Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Cảm nghiệm về đời sống cộng đoàn

Cảm nghiệm về đời sống cộng đoàn
CẢM NGHIỆM VỀ ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN
 

Khi nói đến đời sống cộng đoàn, mỗi người đều có những cảm nhận khác nhau, thời gian sống, sự gắn bó của mỗi người. Có người yêu thích và cảm thấy phù hợp, có người cảm thấy như là sự gò bó. Đối với cảm nhận của bản thân tôi, đời sống cộng đoàn là đời sống của sự chia sẻ, của sự cảm thông và đóng một vài trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách, là nơi mà tôi cảm nhận được tình yêu, sự nâng đỡ và sống thật với chính mình. Hơn nữa, đời sống cộng đoàn không chỉ là một nơi để tôi có thể sống, học tập và theo đuổi ơn gọi mà còn là nơi giúp tôi bào mòn đi những góc cạnh trong đời sống của riêng mình, giúp tôi thay đổi những tư tưởng của bản thân, thái độ sống, kỉ luật hơn và nhất là cộng đoàn cũng chính là nơi tôi có thể tìm được Thánh ý Thiên Chúa.

 Cộng đoàn trở nên chiếc nôi, là môi trường giúp tôi lớn lên và trưởng thành hơn về đời sống nhân bản và đời sống tâm linh. Như cành nho muốn sinh hoa trái thì phải chịu cắt tỉa, cũng vậy nhờ sự va chạm, cọ sát với nhau mà mỗi ngày tôi mới trưởng thành hơn được! Mỗi người mỗi vẻ với những đức tính tốt đẹp pha với những lầm lỗi, những quảng đại xen lẫn những ích kỷ, thương yêu xen lẫn ghen tỵ giận hờn. Cho nên, có lúc vui có lúc buồn, có lúc cởi mở chân thành mà đôi khi cũng thật căng thẳng và ngột ngạt. Vì thế, trái tim mọi người đều có những vết thương lòng, đó là sự cô đơn của chính mình được hiện rõ nhất là lúc thất bại. Mọi đau khổ, buồn sầu và mọi hình thái bị suy sụp phải chăng đều là vết thương lòng. Vì vậy, khi tôi khám phá ra sự thất bại, suy sụp ngay cả tội lỗi của tôi nếu tôi biết kết hợp với của lễ hằng ngày lúc đó tôi mới tìm lại sự bình an vào Đức Giêsu. Với bản thân tôi biết chấp nhận thân phận với mọi giới hạn, mọi mâu thuẫn và miệt mài tìm kiếm hạnh phúc đích thực tôi mới đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa. 

Nói như JEAN VANIER, cộng đoàn là nơi có những kinh nghiệm đau thương về những giới hạn yếu đuối, tăm tối. Qua những tương giao của những con người yếu đuối, biết mình được yêu thương và được tha thứ. Cộng đoàn còn là nơi đón nhận và chia sẻ, tha thứ để thăng tiến. “Trong đời sống ấy lại là một mạo hiểm phi thường mà mọi người đang cố gắng thoát khỏi bóng tối của tính ích kỷ để tiến tới nguồn ánh sáng của tình yêu đích thực…! Chỉ khi nào mỗi người trong cộng đoàn “ý thức thuộc về”, cá nhân thuộc về cộng đoàn, cộng đoàn thuộc về cá nhân. Chỉ khi nào bản thân tôi ý thức được sự thuộc về, thì lúc đó mới giúp tôi ngày càng trưởng thành hơn trong đời sống chung, ngày càng gắn bó và yêu thương cộng đoàn hơn! Nghĩa là cộng đoàn đó cơ bản là mỗi thành viên có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ để sống tốt nhất con người của mình. Tôi thiết nghĩ mỗi thành viên cũng cần phải cố gắng xây dựng và vươn lên về mọi mặt. Điều này đòi hỏi cộng đoàn phải là sự cộng sinh đầy yêu thương, thông cảm dấn thân và phục vụ để nâng đỡ mỗi thành viên phát triểnKhông ai là một hòn đảo và tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với chị em tôi. Chỉ khi nào có người khác thì tôi mới biết mình là ai, sống với người khác tôi mới phát triển được. Vì thế, tương quan là giai đoạn bắt buộc đi tới việc hiểu mình, hiểu nhau để cùng sống tốt, sống thật để đem lại hiệu quả cho từng cá nhân cũng như cho cộng đoàn. Bởi chưng, đời sống cộng đoàn phải có chất dinh dưỡng, đó là những lúc toàn thể cộng đoàn cùng ý thức về dòng đời đang hiệp nhất lại với nhau. Đó là ân sủng mà cộng đoàn sống trong niềm vui được ở cùng nhau.

Cộng đoàn có một chiều hướng làm việc thật rõ rệt và phải được hoàn thành một cách âm thầm kín đáo với một lòng yêu thương thì mới trở nên một cộng đoàn sự sống hiện diện Thiên Chúa một cách sâu xa. Vì thế, mỗi người cảm thấy vui sướng khi phục vụ và xem mọi người trổi vượt hơn mình, sống tình hiệp thông êm ấm với Thiên Chúa và ở cùng với Thiên Chúa và để Thiên Chúa đi vào đời sống thường nhật.

Cộng đoàn là nơi tôi tìm thấy Thánh ý Chúa. Quả thật, nhiều lúc tôi cũng bị rơi vào tình trạng trống rỗng trong cầu nguyện và chẳng thấy Chúa trong đời sống của mình. Thế nhưng, nhờ những giờ chia sẻ thiêng liêng, những giờ cầu nguyện chung, tham dự Thánh Lễ… thì tôi nhận ra được một nguồn sức mạnh từ đời sống thiêng liêng và nhất là được ảnh hưởng từ gương sáng của những người đi trước. Những điều đó giúp tôi nhìn lại, sửa lại những gì mình còn thiếu sót và cố gắng hơn trong cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa. 

Nhu cầu gặp gỡ
Bên cạnh đời sống cầu nguyện, để trở thành yêu thương hiệp nhất thì phải qua chiếc cầu gặp gỡ. Con người được tạo dựng để hoàn thành trong việc gặp gỡ. Nhưng điều cần thiết để có thể gặp gỡ thực sự thì tôi phải tôn trọng và chấp nhận chị em, khi tôi ra khỏi chính mình và đến với người khác, trong tôn trọng và yêu thương tôi sẽ gặp gỡ được người đó và gặp lại chính bản thân mình. Theo G.Marcel: “Gặp gỡ là sự hiệp thông… gặp gỡ là điều kiện để thêm phong phú cho nhiều người... Cuộc gặp gỡ giữa tôi và chị em là một cuộc gặp gỡ huyền nhiệm, gặp gỡ trong tình thân ái nên tôi cần phải loại bỏ những bảo thủ độc đoán để hiểu, thông cảm, yêu thương, chờ đợi và dấn thân cho nhau. Qua đó, tha nhân và tôi có thể phong phú trong chính con người thật của mình. 

Làm sao để biến “cái tôi” trở nên trọn vẹn trong cái “chúng ta. Phải xem chuyện của cộng đoàn cũng là chuyện của tôi, chuyện của chị em cũng là chuyện của tôi theo nghĩa tích cực. Nhưng nếu tôi chỉ “gặp” mà không “gỡ”thì chưa đủ, điều tôi muốn nói ở đây và tiếp theo là cần phải có những cuộc đối thoại.

Đối thoại
 Cũng là một phương tiện hữu hiệu để xây dựng cộng đoàn. Một cộng đoàn biết đối thoại, biết khiêm tốn nhìn nhận sự hữu hạn của mình thì sẽ sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của chị em. Cho nên sức sống nơi cộng đoàn phải được tồn tại cách mãnh liệt khi những mắt xích biết cảm thông, chia sẻ được đan kết lại với nhau. 

Lắng nghe
Cộng đoàn là một gia đình nếu không có sự lắng nghe thì chị em thật khó sống. Lắng nghe ở đây không chỉ là lắng nghe người khác mà thôi, nhưng cần phải lắng nghe chính mình, lắng nghe tiếng nói của lương tâm. Có lắng nghe tôi mới biết phải sống thế nào cho hòa hợp với Chúa và với chị em. Mỗi người ở nhiều miền khác nhau quy tụ thành một cộng đoàn mang theo lập trường, nếp sống, phong tục tập quán riêng chắc chắn không ai giống ai. Vì vậy, mỗi người phải vượt ra khỏi chính mình để hòa hợp, chấp nhận, cùng nhau xây dựng cộng đoàn tốt đẹp hơn. Có thể nói việc lắng nghe giúp chúng ta tự đào tạo chính mình để phù hợp với mọi người. Chính vì con người không ai là hoàn thiện nếu không có sự cọ sát, không có mối tương quan giữa bản thân với Thiên Chúa và chị em trong cộng đoàn. Cho nên việc lắng nghe là một điều không thể thiếu trong cộng đoàn.  

Một chút suy tư  
Một cộng đoàn chỉ thực sự là cộng đoàn khi các thành viên có thể biến đổi ý thức từ “cộng đoàn vì mình” đến“mình vì cộng đoàn”. Đây là sự chuyển đổi từ tính ích kỉ đến tình yêu. Vì mỗi người: “Đừng làm chi vì ganh tỵ hay vì hư danh nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác trọng hơn mình, đừng tìm lợi ích cho riêng mình nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 3,2-4)Như thế mọi người sẽ đang tiến dần đến nguồn ánh sáng tình yêu đích thực.

Với những ghen tỵ, giận hờn là tính nết xấu thường có ở trong tôi, nếu tôi luôn giữ thái độ như thế chắc chắn tôi sẽ không bao giờ tìm được một cuộc sống tốt và sống hạnh phúc, điều đó cũng rất khó để hòa nhập vào đời sống chung. Để có được cuộc sống hài hòa và hòa nhập được với nhịp sống chung chúng ta phải khiêm tốn, bác ái, bao dung và chấp nhận lẫn nhau. Như Đức Kitô quên mình, phục vụ, khiêm tốn, không so đo tính toán:“Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Ga 13,14);tha thứ đến 70 lần 7” (Mt 18,22). Tình yêu được gắn bó giữa tôi và các thành viên trong cộng đoàn được xây dựng trên nền tảng của Đức Kitô thì mới trở nên cộng đoàn tràn đầy niềm vui. Cộng đoàn phải là nơi mà mọi người thoát ra khỏi bóng mờ của tính ích kỷ để đến với nguồn ánh sáng của tình yêu đích thực: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 3,3-4). Đã là con người thì ai cũng có những yếu đuối, nhưng không có nghĩa là không làm được. Vì thế, tôi luôn ý thức phải rèn luyện không ngừng để thay đổi lối sống, suy nghĩ của mình, để hòa mình vào cuộc sống chung một cách dễ dàng hơn, biết vui với người vui, khóc với người khóc. Mong ước mình trở thành một con người chân thật trong tư tưởng, lời nói và trong cung cách sống: biết suy nghĩ đúng sự thật, không thành kiến, không cố chấp, không lập dị nhưng luôn biết chứng thực một cách sáng suốt theo đúng sự thật. Để làm được điều đó tôi cần ý thức mình cũng có nhiều khuyết điểm, thiếu khả năng làm được 
những điều đó và như thế tôi mới dễ dàng đón nhận người khác hơn.

Trong cuộc sống chung mà mỗi người đều cố gắng vươn lên cách tích cực, sống tốt, sống chân thật hết mình với cộng đoàn, biết dùng những nén bạc Chúa trao để làm sinh lợi ra những nén khác, thì chắc chắn cuộc sống của tôi sẽ có hiệu quả về mọi mặt. Tôi cảm nhận điều này rất rõ trong cuộc sống của tôi, khi sống quảng đại, chan hòa với mọi người,  tinh thần rất thoải mái sẽ dẫn đến công việc đạt hiệu quả hơn. Khi tôi cảm nhận được mình thuộc về cộng đoàn thì tôi sẽ sống hết mình và việc sống ba lời khuyên phúc âm luôn đem lại niềm vui, hạnh phúc. Vì thế, tôi luôn thầm cám ơn Chúa tôi luôn tin tưởng có Chúa luôn song hành với tôi và do đó mỗi ngày tôi phải có trách nhiệm xây dựng cộng đoàn và sống chết vì cộng đoàn.  Maria Nguyễn Thị Mến
12839    18-02-2019