằng thế gian là một nơi xấu xa, thì còn những người tôi yêu thương, tôi nói gì về họ đây? Và điều gì cho tôi khác biệt với thế gian đây? Vẫn cần phải có một sự phán xét nhất định: Liệu thế giới của chúng ta tốt hay xấu?

Một mặt, khi nhìn vào thế giới ngày nay, tôi thấy ở nhiều nơi, rất nhiều việc tốt, một thế giới bừng bừng đầy sinh lực, màu sắc, vui vẻ, và ham muốn lành mạnh sự sống và siêu việt. Tôi thấy đa số mọi người đều tốt bụng, ngay chính, quảng đại và khao khát hòa bình. Tôi thấy trí tuệ và sự khôn khéo tuyệt vời. Tôi thấy một lòng kiêu hãnh lành mạnh và các quan tâm lành mạnh (đôi khi hơi quá) về sức khỏe và thân thể. Và một điều nữa rất quan trọng, là tôi thấy một thế giới, hầu như nơi nào, cũng đang tăng tiến lòng độ lượng vượt qua những khác biệt sắc tộc, giới tính, và tôn giáo.

Mặt khác, tôi cũng thấy một thế giới thường nông cạn, tự quy, và không biết hy sinh nhiều. Tôi thấy một thế giới mà người giàu không quan tâm đủ đến người nghèo. Tôi thấy một thế giới vô trách nhiệm về tính dục. Tôi thấy một thế giới đang dần đâm đầu thành con nghiện công nghệ thông tin mà không có chút phản ứng phê phán nào về việc này. Tôi thấy một thế giới đang có chiều hướng không lành mạnh ngả về hệ tư tưởng, sự thổi phồng và mốt tức thời, một thế giới sống quá chăm vào cái hiện tại hơn là vào hy vọng, một thế giới thấy thật khó để trẻ con lớn lên, và thật khó để chấp nhận việc mình già đi và sẽ chết, và một thế giới không vượt khỏi cái tự đại thiếu thời mà nắm lấy của thừa kế đức tin của mình.

Vậy những thành phố của chúng ta ra làm sao? Tốt hay xấu? Những thành phố của chính chúng ta, cũng như thành phố Giêrusalem dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, gần như tốt lành, ngay thật, nhưng phải vật lộn bởi không chịu để Thiên Chúa giúp mình.

Ronald Rolheiser

747    04-06-2018