Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Cần có một định nghĩa về cô đơn (2/7)

 

Chúng ta bị lâm vào tình trạng phải nô dịch cô đơn như thế nào? Làm sao chúng ta xuyên phá được bí ẩn của tâm trạng cô đơn và vượt lên khỏi đời sống đang bị ở dưới tấm kính u ám? Trước khi cố gắng giải quyết các chất vấn này cách có ý nghĩa, chúng ta cần xác định chính xác tâm trạng cô đơn này hơn. Cô đơn không phải là một hiện tượng đơn giản. Như chúng ta sẽ thấy, có nhiều dạng cô đơn khác nhau, phát sinh từ các nguyên do khác nhau, ý nghĩa khác nhau, và cần những giải pháp khác nhau. Một số dạng quan trọng, số khác thì không; một số dạng có căn nguyên thần học, hoặc có thể là dấu hiệu của sức khỏe, một số dạng chỉ nhất thời, và ngược lại. Trước khi đi xa hơn về vấn đề này, chúng ta cần phải phân biệt chúng.

Cô đơn là gì? Hầu hết các nhà phân tích đều nhận thấy sẽ là phù phiếm vô ích khi cố định nghĩa nó theo kiểu tự điển. Không đơn giản để định nghĩa được cô đơn. Sẽ hữu ích hơn nếu phân tích nó ra thành nhiều dạng hay nhiều loại. Ví dụ như, Rubin Gotesky đã thực hiện một nghiên cứu lý thuyết về tâm trạng cô đơn và kết luận ông chia nó ra thành ba loại mà ông gọi là đơn độc, cô đơn, và cô tịch (aloneness, loneliness, và solitude). Thông thường chúng ta dùng khái niệm cô đơn cho cả ba loại này, và đó là một sự mập mờ. Đối với Gotesky, đơn độc có nghĩa là chia cắt đơn thuần về không gian với người khác, và về mặt cảm giác, nó không có gì đặc biệt. Nó không nhất thiết phải đau hay thích thú, chỉ đơn giản là mình ở một mình. Mặt khác, cô đơn,chính xác là một trải nghiệm đau đớn, cảm giác mà kết cục là nhìn nhận chúng ta bị tách ly khỏi người khác, bị loại trừ, bị chối bỏ, hoặc bị cắt đứt cách vô tâm. Cô tịch là tình trạng ở một mình, nhưng cảm thấy thanh thản và yên bình trong tình trạng đó.

Đó chỉ là một ví dụ của loại phân tích này. Còn nhiều cách khác nữa, mỗi cách có tính hữu dụng riêng của nó. Không có một phân tích hay một định nghĩa tiêu chuẩn nào cho tâm trạng cô đơn. Những phân tích khác nhau cho chúng ta các cách xếp hạng khác nhau, tất cả đều có giá trị của nó, và tất cả đều hữu dụng trong nhiều kiểu khác nhau. Riêng với mục tiêu của tôi, hữu ích nhất là nên chia cô đơn ra thành năm loại ý niệm. Tuy nhiên, trước khi lược qua những dạng này, chúng ta cần có một định nghĩa chung tóm gọn về tâm trạng cô đơn.

Một định nghĩa chung

Cô đơn là một trải nghiệm thực tại. Giống như các trải nghiệm thực tại hoan lạc, buồn đau, tự do khác, cô đơn không chỉ tác động vào trí tuệ mà còn vào xúc cảm, thậm chí còn vào cơ thể chúng ta. Vì thế, đầu tiên và trên hết, nó là trải nghiệm của toàn thể con người chúng ta.

Trải nghiệm này là gì? Ở một mức độ nào đó, nó cao hơn cảm giác u ám một chút, cao hơn một cảm xúc bất định hình về sự xa lánh, loại trừ, chối bỏ, khao khát, không bằng lòng, bồn chồn, trống vắng, hụt hẫng, bất mãn, bất toàn, bất đạt, hoài niệm và chết chóc. Và cũng trong tình trạng này, các cảm giác này thường không hướng rõ rệt đến một đối tượng đặc biệt nào. Chỉ là chúng ta cảm thấy cô đơn. Tuy nhiên, tất thảy những cảm giác này có một đối tượng. Ví dụ như, chúng ta luôn khát khao một điều gì hay một ai đó; chúng ta chán nản về điều gì, hay mang trong mình cảm giác không trọn vì một nguyên do nào đó.

Đối tượng của những xúc cảm khác nhau về cô đơn này là gì? Cố gắng để liệt kê cách thấu đáo là một việc bất khả thi, bởi gần như tất cả những cảm giác nhân tính của chúng ta đều có một vài chiều kích của cô đơn trong nó. Chỉ trong một trải nghiệm cụ thể, khi chúng ta đối diện với điều này hay với một cảm giác đặc biệt về tâm trạng cô đơn, chúng ta mới có thể đôi khi xác định được một đối tượng đúng mà tâm trạng cô đơn của chúng ta đang hướng về. Bởi vì không thể có một liệt kê trọn vẹn cho tất cả cảm giác khác nhau của cô đơn đối với những đối tượng tương ứng của nó, nên chúng ta chỉ có thể nhìn vào một số hình mẫu cụ thể.

Chúng ta cô đơn vì cái gì? Chúng ta cô đơn vì nhiều điều: Cô đơn vì đang muốn có thêm tình yêu và giao thiệp, thêm hợp nhất và thông hiểu. Chúng ta khát khao và bồn chồn thao thức cho một tổng hòa mà chúng ta đã không có được. Chúng ta bị giày vò bởi cảm giác ham muốn đói khát khôn cùng, muốn biết thêm nhiều người, muốn được thêm nhiều người biết, muốn có nhiều chỗ hơn, muốn được là “nơi” của tất cả những chuyện này trong mọi nghĩa. Chúng ta hụt hẫng vì các quan hệ thường quá đầy ắp những mơ hồ và hiểu lầm, đầy nhỏ nhen và phản bội. Chúng ta cảm thấy trống rỗng và không trọn vẹn vì đã bỏ lỡ quá nhiều điều trong đời sống, triền miên bên rìa cuộc sống, như qua một tấm kính tối tăm, xa rời hành động, không thể thích hợp hoàn toàn với bí ẩn của đời sống, chúng ta đứng trước cánh cửa mà không có chìa khóa, không bước trọn chân vào đó. Chúng ta cảm thấy nhớ nhung và chết chóc khi bạn bè và những giây phút quý báu lìa xa chúng ta, chẳng bao giờ trở lại, như tuổi trẻ và sung mãn dần dần biến khỏi cơ thể, như tiếng tích tắc đồng hồ qua đi và chúng ta đánh mất quá nhiều những gì chúng ta đã có. Chúng ta cảm thấy vừa hấp hối vừa ngất ngây khi trải nghiệm cô đơn, giống như khi chúng ta có trải nghiệm vừa áp lực vừa mất mát, áp lực cho cuộc sống, mất mát cho cái chết.

J.B. Thái Hòa dịch

391    01-08-2019